Cùng con trưởng thành - Chương 04 - Phần 2

Tôi muốn con chịu tổn thương ít nhất

Không có ai muốn kết hôn rồi lại ly hôn, đặc biệt là những gia đình đã có con cái nhưng vì theo đuổi hạnh phúc của cá nhân, một số người vẫn chọn cách bẻ gẫy gông xiềng hôn nhân. Nhiều người muốn ly hôn không có nghĩa là họ không yêu con cái, mà vì họ không hiểu được hết việc ly hôn ảnh hưởng thế nào đến con cái. Chẳng hạn có những cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã hoặc một bên có những cử chỉ không đúng mực, để cho con có một gia đình tốt đẹp hơn, người ta chọn phương án ly hôn để tìm một người thích hợp hơn, họ cho rằng như thế họ sẽ vui vẻ và con cái cũng vì thế mà sẽ vui trở lại.

Nhưng thực tế không phải như vậy, đó chỉ là những gì mà chúng ta mong muốn nhưng cha dượng hay mẹ kế thì không thể thay thế vị trí của cha mẹ đẻ trong lòng con cái. Nếu cha dượng mẹ kế quan tâm chăm sóc chúng hơn cả cha mẹ đẻ thì có thể trẻ cũng sẽ cảm kích hoặc yêu cha dượng mẹ kế, nhưng những tình cảm đó mãi mãi không thể giống như tình cảm dành cho cha mẹ đẻ. Vì thế cha mẹ ly dị ảnh hưởng tới tâm lý của con cái nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng tượng nhiều, hơn thế nữa sự ảnh hưởng này không chỉ ở một thời điểm mà nó tích lũy dần theo quá trình trưởng thành của con cái, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc đời của con.

Đối với những người trong thời đại mới thì ly hôn không phải là việc gì xa lạ, mới mẻ, những người ly hôn xung quanh chúng ta rất nhiều, đặc biệt là những năm gần đây tỷ lệ ly hôn tăng theo cấp số nhân. Nhưng ly hôn không phải là chuyện riêng của hai người, đối với nhiều gia đình, trong chuyện ly hôn còn có một đương sự vô cùng quan trọng, đó là con cái.

Ngày nay những đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân ngày một nhiều, đó là vì tỷ lệ ly hôn ngày một cao. Hôn nhân đổ vỡ, người bị tổn thương nhiều nhất không phải là “người vợ” hay “người chồng” mà lại chính là những đứa trẻ vị thành niên. Theo kinh nghiệm tư vấn hôn nhân gia đình của Đông Tử nhiều năm nay, khi cha mẹ ly hôn thì những đứa trẻ dưới ba tuổi hoặc là những trẻ trên mười lăm tuổi chịu ảnh hưởng tương đối ít, bị ảnh hưởng lớn nhất là những đứa trẻ chín tuổi, mức độ ảnh hưởng lần lượt là trẻ ở các độ tuổi: tám và mười tuổi, bảy và mười một tuổi, sáu và mười hai tuổi, năm và mười ba tuổi, bốn và mười bốn tuổi, ba và mười lăm tuổi… Những ảnh hưởng nói trên tất nhiên là những ảnh hưởng không tốt, hay như chúng ta thường nói là “tổn thương”.

Những người hiểu về tâm lý trẻ em đều biết, trước ba tuổi trẻ chưa ghi nhớ được sự việc, nếu là trẻ sơ sinh, thì chỉ cần một, hai ngày là trẻ có thể thích nghi với cha mẹ mới, trẻ từ hai đến ba tuổi mất vài ngày hoặc chỉ mất mười mấy ngày là có thể thích nghi, lớn lên rồi trẻ cũng sẽ không biết về những thay đổi này, nếu như không kiểm tra ADN, chúng sẽ luôn tin rằng cha mẹ nuôi chính là cha mẹ đẻ của chúng, vì thế những người nhận con nuôi thường muốn tìm những trẻ nhỏ; sau mười lăm tuổi thì ý thức và quan niệm cơ bản đã được hình thành, trẻ không còn chịu tác động quá lớn từ những ảnh hưởng bên ngoài, mặc dù chúng không muốn thấy cha mẹ ly hôn nhưng chúng có thể hiểu cho cha mẹ, thậm chí có những đứa trẻ khi thấy cha mẹ bất hòa, còn chủ động khuyên cha mẹ ly hôn.

Nhưng những đứa trẻ ngoài độ tuổi như hai trường hợp trên lại khác, chúng đã ghi nhớ sự việc nhưng lại không có đủ năng lực để hiểu sự việc, và ở độ tuổi này đúng là giai đoạn chúng cần sự yêu thương và chăm sóc từ cha mẹ nhất, lúc này cha mẹ ly hôn, tất nhiên chúng sẽ bị tổn thương rất lớn, chúng sẽ sợ hãi, thiếu cảm giác an toàn cần thiết, sẽ căm phẫn khi mất đi tình thương yêu của cha hoặc của mẹ, đặc biệt là những đứa trẻ khoảng chín tuổi.

Khi hôn nhân đổ vỡ, con gái tôi vừa tròn chín tuổi rưỡi!

Đối với người đàn ông đã ở độ tuổi bốn mươi, trải qua bao dâu bể như tôi, hôn nhân đổ vỡ tất nhiên cũng rất đau khổ nhưng cũng không là gì cả, chỉ cần sốc lại tinh thần, điều chỉnh kế hoạch tương lai, tiếp tục sống mà thôi. Nhưng đối với một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, điều đó giống như một tai họa chết người, mặc dù tôi là một chuyên gia tâm lý, có thể giúp con điều chỉnh tâm lý, nhưng việc con bị tổn thương là không thể tránh khỏi, điều tôi cần làm không phải là tránh cho con không bị tổn thương mà là làm thế nào để con bị tổn thương ít nhất, để con bé vừa “chơi qua tiểu học” vẫn rạng rỡ như ngày nào.

Ngoài việc tạo cho con một không khí gia đình ấm cúng hòa thuận, tôi chú trọng giúp con điều chỉnh tâm lý. Sau khi đón con về ở cùng, tôi âm thầm làm công tác tư tưởng cho con, tôi trò chuyện cùng con, cùng con chơi trò chơi, để con thực sự cảm nhận được niềm vui, tôi không ngừng kể cho con nghe những câu chuyện về cuộc sống hạnh phúc của những đứa trẻ sống trong gia đình đơn thân.

Bất luận tôi có cố gắng đến như thế nào thì vẫn có những di chứng về sau, trước tiên là vấn đề sức khỏe. Từ khi đón con đến Đại Liên ở, con ăn uống không được tốt cho lắm, tôi cố gắng thay đổi món ăn nhưng con không muốn ăn. Không bị cảm cúm thì lại đau dạ dày, không ngày nào là con không ốm.

Hai giờ sáng ngày 26 tháng 8, con thấy bụng rất khó chịu, tôi vội cõng con xuống lầu, đợi mãi mà không thấy xe taxi, không còn cách nào khác tôi vừa cõng con đi vừa tìm xe, vất vả đi được mấy trăm mét thì thấy một chiếc xe đỗ bên đường, xe đưa chúng tôi đến Phòng khám Bắc, Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Đại Liên để khám, sau khi chụp chiếu xong kết luận ban đầu là có thể bị viêm ruột thừa, bác sĩ kiến nghị đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố Đại Liên để chẩn đoán cho chính xác.

Vất vả lắm chúng tôi mới đến được Bệnh viện Nhi đồng, khi đến nơi thì trời đã sáng, sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết con gái bị nóng trong, tiêu hóa không tốt dẫn đến bị táo bón, đại tiện khó, nếu không kịp thời chữa trị sẽ kéo theo những bệnh khác, sau hai lần thông ruột, vấn đề đã được giải quyết. Vài ngày sau đó, cơ thể của con rất yếu.

Sức khỏe dần dần hồi phục nhưng vấn đề tâm lý lại là một bài toán khó.

Một tháng sau đó, một hôm khi tan học về, con đưa cho tôi một tờ giấy, lúc đưa cho tôi, con òa khóc, khóc nức nở rất đáng thương, tôi hỏi con tại sao khóc, con trả lời: “Con không muốn làm đứa trẻ của gia đình đơn thân…”. Tôi an ủi con, con dần dần bình tĩnh lại và kể cho tôi đầu đuôi của sự việc.

Nhà trường vì muốn chăm sóc những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và những học sinh là con trong gia đình đơn thân, cô giáo phát cho mỗi học sinh một tờ giấy, nếu là con gia đình đơn thân thì phải ghi rõ ràng, nhà trường sẽ quan tâm chăm sóc hơn tới những đối tượng này, hơn nữa cũng sẽ quan tâm tới phụ huynh, ví dụ có thể giảm bớt những khoản đóng góp liên quan. Xuất phát điểm của nhà trường là hoàn toàn tốt, nhưng Y Y không muốn để mọi người biết cha mẹ đã ly hôn, cũng không muốn nhận được sự chăm sóc đặc biệt nào cả, nhưng con cảm thấy tôi rất vất vả, muốn tôi nhận được sự giúp đỡ, giảm gánh nặng cho tôi.

Ngày hôm đó, Y Y khóc rất thương tâm, sau khi tôi khuyên nhủ con, hai cha con ôm nhau khóc, tôi khóc vì thấy con đau buồn, cũng vì thấy con rất hiểu chuyện, biết thương cha.

Vì cảm thấy có lỗi với con khi ly hôn, nên phụ huynh của gia đình đơn thân thường có tâm lý đền bù cho con cái ở những mức độ không giống nhau. Tôi cũng vậy, tôi luôn nghĩ mình đã không cho con một gia đình hoàn chỉnh, đặc biệt là con gái là do tôi kiên trì giữ lại, vì thế mà tôi đã từng rất đau khổ, dằn vặt vì có lỗi với con gái, với tâm lý như vậy, suy nghĩ đền bù là biện pháp duy nhất để giảm bớt sự hổ thẹn áy náy trong lòng. Nhưng lý tính một chút tôi lại cảm thấy nếu như bù đắp thì sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của con, hơn thế nữa từ nhỏ Y Y đã chịu sự ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục của tôi, nhiều lúc con sẽ không chấp nhận “bù đắp” như vậy mà ngược lại con rất hiểu chuyện, còn quay sang an ủi tôi.

Dưới sự nỗ lực của cả hai cha con, Phạm Khương Quốc Nhất của ngày hôm nay vẫn là một cô bé rạng rỡ, vui vẻ.

Dù con gái lúc nào cũng vui vẻ, vẫn rạng rỡ vui tươi, nhưng tôi biết rất rõ, hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ đã làm con chịu tổn thương nhất định, nhưng con đã biết chịu đựng tổn thương, học cách kiên cường, tự tin và trưởng thành…

Hàng xóm tốt của tôi và con gái

Cùng với sự phát triển của xã hội, truyền thống tốt đẹp “bán anh em xa mua láng giềng gần” ngày càng bị mai một, đặc biệt là hai mươi năm trở lại đây, mọi người ngày một thờ ơ với quan hệ hàng xóm láng giềng, vì thế tôi đã từng viết một bài báo có nhan đề “Thành phố thờ ơ, con người thờ ơ” để thức tỉnh tâm lý của mọi người.

Theo điều tra, khoảng 25% dân số ở các đô thị hiện đại cơ bản không biết hàng xóm của mình là ai; 45% thỉnh thoảng gặp hàng xóm chào hỏi; 75% không nắm rõ tình hình các thành viên trong gia đình của hàng xóm; 65% người được hỏi cho biết họ sẽ không nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm và 70% số người được hỏi cho biết họ chưa từng giúp đỡ hàng xóm.

Có thể là do tính nết và cách cư xử, mấy năm nay, bất luận tôi sống ở đâu, bất luận là nhà mua hay nhà đi thuê, tôi vô cùng coi trọng quan hệ hàng xóm láng giềng. Tôi cho rằng quan hệ hàng xóm láng giềng thân thiết cũng là một nhân tố cấu thành một cuộc sống hạnh phúc, nên tôi coi những hộ đối diện hay những người hàng xóm ở tầng trên, tầng dưới như người thân của mình vậy, họ có chuyện gì tôi sẽ nhiệt tình giúp đỡ và ngược lại tôi có chuyện gì mọi người sẽ giúp đỡ tôi.

Khi tôi đến Đại Liên, dù có ý định định cư tại đây, nhưng thứ nhất là không có tiền mua nhà, thứ hai là công tác tư tưởng với mẹ của con gái chưa thông, vì thế đến đây chúng tôi chỉ thuê nhà thôi. Tôi thuê một căn phòng ở khu dành cho người thân của cán bộ công nhân viên công ty Công nghiệp hóa chất Đại Liên, người chủ nhà họ Tân, vợ anh họ Thiệu, lớn hơn tôi khoảng sáu hay bảy tuổi, anh Tân làm lái xe ở đơn vị, còn chị Thiệu sau khi nghỉ hưu về làm chủ nhiệm văn phòng của một xí nghiệp tư nhân, họ có một con trai hai mươi hai tuổi đã đi làm.

Căn phòng tôi thuê nằm ở lầu hai phía tây, một tầng chỉ có hai hộ ở, đối diện với nhà tôi là nhà của vợ chồng anh chị chủ nhà, theo lời chị chủ nhà, căn phòng tôi ở bây giờ vốn là nhà của đồng nghiệp của chị, đồng nghiệp của chị mua nhà mới nên chuyển nhà, chị liền mua lại, chuẩn bị nhà cho con trai sau này lấy vợ. Con anh chị vẫn chưa có ý định lập gia đình trong vòng hai đến ba năm tới, vì thế anh chị cho thuê nhà.

Lúc đầu khi biết chủ nhà ở ngay đối diện, tôi có hơi ái ngại, lo lắng, sau đó khi tiếp xúc thấy anh chị chủ nhà là người tốt, anh chủ nhà rất thật thà, chị chủ nhà thì thẳng thắn. Khi mới bắt đầu ở, tôi chỉ có một mình, hai anh chị có gì ngon đều gọi tôi sang ăn cùng.

Sau đó khi anh chị biết tôi ly hôn, ngoài việc an ủi tôi anh chị luôn nói: “Đông Tử, nếu cuộc sống có khó khăn gì cứ nói với chúng tôi”. Khi xe chở đồ đạc chuyển nhà cùng với con gái từ Yên Đài đến, hai anh chị và đồng nghiệp của họ đã đứng sẵn ở đó từ bao giờ, lập tức giúp đỡ tôi chuyển đồ lên trên phòng, để tỏ lòng cảm kích, tôi định mời mọi người một bữa ở nhà hàng, nhưng gia đình anh chị đã sớm chuẩn bị cơm nước, một là thay tôi cảm ơn nhân viên của công ty chuyển nhà, hai là tiếp đón con gái Y Y của tôi. Vì thế mà quan hệ của chúng tôi ngày một tốt hơn.

Cuối tháng 11 tôi phải đi Bắc Kinh ba ngày, tham gia Đại hội Các nhà giáo dục Trung Quốc lần thứ ba, nhưng không biết phải làm thế nào với con gái, chị Thiệu biết tôi không có ai để gửi gắm Y Y, chị liền nhiệt tình đón Y Y qua nhà chị ở, giúp tôi giải quyết nỗi lo khi đi công tác.

Thời gian sống ở Đại Liên, nói đến những người hàng xóm tốt bụng của tôi và con gái, ngoài gia đình anh chị chủ nhà, còn một gia đình ở dưới lầu mà cả đời này tôi cũng khó mà quên được.

Y Y học ở trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, cách nhà khoảng ba, bốn trăm mét, ra khỏi cổng khu dân cư, đi qua hai con phố là đến trường, buổi sáng con bé tự đi học, lúc mới đầu khi tan học con cũng tự về nhà, ngoài những lúc thời tiết không thuận lợi tôi thi thoảng đưa đón con ra, thì đều là con tự đi học và tự về nhà. Cuối tháng 10 ngày ngắn hơn, trời cũng nhanh tối hơn, khi tan học cũng là lúc trời đã tối, để đảm bảo an toàn, lúc này tôi bắt đầu đón con về, đúng lúc này thì những buổi thuyết trình của tôi ngày một nhiều lên.

Nhận lời mời của Sở Nghiên cứu Khoa học giáo dục thành phố Đại Liên và tạp chí Giáo dục Đại Liên, tôi bắt đầu những bài giảng bồi dưỡng cho phụ huynh và các thầy cô giáo ở các trường trung học và tiểu học của thành phố, thời gian thuyết trình đa phần là vào buổi chiều, khi kết thúc về đến nhà thì cũng là lúc Y Y đã tan học lâu rồi, để một đứa trẻ mới mười tuổi đi trên đường tối, tôi không thể nào yên tâm, làm thế nào đây? Khi thấy không còn cách nào khác thì tôi nghĩ đến chị Trịnh ở lầu dưới.

Nhà chị Trịnh ở dưới lầu một, ngay dưới nhà của anh chị chủ nhà, anh chị đều đã hơn năm mươi tuổi, anh làm chân chạy việc ở đơn vị còn chị đã về hưu nhiều năm nay, ở nhà trông con, họ có một cậu con trai đang học cấp ba, hai vợ chồng đều chân chất, nhiệt tình, biết tôi là “người có học”, họ rất tôn trọng tôi. Mặc dù hai gia đình chúng tôi chưa từng qua lại, nhưng khi tôi và Y Y lên lầu xuống lầu, họ đều nhiệt tình chào hỏi chúng tôi.

Vì thế tôi đến nhà anh chị với tâm lý thử xem thế nào, tôi gõ cửa, sau khi nói chuyện chào hỏi đơn giản, tôi trình bày ý định của mình, và hứa sẽ gửi chị thù lao nhất định, chị Trịnh và chồng chị nói tôi khách sáo, đã coi họ là người ngoài, việc của Y Y họ nhất định giúp, nhưng kiên quyết không lấy thù lao, anh chị còn nói một người đàn ông gà trống nuôi con như tôi không dễ dàng gì, họ muốn giúp đỡ nhưng không có cách nào cả, lần này thì họ có cơ hội giúp đỡ tôi rồi.

Để viết được những dòng này, tôi đã xem lại nhật ký của năm đó, chỉ trong hai tháng chị Trịnh đã giúp tôi đón Y Y đến hơn mười lần. Để không nhỡ nhàng việc đón Y Y, nhiều lúc chị còn phải bỏ dở việc nhà, đội gió đội tuyết đến trường đón Y Y về.

Để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, những buổi thuyết trình khi đó có lúc còn thêm phần ký tặng sách mới của tôi. Nhà xuất bản gửi cho tôi hơn 1.000 cuốn sách, có đến hai chục, ba chục túi nặng, những cuốn sách này chuyển từ tầng dưới lên tầng trên rồi lại chuyển từ trên xuống dưới rất tốn công tốn sức, chị Trịnh nói tôi có thể để ở nhà chị, như vậy có thể bớt vất vả khi chuyển đi chuyển lại, vì thế mà phòng khách, hành lang, thậm chí là phòng ngủ nhà chị chất đầy những sách của tôi. Sau đó mỗi lần ra ngoài thuyết trình, hai vợ chồng chị lại giúp tôi chuyển những cuốn sách này.

Cho dù là nhà chị Thiệu hay nhà chị Trịnh, nhà nào làm món gì ngon, không mời cha con tôi qua ăn thì lại mang qua, mang lên cho cha con tôi, đặc biệt là chị Thiệu chủ nhà, chị nói: “Đông Tử, cậu viết lách bận, không muốn nấu nướng thì hai cha con qua nhà tôi cùng ăn, dù sao thì tôi cũng phải nấu cơm, mọi người cùng ăn cho vui”. Vì chị mời nhiệt tình, vài lần tôi và Y Y qua nhà chị ăn cơm, nhưng nghĩ làm phiền gia đình chị, thực sự tôi rất ngại, sau đó chị thường làm những món mà Y Y thích ăn mang sang cho chúng tôi, mỗi lần như vậy chị đều nói: “Hai cha con mau ăn nóng cho ngon…”.

Một người tha hương phiêu bạt nhưng luôn luôn nhận được tình cảm ấm áp từ những người khác rất dễ xúc động, huống chi là chúng tôi nhận được sự chăm sóc quan tâm như vậy, sự cảm kích đối với những người hàng xóm tốt bụng luôn luôn ở trong lòng tôi. Nhưng từ trước tới nay tôi chưa bao giờ nói với chị Thiệu hay chị Trịnh rằng tôi biết ơn họ như thế nào.

Rời xa Đại Liên đã mấy năm nay, lúc nào tôi và Y Y cũng nhớ tới họ, không dưới một lần tôi nói với Y Y: “Nếu trở lại Đại Liên, hai cha con mình nhất định phải đến thăm gia đình hai cô hàng xóm tốt bụng”.

Những năm tháng ở Đại Liên đó là quãng thời gian khổ sở, vất vả nhất của tôi và con gái, nếu không có sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng, không biết là cuộc sống của tôi và Y Y sẽ như thế nào, con gái có được tâm lý thoải mái như bây giờ không thể không nói đến công sức của chị Thiệu và chị Trịnh, giờ phút này tôi chỉ muốn nói một câu: “Cảm ơn các chị, những người chị, người hàng xóm tốt bụng của tôi!”.

Thủy triều xuống tôi đưa con gái ra biển

Trong tuổi thơ của Đông Tử không có ký ức về biển. Từ nhỏ tôi lớn lên ở một vùng quê thuộc đồng bằng Đông Bắc, không có liên hệ với biển.

“Lúc nhỏ mẹ tôi kể cho tôi nghe, biển là quê hương của tôi. Tôi sinh ra ở vùng ven biển, sống và lớn lên cùng biển…”. Tiếng hát của Chu Minh Anh đã hướng tôi về sự thần kỳ của biển.

Mười tám tuổi, tôi nhập ngũ, tôi ngụp lặn vào trong lòng biển. Những năm trở lại đây tôi luôn sống cuộc sống phiêu dạt “bốn biển là nhà”, tôi đã từng sống ở nhiều thành phố ven biển, đã từng nhân lúc thủy triều rút nhặt nhạnh hải sản trên những bãi biển đó.

Đi nhặt hải sản khi thủy triều xuống là việc quá đỗi quen thuộc với những người sống ở vùng biển, bởi vì đó là một phần cuộc sống của họ. Căn cứ theo quy luật lên xuống của thủy triều, lúc thủy triều xuống thì đến bãi biển hoặc những mỏm đá để bắt hoặc nhặt hải sản.

Cuối tuần mỗi khi thủy triều xuống, ba đến năm anh em chiến hữu lại hẹn nhau mang xô, dây thép, tô vít tới những mỏm đá ở bờ biển nhặt hải sản. Con gái sinh ra trên đất liền, lúc nhỏ thường quấn lấy tôi bắt tôi kể chuyện hồi đi bộ đội, trong đó có chuyện đi nhặt hải sản này. Nghe tôi kể Y Y cũng muốn đi một lần, tôi hứa với con, đợi con lớn thêm một chút nữa sẽ đưa con đi.

Như đã nói ở trên, Y Y lúc năm tuổi rưỡi cùng mẹ đến Đại Liên đi nghỉ, trong thời gian này nhân lúc thủy triều xuống tôi đưa con ra biển hai lần, sau đó trong thời gian sống ở Yên Đài, tôi cũng lại đưa con đi biển mấy lần nữa, nhưng nhặt hải sản nhiều lần nhất và khó quên nhất vẫn là thời gian hai cha con ở Đại Liên.

Do con vừa mới rời xa mẹ, tôi dùng đủ cách để dỗ dành con, làm con vui, trong đó có một cách mà hai cha con cùng thích đó là ra biển nhặt hải sản. Đó là một ngày cuối tuần, chúng tôi lên mạng tra xem ở bờ biển gần nhà nhất khi nào thì thủy triều rút, sau đó mang theo thùng nhỏ, dây thép, tô vít, xẻng nhỏ và xuất phát.

Hai cha con đi xe bus đến bờ biển phía ngoài khu vực xưởng 523. Trên bãi biển có rất nhiều những mỏm đá dựng đứng, có những mỏm đá sát biển, còn nhìn thấy rõ cả vệt nước trước khi thủy triều xuống, trên bãi cát có rất nhiều đá và vỏ ốc đẹp. Khi chúng tôi đến thì thủy triều vẫn đang rút. Cùng với thủy triều xuống, những bãi cát và những mỏm đá dần dần lộ ra, trên những mỏm đá lớn còn hình thành những vũng nước rất to, có những vũng nước có đường kính tới ba, bốn mét, có vũng chỉ khoảng hai mươi đến ba mươi centimét, bao quanh những vũng nước là rong biển, tảo biển màu xanh rêu, rồi có cả tu hài, hàu và cua nữa…

Tôi xắn quần và cùng Y Y bắt đầu thu lượm! Hai cha con ai cầm dụng cụ của người nấy, đầu tiên tấn công những con có vỏ cứng trắng đang bám trên đá, chúng tôi dùng tô vít cậy nó xuống, sau đó lấy thịt ra, đây chính là chiến lợi phẩm đầu tiên của chúng tôi: món hàu.

Tôi và con gái mỗi người một tô vít bắt đầu cuộc chiến với hàu, cuộc chiến này không những cần sức lực mà còn cần cả kỹ thuật nữa, ở cả hai phương diện này con gái đều không bằng tôi nhưng con lúc nào cũng rất sung sức và đầy ý chí, vì con không biết dùng lực, nên nhiều con hàu bé bị con làm cho nát bét, chỉ còn lại lớp vỏ không nguyên vẹn. Tôi nhẫn nại dạy con, dần dần con biết lấy ra một con hàu hoàn chỉnh, khi lấy được một con hàu béo, con cười vui đắc thắng.

Trẻ con làm gì cũng không được lâu, nhặt hàu được một lúc con lại muốn lên bãi cát để nhặt đá và vỏ ốc, khi con quay lại trong tay cầm biết bao là “báu vật” mà con thích. Ở đây chiến tích của tôi cũng rất khá, không chỉ có hàu mà còn có cả những con cá mà tôi không biết tên. Y Y vội hỏi những chú cá này tôi bắt được ở đâu, tôi chỉ tay về hướng vũng nước ở dưới lớp cát, nói với con khi thủy triều lên những chú cá nhỏ này bơi vào vũng này, khi thủy triều rút chúng bị mắc kẹt ở đây và bây giờ nằm ở trong thùng của chúng ta.

Y Y khen cha nhưng cũng rất tiếc vì đã không giúp đỡ tôi để bắt những chú cá nhỏ này, tôi vừa an ủi vừa cổ vũ con, sau đó chúng tôi cầm theo lưới sắt, đến những khe giữa những mỏm đá để bắt cua. Tôi làm mẫu cho con trước, cầm một cọng dây thép, bò đến khe giữa hai mỏm đá, và bắt đầu chọc vào đó, và một con cua chui ra. Con gái nhìn tôi làm đã hiểu, cầm lấy cọng dây thép trong tay tôi và bắt đầu hành động. Tôi vội dặn con: “Trước tiên phải lặng yên quan sát trong khe có cua hay không, nếu có thì dùng cọng dây thép để móc nó ra”.

Sau đó thì con bắt đầu đi kiểm tra từng hòn đá một xem có gì có thể săn được không, cuối cùng thì cũng phát hiện được con cua. Con lặng lẽ cầm lấy cọng dây thép đưa vào lỗ, nhưng ngạc nhiên là con cua không hề chui ra mà lại càng chui sâu vào trong, mắt nhìn thấy con mồi đi mất, con lo lắng, nhưng con có chọc như thế nào thì con cua đó cũng không chịu chui ra, không còn cách nào khác con đành nhờ tôi trợ giúp. Tôi bẻ cong cọng thép thành hình một móc câu rồi đưa cho con thử, nhẹ nhàng móc xem thế nào, con cua cố chấp đó cuối cùng cũng chịu chui ra, hơn nữa không chỉ có một con mà là hẳn một đàn, nhìn thấy vậy con vui mừng nhảy cẫng lên.

Sau hai tiếng đồng hồ, tôi và Y Y mang thành quả lao động về nhà, những chiến lợi phẩm này được chúng tôi chế biến thành món canh hải sản hấp dẫn, con gái nhẹ nhàng húp một ngụm: “Ôi, thật là thơm!”. Sau đó, hầu như tuần nào hai cha con cũng đi nhặt hải sản một lần.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3