Mảnh gốm vỡ - Chương 01
Tặng Dinah, bởi vì cô ấy muốn có thêm một cuốn sách!
Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến nhà điêu khắc kiêm nghệ nhân làm gốm Po-wen Liu, người đã đọc thẩm định bản thảo và đưa ra những nhận xét quý báu về quy trình làm đồ gốm tráng men ngọc bích. Tôi xin chịu trách nhiệm về bất cứ thiếu sót nào còn lại trong cuốn sách này. Trong quá trình viết, tôi đã nhận được sự hỗ trợ đầy nhiệt tình và những lời phê bình quý giá từ người hợp tác là nhà phê bình nghệ thuật - Marsh Hayles và đại diện của Ginger Knowlton.
Dinah Stevenson và những người ở Clarion Books đã giúp cho quá trình xuất bản mỗi cuốn sách của tôi trở thành một niềm vui thực sự.
Mỗi cuốn sách của tôi viết đều dành cho Sean và Anna. Tôi cũng dành cho họ và gia đình tôi lòng biết ơn vô hạn - đặc biệt và bao giờ cũng dành cho Ben.
Một ngôi làng nhỏ trên bờ biển phía Tây Triều Tiên, cuối thế kỉ XII.
Chương 1
“Này, Mộc Nhĩ! Bữa nay lại đói nữa rồi chứ gì?” - Bác Sếu gọi toáng lên khi thấy chú bé Mộc Nhĩ ló ra gần cây cầu.
Những người no đủ trong làng thường lịch thiệp chào hỏi nhau bằng câu chào quen thuộc: “Hôm nay nhà bác được bữa no chứ ạ?” Riêng Mộc Nhĩ và người bạn già của nó đảo ngược câu chào ấy để làm trò bông đùa riêng giữa hai người.
Mộc Nhĩ nắm chặt cái bao nhỏ căng phồng đeo bên hông. Nó muốn giấu cái tin mừng này, nhưng niềm vui cứ trào ra ngoài: “Bác Sếu ơi! Lời chào của bác chỉ đúng vào lúc này thôi, chiều nay mọi chuyện sẽ khác!” Mộc Nhĩ giơ cao cái bao lên. Nó khoái chí thấy bác Sếu tròn mắt ngạc nhiên và biết bác ấy sẽ đoán ra ngay lập tức - chỉ một thứ có thể làm cái bao tròn trặn và căng phồng như thế. Không phải đầu củ cà rốt hay những mẩu xương gà nhô ra thụt vào lởm chởm đâu nhé. Không dám đâu, cái bao đựng đầy gạo.
Bác Sếu giơ cao cây nạng chào Mộc Nhĩ. “Lại đây! Kể ta nghe thế nào mà con vớ được của quý như thế - chuyện này lạ lắm đây, chắc vậy!”
Mộc Nhĩ đang nhẩn nha đi dọc con đường làng trong cữ bới rác vào sáng sớm như thường lệ. Đi trước nó là một bác nông dân lặc lè địu chiếc jiggeh nặng trịch, đó là loại gùi thưa đan bằng cành cây. Trong jiggeh là một bao cói lớn, loại người ta thường dùng tải gạo. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Mộc Nhĩ biết gạo trong bao hẳn phải từ vụ mùa thu năm ngoái; trên những cánh đồng quanh làng, vụ lúa năm nay mới lún phún mọc lên. Phải mấy tháng nữa mới được gặt, khi ấy những người nghèo mới được phép mót thóc vương vải trên những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Bấy giờ người ta mới được thưởng thức hương lúa mới và cảm thấy chắc bụng. Lúc này, chỉ nhìn bao cói đựng gạo, nước miếng đã ứa ra trong miệng thằng bé.
Người đàn ông dừng lại giữa đường, xốc lại chiếc gùi cồng kềnh trên lưng.
Mộc Nhĩ trố mắt ra nhìn: kìa, gạo bắt đầu rơi ra từ một lỗ thủng trên bao cói. Gạo rơi mau hơn rồi tuôn thành dòng. Hoàn toàn không biết gì, bác nông dân vẫn tiếp tục đi tới.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, những ý nghĩ trái ngược như đang đánh nhau trong đầu Mộc Nhĩ: Báo cho ông ấy biết. Nhanh lên, kẻo ông ấy đánh đổ hết gạo!
Không! Nói làm quái gì. Mày sẽ lượm được chỗ gạo rơi ra sau khi ông ấy rẽ ở khúc cua... Mộc Nhĩ quyết định rồi. Khi người đàn ông đi đến chỗ rẽ, nó mới chạy theo và bắt kịp ông ta.
“Thưa ông,” Mộc Nhĩ khẽ cúi đầu rồi vừa thở hổn hển vừa nói. “Trong lúc đi đằng sau, con thấy ông đánh dấu trên đường bằng gạo ạ!”
Bác nông dân quay lại và nhìn thấy vệt gạo rơi. Đó là một người đàn ông vạm vỡ, gương mặt rám nắng phúc hậu. Ông hất cái nón rơm ra sau gáy gãi đầu bật cười nhưng đôi mắt lộ vẻ rầu rĩ.
“Chỉ tại ta nóng vội quá,” bác nông dân nói. “Nhẽ ra phải để người ta đan cái bao này bằng hai lớp cói. Nhưng làm thế sẽ phải đợi lâu hơn. Bây giờ ta phải trả giá cho cái thói vội vàng.” Ông loay hoay xoay trở tháo hai sợi dây quai gùi ra khỏi vai rồi săm soi bao gạo. Ông thúc vào bao cói để lấp lỗ thủng nhưng chẳng ăn thua gì, bèn buông thõng hai tay ra dáng vô cùng tuyệt vọng.
Mộc Nhĩ toét miệng cười. Nó thấy thích tính khí ngồ ngộ của bác nông dân này.
“Này cậu bé, tìm giúp ta ít lá cây nào,” người đàn ông nói. Mộc Nhĩ làm theo và bác ta nhét lá vào bao làm một miếng vá tạm.
Xong ông ta ngồi thụp xuống để đeo gùi. Dợm bước chân đi, ông ngoái lại nói. “Người tốt xứng đáng được trả công, chú bé ạ. Gạo vãi dưới đất giờ là của cháu nếu cháu chịu khó nhặt lượm lên.”
“Cảm ơn, ông thật tốt bụng quá,” Mộc Nhĩ cúi gập người chào, trong lòng sung sướng vô kể. Một lúc sau, cái túi nhỏ mang bên hông nó đã căng đầy gạo.
Mộc Nhĩ học được nhiều điều từ bác Sếu. Hái quả dại trong rừng, nhặt nhạnh đồ ăn thừa từ các đống rác, mót những nhành lúa chín rơi vãi sau mùa gặt là cách thức gom góp nên bữa ăn, tuy đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng chẳng có gì đáng xấu hổ. Trộm cắp và ngửa tay ăn xin, như bác Sếu nói, khiến con người ta bệ rạc hơn cả con chó.
“Lao động mang lại phẩm giá cho con người, còn trộm cắp thì tước đoạt nó,” bác thường nói vậy.
Đối với Mộc Nhĩ, làm theo lời khuyên của bác Sếu không phải lúc nào cũng dễ. Chẳng hạn như chuyện hôm nay. Chờ gạo vãi ra thật nhiều rồi mới báo cho người ta biết, như vậy chẳng phải ăn cắp là gì? Việc làm tốt liệu có bù lại được hành vi xấu xa hay không? Trong lúc tranh luận với bác Sếu hoặc là ngồi một mình, Mộc Nhĩ thường nghĩ ngợi về những câu hỏi kiểu đó.
“Những câu hỏi như vậy lợi cả đôi đàng,” bác Sếu từng giải thích. “Chúng giúp cho trí óc người ta thêm sắc bén và vì thế mà không nghĩ nhiều đến cái dạ dày lép kẹp nữa.”
Lần này, cũng như mọi khi, bác Sếu đọc được ý nghĩ của Mộc Nhĩ mà không cần nó nói ra. “Kể cho bác nghe về người nông dân ấy đi,” bác Sếu giục.
“Ông ấy là người như thế nào?”
Mộc Nhĩ phải mất một lúc để suy nghĩ và cố nhớ lại. Cuối cùng, nó đáp:
“Một người vội vàng hấp tấp. Chính ông ấy nói là mình đã không thể chờ để có một cái bao chắc chắn hơn. Cũng chẳng buồn nhặt chỗ gạo rơi vãi nữa!” Mộc Nhĩ ngừng một chút, rồi tiếp. “Nhưng ông ấy thật dễ cười, kể cả việc cười giễu chính mình.”
“Thử nghĩ xem ông ấy sẽ nói hoặc làm gì nếu biết con đã chờ một lúc rồi mới báo chuyện bao thủng?”
“Có lẽ ông ấy sẽ cười xòa,” Mộc Nhĩ đáp và lấy làm ngạc nhiên là mình có thể mau mồm mau miệng đến thế. Đoạn, từ tốn hơn, nó nói: “Con nghĩ... có lẽ ông ấy cũng chẳng bận tâm về chuyện ấy đâu.”
Bác Sếu gật gù, vẻ hài lòng. Mộc Nhĩ nghĩ đến câu mà người bạn già của mình thường nói: Kẻ thức giả nghĩ về những điều to tát về thế gian. Còn ta và con phải học cách đọc chính cái thế gian này.
Mộc Nhĩ là tên của loài nấm mọc trên những thân cây chết; chẳng hề nhờ và vào nguồn dinh dưỡng chất từ cha mẹ. Một cái tên hay đối với đứa trẻ mồ côi, bác Sếu bảo thế. Nếu Mộc Nhĩ từng có một cái tên khác thì giờ đây nó cũng không còn nhớ nữa, và cũng chẳng biết ai đã đặt cho nó cái tên ấy.
Mộc Nhĩ sống chung với bác Sếu trong khoảng trống dưới gầm cầu - nói đúng hơn, bác nhường một phần cho nó. Bác đã sống ở đây từ trước và không thể một sớm một chiều dời đi. Một cái chân bị tật - bắp và bàn chân teo tóp, vặn vẹo từ bé - khiến bác còn biết đi đâu khác tìm chỗ sống?
Về nguồn gốc cái tên của mình, người bạn già kể: “Nhìn chân ta lúc mới sinh, ai cũng nghĩ ta ta không sống nổi. Nhưng rồi khi thấy ta đi suốt cuộc đời này với cái chân lành, mọi người bảo ta giống con sếu. Mà này, ngoài chuyện đứng trên một chân, sếu còn là biểu tượng trường thọ cơ đấy. Quả thật thế!” bác khẳng định. Bác Sếu sống lâu hơn tất cả những người trong gia đình và khi không còn sức làm việc, bác buộc phải bán đi từng món một, cuối cùng bán nốt cả nóc nhà che mưa che nắng trên đầu. Vì thế bác đành phải sống dưới gầm cầu.
Có lần, khoảng một năm về trước, Mộc Nhĩ hỏi bác Sếu đã sống ở gầm cầu bao lâu rồi. Bác lắc đầu, chính bác cũng không nhớ. Nhưng ngay sau đó, bác tươi tỉnh hẳn, tâp tễnh bước về một bên thành cầu, vẫy tay gọi Mộc Nhĩ đi theo.
“Ta không nhớ mình đã sống ở đây bao lâu,” bác Sếu nói, “nhưng ta biết con đã ở đây từ khi nào.” Ðoạn bác chỉ tay lên phía trên, hướng vào mặt dưới cầu. “Không hiểu sao ta lại chưa cho con thấy cái này nhỉ?”
Trên một trong những phiến đá là một dãy những nét vạch sâu, hình như được khắc bằng đá nhọn. Mộc Nhĩ chăm chú nhìn, rồi lắc đầu hỏi bác Sếu:
“Thế là sao ạ?”
“Mỗi vạch là một năm kể từ khi con đến đây,” bác Sếu giảng giải. “Ta tính thời gian cho con, bởi ta nghĩ sẽ đến lúc con muốn biết mình bao nhiêu tuổi.”
Mộc Nhĩ nhìn lại những nét vạch, niềm vui thích lộ rõ trên nét mặt. Số vạch đúng bằng số ngón trên hai bàn tay - như vậy là mười vạch cả thảy.
Ðoán được ý nó, bác Sếu nói ngay: “Không đâu, con đã hơn mười tuổi rồi. Lúc con mới đến đây và khi ta khắc những vạch này, có lẽ con đã được hơn một tuổi, biết đi khá vững và bập bẹ nói rồi.”
Mộc Nhĩ gật đầu. Nó biết phần còn lại của câu chuyện. Bác Sếu đã dò hỏi được đôi điều về Mộc Nhĩ từ người đàn ông mang nó đến cây cầu này. Ông ta được một nhà sư nhân từ ở kinh thành Songdo trả công để đưa thằng bé đến ngôi làng nhỏ Chulpo nằm bên bờ biển. Cha mẹ nó chết vì dịch sốt và nhà sư biết thằng bé có người cậu ở Chulpo.
Ðến nơi, người đàn ông mới hay rằng cậu của Mộc Nhĩ không sống ở đó nữa, ngôi nhà bị bỏ hoang từ lâu. Ông bèn mang Mộc Nhĩ tới ngôi chùa nằm trên sườn núi, nhưng nhà chùa cũng không dám nhận thằng bé vào chùa vì ở đây dịch sốt cũng đang hoành hành. Dân làng khuyên ông ta đem đứa trẻ đến chỗ cây cầu, ở đó bác Sếu sẽ chăm sóc nó cho tới khi nhà chùa qua cơn dịch bệnh.
“Thế rồi, ít tháng sau, khi một nhà sư đến đón con đi, con lại nhất quyết không chịu rời ta,” lần nào bác Sếu cũng kể như thế. “Con bám chặt cái giò còn lành lặn của ta như khi bám vào thân cây, không khóc lóc, nhưng nhất quyết không chịu buông! Nhà sư nọ đành bỏ đi, để con ở lại.”
Hồi còn bé, Mộc Nhĩ thường nài nỉ để được nghe chuyện này, làm như nghe đi nghe lại sẽ hé lộ thêm điều gì đó. Chẳng hạn, cha nó làm nghề gì, mẹ nó trông như thế nào, ông cậu nó bỏ đi đâu... Nhưng Mộc Nhĩ không biết thêm được chút nào. Giờ thì chuyện này không còn quan trọng nữa. Nếu Mộc Nhĩ từng có người thân và một mái nhà nào khác ngoài bác Sếu cùng cái gầm cầu này thì nó cũng không biết mà chẳng cần biết đến.
Bữa ăn hôm đó chẳng khác gì bữa tiệc - nắm gạo nấu nhừ thành cháo trong cái nồi đất nung sứt mẻ được múc ra cái bát làm bằng quả bầu khô. Bác Sếu còn có món đặc biệt là hai khúc xương đùi gà. Làm gì còn chút thịt nào dính trên mấy khúc xương khô, nhưng hai người bạn kì cạch đập xương ra để mót lấy mấy miếng tủy.
Sau đó, Mộc Nhĩ ra sông rửa ráy và múc về một bầu nước cho bác Sếu.
Bác không thích xuống sông, vì không muốn bị ướt chân. Rồi Mộc Nhĩ bắt tay vào dọn dẹp “căn nhà” cho ngăn nắp. Nó quen giữ chỗ ở gọn gàng để tối đến, sau một ngày mệt nhọc là có thể ngả lưng ngủ ngon lành.
Làm xong những việc linh tinh, Mộc Nhĩ lại ra đường. Lần này nó không lượn lờ những đống rác mà xăm xăm sải bước đến thẳng một căn nhà nhỏ nằm gần khúc cua, tách biệt với những căn nhà khác.
Đến gần nếp nhà nhỏ cột gỗ vách đất, Mộc Nhĩ bước chậm lại. Nó nghiêng đầu lắng nghe và toét miệng cười khi âm điệu đều đều của một bài hát vọng tới tai nó. Bác thợ cả Min đang hát, vậy hôm nay là ngày nắn xương gốm.
Nhà bác Min quay lưng lại dải đồi với những bụi cây rậm kéo dài tới tận rừng thông trên những ngọn núi xa xa. Mộc Nhĩ vòng ra sau nhà. Bàn xoay gốm đặt dưới mái hiên sau. Bác thợ đang ngồi đó, mái đầu hoa râm cúi xuống bàn xoay, miệng ư ử một bài ca không lời của riêng mình.
Mộc Nhĩ rón rén bước tới cái góc quen thuộc của nó sau cây bào đồng[1], những cành cây sà thấp che kín nó. Cu cậu nhòm trộm qua kẽ lá và nín thở vì thích thú. Bác Min vừa bắt tay nặn một chiếc bình mới.
[1] Cây bào đồng (Paulownia): một loài cây lá to, có lông măng, có thể làm cây kiểng hoặc đóng đồ đạc, tủ giường, là loại gỗ quý bền chắc - ND.
Ông ném tảng đất sét to cỡ cái bắp cải vào giữa bàn xoay, nhặt lên rồi lại ném xuống lần nữa, cứ như thế mấy lần liền. Sau cú ném cuối cùng, ông ngồi xuống, nhìn chằm chặp vào tảng đất sét một lúc. Dùng chân để quay đế bàn xoay, ông đặt hai bàn tay ướt nước lên cục đất và ịn nó xuống mặt bàn. Có lẽ đây là lần thứ một trăm Mộc Nhĩ chứng kiến một phép màu.
Tảng đất sét trồi lên thụt xuống một lúc, vươn lên cao hơn, rồi xòe rộng ra theo hình tròn, cho đến khi khum thành một khối vô cùng cân đối. Bàn xoay quay chậm lại. Tiếng hát cũng tắt dần, chỉ còn lại những tiếng ậm ừ mà Mộc Nhĩ không nghe được.
Bác Min ngồi thẳng người, khoanh hai tay trước ngực và hơi ngả người ra sau, như muốn ngắm chiếc bình từ xa. Dùng đầu gối đẩy bàn xoay quay chầm chậm, ông săm soi vóc dáng thanh nhã của chiếc bình, cố tìm ra những khiếm khuyết vô hình. Và rồi, “Phừ!” một cái, ông lắc đầu, bằng một cử chỉ phẫn nộ hốt gọn chiếc bình giơ cao lên và nện mạnh nó xuống mặt bàn xoay. Chiếc bình sụp xuống thành cục đất sét đần độn như đang xấu hổ.
Mộc Nhĩ há miệng khẽ thở ra một hơi dài và đến lúc đó mới nhận ra rằng nó nín thở nãy giờ. Trong mắt nó chiếc bình đã hoàn hảo, bề rộng bằng phân nửa chiều cao, với những đường cong tựa như nét lượn duyên dáng của một cánh hoa. Vậy mà bác Min lại cho là chiếc bình vô giá trị! Điều gì đã khiến ông bực mình đến thế?
Bác thợ Min không bao giờ chấp nhận lần nặn đầu tiên. Ông sẽ lặp lại toàn bộ công đoạn. Ngày hôm ấy, Mộc Nhĩ thấy tảng đất sét nhô lên, sụp xuống bốn lần trước khi bác Min hài lòng. Với Mộc Nhĩ, cả bốn chiếc bình trông hệt như nhau, nhưng xem ta chiếc thứ tư có gì đó vừa ý bác thợ hơn cả. Ông lấy một đoạn dây mảnh, khéo léo luồn xuống dưới đáy bình để gỡ nó khỏi bàn xoay, đoạn đặt chiếc bình lên khay đem hong khô.
Trong lúc rón rén bỏ đi, Mộc Nhĩ bấm ngón tay tính ngày. Nó biết rõ thói quen của ông thợ gốm - phải nhiều ngày nữa mới tới lần nắn xương gốm tiếp theo.
Làng Chulpo hướng ra mặt biển, dựa lưng vào những ngọn núi. Dòng sông chạy quanh làng giống như một đường viền tinh xảo. Thợ gốm làng Chulpo làm ra đồ sứ men màu ngọc bích tinh tế, không chỉ nổi tiếng ở Triều Tiên mà còn được các vua chúa Trung Hoa ưa chuộng.
Chulpo từ lâu đã trở thành một làng gốm quan trọng nhờ cả địa thế lẫn chất đất của nó. Làng nằm trên dải bờ biển phía tây, thông ra tuyến hàng hải thuận tiện nhất lên phía Bắc và tuyến giao thương nhộn nhịp với Trung Hoa.
Đất sét được đào lên ở đây có hàm lượng sắt vừa đủ tạo nên nước men ngọc bích có sắc độ xanh phơn phớt xám hết sức tinh tế, được những người chơi đồ gốm vô cùng ưa thích.
Tuy biết mặt hết thảy thợ gốm trong làng, nhưng trước Mộc Nhĩ chỉ hiểu họ qua những đống rác. Nó chưa bao giờ bỏ thời gian xem họ làm việc. Những năm gần đây, đồ gốm làng Chulpo được lớp người giàu có ưa chuộng, mua rất nhiều để làm lễ vật dâng triều đình và cúng chùa. Nhờ thế những người thợ gốm làm ăn ngày một khấm khá hơn. Đồ lượm mót được từ đống rác trước nhà họ cũng theo đó mà nhiều hơn, và dần dần cũng đến lúc cái dạ dày hay lên tiếng của Mộc Nhĩ chịu để yên cho nó vài giờ mỗi ngày.
Những khi đã tạm vỗ yên cái dạ dày, Mộc Nhĩ thường lén đến xem bác thợ Min làm việc. Những người thợ gốm thường đặt bàn xoay trong những cái lán nhỏ không có cửa sổ. Nhưng vào những tháng ấm áp, bác Min thích làm việc dưới hiên nhà sau nhà mình hơn, để đón luồng gió nồm và thỉnh thoảng ngắm những ngọn núi xa xa.
Làm việc bên ngoài phòng kín chứng tỏ ông thợ Min có tay nghề cứng và lòng tự tin rất cao. Những người thợ gốm thường giữ kín những bí mật của mình. Một vóc dáng cho chiếc bình trà, một mẫu hoa văn mới là những thứ mà dân thợ gốm tuyệt đối không tiết lộ ra ngoài cho đến khi món đồ được làm xong và trưng ra cho người mua lựa chọn.
Bác Min không hề lo giữ bí quyết nhà nghề. Dường như bác muốn nói với mọi người: Cứ lại đây mà xem ta làm. Không việc gì ta phải lo - các người không học mót được kĩ xảo của ta đâu.
Mà đúng thế thật, đó cũng chính là lý do tại sao Mộc Nhĩ thích xem bác Min làm việc. Tác phẩm của bác đẹp nhất vùng, cũng có thể là đẹp nhất Triều Tiên.