Chuyến bay Frankfurt - Chương 09 phần 1

CHƯƠNG CHÍN

NGÔI NHÀ GẦN THỊ TRẤN GODALMING

Chị hầu phòng dáng nữ chiến binh bước lên bậc thang lớn trung tâm. Hai vị khách theo sau chị ta. Lên đến tầng hai, chị ta dừng lại trước một cánh cửa, mở cửa rồi đứng tránh sang một bên nhường bước cho hai người khách.

Trong phòng đã có bốn người. Ngồi sau bàn giấy đồ sộ chất đầy giấy tờ tài liệu là một người đàn ông to béo, da mặt vàng vọt. Stafford nhớ đã có lần gặp ông này ở đâu, nhưng không sao nhớ ra tên ông ta là gì. Người đàn ông đứng dậy một cách khó nhọc, chìa tay ra với nữ công tước, ông ta nói:

- Tiểu thư đã đến! Rất tốt!

Mary Ann đáp:

- Xin được phép giới thiệu, mặc dù hình như hai ông đã biết nhau. Stafford Nye. Ông Robinson.

Một tia chớp dường như lóe lên trong đầu Stafford. Cái tên "Robinson" làm anh nghĩ đến một cái tên khác "Đại tá Pikeaway". Thật ra chàng biết rất ít về con người này. Cái tên "Robinson" hẳn là tên thật, mặc dù trông vẻ ngoài ông ta có vẻ không phải người Anh. Tuy nhiên không ai dám hé ra điều đó.

Robinson có vầng trán thấp, cặp mắt màu thẳm và u buồn, miệng rộng với hai hàm răng rất trắng, có lẽ là răng giả. Stafford còn biết Robinson đại diện cho Tư Bản chữ hoa. Vốn liếng khổng lồ của ông nằm dưới nhiều hình thức: tài chính quốc tế, những ngân hàng cỡ lớn và nền đại công nghiệp. Chắc chắn ông ta giàu vô kể, nhưng đó không phải điều chính yếu. Điều quan trọng hơn cả ở chỗ ông ta là một trong những nhân vật điều khiển nền tài chính quốc tế.

Robinson bắt tay Stafford, nói:

- Cách đây một hoặc hai ngày tôi đã nghe thấy ông bạn của tôi, đại tá Pikeaway, kể về ông.

Bây giờ thì Stafford nhớ ra rất rõ cái lần duy nhất chàng đã gặp ông Robinson này, đó là hôm có mặt cả đại tá Pikeaway. Chàng nhớ lại cả lời Horsham nhận xét về ông ta…

Stafford đưa mắt nhìn ba người còn lại. Một người ngồi trong xe đẩy bên cạnh lò sưởi đang cháy là người rất nổi tiếng trên toàn nước Anh, mặc dù ngày nay ít thấy ông xuất hiện hơn trước kia. Ông ta bị tàn tật và phải cố gắng rất lớn mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Đó là Huân tước Altamount. Khuôn mặt ông gầy gò, với chiếc mũi to, hai tai vểnh ra, mái tóc hoa râm để lộ ra toàn bộ vầng trán vả chải hất ra sau gáy, trông giống như cái bờm ngựa dầy. Huân tước Altamount nhìn thẳng vào mắt Stafford rồi chìa tay ra với chàng.

Ông nói giọng khẽ và xa vắng của người già.

- Xin lỗi, tôi không đứng lên được vì cái lưng không cho phép. Hình như ông mới đi Malaysia về phải không nhỉ?

- Vâng, đúng thế.

- Chuyến đi có lí thú và đạt kết quả không? Tôi đoán ông không cho là lí thú và đạt kết quả, mà như thế là đúng. Dù sao tôi cũng rất mừng ông đã đến được đây tối nay. Chắc nhờ tiểu thư Mary Ann?

Ông ta gọi nàng cũng bằng cái tên đó, giống như Horsham. Có nghĩa nàng cũng nằm trong tổ chức của họ, điều này Stafford không còn hồ nghi gì nữa. Stafford không phải không biết rằng Huân tước Altamount hết lòng bảo vệ nước Anh, cho đến hơi thở cuối cùng. Ông ta hiểu biết rất cặn kẽ về nước Anh, về tất cả các chính khách, kể cả những người ông ta không trực tiếp gặp gỡ.

Huân tước Altamount nóí:

- Tôi xin giới thiệu đồng sự của chúng ta, ông James Kleek.

Stafford không quen Kleek, thậm chí chưa nghe nói đến anh chàng này bao giờ. Kleek có dáng của một con người hiếu động, nóng nảy, cặp mắt sắc và đa nghi, trông giống như một con chó săn, lúc nào cũng sẵn sàng chờ lệnh chủ là lao vào con mồi xâu xé. Nhưng chủ anh ta là ai? Huân tước Altamount hay Robinson?

Người thứ hai ngồi gần cửa lúc này đứng lên. Stafford ngạc nhiên reo lên:

- Ông đấy à, ông Horsham? Xin chào ông!

- Rất vui được gặp ông ở đây, ông Stafford!

Người ta đã kéo một chiếc ghế nệm ra gần lò sưởi để dành cho Mary Ann. Stafford nhận xét thấy nàng chìa bàn tay trái ra và Huân tước Altamount dùng cả hai tay nắm lấy bàn tay nàng, ông ta nói:

- Cháu liều lĩnh quá đấy, Mary. Liều lĩnh quá đấy!

Mary Ann ngước cặp mắt xanh biếc lên cười với ông ta, đáp:

- Chính bác đã dạy cho cháu cái tính ấy và bây giờ cháu không thể sống cách khác được nữa.

Huân tước Altamount quay sang nhìn Stafford:

- Nhưng bác không dạy cháu cách chọn người cộng tác này. Việc này hoàn toàn do tài năng của cháu đấy chứ.

Rồi Huân tước nói với Stafford:

- Tôi có quen bà của ông.

- Phu nhân Matilde ạ?

- Đúng thế. Ngày nay tôi ít được gặp bà cụ, mỗi năm chỉ một hai lần. Nhưng tôi rất phục tác phong năng nổ của bà cụ, bất chấp tuổi đã rất cao.

Kleek nói:

- Các vị dùng gì chứ ạ? Ông dùng gì, thưa ông Stafford?

- Nếu có thể, một li gin.

Khi Kleek hỏi đến nữ công tước Zerkowski, cô ta lắc đầu. Kleek bèn mang đến cho Stafford một ly rượu, đặt nó lên bàn. Ông Robinson ngước mắt nhìn Stafford vẻ chờ đợi nhưng chàng không muốn phát biểu đầu tiên.

Cuối cùng ông Robinson đành đưa cặp mắt u buồn nhìn chàng, lên tiếng:

- Ông muốn hỏi gì không, ông Stafford?

Chàng đáp:

- Tôi muốn hỏi rất nhiều điều, nhưng trước hết có nên thống nhất tin tức chăng? Còn các câu hỏi xin gác lại sau một chút? Tôi nghĩ rằng làm cách đó đơn giản hơn.

- Đúng thế. Vậy ta bắt đầu bằng mục phổ biến các tin tức sự kiện. Việc ông đến tận đây, ông có được hỏi ý kiến trước hay không? Nếu không, rất có thể ông không dược hài lòng.

Nữ công tước Zerkowski đỡ lời: ông Stafford thích được người ta hỏi ý kiến ông ấy trước, điều này ông ấy đã cho tôi biết một cách rõ ràng.

Ông Robinson nói:

- Đồng ý.

Stafford nói tiếp, giọng thoải mái:

- Tôi đã bị bắt cóc. Tôi cũng biết bắt cóc đang là biện pháp rất phổ biến và cũng rất hiện đại.

- Vì vậy chúng tôi có bổn phận phải trả lời ông một câu hỏi.

- Tôi chỉ muốn hỏi: các vị cần tôi để làm gì?

- Chúng tôi là một Ủy ban Phi Chính phủ, kiểu như một ủy ban điều tra, và phạm vi điều tra mang tính toàn cầu.

- Rất cần thiết đấy.

Huân tước Altamount nói:

- Cần thiết hơn là ông tưởng. Vì đây là một vấn đề rất đáng lo ngại và mang tính thời sự. Mặc dù hiện nay tôi không còn tham gia nhiều vào công việc của đất nước chúng nhưng người ta vẫn đến tham vấn tôi. Và người ta đề nghị tôi làm chủ tịch Ủy ban điều tra này, nhằm mục đích khám phá những chuyện đang diễn ra trên thế giới vào cái năm khủng hoảng 1970 này. Bởi rõ ràng hiện đang diễn ra một xu hướng! Chức trách của Kleek, có mặt tại đây, là trợ lí chính đồng thời là người phát ngôn của tôi. Kleek, anh hãy trình bày tóm tắt cho ông Stafford biết những nét lớn trong hoạt động của chúng ta.

Kleek nói:

- Hiện tượng đáng lo ngại đang diễn ra trên khắp thế giới, chúng ta cần tìm cho ra nguyên nhân. Các biểu hiện bề ngoài thì dễ dàng nhận ra, nhưng chúng không có ý nghĩa quan trọng và nếu chỉ căn cứ vào đấy, chúng ta dễ bị lầm. Đó là quy luật xưa nay. Lấy vài thí dụ. Thác nước cung cấp năng lượng cần thiết để quay tuốc bin phát điện. Người ta tách uranium từ pechurane ra, đồng thời chế thành năng lượng nguyên tử mà trước đó chưa được ai biết đến. Khi loài người tìm ra than đá và các khoáng sản, chúng ta có được giao thông vận tải, năng lượng. Bao giờ cũng có những sức mạnh cung cấp cho chúng ta thứ gì đó, nhưng đứng đằng sau tất cả các sức mạnh đó vẫn có một người nào đó điều khiển toàn bộ. Chúng ta cần khám phá cho ra ai kiểm soát, mọi sức mạnh hiện đang phát triển ngày càng lớn trong hầu như tất cả các quốc gia châu Âu, và cả một số quốc gia châu Á. Sức mạnh này chỉ có ít ở châu Phi nhưng vô cùng to lớn tại hai châu Bắc và Nam Mỹ. Chúng ta cần ngó vào phía sau tất cả các hiện tượng đó, tìm ra động lực nào kích động chúng. Một trong những động lực đó là tiền.

Anh ta quay sang ông Robinson, nói:

- Tôi nghĩ rằng về điểm này ông hiểu rõ hơn bất cứ ai khác.

- Chắc chắn là đồng tiền đứng đằng sau tất cả các sức mạnh hiện đang hoành hành và lan rộng trên khắp thế giới. Chúng ta cần tìm cho ra đồng tiền đó từ đâu đến, của ai, rót cho ai, và nhằm mục đích gì. Đúng như ông Kleek vừa trình bày, tôi khá am hiểu các vấn đề tài chính. Nhưng còn có vấn đề khác, đó là định hướng. Thuật ngữ này hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngôn ngữ hiện đại. Báo chí luôn nói đến định hướng, xu hướng. Còn có những danh từ khác nữa, tuy không hoàn toàn đồng nghĩa nhưng là những từ ngữ họ hàng.

Kleek nói tiếp:

- Hiện nay chúng ta thấy đã bộc lộ rõ xu hướng nổi loạn, phản kháng. Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy phong trào nổi loạn, phản kháng cứ sau một thời gian lại xuất hiện. Tình trạng đó kéo dài trong suốt lịch sử và đều tuân theo một quy trình: xuất phát điểm là ý tưởng nổi loạn, tiếp đến việc huy động các phương tiện nổi loạn và cuối cùng là các hình thái của hoạt động nổi loạn. Quy trình đó không riêng của một quốc gia nào. Nếu cuộc nổi loạn bùng lên tại một quốc gia nhất định, nó sẽ lan sang các quốc gia khác ở mức độ mạnh hoặc yếu hơn. Có đúng như vậy không ạ?

Câu cuối cùng vừa rồi Kleek hướng về phía Huân tước Altamount.

- Anh trình bày như thế là rất rõ ràng, Kleek!

- Tôi xin nhắc lại. Đó là một quy trình bất biến và tôi nghĩ các vị sẽ nhận ra ngay. Vào một thời đại trong lịch sử, chúng ta biết là đã diễn ra một phong trào say mê tổ chức các cuộc Thập Tự Chinh (Phong trào do Giáo Hoàng phát động, lan khắp Tay Âu vào những thế kỉ XI XII, để giải phóng Jerusalem khỏi sự chiếm đóng của người Hồi Giáo - N.D). Dường như toàn thế giới ao ước được lên đường, đi chiếm lại Đất Thánh. Niềm khao khát này rất cụ thể và là một thí dụ tuyệt vời về một phong trào được kích động có chủ định. Nhưng trên thực tế, tại sao những con người đó lên đường? Tôi cho rằng đó là lịch sử cần như vậy. Bao nhiêu thứ cùng hiệp lực để tạo nên cái phong trào đó: lòng khao khát tự do, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và cả một loạt các thứ kèm theo. Điều đó đã kích thích các dân tộc tiến hành những cuộc di dân sang các miền đất mới, lập ra các tôn giáo mới, thường cũng tàn bạo không kém các tôn giáo cũ mà người ta bỏ đi. Nhưng nếu các vị quan sát kỹ toàn bộ những thứ đó, các vị sẽ hiểu được cái gì sinh ra chúng. Phần nào giống như các bệnh do siêu vi khuẩn. Siêu vi khuẩn có thể lan truyền qua núi non, sông biển, đến mọi nơi hẻo lánh nhất, không cần có ai phải vận động. Tuy nhiên không phải bao giờ tình trạng cũng giống hệt như thế. Bởi vẫn có thể có những hoạt động kích động. Một người, hai người, một nhóm người có thể khơi lên một phong trào. Cho nên chúng ta không cần quan tâm đến kết quả cuối cùng của phong trào nổi loạn kia, mà cần khám phá cho ra nhân vật đầu tiên khởi xướng ra toàn bộ phong trào. Ngoài tính cuồng tín tôn giáo và lòng khao khát tự do, còn cả nỗi bất bình về nhiều mặt. Đằng sau các biểu hiện vật chất là những ý tưởng. Những ảo ảnh, những mơ ước. Nhà Tiên tri Joel đã hiểu rõ điều này khi ông viết: "Người già vẽ ra các giấc mơ, người trẻ nhìn thấy những ảo ảnh". Trong hai yếu tố đó, thứ nào mạnh hơn và nguy hiểm hơn? Giấc mơ không mang tính phá phách, nhưng những ảo ảnh có tác dụng kích động con người khao khát những thế giới mới và vì chúng, họ phá phách những thế giới đang tồn tại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3