Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 35 - 36
35 - NỖI OAN KHUẤT CỦA PHẠM LUẬN
Cuối năm Canh Tí ( 1420), Lý Bân đập tan được cuộc khởi nghĩa Lê Ngã. Lê Ngã cùng Bế Thuần trốn thoát được nhưng rồi sau đó họ đi đâu không ai rõ. Trong lúc đó, nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến vua Minh lo lắng hạ chiếu buộc bọn quan lại đô hộ ở nước ta phải bắt cho bằng được vị thủ lĩnh kiệt hiệt là Lê Ngã. Chiếu lệnh quá gắt gao, bọn quan lại đô hộ sợ bị phạt tội nên tính kế tìm kẻ thế mạng cho Lê Ngã. Người chẳng may chịu tai vạ khủng khiếp này là Phạm Luận và gia thuộc của ông. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 7 - b) chép rằng:
“Tổng binh Lý Bân và Nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên người huyện Giáp Sơn (thuộc Hải Dương) và buộc Luận phải nhận mình là Dương Cung (tức Lê Ngã, vì Lê Ngã đã tự đổi họ tên thành Dương Cung - ND) cốt để làm cho qua chuyện thi hành chiếu lệnh lùng bắt (Dương Cung). (Chúng) còn bắt cả gia thuộc (của Phạm Luận) là bọn Phạm Xã rồi giải về Yên Kinh.
(Có viên) Tri huyện tên là Đặc Khiêm nhận thực rằng đó không phải là tên (Dương) Cung. (Lý) Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng (bao đựng tấu thư gửi về triều - ND) dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. (Lý) Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng:
- Mọi người đều cho là đúng, chỉ mình ông bảo không đúng là làm sao?
Khiêm nói:
- Ai ra ngoài mà chẳng phải qua cửa ngõ (ý muốn nói tất cả mọi người đều cùng phe đảng của Hoàng Phúc - ND).
(Lý) Bân bèn cho giải cả (Đặc) Khiêm lẫn (Phạm) Luận về Yên Kinh, giao cho pháp ti xét hỏi. Khiêm xuýt nữa bị hành tội, may có người anh đánh trống đăng văn (đánh vào cái trống ở triều đình kêu oan để được cứu xét - ND) kêu oan nên được miễn tội. Sau, (Đặc Khiêm) được thăng đến chức Hữu bố chính ở nước ta, còn gia thuộc Phạm Luận cuối cùng bị chết trong ngục.”
Lời bàn: Sách Lễ kí của Trung Quốc có chép chuyện Hà chính mãnh ư hổ (chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn cả cọp). Cứ ngỡ đó chỉ là chuyện riêng của Trung Quốc thời ông Khổng Tử, dè đâu lại có ở nước ta vào thời thuộc Minh. Nỗi oan khuất của Phạm Luận dẫu đến ngàn đời cũng chưa tan nổi.
Đặc Khiêm được miễn tội, hẳn nhiên là có chút nhờ cậy ở tiếng trống đăng văn, nhưng lí do miễn tội chính yếu, chẳng qua chỉ vì Đặc Khiêm là người Trung Quốc, chả gì cũng là đồng hương của quân xâm lăng. Còn như Phạm Luận, dẫu có cả đến trăm người cùng đánh trống đăng văn thì rơi đầu vẫn cứ là bị rơi đầu vì lưỡi gươm oan nghiệt. Lí do chính yếu chẳng qua chỉ vì Phạm Luận là người nước ta, là đồng hương của Dương Cung (tức Lê Ngã).
Bọn Lý Bân, Lý Lượng và Hoàng Phúc, trên thì sợ triều đình, nhưng dưới thì lại ra mặt tác oai tác phúc với dân. Thế mới biết là ở đời, đáng sợ nhất xưa nay vẫn là lũ đội trên đạp dưới. Ngẫm mà xem!
36 – CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ Ở TRANG PHAO
Ghi chép những sự kiện xảy ra vào năm Bính Ngọ (1426), sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 10, tờ 19 a - b) đã dành một đoạn khá dài để nới về người đàn bà ở trang Phao, huyện Đáy Giang (nay thuộc Hà Tây). Chuyện đại lược như sau:
"Mùa hạ, tháng sáu, có người đàn bà nghèo khổ ở trang Phao, huyện Đáy Giang bị mắc bệnh hủi, lại bị chồng ruồng bỏ (nên phải lang thang đó đây). Bỗng một hôm, mụ gặp một cụ già ở dọc đường đi. (Cụ già) cho mụ một hòn đá to bằng quả trứng gà, bảo cứ lấy mà mài rồi đem nước mài ấy bôi vào chỗ loét thì khỏi ngay. Mụ làm theo như vậy thì quả nhiên khỏi bệnh. Xa gần nghe tin, nhiều người đem tiền, lụa đến xin chữa bệnh. Mụ ứng tiếp không xuể mà cũng chỉ lấy hòn đá mài nước đem cho, gọi là nước bồ tát. Người ta hỏi nhau, tìm đường đến xin cho được nước đó để về chữa. Việc ấy bị (quân Minh) phát giác, cả người và đá đều bị bắt đưa về giam ở Tam ti. Không bao lâu quan quân (của Lê Lợi) tới, người đàn bà ấy mới được đưa về. Kẻ có học cho rằng, đó là điềm Lê Thái Tổ lấy được nước.”
Lời bàn: Đã nghèo hèn lại mắc bệnh hủi, đó là một lần đại rủi ro. Đã mắc bệnh hủi lại còn bị chồng ruồng bỏ, đó là thêm một lẩn đại rủi ro nữa. Phận đàn bà mà mắc phải hai lần đại rủi ro ấy thì lẽ thường là cả thể xác lẫn tâm hồn đều tan nát, có sống cũng chỉ là sống thừa.
Song, tất cả những người bị bệnh hủi chẳng ai tình cờ có được hòn đá huyền diệu như người đàn bà trang Phao. Nhờ nó mà bà tự chữa được căn bệnh thuộc hàng tứ chứng nan y, thế là một lần được hưởng đại phước đức. Lại cũng nhờ hòn đá huyền diệu ấy mà người đàn bà trang Phao chưa từng một ngày học kê đơn bốc thuốc bỗng dưng có tiếng tăm lừng lẫy như một bậc đại danh y, khiến cho thiên hạ phải chen nhau tìm đến, thế cũng có thể nói là bà được thêm một lần hưởng đại phước đức nữa.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Hai lần mắc đại rủi ro, hai lần được hưởng đại phước đức, bù qua đắp lại, kể như huề. Song, đất nước điêu linh, kẻ thứ dân hèn mọn mà được dân lành tín phục, quân Minh đô hộ tất phải hoảng sợ mà coi đó là mối lo hàng đầu. Chúng bắt người đàn bà trang Phao là cốt để ngừa cái rủi cho chúng vậy. Bấy giờ, hễ cái gì có lợi cho quân Minh thì tất phải có hại cho nhân dân ta. Đội quân “điếu dân khử bạo” của Lam Sơn đến, trong sự quyết chí cứu nguy cho thiên hạ, có cả sự cứu nguy riêng cho người đàn bà ở trang Phao. Kẻ có học thuở xưa nói rằng đó là điềm Lê Thái Tổ lấy được nước, chẳng qua chỉ cốt cổ vũ cho thuyết “bĩ cực thái lai” đó thôi.
Ở đời, chẳng có ai suốt đời chỉ gặp may, cũng chẳng có ai suốt đời chỉ gặp rủi, khác nhau chỉ là may nhiều hay rủi nhiều và dạng thức cụ thể của sự may rủi mà thôi. Trong tất cả những sự rủi ro, thì cái đáng sợ nhất chính là không bình tâm tìm ra lối thoát một cách sáng suốt.