Việt Sử Giai Thoại (Tập 1) - Chương 39
39 - CHUYỆN SÉT ĐÁNH RA...THƠ!
Người xưa cho rằng, mọi biến đổi lớn theo chiều hướng xấu hoặc tốt của một cuộc đời, một gia đình, một địa phương hay một triều đại...tất cả đều được báo trước bằng những điềm dữ hoặc điềm lành. Việc Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi Hoàng đế và khai sáng ra triều Lý (1010 - 1225) cũng đã được báo trước như vậy. SáchĐại Việt sử kí toàn thư(bản là, quyển 1, tờ 31a-b) chép:
“Trước đó, ở làng Diên Uẩn, thuộc châu Cổ Pháp (nay là vùng Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh - NKT), có cây gạo bị sét đánh. NgườI làng ấy đến xem kĩ thì thấy có chữ như sau:
Thụ căn diểu diểu,
Mộc biểu thanh thanh,
Hòa-đao-mộc lạc,
Thập-bát-tửthành,
Đông-a nhập địa,
Mộc dịtái sinh,
Chấn cung kiến nhật,
Đoài cung ẩn tinh,
Lục thất niên gian,
Thiên hạ thái bình.
Mấy câu này, đại để có nghĩa là:
Rễ cây sâu thăm thẳm,
Vỏ cây màu xanh xanh,
Hòa - đao - mộc thì rụng,
Thập - bát - tử thì thành,
Đông - a mà nhập địa,
Cây lạ sẽ tái sinh,
Phương Đông mặt trời mọc,
Phương Tây sao ẩn mình,
Chừng sáu bảy năm nữa,
Thiên hạ sẽ thái bình.
(Hòa – đao - mộcghép lại, có âm Hán-Việt làlê, đây chỉ họ Lê, chỉ ngôi vua của Lê Long Đĩnh.Rụnglà rụng xuống, ý nói sẽ mất đi.
Thập - bát - tửghép lại có âm Hán - Việt làlý, chỉ họ Lý. Chữ thành ngụ ý được dựng lên.Cả câu nói triều Lý sẽ được dựng lên.
Đông - aghép lại có âm Hán-Việt làtrần,chỉ họ Trần. Họ vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc nên mớI có hai chữ nhập địa.
Cây lạ sẽ tái sinhngụ ý rằng, sau cũng có triều Lê, song đó lại là một họ Lê hoàn toàn khác.
Phương Đông mặt trời mọc: Ý chỉ rằng sẽ có Thiên tử. Xưa, người ta vẫn coi Thanh Hóa là Tây, còn Thăng Long là Đông).
Nhà sư Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn rằng:
- Mới rồi tôi thấy có bùa sấm lạ kì, suy thì biết là họ Lý sẽ cường thịnh, thế nào cũng dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong khắp thiên hạ, người họ Lý kể cũng nhiều, nhưng không ai bằng Thân Vệ cả (Thân Vệ là chức của Lý Công Uẩn lúc bấy giờ - NKT). Thân Vệ là người nhân từ, được lòng người, lại đang là người nắm giữ binh quyền trong tay, cho nên, đứng đầu trăm họ, nếu không phải là Thân Vệ thì còn ai vào đó nữa. Tôi nay đã ngoài bảy mươi, những mong thư thả hãy chết, chẳng qua chỉ cốt để chờ được xem đức hóa của ông thế nào. Việc này quá là cơ may ngàn năm có một.
(Lý) Công Uẩn sợ lời ấy (của Vạn Hạnh) tiết lộ ra, bèn nhờ người anh đem Vạn Hạnh giấu ở Tiên Sơn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh - NKT). Nhưng cũng từ đấy, ý nhòm ngó ngôi vua bắt đầu nẩy sinh và người người cũng muốn theo ý đó".
Lời bàn: Phàm người đời đã tin cái gì thì thiên hạ nhất định sẽ có ngay những chuyện li kì tương ứng để củng cố niềm tin. Chuyện sét đánh ra thơ, hình thức tuy có khác nhưng suy cho cùng thì cũng có mục đích tương tự như chuyện con chó trắng ở châu Cổ Pháp bỗng dưng có đốm lông đen mang hình hai chữThiên tửchuyện quả khế có hạt mận, hoặc như chuyện con trâu ở châu Trường Yên đột ngột thay sừng mà thôi. (Xin vui lòng đọc thêm tập51 giai thoại thời Lý(tập thứ hai của bộViệt sử giai thoại)để rõ thêm những tích này).
Sấm ngôn bao giờ cũng là sấm ngôn. bí ẩn, uẩn súc đến độ rất khó hiểu. Nhưng sấm ngôn sở dĩ được muôn đời truyền tụng vì chính nó chứa chất những khát vọng đổi thay chân thành và lớn lao của trăm họ. Cho nên, thời nào còn có người viết sấm ngôn thì thời đó chưa thể gọi là thái bình thực sự được.
Lý Công Uẩn lên ngôi không phải là bởi sự định đoạt rõ ràng từ trước của sấm truyền, ngược lại, sấm truyền chẳng qua chỉ là sự khéo léo, nói sao cho hợp với việc Lý Công Uẩn lên ngôi mà thôi. Con người có sự nghiệp phi thường ấy hẳn nhiên phải được những người ngưỡng mộ của muôn đời diễn tả bằng những lời khác thường như thế.
Như bạn và như tôi, chúng ta chẳng có lời sấm truyền nào cả, những người bình thường từ ngàn xưa đến nay chẳng có lời sấm truyền nào cả. Nếu cắt nghĩa được rằng vì sao lại như thế, cũng có nghĩa là ta đã hiểu được nguồn gốc đích thực của sấm ngôn Quả là như vậy đấy.