Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 05 - 06
5 - SỐ PHẬN CỦA TRÂN NGUYÊN DIỆU
Trần Nguyên Diệu là con của vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), em ruột của vua Trần Phế Đế (1377 - 1388) và là anh ruột của Chương Tĩnh Vương Trần Nguyên Hy. Năm 1388, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vì nghe lời gièm pha của Hồ Quý Ly mà truất phế rồi giết chết vua Trần Phế Đế, Nguyên Diệu lấy đó làm mối thâm thù. Đến tháng 11 năm Kỉ Tị (1389), nhân thấy vua Chiêm Thành lúc ấy là Chế Bồng Nga đem quân sang đánh nước ta, Nguyên Diệu đầu hàng giặc và cam lòng làm tay sai cho giặc. Đầu năm Canh Ngọ (1390), Nguyên Diệu dẫn đường cho quân Chiêm tiến vào đánh phá hầu khắp vùng Bắc Bộ ngày nay, tình thế trở nên rất nguy cấp. Nhưng chẳng dè, trong trận đánh ngày 23 tháng 1 năm Canh Ngọ, tướng Trần Khát Chân đã đánh bại quân Chiêm, giết chết Chế Bổng Nga tại trận, Nguyên Diệu lâm vào một tình thế vô cùng khốn quẫn. Để mong cứu được mạng sống, Nguyên Diệu đã làm gì? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 17 - b) chép rằng:
“Khi ấy, Bồng Nga cùng với Nguyên Diệu dẫn hơn 100 thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc còn chưa kịp tập hợp lại thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, liền chạy sang doanh trại quân ta, chỉ vào chiến thuyền sơn màu xanh mà bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. (Trần) Khát Chân liền ra lệnh cho các tay súng đều nhất tề nhả đạn, bắn trúng Bồng Nga, xuyên thủng cả ván thuyền. Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu vội cắt lấy đầu Bồng Nga rồi chạy về với quan quân. Đại đội phó của Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhữ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang liền giết Nguyên Diệu, lấy luôn cả đầu của Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ. (Trần) Khát Chân sai Giám quân là Lê Khắc Khiêm bỏ đầu giặc vào hòm, đi thuyền về báo tin thắng trận ở hành tại Bình Than. Bấy giờ đồng hồ đã điểm canh ba, Thượng hoàng đang ngủ say, giật mình vì tưởng giặc đánh vào ngự doanh. Đến khi nghe tin thắng trận, lại biết là đã lấy được đầu Bồng Nga thì mừng lắm, gọi các quan tới xem cho kĩ. Các quan mặc triều phục, hô "muôn năm.” Thượng hoàng nói:
- Ta với Bồng Nga cầm cự nhau đã lâu, ngày nay mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ. Thiên hạ nay được yên rồi.”
Lời bàn: Nguyên Diệu thâm thù Thượng hoàng Nghệ Tông (cho dù Thượng hoàng Nghệ Tông cũng chính là ông nội của Nguyên Diệu), thì sự đời trớ trêu ấy cũng cứ tạm cho là hợp lẽ. Song, vì mối thâm thù riêng mà cam lòng phản quốc, Nguyên Diệu dẫu có mắt cũng kể như mù hơn cả người mù.
Nhưng, có phải thực lòng Nguyên Diệu vì muốn trả thù riêng mà đành theo giặc hay không? Nếu quả có vậy, chắc Nguyên Diệu đã chẳng cắt đầu của kẻ đã chết là Chế Bồng Nga đem về dâng nộp. Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang giết chết Nguyên Diệu, âu cũng là để trừ khử ngay kẻ cơ hội đó thôi.
Phàm đã là người đứng giữa cõi trời đất thì không thể xử thế theo cách của loài dơi trong trận giao tranh giữa chim và chuột, để rồi hễ chuột thắng thì dơi nhận mình đích thị là chuột, hễ chim thắng thì dơi nhận mình chính tông là chim.
Chỉ thời loạn mới có kẻ loạn thần tặc tử như Nguyên Diệu, song, có lẽ cũng cần nói thêm là chỉ thời loạn mới có lời điên loạn như lời của Thượng hoàng Nghệ Tông. Ôi, kẻ nhát gan đại hạng mà dám ví mình với Hán Cao Tổ, xấu hổ thay!
6 - HỒ QUÝ LY VỚI NHỮNG ĐỐI THỦ CHÍNH TRỊ CUỐI CÙNG
Sau vụ mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để bức hại vua Trần Phế Đế và một loạt văn thần võ tướng thân tín khác của nhà vua, Hồ Quý Ly tuy bề ngoài thì vờ như không đả động gì đến, nhưng trong lòng thì vô cùng căm ghét kẻ đã dám bàn mưu trừ khử mình là Trang Định Vương Trần Ngạc. Ngày ngày, Hồ Quý Ly tìm cách cô lập Trang Định Vương, đồng thời dùng mọi thủ đoạn để dồn Trang Định Vương vào thế quẫn bách. Đến năm Tân Mùi (1391), cơ hội rất thuận tiện để Hồ Quý Ly ra tay đã đến. Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 20 - b) chép rằng:
"Tháng 6, Trang Định Vương (Trần) Ngạc trốn ra trang Nam Định. Người ở trong trang ấy lấy thuyền đưa Ngạc ra trại Vạn Ninh (nay là vùng Quảng Ninh - ND). Nhưng, người trong trại ấy là Dương Độ không nhận. Thượng hoàng sai viên tướng coi quân Ninh Vệ là Nguyễn Nhân Liệt đuổi bắt về. Quý Ly ngầm sai Liệt giết (Ngạc) đi. Nhân Liệt đánh chết Ngạc rồi về tâu là Ngạc bạo ngược nên đã bị giết.”
Chẳng bao lâu sau khi Trang Định Vương chết, Thượng hoàng chợt tỉnh ngộ, hỏi ai là người đi bắt Trang Định Vương. Lúc ấy, Nguyễn Nhân Liệt sợ quá mà thắt cổ tự tử. Thế là Trần Ngạc và Nhân Liệt thì mất mạng, triều đình thì mất một thân vương và một võ tướng, Thượng hoàng thì mất một người con, chỉ có Hồ Quý Ly là chẳng mất gì cả, lại còn được thêm uy quyền.
Bấy giờ, các tướng giữ đất Hóa Châu (vùng Bình Trị Thiên cũ) như Phan Mãnh, Chu Bỉnh Khuê... đều buồn chán mà đàm tiếu đủ chuyện, đều bị Hồ Quý Ly bắt giết cả. Trong khi Hồ Quý Ly lộng quyền như thế thì người có trách nhiệm can gián và hặc tội là quan Ngự sử Đỗ Tử Trừng lại không dám nói gì. Hồ Quý Ly bèn làm thơ nhạo báng Đỗ Tử Trừng. Thơ ấy có câu rằng:
Phiên âm
Tá vấn Tử Trừng nọa trung úy,
Thư sinh hà nhẫn phụ bình sinh.
Nghĩa là
Dám hỏi Tử Trừng trung úy nhát,
Thư sinh sao nỡ phụ bình sinh?
Đến đó, chừng như Hồ Quý Ly vẫn chưa thật sự an tâm, bởi vậy vào tháng 4 năm Nhâm Thân (1392) nhân vì trời hạn hán, Hồ Quý Ly xin Thượng hoàng và nhà vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Có một người tên là Bùi Mộng Hoa cả tin, vội dâng lời của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 21 - b) chép:
“Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: "Thần nghe trẻ con có câu hát rằng, thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế cũng đủ biết Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu.” Thượng hoàng xem xong tờ tâu thì đưa cho Quý Ly. Sau, Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa.”
Từ đây, chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi chẳng qua chỉ còn là việc chọn thời điểm nào cho thích hợp nữa mà thôi.
Lời bàn: Loạn thần gieo mầm loạn đã đành, nhưng, những người quyết chí chống loạn thần, chừng như cũng đã vô tình gieo thêm mầm loạn. Trang Định Vương bỏ trốn, tưởng thế là được yên, rốt cuộc chẳng thoát lưới bạo tàn. Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê đàm tiếu khen chê, cứ tưởng mình là bậc trí gia, nào hay đứt đầu vẫn chưa kịp nhận ra mình dại khờ. Bùi Mộng Hoa mượn lời trẻ con để nói ý mình, quả là trẻ con còn hơn cà con trẻ. Nói Hồ Quý Ly có tài (dù là tài xảo quyệt) cũng được, mà nói là triều Trần lúc ấy có quá nhiều kẻ bất tài cũng được.
Nói cho công bằng thì, nếu chẳng có một Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mê muội, sẽ chẳng bao giờ có nổi một Hồ Quý Ly lộng quyền. Mới hay, giặc ngoài vào chưa hẳn đã tàn phá giang sơn bằng kẻ cầm quyền bính trong nước mà kém cỏi cả tài năng lẫn đức hạnh. Nếu cứ trách riêng Hồ Quý Ly, ắt có chỗ chẳng công bằng.