Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 4

Khi tôi tổ chức những buổi thuyết trình về giáo dục, thường có phụ huynh hỏi tôi: “Khi tiến hành phương pháp giáo dục vui vẻ với con gái thì trở ngại lớn nhất là gì? Mẹ của bé và các thầy cô có đồng ý hay không?”. Tôi trả lời họ: “Trở ngại lớn nhất lại chính là mẹ của bé, cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng. Họ không những không tán thành mà còn kịch liệt phản đối cách làm của tôi, họ cho rằng tôi đang mạo hiểm với tương lai của con bé, nhưng tôi không dễ dàng gì mà thỏa hiệp với họ, vì thế đầu tiên tôi phải ‘lên lớp’ cho ba người này, thuyết phục được họ có nghĩa là tôi đã dẹp được trở ngại, và tư tưởng giáo dục của tôi được thực thi một cách thuận lợi”.

Sau đó nghe Y Y kể, khi kiểm tra bài tập, thỉnh thoảng cô giáo lại nói với con: “Tốt nhất là em nên làm một ít bài tập, đừng nghe lời của cha, như thế sẽ không tốt cho em”. Tôi rất hiểu cô giáo, đứng ở góc độ không giống nhau tất nhiên suy nghĩ về một vấn đề cũng khác nhau. Cô giáo đứng ở góc độ yêu cầu về điểm số, học sinh làm nhiều bài tập, khi kiểm tra mới có thể đạt điểm cao, điểm thấp thì là “học sinh kém”; nhưng tôi lại đứng ở góc độ phát triển cá tính để nhìn nhận vấn đề, bài tập biết làm rồi thì không cần thiết phải làm lại nữa. Mục đích của việc học là nắm được kiến thức, không phải là đối phó với thi cử. Tôi không muốn nhìn thấy tư duy sáng tạo đáng quý của con, sự hiếu kỳ mạnh mẽ và tâm lý vui vẻ khi học của con bị những bài tập lặp đi lặp lại một cách máy móc phá hủy, vì thế tôi không để con làm bài tập về nhà.

“Không làm bài tập thì sau khi tan học con bé làm gì?”. Nghe nói con gái tôi không làm bài tập về nhà, một số phụ huynh trợn tròn mắt ngạc nhiên hỏi tôi.

Con có rất nhiều việc cần làm như ra ngoài chơi, xem tivi, lên mạng chơi trò chơi, xem sách tham khảo, làm việc nhà… tôi thấy những việc này đều có ý nghĩa hơn là việc làm bài tập. Vui chơi như vậy không những khiến con linh hoạt hơn, nâng cao trí lực mà còn nâng cao hiệu quả học tập, khiến con có được niềm vui trong học tập.

Vì thế mà việc học của Y Y không những không bị ảnh hưởng mà ngược lại con càng có hứng thú học, năng lực học tập cũng được cải thiện, thành tích không ngừng nâng cao. Khi con phải làm bài tập về nhà, thành tích của con chỉ đứng giữa lớp, nhưng sau đó con nằm trong tốp đầu, và cuối cùng là vượt lớp.

Sau khi vượt hai lớp, chưa đến mười tuổi con đã học trung học cơ sở. Ở bậc học mới, lượng bài tập lại tăng lên gấp nhiều lần so với bậc tiểu học. Trong những tuần đầu tiên ngày nào Y Y cũng cố gắng làm hết tất cả các bài tập mà cô giáo giao, kết quả là ngày nào sau khi tan học con cũng bò ra bàn để làm bài tập, ngoài thời gian ăn cơm ra thì con không dám lãng phí thời gian, không thể xem sách tham khảo, không thể xem tivi, càng không thể chơi, cho dù là như vậy hôm nào cũng phải đến hơn chín giờ tối con mới làm xong bài. Sau đó là bận vệ sinh cá nhân, rồi lên giường đi ngủ, không thì ngay cả đến thời gian ngủ cũng bị rút ngắn.

Tôi nhớ có hai lần Y Y làm bài tập đến hơn mười giờ tối, mấy lần tôi giục con đi ngủ, con đều nói: “Đợi một lát nữa ạ, con làm sắp xong rồi ạ”. Kết quả là “đợi một lát”, “đợi một lát” đến khi quá thời gian đi ngủ bình thường. Thấy vậy tôi lo lắng: “Không được, những bài tập này không làm nữa, không ngủ đủ thì không có sức khỏe, làm sao mà học tốt được”.

Vì thế, lại giống như hồi học tiểu học, tôi lại tìm đến cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng để đề xuất ý kiến, có khác là do khi học tiểu học con đã vượt lớp thành công, nên hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đều rất hiểu suy nghĩ của tôi, hai người đồng ý để Y Y “rút ngắn” thời gian làm bài tập về nhà giống như hồi học tiểu học. Đảm bảo thời gian ngủ của con là việc ưu tiên hàng đầu, thứ hai là để con có tâm lý học thoải mái vui vẻ, sau đó mới là thành tích học tập của con. Cả thầy hiệu trưởng lẫn cô giáo chủ nhiệm đều đồng ý với quan điểm này của tôi.

Lại một lần nữa Y Y được giải thoát khỏi “núi bài tập”, mỗi ngày con lại có thời gian để vui chơi. Khi đã quen với cuộc sống ở trường trung học cơ sở, hiệu quả học tập cũng dần được nâng cao, cho dù con được hưởng “đãi ngộ” là không phải làm nhiều bài tập nhưng nếu đã chơi đủ rồi thì thời gian còn lại thi thoảng con vẫn làm bài tập, nhưng lúc đó tâm lý hoàn toàn khác với tâm lý khi bị bắt ép phải làm.

Mục đích của việc làm bài tập là gì? Tất nhiên là củng cố kiến thức đã học chứ không phải là rèn luyện việc tính toán máy móc, năng lực chép bài. Nếu con đã nắm được kiến thức học ngay ở trên lớp thì không cần thiết sau khi tan học lại phải làm bài tập. Vì vậy, giải thoát con khỏi việc học máy móc, trùng lặp, cho con nhiều thời gian chơi và làm những việc giúp ích cho sự phát triển bản thân có ích hơn nhiều là vùi đầu vào học.

Chơi từ thành thị đến nông thôn

Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, nông thôn là một vùng đất diệu kỳ. Tôi luôn cho rằng nếu chỉ sống ở nông thôn hoặc chỉ sống ở thành phố thì đó là cuộc sống không trọn vẹn. Người chưa từng sống ở thành phố, tầm nhìn hẹp, tư duy đơn giản, người chưa từng sống ở nông thôn thì ngày nào cũng chỉ đối mặt với bốn bức tường hoặc là đi lại giữa một rừng xi măng cốt thép, không nhìn thấy niềm vui, ánh sáng bên ngoài khung cửa sổ.

Ở nông thôn có những con suối chảy róc rách, những cánh đồng hoa bạt ngàn, có tiếng chim hót, có cá lội, ở nông thôn có những đứa trẻ chất phác, khi chơi không bị cha mẹ mắng vì làm bẩn quần áo, không cần phải vội đi đánh đàn, học vẽ… Về vùng nông thôn, trời rộng mây xanh thoáng đãng, tâm hồn bạn cũng sẽ không còn bị bó buộc… tất cả sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái và giàu cảm xúc hơn, sự chất phác đôn hậu của người nông thôn khiến bạn cảm thấy tâm hồn yên tĩnh hơn, cởi mở hơn.

Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn vì thế mà tôi luôn tràn đầy tình yêu với vùng đất ấy. Sống ở thành phố đã hơn hai mươi năm nhưng sự phồn hoa ở đô thị không đọng lại trong tim tôi, tại sao tôi lại yêu từng cây hoa ngọn cỏ ở nông thôn như thế? Bởi vì nông thôn đã cho tôi một tuổi thơ hạnh phúc, tôi biết mảnh đất đó đã ươm đắp niềm hạnh phúc cho tôi như thế nào. Vì thế mà sau khi con gái chào đời, tôi nghĩ tuổi thơ của con không thể thiếu những ký ức khi sống ở nông thôn, tôi sẽ không để cho con mất đi niềm vui được sống ở nông thôn.

Thông thường, tôi sẽ cố gắng hết sức dành thời gian đưa con về quê thăm ông bà nội. Mỗi khi con bé về đến nhà, sau khi vội vàng chào hỏi ông bà, ngay lập tức lại chạy đi chơi, bởi vì có rất nhiều bạn nhỏ đang chờ con, còn bao nhiêu trò chơi đang mời gọi con.

Ở quê, Y Y rất thích được cùng cha đi bắt tôm bắt cá ở trong ao. Một hôm vào mùa hè ở quê nội, tôi đưa Y Y và đứa cháu đến cái ao nhỏ ngoài đồng bắt cá, chúng tôi đã bắt được khá nhiều nhưng trên đường về thì trời mưa, ai cũng bị ướt, lạnh run bần bật. Y Y đi chân đất, mặc quần áo của anh, mặt đầy bùn đất, nhìn giống như một đứa trẻ ở trại tị nạn. Nhưng có điều khác là, mặc dù con rất lạnh nhưng luôn mỉm cười, mắt sáng lấp lánh vì hào hứng. Con hét vang “Mưa rồi, mưa rồi…”, khỏi phải nói lúc đó con vui đến cỡ nào.

Để con gái chơi vui hơn, để con gần với thiên nhiên hơn, tháng 12 năm 2004 tôi quyết định đưa con về trường ở nông thôn học, để con có thể vui chơi thoải mái.

Tháng 8 năm 2004, vợ tôi được phân công dạy học ở một thôn ở bán đảo Giao Đông tỉnh Sơn Đông. Tôi nảy ra ý định đưa Y Y đến đó học, con gái tất nhiên rất là vui, thứ nhất là có thể gặp được mẹ, người mà con hằng ngày mong nhớ, thứ hai là con có thể chơi một cách thoải mái ở nông thôn.

Lần đầu học ở một trường ở nông thôn, Y Y đã cảm nhận được sự mới lạ khi “được bắt về lớp mới”. Hôm đó đến trường tập trung, để công bằng, thầy hiệu trưởng có ý kiến việc chọn lớp sẽ thông qua việc bốc thăm để chọn. Không những Y Y cảm thấy mới lạ mà ngay cả tôi cũng cảm thấy cách làm này rất đặc biệt. Hai giáo viên chủ nhiệm dưới sự chủ trì của hiệu phó, bốc tờ giấy đã được chuẩn bị từ trước, cô giáo bốc được tờ giấy bên trong có viết tên của Y Y mừng rỡ nói: “Tay tôi thật là may mắn, em Phạm Khương Quốc Nhất đã thuộc về tôi!”. Như vậy, con gái được “bắt” về lớp mới. Mỗi khi nhớ lại câu chuyện này con gái lại không nhịn được cười, “Là con được cô giáo Ôn ‘bắt’ về!”.

Sau đó Y Y lại được hưởng niềm vui khi cùng với các bạn “góp vốn”. Những đứa trẻ ở nông thôn thường không có nhiều tiền tiêu vặt, nhiều lúc muốn mua một món đồ gì đó nhưng lại không có đủ tiền. Làm thế nào bây giờ? Bọn trẻ nghĩ ra một tuyệt chiêu: “góp vốn”. Khi đó nếu như ruột bút chì hết rồi, hai đứa trẻ có thể góp lại cậu năm hào, tớ sáu hào, cậu đưa ít tiền hơn thì cậu đi mua, mua về rồi thì chia đều, mỗi người một nửa, vấn đề đã được giải quyết; muốn ăn bim bim thì mỗi người góp một nửa, mua về cậu một miếng, tớ một miếng ăn ngon lành.

Trong cuốn sách Chơi cũng là một cách để trưởng thành của con, con dùng ngòi bút dí dỏm kể lại câu chuyện “góp vốn” với bạn cùng bàn mua bút chì, cho dù trong túi con có đủ tiền để mua những thứ con muốn nhưng con rất vui khi được tham gia. Nghĩ ra mới hiểu, ở thành phô,́ những “tiểu hoàng đế”, “tiểu công chúa” trong túi lúc nào cũng có đến mấy chục tệ hoặc hàng trăm tệ, đưa tiền thuê người làm bài tập, đi học thì đi taxi… mức tiêu pha đến người lớn còn không bằng thì chúng liệu có đồng ý bỏ ra mấy hào lẻ để “góp vốn” cùng người khác mua đồ dùng học tập hoặc mua đồ ăn vặt không? Và tất nhiên chúng sẽ mãi mãi không thể cảm nhận được niềm vui của sự hợp tác như thế, không cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ, càng không thể cảm nhận được tình bạn thuần khiết và trách nhiệm chân thành trong quá trình hợp tác.

Trong những ngày học ở nông thôn, Y Y còn học được tiếng địa phương. Từ lúc nghe người khác nói nhưng không hiểu, phải “thuê” mẹ và các bạn học làm phiên dịch đến lúc tự con có thể “thể hiện” mấy câu bằng tiếng địa phương chính hiệu, Y Y thuận lợi vượt qua rào cản ngôn ngữ. Trẻ không thể cứ sống mãi ở một điểm cố định, trẻ phải lớn lên và trưởng thành, ra khỏi nhà và ra ngoài xã hội, phải thích ứng với sự biến đổi của cuộc sống, hòa mình vào tập thể mới, như vậy trẻ sẽ không lo lắng, bất an khi đối mặt với những sự thay đổi, trẻ có thể vì thế mà có sự phát triển tốt hơn. Việc Y Y “vượt qua” rào cản ngôn ngữ đã thể hiện con có một năng lực thích ứng vô cùng tốt, điều này khiến tôi cảm thấy rất vui, Y Y cũng nhận được niềm vui từ việc đó.

Viết đến đây tôi mới lại nhớ đến mấy ngày trước khi đưa con đến nhập học ở trường đại học, lãnh đạo của trường đã lo lắng về việc con còn ít tuổi, chỉ là một sinh viên thiếu niên, liệu con có thích ứng được với môi trường mới hay không. Khi tôi nói với họ rằng năng lực thích ứng của con rất tốt, họ bán tín bán nghi. Thực ra người mà họ cần lo lắng không phải là Y Y mà là những sinh viên dù lớn tuổi hơn Y Y nhưng lại thiếu sự bồi dưỡng và rèn luyện về phương diện này.

Những ngày ở nông thôn, Y Y còn học được ở các bạn học rất nhiều trò chơi mà khi ở thành phố con không biết chơi, con và các bạn ở nông thôn đã có tình bạn vô cùng sâu sắc. Nếu như không có quãng thời gian sống ở nông thôn, ký ức tuổi thơ của Y Y sẽ thiếu đi biết bao nhiêu màu sắc. Vì thế, tôi luôn luôn rất tự hào về quyết định “đưa con về nông thôn học” của mình.

Trẻ em như một cốc nước trắng, bạn muốn cho nó thành vị gì thì hãy thêm vào đó gia vị mà bạn muốn. Việc giáo dục trẻ cũng như vậy, bạn muốn cuộc sống của trẻ có màu sắc như thế nào thì hãy cố gắng tạo cho trẻ niềm vui trong cuộc sống như thế. Chỉ cần bạn thực sự yêu con mình, thực sự mong con vui vẻ, lúc đó sự việc sẽ trở nên đơn giản.

Những ngày học ở nhà

Ờ phần trước tôi đã nói qua chuyện không muốn cho con gái đến trường học. Mặc dù tôi không phủ nhận những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc giúp trẻ trưởng thành và phát triển, nhưng giáo dục trong trường học rất khó có thể làm được việc giáo dục theo đối tượng. Hơn nữa dưới sự ảnh hưởng của nền giáo dục để thi cử, nhà trường là một trong những “sát thủ” giết chết cá tính của học sinh. Nhưng vì con gái cần có cuộc sống tập thể, cần bạn cùng chơi nên tôi đành chấp nhận để con đến trường học.

Con gái đến trường để học còn tôi theo đuổi “cuộc chiến tranh giành con với trường học”. Chiến đấu mệt mỏi rồi thì về nhà học. Ở lớp học đặc biệt này, con có bao nhiêu tiềm lực thì chúng tôi cho con một không gian tương ứng, dạy học theo đối tượng, tùy từng đối tượng mà chọn học cái gì, đi theo con đường cá tính hóa việc học. Chỉ sau vài tháng học, con đã học hết chương trình của cả một năm học, lại có rất nhiều thời gian để vui chơi giải trí.

Ngày 10 tháng 7 năm 2005, bởi vì ngày hôm sau con phải thi cuối kỳ, buổi chiều cô giáo yêu cầu học sinh phải đến trường để chuẩn bị cho kỳ thi. Sau bữa trưa, một mình Y Y bắt xe đến trường, 17 giờ 30 phút mà con vẫn chưa về. Vợ tôi gọi điện đến trường, nhà trường cho biết vẫn chưa tan học, vì thế vợ tôi nhờ cô giáo chuyển lời đến Y Y, nhắc con gọi điện về nhà, Y Y gọi về nói ngày mai cô giáo yêu cầu 6 giờ sáng phải có mặt ở trường.

Tôi vừa nghe đã nổi cáu: “8 giờ mới thi, 6 giờ đã đến trường, đến trước hai tiếng đồng hồ để làm gì? Vô lý hết mức”. Thời điểm đó chúng tôi sống ở căn nhà thuê ở nội thành, từ trường đến nhà phải mất mấy chục cây số, chưa nói đến việc sớm vậy chưa có xe bus, nếu có thì muốn bắt chuyến xe sớm nhất cũng phải dậy từ hơn bốn giờ sáng. Chẳng biết phải làm thế nào, buổi tối hôm đó phải để con bé ngủ lại nhà một cô giáo, ngày hôm sau cùng cô giáo đến trường.

Sự việc này khiến tôi quyết định chuyển nhà đến Yên Đài, để con tránh xa môi trường học tập như vậy, tôi cũng quyết định sau khi chuyển đến Yên Đài thì để con học ở nhà một năm, tôi và vợ sẽ thay nhau kèm cho con.

“Mặt trời chiếu sáng muôn nơi, hoa cỏ cười với tôi. Chim nhỏ cất tiếng hót chào buổi sáng hỏi tôi tại sao bạn lại đeo chiếc ba lô nhỏ xinh? Mình đang đến trường, đến trường đúng giờ không được đến muộn…”. Con gái Y Y đã từng hát bài hát này mỗi buổi sáng đi học, nhưng bây giờ con học tại nhà, không cần “đeo chiếc ba lô nhỏ xinh”, cũng không cần “đến trường”, cũng chẳng cần phải lo lắng chuyện “muộn hay không muộn học”.

Trong cuốn sách Chơi cũng là một cách để trưởng thành, con đã viết thế này:

Học ở ngôi trường này hơn nửa năm, các khớp của ngón giữa tay phải cầm bút đã có những nốt chai sần dầy, thi thoảng mắt cũng nhìn không rõ mọi vật. Mẹ đưa mình đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói mình bị mỏi mắt, cần được nghỉ ngơi nếu không thì mình sẽ bị cận thị. Nhưng mà lấy đâu ra thời gian nghỉ ngơi, đến cả thời gian ngủ cũng sắp bị cướp mất rồi.

Đặc biệt là quãng thời gian gần thi cuối kỳ, cô giáo lại yêu cầu chúng mình đến trường sớm để học, đến tối muộn mới tan học, thời gian ở trường càng ngày càng nhiều. Cho đến ngày thi cuối kỳ, tám giờ mới bắt đầu thi nhưng cô giáo yêu cầu chúng mình sáu giờ sáng phải đến trường để cô tranh thủ phụ đạo trước khi thi cho chúng mình. Cha mình giận lắm, cha nói: “Bình thường cô dạy cái gì? Đến kỳ thi vốn phải để cho học sinh nghỉ ngơi! Được rồi, chúng ta không học ở trường này nữa!”.

Vì thế mình đã nghỉ học, trở thành một học sinh tiểu học không đến trường. Cha và mẹ lên kế hoạch học tập cho mình, thay nhau kèm mình văn hóa và bồi dưỡng cho mình những năng lực tổng thể. Ở ngôi trường “mini” này, cha chính là hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm hậu cần, mẹ là cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là cô giáo bộ môn, và mình vừa là lớp trưởng, vừa là lớp phó học tập, vừa là cán sự môn… Một chương trình học đặc biệt hàng ngày được tiến hành theo kế hoạch nhưng lại rất thú vị, mình có thể cùng mẹ tranh luận, có thể thi cùng với cha; giờ học tự nhiên có thể được đến vùng núi, giờ lịch sử có thể xem phim… không có núi bài tập cũng chẳng phải ngủ muộn dậy sớm, càng không cần xếp thứ hạng, phạt làm bài…

Ngoài việc học, mình còn rất nhiều thời gian để chơi và xem sách tham khảo, còn nhiều thời gian để xem tivi nữa. Mặc dù mỗi ngày chỉ có năm tiếng học những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhưng hiệu quả học tập của mình rất cao, tiến độ cũng rất nhanh, chưa đến nửa năm mình đã học xong tất cả những kiến thức của chương trình học lớp năm. Thời gian còn lại, cha dạy thêm cho mình về viết, mẹ thì bồi dưỡng năng lực lý giải, phân tích, cha mẹ còn cho mình tham gia rất nhiều những hoạt động xã hội nữa…

Với kinh nghiệm dạy con ở nhà, tôi cảm thấy cho dù nhiều phụ huynh không có điều kiện lẫn khả năng dạy con học ở nhà thì cũng không nên hoàn toàn phó mặc con cho nhà trường. Thiết nghĩ, giáo viên chỉ dùng một phương pháp giáo dục duy nhất để dạy mấy chục học sinh có cá tính khác nhau, bất luận thế nào đi chăng nữa thì không thể thực hiện được việc dạy học theo đối tượng với từng học sinh.

Đối với giáo viên, con bạn chỉ là một trong mấy chục học sinh, nhưng đối với phụ huynh thì con cái là tất cả, vì thế mà phụ huynh phải có sự nhìn nhận chính xác về con mình, sau đó trong khả năng của bản thân, cố gắng tìm ra một phương pháp giáo dục thích hợp để con phát triển, từ đó giúp con vừa tiếp thu nền giáo dục ở trường, vừa được nhận sự giáo dục thích hợp từ gia đình.

Vừa chơi vừa xuất bản một cuốn sách được yêu thích

Một năm con vui chơi, tự học ở nhà, ngoài việc học chương trình học lớp năm, lớp sáu, con vừa chơi vừa cho xuất bản một cuốn sách mà các bạn nhỏ rất yêu thích: Chơi qua tiểu học.

Năm 2006, tôi từ biệt vợ và con gái, đến thành phố Trùng Khánh làm việc. Tất nhiên tôi vẫn theo nghề cũ: viết lách và thuyết trình. Lúc đó ngoài việc đến thuyết trình cho học sinh, sinh viên, tôi còn tích cực tham gia viết sách cho Nhà xuất bản Nhân dân Nội Mông Cổ: Series sách của Đông Tử. Trong thời gian này cuốn Chơi qua tiểu học của con gái cũng đã sắp xong phần bản thảo.

Chơi qua tiểu học là cuốn sách ghi lại những câu chuyện trưởng thành cũng như câu chuyện về học tập ở trường tiểu học của con bằng ngòi bút ngây thơ, trong sáng. Qua bảy mươi tám mẩu chuyện nhỏ, có thể thấy con gái đã trải qua cuộc sống ở giai đoạn tiểu học vui vẻ như thế nào, làm thế nào mà học như chơi, vượt liền hai lớp, tốt nghiệp tiểu học trước thời hạn hai năm, làm thế nào để trí tuệ, tình cảm và năng lực đều được phát triển toàn diện khi vừa chơi vừa học. Sau khi nhận lời mời của nhà xuất bản, tôi đã thêm mục “lời của cha” sau mỗi câu chuyện của con.

Cuối tháng 3 năm đó, chúng tôi ký kết hợp đồng xuất bản cuốn sách “Chơi qua tiểu học” với Trung tâm Thiếu niên nhi đồng Tập đoàn xuất bản Trùng Khánh.

Ngay sau đó báo chí ở Trùng Khánh đã đưa tin về việc Nhà xuất bản Trùng Khánh đã mua bản quyền xuất bản cuốn Chơi qua tiểu học, sau đó cả báo giấy lẫn báo mạng trên toàn quốc đều tranh nhau đưa tin. Ngày 1 tháng 4, trong chương trình “Báo chí Trung Quốc” do Bạch Nham Tùng dẫn, (người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc) kênh tin tức của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã đưa tin về Y Y như là một nhân vật nổi bật trong tuần đó, chương trình phát sóng có tên là “Phạm Khương Quốc Nhất: Chơi qua tiểu học”. Trong chương trình đó Bạch Nham Tùng đã nói: “Vừa tròn chín tuổi, ba năm rưỡi đã học xong chương trình tiểu học, vượt hai lớp liên tục, viết một cuốn sách, còn nói là chơi mà được như vậy, những phụ huynh như chúng ta cũng phải học hỏi, hy vọng con cái chúng ta cũng có tuổi thơ vui vẻ như Phạm Khương Quốc Nhất”.

Vài ngày sau đó, do có sự cố từ phía Nhà xuất bản Trùng Khánh, quyền xuất bản cuốn sách Chơi qua tiểu học được chuyển qua cho Nhà xuất bản Thiếu niên nhi đồng Hồ Nam. Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Truyền thông nhà xuất bản này đã kêu gọi cả nhà xuất bản dốc toàn lực quảng bá cho cuốn sách.

Sáng ngày 8 tháng 5, tôi cùng Y Y bay từ Thượng Hải đến Thủ phủ tỉnh Hồ Nam, bắt đầu chuỗi bốn mươi ngày hoạt động quảng bá và ký tặng sách, chúng tôi lần lượt đến các thành phố của Hồ Nam gồm Cốt La, Chu Châu, Thiệu Dương...; các thành phố ở Quảng Đông bao gồm Quảng Châu, Chu Hải, Đông Quản, Giang Môn; các thành phố ở Liêu Ninh có Thẩm Dương, Đại Liên; ở Cát Lâm chúng tôi đến Trường Xuân, Tống Nguyên và huyện Phù Dư; ở Giang Tô chúng tôi đến Nam Kinh, và đến cả Bắc Kinh. Là người phụ trách biên tập, phó tổng biên tập Tạ Thanh Phong cùng đi với chúng tôi, và ông cũng đảm trách dẫn chương trình, trước tiên ông giới thiệu hai cha con tôi, sau đó Y Y kể những câu chuyện vui trong quá trình trưởng thành của con, cuối cùng thì tôi kể những câu chuyện đằng sau câu chuyện đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3