Chuyến bay Frankfurt - Chương 20 - 21 - 22
CHƯƠNG HAI MƯƠI
VỊ ĐÔ ĐỐC ĐẾN THĂM BÀ BẠN GIÀ
Sau khi chào bà cụ Matilde, đô đốc Blunt nói:
- Tôi đã tưởng bà không còn trên cõi đời này nữa. Riêng trong tuần qua, tôi gọi điện cho bà ít nhất là bốn lần mà không thấy ai nhấc máy.
- Tôi đi Bavière, có cháu Amy đi cùng. Hai bà cháu vừa mới về đến nhà xong.
- Vậy là bà vẫn ngao du?
- Tôi đi dưỡng bệnh, ông Blunt thân mến ạ. Bây giờ ông cho tôi biết sau bao nhiêu năm quên bà bạn già này, vậy mà bây giờ vì sao ông lại cuống quýt tìm gặp tôi đến thế?
- Tôi muốn hỏi ý kiến bà về một vấn đề quan trọng.
- Vấn đề gì thế? Chuyện sức khỏe hay chuyện tìm thêm một người giúp việc gia đình?
- Hoàn toàn không phải. Tôi muốn hỏi xem bà còn nhớ một thứ hiện tôi hết sức quan tâm không.
- Ông bạn Blunt thân mến, ông làm tôi vinh dự đấy. Nhưng trí nhớ của tôi mỗi ngày một kém, đến nỗi tôi quên dần mọi thứ, quên cả rất nhiều chuyện thuở trẻ. Thậm chí tôi quên cả tên những đứa con gái tôi rất ghét nữa. Này, tôi kể ông nghe nhé, tôi vừa gặp một bạn cùng học thuở nhỏ mà đã năm chục năm nay hai đứa không gặp nhau. Vậy mà tôi lại nhớ rất rõ về bà ta thời trẻ.
- Bà thấy bà ta hiện giờ thế nào?
- To béo, phục phịch, lừng lững, xấu hơn cả tôi tưởng tượng. Nhưng ông muốn tôi nhớ lại về chuyện gì?
- Chắc bà chưa quên một người bạn thuở trẻ khác: Robert Shoreham?
- Robbie Shoreham ấy à? Quên sao được? Robbie thuộc loại người tôi không thể quên được.
- Có phải bà hay được mọi người tin cậy, bộc lộ cả nhiều điều thầm kín của họ phải không nhỉ? Ngay bản thân tôi, tôi cũng tâm sự với bà khá nhiều điều bí mật của tôi...
- Chính tôi cũng không hiểu tại sao ông lại kể những thứ đó ra với tôi, bởi tôi đâu có hiểu ý nghĩa của chúng. Còn với Robbie thì tình trạng còn khó khăn hơn.
- Tôi muốn hỏi bà, hồi Shoreham còn chưa đến nỗi nào, anh ta có tâm sự với bà về một thứ gọi là "Kế hoạch B" không?
Bà cụ Matilde suy nghĩ vài giây rồi nói:
- Kế hoạch B... Có đấy, tôi nhớ ra rồi. Chuyện ấy Robbie kể với tôi từ lâu lắm rồi. Có một thời anh ta say sưa với cái kế hoạch ấy lắm. Đến mức thỉnh thoảng tôi lại hỏi anh ta: "Kế hoạch B đến đâu rồi?"
- Bà kể tỉ mỉ hơn cho tôi nghe được không?
- Lần đầu tiên Robbie nói đến nó là sau khi anh ấy kể về một ca mổ não con người. Ông biết không, những người mắc chứng trầm cảm, luôn bị ý nghĩ tự tử ám ảnh, sau khi mổ xong bỗng trở thành yêu đời. Mọi ý nghĩ bi quan, mọi lo lắng tan biến sạch và họ chuyển thành vui tươi, hồ hởi. Thậm chí đôi khi họ tự tin đến mức không còn biết sợ nguy hiểm nữa. Tôi kể có lẽ chưa đúng với sự diễn biến đó trong bộ não con người đâu, nhưng chắc nghe thế là ông đã hiểu vấn đề rồi. Robbie còn thổ lộ với tôi rằng trong khi thực hiện dự án, có lẽ anh ta gặp đúng sự rắc rối như thế.
- Shoreham có kể cụ thể với bà cái rắc rối ấy là gì không?
Bà Matilde nói một cách bất ngờ:
- Một lần Robbie bảo, chính tôi đã gợi cho anh ấy cái ý tưởng kia.
- Sao lại thế được? Bà mà gợi ý cho một bác học cỡ lớn như Shoreham được ư? Bà có biết gì về các vấn đề khoa học đâu?
- Tất nhiên tôi không hiểu gì về khoa học, nhưng bao giờ tôi cũng cố giúp cho những người khác giữ được đôi chút tỉnh táo. Họ càng thông minh, càng hiểu biết nhiều bao nhiêu họ càng thiếu tỉnh táo, thiếu đầu óc thực tế bấy nhiêu. Theo quan niệm của tôi, những người thực sự quan trọng là những người luôn nghĩ đến những thứ rất đơn giản, thí dụ đến những con dấu đóng lên con tem trên các phong bì thư chẳng hạn. Tôi cho rằng những con người đơn giản ấy có ích cho nhân loại hơn là những bác học chuyên nghiên cứu, khám phá ra những thứ hủy hoại con người. Những ý nghĩ tôi đem đến cho Robbie chính là những ý nghĩ thuộc loại dó. Tất nhiên tôi nói giọng vui vẻ, chỉ như nửa đùa nửa thật thôi.
- Bà chưa kể xem Shoreham đã nói với bà những gì?
- Vâng, Robbie đến gặp tôi kể về những phát minh lớn lao về các vũ khí sinh học và vũ khí hơi độc. Anh ấy còn quả quyết với tôi rằng những kẻ ngu ngốc phản đối bom nguyên tử sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu họ biết rằng bom nguyên tử chỉ là thứ đồ chơi trẻ con so với những vũ khí người ta mới phát minh ra gần đây. Nghe Robbie nói xong, tôi bèn bảo, trước hết cần tạo một cách suy nghĩ tỉnh táo và khôn ngoan đã. Anh ta trợn tròn mắt hỏi: "Bà hiểu tỉnh táo và khôn ngoan nghĩa là sao?" Tôi bèn đáp: "Trước khi đi tìm cách chế tạo những vũ khí sinh học, vũ khí vi khuẩn, hơi độc và trăm thứ khủng khiếp ấy, tại sao không đi tìm xem làm thế nào để mọi người có được cảm giác thấy mình sung sướng? Tôi nghĩ tìm thứ này chưa chắc đã khó hơn. Ông vừa kể với tôi về ca mổ, loại đi một mẩu nhỏ nào trong não bệnh nhân trầm cảm, thế là họ mất đi mọi nỗi u uất và trở nên hồ hởi vui tươi. Nếu có thể dùng phẫu thuật để thay đổi tính nết con người thì sao không dùng cách đó để biến đổi con người thành hiền lành, tốt bụng với nhau hơn? Các nhà khoa học đã chế ra được thuốc ngủ, sao không tạo ra thứ thuốc làm cho con người mơ thấy những giấc mơ đẹp? Thí dụ giấc mơ đó kéo dài hai mươi tư tiếng đồng hồ, chỉ cần thỉnh thoảng đánh thức họ dậy để cho họ ăn uống thôi."
Đô đốc Blunt hỏi:
- Và đấy chính là "Kế hoạch B"?
- Robbie chưa bao giờ nói cụ thể cho tôi biết cái kế hoạch B đó là gì. Nhưng rất có thể là những nghiên cứu theo hướng đó. Tôi nhớ hình như tôi có đưa ra với Robbie về thứ khí gây cười mà một số bác sĩ nha khoa bơm cho bệnh nhân ngửi trước khi nhổ răng cho họ. Rồi tôi đưa ý kiến là có thể nghiên cứu một thứ thuốc gây cười có tác dụng kéo dài hơn, vì thứ khi tôi vừa kể chỉ có tác dụng trong vài giây đồng hồ.
- Nghĩa là Shoreham đã tiến hành nghiên cứu theo hướng đó?
- Tôi không biết, nhưng theo tôi đoán, "Kế hoạch B" là kế hoạch của lòng nhân ái. Robbie muốn tạo cho con người một sự biến đổi, khiến họ trở thành tốt bụng. Thỉnh thoảng tôi có hỏi ông ấy, công việc nghiên cứu đã đến đâu. Nhưng rồi một hôm Robbie báo tôi biết là ông ấy đã ngừng, thôi không tiếp tục cuộc nghiên cứa theo hướng ấy nữa.
- Shoreham nói với bà thế nào?
- Robbie bảo tôi: "Không phải tôi gặp khó khăn nào không thể giải quyết nổi, mà chỉ vì tôi đã nhìn thấy vấn đề nằm ở đâu". Tôi hỏi: "Vậy tại sao ông thôi không tiếp tục nghiên cứu nữa?" Robbie đáp thế này: "Tôi chưa biết rõ tác dụng của thứ thuốc đó sẽ ra sao đối với con người. Bởi thứ thuốc nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Ngay những phát minh rất tốt như thuốc kháng sinh, phương pháp ghép tim và nhiều thứ khác vẫn có mặt xấu, có hại". Tôi bèn nói: "Nhưng tạo cho con người trở thành phúc hậu, đối xử tốt với nhau sao lại có thể có hại được?" Và Robbie đã trả lời thế nào, ông có tưởng tượng được không?
- Tôi đang sốt ruột muốn biết Shoreham đã trả lời bà thế nào.
- Robbie bảo tôi: "Matilde, bà không hiểu đấy thôi, mà có lẽ các cộng sự của tôi cũng không hiểu. Chúng ta hãy tạm gác các chính trị gia sang một bên, bà đồng ý chứ? Vấn đề là ở chỗ phương pháp tôi nghiên cứu lại không chỉ tác dụng trong một thời gian ngắn, mà vĩnh viễn. Vì nó tác động đến..." Chỗ này Robbie dùng một thuật ngữ khoa học rất dài, tôi không thể nhớ được.
- Các cộng sự của Shoreham nghĩ sao khi thấy ông ấy bỏ dở công trình nghiên cứu?
- Tôi cho rằng chỉ rất ít người biết quyết định của Robbie. Ông ấy có một nữ trợ lí người Áo, tên là Lisa. Còn một cộng sự trẻ nữa, hình như tên là Leadenthal, nhưng chết rồi, do mắc bệnh lao. Ngoài hai người đó ra, những người khác chỉ là trợ lí phòng thí nghiệm, chỉ biết từng phần chứ không biết mục đích, của toàn bộ công trình nghiên cứu.
- Liệu có ai biết được những kết quả nghiên cứu của Shoreham không?
- Tôi tin rằng Robbie không thổ lộ với ai những chi tiết về công việc nghiên cứu của ông ấy. Thậm chí tôi còn tin rằng sau khi quyết định bỏ dở công việc nghiên cứu, Robbie đã hủy toàn bộ các công thức và ghi chép của ông ấy. Thêm vào đó, sau đấy ông ấy bị tai biến mạch máu não, một nửa não bộ bị liệt và bây giờ Robbie chỉ làm có mỗi một việc là nghe nhạc.
- Ông ấy hoàn toàn không làm việc nữa?
- Tôi còn nghe nói ông ấy không cả gặp bè bạn nữa.
- Nhưng ông ấy vẫn còn sống. Bà biết địa chỉ ông ấy không?
- Hình như tôi có ghi trong sổ. Nếu ông muốn, tôi sẽ đi lấy cuốn sổ ấy ra đây để tìm. Tôi nhớ Robbie hiện sống ở một nơi nào đó phía Bắc của xứ Scotland. (Xứ nằm ở phía Bắc, chủ yếu là miền núi, thuộc Vương quốc Anh - N.D)
CHƯƠNG HAI MƯƠI MỐT
KẾ HOẠCH B
Giáo sư Gottlieb ngồi trong ghế bành, đang thích thú quan sát cô gái đứng trước mặt ông. Giáo sư có cái đầu to tướng và hàm dưới bạnh ra, tương phản với thân thể gầy còm, ông gãi tai, dáng điệu như khỉ gãi.
Ông nói:
- Không phải ngày nào tôi cũng được một cô gái trẻ trung xinh đẹp đưa cho tôi giấy giới thiệu của Tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng các tổng thống nhiều khi không biết họ muốn gì và sự việc ra sao.
- Tôi đến gặp Giáo sư để xin Giáo sư cho biết tình hình, một dự án lấy tên là "Kế hoạch B".
- Có thật cô là nữ công tước Renata Zerkowwski không?
- Về mặt chính thức, tôi đúng là như thế, nhưng tên thường gọi của tôi là Mary Ann.
- Đấy đúng là tên ghi trong tờ giấy này. Vậy cô muốn biết về "Kế hoạch B"? Cái dự án ấy là có thật, vào một thời điểm trước đây, nhưng nó đã chết và được chôn sâu dưới đất, và theo tôi biết, người đề ra ý đồ về nó cũng cùng một số phận như vậy.
- Giáo sư định nói đến Giáo sư Shoreham?
- Đúng thế. Ông ta là một trong số những bác học lớn nhất của thế kỉ này, bên cạnh Einstein, Niels Bohr (Niels Bohr, 1885-1962, nhà vật lí học Đan Mạch - N.D) và vài bác học lừng danh khác đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ông ta không tồn tại được lâu như lẽ ra phải thế, và đấy là một thiệt thòi rất lớn cho khoa học.
- Tuy nhiên ông Shoreham vẫn còn sống.
- Cô có chắc không? Đã lâu lắm rồi tôi không nghe thấy ai nhắc đến ông ấy.
- Giáo sư Shoreham hiện sống tại xứ Scotland, nhưng bị liệt nửa người, đi và nói hết sức khó khăn. Vậy theo Giáo sư, kế hoạch B là có thật?
- Đúng thế. Và Shoreham rất tha thiết với nó.
- Giáo sư Shoreham có kể với ông về cái kế hoạch đó không ạ?
- Ông ta có nói sơ qua với tôi và với một số đồng nghiệp, vào thời gian đầu, lúc ông ấy mới bắt tay vào nghiên cứu. Nhưng... Theo tôi đoán, cô không phải nhà khoa học?
- Vâng, tôi chỉ là...
- Là nhân viên điều tra, tôi đoán thế. Và tôi hi vọng cô đến đây với thiện ý. Hồi đó tất cả chúng tôi đã hi vọng sẽ thấy một phát minh thần diệu... Nhưng tôi không tin là cô có thể rút ra điều gì từ cái kế hoạch B ấy.
- Tại sao? Ông đã nói rằng giáo sư Shoreham đã bỏ ra rất nhiều công sức nghiên cứu nó. Và đó phải là một phát minh vĩ đại, có đúng như vậy không, thưa Giáo sư?
- Một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỉ hai mươi này và tôi thấy không có cái gì vướng mắc. Nhưng rồi lại xảy ra những trở ngại. Công việc nghiên cứu tiến triển rất tốt cho đến lúc đột nhiên Shoreham vấp phải một khó khăn bất ngờ, gần như không thể khắc phục nổi. Thế là ông ấy buông tay.
- Cụ thể là thế nào ạ?
- Shoreham đốt hết mọi công thức, mọi tính toán, cả mọi sổ tay ghi chép của ông ấy nữa. Sau đấy ba tuần lễ thì Shoreham bị tai biến. Tôi rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp gì cho cô được. Tôi không biết gì về những chi tiết của công trình nghiên cứu đó, chỉ biết ý đồ tổng quát.
CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI
JUANITA
Huân tước Altamount ngồi sau bàn làm việc đang đọc cho thư ký viết ra giấy. Giọng nói của ông xưa kia vang như chuông và đầy quyền uy nhưng ngày nay thều thào yếu đuối. Tuy nhiên giọng nói ấy vẫn còn giữ được chất mềm mại và làm người nghe thấy mến.
Người thư ký trẻ James Kleek ghi, thỉnh thoảng dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn cấp trên, mỗi khi ông này ngập ngừng, cân nhắc.
Huân tước Altamount nói:
- Kiểu suy nghĩ duy lí tưởng thường xuất hiện khi cần chống lại tình trạng bất cộng. Đó là thứ trái ngược với thứ duy vật chủ nghĩa dung tục. Bọn trẻ đi theo một lí tưởng viển vông nào đó thường xuất phát từ lòng mong muốn phá hủy hai thành trì của xã hội hiện đại: sự bất công và lối chạy theo vật chất tầm thường. Nhưng than ôi, lòng mong muốn chính đáng ấy, muốn phá hủy mọi thứ gì xấu xa, đôi khi lại dẫn đến lòng mong muốn phá hủy đơn thuần, phá tất, không phân biệt gì hết. Nó có khả năng dẫn con người đến một cảm giác thích thú mỗi khi hủy diệt, phá phách, đến một căn bệnh nguy hiểm là say mê dùng bạo lực và gây đau đớn, khổ ải cho những người khác. Rồi niềm thích thú ấy được những kẻ đang khao khát quyền lực khai thác, kích thích thêm lên mãi.
Huân tước ngừng lại một chút, suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Kiểu suy nghĩ duy lí tưởng ấy thường xuất hiện vào tuổi thiếu niên, cái tuổi con người ta mong muốn xây dựng một thế giới mới, trong đó mọi người đều tốt và vị tha. Nhưng một khi lòng mong muốn đó biến thành niềm thích thú phá phách một cách bệnh hoạn, phá phách để mà phá phách, thì...
Máy truyền âm kêu lạo xạo. Huân tước Altamount ra hiệu, James Kleek bèn ấn vào nút. Tiếng trong máy vang lên:
- Ông Robinson đã tới...
- Tốt lắm! Mời ông ấy vào.
James Kleek gấp sổ, đặt bút xuống, đứng dậy ra mở cửa. Ông Robinson bước vào, ngồi xuống chiếc ghế bành lớn đối diện với Huân tước Altamount.
Huân tước Altamount vui vẻ hỏi:
- Ông có thêm thứ gì mới cho chúng tôi không? Một sơ đồ, một vòng tròn nào đấy?
Ông Robinson lạnh lùng đáp:
- Có, nhưng không phải những thứ Huân tước vừa nói. Lần này lại là một dòng sông.
- Dòng sông? Nghĩa là sao?
- Một dòng sông tiền bạc. Tiền cũng phần nào giống như dòng sông. Nó khởi đầu từ một nơi này rồi chảy đến một nơi khác.
- Tôi hiểu. Vậy ông kể đi.
- Tiền từ Bắc Âu, từ Bavière, từ Hoa Kỳ, từ Đông-Nam Á, như những dòng suối, hợp lại thành con sông, để chảy đến...
- Đến đâu?
- Chủ yếu đến Nam Mỹ, để cung cấp cho nhu cầu của các đội Thanh Niên Xung Kích.
- Cái dòng chảy đó là một trong năm vòng tròn quấn vào nhau chúng ta vừa nhìn thấy trong sơ đồ chứ gì: Vũ khí, Ma túy, Khoa học, Tài chính...
- Vâng, đúng thế. Bây giờ chúng ta đã biết những ai kiểm soát tất cả các nhóm trẻ kia.
James Kleek nói chen vào:
- Còn vòng tròn J - Juanita?
- Vòng tròn đó thì chúng tôi chưa biết tí gì.
Huân tước Altamount nói:
- Anh Kleek đã có nhận xét về vòng tròn có tên là J- Juanita ấy đấy. Tôi hi vọng anh ấy lầm... Tôi rất hi vọng là như thế.
James Kleek nói:
- Tôi cho rằng chữ "J" ấy thể hiện một phụ nữ hết sức lợi hại, tuyệt đối tận tụy vì lí tưởng. Các ông thừa biết rằng trong bất cứ loài nào cũng vậy, giống cái bao giờ cũng nguy hiểm hơn giống đực.
Huân tước Altamount thừa nhận:
- Đúng là trong lịch sử đã có những phụ nữ cực kì ác độc, thí dụ Jael, chị ta đưa sữa cho Sisara uống trước khi đâm một chiếc đanh nhọn vào thái dương Sisara, rồi Judith, chị ta chặt đầu Holopherne…
Ông Robinson hỏi:
- Vậy anh đã biết ai là Juniata? Lí thú đấy!
- Thú thật là tôi không dám chắc, nhưng một số tình tiết khiến ta có thể đoán...
- Thì chúng ta cũng đều chỉ phỏng đoán cả thôi. Vậy anh hãy nói ngay đi, anh đoán Juniata là ai?
- Nữ Công tước Renata Zerkowski.
- Căn cứ vào đâu mà anh đoán cô ta là Juniata?
- Vào những nơi cô ta đã đến và những người cô ta đã gặp trong thời gian vừa qua. Có rất nhiều sự trùng hợp đáng ngờ. Cô ta đã đến Bavière, rồi gặp bà cụ Charlotte. Thêm nữa, cùng đi với cô ta là Stafford. Tôi thấy những chi tiết trên rất đáng ngờ.
Huân tước Altamount hỏi:
- Anh cho rằng cả Mary Ann và Stafford đều dính vào vụ này?
- Tôi không dám quả quyết, vì tôi không rõ Stafford là người thế nào. Nhưng...
Kleek dừng lại giữa chừng câu nói.
Huân tước Altamount gật đầu công nhận:
- Quả là Stafford có hành tung đáng nghi ngại. Ngay từ đầu đã có người nghi anh ta.
- Ai? Horsham chăng?
- Người đầu tiên là Horsham, sau đó, ngay đại tá Pikeaway cũng không tin Stafford lắm. Tôi cho rằng anh ta đã biết điều đó, vì ta không ngu đần gì.
Kleek kêu lên giận dữ:
- Thì ra thế! Vậy mà chúng ta đã tin anh ta, lộ ra cho anh ta biết bao nhiều chuyện bí mật... Thì ra tay trong của bọn chúng lại chính là Stafford!
Ông Robinson nói:
- Chắc do tác động của cô Renata, tức Juanita.
Kleek nói tiếp:
- Câu chuyện li kì ở sân bay Frankfurt, rồi việc anh ta đến gặp mụ Charlotte. Sau đó anh ta đi Nam Mỹ, vẫn cùng với cô kia. Mà các ông biết hiện giờ cô ta ở đâu không, cô Renata lợi hại ấy?
Huân tước Altaraount nói:
- Chắc ông Robinson biết.
- Cô ta còn sang Hoa Kỳ. Sau khi nghỉ lại ở nhà bạn gần thủ đô Washington, cô ta đến Chicago, rồi đến hai bang California và Texas. Tại đó, cô ta đến gặp một nhà bác học nổi tiếng.
- Để làm gì?
Ông Robinson nói:
- Chúng ta chưa biết. Tôi e cô ta hành động nhân danh chúng ta. Nhưng chưa biết có phải như thế không... Vậy là rất có thể cô ta làm việc cho bọn chúng.
Rồi ông quay sang nói với Huân tước Altamount:
- Hình như Huân tước định đi Scotland ngay tối nay?
- Đúng thế.
Kleek nhìn cấp trên, lo lắng nói:
- Tôi e chưa nên. Huân tước chưa được khỏe mà chuyến đi sẽ vất vả lắm đấy. Theo tôi, Huân tước nên để đại tá Munro và ông Horsham lo việc ấy là đủ.
- Vào tuổi tôi, thận trọng là một sự lãng phí. Tôi muốn được góp phần vào sự nghiệp chung. Tôi muốn được chết, tạm gọi là "trên bãi chiến trường".
Rồi ông quay sang nói với ông Robinson:
- Ông cũng nên đi cùng với chúng tôi.