Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 09 - 10

9 - HỒ QUÝ LY VỚI VIỆC DỜI ĐÔ

Năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly quyết định dời đô vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa (nay là vùng thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Trước quyết định hệ trọng này, một số quan lại đã tỏ ra băn khoăn lo ngại và mạnh dạn phát biểu ý kiến riêng của mình. Nhưng, tất cả đều bị Hồ Quý Ly gạt bỏ. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 28 - b và 29 - a) có chép lại sự kiện này, kèm thêm lời bàn của Phan Phu Tiên như sau:

“Mùa xuân, tháng giêng (năm 1397 - ND), sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tinh (cũng có sách chép là Đỗ Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố có ý muốn dời đô đến đó. Tháng ba thì công việc hoàn tất.

Trước đó, triều đình bàn bạc chưa xong, quan Hành khiển là Phạm Cự Luận khuyên nên thôi. Quý Ly nói:

- Ý ta đã quyết từ trước rồi, ngươi còn nói gì nữa.

Đến đây thì thực hiện. Lúc ấy có quan Khu mật chủ sự là Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói rằng:

- Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ (một trong những tên gọi của kinh đô Thăng Long - ND) có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị (tức sông Hồng - ND), núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không ai không lấy đất ấy làm nơi rễ sâu gốc vững. (Nay, xin) hãy noi theo việc trước, như quân Nguyên bị giết, như giặc Chiêm phải nạp đầu... nghĩ lại để làm thế vững vàng cho nước nhà. Động An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với thời loạn mà không hợp với thời thịnh trị. Còn như nếu nói để dựa vào thế hiểm trở, thì người xưa đã có câu "tại đức bất tại hiểm" (cốt ở đức chứ không phải cốt ở chỗ hiểm).

Quý Ly không nghe. Về sau, đến kì xét công (để thăng thưởng), Quý Ly thấy có tên của Nhữ Thuyết, bèn nói: "người này từng nói cốt ở đức, không cốt ở chỗ hiểm,” rồi bỏ, không dùng.

Phan Phu Tiên nói: Tào Tháo dời kinh đô về đất Hứa, nắm lấy thiên tử để sai khiến chư hầu, cơ nghiệp nhà Hán chìm đắm thực là bắt đầu từ đó. Quý Ly dời kinh đô đến An Tôn, giết Vua và diệt họ Vua, cơ nghiệp nhà Trần tan nát, chả lẽ lại không phải là bởi tại đó? Tuy nhiên, bọn loạn thần tặc tử đời nào mà chẳng có. (Cho nên) trước phải cốt ở người làm vua biết cương quyết xử đoán, sáng suốt mà tra xét để sao cho không còn mối lo về sau.”

Lời bàn: Hồ Quý Ly không dùng Nguyễn Nhữ Thuyết chỉ vì câu nói “cốt ở đức, không cốt ở chỗ hiểm” tức là đã tự lột tả hết cái tâm của mình rồi.

Dời đô về Thanh Hóa, ấy là Hồ Quý Ly muốn lợi dụng đất dựng nghiệp của mình, ngược lại, nhà vua vào đó có khác gì bị đi đày. Trần Thuận Tông vừa vào đến nơi đã bị giết. Trần Thiếu Đế chỉ được lập lên cho có vì được hai năm thì bị truất ngôi. Hồi chuông cáo chung của nhà Trần đến đó là dứt. Thuận Tông nào biết, sau việc dời đô là việc dời cơ nghiệp đế vương từ tay họ Trần sang tay họ Hồ.

10 - HỒ QUÝ LY ĐÃ THỰC HIỆN LỜI THỀ VỚI THƯỢNG HOÀNG TRẦN NGHỆ TÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Sách Đại Việt Sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 31 - b và tờ 32 a - b) chép rằng:

“Mùa xuân (năm Mậu Dần, 1398 - ND) tháng ba, ngày 15, Lê Quý Ly bức Vua phải nhường ngôi cho Hoàng tử An. Quý Ly vốn có ý cướp ngôi, nhưng vì đã trót thề với Nghệ hoàng, nên sợ trái lời, bèn ngầm sai một người đạo sĩ (tên là) Nguyễn Khánh ra vào trong cung, thuyết phục Vua rằng:

- Cõi tiên thanh nhã thơm tho, khác hẳn phàm trần. Liệt thánh triều ta chỉ thờ đạo Phật, chưa có ai đi theo chân tiên (ý nói là chưa tu theo Đạo giáo - ND). Bệ hạ được tôn ở ngôi cửu ngũ (tức ngôi vua - ND) nhưng (ở ngôi ấy thì) muôn việc khó nhọc, chi bằng hãy truyền ngôi cho Đông cung (tức Thái tử - ND) để giữ khí hư hòa.

Vua nghe lời. Khánh làm lễ tâu ghi vào sổ phụng đạo đến cõi tiên. Quý Ly làm cung Bảo Thanh Ở phía tây nam núi Đại Lại (tên một quả núi ở Thanh Hóa, gần Tây Đô - ND) rồi mời Vua tới ở đó. Vua bèn nhường ngôi cho Hoàng thái tử. Tờ chiếu nhường ngôi đại khái nói rằng: "Trẫm sớm mộ huyền phong (từ của Đạo gia, chỉ sự thanh tao của phong cách - ND), không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc (xe riêng của thiên tử - ND). (Trẫm) đức kém mà lạm giữ ngôi cao, thực khó lòng kham nổi. Huống chi, tâm bệnh (của trẫm) thường hay phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Trước có lời thề, trời đất quỷ thần đều đã nghe, nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn. Hoàng thái tử An hãy lên ngôi Hoàng đế. Phụ chính thái sư Quý Ly hãy lấy danh nghĩa Quốc tổ (Quý Ly là ông ngoại của Thái tử An nên mới được gọi như thế - ND) mà giữ quyền nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái thượng nguyên quân Hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa ý nguyện từ trước.”

Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất, đại xá thiên hạ. (Vua) tôn Khâm Thánh Hoàng hậu làm Hoàng thái hậu.

Khi ấy, Thái tử mới lên ba tuổi (tính theo tuổi ta, thực ra chỉ mới hai tuổi - ND), nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai Thái hậu lạy trước cho Thái tử lạy theo. Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương, bản văn thì đề là Trung thư, Thượng thư Sảnh phụng nhiếp chính, Cai giáo Hoàng đế thánh chỉ v.v...

Ngày hôm ấy, (Vua) lên ngự điện ở kinh đô mới. Lễ mừng xong, ban yến tiệc cho các quan từ ngũ phẩm trở lên, cho phép con trai, con gái dạo xem ở cửa nam thành cả ngày lẫn đêm.”

Lời bàn: Mùa hè năm Giáp Tuất (1394) Hồ Quý Ly có thể với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông là sẽ giúp họ Trần truyền ngôi đến con cháu. Năm ấy, vua Trần là Trần Thuận Tông mới 16 tuổi, chưa có con nối dõi. Nếu bắt phải chờ cho đến hết đời Trần Thuận Tông rồi lại chờ tiếp cho đến hết đời con của Trần Thuận Tông để cho đủ gọi là... truyền đến con cháu họ Trần, thì Hồ Quý Ly chẳng thể làm được, bởi lẽ lúc ấy Hồ Quý Ly đã già, mà chẳng già thì chờ đợi lâu năm, đối với Hồ Quý Ly cũng là sự vô lí không thể chấp nhận được. Thôi thì trước hãy làm cho con cháu họ Trần rời ngôi vị sớm, sau sẽ làm cho con cháu họ Trần mãn kiếp sớm hơn. Hồ Quý Ly nhân nhượng để cho vua Trần Thuận Tông (cũng là con rể của Quý Ly) ở ngôi 10 năm (1388 - 1398), lại để cho vua Trần Thiếu Đế (tức Thái tử An trước kia, cũng là cháu ngoại của Quý Ly) ở ngôi 2 năm (1398 - 1400), thế cũng đã là đúng nghĩa... truyền đến con cháu rồi. Ai dám bảo là Hồ Quý Ly sai lời thề ước với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông? Ôi, cái đúng này mới chua chát và cay độc làm sao.

Nên chăng, hậu thế hãy nói: "Giữ đúng lời thề như Hồ Quý Ly!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3