Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 33 - 34
33 - CHUYỆN LỘ VĂN LUẬT
Lộ Văn Luật người huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết khi quân Minh xâm lược nước ta, ông đầu hàng và được quân Minh cho phò tá một tên tướng cao cấp của giặc là Lý Bân.
Tháng 7 năm Kỉ Hợi (1419), khi Lý Bân đi đàn áp ở Nghệ An, Lộ Văn Luật là tướng tiên phong. Song, do chỗ Lý Bân dùng mà không tin nên năm ấy, Lộ Văn Luật lo sợ và bỏ trốn. Lý Bân tức giận, cho bắt giết cả mẹ già lẫn anh em trong gia thuộc của Lộ Văn Luật. Có lẽ cũng vì mối hận này mà đến tháng 4 năm Canh Tí (1420), Lộ Văn Luật quay trở về quê nhà là vùng Thạch Thất, phát động nhân dân ở đây nổi dậy chống quân Minh. Lý Bân lập tức cho quân đến đàn áp. Nhân dân địa phương hoảng sợ, đem nhau chạy vào hang Phật Tích (tức hang Sài Sơn hay hang Núi Thầy) và hang An Sầm. Lý Bân sai lính dỡ nhà dân làm củi để hun lửa vào hang, giết chết dân trong cả hai hang nói trên. Lộ Văn Luật thoát ra được và chạy sang Ai Lao (đất Lào ngày nay), được Quốc vương Ai Lao dung dưỡng.
Bấy giờ, Lê Lợi đã khởi binh, ngoài chỗ dựa lợi hại là căn cứ Lam Sơn hiểm trở ở phía Tây Thanh Hóa, Lê Lợi còn được sự hỗ trợ đắc lực của Ai Lao. Quân Minh vì thế mà không thể đè bẹp được phong trào Lam Sơn.
Đến Ai Lao, lẽ ra Lộ Văn Luật phải nuôi mối thâm thù với quân Minh và tập hợp hào kiệt để chờ ngày rửa hận, song, ông đã làm ngược lại. Do có dịp gần gũi với Quốc vương Ai Lao, Lộ Văn Luật đã tìm cách li gián Quốc vương Ai Lao với Lê Lợi. Kết quả là vào tháng 11 năm Tân Sửu (1421), khi Lê Lợi vừa thắng quân Minh hai trận ở Kình Lộng và Đèo Ống (Thanh Hóa), thì Quốc vương Ai Lao bất thình lình cho quân đánh úp Lê Lợi từ phía sau. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 8 a - b) mô tả trận này như sau:
"Vua (chỉ Lê Lợi - ND) ngầm phục kích ở Đèo Ống (tả ngạn sông Mã - Thanh Hóa - ND) để đợi giặc. Đến trưa thì quả nhiên (Trần) Trí đem quân theo đường núi mà đến. Quân mai phục hai bên (của Lê Lợi) xông ra đánh tan giặc. Quân (Trần) Trí phải rút lui. Nhưng, đúng lúc ấy, Ai Lao đem 3 vạn (có sách chép là 5 vạn - ND) quân và 100 thớt voi thình lình đến doanh trại của Vua, giả dạng cùng hợp sức với Vua để đánh giặc. Vua tin lời của họ nên không phòng bị gì. Đến nửa đêm thì (Vua) bị họ đánh úp. Vua phải đích thân đốc chiến, đánh suốt từ giờ tí đến giờ mão (tức là từ 23 giờ đêm hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau - ND) mới phá tan được quân Ai Lao, chém hơn một vạn thủ cấp, bắt được 14 thớt voi và (lại còn) thừa thắng, truy kích bốn ngày đêm liền, đuổi (quân Ai Lao) đến tận sào huyệt của chúng rồi mới về.”
Cũng sách trên (tờ 9 - a) viết tiếp:
"Trước đây, Vua vốn thân thiện với Ai Lao, chưa từng có sự hiềm khích gì. Hồi Vua còn cầm cự với giặc ở Lư Sơn (Thanh Hóa - ND), Ai Lao từng cho quân đến giúp sức. Nay vì tên nguy quan là Lộ Văn Luật trốn giặc chạy sang Ai Lao, sợ uy danh của Vua, bèn thêu dệt gây sự xích mích, nên mới ra nông nỗi này.”
Lời bàn: Giặc vừa đến đã đầu hàng rồi làm tay sai cho chúng, lỗi ấy thật không nhỏ, nhưng dẫu sao thì Lộ Văn Luật cũng đã tự nhận ra tâm địa của quân Minh nên đã bỏ trốn. Nếu tất cả chỉ dừng ở đó, hậu thế vẫn có thể rộng lượng mà bỏ qua cho ông.
Cầm đầu cuộc nổi dậy ở Thạch Thất, việc lớn tuy không thành nhưng dẫu sao thì Lộ Văn Luật cũng đã tỏ ra là có chút chí khí.
Tiếc thay, chút nghĩa khí quật cường trong ông quá ít ỏi. Từ khi chạy sang Ai Lao, Lộ Văn Luật là một con người hoàn toàn khác. Tầm nhìn thiển lậu, tâm địa nhỏ nhen, chẳng còn biết đâu là anh hùng, đâu là phản bội... thực chất con người của Lộ Văn Luật là đấy chăng!
34 – CHUYỆN LÊ NGÃ VÀ TRẦN THIÊN LẠI
Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 5 - b) viết:
“Người làng Chàng Kênh, huyện Thủy Đường (nay thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng - ND) là Lê Ngã, đổi cả họ lẫn tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên Thượng Hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên. (Lê) Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, từng đi khắp tứ xứ, tới đâu cũng được mọi người chu cấp.”
Chuyện đi khắp tứ xứ của Lê Ngã, thực ra chỉ là chuyện đi lo tập hợp lực lượng để nổi dậy chống quân Minh, làm việc đại nghĩa mà lúc ấy không phải ai cũng dám làm. Cũng sách trên (tờ 6 - a) cho biết:
"Ngã nói với những người quen biết rằng:
- Các người có muốn giàu sang không? Ai muốn thì hãy theo ta.
Khi đến huyện Đơn Ba, Lạng Sơn (nay là huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - ND), Ngã mạo nhận là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông (người làm vua từ năm 1372 đến năm 1377 - ND), từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đơn Ba (người đứng đầu huyện Đơn Ba - ND) là Bế Thuần đem con gái gả cho và lập làm vua, chẳng bao lâu (Lê Ngã) đã có đến vài vạn quân.”
Khoảng giữa năm Canh Tí (1420), các cuộc nổi dậy của Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện v.v... lần lượt bị thất bại, tàn quân của họ đều theo về với Lê Ngã, thành ra lực lượng của Lê Ngã lên tời mấy vạn người.
Quân Minh đang bối rối vì phải lo đối phó với nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó có Lê Ngã, thì bỗng dưng chúng có được một lực lượng đồng minh tình nguyện giúp sức đánh Lê Ngã. Thủ lĩnh của lực lượng đồng minh này là Trần Thiên Lại, một quý tộc cũ của họ Trần trước đó đã hèn nhát đầu hàng quân Minh. Trần Thiên Lại vào tận bản doanh của Lê Ngã và xác nhận Lê Ngã chính là một trong những gia nô cũ của hắn. Thiên Lại tuyên bố:
- Hắn là gia nô cũ của ta, việc gì ta phải sợ mà lạy nó!
Thiên Lại về rồi, Lê Ngã xét thấy không nên dung tha tên phản quốc nguy hiểm này, bèn cho quân đuổi theo nhưng không kịp. Sau đó, cũng sách trên (tờ 6 - b) cho biết:
“Thiên Lại gửi hịch cho các huyện gần đó, tự xưng là Hưng Vận Quốc thượng hầu, đem quân đi đánh nhau với Lê Ngã, bị Ngã giết chết. Lý Bân (lúc ấy mới) đem quân thủy bộ đến đánh. (Lê) Ngã và (Bế) Thuần đang đêm bỏ trốn cả, không biết là đi đâu.”
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục(chính biên, quyển 13, tờ 11) còn ghi thêm một chi tiết thật thảm hại cho Trần Thiên Lại như sau:
"Lý Bân nhà Minh nói:
- Thiên Lại và Lê Ngã cũng chỉ như hai con thú mà thôi. (Bởi vậy) chờ cho (Lê Ngã) thắng rồi, Lý Bân mới xuất quân ra đánh.”
Thế là rõ! Trần Thiên Lại tình nguyện đánh Lê Ngã, nhưng, với tướng giặc là Lý Bân thì Trần Thiên Lại chẳng qua cũng chỉ là đồ thí bỏ, sống chết chẳng có gì đáng bàn.
Lời bàn: Đầu hàng quân Minh là một lần phạm tội. Tình nguyện đem quân đi đánh nghĩa binh Lê Ngã là thêm một lần phạm tội nữa. Trần Thiên Lại bị giết bởi lưỡi gươm của Lê Ngã là phải lắm.
Trần Thiên Lại khinh Lê Ngã, cho Lê Ngã chỉ là gia nô của hắn xưa kia nên không lạy, lại còn cất quân đi đánh, có biết đâu chính Trần Thiên Lại mới thực là gia nô, mà lại là gia nô của quân cướp nước tàn bạo. Nhục thay!
Thế mới biết ở đời, vẫn có kẻ chẳng biết đâu là vinh, đâu là nhục, mà như thế thì còn đáng gọi là người được nữa chăng?