Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 25 - 26

25 – CHUYỆN TRẦN NGỖI VỚI ĐẶNG DUNG VÀ NGUYỄN CẢNH CHÂN

Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ Tông, từng được Nghệ Tông phong là Giản Định Vương. Khi nhà Hồ cướp được ngôi, Trần Ngỗi bị đổi làm Nhật Nam Quận vương (cũng là tước vương nhưng thấp hơn tước vương cũ một bậc). Đến lúc quân Minh xâm lược nước ta, Trần Ngỗi lần tránh đến đất Ninh Bình. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), được sự giúp sức của Trần Triệu Cơ, Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Yên Mô (Ninh Bình), xưng là Giản Định Đế và chính thức dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh.

Sau khi Trần Ngỗi lên ngôi, viên Đại tri châu ở Hóa Châu là Đặng Tất đã giết bọn quan lại nhà Minh ở châu này rồi đem hết lực lượng về theo Trần Ngỗi. Ông cũng còn dâng cả con gái của mình cho Trần Ngỗi nữa. Đáp lại, Giản Định Đế Trần Ngỗi đã phong cho Đặng Tất tước Quốc công. Hai bên thề cùng nhau giết giặc để giải phóng nước nhà và khôi phục lại họ Trần.

Sau Đặng Tất không bao lâu, quan An phủ sứ lộ Thăng Hoa của nhà Hồ cũ là Nguyễn Cảnh Chân cũng theo về. Thế lực của Trần Ngỗi nhờ đó mà ngày càng mạnh.

Đặng Tất có con trai là Đặng Dung, còn Nguyễn Cảnh Chân thì có con trai là Nguyễn Cảnh Dị. Quả đúng là "hổ phụ sinh hổ tử" cha con Đặng Tất và cha con Nguyễn Cảnh Chân đều là những bậc tướng tài, thanh thế của Trần Ngỗi gần như đều do họ tạo ra cả. Đến cuối năm Mậu Tí (1408), quân của Giản Định Đế Trần Ngỗi đã giải phóng được gần hết vùng đất từ Thanh Hóa trở vào, đồng thời, thắng một trận lớn ở Bô Cô (Ý Yên, Nam Định), chút nữa thì giết được cả Tổng binh giặc là Kiềm quốc công Mộc Thạnh. Song, cũng từ sau trận Bô Cô, nội bộ các lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này mất đoàn kết nghiêm trọng. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, từ tờ 10 - b đến tờ 12 - a) chép rằng:

"Bấy giờ, nhà Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ vân Nam đến Bô Cô. Vừa lúc đó, Vua (chỉ Trần Ngỗi - ND) cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, lại gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, (Vua) sai các quân đóng cọc giữ (thuyền) và lên bờ đắp lũy. (Mộc) Thạnh cũng chia quân thủy bộ cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ tị đến giờ thân (từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều - ND), quân Minh thua chạy. (Quân Vua) chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị cùng các quân mới, cũ đến hơn 10 vạn tên. (Trận ấy), chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát về thành Cổ Lộng (tức thành Cách, cũng thuộc Ý Yên, Nam Định - ND). Vua bảo các quân:

- Hãy thừa thế chẻ tre mà đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan (tức thành Hà Nội - ND) thì chắc chắn phá được chúng.

(Đặng) Tất tâu rằng:

- Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.

(Vua) do dự mãi không quyết định được. Quân (giặc) giữ thành Đông Quan đến cứu viện, đón Mộc Thạnh về. (Đặng) Tất chia quân vây đánh các thành, gửi hịch cho các lộ hành quân đánh giặc.

Phan Phu Tiên nói: Đặng Tất chỉ biết hành quân là gấp mà không biết là cứu Đông Đô còn gấp hơn. Hình thế Đông Đô có tầm cả nước, chiếm được Đông Đô thì các lộ không đâu không hưởng ứng, hơn nữa, hào kiệt trung châu đều ở đó cả. Bỏ nơi ấy mà không lo đánh chiếm, lại chia quân phân tán đi các xứ, vì thế hiệu lệnh không thống nhất, rốt cuộc đi đến sụp đổ là đáng lắm.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đường Thái Tông dùng binh, phần nhiều nhân thế chẻ tre mà giành được thắng lợi, ấy cũng bởi (nhà vua ấy) có tư chất anh hùng mà tướng sĩ cũng vốn đã được rèn sẵn. Vua (Giản Định) tính kế quyết thắng nhưng (Đặng) Tất không theo, cố nhiên là đáng tiếc. Song, cũng có lẽ bởi (Đặng) Tất liệu vua mình không phải là bậc anh hùng như (Đường) Thái Tông, mà quân thì mới từ xa đến, lương thực e không tiếp tế được, còn như quân ở kinh lộ thì chưa tập hợp xong, chẳng thà theo phép "thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi" (hơn địch gấp mười lần thì bao vây mà tiêu diệt, hơn địch gấp năm lần thì đánh). Nếu không thế thì thành Cổ Lộng chỉ cách Bô Cô không quá nửa ngày đường, sao lại không thừa thế chẻ tre mà đánh, còn nói gì đến thành Đông Quan (ở xa xôi). Kế ấy (của Đặng Tất) cũng chưa lấy gì làm hỏng lắm, chỉ vì vua tin lời gièm pha mà vội giết (Đặng) Tất đó thôi. Than ôi, Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, trổ tài mới trong khoảng một tuần một tháng, công việc mới làm được một nửa mà đã chết oan, đó là cái họa sụp đổ (của nghĩa quân Trần Ngỗi chứ đâu phải là tội của (Đặng) Tất.”

Cũng sách trên (tờ 12 - b và tờ 13 - a) đã chép tiếp về kết cục sự bất đồng ý kiến giữa Giản Định Đế Trần Ngỗi với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân như sau:

"Mùa xuân, tháng 2 (năm Kỉ Sửu, 1409 - ND), giết Quốc công Đặng Tất và Đồng tri khu mật viện tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Khi ấy, Vua đóng ở Hoàng Giang, nội nhân là Nguyễn Quỹ, học sinh là Nguyễn Mộng Trang mật tâu rằng Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ quan và cách chức (quan lại), nếu không sớm tính đi thì sau này sẽ khó mà kiềm chế. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất. Chân chạy lên bờ, bị lực sĩ đuổi theo chém chết.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua may mà thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, (xuống chiếu) cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con (Nguyễn) Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng. Thắng trận Bô Cô, thế nước lại mạnh, vậy mà nghe lời gièm pha li gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì hỏi làm sao nên việc được? Cho nên, đức của người làm vua, quý ở chỗ kiên quyết và sáng suốt, kiên quyết thì có thể xét đoán được, sáng suốt thì có thể thấy rõ được. Ôi, nếu lúc đó, Vua gọi hai đại thần đến, dẫn hai đứa (hoạn quan) ấy kể rõ tội gièm pha vu hãm đại thần rồi chém ngay chúng đi, khiến cho uy lệnh được thi hành mà bọn Tất càng thêm lòng cảm kích. Giá thử họ có manh tâm chuyên quyền thì chả lẽ lại không sợ uy mà phải tự hối cải, lo gì việc khó kiềm chế? Không làm được như vậy thì chỉ có long đong rồi chết chìm hết mà thôi.”

26 - ĐẶNG DUNG VỚI BÀI "THUẬT HOÀI"

Tháng 2 năm Kỉ Sửu (1409) vì bất đồng ý kiến với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, Giản Định Đế Trần Ngỗi đã giết chết cả hai vị hổ tướng nanh vuốt này. Sai lầm nghiêm trọng đó đã làm cho lực lượng Trần Ngỗi phải gánh chịu một tổn thất không gì bù đắp nổi. Bấy giờ, mặc dầu rất căm giận Trần Ngỗi, nhưng con của Đặng Tất là Đặng Dưng và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị vẫn không từ bỏ cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Hai ông đem một bộ phận nghĩa quân về Thanh Hóa, đón một tôn thất khác của họ Trần là Trần Quý Khoáng vào Nghệ An rồi tôn Trần Quý Khoáng lên làm vua. Quý Khoáng là con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của Trần Nghệ Tông và là cháu gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột. Khi lên ngôi, Quý Khoáng lấy niên hiệu là Trùng Quang nên sử vẫn quen gọi ông là Trùng Quang Đế.

Như vậy là, một cuộc khởi nghĩa, cùng chống chung một kẻ thù, nhưng lại có đến hai vị hoàng đế họ Trần lãnh đạo, đó là biểu hiện của sự chia rẽ, của nguy cơ thất bại. Quân Minh đã triệt để lợi dụng chỗ yếu này để từng bước dập tắt hoàn toàn cuộc khởi nghĩa.

Cuối tháng 11 năm Quý Tị (1413) Đặng Dung bị giặc bắt giải về Trung Quốc, nhưng dọc đường, ông đã nhảy xuống sông tự tử. Sinh thời, Đặng Dung là người tài kiêm văn võ. Ông là tác giả của bài Thuật hoài, một trong những áng hùng thi kiệt xuất của văn học dân tộc. Nay, xin theo nguyên bản chép trong Toàn Việt thi lục mà phiên âm, dịch nghĩa và mạo muội dịch thơ như sau:

Phiên âm:

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hừng ẩm hận đa.

Trí chủ hữu hoài phò địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỉ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà tiếc thay tuổi đã già,

Trời đất rộng lớn cùng nhập vào cuộc say ca.

Thời cơ đến, bọn hàng thịt (ngoài chợ), bọn đi câu (ngoài sông) vẫn có thể thành công dễ dàng,

Lỡ vận, người anh hùng cũng phải uống nhiều tủi hận.

Phò vua, có lòng nâng trục đất,

Rửa binh khí, tiếc là không có lối kéo sông Ngân Hà xuống.

Nợ nước chưa đền mà đầu đã sớm bạc,

Bao phen, thanh gươm Long Tuyền đem mài dưới ánh trăng.

Dịch thơ:

Sự đời bề bộn, tiếc mình già,

Trời đất quay cuồng cuộc say ca.

Gặp thời, đồ điếu thành công dễ,

Lỡ vận anh hùng ngậm xót xa.

Phò chúa dốc lòng ghì địa trục,

Rửa gươm chẳng lối kéo Ngân Hà.

Nợ nước chưa đền, đầu đã bạc,

Gươm mài bao bận dưới trăng ngà.

Về bài thơ này, Lý Tử Tấn đã có một lời bình, ngắn gọn mà vẫn đầy đủ và sâu sắc: "Phi hào kiệt chi sĩ, bất năng" (nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi bài thơ này). Lời ấy có lẽ cũng đủ để thay cho mọi lời bình khác.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3