Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 2

Được cô giáo ủng hộ như vậy, vợ tôi rất tự tin về khả năng thành công và tự mình bắt tay lên kế hoạch học tập cho con. Muốn vượt lớp mà không học phụ đạo thì không được, dù sao thì kiến thức giữa các khối lớp cũng liên quan tới nhau, dù có thông minh đến thế nào, dù có tài năng thiên phú thế nào, những kiến thức chưa học cũng không thể không có thầy dạy mà tự biết được.

Vợ tôi làm kế hoạch học tập rất rõ ràng và gửi mail cho tôi. Sau khi xem xong tôi nói với cô ấy không nên vội vã thực hiện, đợi tôi về bàn bạc thêm. Đầu tháng 11 tôi từ Đại Liên quay về Trường Xuân, cả nhà vì việc học vượt lớp của Y Y nên đã đặc biệt mở một cuộc họp gia đình. Tôi trưng cầu ý kiến của Y Y, con vô cùng hào hứng và đầy tự tin. Sau đó tôi và vợ thảo luận về kế hoạch học tập, phân tích bàn luận về tính khoa học và tính khả thi của kế hoạch đó. Cuối cùng cũng thông qua quyết định vượt lớp và kế hoạch học tập trước khi vượt lớp.

Theo kế hoạch, đến Tết năm 2004 Y Y phải tự học để hoàn thành tất cả các kiến thức của lớp hai, đến tháng 5 năm 2004 con phải học xong chương trình học của kỳ I lớp ba, đến tháng 8 con hoàn thành tiếp chương trình của học kỳ tiếp theo, đến tháng 9 con lên học lớp bốn.

Y Y xung phong tìm các anh chị lớp trên mượn sách giáo khoa của học kỳ II lớp hai và sách giáo khoa của lớp ba. Bắt đầu từ ngày 7 tháng 11 năm 2003 dưới sự phụ đạo của vợ tôi, Y Y bắt đầu học ngữ văn, toán, ngoại ngữ và các môn khác theo chương trình. Theo như kế hoạch, hai mẹ con sẽ học với nhau mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu, mỗi tối một tiếng, buổi sáng thứ bảy học những nội dung liên quan, còn ngày chủ nhật thì cho con nghỉ ngơi. Sau kỳ nghỉ đông thì tiếp tục thực hiện mỗi ngày học bốn tiếng. Hai mẹ con ngày nào cũng bận rộn, ngày nào cũng căng thẳng vội vàng nhưng lại cảm thấy rất ý nghĩa.

Mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch, Y Y tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, tháng đầu tiên tiến độ rất nhanh, chưa đến cuối tháng con đã học xong toàn bộ chương trình của lớp hai. Đến tháng thứ hai con đã hầu như nắm hết được các kiến thức trong chương trình học của học kỳ I lớp ba. Cứ như vậy, sau kỳ nghỉ đông con hoàn toàn có thể vào học lớp ba. Vì thế tôi bàn với vợ, thay đổi kế hoạch ban đầu, quyết định sau kỳ nghỉ đông cho con vượt lớp luôn, không cần đợi đến năm học mới.

Để đảm bảo kế hoạch mới có thể tiến hành thuận lợi, vợ tôi bắt đầu tăng tốc độ học. Nhưng sau khi bước vào kỳ nghỉ đông, có một quãng thời gian phát sinh vấn đề, Y Y bỗng có thái độ chán học, con thì không muốn học, mà mẹ thì lại nóng vội muốn hoàn thành ngay, hai mẹ con bắt đầu có mâu thuẫn. Vợ tôi thấp thỏm lo âu, lúc nào cũng giục con, thậm chí khi con làm sai bài hoặc là không tập trung học, vợ tôi lại mắng con. Kết quả là Y Y “đình công”, thái độ rất kiên quyết: “Con không vượt lớp nữa!”.

Tôi hỏi Y Y tại sao con không muốn vượt lớp nữa thì con trả lời không nghĩ rằng việc vượt lớp lại phiền phức như vậy, lại mệt như vậy, sớm biết thế con đã không vượt lớp. Tôi nói với con: “Nếu việc vượt lớp dễ dàng thì chẳng phải tất cả các bạn đều có thể vượt lớp hay sao? Nếu thế thì việc vượt lớp chẳng có gì là hay cả. Chính vì việc vượt lớp không dễ dàng nên cả nhà chúng ta mới làm, như vậy mới thấy được thực lực của con!”.

Nghe tôi nói khuôn mặt của con đã bớt phần căng thẳng, nhưng con không nói gì.

Tôi nói tiếp: “Cô giáo và một số bạn đã biết chuyện con muốn vượt lớp, nếu con không vượt lớp, con phải giải thích thế nào với họ? Nói là con không muốn chịu khổ, nói là con đầu hàng khó khăn?”. Y Y lắc đầu, “Ai nói là con đầu hàng khó khăn? Con chỉ nghĩ là vượt lớp cũng chẳng có gì hay thôi…”.

Tôi biết thực ra con cũng có áp lực, gần đây con có quá nhiều bài vở cần làm. Vì thế mà tôi phải làm công tác tư tưởng với con và với vợ, để vợ tôi điều chỉnh kế hoạch, không để Y Y cảm thấy áp lực.

Sau đó, tôi giúp Y Y cân bằng trạng thái, dần dần con không nhắc đến việc vượt lớp nữa. Tôi cũng phải giúp vợ thay đổi, thay đổi phương thức phụ đạo hà khắc của cô ấy, như vậy hai mẹ con dần dần lấy lại được trạng thái tốt nhất, Y Y lại lấy lại sự hăng hái vốn có.

Trong quá trình học, sau khi so sánh thì thấy rằng Y Y thích học môn toán hơn, bởi con nghĩ học toán mang lại cảm giác mình đạt được thành tích gì đó, chỉ cần hiểu được một ví dụ là những bài tương tự chỉ một chốc là làm được hết. Con không mặn mà với ngữ văn, vì khi làm bài tập con không muốn cầm bút viết, nhưng con lại thích đọc, chỉ cần đọc những bài văn là con lại vô cùng hào hứng.

Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã hết kỳ nghỉ đông và bước vào học kỳ mới.

Khi những bạn cùng lớp hai của con vẫn tiếp tục học kỳ II của lớp hai, thì Y Y đeo cặp sách mới vào học lớp 3.

Trong thời gian này còn có rất nhiều chuyện xảy ra, vì thế tôi lại viết thêm vài dòng ở đây.

Trước khi kỳ học mới bắt đầu, tôi gọi điện cho thầy hiệu trưởng của con, thông báo với thầy về việc vượt lớp, hiệu trưởng phản ứng rất kịch liệt: “Vượt lớp, anh đã được phê chuẩn hay chưa?”. “Không phải là tôi đang xin phép thầy hay sao?”. Tôi cảm thấy có điều gì đó không hay.

“Ở trường này chỉ có lưu ban hoặc xuống học lớp dưới chứ từ trước tới giờ chưa có chuyện vượt lớp”. “Nếu Phạm Khương Quốc Nhất vượt lớp, không phải là sẽ có người vượt lớp hay sao?”. Tôi đáp lại sắc bén. Hai người nói chuyện không hợp, vì thế mà nói được mấy câu, chúng tôi đã kết thúc cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ này.

Sau khi gác máy, kết thúc cuộc trò chuyện với hiệu trưởng, tôi vẫn không cam tâm, tôi vội chạy đến trường, đến phòng hiệu trưởng, trực tiếp nói chuyện. Tôi xin lỗi vì chuyện vượt lớp không hề thông báo với hiệu trưởng, không khí cuộc nói chuyện vì thế mà bớt căng thẳng đi rất nhiều. Cuối cùng thầy hiệu trưởng nói: “Nếu con của anh có thể theo được, và Phòng Giáo dục cũng đồng ý thì tôi cũng không có ý kiến gì”.

Sau đó tôi lại tìm đến trưởng ban phụ trách giáo dục tiểu học của Phòng Giáo dục, sau khi nghe tôi trình bày, người phụ trách cũng nói y như thầy hiệu trưởng, theo như tôi nghĩ thì bà ấy cũng không có ý kiến gì, không ngăn cản mà cũng không đồng ý, tôi lại báo cáo ý kiến của Phòng Giáo dục với thầy hiệu trưởng, thầy hiệu trưởng không còn cách nào khác, bèn nói: “Để cô bé làm một số bài kiểm tra xem sao”. Tôi cười cảm ơn thầy hiệu trưởng: “Vâng, cảm ơn thầy!”.

Ngày hôm sau tôi đưa con đến trường để các cô giáo cũng như chủ nhiệm kiểm tra năng lực của con, thực ra là chỉ hỏi con vài câu hỏi, sau đó trực tiếp cho con vào danh sách lớp 3.1.

Tháng 8 năm 2005, sau khi con hoàn thành chương trình học của lớp bốn, sau một năm tự học ở nhà, ngoài việc hoàn thành cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học, con còn hoàn thành chương trình học của lớp năm, lớp sáu (Ở Trung Quốc, lớp sáu vẫn thuộc chương trình giáo dục tiểu học), vì vậy mà đến đầu năm 2006, con bước vào học trung học cơ sở tại trường Trung học cơ sở số 77 thành phố Đại Liên, con học lớp 7.11.

Đến lúc đó thì kế hoạch “vượt hai lớp” ở tiểu học đã hoàn thành thuận lợi.

Chúng ta thường cho rằng, chỉ có những đứa trẻ có IQ cao mới có thể vượt lớp. Sau khi con gái vượt lớp thành công, phản ứng đầu tiên của mọi người đều là: Đứa bé này thật giỏi, học giỏi quá, thông minh quá.

Tôi lắc đầu: Không, thực ra thì con gái tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Việc vượt lớp chẳng có bí quyết gì cả, chỉ cần có phương pháp dạy hiệu quả, hướng dẫn hợp lý, đa số học sinh đều có thể vượt lớp. Bởi thứ nhất nếu so sánh nội dung dạy học theo tiêu chuẩn quy định thì nội dung học của học sinh ở bậc tiểu học không nhiều, hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian một đến hai năm so với thời gian học trong quy định hiện hành. Hiện nay học sinh có nhiều bài vở nguyên nhân chủ yếu là do kho đề thi trùng lặp, dập khuôn và áp lực do chính con người tạo ra.

Thứ hai, khi ở trường, hàng ngày giáo viên phải tiếp xúc với những học sinh có tư chất không giống nhau nhưng giáo viên lại chỉ sử dụng một phương pháp giáo dục duy nhất, vì thế không thể căn cứ vào từng đối tượng người học để đưa ra được phương pháp thích hợp. Thậm chí để đảm bảo toàn bộ học sinh đều hiểu bài, giáo viên phải giảng đi giảng lại một số kiến thức, giao nhiều bài tập, những học sinh chậm tiếp thu hiểu được nhưng những học sinh tiếp thu nhanh phải chịu áp lực của việc học đi học lại nhiều lần. Để đạt được điểm số cao, giáo viên sẽ dành phần lớn thời gian cho học sinh làm đề, những bài cùng một dạng được làm lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, học sinh vừa phí thời gian, vừa mất sự nhanh nhạy khi phải ôn luyện theo kiểu dập khuôn máy móc như vậy.

Vì thế mà nếu như các bậc phụ huynh có đủ sức lực, điều kiện thì hãy làm trong khả năng của bản thân, giúp con vượt lớp, như thế không những có thể giảm bớt thời gian con phải đối mặt với nền giáo dục đối phó mà còn giúp con có nhiều thời gian hơn nữa để học những thứ khác. Tất nhiên là cho con vượt lớp nhưng đừng ép buộc hay gây áp lực cho con về chuyện này.

Tôi tổng kết một cách ngắn gọn và đơn giản tại sao con gái lại có thể vượt lớp nhưng vẫn giữ được thành tích học tập xuất sắc trong mấy điểm như sau:

Thứ nhất, tôi căn cứ vào đối tượng học cụ thể; thứ hai là cho con học mà như chơi, giúp con vui học và có hứng thú với việc học; thứ ba là bồi dưỡng cho con những thói quen học tốt, bỗi dưỡng khả năng tự học của con. Tóm lại là: hứng thú tràn trề, tinh thần tốt, hiệu quả tốt, phương pháp tốt. Những điều cơ bản này, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thế giúp con thực hiện, vì thế mà vượt lớp là một điều rất đơn giản, nhẹ nhàng.

Sự đả kích lớn nhất

Mười sáu năm nay, con phải chịu không ít sự đả kích. Những sự đả kích này phần lớn là do nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có cái là do tôi tạo ra. Bởi vì tôi biết cuộc đời không thể thập toàn thập mỹ, một người muốn có được tố chất tâm lý tốt thì bắt buộc người đó phải có khả năng chịu đựng những khó khăn.

Vì thế mà mỗi khi nhìn thấy con khóc lóc thất vọng khi không hoàn thành được một mục tiêu nào đó, tôi thấy thương con nhưng không dang tay ra giúp đỡ con hoàn thành ước nguyện. Đối với trẻ con mà nói, đạt được một điều gì đó một cách dễ dàng chưa hẳn đã là điều hạnh phúc. Hãy cho con bạn cơ hội được thất vọng hoặc thất bại, cho con nếm trải thế nào là thất vọng, hiểu được cảm giác thất bại, như thế con mới có một chút kiên cường, một chút tự tin, một chút lạc quan để tiếp tục phấn đấu.

Một niềm hy vọng của con bị dập tắt thì sẽ có vô số niềm hy vọng mới được thắp lên.

Từ khi kênh truyền hình thiếu nhi của Đài Truyền hình Trung ương lên sóng, con gái trở thành một khán giả trung thành của kênh này, hàng ngày con không những chỉ xem chương trình mà còn tích cực tham gia nữa.

Một ngày đầu tháng 5 năm 2004, lúc đó con gái bảy tuổi rưỡi, chúng tôi phát hiện Y Y bò ra bàn ghi ghi chép chép tô tô vẽ vẽ gì đó, bận đến nỗi khi đến giờ cơm gọi con ăn cơm con cũng không ăn. Hỏi con bận làm gì, con trả lời con đang viết thư cho chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm. Nghe vậy tôi rất hiếu kỳ, tiếp tục hỏi con viết thư cho họ làm gì? “Cha mẹ không xem chương trình thiếu nhi ạ? Chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm là người dẫn chương trình ạ, hàng ngày hai người đó sẽ đọc thư của một khán giả may mắn, còn đăng ảnh của bạn nhỏ đó nữa ạ. Con cũng phải gửi thư cho họ, hy vọng sẽ trở thành khán giả nhỏ may mắn đó, lúc đó họ sẽ đăng cả ảnh của con, như vậy các bạn nhỏ trên cả nước đều biết đến con ạ”. Con nói rất hào hứng, cảm giác như con đã trở thành vị khán giả nhỏ may mắn đó.

Tôi rất ủng hộ cách làm của con, biểu dương tinh thần tích cực tham gia, dám nghĩ dám làm của con. Nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, bức thư của con khả năng đến tám, chín mươi phần trăm là sẽ không được đọc. Tôi vốn là người làm trong ngành truyền thông lâu năm, tôi hiểu rất rõ trong hàng trăm hàng ngàn bức thư của độc giả, khán giả, nếu được bốc trúng thì đó quả là một may mắn rất lớn. Vợ tôi nhìn vẻ mặt vui vẻ và tràn đầy niềm hy vọng như vậy của con thì thấy không nỡ. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều, liệu chúng tôi có nên tìm một lý do nào đó để con gái từ bỏ điều này không?

Vợ tôi nói với tôi suy nghĩ của cô ấy. Tôi trầm ngâm một lúc rồi quyết định hãy cứ để con gái làm theo những gì mà con thích, một là cho con cơ hội tham gia, hai là cho con cơ hội đối mặt với thất bại. Điều này không hẳn là không tốt với con.

Con tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành bức thư gửi chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm, con còn vẽ một bức tranh về bạn Nghịch ngợm nữa. Khi hoàn thành “tác phẩm” của mình con đưa cho chúng tôi xem. Mặc dù chữ con viết hơi xấu nhưng câu chữ lại rất trôi chảy, hình bạn Nghịch ngợm vẽ cũng không tồi. Chúng tôi khen con, vợ tôi tìm cho con một phong bì và tem thư. Con gái bỏ bức thư và bức vẽ, thêm cả một bức ảnh con vừa ý nhất bỏ vào phong bì, dán cẩn thận xong con mới đi ăn cơm.

Ngày hôm sau mới sáng sớm con đã xuống dưới lầu, trên đường đi học con bỏ bức thư vào hòm thư. Và những ngày sau đó là một chuỗi ngày dài chờ đợi. Ngày nào con cũng ngồi ngay ngắn trước tivi, đón xem chương trình “Thế giới hoạt hình” do chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm dẫn chương trình, khi chương trình sắp đến hồi kết con thường rất căng thẳng và nghiêm túc “nhắc nhở” chúng tôi: “Cha mẹ đừng nói gì, chú ý nghe, xem hôm nay có đọc thư của con không!”.

Mỗi khi tấm ảnh xuất hiện trên màn hình không phải là con, con thường thất vọng và nói: “Tại sao vẫn chưa đọc thư của con nhỉ?”, sau đó thì thất thần buồn bã, không còn hứng thú xem những chương trình khác nữa. Thấy con như vậy trong lòng tôi cũng không vui, tôi an ủi con là không nên quá coi trọng việc này, cả nước có biết bao nhiêu bạn nhỏ viết thư cho chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm, không bốc trúng thư con cũng là điều bình thường. Cũng giống như việc ngày nào cha cũng đọc rất nhiều thư của độc giả gửi đến nhưng có rất nhiều độc giả không nhận được thư hồi âm của cha. Con gật gật đầu nhưng ngày nào cũng mong chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm đọc đến tên mình.

Hai mươi ngày trôi qua mà không thấy thư của con được đọc, con đã hoàn toàn thất vọng, nghe thấy chị Cúc Bình và Nghịch Ngợm đọc tên của bạn nhỏ khác, con chợt khóc òa lên. Cha mẹ dỗ con đừng khóc nữa, con buồn bã nói: “Đây là sự đả kích lớn nhất mà con phải trải qua, con không khóc làm sao được?”. Nghe con nói vậy, tôi và vợ đều thấy rất buồn.

Vợ tôi ôm con vào lòng, vừa an ủi vừa nhìn tôi với ánh mắt trách móc. Vợ tôi trách tôi cũng đúng, lúc đầu nếu tôi tìm cách thuyết phục con từ bỏ ý định viết thư thì hôm nay con đã không đau lòng như vậy. Nhưng tôi không hề hối hận về quyết định của mình, trong quãng đường đời sau này, con gái không biết sẽ phải chịu biết bao nhiêu sự đả kích nữa, liệu chúng tôi có thể giúp con tránh né những sự đả kích đó mãi được hay không? Chỉ có dũng cảm đối mặt với nó, chúng ta mới có thể trở thành người mạnh mẽ!

Thử nghĩ mà xem, có đứa trẻ nào lại không muốn thành công? Nhưng thành công và thất bại cũng giống như là cặp song sinh, luôn tồn tại song song với nhau, như vậy chúng ta cần có tâm lý cân bằng “thắng không kiêu, bại không nản”, hãy để cho con học cách kháng cự những chèn ép, thản nhiên đối mặt với thất bại, bước chân của con sẽ càng vững chắc, đường đời càng rộng lớn hơn.

Một mình đi xe bus

Khi con có thể tự mình quyết định mặc đồ gì, mẹ vẫn ngày ngày đặt quần áo mẹ chọn ở đầu giường con; khi con có thể tự mình ra phố mua đồ dùng học tập, cha vẫn kiên trì mua giúp con những đồ đó; khi con đã có thể tự đến trường và tự về nhà sau khi tan học, cha mẹ vẫn thay nhau đưa đón con; khi con đã có thể tự mình đưa ra quyết định, cha mẹ vẫn một tay làm tất cả, cha mẹ áp đặt ý kiến của bản thân lên con cái mình…

Tất cả những điều này đều là vì tình yêu dành cho con, nhưng tình yêu đó thiếu đi lý tính, chỉ làm hại con cái của mình chứ không mang lại điều có lợi cho con. Chúng ta đem con đến với thế giới này, có nghĩa vụ chăm sóc và dưỡng dục con, chúng ta có thể truyền dạy cho con kinh nghiệm sống của chúng ta, nhưng nhất định không nên làm thay con những việc mà bản thân con vốn phải làm, chúng ta làm như vậy là hạn chế sự trưởng thành của con, hạn chế không gian phát triển của con.

Tôi đến thăm một nhà trẻ ở Jerusalem đúng lúc bọn trẻ tan học, ở Trung Quốc việc đón trẻ là nghĩa vụ của cha mẹ hoặc người giúp việc, nhưng ở đây người đến đón trẻ cũng lại là một đứa trẻ. Chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc hạn chế mỗi gia đình chỉ có một con, và tất nhiên sẽ không có chuyện trẻ con đi đón trẻ con, nhưng ở đây mỗi gia đình thông thường có từ ba đến năm con, như vậy việc đón em đương nhiên trở thành nhiệm vụ của những anh chị lớn. Tôi nhìn thấy một bé gái khoảng chừng sáu, bảy tuổi đến đón em gái hai tuổi của mình, cô bé bế em đi loạng choạng, vì không với tới khóa cửa, nên cô bé cứ bế em như vậy cho đến khi có người đến giúp mở cửa, sau đó đi ra bến chờ xe bus…

Hãy để con học cách tự chăm sóc bản thân và học cách chăm sóc những em bé hơn mình, sống độc lập, tự mình đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, đó chính là tình yêu lý trí mà bạn dành cho con. Đạo lý này rất đơn giản, chúng ta không thể theo con, chăm sóc con cả đời, sẽ có một ngày con phải rời xa chúng ta và tự bước đi trên con đường đời của chính mình.

Vì thế mà mặc dù rất yêu con, nhưng tôi tuyệt đối không giống với phụ huynh ở trên. Để bồi dưỡng cho con khả năng độc lập, tôi thường chủ động tạo cho con những cơ hội để con thể hiện khả năng độc lập của bản thân, thậm chí có lúc tôi còn “bỏ mặc” con, khiến bạn bè nói tôi quá “mạo hiểm”. Có thể lấy việc Y Y “du lịch một mình” để làm ví dụ.

Y Y được di truyền từ tôi chí lớn “một mình đi khắp thiên hạ”. Để tạo cơ hội cho con rèn luyện, đồng thời cũng thử khả năng độc lập của con, khi con bảy tuổi rưỡi, tôi lên lịch một chuyến du lịch đặc biệt cho con: một mình bắt xe đến ga xe lửa, cho con cảm nhận cảm giác “đi xa” một mình là như thế nào.

Khi được biết mình sẽ được một mình ra ngoài, con rất hào hứng. Vì vậy, chúng tôi đã bố trí tất cả những nhiệm vụ mà con phải hoàn thành trong chuyến “du lịch” lần này: ngồi tuyến xe bus số 6 đến ga Trường Xuân, sau đó xuống xe tìm một bốt điện thoại công cộng gọi điện về nhà, sau đó đi xung quanh thăm thú, mua một ít đồ, cuối cùng thì đi xe bus số 6 về nhà. Tại sao lại sắp xếp con gọi điện về nhà và mua đồ, một là tiện cho chúng tôi nắm được hành trình của con, hai là con có thể rèn luyện một cách thật nhất. Nếu để Y Y đến bến cuối, không xuống xe mà ngồi luôn xe đó về nhà thì chuyến du lịch sẽ không còn ý nghĩa gì hết.

Y Y càng nghe càng hào hứng, bởi vì trong suy nghĩ của con, đây chính là cơ hội để con chứng tỏ sự độc lập của mình. Con đã bắt đầu coi đây như là một lần thách thức bản thân mình. Nhìn thấy con hào hứng như muốn đi ngay, vợ tôi cảnh báo con: “Con đừng đánh giá quá cao bản thân mình, trên đường đi không biết sẽ gặp những chuyện gì, con đều có thể ứng phó được chứ?”. Con nghi hoặc nhìn cha mẹ và chờ đợi những lời tiếp theo.

Tôi và vợ đã cùng giảng giải cho con biết những điều cần chú ý khi đi “du lịch”, những việc bất ngờ có thể xảy ra mà chúng tôi nghĩ đến, chúng tôi đều nói cho con biết, hỏi con sẽ xử trí thế nào với từng trường hợp cụ thể. Phần lớn các tình huống, Y Y đều có thể đưa ra những biện pháp giải quyết tích cực, ví dụ khi xuống nhầm trạm xe bus thì tiếp tục đi xe số sáu đến ga xe lửa; nếu lên nhầm xe, đi xa với tuyến đường xe số sáu chạy thì sẽ gọi điện cho cha mẹ; nếu người lạ bắt chuyện thì sẽ vờ như không nghe thấy, lập tức rời đi; nếu có ai đó cứ đi theo mình, thì sẽ chạy đến chỗ có đông người, giả vở như là có cha mẹ ở gần ngay bên cạnh, chạy đến chỗ những người có tuổi gần như cha mẹ mình và nói lớn: “Chờ con với!”…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3