Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển IV - Chương 077 - 078 - 079 - 080 - 081

77. Hòa thượng họ Kim[1]

[1] Kim hòa thượng.

Hòa thượng họ Kim là người Chư Thành (tỉnh Sơn Đông), cha là kẻ vô lại, đưa mấy trăm đồng tiền đem Kim lên gởi vào chùa trên núi Ngũ Liên. Kim lúc nhỏ ngu si đần độn không thể học kinh, chỉ làm được những việc chăn heo đi chợ như tôi tớ. Sau sư phụ của Kim chết, cũng có chút ít tiền bạc để lại, Kim cuỗm đi trốn khỏi chùa làm nghề buôn bán, rất giỏi những việc treo dê bán chó, tráo đấu lường thăng nên chỉ mấy năm vụt trở nên giàu có. Bèn mua ruộng đất nhà cửa ở làng Thủy Pha, đệ tử rất đông, hàng ngày có hàng ngàn người ăn cơm, quanh làng có mấy ngàn mẫu ruộng tất đều là của Kim, trong làng có vài mươi gian nhà lớn đều là sư ở. Nếu là người khác thì cũng là kẻ nghèo khó không sản nghiệp nên dắt vợ con tới đó ở nhà thuê làm ruộng mướn mà thôi, có mấy trăm gia đình như thế.

Mỗi nhà thì cất phòng sát tường san sát cho họ ở, sư thì ở giữa, phía trước có sảnh đường, rường sơn cột chạm sơn son thiếp vàng lóa mắt, bàn ghế bình phong trong sảnh bóng loáng có thể soi được. Phía sau thì làm phòng ở, rèm đỏ màn thêu xông lan xạ thơm phức, giường nằm chạm trổ khảm xà cừ, trên giường trải nệm dày hơn thước, trên vách thì treo kín các bức vẽ mỹ nhân sơn thủy nổi tiếng. Trong nhà gọi to một tiếng thì ngoài cổng có mấy mươi người dạ ran như sấm ào ào chạy vào xếp hàng im lặng lắng tai nghe lệnh. Khách tới bất ngờ thì trong vòng mười mâm có thể bày lên trong chớp mắt, cơm canh rượu thịt ngon lành bưng lên tới tấp. Chỉ là không dám công nhiên nuôi ca kỹ nhưng cũng có mười mấy tiểu đồng đẹp trai, đều lanh lợi khéo léo có thể làm vừa lòng người, sai đội khăn đen ca hát thì người nghe kẻ xem cũng không thấy chướng.

Kim mỗi lần ra khỏi nhà thì trước sau có vài mươi kỵ mã đeo cung dẹp đường, bọn tôi tớ đều gọi là gia gia, dân trong huyện người gọi là ông, người gọi là chú chứ không gọi là sư hay Thượng nhân, cũng không gọi theo pháp hiệu. Môn đồ Kim ra ngoài thì nghi vệ có kém hơn nhưng áo đẹp ngựa khỏe cũng gần như các công tử con quan. Kim lại giao du rộng, cho dù ngoài ngàn dặm cũng biết được tin tức, vì vậy các quan lớn nhỏ trong vùng nếu ngẫu nhiên làm Kim mất lòng cũng run sợ lo lắng. Nhưng Kim là người thô lỗ, từ đầu tới chân không có chút nào là văn nhã, bình sinh không đọc một câu kinh, tụng một câu sấm, chân không lui tới chùa chiền, phòng không bày biện chuông mõ, những vật ấy thì bọn môn đồ chưa từng thấy mà cũng chưa từng nghe. Phàm những gia đình tới thuê nhà ở thì phụ nữ trang sức như gái kinh đô, phấn sáp gương lược đều do sư cấp, sư cũng không bòn xẻn. Vì vậy các gia đình không có ruộng mà làm nông trong vùng có tới vài trăm.

Thỉnh thoảng lại có chuyện tá điền giết sư trên giường, Kim cũng không tra xét gì lắm, chỉ đuổi đi nơi khác, dần dần thành lệ. Kim lại mua trẻ con khác họ nuôi làm con mình, rước thầy về dạy cho học hành. Đứa nhỏ thông minh học giỏi, bèn sai vào học trường huyện, kế theo lệ mua cho chức Thái học sinh. Không bao lâu y lên thi hương ở phủ Thuận Thiên đỗ Cử nhân, từ đó Kim được gọi là Thái công, những người gọi là gia gia trước đây càng khúm núm, con cháu của họ đều chắp tay làm lễ với Kim như ông tổ mấy đời.

Không bao lâu Thái công chết, Hiếu liêm mặc tang phục cư tang, tự xưng là con mồ côi, các môn đồ chống gậy đứng đầy quanh giường, nhưng sau linh sàng chỉ có một mình phu nhân Hiếu liêm khe khẽ sụt sùi mà thôi. Sĩ phu có người dắt vợ ăn mặc đẹp đẽ tới điếu tế an ủi, mũ lọng xe kiệu chen chúc tắc cả đường. Ngày chôn cất thì nhà táng cao chạm mây, cờ phướn rợp mặt trời, khi chôn thì bó cỏ dán giấy vàng bạc ngũ sắc làm vật tuẫn táng, gồm mấy mươi cỗ kiệu, một ngàn con ngựa, một trăm mỹ nhân. Làm thần dẹp đường đội khăn gấm đen, đầu cao chạm mây, nhà đám thì lầu gác phòng ốc rộng tới mấy mẫu, ngàn cửa trăm cổng, ai vào cũng lạc không biết đường ra, những vật đưa lên cúng tế đều không thể gọi tên.

Những người tới dự đám tang mũ lọng chen nhau, các quan lớn cũng lom khom vào quỳ lạy tám lần, các Giám sinh, Cống sinh và quan nhỏ ở huyện thì bò ra đất dập đầu làm lễ không dám để công tử và các sư thúc lạy trả. Cả vùng đổ tới xem đám ma, đàn ông dắt vợ, đàn bà bế con mồ hôi nhễ nhại đứng đầy đường, tiếng người ồn ào át cả tiếng chiêng trống, người đứng chỉ hở có từ vai trở lên, hàng vạn cái đầu ngoảnh qua ngoảnh lại mà thôi. Có kẻ có thai chuyển bụng sinh nở thì chị em bạn kéo xiêm giáng quanh làm màn che, nghe tiếng trẻ khóc cũng không buồn hỏi là trai hay gái, lập tức xé áo làm tã bế lên rồi kẻ dìu người kéo sản phụ chập choạng bước đi, thật là kỳ quan vậy! Sau khi chôn cất xong, đem những tiền của Kim để lại chia đôi, con Kim một phần, các môn đồ một phần. Hiếu liêm được nửa gian nhà, bốn phía nam bắc đông tây toàn là sư ở nhưng đều là hàng anh em, đau ngứa gì cũng có nhau.

Dị Sử thị nói: Một phái ấy thì hai dòng[2] chưa có, sáu tổ[3] không truyền, có thể nói là một mình mở ra một pháp môn vậy. Nhưng vẫn nghe ngũ uẩn đều không, lục trần không nhiễm là Hòa thượng, trong miệng thuyết pháp, trên ghế tham thiền là Hòa dạng, giày thơm đất Sở, nón nặng trời Ngô là Hòa chàng, chiêng trống ồn ào, đàn sáo ầm ĩ là Hòa xướng, chơi bời lăng nhăng, cờ bạc bợm bãi là Hòa chướng. Như Kim là Hòa thượng chăng, là Hòa dạng chăng, là Hòa chàng chăng, là Hòa xướng chăng, hay là Hòa chướng ở địa ngục chăng?

[2] Hai dòng: tức Nam tông và Bắc tông trong Phật giáo đại thừa Trung Hoa.

[3] Sáu tổ: tức sáu vị sau Đạt Ma trong Phật tâm tông của Phật giáo đại thừa Trung Hoa, gồm Tuệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Tuệ Năng, Thần Hội.

78. Nhà sư ăn xin[1]

[1] Cái tăng.

Ở Tế Nam (tỉnh thành Hà Nam) có một nhà sư, không rõ gốc gác ở đâu. Hàng ngày đi chân đất mặc áo vá, lê la trước các hàng quán bên hồ Phù Dung tụng kinh khuyến hóa, song ai cho cơm rượu tiền gạo gì đều không nhận, hỏi có cần gì khác không thì không đáp, thường cả ngày không thấy ăn uống. Có người khuyên nói: “Sư đã không ăn rau lại chẳng uống rượu thì đi khuyến hóa trong thôn cùng ngõ vắng cũng được, cần gì phải mỗi ngày mỗi tới nơi ồn ào náo nhiệt như thế này?” Sư cứ chắp tay tụng kinh, rủ đôi lông mi dài một tấc xuống như không hề nghe thấy. Lại hỏi nữa, sư mới mở mắt lớn tiếng đáp: “Ta muốn khuyến hóa như vậy,” rồi tiếp tục tụng kinh, hồi lâu mới bỏ đi.

Có người đuổi theo, hỏi tại sao phải khuyến hóa như vậy, sư cứ đi không đáp. Hỏi ba bốn lần, lại lớn tiếng nói: “Ngươi không biết được đâu, lão tăng muốn khuyến hóa như vậy.” Mấy hôm sau chợt ra ngoài phía nam thành, nằm dài như xác chết ở cạnh đường ba ngày không động đậy. Dân ở đó sợ sư chết đói thì liên lụy tới thôn xóm, họp nhau kéo tới khuyên nên đi chỗ khác nằm, muốn cơm sẽ cho cơm, muốn tiền sẽ cho tiền. Sư cứ nhắm mắt không lên tiếng, mọi người bèn lay gọi. Sư giận, rút trong áo ra một lưỡi đao ngắn tự rạch bụng, thò tay vào kéo ruột ra bày lên đường rồi đứt hơi chết. Mọi người khiếp sợ báo lên quan rồi đem chôn qua loa. Ngày khác chỗ ấy bị chó moi lên lộ manh chiếu bó thây ra, đạp lên thấy như không có gì, mở ra xem thì manh chiếu vẫn gói kín như cũ nhưng chỉ như cái kén rỗng.

79. Rồng dời[1]

[1] Chí long.

Quan Thông chính sứ họ Khúc ở đất U Lục (thuộc tỉnh Sơn Đông) đọc sách trên lầu, gặp lúc trời mưa mù mịt, thấy một con dời nhỏ sáng như đom đóm cựa quậy trên bàn, bò qua khỏi chỗ nào thì chỗ ấy cháy đen. Dần dần bò lên quyển sách, quyển sách cũng bị cháy. Ông nghĩ là rồng bèn bưng quyển sách lên tiễn đi, nhưng ra tới ngoài cửa đứng chờ hồi lâu vẫn thấy nằm bất động bèn nói: “Hay là cho rằng ta không cung kính?” Bèn bưng quyển sách trở vào đặt lại lên bàn, đội mũ mặc áo vái dài rồi lại bưng ra. Vừa tới ngoài thềm thì con dời ngẩng đầu duỗi thân rời quyển sách bay lên, rít gió thành tiếng thành một đạo ánh sáng kéo dài. Ra được vài bước thì quay nhìn lại ông, đầu như cái vò, dài mấy mươi vây. Lại uốn lộn một hồi thì có tiếng sét nổ ầm ầm, vọt thẳng lên mây đi mất. Quay vào nhìn chỗ nó vừa bò qua thì thấy từng đoạn từng đoạn như tre bị đốt vậy.

80. Cái búi tóc nhỏ[1]

[1] Tiểu kết.

Huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) có người dân là Mỗ đang ngồi chơi thì có người khách thấp lùn tới, ngước mặt trò chuyện hồi lâu, thấy bình sinh không hề quen biết, cố nhớ lại. Khách nói: “Ba bốn hôm nữa sẽ dời tới đây làm láng giềng.” Qua bốn năm hôm lại tới nói: “Hôm nay đã là cùng làng, xin được sớm tối dạy bảo cho.” Mỗ hỏi ngụ ở đâu, người ấy không nói rõ, chỉ lấy tay chỉ về phía bắc. Từ đó ngày nào cũng tới, có khi hỏi mượn vật dùng chén bát, nếu có ai bủn xỉn không cho thì tự nhiên bị mất, mọi người cùng nghi là hồ.

Phía bắc thôn có ngôi mộ cổ, sâu không biết là bao nhiêu, mọi người ngờ hồ ở đó, cùng nhau vác gậy gộc khí giới tới nằm rình, hồi lâu không thấy gì lạ. Đến hết canh một thì nghe dưới mộ có tiếng lào xào như hàng trăm hàng ngàn người trò chuyện, mọi người im lặng không động đậy. Giây lát có đám người lùn khoảng hơn một thước lũ lượt kéo ra, đông không biết bao nhiêu mà kể. Mọi người cùng quát tháo vùng dậy xô vào đánh túi bụi, đánh trúng thì trên gậy lửa bắn tứ tung, trong chớp mắt bọn kia chạy tứ tán. Chỉ còn lại một cái búi tóc nhỏ bằng trái hồ đào bọc lụa buộc dây kim tuyến, ngửi thử thì hôi tanh vô cùng.

81. Hoắc sinh

Hoắc sinh và Nghiêm sinh ở huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông) lúc nhỏ vẫn đùa giỡn với nhau, lớn lên cũng hay chọc ghẹo nhau, lấy miệng lưỡi hơn thua, chỉ sợ không bằng đối thủ. Hoắc có bà già láng giềng từng đỡ đẻ cho vợ Nghiêm, ngẫu nhiên trò chuyện với vợ Hoắc, nói rằng chỗ kín của vợ Nghiêm có hai mụn cóc, vợ bèn kể lại cho Hoắc. Hoắc bèn cùng chúng bạn bàn tính, rình lúc Nghiêm vừa tới, cố ý nói thầm với nhau rằng: “Ta quá rành vợ y.” Chúng bạn làm ra vẻ không tin, Hoắc bèn bịa đặt đủ cả đầu đuôi rồi nói: “Nếu không tin, thì chỗ kín của vợ y có hai cái mụn cóc.” Nghiêm dừng lại ngoài cửa sổ nghe thấy hết bèn không vào, quay về nhà chửi mắng đánh đập vợ. Người vợ không chịu nhận, Nghiêm đánh đập càng tàn nhẫn, vợ không chịu nổi treo cổ tự tử.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Hoắc vô cùng hối hận nhưng không dám nói thật với Nghiêm là mình bịa đặt. Vợ Nghiêm chết rồi, đêm đêm cứ hiện hồn về khóc lóc, cả nhà không sao ở yên. Không bao lâu Nghiêm bị bạo bệnh mà chết, hồn ma mới không khóc nữa. Vợ Hoắc nằm mơ thấy vợ Nghiêm xõa tóc gào lớn rằng: “Ta chết rất khổ, vợ chồng người lại muốn yên vui à?” tỉnh dậy mắc bệnh vài ngày thì chết. Hoắc cũng nằm mơ thấy vợ Nghiêm xỉa xói chửi mắng, lấy tay vả vào miệng mình, hoảng sợ tỉnh dậy thấy trên môi đau nhức, cứ sưng to dần, ba ngày thì biến ra hai cục thịt thừa thành tật luôn, không dám cười nói lớn tiếng vì há mồm to thì đau không chịu nổi.

Dị Sử thị nói: Kẻ chết rồi mà có thể làm hại là vì bị oan ức. Tật chỗ kín mà lại đem lên môi, thần linh thật như đùa cợt vậy. Trong huyện có họ Vương hay đùa giỡn với bạn học là Mỗ. Vợ Mỗ về thăm cha mẹ ruột, Vương biết con lừa nhà Mỗ nhút nhát bèn ra trước chỗ bụi rậm rình sẵn, chờ người đàn bà tới liền nhảy xổ ra. Con lừa hoảng sợ lồng lên hất người đàn bà ngã xuống, chỉ có một thằng nhỏ theo hầu không sao giữ được con lừa cho nàng leo lên. Vương bèn ân cần tới giúp đỡ, nàng cũng không biết là ai. Vương về lấy đó làm chuyện đắc ý, kể rằng nhân lúc thằng nhỏ đuổi theo con lừa thì mình đã tư thông với vợ Mỗ trong bụi, tả lại quần áo giày tất của nàng rất rõ ràng, Mỗ nghe thế xấu hổ bỏ về. Lát sau Vương nhìn qua cửa sổ thấy Mỗ một tay cầm dao, một tay kéo vợ tới trông rất hung dữ, cả sợ trèo qua tường bỏ chạy, Mỗ đuổi theo suốt hai ba dặm không kịp mới bỏ về. Vương vì ra sức chạy, phế quản bị dãn ra nên từ đó mắc bệnh thở khò khè, mấy năm không khỏi.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna - Fuju - tuongmy

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3