Cùng con trưởng thành - Chương 07 - Phần 3 (Hết)

Toàn bộ nội dung của tờ giấy “Mười ưu khuyết điểm lớn của cha” như sau:

Mười ưu điểm lớn: ① Là người tốt. ② Nói chuyện hài hước. ③ Thích kết bạn, năng lực giao tiếp tốt. ④ Có tài ăn nói, có khả năng thuyết phục người khác. ⑤ Sống tiết kiệm. ⑥ Hiếu kính người già, đối tốt với người thân, bạn bè. ⑦ Nấu ăn ngon. ⑧ Làm việc chăm chỉ, chịu khó. ⑨ Chân thành, thẳng thắn. ⑩ Yêu công việc, có tinh thần trách nhiệm.

Mười khuyết điểm lớn: ① Tính khí nóng nảy, không tiếp thu những ý kiến của người khác. ② Thường xuyên nói bậy. ③ Có lúc tự cho rằng mình rất tài giỏi. ④ Đánh con vì việc nhỏ. ⑤ Hay ở bên ngoài cãi nhau với người khác. ⑥ Thường cho mình là đúng. ⑦ Cho rằng mình là lão gia, người khác phải nghe theo mình. ⑧ Từ trước tới nay chưa bao giờ tự kiểm điểm bản thân. ⑨ Những đạo lý giảng cho người khác bản thân lại không làm được. ⑩ Không sạch sẽ.

Ở mặt sau tờ giấy mình còn viết thêm: “Đây là những suy nghĩ thật của con, xin cha đừng tức giận”.

Hi hi, sau khi đọc tờ giấy, cha nói chuyện với mình một lúc, cha nói những điều mình chỉ ra đều đúng, nhưng có một số điều thì hơi khoa trương một chút. Hiệu quả của tờ giấy này rất tốt, thời gian sau đó, cha đều nỗ lực để sửa chữa những khuyết điểm và có tiến bộ rất lớn.

Đó là cha của mình, nếu để cho mình chấm điểm, mình chỉ có thể chấm cho cha chín mươi điểm. Các bạn có lẽ sẽ hỏi mình: Cha của bạn tốt như vậy, tại sao không chấm điểm tuyệt đối? Mình sẽ trả lời: Phải để cho cha không gian để tiến bộ chứ! Hơn nữa, không có ai là hoàn hảo cả, mình chỉ muốn cha bớt tức giận hơn, chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, như vậy có thể làm việc tốt hơn!

Con gái trong mắt cha - Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thần đồng

Từ khi con gái vượt lớp, xuất bản vài cuốn sách, nhận được sự quan tâm sâu rộng, bất luận là truyền thông hay độc giả đều cho rằng: Phạm Khương Quốc Nhất là thần đồng! Là thiên tài! Bất luận là trả lời phỏng vấn hay là trả lời câu hỏi của thính giả, tôi đều trả lời: “Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thần đồng, cũng không phải là thiên tài”.

Đây là một sự sai lầm về mặt nhận thức, IQ của Phạm Khương Quốc Nhất chỉ cao hơn một chút so với mức thông thường, chỉ số IQ như con một lớp cũng phải có tới mấy chục bạn, toàn quốc có trăm triệu bạn. Từ khi sinh ra cho đến nay, con chẳng có biểu hiện nào khác biệt so với người bình thường.

Người dẫn chương trình - thầy Lý Cường của chuyên mục “Trao đổi” Đài Truyền hình Thiên Tân đã từng hỏi mẹ Y Y khi sinh Y Y có phải là tiếng khóc của con khác với tiếng khóc của những đứa trẻ khác? Mẹ con đùa nói: Tiếng khóc thì không có gì khác với những đứa trẻ khác, nhưng lúc đó mắt con một mắt nhắm, một mắt mở, sau đó thì cứ như vậy trong một thời gian dài, mẹ con cứ nghĩ một mắt của con có vấn đề. Vì thế mà thầy Lý Cường lại đùa tiếp: “Xem ra, nhà ai mà sinh con, khi con vừa ra đời, nhất định phải xem là con có mở một mắt, nhắm một mắt hay không, nếu như đúng là vậy thì tương lai sẽ giống như Phạm Khương Quốc Nhất, lớn lên sẽ là một thiên tài”.

Tất nhiên đây chỉ là nói vui thế thôi.

Khi tôi nói Y Y chỉ là một đứa trẻ bình thường thì không ai đồng ý với ý kiến của tôi. Họ dùng đúng một giọng điệu để phản bác lại tôi: “Không phải là thần đồng thì tại sao lại tài giỏi như vậy? Chỉ mất ba năm rưỡi học xong tiểu học, xuất bản sách Chơi qua tiểu học, hai năm rưỡi học xong trung học cơ sở, lại xuất bản cuốn sách Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất… Đứa trẻ bình thường làm sao có thể làm được như vậy?”.

Tôi đã từng nói đùa như thế này: “Nếu khi vừa sinh con bị bế nhầm, thì đứa bé bị bế nhầm kia sẽ giống như Phạm Khương Quốc Nhất của bây giờ còn Phạm Khương Quốc Nhất bị nhà nào bế đi thì sẽ giống con của nhà đó”. Vì thế, tôi muốn nói rằng những gì Phạm Khương Quốc Nhất làm được không có gì là thần kỳ, chỉ là phương pháp giáo dục trong gia đình có sự khác biệt. Thực ra, chỉ cần có sự hướng dẫn đúng đắn, giáo dục có phương pháp, thì hầu hết mọi đứa trẻ đều có thể làm được như Phạm Khương Quốc Nhất.

Trên thế giới không tồn tại thiên tài với ý nghĩa thực sự, những thiên tài đều phải được phát hiện, bồi dưỡng và tự bản thân nỗ lực mới có thể trở thành thiên tài. Tất nhiên Phạm Khương Quốc Nhất không phải là thiên tài, sự trưởng thành của con nếu nói là thành công thì tôi nghĩ đó là do phương pháp dạy học theo đối tượng. Nói theo một cách khác, nếu như cha mẹ của những trẻ khác có thể hiểu con cái của họ giống như tôi, kịp thời phát hiện và khai thác những điểm mạnh của con, đồng thời có sự hướng dẫn khoa học, mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành “thần đồng” và “thiên tài”.

Trong xã hội, mỗi người một vẻ, chỉ có những phương thức giáo dục phù hợp với từng cá nhân mới có thể phát hiện được tiềm năng, thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển, nói một cách khác là giáo dục bắt buộc phải phù hợp với thiên tính và quy luật phát triển của cá nhân.

Từ khi Y Y chào đời, tôi lấy vai trò là một người cha, luôn luôn quan sát con, từ đó nắm được những đặc điểm về tính cách, năng lực trí tuệ của con gái. Sau đó giai đoạn trước tuổi học và sau tuổi học, tôi kiên trì giáo dục con theo phương châm giáo dục mà tôi đã đặt ra, giáo dục theo đối tượng. Ví dụ, về phương diện biểu đạt ngôn ngữ Y Y rất có thiên phú, không chỉ nói được từ rất sớm hơn nữa lại nhanh nhảu lanh lợi, biểu đạt trôi chảy, tôi xác định phải bồi dưỡng cho con ở phương diện này. Con ngày một lớn, thì tôi càng bỏ nhiều công sức hơn.

Cho đến khi Chơi qua tiểu học được xuất bản, hai cha con đến rất nhiều nơi để ký tặng và quảng bá, tất cả mọi người đã từng nghe Y Y thuyết trình đều cảm thấy rất kinh ngạc: Đứa trẻ này mới nhỏ tuổi như thế mà đứng trước biết bao nhiêu người không thấy run, không những tự nhiên phóng khoáng mà tư duy còn nhanh nhạy, diễn đạt đầy đủ, thật là giỏi quá. Tôi nghĩ điều này không thể không nói đến khả năng thiên phú của con, càng không thể phủ nhận ý thức bồi dưỡng của tôi nhiều năm qua. Còn nữa, tôi căn cứ vào đặc điểm là con thích suy nghĩ, thích đặt câu hỏi, nên chú trọng hướng dẫn con học cách quan sát, học cách ghi chép lại mọi thứ sau khi quan sát. Bây giờ, năng lực quan sát và năng lực phân tích của Y Y đều vượt trội hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nhiều lúc mẹ của con còn than không bằng con.

Việc tôi áp dụng phương pháp giáo dục theo đối tượng với con, điều thành công nhất chính là con đã vượt lớp thành công, chỉ dùng thời gian ba năm rưỡi học xong tiểu học và hai năm rưỡi học xong trung học cơ sở. Còn về phương diện viết lách, tôi cũng căn cứ vào tính cách của con, hướng dẫn một cách khoa học, từng bước bồi dưỡng hứng thú viết lách cho con. Đã từng có một khoảng thời gian, Y Y thấy rất phản cảm vì các thầy cô ở trường đều ra những đề văn giống nhau, tôi ủng hộ con không viết, mà hãy căn cứ theo sở thích hứng thú của con, viết những câu chuyện ấu thơ mà con thích. Khi tôi khen những câu chuyện mà con viết, thì hứng thú viết lách của con được bộc phát, tôi tận dụng cơ hội này cùng con hồi tưởng lại những chuyện thú vị mà con đã từng trải qua, sau đó cổ vũ con cầm bút viết ra những câu chuyện đó.

Cứ như thế, việc viết lách của con ngày một tiến bộ, cho đến khi bài văn “Mình đã vượt lớp rồi” được đăng, thì hứng thú viết lách của con lên đến đỉnh điểm. Khi đã xác định là viết sách, bình quân mỗi tuần con sẽ viết ba bài, trong thời gian nửa năm con đã hoàn thành bản thảo một trăm nghìn chữ một cách nhẹ nhàng. Khi cuốn sách dày cộp được đặt trước mặt tôi, tôi cảm thấy đối với một đứa trẻ chỉ mới chín tuổi mà nói thực sự là một công trình lớn với lượng công việc khổng lồ. Nhưng Y Y đã hoàn thành một cách nhẹ nhàng, hơn nữa trong quá trình viết lách con có được rất nhiều niềm vui.

Nếu tôi cũng giống như những bậc phụ huynh khác, cứ giao con cho nhà trường là xong, hết trách nhiệm thì Y Y chỉ có thể học được những kiến thức văn hóa cơ bản như chương trình đã sắp đặt, nhưng khả năng riêng của con sẽ không được khai thác. Như vậy con không thể thuận lợi nhảy lớp, càng không thể viết được cuốn sách Chơi qua tiểu học, Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, và cuốn sách hai cha con cùng hợp tác Người cha tốt, đứa con ngoan, cũng không thể có được những tố chất tổng hợp tốt như khả năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng tự lập, năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, khả năng đối mặt với thất bại…

Rất nhiều bậc phụ huynh đều cho rằng Phạm Khương Quốc Nhất là một đứa trẻ xuất sắc, nhất định là rất nghe lời và không bao giờ phạm lỗi. Thực ra không phải thế, thực tế Y Y lại là một đứa trẻ rất không nghe lời, nhưng con lại biết phải trái. Hơn nữa tôi không cho rằng những đứa trẻ biết nghe lời đã là những đứa trẻ ngoan, tôi thường nói với con, cho dù là ai, cho dù là cha hay là các thầy cô giáo, con cho rằng ai sai thì không phải nghe, ai đúng thì nghe người ấy.

Hơn nữa, những lỗi lầm mà trẻ phạm phải trong quá trình trưởng thành, Phạm Khương Quốc Nhất cũng đều phạm phải, nhưng con đã có thể nhận ra lỗi lầm của mình, thành tâm sửa lỗi. Tôi nói với con: “Phạm lỗi không đáng sợ, điều đáng sợ là không biết đã phạm lỗi gì và không sửa lỗi”, tôi cũng an ủi con: “Những đứa trẻ không phạm lỗi không lớn được”.

Vì vậy, Phạm Khương Quốc Nhất cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường, con giống như những đứa trẻ khác, sống cuộc sống của người bình thường. Chỉ duy nhất một điều không giống là ngoài việc được tiếp nhận nền giáo dục theo phương pháp truyền thống, con còn được tôi “điêu khắc” bằng quan điểm giáo dục theo đối tượng. Vì thế mà tiềm năng của con được tôi phát hiện và khai thác, cá tính của con được bảo vệ và phát huy.

Do đó, tôi vẫn muốn nói một câu: Chỉ cần con cái của bạn có trí tuệ bình thường, khỏe mạnh, chỉ cần bạn bỏ công sức, giáo dục theo đối tượng, con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ khác với những đứa trẻ bình thường khác!

Hậu ký

Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành là hai tác phẩm mà tôi và Phạm Khương Quốc Nhất tâm đắc nhất. Tác phẩm tốt nhất tất nhiên phải gửi đến nhà xuất bản tốt nhất, vì thế trước khi hoàn thành bản thảo, tôi muốn thông qua hình thức đấu thầu, tìm được một nhà xuất bản uy tín, có khả năng, có đủ tự tin để có thể cho ra đời những cuốn sách bán chạy được độc giả yêu thích.

Vì thế tôi đã gửi “Thư mời thầu phát hành sách của hai cha con Đông Tử và Phạm Khương Quốc Nhất” cho mấy chục nhà xuất bản đã mời tôi viết bản thảo, đại đa số những đơn vị xuất bản đều rất hứng thú với hai chủ đề này, nhưng do điều kiện xuất bản hơi cao, có một nửa đơn vị xuất bản đã phải từ bỏ, còn lại hơn mười mấy đơn vị xuất bản đã cùng tôi bàn bạc cụ thể phương án hợp tác.

Hôm đó là ngày thứ sáu, khoảng 9 giờ tối, có một cuộc điện thoại từ Bắc Kinh. Thông thường buổi tối tôi rất ít khi nhận cuộc gọi của người lạ. Lúc này, một giọng nữ trong trẻo cất lên trong điện thoại: “Xin chào thầy Đông Tử! Muộn thế này mà vẫn làm phiền thầy. Xin tự giới thiệu tôi là Tạ Văn Bình, biên tập của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh, hôm nay tôi được biết là tác phẩm mới của thầy và Phạm Khương Quốc Nhất đang mời thầu tìm nhà xuất bản, chúng tôi rất hứng thú, không biết thầy có thể gửi cho chúng tôi một bản tư liệu không ạ…?”.

Buổi sáng ngày hôm sau, tôi gửi cho cô Văn Bình những tài liệu liên quan đến việc mời thầu lần này. Hai mươi tư tiếng sau, cô Văn Bình đã trả lời lại là nhà xuất bản của họ chấp nhận mọi yêu cầu mời thầu của chúng tôi, hy vọng có thể hợp tác. Nhận được tin này, tôi không lập tức đồng ý ký hợp đồng, mà nói với đối phương phải xem xét thận trọng. Cô Văn Bình trả lời tôi rằng họ đã nghiên cứu rất kỹ mới đưa ra quyết định này.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ba ngày sau, tôi nhận được hợp đồng xuất bản từ Bắc Kinh, như vậy chúng tôi đã ký kết thành công.

Để có thể làm tốt bộ sách này, giữa tháng 10 năm 2012, nhận lời mới của Nhà xuất bản Sư phạm Bắc Kinh, tôi được mời đến nói chuyện bàn bạc về vấn đề biên tập, quảng bá cho cuốn sách với tổng biên tập, tiến sĩ Diệp Tử, phó tổng biên tập Lý Diễm Huy, tiến sĩ Tạ Văn Bình phụ trách biên tập và đội ngũ truyền thông. Vì vậy mới có hai cuốn sách Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành mà các bạn đã thấy.

Mỗi lần xuất bản một cuốn sách, đều phải cảm ơn một số người. Con gái được như ngày hôm nay là vì đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, không có sự giúp đỡ, cổ vũ của những người này thì không có Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành.

Vì thế mà nhân dịp cuốn sách này được xuất bản, trước tiên xin gửi lời cảm ơn đến hiệu trưởng Thái Vỹ Quang, cô chủ nhiệm Vương Hiểu Trân trường Mầm non Thiên nga nhỏ Long Khẩu Sơn Đông; hiệu trưởng Lâm Hồng Cúc, cô giáo chủ nhiệm Trương Tiết trường Mẫu giáo nghệ thuật Thế kỷ mới thành phố Hàng Châu, Chiết Giang; hiệu trưởng Trương Linh, cô chủ nhiệm Lý Văn Tĩnh trường Mầm non số 5 Đại học Cát Lâm; cô chủ nhiệm Điền Tĩnh, Lý Ba trường Tiểu học Con em xưởng 228, Trường Xuân, Cát Lâm; hiệu trưởng Trương Diên Tân, cô chủ nhiệm Ôn Kiến Mai trường Tiểu học Hoàng Thành Tập, thành phố Long Khẩu, Sơn Đông; hiệu trưởng Uông Trinh Học, cô chủ nhiệm Lý Hồng trường Trung học cơ sở số 77, thành phố Đại Liên tỉnh Liêu Ninh; hiệu trưởng Cố Ngọc Tú, giáo viên chủ nhiệm Bách Dung trường Trung học cơ sở số 141, thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh; hiệu trưởng Châu Quốc Binh, chủ nhiệm Đổng Quế Chi trường Trung học cơ sở Số 8, khu phát triển sản nghiệp ô tô Trường Xuân, Cát Lâm; hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, hiệu trưởng Trương Kình Tống, cô chủ nhiệm Từ Lệ Cầm, Lưu Thục Yến, Lý Lệ trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính Trường Xuân, Cát Lâm; Viện trưởng Học viện Báo chí và Truyền thông Đại học Hắc Long Giang thầy Trịnh Á Nam, bí thư Trương Học Thành, thầy phụ trách Cao Cường và những thầy cô giáo, bạn bè ở những ngôi trường mà Phạm Khương Quốc Nhất đã từng học. Nếu không có sự chăm sóc dạy dỗ của các thầy cô và sự chăm sóc quan tâm của bạn bè thì không có một Phạm Khương Quốc Nhất như ngày hôm nay và cũng không có một người cha hạnh phúc như ngày hôm nay.

Nhân đây, tôi cũng xin được đặc biệt cảm ơn học sinh của tôi, người chị em tốt nhất của con gái - Liễu Đan và phụ trách biên tập cuốn sách này - tiến sĩ Tạ Văn Bình, phó biên tập và thẩm định Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Có Đan Đan bầu bạn, Phạm Khương Quốc Nhất trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả vẫn rạng rỡ, tràn trề sức sống; nhờ sự nỗ lực của cô Văn Bình mà cuốn sách này mới đến được nhà xuất bản Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cảm ơn cô đã vất vả biên tập cuốn sách này.

Hai cuốn sách Cùng con trưởng thành và Chơi cũng là một cách để trưởng thành đã ở trước mắt các bạn độc giả, nếu như những cuốn sách này có thể giúp các bậc phụ huynh hiểu được phải giáo dục con cái như thế nào thì đó là hạnh phúc của tôi; nếu có thể mang đến cho các bạn nhỏ niềm vui thì đó sẽ là niềm hạnh phúc của Phạm Khương Quốc Nhất.

Đông Tử

Trường Xuân, cuối năm 2012

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3