Mảnh gốm vỡ - Chương 09
Chương 9
Suốt chặng đường về nhà, Mộc Nhĩ cảm thấy nghẹt thở. Lời nói của ông Min cứ đổ hồi bên tai nó, lặp đi lặp lại: trẻ mồ côi... cha truyền cho con... không phải là con trai tao. Đến bây giờ nó mới nhận ra điều mà trước kia nó không bao giờ nghĩ tới và lưu tâm: tất cả bọn thợ học việc đều là con trai của những người làm gốm.
Đó không phải là lỗi tại cháu! Mộc Nhĩ muốn gào to lên. Nó những muốn chạy trở lại nhà ông chủ và thét vào mặt ông. Ông mất đứa con trai đâu phải do lỗi của cháu. Cũng không phải lỗi của cháu khi cháu là trẻ mồ côi. Tại sao cứ phải cha truyền nghề cho con? Nếu đồ gốm được làm tinh xảo, thì con trai của ai làm ra đâu có can hệ gì?
Bác Sếu hớn hở réo gọi nó từ dưới chân cầu, báo tin là hai đôi dép rơm đã được bện xong. Mộc Nhĩ làm bộ háo hức khi ướm thử vào chân, nhưng nó biết rằng bác Sếu đã nhận ra nét mặt buồn rầu của nó. Bác không nói gì, chỉ chờ đợi.
Mộc Nhĩ cẩn thận buộc dép lại thành từng đôi. Sau khi mắc vào một chỗ an toàn dưới gầm cầu, nó nói: “Nghề gốm được cha truyền cho con trai chỉ ở Chulpo thôi, hay là ở đâu cũng vậy?”
“Có cả một sự tích cho câu hỏi đó,” bác Sếu đáp. Bác nhảy lọt tọt tới một tảng đá lớn và ngồi xuống. Mộc Nhĩ quỳ gối bên cạnh bác.
“Người thợ gốm không phải bao giờ cũng được coi như là những nghệ nhân, con biết không. Ngày xửa ngày xưa, cách đây thật lâu rồi, thợ gốm chỉ nặn ra mấy cái nồi, cái lu, chứ không phải những món đồ trang trí. Khi ấy nghề gốm quả thật bị coi là nghề mạt hạng. Chẳng ai muốn con trai mình có một cuộc sống thấp hèn như vậy. Năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều thanh niên trai tráng bỏ nghề, đến khi không còn đủ thợ gốm để làm ra các vật dụng đáp ứng nhu cầu lớn nhỏ của con người nữa! Chính vì thế, đức vua thời đó ban chỉ dụ buộc con trai của thợ gốm phải theo nghề gốm.”
Mộc Nhĩ lắc đầu và gượng cười thiểu não.
Làm sao hình dung nổi trên đời lại có những người quay lưng lại với cái điều mà họ khao khát nhất!
“Ta không biết hiện nay người ta có còn thực hiện điều luật này nữa hay không,” bác Sếu tiếp. “Nhưng một truyền thống được gìn giữ lâu đời có thể còn mạnh hơn cả luật lệ.”
Mộc Nhĩ gật đầu. Ít nhất bây giờ nó đã hiểu rằng sẽ là vô ích nếu toan tính rời bỏ Chulpo đi tìm một ông thầy khác.
Bác Sếu đứng dậy tì người vào chiếc nạng, duỗi thẳng cái chân lành. Bác liếc sang Mộc Nhĩ. “Chú nhỏ ơi, cùng một cơn gió, cánh cửa này đóng sập lại thì có thể cánh cửa khác lại mở ra.”
Mộc Nhĩ cũng đứng dậy, đi lấy bát cơm tối.
Đôi khi nó phải mất nhiều thời gian mới ngẫm ra được ý nghĩa những lời nói đầy ẩn ý của bác Sếu, nhưng nó thích tự đi tìm lời giải hơn là được nghe giải thích ngay.
Đối với Mộc Nhĩ, công việc không còn như trước nữa. Nó nhận ra rằng mình làm việc cật lực bấy lâu là để được thầy cho phép làm một cái bình. Nay niềm hi vọng đã chết, nhiệt tình làm việc cũng tan theo. Hơn bao giờ hết, nó ước gì mình đừng vội vàng gợi ý mang những chiếc bình của ông Min đến Songdo. Không, nó nhất định sẽ làm điều đó - không phải vì ông thợ gốm già, nó cay đắng nghĩ, mà vì Ajima.
Mộc Nhĩ kiểm tra lại đất sét ở hố lọc. Một số tảng đất đang khô quá mau; nó phải nhúng vải ướt để phủ lên. Rồi dùng một mái dầm bằng gỗ, nó rạch khía lên bề mặt đất sét ở phần đáy hố để chỗ ấy khô nhanh hơn. Vì không còn hứng thú, nó làm việc chậm hẳn.
Lớp đất sét ở đáy hố lắng rất tốt - sẵn sàng để nhào thành từng thoi. Mộc Nhĩ bốc lên một nắm đất sét từ một góc và nhào, nhào mãi. Một cách lơ đãng, nó bắt đầu nặn thành hình một cánh hoa. Sau bao lần thử làm cánh hoa trang trí cho ấm nước, bây giờ đôi tay nó cứ như có mắt: tự cán dẹp chỗ này, chắp véo chỗ kia...
Những ngón tay bỗng ngừng lại giữa chừng. Mộc Nhĩ chậm rãi đưa cánh hoa đang làm dở lên ngang tầm mắt và ngắm nghía thật kĩ.
Nặn hình, nó nghĩ. Không phải chỉ có một cách để tạo dáng một món đồ gốm. Bàn xoay dĩ nhiên là rất cần để tạo hình dáng cho một sản phẩm cân xứng. Nhưng khi làm những con thú nhỏ trang trí trên lư hương, tay cầm bình hoa, vòi ấm nước... đâu cần bàn xoay. Chúng được nắn bằng tay.
Lần đầu tiên trong nhiều ngày qua, Mộc Nhĩ nở một nụ cười hạnh phúc khi nó nặn cánh hoa từ nắm đất sét. Một cơn gió đã mở ra cánh cửa thứ hai.
Như thường lệ, công việc của ông thợ Min kéo dài hơn ông dự tính, mãi đến khi hè chớm sang thu thì những chiếc bình mới hoàn thành. Một tá bình giống hệt nhau đã được nung làm ba mẻ riêng biệt, và đợt nung cuối cùng cho ra lò một cặp bình đẹp tuyệt vời. Nét hoa văn rất mực tao nhã nổi bật trên nền nước men hoàn mỹ.
Theo lệnh ông Min, Mộc Nhĩ đóng một chiếc gùi đặc biệt để đeo trên lưng. Trong khi họ làm việc, ông luôn miệng ta thán về cái khó của việc vận chuyển những chiếc bình quý. Hình như ông đang tự nói với mình hơn là với Mộc Nhĩ.
Ajima ra sân mang theo ấm trà. Bà rót trà cho họ trong khi ông Min vẫn còn lầm bầm.
“Dùng bao rơm đi,” Ajima góp ý. “Loại bao đó thường dùng để đựng gạo. Có lẽ ta nên bện dày gấp đôi, lót nhiều rơm và lụa hơn. Như thế những chiếc bình sẽ an toàn.”
Ông thợ Min nhấp ngụm trà, rồi quay qua Mộc Nhĩ: “Mày có biết ai làm được loại bao như thế không?”
Thế là bác Sếu cũng đến làm việc cho ông thợ Min. Hai người thỏa thuận tiền công, và bác Sếu bắt đầu đan bao rơm ở dưới mái hiên nhà ông chủ.
Vài ngày nữa Mộc Nhĩ sẽ lên đường. Bao rơm đã được bện xong. Rất chắc chắn, với hai lớp vách ngăn và một cái nắp đậy đính hẳn vào, vừa đúng kích thước để chứa hai chiếc bình cộng với phần chèn đệm.
Bác Sếu như phát sốt lên với kiệt tác bao rơm của mình, sửa đi sửa lại những sai sót trong thế đan của từng cọng rơm mà bằng mắt thường, chẳng mấy ai nhìn ra được. Ajima từ trong nhà bước ra xem thành phẩm; bà và Mộc Nhĩ thỉnh thoảng nhìn nhau, mỉm cười vui sướng sau lưng bác Sếu.
“Xong rồi phải không, ông Sếu?” Ajima hỏi.
Bác Sếu ngừng đôi tay đang sửa gút nút, cúi đầu chào Ajima. “Thật hân hạnh khi được góp tay vào công việc quan trọng này,” bác nói.
Bác Sếu đứng sang một bên trong khi Ajima nhấc cái nắp bao rơm lên rồi lại đóng vào, thắt chặt nó lại bằng cách móc vòng dây gài vào quả cầu bằng rơm. “Tốt lắm,” bà nói, gật đầu trong sự ngưỡng mộ lặng lẽ.
Rồi bà quay qua bác Sếu, trán hơi cau lại làm hằn lên những nếp nhăn khá sâu. “Ông Sếu này,” bà nói, “Tôi muốn nhờ ông một việc...”.
Bác Sếu tự hào đứng dậy trên cái chân lành của mình. “Vâng, cần gì, bà cứ nói, tôi xin hết lòng gắng sức,” bác trả lời.
Ajima cúi người đáp lễ rồi chỉ tay vào Mộc Nhĩ. “Thằng bé này... tôi đã dần quen với sự giúp đỡ của nó,” bà nói. “Hàng ngày, nó làm giúp tôi cả trăm việc lặt vặt. Thật đỡ cho tôi ở cái tuổi này.”
Bây giờ đến lượt Mộc Nhĩ cúi mình. Trong tâm trạng hoang mang bối rối, nó thầm hỏi không biết Ajima muốn nói gì đây?
“Tôi sẽ rất biết ơn, ông Sếu à, nếu ông có thể đến đây và tiếp tục công việc này trong thời gian Mộc Nhĩ đi vắng,” bà nói, hơi ngẩng đầu lên một chút và nắm hai bàn tay vào nhau như thể cảm thấy hổ thẹn. “Tôi không thể trả tiền công cho ông. Tôi chỉ có thể tạ ơn ông bằng một bữa ăn...”
Mộc Nhĩ như trút được gánh nặng ngàn cân trong lòng. Nhưng nó kịp trấn tĩnh và cố làm ra vẻ điềm nhiên. Việc này hẳn sẽ không làm bác Sếu lúng túng. Mối bận tâm lớn nhất của Mộc Nhĩ cho đến nay là bác Sếu sẽ ăn uống ra sao trong thời gian nó đi vắng.
Dĩ nhiên bác Sếu có thể trở lại với công việc bới rác và hái rau quả dại trong rừng. Nhưng Mộc Nhĩ không yên lòng chút nào vì nghĩ rằng để bác Sếu trở lại cảnh bới rác như vậy là bỏ rơi bác ấy. Suốt mấy ngày nay, nó cứ lo ngay ngáy về chuyện này. May thay, Ajima đã xử trí giùm nó.
“Bà cho tôi một bữa ăn đã là quý lắm rồi, tôi chẳng dám mong nhiều hơn,” bác Sếu nói. Mộc Nhĩ ngước nhìn bác Sếu, lo sợ. Đó là một cách từ chối khéo. Bác Sếu đang nghĩ gì vậy? “Tôi rất vui khi thi thoảng có dịp đến đây,” bác Sếu tiếp.
Ajima gật đầu nhã nhặn. Bác Sếu nghiêng người nhặt chiếc nạng lên, rồi cúi đầu chào từ biệt bà chủ nhà. “Mộc Nhĩ, con về sau nhé,” bác nói, đoạn khập khiễng đi khỏi.
Mộc Nhĩ nhìn theo cho đến khi bác Sếu khuất hẳn sau khúc quanh trên đường, rồi nó quay sang Ajima với ánh mắt dò hỏi.
“Vì lòng tự trọng đấy con ạ,” bà nói. “Ông ấy không muốn người khác thương hại mà bố thí cho mình.”
Mộc Nhĩ đá văng một viên đá nhỏ dưới chân. Tại sao lòng sĩ diện và sự ngốc nghếch lại luôn là bạn đồng hành khăng khít với nhau thế?
Đứng dưới cầu, khoanh tay trước ngực, nét mặt đanh lại, Mộc Nhĩ bắt đầu nói.
“Con có việc phải đi xa,” nó nói nghiêm trang. “Đường đi xa xôi hiểm trở, đầy bất trắc. Bác có biết là con có đủ thứ chuyện để lo sợ rồi không?”
Bác Sếu ngạc nhiên ngước nhìn lên. Chưa bao giờ Mộc Nhĩ lại nói chuyện với bác với giọng giận dữ như vậy.
“Con đang lo cho ta đấy à, anh bạn? Đừng lo. Ta đã tự nuôi sống mình - và nuôi cả con - suốt bao nhiêu năm trước khi con làm việc cho ông thợ Min rồi. Ta vẫn có thể làm được như vậy lần nữa. Hay con nghĩ bây giờ ta là kẻ vô dụng?”
“Không phải bác!” Mộc Nhĩ hét lên, đập đập hai cánh tay trong nỗi thất vọng như một con chim khổng lồ vỗ cánh. “Con không nói đến bác! Chính bà Min mới là người con nghĩ đến! Bà ấy đã già rồi - bác có còng lưng mỏi gối vì nhổ cỏ như bà ấy đâu mà biết? Rồi lại phải đi ngần ấy đường núi để nhặt nấm, hay hái dâu dại - lẽ ra bà ấy phải được nghỉ ngơi, khỏi phải làm những việc ấy từ lâu rồi! Ông chồng không giúp bà ấy việc nhà. Ông chủ không đoái hoài đến bất cứ thứ gì khác ngoài công việc của mình!”
Mộc Nhĩ ngừng lại, thở gấp. Nó hít thật sâu rồi nói tiếp, nhỏ nhẹ hơn. “Bác muốn con lo lắng cho Ajima trong khi con đi xa phải không? Sao bác không giúp bà ấy? Bởi vì giúp bà ấy tức là bác đang giúp con.”
Vẻ sửng sốt trong mắt bác Sếu tan dần. Mộc Nhĩ không còn cao giọng nữa. Bác day mặt nhìn ra sông, quay lưng lại với Mộc Nhĩ.
Mộc Nhĩ đứng nhìn với ánh mắt chờ đợi. Cái chân tàn tật của bác Sếu hơi rung rung. Một lúc sau, nó càng rung dữ dội hơn. Bây giờ thì toàn thân bác đang run bần bật. Mộc Nhĩ lo lắng bước tới gần. Nó không bao giờ muốn làm điều gì khiến cho bác Sếu phải khóc.
Mộc Nhĩ chạm vào vai bác Sếu. Bác hích cánh tay gạt đi, người vẫn còn run rẩy. Nhưng bác không khóc.
Bác đang cười. Tiếng cười bác cố kìm nén chợt bật ra, rồi bác phá lên cười sằng sặc đến nỗi làm rớt cả nạng xuống đất. Mộc Nhĩ nhặt nạng lên, đứng im thin thít, mới đầu hoang mang, sau đó thì bực bội khi thấy tiếng cười của bác Sếu dường như không bao giờ dứt. Nếu đó là trò đùa thì nó chẳng có bụng dạ nào mà hùa theo.
“Chậc, chậc, anh bạn,” cuối cùng bác Sếu nói, hít một hơi thật dài. Thêm vài tiếng lục khục cuối cùng thoát ra trong khi bác đón lấy chiếc nạng từ tay Mộc Nhĩ và tì vào nó để ngồi xuống đất. Bác ngước nhìn lên, chọc nhẹ chiếc nạng vào người thằng bé.
“Màn trình diễn đến là hay!” bác kêu lên. “Chưa bao giờ ta được xem màn diễn nào hay hơn.”
Mộc Nhĩ há hốc miệng ra trong một thoáng, nhưng nó định thần lại ngay lập tức. “Bác nói màn diễn là ý làm sao?” Nó gặng hỏi. “Bác nghi ngờ lòng thành thật của con ư?”
“Không, khỉ con à. Sao ta có thể nghi ngờ tấm lòng con.” Bác lại cười, rõ ràng vẫn còn khoái chí. “Nếu việc đó có ý nghĩa với con như thế thì hàng ngày ta sẽ đến nhà ông thợ Min. Như vậy con đã hài lòng chưa?”
Mộc Nhĩ gật đầu miễn cưỡng. Chuyện này coi như ổn, nó biết bác Sếu sẽ giữ lời. Bài diễn văn của Mộc Nhĩ đã đạt được kết quả mong muốn, mặc dù không đúng như cái cách mà nó đã dự tính.
Hai chiếc bình - không phải những chiếc được chọn mang đi - được đóng gói vào bao rơm để thử. Chúng được nhồi nhét bên trong bằng vải rồi lại được quấn thêm mấy lớp vải mềm bên ngoài nữa. Rơm mới được xếp giữa hai chiếc bình và nhồi vào từng khe hở. Vợ chồng ông thợ Min và bác Sếu đứng nhìn Mộc Nhĩ nhấc chiếc bao rơm lên rồi lấy hết sức bình sinh đập mạnh xuống đất. Nó lăn qua lăn lại thậm chí đá mạnh vào bao rơm mấy lần.
Ông thợ Min lao tới, tháo khóa móc bằng quả cầu rơm ra. Ông lần sờ vào bên trong, gật gật đầu hài lòng. Không hề hấn gì. “Tháo bao,” ông lệnh cho Mộc Nhĩ, rồi đi vào trong nhà lấy hai chiếc bình được chọn ra.
Ông thợ Min vừa quay lưng đi, bác Sếu liều bước tới xem xét chiếc bao rơm lần nữa. Cả bác cũng hài lòng; rơm bện chắc, có va chạm mạnh đến mấy cũng chẳng hề hấn gì.
Vì bên trong đựng món hàng quý giá, cái bao rơm được gài chặt vào chiếc gùi. Một cái chiếu cuộn chặt lại và buộc vào dưới đáy gùi. Hai đôi dép rơm treo vào một bên gùi; còn bên kia là bầu nước và một cái túi đầy bánh gạo.
Chiếc gùi đã sẵn sàng. Mộc Nhĩ sẽ lên đường vào sáng hôm sau.
Mộc Nhĩ và bác Sếu chơi ném đá thia lia dưới chân cầu trong ánh chiều chạng vạng. Trước khi trời sập tối, Mộc Nhĩ chậm rãi lấy trong chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng một vật nhỏ và trao cho bác Sếu.
“Một món quà,” Mộc Nhĩ nói. “Để nhắc nhở bác mỗi ngày phải đến nhà ông thợ Min.” Nó không muốn nói là để nhắc bác nhớ đến con.
Hơn một tháng vừa qua, Mộc Nhĩ dùng những lúc rảnh rỗi để nặn đất sét. Nó để sẵn một cục đất nhỏ trong chiếc túi đeo ở thắt lưng và lấy nó ra thử nhào nặn bất cứ khi nào có dịp. Một thời gian sau, một cái gì đó đã tượng hình từ cục đất sét vô tri, như thể đất sét cũng biết trò chuyện với nó, nói cho nó biết mình muốn trở thành cái gì.
Một con khỉ. Tương tự như cái bình nhỏ giọt nước mà ông thợ Min đã có lần làm. Con khỉ nhỏ hơn lòng bàn tay Mộc Nhĩ đang ngồi vỗ tay trước cái bụng tròn ủm, vẻ mãn nguyện và no nê. Mộc Nhĩ khảm hai đốm nhỏ làm mắt, khắc những chi tiết khác thành gương mặt, tứ chi và lông khỉ. Trong khi chuẩn bị cho đợt nung cuối cùng, nó đã bí mật bỏ con khỉ nhỏ vào góc lò và sau đó tìm cách lấy ra mà ông thợ Min không biết. Mộc Nhĩ sung sướng vô ngần, con khỉ cũng có cái nước men xám xanh tuyệt đẹp như những món đồ khác.
Mộc Nhĩ đã ngộ ra rằng nặn hình gốm bằng tay không giống với tạo dáng gốm trên bàn xoay chút nào. Nặn gốm thiếu đi cái cảm giác đón nhận sự kì diệu đang lớn dần lên; và dĩ nhiên, không một chiếc bình cân xứng hoàn hảo nào lại không được làm với chiếc bàn xoay, vẫn còn đó hình ảnh chiếc bình cao cổ vươn lên trước mắt như nó hằng ao ước và thỉnh thoảng hình ảnh ấy lại hiện lên như trêu ngươi thằng bé.
Nhưng dù vậy, Mộc Nhĩ vẫn nhận thấy nó yêu thích công việc chạm khắc. Nó dành ra nhiều giờ cho những chi tiết đặc trưng của loài khỉ, chạm trổ bằng những nét khắc ngày càng tinh tế mềm mại hơn. Ít nhất thì dù nặn bình bằng tay hay bằng bàn xoay cũng đều phải qua công đoạn này. Nhìn con khỉ vừa được nung xong, Mộc Nhĩ đã thầm run lên vì sung sướng.
Con khỉ rỗng bên trong, hệt như những món đồ nhỏ giọt nước mà ông thợ Min vẫn làm. Nhưng vì bác Sếu không cần nhỏ nước, nên Mộc Nhĩ không làm thêm những lỗ thoát nước. Đó là một bức tượng nhỏ, trông như món đồ chơi.
Bác Sếu chăm chú ngắm nghía món quà. Bác lật ngược nó lên, xoay tròn và vuốt ve lớp men trơn láng. Bác muốn cất lời, nhưng giọng nói đã nghẹn ngào trong cổ, vì thế thay cho câu nói, bác chỉ lắc đầu.
Bác đi khập khiễng đến chiếc rổ chứa đồ lặt vặt của mình, lấy ra một sợi dây bện. Vẫn lặng thinh như trước, bác khéo léo quấn sợi dây quanh con khỉ, buộc một cái nút thật chắc và đeo vào thắt lưng mình. Con khỉ đu đưa nghịch ngợm ở bên hông bác. Cuối cùng bác nói.
“Ta rất vinh dự được đeo nó,” bác nói và nghiêng mình như thể cúi chào ai.
“Vinh dự đó là thuộc về con chứ,” Mộc Nhĩ đáp lại.
Bác Sếu nhìn xuống, mấy ngón tay nghịch nghịch con khỉ. “Ta chẳng có quà gì cho con ngoài một lời khuyên,” bác nói. “Là thế này con ạ. Trong muôn vàn khó khăn mà con có thể sẽ gặp trên đường, thì chính con người mới là mối nguy hiểm lớn nhất. Nhưng chính con người cũng lại là chỗ dựa đáng tin cậy khi con cần được giúp đỡ. Bạn của ta, hãy nhớ lấy điều này, và con sẽ đi đến nơi về đến chốn.”