Mảnh gốm vỡ - Chương 10
Chương 10
Dùng một hòn đá nhọn, Mộc Nhĩ vạch thêm một dấu nữa lên khung chiếc gùi. Có sáu vạch tất cả, mỗi vạch là một ngày đi đường tính cho tới nay.
Đúng như bác Sếu dự đoán - mỗi ngày ở một ngôi làng. Sáng sáng Mộc Nhĩ thức dậy, rửa mặt ở một con suối, ăn một chiếc bánh gạo của Ajima rồi lên đường. Đến khi mặt trời đứng bóng, nó dừng lại tìm một chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi và uống nước từ bầu quả khô. Khi mặt trời hơi xế bóng, nó lại tiếp tục đi. Đôi lúc, vào khoảng chiều muộn hoặc tối mịt nó mới tới một ngôi làng và dừng chân nghỉ qua đêm.
Phong tục mến khách của dân quê dành cho những kẻ nhỡ đường là thuận lợi lớn đối với một thằng bé như Mộc Nhĩ. Nó đi trên đường làng cho đến khi một ai đó - thường là trẻ con - hỏi han sức khỏe và chuyện đi đường của nó. Mộc Nhĩ sẽ theo nó về nhà. Các gia đình bao giờ cũng cho phép nó ngủ dưới mái hiên. Nhiều khi họ còn cho nó ăn tối. Nếu không được đãi bữa tối thì ông chủ Min cũng đã cho nó một xâu tiền xu để mua thức ăn. Nó giữ tiền trong một chiếc túi nhỏ ở thắt lưng cùng với hai hòn đá lửa và một thỏi đất sét.
“Có lẽ mày sẽ quay về với một ít tiền còn dư,” ông thợ Min nhấm nhẳng nói vào một buổi sáng nó lên đường. Khi đưa tiền cho Mộc Nhĩ ông đã đặt tay lên vai nó trong một giây. Chỉ thế thôi nhưng Mộc Nhĩ xúc động đến nỗi suýt khuỵu xuống. Ông Min quay ngoắt người vào nhà không một lời từ biệt, nhưng một lúc sau đó Mộc Nhĩ vẫn cảm giác tựa hồ tay ông đang chạm vào nó.
Ajima có đưa cho Mộc Nhĩ một bao đồ ăn. Ngoài bánh gạo đặc, thứ lương khô tốt nhất trên đường trường, còn có một thứ đáng ngạc nhiên khác: Một gói gokkam- mứt hồng vàng khô ngọt ngào. Đôi mắt nó mở thao láo không tin nổi khi mở cái gói lúc nghỉ chân ngày đầu tiên. Nó nhận ra ngay: những trái hồng tròn dẻo màu vàng cam. Cách đây nhiều năm trong dịp lễ Phật Đản[5], một nhà sư nhân từ đã cho nó ăn vài quả gokkam. Đó là lần duy nhất mà nó từng được nếm vị mứt hồng. Nhưng món mứt hồng gokkam này ngon hơn nhiều, mỗi miếng mứt ngọt ngào, thơm phức gợi nhớ đến sự chăm sóc ân cần của Ajima.
[5] Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời, vào ngày 15 tháng 4 âm lịch - ND.
Cho đến lúc này chuyến đi của nó vẫn xuôi chèo mát mái khiến nó bắt đầu lơ là cảnh giác. Không có rủi ro hay tai nạn giáng xuống nó và gùi hàng. Thời tiết đẹp, ban ngày, thời tiết nóng như mùa hè, ban đêm lại dịu mát như tiết thu thật sự. Nó ngủ, chiếc gùi vừa cao vừa cứng dùng làm gối nhưng sự bất tiện khó chịu luôn được cảm nhận như một lời nhắc nhở về bổn phận của mình.
Tuy nhiên, hôm nay, những nỗi bồn chồn lo âu dọc đường của Mộc Nhĩ đã trở lại. Cho đến lúc ấy, việc đi lại thật dễ dàng. Sau khi vượt qua ngọn núi gần Chulpo nhất, con đường trở nên bằng phẳng, xuyên qua những cánh đồng lúa bát ngát. Nhưng giờ đây bắt đầu có nhiều đồi dốc, con đường dẫn lên cao dần. Đến ngôi làng kế tiếp phải mất hai ngày đường, đi qua một dãy núi lô nhô trước mặt, Mộc Nhĩ phải ngủ lại giữa rừng hoang.
Nhưng ngay khi đặt chân lên con đường núi, Mộc Nhĩ bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Mặc dù dãy núi xa lạ với nó, nhưng cây cối ở đây cũng giống như ở nhà - càng lên cao những cây thích, cây sồi và cây mận rừng dần nhường chỗ cho những đồi thông. Tâm trí Mộc Nhĩ bận rộn phân biệt tiếng hót của các loài chim và nhận biết các loài cây cỏ. Có lúc cao hứng nó bật hát nghêu ngao - nhưng nó chợt im bặt khi nhận ra mình vừa ngâm nga bài hát mà ông thợ Min hay hát ư ử trong khi ngồi bên bàn xoay. Lão già cứng đầu, Mộc Nhĩ nghĩ, rồi lắc đầu.
Thoáng hương sắc đầu tiên của mùa thu đã chớm len lỏi vào khu rừng này. Lá cây lác đác ngả sang màu vàng thau đỏ quạch nơi rìa lá. Không khí tươi mát và trong lành khi nó bước liêu xiêu trên con đường mòn rợp bóng. Nó nghĩ mình thật ngu ngốc vì đã lo sợ hão huyền vào lúc sáng sớm.
Mộc Nhĩ hi vọng sẽ đi ngang qua một lán thợ săn, hoặc thậm chí một ngôi chùa, nhưng mãi cho tới khi mặt trời từ từ khuất bóng sau những ngọn cây, nó vẫn chưa thấy chỗ trú chân. Nó để mắt tìm một chỗ thích hợp nghỉ đêm. Đứng bên con suối cạn nước róc rách chảy ngang qua lối mòn, Mộc Nhĩ lấy bình nước ra uống. Chùi hai tay vào áo chẽn, nó đứng nhìn chung quanh.
Ở bên kia bờ suối, cách đường mòn không xa lắm, có hai tảng đá lớn dựng đứng. Mộc Nhĩ lội qua suối đến gần quan sát kĩ. Giữa hai tảng đá có một khe hở. Khe quá hẹp không thể ngủ ở trong đó được, nhưng nó thích cái dáng chở che của những tảng đá lớn. Nếu ngủ ở đây, nó nghĩ, tảng đá sẽ đứng canh gác cho mình.
Mộc Nhĩ chật vật tháo gùi khỏi vai, bắt đầu lượm cành khô nhóm lửa. Chẳng có gì để nấu nướng, nhưng ngọn lửa sẽ sưởi ấm và giúp nó vững tâm khi màn đêm buông xuống. Sau khi dọn sạch một khoảng trống, nó nhặt đá từ dưới suối lên xếp thành môt vòng tròn. Rồi ở giữa vòng tròn nó dựng một kim tự tháp nhỏ bằng những cành khô chụm đầu lại với nhau. Dưới đáy kim tự tháp là một lớp lá thông khô.
Mộc Nhĩ thành thạo đánh hai hòn đá lửa vào nhau. Những tia lửa bắt vào đám lá thông. Cũng phải mất vài lần như vậy mới có một làn khói nhỏ báo hiệu ngọn lửa sắp bùng lên. Mộc Nhĩ lắc đầu tự chế nhạo mình. Bác Sếu hầu như lần nào cũng nhóm được lửa từ ngay cú mồi đầu tiên.
Mộc Nhĩ ngồi dựa lưng vào một trong hai tảng đá. Nó cất hai hòn đá đánh lửa vào chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng rồi lấy một cái bánh gạo trong túi ra ăn. Nó hơi nhăn mũi lại khi cắn miếng đầu tiên. Nó đã ăn hết bánh gạo của Ajima ngày hôm qua, mứt hồng đã hết từ lâu. Những chiếc bánh này nó mua ở trong làng, chẳng giống những chiếc bánh do Ajima làm chút nào, cả về mùi vị lẫn độ mịn của bột.
Ăn xong, Mộc Nhĩ lấy cục đất sét ra ngắt, véo, nhào, lăn tròn nhưng chưa nặn thành hình gì cả, chờ cục đất thì thầm mách bảo. Lập tức cái lưng cong cong, trơn trơn của một con rùa định hình. Tạo hình đầu rùa có khó hơn, và Mộc Nhĩ, mải mê với công việc tỉ mẩn.
Một lúc sau, nó chợt nhận ra mình đang căng mắt nhìn cục đất sét qua ánh sáng của ngọn lửa bập bùng. Nó đưa mắt nhìn quanh; mặt trời đã lặn, nhưng ánh hào quang vẫn còn bảng lảng trên mấy đám mây. Mộc Nhĩ đứng dậy, tháo cái chiếu buộc bên hông gùi ra. Nó trải chiếu ở khoảng đất giữa đống lửa và tảng đá, nằm sấp xuống, chống tay lên cằm, tư lự.
“Có hai thứ mà con người luôn thích ngắm nhìn,” nó như nghe tiếng bác Sếu vang vọng trong đầu. “Đó là lửa cháy và nước chảy. Bao giờ cũng như vậy, nhưng lại luôn luôn thay đổi.”
Khi màn đêm buông xuống, ngọn lửa bắt đầu hắt những cái bóng kì lạ lên những thân cây đen vây quanh nó. Bỗng nghe đánh tách. Tiếng động đột ngột từ đống lửa làm thằng bé giật bắn mình, nỗi lo sợ phập phồng lại ùa về. Đến lúc ngủ rồi - nó can đảm tự nhủ.
Mộc Nhĩ nhắm mắt lại, nhưng chỉ được một lúc thôi. Bóng tối bủa vây quanh nó sao mà mênh mang quá. Nhìn ngọn lửa một lúc nữa có lẽ mình sẽ ngủ được, Mộc Nhĩ nghĩ thầm. Quả thật, trong hơi ấm của ngọn lửa lung linh, hai mí mắt nó nặng dần.
Bất thình lình, Mộc Nhĩ giật mình thức giấc - nó vừa nghe thấy một tiếng động không phát ra từ đống lửa, khẽ khàng đến mức gần như không phải tiếng va chạm mà chỉ là một vật gì đó lay động, hay cái lao xao êm dịu của lá cây trong màn đêm tĩnh mịch. Nó chống khuỷu tay, hơi nhổm người dậy, lắng tai nghe ngóng, căng mắt ra nhìn trong ánh sáng hư ảo của vầng trăng non vừa ló dạng. Có lẽ chẳng có gì hết.
Nhưng rồi, nó nghe thấy lần nữa. Lần này thì không phải hồ nghi gì nữa. Có thứ gì đó đang chuyển động ngang qua khu rừng, cách chỗ nó không xa lắm. Một cái gì đó bước đi thanh thoát, có lẽ một con thú đang nhẹ nhàng chuyển động trên lớp lá rụng...
Từ từ, chầm chậm, nó nhấc chiếc gùi lên. Nó định nhét chiếc gùi vào khe hở giữa hai tảng đá nhưng lại không thể làm thế một cách lặng lẽ được. Nan cây của chiếc gùi cọ vào mặt đá bật thành tiếng. Mộc Nhĩ sợ cứng người, nín thở.
Thế này thì không xong rồi. Nó phải hành động thật mau nếu không con vật kia sẽ vồ nó trước khi nó kịp nhận biết. Mộc Nhĩ cố đẩy chiếc gùi vào trong khe hở, áp lưng vào đó và ngọ nguậy thân mình cố len vào. Không đủ chỗ, nó đành ngồi bó gối, người hơi chồm về phía trước chờ đợi, tim nó như muốn nổ tung ra khỏi lồng ngực.
Liệu con vật đó có tránh xa ngọn lửa không? Lửa sắp tàn rồi, bây giờ chỉ còn một đống than hồng. Mộc Nhĩ thầm mắng mình đã không nhặt nhiều củi hơn để cạnh đống lửa.
Tiếng động đang tiến lại gần hơn. Mộc Nhĩ có thể nghe thấy tiếng lá cây lạo xạo ở bên trái. Trên mặt đất ngay trước mặt nó có một cây gậy. Thật ra chỉ là một cành cây, nhưng dù sao có cũng hơn không. Nó tuốt lá rồi nắm chặt vũ khí trong tay. Có lẽ, nó quýnh quáng nghĩ, mình sẽ chọc mù mắt con thú khi nó chồm lên người mình, cố lôi mình ra khỏi chỗ có hai tảng đá...
Nó sẽ phải chờ bao lâu? Từng giây từng phút chậm chạp trôi qua. Rồi, không một dấu hiệu báo trước, con vật lọt vào tầm nhìn của nó.
Đó là một con cáo!
Mộc Nhĩ cảm thấy mạch đập thùm thụp trong cổ họng. Những ý nghĩ quay cuồng tuyệt vọng trong đầu. Nó chẳng có gì trong tay để chống lại con cáo kia. Trong khi đó, con vật nhìn nó chòng chọc, xoáy sâu vào tận đáy mắt đối phương, hút hồn nó cho tới khi nó từ từ đứng dậy đi theo về tận hang ổ của cáo. Thế là Mộc Nhĩ sẽ không bao giờ được gặp lại bác Sếu hay Ajima nữa. Những chiếc bình sẽ vẫn được giấu kín giữa những tảng đá này, vĩnh viễn. Riêng Mộc Nhĩ sẽ chẳng còn gì ngoài một đống xương trắng đã bị gặm nham nhở...
Con cáo quay đầu lại. Trong khoảnh khắc, ánh lửa vẫn còn le lói phản chiếu trong mắt cáo. Đừng nhìn! Mộc Nhĩ thầm la lên với mình. Không được nhìn vào mắt nó - cơ hội duy nhất của mi đấy! Thế là Mộc Nhĩ nhắm chặt mắt lại quyết không nhìn vào đôi mắt ma quái của con cáo.
Mộc Nhĩ đã chờ trong bao lâu, chính nó cũng không biết. Khi nó mở mắt ra thì hình như cả đời người đã trôi qua. Nó đã bị thôi miên bất chấp nỗ lực bản thân rồi chăng? Hay là nó đang ở trong hang cáo, tỉnh lại lần cuối cùng trước cái chết đau đớn, đẫm máu?
Mộc Nhĩ chớp chớp mắt để nhìn cho rõ hơn. Chẳng thấy con cáo đâu cả, còn nó thì vẫn lèn cả thân mình trong khe hở giữa hai tảng đá, bắp thịt đau nhức vì chuột rút. Nó không dám cử động. Không chừng lại là một trò lừa bịp khác của con cáo: Biết đâu con cáo vẫn lảng vảng đâu đó, chờ nó chui ra khỏi nơi ẩn náu. Không nhất định phải ở lại chỗ này, cảnh giác trước bất cứ cạm bẫy nào của con thú ranh ma...
Tiếng chim chóc đánh thức Mộc Nhĩ dậy. Nó ngơ ngác mất một lúc không biết mình đang ở đâu. Nó vừa nhúc nhích thì bị một góc của chiếc gùi đâm mạnh vào lưng.
Ánh mặt trời nhảy nhót rực rỡ qua những kẽ lá trên đầu. Trời sáng rồi.
Có lẽ nào? Hẳn nó đã ngủ thiếp đi! Không ai biết nó ngủ trong bao lâu, với một con cáo cận kề và nó vẫn còn sống.
Mộc Nhĩ chợt cười lên thành tiếng, âm thanh của tiếng cười khiến nó nhớ đến ông bạn già ưa triết lý. Chúng ta sợ hãi trước những thứ mà chúng ta không biết chỉ vì chúng ta không biết mà thôi. Mộc Nhĩ ngẫm nghĩ một chút và cảm thấy hài lòng với chính mình. Nó phải ghi nhớ ý tưởng này - hẳn bác Sếu sẽ rất thích bàn luận về ý nghĩ của câu chuyện vừa rồi. Mộc Nhĩ thu người chui ra khỏi khe hở, nhăn mặt buồn phiền vì hai bả vai cũng căng cứng như những cơ bắp trên người nó.
Còn một ngày đường nữa thì tới ngôi làng kế tiếp, nằm ở thành phố Puyo. Mặc dù Mộc Nhĩ định đi thẳng đến Songdo vì không muốn chậm trễ, nhưng bác Sếu đã khuyên một khi đã đến Puyo hãy dừng chân ở một nơi được gọi là “Vách đá Hoa Rơi”.
“Đó là câu chuyện xưa, rất xưa,” bác Sếu bắt đầu như vậy, còn Mộc Nhĩ thì trải chiếc chiếu của mình ra và nằm xuống, ngọ nguậy tìm thế nằm thoải mái nhất.
“Con biết không, mảnh đất nhỏ bé của chúng ta đã phải trải qua bao nhiêu họa xâm lăng,” bác Sếu nói tiếp. “Những vương quốc hùng cường xung quanh - Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ - không bao giờ để cho chúng ta sống thanh bình lâu dài. Đây là câu chuyện về một trong những cuộc xâm lăng như thế.”
“Vào thời nhà Đường của Trung Hoa, cách đây khoảng năm trăm năm về trước, Puyo lúc bấy giờ là thủ đô của Paekche - một trong ba quốc gia chia nhau cai trị vùng đất này. Quân nhà Đường, liên minh với vương quốc Silla, càn quét từ phía bắc và tràn xuống đến Puyo. Phần lớn quân lính đều lên đường chiến đấu, chỉ còn một số ít cận vệ ở lại để bảo vệ nhà vua. Ngài nhận được tin cấp báo thì đã quá trễ.”
“Khi nhà vua và đám cận thần rời bỏ cung điện, họ bị quân nhà Đường truy đuổi gắt gao. Đoàn người chạy trốn buộc phải rút lên ẩn náu tại một nơi cao nhất Puyo - một vách đá nhìn xuống dòng sông Kum. Không có lối thoát, lính ngự lâm anh dũng chặn con đường lên xuống vách đá, trấn thủ giữa kẻ thù và Đức vua của họ. Chẳng bao lâu, họ đã bị quân giặc đánh cho tan tác.”
“Vài cận thần và đám cung tần mỹ nữ vây quanh nhà vua, kiên quyết bảo vệ Chúa thượng của mình đến hơi thở cuối cùng. Cánh phụ nữ biết quá rõ ràng, quân nhà Đường sẽ không giết họ - không, chúng sẽ bắt họ như những chiến lợi phẩm và chắc chắn sẽ hành hạ họ. Nỗi kinh hoàng ấy khó có thể hình dung nổi.”
Bác Sếu ngừng lời để nhấp một ngụm trà. Mộc Nhĩ nhỏm dậy, quỳ gối háo hức, lắng nghe câu chuyện. “Rồi sao nữa?,” nó hối thúc.
“Kiên nhẫn nào, khỉ con. Còn chưa đến đoạn hay nhất đâu.” Bác Sếu nhìn đăm đăm vào ngọn lửa trong giây lát. “Quân nhà Đường đánh thốc lên đỉnh núi, Ngay lập tức, cứ như thể tất cả tâm trí của mọi người đã chung đúc thành một, đám đàn bà con gái thi nhau lao mình từ vách đá xuống vực. Tất cả họ thà chọn cái chết hơn là trở thành tù nhân trong tay quân thù.”
“Con có mường tượng được không, anh bạn nhỏ? Những người đẹp nhảy từ vách đá xuống, từng người, từng người một, những bộ váy lụa rực rỡ của họ bay phất phới trong không trung - tím, đỏ, vàng, xanh... tựa như những đóa hoa đang rời cành rơi xuống.”
Mộc Nhĩ há hốc miệng, hai mắt tròn xoe. Cảnh tượng mới hào hùng làm sao!
“Trong trận đó thắng lợi thuộc về quân nhà Đường, nhưng cái chết của những người phụ nữ không hề vô ích, bởi vì hành động của họ đã trở thành nguồn cảm hứng động viên tinh thần cho tất cả những ai cần được khích lệ. Kí ức về họ sẽ còn lưu truyền hàng ngàn năm nữa, ta chắc chắn là như vậy.”
Bác Sếu đưa tay ra với lấy cái nạng, chọc vào đống than hồng với ngọn lửa sắp tàn. Mộc Nhĩ trông thấy những tia lửa lóe lên rồi vụt tắt... như những bông hoa bé xíu xiu.
“Hãy leo lên Vách Đá Hoa Rơi khi con tới Puyo, anh bạn nhỏ ạ,” bác Sếu dặn dò. “Nhưng nên nhớ rằng nhảy xuống tìm cái chết không phải là cách duy nhất để chứng tỏ lòng dũng cảm thật sự.”
Bây giờ Puyo đang ở ngay trước mặt. Mộc Nhĩ hăm hở sải bước trên đường. Nó sẽ ghé thăm vách đá, và khi trở về sẽ kể lại với bác Sếu những gì tai nghe mắt thấy.
Những ngôi làng nằm trên con đường Mộc Nhĩ đi qua có cái gì đó khá giống với Chulpo. Tuy không phải là những ngôi làng ven biển, dân chúng phần lớn làm nghề nông, không phải nghề gốm, nhưng vẫn tạo cho khách bộ hành cái cảm giác giông giống như Chulpo: những nếp nhà nhỏ, mái lá cụm vào nhau dọc theo tuyến đường chính, dinh thự dành cho giới quan lại tách hẳn khỏi khu nhà dân; thế nào cũng có một ngôi chùa ở gần làng; hết thảy mọi người đều cần cù làm lụng để đổi lấy một cuộc sống đạm bạc. Ai nấy đều tốt bụng và đáng kính, chí thú làm ăn. Mộc Nhĩ cũng chăm chú lo cho công việc của mình.
Nhưng ở Puyo thì khác! Mộc Nhĩ đi qua cổng thành và đứng khựng lại ở giữa đường. Người đâu ra mà đông thế! Nào chỉ có người, còn trâu, bò và xe thồ chen lấn nhau trên những con phố chật hẹp; nhà cửa san sát nhau khiến Mộc Nhĩ thắc mắc không biết cư dân ở đây làm sao thở được. Sau lưng nó vang lên những tiếng quát tháo nôn nóng, ai cũng cố xô đẩy để vượt qua mặt nó. Cậu bé bị cuốn đi, giữa dòng người hối hả.
Hai bên đường là những cửa tiệm buôn bán nhộn nhịp. Chủ tiệm ai nấy đều lảnh lót rao hàng và trưng ra những món hàng độc của mình; khách mua hàng cũng thét to không kém, cố trả giá rẻ nhất. Chưa bao giờ Mộc Nhĩ trông thấy nhiều hàng hóa đến thế hoặc nghe nhiều tiếng ồn đến thế! Cứ thế này, làm sao cư dân Puyo có thể nghe thấy những suy nghĩ của chính họ?
Có tiệm bán thực phẩm chế biến sẵn, có cửa hàng bán rau củ và cá mú. Một quầy chỉ bán rặt bánh kẹo. Lại có những dãy bàn bày tơ lụa, những khay ngọc thô đá quý còn chưa qua chế tác, rồi đồ chơi bằng gỗ. Tất cả các mặt hàng gia dụng đều có mặt, nào giỏ, nào chiếu cói và tủ gỗ.
Và đồ gốm nữa. Mộc Nhĩ dừng lại trước một gian hàng. Đồ gốm được chất thành những ngọn núi nhỏ - không phải là đồ tráng men màu ngọc bích, mà là đồ gốm đá[6] màu nâu sậm gọi là onggi, dùng để chứa thực phẩm.
[6] Đồ gốm có chứa một lượng nhỏ đá - ND.
Cửa hàng onggi trưng bày tất cả loại sản phẩm đủ mọi kích cỡ, từ những cái đĩa nhỏ tí xíu đựng nước sốt cho đến những cái vại muối kim chi to đến mức một người lớn có thể chui lọt. Hàng hóa được chất thành những tháp cao nhìn chông chênh như sắp sửa lật nhào xuống. Nhưng Mộc Nhĩ mỉm cười, biết rằng chúng vững chắc hơn vẻ bề ngoài rất nhiều. Nó đã học được các xếp chồng những sản phẩm gốm có kích thước tương tự nhau thành một ngọn tháp cao ngất mà không bao giờ bị đổ nhào.
Mộc Nhĩ vừa toan bước tiếp thì bỗng phát hiện ra một cái kệ ở cuối cửa tiệm. Miệng nó há to vì kinh ngạc.
Chỉ có ba món hàng trưng trên cái kệ này, ba cái bát uống rượu men màu ngọc bích giống hệt nhau - khảm hình hoa cúc.
Người chủ tiệm nhận thấy Mộc Nhĩ quan tâm bèn bảo: “Này chú nhóc, hãy về bẩm với ông chủ của chú rằng những cái bát đó là mẫu mới nhất đấy. Người làm ra chúng chính là một người thợ được đức vua sủng ái! Ta không dám nói cho chú biết là mình phải trả bao nhiêu mới mua được đâu... Chỉ có khách hàng sành điệu lắm mới có thể mua nổi món đồ này. Chủ của chú có phải là người như vậy không?”
Mộc Nhĩ không muốn tỏ ra thô lỗ, nhưng nó không sao nói được. Đầu óc quay cuồng, nó chỉ cúi đầu trước người chủ tiệm và bước ra khỏi quầy.
Thiết kế của bác thợ Kang - đã được chiêm ngưỡng, được thán phục và được sao chép để bày bán trên những đường phố ở Puyo.
Mộc Nhĩ bắt đầu đi nhanh hơn, len lỏi giữa đám đông. Tác phẩm của ông thợ Min phải đến Songdo sớm chừng nào tốt chừng nấy.