Mảnh gốm vỡ - Chương 13
Chương 13
Chuyến trở về trên biển nhanh hơn rất nhiều so với chặng đường dài dằng dặc trên bộ. Ngày đầu tiên thằng bé bị bệnh, vừa do quá phấn khích vừa do boong thuyền chòng chành liên tục - nhưng sau đó nó thích thú ngắm nhìn biển cả thay đổi sắc thái. Bầu trời trông cũng khác lắm, rộng lớn khôn cùng chứ không như nó trông thấy khi lầm lũi đi trên đường. Tuy nhiên, trên suốt chặng đường về nhà, cảm giác nôn nóng, bồn chồn không yên luôn dâng trào trong lòng nó.
Cuối cùng, thuyền cũng về gần đến Chulpo. Mộc Nhĩ háo hức nhoài người qua mạn thuyền. Ngôi làng của nó trông mới thân thuộc làm sao, kể cả khi đứng từ góc nhìn mới lạ này! Trong nỗi xăng xái đến nôn nao, nó phải cố kìm để không lao xuống biển khi thuyền vẫn còn xa bờ. Khoảng cách cuối cùng của cuộc hành trình, từ bến cảng vào bờ trên con thuyền có mái chèo nhỏ, dường như kéo dài bằng cả chặng đường đã qua.
Vừa lên bờ, Mộc Nhĩ đã vắt chân lên cổ chạy về làng. Nó quyết định sẽ đến nhà ông chủ trước để báo tin vui nức lòng này rồi sau đó mới trỏ về chân cầu báo tin cho bác Sếu hay.
Nó đứng trước cửa nhà nhưng không thấy ai mở cửa, Mộc Nhĩ bước vòng ra phía sau. Ajima đang ở ngoài vườn rau, cúi lom khom, quay lưng về phía nó.
Nó hắng giọng. “Thưa Ajima?”
Ajima quay phắt lại nhanh đến nỗi trong chốc lát nó sợ bà té nhào. “Mộc Nhĩ!” bà reo lên, gương mặt bà rạn ra hàng ngàn nếp nhăn trong nụ cười vui sướng. “Thế là cháu đã bình an trở về!”
“Phải, thưa Ajima.”
Hôm đó trời trở lạnh, mùa thu đã hoàn toàn ngự trị nơi này, nhưng nụ cười và giọng nói của Ajima cứ như phả lên người nó một luồng hơi ấm. Nó cúi đầu, nụ cười bừng lên trên mặt nó. “Thưa, ông chủ có nhà không ạ?”
“Ông ấy đang ở chỗ hố lọc...” Ạjima lưỡng lự như thể đang cân nhắc một quyết định, sau đó lại nói tiếp. “Cháu có tin cho ông ấy hả?”
Không kiềm chế nổi niềm vui Mộc Nhĩ cảm thấy hai bên khóe miệng nó cứ chành ra. “Vâng, thưa Ajima.” Nó cúi đầu chào lần nữa và chạy vụt qua sân về phía dòng suối.
Gần tới khoảng rừng thưa Mộc Nhĩ bước chậm lại, gần như đi bước một. Nó nắm chặt nắm tay lại để kiềm chế.
“Thưa sư phụ?” nó cao giọng gọi.
Ông thợ Min đang khuấy đất sét trong hố lọc. Ông đặt mái dầm xuống, lau lau đôi bàn tay vào một miếng giẻ.
“Về rồi đấy à?” Ông hỏi, cứ đơn giản như nó vừa chạy sang hàng xóm làm một việc vặt cho ông.
Mộc Nhĩ cúi đầu. “Cháu đã gặp sứ thần của triều đình,” nó nói, cố giữ cho giọng nói đừng có vẻ quá quan trọng. “Ngài đã chỉ định sứ mạng cung cấp đồ gốm cho ông rồi ạ.”
Ông thợ Min nhắm nghiền hai mắt lại, hít một hơi dài, thật dài, rồi để cho làn hơi thoát ra thành tiếng thở dài gần như là tiếng huýt gió và mở mắt. Ông nhìn chằm chằm vào khoảng không sau vai Mộc Nhĩ một lúc, rồi bước tới một tảng đá gần con suối, ngồi xuống. Ông chỉ một tảng đá khác bên cạnh mình.
Mộc Nhĩ ngồi xuống, hơi thất vọng vì ông chủ của mình không bộc lộ đúng cái cảm xúc trào dâng trong lòng nó mấy hôm rồi. Tận đến lúc này trái tim bé bỏng của nó vẫn đập mạnh đến nỗi nó có thể cảm nhận được xung động của trái tim trong cuống họng đang nghẹn lại của mình. Mộc Nhĩ liếc trộm khuôn mặt của người thợ gốm. Vì lẽ gì mà ông lại có vẻ nghiêm trang như vậy? Đây không phải là cái tin mà ông mong ngóng suốt cuộc đời ngồi bên bàn xoay hay sao? Mộc Nhĩ lắc đầu, rũ đi một cái gì đó trong tâm tưởng - lý ra nó phải biết có thể mong chờ được điều gì ở người thợ gốm này chứ.
Ông thợ Min chồm người về phía trước, mở miệng định nói, nhưng rồi ngừng lại lắc đầu.
“Ta rất tiếc, Mộc Nhĩ à,” cuối cùng ông nói. “Bạn mày ở dưới cầu...”
Cả người Mộc Nhĩ như cứng lại. Bác Sếu.
“Mấy hôm trước, ông ấy đứng trên cầu. Một người nông dân đi qua cầu với một chiếc xe chất đầy ngất. Gỗ ở thành cầu đã bị mục. Bạn mày bị chiếc xe quệt phải và ngã vào thành cầu, mấy thanh gỗ gãy ra.”
Mộc Nhĩ nhắm mắt lại. Nó ước gì ông thợ Min đừng nói gì nữa.
Ông Min nhoài người, đặt tay lên vai Mộc Nhĩ. “Nước sông lạnh giá... ông ấy cũng đã già rồi. Cú rơi quá mạnh đối với tim ông ấy.”
Mộc Nhĩ có cảm giác rất kì lạ. Cứ như thể nó tách khỏi cơ thể mình và đang nhìn chính mình nghe ông thợ Min nói. Thằng Mộc Nhĩ kia - cái thằng vừa thoát xác xong nhận thấy đôi mắt ông trở nên dịu dàng, nét mặt thật đôn hậu. Đây là lần đầu tiên Mộc Nhĩ thấy ông hiện lên trong một ánh sáng như vậy.
Ông thợ Min vẫn tiếp tục nói. “Ta nghe kể lại rằng chuyện xảy ra rất đột ngột, Mộc Nhĩ ạ. Thế nên bạn cháu không cảm thấy đau đớn gì.” Ông thò tay vào chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng, lấy ra một vật nhỏ. “Khi người ta vớt ông ấy lên khỏi dòng sông, ông ấy đang nắm chặt vật này trong tay.”
Đó là con khỉ nhỏ bằng gốm, vẫn còn buộc sợi dây gai thô. Ông thợ Min chìa nó ra, nhưng Mộc Nhĩ không thể giơ tay ra để đón lấy.
Sau đó Mộc Nhĩ nghe thấy giọng nói của Ajima. Dường như bà hiện lên từ làn không khí mỏng tang bên cạnh nó. Hay là bà đã ở đây suốt từ nãy đến giờ? Tiếng động và mọi vật quanh nó đang chao đảo, mờ dần đi, như thể nó đang nhìn và nghe qua làn nước. “Mộc Nhĩ, cháu hãy ở lại với chúng tôi tối nay,” bà nói.
Với những suy nghĩ vẫn tách ra ngoài thể xác, Mộc Nhĩ thấy nó đứng dậy, mặc cho Ajima dẫn nó về nhà.
Ông Min nói với theo họ. “Cháu làm việc tốt lắm, Mộc Nhĩ.”
Những lời ấy vang đến tai Mộc Nhĩ như thể vọng đến từ một nơi nào xa xăm lắm. Dù sao thì đôi tai nó không còn đáng tin nữa. Có lẽ nó chỉ tưởng tượng ra thôi.
Mộc Nhĩ và Ajima bước qua ngưỡng cửa. Một phần tâm trí Mộc Nhĩ vẫn máy móc hoạt động - bảo nó biết rằng trước đây nó chưa từng bước chân vào trong nhà. Nó loáng thoáng trông thấy những tác phẩm của ông Min - một ấm trà cầu kì đặt trên kệ, một chiếc âu chạm khắc công phu đựng dụng cụ nấu nướng. Những căn phòng khá sơ sài, nhưng không hề lạnh lẽo bởi được sắp xếp rất ngăn nắp.
Ajima chỉ cho Mộc Nhĩ một căn phòng nhỏ hẹp có một chiếc chiếu đã trải sẵn, rồi để nó lại một mình. Mộc Nhĩ nằm xuống chiếu, nhắm mắt lại trước ánh đèn và bứt tâm trí khỏi những gì mà nó vừa nghe được, rồi rơi vào một cái hố đen ngòm, sâu hun hút của giấc ngủ mệt nhọc.
Sáng hôm sau, trước khi chuông chùa đổ rất lâu Mộc Nhĩ đã trở dậy. Nó rời ngôi nhà vắng lặng, rảo bước ra con suối, đứng thẫn thờ và ngây dại nhìn dòng nước đang chảy rì rào. Sau đó, nó cúi xuống nhặt một hòn đá dẹt, ném đi một cách thờ ơ đến nỗi chẳng làm hòn đá nẩy lên chút nào. Hòn đá rơi xuống nước đánh tõm.
Mộc Nhĩ ném hòn thứ hai, thứ ba. Rồi bất thần nó thảy đá lia lịa xuống mặt nước, hòn này tiếp hòn kia, mạnh hơn, mạnh hơn nữa, cho đến khi mặt nước bị khuấy đục và sủi bọt dưới làn mưa đá. Trong cơn cuồng loạn, Mộc Nhĩ ném ráo cả lá cây, cành cây và đất - bất cứ thứ gì mà nó vớ được.
Cuối cùng, nó không còn thở nổi nữa. Nó cúi gập người xuống, ôm chặt lấy bụng thở dốc, rồi quỳ sụp trên bãi đất bùn bên bờ suối, nhìn dòng nước bị khuấy động đang lắng dần xuống.
Nếu nó không tình nguyện đem đồ gốm của ông thợ Min đi Songdo thì sao nhỉ? Lẽ ra nó phải có mặt ở đây - Nó đã có thể giúp bác Sếu...
Dòng nước cuốn một chiếc lá đang trôi vào xoáy nước nhỏ. Ý nghĩ tản mác của Mộc Nhĩ quay về cái ngày mà nó đưa cho người bạn già món quà nó tự tay làm ra. Nó nhớ lại vẻ hài lòng nghiêm trang của bác Sếu, và cái cách bác lập tức đi tìm sợi dây buộc để con khỉ bao giờ cũng ở bên mình. Bác Sếu không bao giờ, dù là bóng gió, bảo Mộc Nhĩ không nên thực hiện chuyến đi này. Bác rất tự hào về lòng can đảm của Mộc Nhĩ.
Kí ức tự động xếp thành lớp lang trong tâm trí Mộc Nhĩ: việc bác bao giờ cũng sẵn lòng bàn bạc mọi việc lớn nhỏ với nó... những câu chuyện bác kể, bí mật về các ngọn núi mà bác hào hứng chia sẻ, vốn hiểu biết của bác về thế giới chung quanh... cách bông đùa của bác, kể cả khi bác chế nhạo bản thân mình hoặc nói về cái chân tàn tật của mình.
Một chuỗi kí ức khác ùa về cắt ngang dòng suy nghĩ của nó, giống như một con cá phóng vọt lên mặt nước. “Bất kể bác đang ở đâu trên cuộc hành trình của mình, bác Sếu ạ,” Mộc Nhĩ thì thầm, “con hi vọng bác đang đi trên đôi chân khỏe mạnh.”
Đến đây những giọt nước mắt tuôn dài trên má Mộc Nhĩ.
Tiếng chuông chùa cắt ngang tiếng khóc nức nở của Mộc Nhĩ. Nó run rẩy đứng dậy, cúi xuống rửa mặt dưới dòng suối và lê từng bước về nhà. Ông thợ Min đang đợi nó ở ngoài sân - với chiếc xe đẩy và cái rìu.
Hôm nay lại đốn củi, Mộc Nhĩ thở dài. Chẳng có gì thay đổi cả. Tất cả mọi thứ đều giống như trước khi nó bắt đầu chuyến đi.
Không. Chẳng giống chút nào. Bác Sếu không còn nữa. Mộc Nhĩ rùng mình. Làm sao nó có thể chịu đựng mùa đông đang đến gần, một mình một bóng trong hầm chứa rau ẩm thấp nhớp nháp như thế?
Ông thợ Min đưa cho nó cái rìu. “Lấy gỗ lớn,” ông nói như quát. “Tối thiểu cũng phải bằng thân người.”
Mộc Nhĩ cau mày. Làm gì mà lớn thế? À phải, cần phải to như vậy mới có thể chẻ ra cho vừa với những lỗ giòi trên lò, nhưng việc này đòi hỏi tốn nhiều công sức.
“Có chuyện gì với cháu vậy, nhóc? Cháu không hiểu là ta vừa nhận được đặt hàng của triều đình ư? Cháu không biết là có vô vàn công việc phải làm sao?”
Mộc Nhĩ cúi đầu trong lúc ông thợ Min tiếp tục mắng mỏ. “Ta có ba đầu sáu tay đâu mà làm hết mọi việc? Làm sao cháu có thể giúp ta nếu cháu không có bàn xoay riêng, hả? Và làm sao có được bàn xoay nếu cháu không đi lấy những khúc gỗ lớn như vậy về đây? Đi đi!” ông thợ Min nóng nảy chỉ tay về phía ngọn núi.
Khi Mộc Nhĩ đấ quay đi thì đầu óc nó mới lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa những lời nói của ông thầy ưa cau có. Một bàn xoay riêng của nó?
Ông Min sẽ dạy nó nặn xương gốm! Mộc Nhĩ ngoái nhìn ra sau, một nụ cười ngớ ngẩn mở trên khuôn mặt nó. Nhưng ông thợ đã đi vào trong nhà, thay vào đấy là Ajima đi ra sân, bà vẫy tay ra hiệu cho nó trở lại lấy bát cơm trưa. “Nhớ về nhà đúng giờ ăn tối nhé,” bà nói khi đưa cái bát cho nó.
Lại thêm một ngạc nhiên lớn trong khoảng thời gian ngắn ngủi. “Nhà” Ajima đã nói vậy. Mộc Nhĩ nhìn bà, bối rối. Ajima gật đầu nghiêm trang.
“Mộc Nhĩ à, nếu cháu đồng ý sống với chúng ta kể từ hôm nay thì ta có một yêu cầu với cháu.”
“Bất cứ việc gì, thưa Ajima.” Mộc Nhĩ cúi đầu đáp, và nó không khỏi cảm thấy chếnh choáng.
“Chúng ta sẽ đặt cho cháu một tên mới. Nếu cháu đồng ý thì kể từ bây giờ chúng ta sẽ gọi cháu là Hyung-pil, được không?”
Mộc Nhĩ cúi đầu thật nhanh, nhớ ra rằng con trai của ông thợ Min tên là Hyung-gu. Cái tên này có chung âm tiết với cái tên ấy! Điều này chỉ dành cho anh chị em ruột thịt. Mộc Nhĩ sẽ không còn là đứa trẻ mồ côi nữa. Nó máy móc gật đầu, không nói lên lời, nhưng nó cảm nhận được nụ cười của Ajima ở phía sau khi nó quay lưng đi.
“Vậy chúng ta sẽ gặp lại con vào bữa tối, Hyung-pil nhé,” bà dịu dàng nói với theo.
Mộc Nhĩ bỏ chạy xuống con đường, chiếc xe đẩy nảy tưng tưng trước mặt nó. Có quá nhiều chuyện để suy nghĩ và nó cảm thấy mình bị lạc đi đâu mất trong cái mớ bòng bong của biết bao ý nghĩ vút qua như tên bắn. Bác Sếu... bàn xoay của riêng mình... ở dưới một mái nhà với Ajima, và một cái tên mới... Ông thợ Min sẽ dạy nó tạo dáng đồ gốm... bác Sếu.
Mộc Nhĩ lắc đầu thật mạnh, giống như con chó rũ bộ lông ướt sũng nước. Nó lần tìm trong trí óc một hình ảnh khả dĩ giúp nó trấn tĩnh lại được. Chiếc bình cao cổ, cắm cành hoa mận mãn khai đẹp nhất! Ứớc mơ tự tay làm một chiếc bình như thế lại trở về, mãnh liệt hơn bao giờ hết, bởi vì nó là cái gì đó hơn cả... một giấc mơ. [Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Mộc Nhĩ dường như đang cảm nhận được khối đất sét dưới đôi tay mình lớn dần lên trên bàn xoay - bàn xoay của chính nó! - tạo thành một chiếc bình tuyệt mỹ. Nó sẽ làm những cái giống hệt nhau, hàng chục cái nếu cần, cho tới khi có được nước men màu ngọc bích trong suốt như nước suối ban mai giữa rừng. Rồi chiếc bình sẽ được khảm thật sắc sảo và khéo léo, với hình hoa văn như thế... như thế...
Mộc Nhĩ khẽ nhíu mày ngước mắt nhìn lên ngọn núi. Cây cối đang trút những chiếc lá cuối cùng, để lại dáng trơ trụi nhưng hiên ngang giữa màu xanh bạt ngàn của rừng thông. Ánh mắt Mộc Nhĩ dõi theo đường cắt của thân cây và cành lá cho đến khi thấy những đường cắt sắc nét và rõ ràng của chúng in đậm trên nền trời xanh thắm một sớm đầu thu.
Bao lâu nữa nó mới lành nghề để tạo ra mẫu hoa văn xứng với chiếc bình như vậy? Một ngọn đồi, một thung lũng... Một ngày nào đó, sau cuộc hành trình kéo dài qua nhiều năm tháng cũng sẽ đến lúc nó có được sản phẩm hoàn hảo trong mơ ấy.
Mộc Nhĩ gò lưng, đẩy chiếc xe về phía trước, lên con đường núi.
Trong số những di sản văn hóa có giá trị nhất của Triều Tiên có một chiếc bình cao cổ. Đó là mẫu đồ gốm men ngọc bích khảm dát hoàn hảo nhất từng được phát hiện và được cho là có từ thế kỉ 12.
Đặc điểm nổi bật của chiếc bình này là những họa tiết được khảm dát tinh vi và phức tạp. Tất cả bốn mươi sáu họa tiết hình tròn đều gồm một vòng đai trắng bên ngoài và một vòng đen ở trong. Bên trong mỗi vòng tròn có một con sếu đang sải cánh bay uy nghi, tất cả đều được khắc và sau đó được khảm bằng kĩ thuật điêu luyện nhất. Ngoài những đám mây lờ lững trôi giữa các họa tiết, còn có thêm nhiều con sếu nữa bay lẫn trong mây. Nước men trên bình có màu xanh lá cây ánh lên sắc xám nhạt của làn khói bếp cuối chiều thu.
Người ta đặt tên chiếc bình là “Thiên sếu”.