Mảnh gốm vỡ - Chương 05

Chương 5

Một sớm kia, khi những cây mận khoác lên mình bộ cánh vàng rực của mùa thu, trên đường đến nhà thầy, Mộc Nhĩ bỗng phát hiện ra bác thợ Kang đang đẩy chiếc xe về phía lò nung. Chiếc xe được phủ một tấm vải. Chính sự kín đáo này đã khiến Mộc Nhĩ đâm tò mò; với một món hàng bình thường, như bộ chén bát dùng trong nhà chẳng hạn, đâu cần phải che đậy như vậy. Chắc chắn, hôm nay bác thợ Kang phải chồng lò[3] món gì đó đặc biệt lắm.

[3] Tức là xếp sản phẩm vào lò trước khi nung - ND.

Hơn nữa, đi sớm thế này có nghĩa là bác ta muốn đến lò nung trước bất cứ ai. Bác ta lại còn chui vào trong hầm lò, đẩy món đồ của mình sâu vào bên trong - lại thêm một sự đề phòng nữa để tránh những cặp mắt tọc mạch của thiên hạ.

Mộc Nhĩ đứng im một lát, tay khoanh trước ngực, lông mày nhíu lại. Nó chợt nảy ý nghĩ sẽ trở lại lò nung vào lúc mẻ lò đặc biệt này hoàn thành.

Nhưng vài ngày sau, nó lục soát khu lò nung thì chẳng thấy sản phẩm nào của bác thợ Kang.

Mấy ngày tiếp sau, trong lúc đi quanh làng, tới nơi làm và ra về, hoặc chạy việc vặt cho ông chủ, bao giờ Mộc Nhĩ cũng để mắt tìm kiếm xem bác thợ Kang ở đâu. Mãi tới ngày thứ tư mới thấy. Mộc Nhĩ nấp bên cạnh đống rác nhà bác thợ Kang - một địa điểm mà nó rõ như lòng bàn tay - và căng mắt nhìn khi bác Kang ra khỏi lán làm đồ gốm của mình vào lúc xế chiều, tay cầm hai cái bát nhỏ.

Bác thợ Kang cầm bát với dáng nâng niu, cứ như thể bát đựng đầy thứ gì đó. Mải tập trung vào mấy cái bát, bác vấp phải một hòn đá. Thứ đồ chứa trong hai cái bát sánh ra ngoài một ít làm bác thợ buột miệng chửi thề, cũng khá to nên Mộc Nhĩ nghe được tiếng chửi. Sau đó bác ta biến vào nhà.

Mộc Nhĩ đợi thêm một lúc nữa rồi rón rén mò vào sân, tới chỗ bác thợ Kang vừa bị vấp. Trong ánh sáng nhập nhoạng lúc chiều tàn, nó săm soi nhìn thật kĩ cái chất đổ dưới đất.

Đất sét trộn với lượng nước vừa đủ thành một chất lỏng sền sệt được cánh thợ gốm gọi đó là “nước áo”[4]. Chẳng có gì khác thường cả, nhưng có một điều khiến Mộc Nhĩ phân vân.

Hai cái bát, hai màu nước áo khác hẳn nhau. Đỏ gạch và trắng.

[4] Đất sét để tráng bên ngoài đồ sứ trước khi nung - ND.

Mộc Nhĩ chuồn ra khỏi sân, suy nghĩ rất lung. Dọc theo bãi đào đất ven sông có những chỗ đất sét có nhiều màu, đúng thế. Nhưng chỉ thứ đất sét màu nâu-xám mà cánh thợ gốm cố công khai thác mới có thể dậy lên cái nước men ngọc bích đáng ao ước. Cả xương gốm lẫn nước men của sản phẩm đều sẽ đổi màu sau khi nung - cái bình khi đưa vào lò nung vốn có màu xám xỉn sẽ ra lò với màu xanh lá cây trong suốt rất đặc biệt.

Vì vậy thợ đào đất thường tránh những chỗ đất sét bị lẫn cợn màu trắng đục hay màu đỏ rỉ sét, vì đất sét màu này khi nung không thể chuyển sang màu xanh ngọc bích được. Vậy tại sao bác Kang lại sử dụng nước áo màu đỏ và trắng. Bác ta đang định làm gì vậy?

Mộc Nhĩ biết là thỉnh thoảng cũng có những thợ gốm thử dùng nước áo màu để vẽ các họa tiết lên sản phẩm. Nhưng những cố gắng thử nghiệm đó chẳng bao giờ thành công. Khi bị nung nóng, nước áo mờ đi hoặc chảy tuột, khiến đường hoa văn bị rạn thay vì sinh động và sắc nét. Một đôi lần, những tay thợ thiếu kinh nghiệm cũng thử vẽ hoa văn lên sản phẩm của họ, còn những thợ gốm bậc thầy, trong đó có bác Min và bác Kang, từ lâu đã không còn làm như vậy nữa.

Mộc Nhĩ không tin là bác thợ Kang đang vẽ hình lên sản phẩm của mình - nhưng người ta còn có thể làm gì khác nữa với lượng nước áo chút chút như thế? Trên đường về nhà tối hôm đó, những câu hỏi cứ vẫy vùng như cá trong tâm trí nó mà không có lời đáp.

Những công việc ông thợ Min giao cho Mộc Nhĩ vẫn lặp đi lặp lại: đốn củi, xắn và lắng lọc đất sét. Thỉnh thoảng cũng có những lúc ông sai nó ra biển nhặt vỏ sò. Chúng được dùng làm bao nung trong lò, để chèn giữa sản phẩm với bệ đỡ bằng đất sét trong khi nung, nhằm tránh cho hai thứ không nóng chảy mà dính vào nhau, vỏ sò cũng phải có kích cỡ và hình dáng đúng mẫu. Mộc Nhĩ nhặt về một rổ đầy vỏ sò, ông thầy chỉ lọc ra được ít cái, rồi sai nó đi tìm thêm.

Mộc Nhĩ không còn thức dậy mỗi buổi sáng với ý nghĩ rằng hôm nay có thể là ngày ông Min cho phép nó ngồi vào bàn xoay. Bây giờ nó tính thời gian theo tuần trăng hoặc thậm chí theo mùa. Có thể tháng này... có lẽ mùa đông này... hay có lẽ là mùa xuân tới. Ngọn lửa hi vọng trong lòng nó bây giờ có yếu đi, nhưng vẫn không kém phần rực sáng. Nó ấp ủ niềm hi vọng ấy hàng ngày, cố hình dung ra chiếc bình nó sẽ tự tay làm.

Đó sẽ là một chiếc bình cao cổ - dáng vẻ tao nhã nhất trong tất cả các dáng bình. Cao và cân xứng một cách đẹp mắt, vươn lên từ đáy và loe ra một cách duyên dáng rồi khum tròn ở miệng. Chiếc bình cao cổ được làm ra với một mục đích duy nhất: chưng một cành hoa mận.

Mộc Nhĩ rất yêu thích vẻ đối xứng của những chiếc bình cao cổ lớn dần lên như một đóa hoa trên chiếc bàn xoay của ông thợ Min. Có lần, vào những ngày xuân khi lần đầu tiên làm việc cho ông Min, nó đã quan sát ông thợ gốm đặt một cành mận vào chiếc bình vừa làm xong và ngắm nhìn từ mọi hướng.

Đường cong mềm mại thanh thoát của chiếc bình, màu xanh lá cây huyền bí. Những góc cạnh sắc sảo của nhánh mận, sắc đen nhanh nhánh của cành cây tô điểm cho màu trắng rung rinh như muốn bay lên của những bông hoa. Tác phẩm của con người, tuyệt tác của thiên nhiên; đất sét chắt ra từ đất mẹ, nhành hoa nảy ra từ khí trời. Cảm giác bình yên lan tỏa khắp người Mộc Nhĩ, cả thể xác cũng như tâm trí. Như thể trong lúc nó ngắm nhìn cái bình và nhành hoa, cuộc đời này trở nên tuyệt đẹp.

Ngày ngắn dần, trời trở rét. Lúa đã được gặt xong. Người nghèo được phép mót lúa rơi vãi trên những cánh đồng. Đó là một công việc khó nhọc, mệt nhoài: bao nhiêu giờ miệt mài mới gom được vài bụm lúa. Mộc Nhĩ dậy sớm hơn cả những tia sáng đầu tiên, dành một hai giờ trên những cánh đồng trước khi đi làm. Xong việc, nó lại quay ra đồng lần nữa, nhặt nhạnh từng bông lúa rơi cho đến lúc tối mịt chẳng nhìn thấy gì. Số thóc gom góp được trong thời gian này sẽ giúp người nghèo cầm cự qua những tháng đông giá rét khi không có loài rau dại nào mọc nổi.

Có những lần, vào lúc chiều tàn, khi không thể nhặt được thêm một bông lúa nào, Mộc Nhĩ thoáng nghĩ: Bây giờ mình đâu cần phải mót lúa nữa. Nhưng rồi một ý nghĩ khác lại trỗi lên: Ai biết ông Min còn cần mình bao lâu nữa? Thế là nó lại nỗ lực gấp đôi.

Bác Sếu cũng bận bịu. Khi mệt đừ vì còng lưng mót lúa, bác ngồi bệt xuống bờ ruộng tranh thủ lượm ít rơm về bện thành chiếu và dép. Đây là ngón nghề bác mày mò tự học từ lâu. Chả là cái chân bị tật không cho phép bác làm những công việc nặng nhọc hơn.

Bác Sếu bện đôi dép rơm cho Mộc Nhĩ trước, bảo rằng thằng nhỏ cần dép hơn vì công việc nên nó phải đi lại nhiều. Bác đo chân Mộc Nhĩ rất cẩn thận, lại đệm nhiều lớp rơm cho cái đế dày và chắc chắn. Thêm nhiều lớp rơm được bện khéo léo ở hai bên nữa.

“Xong rồi!” bác Sếu reo lên vào một buổi chiều nọ. Bác đan nốt cọng rơm cuối cùng trong ánh sáng chiều đông tàn dần. Bác đưa đôi dép rơm cho Mộc Nhĩ, nó cúi đầu cảm ơn và khom người xuống xỏ chân vào dép ngay.

Vẻ mặt bác Sếu bỗng ỉu xìu. Mặc Mộc Nhĩ loay hoay ép chặt chân về phía trước và nong gót ra, đôi dép vẫn quá nhỏ so với đôi chân nó.

Bác Sếu làu bàu cáu kỉnh với chính mình, mở cái túi nhỏ ở thắt lưng rút ra sợi dây thô mà bác đã dùng để đo chân Mộc Nhĩ. Bác ướm sợi dây vào đế giày để đo lại, vừa khít khịt mà.

Bác khịt khịt mũi. “Hứ!” bác bảo. “Thế là mình đâu có sai sót gì. Chính là con, anh bạn trẻ à, vô lo vô nghĩ đến nỗi mới một tháng thôi mà đã lớn phổng lên!”

Đúng vậy, Mộc Nhĩ cũng nhận thấy điều này vào đúng ngày hôm đó, khi nó cụng đầu vào gầm cầu ở chỗ mà trước kia nó vẫn đứng thẳng người lên được. Không để ý đến câu đùa của bác Sếu, Mộc Nhĩ lắc đầu buồn bã cho công sức uổng phí của bác.

Đôi dép rơm này cũng mang lại mối bận tâm khác. Hàng năm cứ đến cữ này các nhà sư ở ngôi chùa trên núi lại xuống làng để đi quyên lúa gạo. Đôi khi họ cũng nhận những vật cúng dường khác, như quần áo ấm; còn Mộc Nhĩ canh chờ cơ hội một nhà sư đi ngang qua với quần áo ấm cho người nghèo. Bằng cách này, nó thường kiếm được quần áo mùa đông cho hai bác cháu.

Năm nay, vẫn chưa thấy các nhà sư xuống núi. Chắc lại có dịch bệnh trong chùa hoặc một biến cố không hay nào đó xảy ra khiến họ không thể đến, nhưng bất kể là lý do gì chăng nữa, Mộc Nhĩ mỗi lúc một lo lắng cho người bạn già. Bác Sếu bao giờ cũng khổ sở vì rét. Mới chớm đông mà ban đêm đã có sương muối rồi.

Chẳng bao lâu sau, mùa đông cưỡi trên lưng những cơn gió quét xuống sườn núi ào về làng. Họa hoằn lắm tuyết mới rơi ở Chulpo, nhưng bây giờ Mộc Nhĩ đã có thể cảm thấy trong mỗi hơi thở của nó và trong làn không khí buốt giá đầy ắp những con quỷ vô hình cắn vào mũi, vào tay và bàn chân nó. Đã đến lúc hai bác cháu phải thực hiện cuộc di trú hàng năm rồi.

Suốt mùa đông, đôi bạn một già một trẻ nương náu trong một cái hầm ngoài bìa làng. Nơi đó từng có một trang trại nhưng đã bị thiêu rụi từ lâu, duy căn hầm chứa rau thì vẫn còn. Dân làng thường trữ rau quả dùng trong gia đình ở những căn hầm rộng bằng một gian phòng. Cái hầm này, giống như những hầm khác, có một đoạn dốc làm lối ra vào. Bác Sếu có thể đứng thẳng trong hầm mà đầu không bị chạm vào mái. Hai bác cháu che nóc hầm lại bằng cành cây và rơm rạ. Những chiếc chiếu do bác Sếu bện thì trải dưới sàn.

Mộc Nhĩ ghét những đêm lạnh tê lạnh tái trong hầm. Dẫu biết rằng ngủ ở nơi khuất gió vẫn tốt hơn, nhưng nằm dưới lòng đất khiến nó thấy lạnh thấu xương. Lại còn cảm giác như bị nhốt kín nữa, đâu như ở dưới gầm cầu, với dòng nước rì rào tuôn chảy như lời thì thầm nhắc nhở khôn nguôi về những miền đất xa xôi. Nếu không có bác Sếu bên cạnh, chắc chắn nó không thể chịu nổi những đêm đông dài đằng đẵng.

“Chúng ta không phải ở lâu đâu,” năm nào bác Sếu cũng nói như một điệp khúc. “Thời điểm tệ hại nhất của mùa đông là lúc tuyết tan và những cơn lũ xuân. Có lẽ chỉ hai tuần trăng nữa thôi, gầm cầu lại vui mừng đón chúng ta trở về!”

Mộc Nhĩ đang đợi ở ngoài sân; ông thợ Min vẫn chưa ra khỏi nhà. Đến khi cánh cửa mở ra thì lại là vợ ông xuất hiện. Bà đang ôm một cuộn gì đó.

“Mộc Nhĩ!” bà cất cao giọng. Nó ngạc nhiên ngẩng lên, tự hỏi không biết mình đã làm sai điều gì. Rồi nó thấy dù giọng nói nghiêm nghị nhưng mắt bà long lanh tỏa sáng.

“Làm sao cháu có thể làm tốt công việc cho người thợ gốm trứ danh được nếu cháu lạnh run thế kia?” bà trách nhẹ, đoạn chìa ra trước mặt một vật sẫm màu và mềm mại, Mộc Nhĩ ngẩng đầu lên đón lấy từ tay bà. Mắt nó tròn xoe sửng sốt.

Đó là một chiếc áo khoác và một chiếc quần dài ống bó, độn bông dày - loại trang phục ấm nhất. Bà Min cầm lại cái áo và giơ lên trước mặt nó.

“Cái này chắc là vừa khít,” bà nói, nhướng mày lên. Nhận ra điều bà đang chờ ở mình, Mộc Nhĩ liền cầm lấy cái áo và khoác lên người. Ấm áp làm sao, khoan khoái làm sao; chắc hẳn bà Min đã hơ cái áo cho ấm bên ngọn lửa trong nhà.

“Tốt lắm,” bà gật đầu, có vẻ hơi do dự một chút, rồi nhẹ nhàng nói tiếp. “Con trai bác, Hyung-gu, đã chết vì dịch sốt khi nó trạc tuổi cháu. Bộ đồ này bác đã may cho nó, nhưng nó chưa kịp mặc bao giờ.”

Mộc Nhĩ cố giấu ngạc nhiên, nhưng nó chắc cái vẻ ấy vẫn lồ lộ hiện ra trên mặt mình, ông thợ Min từng là một người cha ư? Hầu như không thể có chuyện như vậy. Mộc Nhĩ không thể hình dung nổi ông Min ở bất cứ vai trò nào khác ngoài công việc. Vậy mà ông đã từng có một đứa con trai...

“Cháu mặc vào đi, để giữ gìn sức khỏe.” Giọng nói dịu dàng của bà cắt ngang suy nghĩ của Mộc nhĩ, bất giác nó nhận ra thái độ bất kính của mình, vội cúi đầu lần nữa.

“Cháu vô cùng cảm ơn bà chủ đáng kính,” nó nói. Bà lại gật đầu và biến mất vào nhà.

Thay thế bà là ông chồng. Ông nheo mắt ngắm Mộc Nhĩ trong chiếc áo khoác mới. Mộc Nhĩ nín thở, băn khoăn không biết ông chủ cảm thấy thế nào... Quần áo của con trai ông ấy trên người một thằng bé mồ côi thấp hèn. “Ý bà ấy, không phải ta,” ông thợ cả lầu bầu, phẩy tay ra hiệu cho Mộc Nhĩ bắt tay vào việc.

Suốt ngày hôm đó Mộc Nhĩ cứ luôn tay xăn tay chiếc áo khoác lên, nó hơi dài một chút. Cái áo dường như quá ấm, nó đã quen làm việc nặng với cái áo chẽn thưa mỏng manh rồi.

Chợt một ý nghĩ nảy sinh. Chiếc áo khoác này hẳn là vừa in với bác Sếu.

Quả thế thật, bác Sếu mừng lắm. Thoạt tiên bác kiên quyết từ chối, bảo rằng chiếc áo dành cho Mộc Nhĩ. Nhưng thằng bé cứ nài nỉ suốt, nó đã nghĩ mãi về chuyện này trên đường về nhà. Cho đi một món quà mà mình chỉ vừa mới nhận được thôi thì có gì sai trái không? Đó là một món quà, nó thầm tranh cãi với mình, tức là nó đã thuộc về mình và mình có thể làm gì với nó cũng được - để mặc, hay đem cho đi miễn là mình vui lòng. Nó nghĩ đến bà Min, và bụng bảo dạ rằng nếu nó đem chiếc áo khoác tặng người bạn già của mình thì chắc bà cũng không phật lòng.

Thuyết phục bác Sếu mới là chuyện khó. “Nếu bác không mặc áo, con cũng sẽ không mang dép mới đâu.” Mộc Nhĩ nói dứt khoát, hất hàm về phía chiếc dép đan dở trên tay Bác Sếu.

“Hả!” bác Sếu lắc đầu “Con khỉ ương ngạnh này, kể từ lúc mi đến đây, mùa đông nào ta chẳng bện dép cho mi - thế mà bây giờ mi lại từ chối không mang hả?” Nói vậy nhưng bác vẫn mặc chiếc áo vào, và Mộc Nhĩ nhận thấy vẻ hài lòng ẩn dưới gương mặt cau có của bác.

Chiếc quần thì quá ngắn so với bác Sếu, nên Mộc Nhĩ dành cho mình. Họ ngắm nghía nhau, bộ đồ mới tương phản gay gắt với cái mớ cũ nát họ đang khoác lên người. Bác Sếu bật cười: “Nhìn từng người trông hơi kì, nhưng ở bên nhau, bác cháu ta cũng cũng tươm tất như ai!”

Trong khi bác Sếu cười vui thì Mộc Nhĩ dọn bữa cơm chiều vào những cái bát bằng quả bầu khô.

Một tối nọ, khi từ nhà ông Min trở về hầm chứa, xúng xính trong chiếc quần mới, Mộc Nhĩ chợt trông thấy ánh đèn dầu le lói. Mùa đông ngày ngắn đêm dài, lúc nó làm xong việc trở về nhà thì trời đã tối mịt. Ánh đèn phát ra từ nhà kho phía sau nhà bác thợ Kang. Mộc Nhĩ khựng lại. Ánh sáng lọt ra từ nhà kho không cửa sổ - hẳn phải có một cái lỗ hay một khe hở ở đâu đó chứ...

Không nén nổi tò mò, Mộc Nhĩ bước rón rén như tên trộm trên mặt đất đông cứng, men theo bức vách nhà kho, và sau khi liếc mắt nhìn quanh thật lẹ, nó khom người xuống ghé mắt nhìn vào cái lỗ mắt gỗ cao ngang vai nó.

Với hai bát nước áo màu đỏ và màu trắng đặt trước mặt cùng một ngọn đèn dầu để dịch ra xa một chút, bác thợ Kang đang ngồi nghiêng so với góc nhìn của Mộc Nhĩ, dùng bàn xoay làm bàn làm việc. Bác đang làm một cái gì đó với một ly uống rượu nhỏ. Dùng một dùi khắc, bác Kang rạch từng nét vào lớp đất sét mộc hình một bông hoa cúc đơn giản, thô vụng hơn so với những hoa văn tỉ mỉ công phu mà nhờ đó cánh thợ gốm làng Chulpo được biết đến trên đời. Nhưng thay vì tỉa những cánh hoa theo cách thông thường, bác Kang lại khoét đất sét đi, để lại những vết lõm giống như những giọt nước mắt.

Trong lúc Mộc Nhĩ căng mắt theo dõi, bác thợ Kang dích một chấm đất sét trắng sền sệt vào đầu cái dùi và đắp vào một trong những vết lõm hình cánh hoa. Bác lặp lại thao tác này, sửa từng chỗ khiếm khuyết cho đến khi một bông hoa cánh trắng nổi rõ ràng trên nền đất sét xỉn đục. Với cuống hoa và lá, bác dùng đất sét màu đỏ. Sau đó, bác lấy đồ nghề “cắt dò” và tỉ mỉ cạo bề mặt họa tiết sao cho phần đất sét màu nhẵn ngang với bề mặt của chiếc bình.

Bác thợ Kang ngắm nghía tác phẩm của mình với con mắt phê phán, rồi đứng lên và xếp các món đồ nghề vào kệ. Mộc Nhĩ giật thót mình nhận thấy rằng bác thợ gốm chắc chắn sắp nghỉ tay và ra khỏi nhà kho ngay bây giờ. Nó dáo dác nhìn quanh rồi lao bắn ra đường.

Vai và cổ Mộc Nhĩ tê cứng lại do phải khom lưng quá lâu. Trong lúc hối hả trở về nhà, nó nhún vai cho giãn các bắp thịt cứng đờ. Nhưng xem ra nó còn nhún vai vì kinh ngạc với những gì nó vừa tận mắt chứng kiến.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3