Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 27 - 28
27 – ĐỨC ĐỘ CỦA GIẢN ĐỊNH ĐẾ
Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), nhờ được sự trợ giúp đắc lực của Trần Triệu Cơ, Giản Định Vương Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Mô Độ, châu Trường Yên (nay thuộc xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Sử bắt đầu gọi Giản Định Vương là Giản Định Đế kể từ đó.
Lên ngôi vừa được hai tháng, Trần Ngỗi đã giết hại một lúc đến hơn 500 người, gồm cả tôn thất họ Trần lẫn nhiều người khác. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 9 a - b) chép rằng:
“Giết bọn ngụy quan Trần Thúc Dao và thuộc hạ hơn 500 người. Trước đây, người Minh lấy tôn thất họ Trần là Trần Thúc Dao con của Trần Nguyên Đán) giữ đất Diễn Châu (Nghệ An - ND) và lấy cựu tướng quân là Trần Nhật Chiêu giữ đất Nghệ An. Đến đây, vua lên ngôi mà họ không đón rước nên bị giết.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thiên hạ đại loạn, nhân dân ở Nghệ (An) và Diễn Châu nào biết ai là chân chúa? Thúc Dao là con nhà tôn thất, Nhật Chiêu là tướng quân cũ, cùng nhận quan tước của nhà Minh để giữ đất và trị dân, thử hỏi, dân không theo liệu có được không? Giết Thúc Dao và Nhật Chiêu là phải, còn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, chúng dám đâu lại không cảm kích ơn đức đó. Giết đến nhiều như vậy thì làm sao mà gọi là đạo quân nhân nghĩa được?"
Có thể coi sự kiện này là lần đại thất đức thứ nhất của Trần Ngỗi. Ông dựng cờ xướng nghĩa chống xâm lăng, nhưng chưa giết được tên giặc nào thì đã giết quá nhiều dân.
Một năm sau, vào tháng 10 năm Mậu Tí (1408), Trần Ngỗi lại có thêm sự phò tá của cha con Đặng Tất, Đặng Dung và cha con Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị. Họ đều là những bậc danh tướng tài kiêm văn võ, cho nên, thanh thế của Giản Định Đế lên rất nhanh. Hai tháng sau, (vào ngày 14 tháng 12), Đặng Tất đại phá quân Minh ở Bô Cô (Ý Yên, Nam Định), chút xíu nữa là giết được Tổng binh giặc. Tiếc thay, sau trận đại thắng này, Trần Ngỗi bất đồng ý kiến với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Để giải quyết sự bất đồng, Trần Ngỗi đã giết chết cả hai vị hổ tướng. Việc làm ngu muội ấy thật không khác gì Trần Ngỗi tự chặt đứt hai cánh tay của chính mình, và đó là lần đại thất đức thứ hai.
Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị vì căm giận Trần Ngỗi giết hại cha mình, bèn bỏ Trần Ngỗi chạy về Thanh Hóa, lập một tôn thất khác là Trần Quý Khoáng lên ngôi để tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Minh. Trần Quý Khoáng là con của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của Trần Nghệ Tông và cũng là cháu gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột. Thời Hồ, Trần Quý Khoáng được phong là Nhập nội trị trung, đến đây lên ngôi, lấy hiệu là Trùng Quang, sử nhân đó gọi ông là Trùng Quang Đế.
Một lực lượng, cùng chống một kẻ thù chung là quân Minh, nhưng lại có đến hai Hoàng đế họ Trần lãnh đạo, đó là điều chẳng hay. Để khắc phục tình trạng này, ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), các tướng của Trùng Quang Đế như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... đã tổ chức đánh úp và bắt Giản Định Đế Trần Ngỗi về. Tuy nhiên, bắt về không phải để giết mà là để hợp nhất lực lượng. Cách làm tuy có thô bạo nhưng mục đích thì quả là rất cần thiết. Tiếc thay, Giản Định Đế Trần Ngỗi lại không thấy được hết sự cần thiết này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 13 - b) chép:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng bảy (năm Kỉ Sửu, 1409 - ND), Hưng Khánh Thái hậu (mẹ của Trần Ngỗi - ND) cùng với Hành khiển là Lê Tiệt, Lê Nguyên Đỉnh ngấm khởi binh ở Hát Giang, mưu đánh úp Trùng Quang Đế. Người Nghệ An là Nguyễn Trạo tiết lộ việc ấy. Trùng Quang Đế giết bọn Tiệt và Nguyên Đỉnh, còn những người khác thì đều tha cả.”
Với sự kiện này, chúng ta có thể biết được gốc mạch của sự đại thất đức ở Trần Ngỗi bắt đầu từ đâu. Mẹ nào con nấy, cổ nhân nói chẳng sai chút nào. Cũng may mà Trùng Quang Đế xử thế có phần khác hơn. Cũng sách trên viết tiếp:
"Ngày 20 (tháng 4 năm Kỉ Sửu - ND) bọn Nguyên Súy dẫn Hưng Khánh (đây chỉ Trần Ngỗi - ND) đến sông Tam Chế (tức sông Lam - ND) ở Nghệ An. Trùng Quang đổi mặc áo thường xuống thuyền đón rước. Khi ấy, trời đất đang tối sầm bỗng có mây vàng rực rỡ, mọi người đều kinh ngạc. (Trùng Quang Đế) bèn tôn Hưng Khánh làm Thượng hoàng, cùng chung sức đánh giặc.”
Lời bàn: Trong mọi công đức, cứu nước là đại công đức. Ngọn cờ cứu nước của Giản Định Đế Trần Ngỗi lúc ấy đúng là ngọn cờ đại công đức. Song, cứu nước mà không cứu dân thì cứu nước để làm gì? Tiếc thay cho Trần Ngỗi, người đã làm những điều đại thất đức ngay trên đường giương cờ đại công đức.
28 - QUAN CHÁNH SỨ HỒ NGẠN THẦN
Hồ Ngạn Thần (sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là Hồ Nghiện Thần) đỗ Cử nhân năm Ất Dậu (1405) đời vua Hồ Hán Thương, sau được sung làm Thái học sinh lí hành (tương đương với Thái học sinh, tức Tiến sĩ, nhưng chưa chính thức đỗ đạt gì). Ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409) Trần Quý Khoáng được các tướng như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... tôn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Hồ Ngạn Thần nghe tin liền theo về ứng nghĩa, được Trùng Quang Đế thăng đến chức Hành khiển.
Tháng 9 năm Tân Mão (1411) Trùng Quang Đế sai quan Hành khiển Hồ Ngạn Thần cầm đầu sứ bộ sang nhà Minh để xin cầu phong! Đó là một việc làm ngây thơ đến độ dại dột và khó hiểu của Trùng Quang Đế. Các sử gia triều Nguyễn, tác giả của bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau khi chép lại sự kiện này (ở chính biên, quyển 12, tờ 34) đã hạ bút phê rằng:
“Sự thể đã đến thế mà còn thỉnh cầu gàn rỡ mãi, thật là mù quáng về thời cơ, không còn hiểu gì cả.”
Nhưng, vua nào bề tôi ấy, Chánh sứ Hồ Ngạn Thần cũng xử sự ngây thơ đến độ dại dột và khó hiểu không kém gì Trùng Quang Đế. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 17 a - b) chép:
"Sai Hành khiển Hồ Ngạn Thần làm sứ giả đi cầu phong, cho quan Thẩm hình là Bùi Nột Ngôn làm phó, mang biểu văn, phương vật và hai tượng người bằng vàng và bằng bạc thay thân mình (sang nhà Minh). Trước đó, vua đã sai Hành khiển Nguyễn Nhật Tư và Thẩm hình Lê Ngân sang cầu phong. Vua Minh nổi giận, bắt giam rồi giết cả. Đến nay lại sai Ngạn Thần đi. (Khi bọn Ngạn Thần) đến Yên Kinh, vua Minh sai Hồ (Nguyên) Trừng giả vờ lấy ân tình cũ để hỏi thăm sức khỏe của Vua và tình hình trong nước thế nào. (Hồ) Ngạn Thần nói hết cả với Trừng. Nột Ngôn thì không chịu khuất phục. Nhà Minh giả cách cho Vua làm Giao Chỉ Bố chính sứ, Ngạn Thần làm Tri phủ Nghệ An. Đến khi sứ bộ về nước, Nột Ngôn tâu hết việc Ngạn Thần tiết lộ việc nước và nhận lệnh của giặc. (Vua sai) bắt Ngạn Thần giam vào ngục rồi giết đi.”
Lời bàn: Trần Quý Khoáng lên ngôi để quy tụ lòng người mà đánh giặc, sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, đại sự chưa lo lại lo tìm hư danh hão, đó là sự sai lầm. Cúi đầu xin cầu phong ở Hoàng đế của nước đang đem quân đi xâm lược nước mình, hỏi có khác gì tự đưa tay vào miệng cọp dữ đang đói mà xin sự an bình? Cái chết của Nguyễn Nhật Tư và Lê Ngân cũng chưa đủ để thức tỉnh Trùng Quang Đế hay sao? Cho nên, trong sự sai lầm lại còn có sự sai lầm nữa. Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục nghiêm phê như trên là phải lắm.
Triều Hồ sụp đổ bởi quân Minh, cha và em rồi thân tộc đểu bị giết cả, Hồ Nguyên Trừng nguyên là Tướng quốc của triều Hồ mà được nhởn nhơ sống phú quý trên đất nhà Minh, chừng ấy cũng đủ biết là người như thế nào. Hồ Ngạn Thần thực sự không biết gì về hành trạng của Hồ Nguyên Trừng hay là biết mà cũng lờ đi như không biết? Vì sao cũng mặc, đã tiết lộ việc nước cho kẻ đầu hàng thì phải chịu tội. Sứ giả mà mơ hồ về chính tri, tác hại gây ra thật khó lường.