Chuyến bay Frankfurt - Chương 10 phần 1
CHƯƠNG MƯỜI
NỮ CHỦ NHN LÂU ĐÀI
Hai người ra khỏi rạp của Liên Hoan để thở hít không khí trong lành ban đêm. Renata mặc bộ váy áo bằng nhung đen hết sức sang trọng và đẹp. Stafford cũng mặc lễ phục dạ hội.
Chàng thì thầm:
- Khán giả đêm nay toàn dân sang trọng. Họ có vẻ rất lắm tiền, nhưng trong rạp có cả khá nhiều thanh niên, vậy mà họ cũng ăn mặc rất sang trọng. Họ làm gì có lắm tiền đến thế nhỉ?
- Điều ấy dễ giải quyết thôi.
- Do một khoản tài trợ cho số thanh niên "ưu tú" chứ gì?
- Đại loại là như thế.
Hai người đi về phía nhà hàng nhỏ hơn trong số hai nhà hàng ngay trước mặt, trên sườn đồi.
Stafford nói:
- Hình như chúng ta có một tiếng đồng hồ để ăn, phải không nhỉ?
- Về lí thuyết thì như thế, nhưng trên thực tế chúng ta có thể thêm được mười lăm phút.
- Tôi có cảm tưởng toàn bộ khán giả đều là những người mê âm nhạc thật sự.
- Đa số thì đúng như thế. Điều đó rất quan trọng, ông thừa biết.
- Tại sao điều ấy lại quan trọng?
- Ý tôi muốn nói là họ thật sự hào hứng. Cả ở hai đầu đối cực.
- Thú thật tôi chưa hiểu cô nói thế với ý gì?
- Cả người tổ chức bạo loạn lẫn người thực hiện nó đều hào hứng như nhau, đều khao khát như nhau. Đối với âm nhạc cũng vậy. Cả người biểu diễn lẫn người nghe đều biết thưởng thức. Đây là một trò chơi mà không ai có thể giả vờ được.
- Bạo lực và âm nhạc lại là hai thứ có thể kết hợp với nhau được sao?
- Tất nhiên không dễ dàng gì, nhưng tôi tin rằng những con người kia có thể kết hợp được. Dù sao, trên thực tế, mỗi con người không thể đóng hai vai được.
- Tốt nhất vẫn là thiên hẳn về một thứ, như vậy đơn giản hơn, đúng như ông Robinson của chúng ta đã nói. Theo cô thì trong số khán giả kia, có loại chỉ nghĩ đến bạo lực và có loại chỉ nghĩ đến âm nhạc chứ gì?
- Đúng thế.
- Tôi rất thích hai ngày vừa qua chúng ta ở đây, và thích cả hai đêm biểu diễn âm nhạc chúng ta đã xem nữa. Tuy nhiên có nhiều bản nhạc tôi chưa thấy thú, vì tôi còn hiểu biết quá ít về âm nhạc hiện đại. Nhưng cách ăn mặc thì tôi hoàn toàn thích.
- Ông muốn nói đến cách ăn mặc của các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu chăng?
- Không. Tôi nói đến cách ăn mặc của khán giả. Toàn nhung và lụa, những chiếc áo sơ mi lá sen của nam giới, những chiếc mũ kiểu cách của phụ nữ, thứ y phục sang trọng của thế kỉ mười bảy đó làm tôi nghĩ đến những bức họa của Van Dyck.
- Ông nhận xét rất đúng.
- Nhưng tôi vẫn chưa hiểu như thế nghĩa là sao và chúng ta đến đây để làm gì. Tôi chưa thấy phát hiện được điều gì.
- Ông đừng sốt ruột. Chúng ta đang chứng kiến một đêm biểu diễn đáp ứng đúng thị hiếu của giới trẻ và được tổ chức do...
- Do ai?
- Hiện chưa rõ. Nhưng rồi chúng ta sẽ biết.
- Tôi phục niềm tin tưởng của cô đấy.
Hai người vào nhà hàng.
Thức ăn ở đây rất ngon, tuy không cầu kì gì lắm. Luôn có người bắt chuyện với họ. Hai người nhận ra Stafford, tỏ vẻ rất ngạc nhiên đồng thời mừng rỡ thấy chàng có mặt tại đây. Renata tỏ ra quen biết khá nhiều người, trong số đó có nhiều người nước ngoài, chủ yếu là Đức và Áo, nhưng có cả hai người Hoa Kì đến chào nàng. Tuy nhiên câu chuyện chỉ xoay quanh những chuyện vụn vặt về âm nhạc hoặc về những người cùng quen biết họ đã gặp. Vì ai cũng vội vã: thời gian nghỉ để ăn uống đã quá một tiếng đồng hồ.
Ăn xong, nàng nữ công tước và chàng vệ sĩ của nàng quay vào rạp nghe nốt hai nhạc phẩm cuối cùng của đểm biểu diễn: bản giao hưởng của một tác giả trẻ tên là Solukonov, nhan đề Niềm vui phân rã và khúc dạo đầu của nhạc kịch. Những ca sĩ bậc thầy của Wagner.
Sau khi ra khỏi rạp, chiếc ô tô đã đợi họ để chở họ về khách sạn duy nhất trong làng. Lúc Stafford chúc nàng ngủ ngon, Renata nghiêng người nói thầm vào tai chàng:
- Bốn giờ sáng ta lên đường nhé!
Renata nói câu ấy lúc hai người đứng trước cửa phòng nàng. Nói xong nàng mở cửa bước nhanh vào rồi đóng cửa lại.
***
Đúng bốn giờ kém ba phút sáng hôm sau, Stafford nghe thấy tiếng gõ nhẹ vào cửa. Chàng mở thì thấy Renata. Nàng nói ngay:
- Xe đã đợi chúng ta ngoài cửa khách sạn.
Giữa trưa họ vào ăn trong một quán nhỏ nông thôn. Trời đẹp tuyệt vời và phong cảnh cũng vô cùng ngoạn mục. Tuy nhiên Stafford vẫn chưa yên tâm vì chưa biết Renata dẫn chàng đến đây để làm gì. Chàng cảm thấy cứ mỗi lúc lại khó hiểu thêm cô gái, mà cô thì chỉ thỉnh thoảng lắm mới nói một câu. Cô ta đưa mình, đi đâu thế này? Để làm gì? Cuối cùng, khi mặt trời xuống đến gần chân trời, Stafford mới đánh bạo hỏi:
- Tôi có thể hỏi cô một câu được không?
- Tất nhiên là được.
- Vậy chúng ta đi đâu thế này?
Renata im lặng.
- Cô không muốn trả lời câu hỏi đó sao?
- Không phải thế. Tôi có thể trả lời, nhưng ông nghe cũng chẳng ích gì. Thậm chí tôi cho rằng chính tôi không giải thích gì lại tốt cho ông hơn. Các ấn tượng ông thu thập được sẽ càng thú vị hơn rất nhiều.
Stafford suy nghĩ nhìn cô gái ngồi bên cạnh ông, trong tấm áo măng tô bằng vải tuýt, cổ và cổ tay viền lông thú quý.
Chàng thì thầm:
- Mary Ann?
Nàng nói thầm:
- Ông tạm khoan dùng cái tên ấy.
- Tôi hiểu. Vậy cô vẫn còn là nữ công tước Zerkowski?
- Đến miền này, tôi lại trở về là nữ công tước Renata Zerkowski.
- Phải chăng đây là quê hương cô?
- Cũng có thể nói như thế. Hồi nhỏ, mùa thu năm nào tôi cũng đến đây sống một thời gian trong một tòa lâu đài chỉ cách đây khoảng vài dặm.
- Vùng này cũng là quê hương của Hitler phải không? Tôi cảm thấy thị trấn Berchtesgaden dường như gần ngay đây.
- Đúng thế. Thị trấn Berchtesgaden nằm phía Đông-Bắc chúng ta kia.
- Hồi đó, họ hàng, bè bạn cô có chấp nhận Hitler không? Có tin vào hắn không? Nhưng có lẽ tôi không nên hỏi cô câu đó?
- Họ hàng và bè bạn tôi căm ghét Hitler và tất cả những gì liên quan đến hắn. Nhưng họ vẫn hô "Heil Hitler!"(1) như mọi người khác. Họ chấp nhận tình trạng thực tế. Họ còn làm khác sao được? Vào thời đó ai đám làm gì khác?
- Hình như chúng ta đang đi về phía rặng núi Dolomites thì phải.
- Địa điểm nào thì có gì quan trọng?
- Nghĩa là chúng ta đang tiến hành cuộc thám hiểm?
- Chắc chắn rồi. Nhưng không phải thám hiểm địa lý. Chúng ta sẽ đến thăm một nhân vật đặc biệt.
Stafford ngước nhìn lên đỉnh núi cao ngất.
- Tôi có cảm giác cô đang đưa tôi lên gặp vị Sơn Nhân lừng danh.
- Ông muốn nói đến gã Trùm Sát thủ, chuyên dùng ma túy để điều khiển đám đồ đệ giết người cho hắn mặc dù chúng biết rằng rồi đến lúc bản thân chúng cũng sẽ bị giết, nhưng chúng tin sau khi chết chúng sẽ được lên thiên đường của đạo Islam, nơi cực lạc, đầy gái đẹp và rượu ngon tha hồ hưởng mãi mãi.
Nàng dừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Tôi cho rằng suốt trong lịch sử, liên tục xuất hiện những kẻ giỏi mê hoặc, kích động đám đông, khiến họ tin rằng chúng là những thiên tài, những người nhà trời, và họ sẵn sàng đi đến chỗ chết vì chúng. Không phải là những tín đồ Islam hoặc tín ngưỡng nào khác, mà cả những tín đồ Kitô nữa.
- Tín đồ Kitô? Như Huân tước Altamount chẳng hạn?
- Tại sao ông lại gộp cả Huân tước Altamount vào số đó?
- Bởi đêm hôm trước, ngồi trong tòa lâu đài của ông ta, bỗng một lúc tôi có cảm giác ông ta giống như một pho tượng thánh tạc bằng đá, ngồi trên bàn thờ.
- Ông nói có phần đúng, vì rất có thể một người nào đó trong chúng ta sẽ chết. Thậm chí không phải chỉ một, mà nhiều người...
Nàng ngừng lại giữa câu để Stafford nói tiếp:
- Đôi khi tôi nghĩ đến một thứ khác. Tôi nhớ đến một đoạn trong Tân Ước, hình như trong chương Phúc âm theo thánh Luc. Trong buổi tối cuối cùng, Chúa nói với các đồ đệ rằng "Kẻ sẽ phản bội và nộp ta hiện đang ngồi cùng với chúng ta, bên cái bàn ăn này". Một trong số đồ đệ của Chúa đã bị Quỷ Dữ nhập vào. Cho nên rất có thể một người trong chúng ta cũng sẽ phản bội chúng ta giống như thế:
- Ông cho rằng chuyện ấy có thể xảy ra?
- Gần như tôi chắc chắn như thế. Kẻ đó là một người chúng ta biết rõ và chúng ta xưa nay vẫn tin tưởng, một kẻ ban đêm không mơ thấy những vị tử đạo mà hắn mơ thấy ba mươi đồng tiền (Juda bán Chúa trời để lấy 30 đồng tiền - N.D), và khi thức dậy, hắn cảm thấy như đã nắm số tiền đó trong tay.
- Một kẻ dám làm điều ác chỉ vì hám tiền?
- Hoặc thèm khát danh vọng.
Renata im lặng một lát rồi nói, vẻ suy nghĩ:
- Trước kia tôi có một người bạn gái, một lần, trong lúc làm công tác ngoại giao, chị ấy nói với một phụ nữ Đức rằng chị ấy vô cùng xúc động trong một buổi làm lễ Thương Khóc (Lễ cầu nguyện kỉ niệm ngày Chúa Jesus gặp nạn - N.D) Người phụ nữ Đức đáp lại giọng khinh bỉ: "Chị không hiểu đấy thôi. Người Đức chúng tôi không cần đến một ông Jesus. Chúng tôi đã có Adolf Hitler. Bà ta chỉ là một phụ nữ Đức bình thường và rất lành hiền. Nhưng bà ta chịu tác động của thứ tình cảm chi phối vô số người Đức lúc đó. Hitler là một người diễn thuyết cực giỏi. Công chúng nghe y nói như bị thôi miên, sẵn sàng chấp nhận mọi tội ác ghê tởm nhất của y, các phòng giết người bằng khí ga, các kiểu tra tấn man rợ của cơ quan Gestapo. (Cơ quan mật vụ của Hitler - N.D)
Mary Ann nhún vai rồi nói tiếp, giọng đã điềm tĩnh hơn:
- Dù sao nghe ông nói thế, tôi cũng lấy làm lạ.
- Tôi nói thế nào?
- Ông nói đến vị Sơn Nhân.
- Cô cho rằng có một "Sơn Nhân" thật không?
- Đúng ra là một Nữ sơn nhân.
- Một phụ nữ? Bà ta là người thế nào?
- Tối nay ông sẽ được thấy bà ta.
- Tối nay chúng ta sẽ đến đâu?
- Sẽ đi vào cuộc đời.
- Tôi nhận thấy đã từ lâu cô không còn là Mary Ann nữa...
- Ông sẽ phải chờ cho đến khi lên máy bay.
Stafford suy nghĩ, nói:
- Tôi cho rằng sống trên độ cao rất có hại về tinh thần.
- Độ cao nào? Ông nói về độ cao xã hội chăng?
- Không. Tôi nói đến độ cao theo nghĩa thuần túy địa lý. Nếu ta sống trong một lâu đài trên đỉnh núi chót vót, bên trên mọi thứ, ta rất dễ coi khinh tất cả mọi con người, cô có tin như thế không? Khi sống ở trên chỗ cao nhất, ta dễ cảm thấy ta là chủ nhân của khắp thế gian. Khi sống trên đỉnh núi ở Berchtesgaden, hẳn Hitler đã cảm thấy như vậy. Và có lẽ đó cũng là cảm giác của tất cả những ai trèo lên núi cao, khi họ nhìn xuống thung lũng và những con người sống dưới đó.
- Tối nay ông phải rất thận trọng đấy, vì vai kịch của ông rất khó diễn, chỉ cần vụng một chút là vô cùng tai hại.
- Cô có căn dặn tôi điều gì cụ thể không?
- Ông chỉ cần đóng vai một kẻ bất mãn. Một người muốn chống lại trật tự thế giới hiện nay, chống lại mọi quy tắc đã định hình. Một kẻ nổi loạn, nhưng nổi loạn kín đáo. Ông có thể đóng vai kịch ấy được chứ?
- Tôi sẽ cố gắng.
Thiên nhiên hai bên đường mỗi lúc một hoang vu, cằn cỗi hơn. Chiếc xe ô tô to đang leo lên một con đường dốc luôn gấp khúc, thỉnh thoảng lại chạy ngang bên cạnh một xóm núi lèo tèo.
- Chúng ta đang đi đâu thế này, cô Mary Ann?
- Đến một cái hang ổ đại bàng.
Sau một góc ngoặt, ô tô chạy vào rừng. Thỉnh thoảng họ nhìn thấy một con hoẵng hay con thú hoang dã nào đó. Họ nhìn thấy cả những nam giới mặc áo vét bằng da, đeo súng trường. Stafford thầm đoán đó là đội bảo vệ. Rồi đột nhiên trước mặt họ hiện ra một tòa lâu đài đồ sộ đứng sừng sững trên đỉnh núi. Một nửa của tòa lâu đài đã đổ nát, nhưng một nửa bên kia đã được phục hồi. Tòa lâu đài vừa lộng lẫy vừa đồ sộ. Stafford có cảm giác đứng trước những tàn tích của một thời hùng cường trong quả khứ, cách đây phải nhiều thế kỷ.
Renata giải thích:
- Xưa kia vùng này là Đại công quốc Liechtenstolz. Lâu đài kia do đại công tước Ludwig xây năm 1790.
- Bây giờ ai sống trong tòa lâu đài này? Vị đại công tước hậu duệ phải không?
- Không. Dòng họ đại công tước đã tuyệt tự từ lâu lắm rồi.
- Vậy thì là ai?
- Một nhân vật có sức mạnh quyền lực hiện đại.
- Tiền bạc?
- Đúng thế, tất nhiên.
- Liệu chúng ta có gặp ở đấy ông Robinson không? Vì có lẽ ông ấy đến đây bằng đường hàng không để đón tiếp chúng ta?
- Ông ấy là người chúng ta ít có khả năng gặp nhất ở nơi này. Tôi cam đoan với ông như vậy.
- Đáng tiếc. Tôi thấy mến ông ấy. Ông ấy có vẻ một nhân vật quan trọng, đúng vậy không? Nhưng thật ra ông ta là người thế nào? Người quốc gia nào?
- Tôi không tin có ai biết chắc điều đó, mỗi người nói một cách khác nhau. Có người bảo Robinson gốc Thổ Nhĩ Kỳ, có người bảo ông ấy gốc Armenia. Có người lại bảo ông ấy người Hà Lan. Nhưng đa số bảo ông ấy là người Anh. Tôi nghe nói mẹ ông ấy là một nông nô miền Circassia hoặc một nữ đại công tước Nga, hoặc một phụ nữ Ấn Độ… ông thấy không, mỗi người nói mỗi cách, ông muốn chọn cách nào thì tùy. Thật ra không ai biết đích xác. Thậm chí một hôm có người bảo tôi rằng mẹ ông Robinson là một người tên là McLellan, gốc Scotland. Tôi cho rằng giả thuyết đó nghe cũng có lí như mọi giả thuyết khác.
Ô tô đỗ lại trước một cái cổng đồ sộ. Tài xế vội vã ra khỏi xe, mở cửa cho hai vị khách. Hai gia nhân mặc chế phục gia đình quý tộc bước trên thềm xuống, cúi đầu rất thấp trịnh trọng chào, rồi đem số hành lí cồng kềnh vào lâu đài. Stafford thầm nghĩ, bây giờ chàng mới hiểu tại sao hôm ở London, trước khi lên đường, người ta khuyên chàng nên mang theo càng nhiều hành lí càng tốt. Thì ra cốt để tỏ ra chàng là nhân vật rất cao sang và quyền thế!
***
Tiếng cồng báo đã đến giờ ăn tối. Renata cùng Stafford bước vào gian sảnh rộng lớn dưới tầng trệt. Renata mặc tấm áo liền váy bằng nhung đỏ thẫm, đeo chuỗi hồng ngọc và đội mũ miện cũng nạm hồng ngọc.
Một gia nhân mở hai cánh cửa lớn, bẩm vào phía trong:
- Công tước tiểu thư Zerkowski. Ông Stafford Nye.