Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 21

HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT

Chiêu Vũ định đánh lấy Trung đô

Mậu Long rơi đầu chợ Vân Cát.

Lại nói chuyện tháng ấy gián điệp Đàng Trong trở về báo cho tiết chế Thuận Nghĩa và đốc chiến Chiêu Vũ biết tin cha con kí lục Hồ ở Sơn Tây mưu khởi sự, việc tiết lộ đều đã bị giết. Hai tướng nghe tin báo đều sửng sốt, than tiếc hồi lâu, rồi nói:

- Thế là mất cha con kí lục Hồ, cơ hội tốt không còn, mưu của ta khó thành; chẳng biết đến bao giờ mới thu phục được Trung đô? Tiếc thay!

Rồi hai tướng cho lập đàn hướng về phía Sơn Tây làm lễ tế vọng để an ủi linh hồn cha con kí lục Hồ.

Từ đó bặt hẳn tin tức ở Đàng Ngoài. Quân đội bên vẫn đóng yên chỗ cũ. Đốc chiến Chiêu Vũ càng nghĩ càng tức giận việc họ Trịnh sai người mang vàng bạc vào dụ hàng, bèn viết thư bêu diếu Trịnh Tạc, sai người sang bờ bắc sông Lam đem đến trại quân quận Phú Trịnh Căn. Quận Phú xem xong thư cả giận, sai người đem thư về nộp cho phủ chúa. Tây Định mở thư ra xem:

“Đại tướng quân Đốc chiến bên quânNam là Chiêu quận công gửi thư đến Tây Định vương xem biết:

Từng nghe: Trời đất vốn không thiên lệch, muôn vật đều được ơn nhờ. Vua tôi nguyên cùng một đạo, bốn phương cùng hợp một lòng. Bữa gần đây Trịnh vương sai người đem thư dụ hàng và biếu ta vàng bạc. Nhưng lòng trung nghĩa của ta vẫn không lay chuyển.

Ta thường nghe người xưa nói: trung thần không thờ hai vua, liệt nữ chẳng đổi hai chồng. Chiêu Vũ này vẫn ghi nhớ mãi trong lòng. Lúc bấy giờ ta muốn tương kế tựu kế để dễ bề thu phục Trung đô. Nhưng Nam chúa của chúng ta biết thời cơ chưa đến, chưa thuận ra quân. Ấy là một cơ may cho họ Trịnh đó vậy. Chí hướng của bọn ta là phù Lê diệt Trịnh trừ gian bạo, dẹp tiếm loạn. Vậy mà các người toan đem lễ vật đến dụ dỗ ta, trong lòng các người không tự biết hổ thẹn hay sao? Ấy là do kẻ đại trượng phu quân tử xem ơn nghĩa phú quý như châu ngọc, coi khinh vàng bạc như bã rã. Họ Trịnh các ngươi lừa dối hại vua, tàn ngược dân chúng, chẻ hết trúc núi Nam vẫn không ghi hết tội ác, tát cạn nước bể Đông không rửa sạch vết nhơ. Tội ác của các ngươi có thể nói là ngút trời vậy. Chí nguyện của ta là muốn lưu tiếng thơm đến muôn đời, họ tên được ghi trong sách vàng. Thế thì bia ghi việc trung thần, sử chép tên danh tướng, lẽ nào ta lại chịu theo về với bọn gian nghịch tiếm ngụy như Tào Tháo, Vương Mãng hay sao? Hoặc là các ngươi lòng dạ càng căm tức hẹn ngày đem quân tiến đánh. Hoặc là các ngươi khiếp sợ, trở giáo tự trói mà quy hàng, thì Nam chúa của bọn ta sẽ thể lòng hiếu sinh mà tha tội chết.

Vậy ta có mấy lời báo lại. Các ngươi lấy đó làm răn! Nay thư.”

Tây Định vương Trịnh Tạc xem xong tức giận xé thư châm lửa đốt rồi triệu các tướng đến họp bàn. Tây Định nói:

- Chiêu Vũ là kẻ sất phu dám khua môi múa mép xem thường ta quá lắm! Mong các tướng hãy vì ta cấp tốc định kế đem đại quân ngày đêm tiến gấp vào Nam hà bắt gọn bọn Thuận Nghĩa, Chiêu Vũ phanh thây trăm mảnh!

Các tướng nghe xong đều chắp tay vâng lệnh. Thiếu phó Lan quận công[489] nói :

- Thần xin đem quân thẳng tiến vào địa giới phía nam đánh tan quân họ Nguyễn, lấy đầu hai tướng Thuận, Chiêu về vương dinh dâng nộp! Nếu không thắng trận thần xin thề không dám đem quân về. Phải làm cho bọn giặc biết tay để chúng khỏi coi Trung đô như chỗ không người.

[489] Tên tước của thiếu phó Nguyễn Thực.

Tây Định vương cả mừng, bèn sai Lan quận công Nguyễn Thực làm nguyên súy, đô đốc Hùng quận công làm tiên phong, điểm năm vạn quân, định ngày tiến phát. Bấy giờ có Lại hộ thượng thư là thiếu bảo Bạt quận công[490] can rằng:

- Theo ngu ý của thần thì không nên làm như thế. Quận Lan tuy có dũng lược, nhưng binh lính đều không có lòng chiến đấu. Huống chi bên quân ta đã mấy lần thất lợi, quân Nam thắng luôn, chí chiến đấu còn hăng hái. Nếu chẳng may quân ta lại thua nữa chỉ thêm cho quân Nam chê cười. Chi bằng cứ lặng yên đóng giữ khiến cho quânNam tự khoe dũng mạnh, chê quân ta hèn yếu. Như thế bọn chúng ắt sẽ không lo chuẩn bị. Thần có một kế quân ta không cần phải đánh mà quânNam cũng phải tự lui khiến bọn chúng không còn mảnh giáp mà về.

[490] Tên tước của Dương Trí Trạch.

Tây Định vội hỏi kế ấy như thế nào. Bạt quận công Dương Trí Trạch đáp:

- Quân Nam chiếm bảy tám châu huyện ở xứ Nghệ An đã năm năm, thi hành nhiều luật lệnh mới như mở tuyển trường chọn lính, thu thuế thân, đo ruộng tính thóc để thu tô, quấy nhiễu trăm họ, xem ra thì cũng đã mất lòng dân. Lòng dân đã mất thì khó làm xong việc lớn. Thần xin vơng thượng sai người bí mật phao truyền dao ngôn, rải tờ rơi[491] làm cho quân dân xứ Nghệ biết rõ lợi hại. Người xưa nói: Cái ấp mười nhà tất có kẻ trung tín. Nếu quân dân đồng lòng làm phản, trong đánh ra, ngoài đánh vào thì có thể lấy đầu hai tướng Thuận, Chiêu dâng nạp dưới cờ. Quân lính của bọn họ tất phải tan tác chạy về. Đây là kế đánh phía ngoài để mở bật cửa thành phía trong, không cần phải dùng sức của quân lính.

[491] Nguyên văn: phiến ngôn có nghĩa là mảnh giấy nhỏ có viết nội dung cần truyền bá để đem dán ở nơi công cộng hoặc đánh rơi dọc đường như kiểu truyền đơn ngày nay.

Tây Định nghe Bạt quận công tâu xong khôn xiết vui mừng nói:

- Kế của khanh rất diệu, thật vừa ý ta. Khanh khá mau theo kế ấy mà làm.

Bạt quận công chắp tay vâng mệnh. Tây Định bèn bãi việc dùng binh. Từ đó quân đội bên Đàng Trong, Đàng Ngoài đều ngưng chiến, mỗi bên đều đóng quân tự giữ phần đất của mình. Lại nói đốc chiến Chiêu Vũ vì căm tức chúa Trịnh sai người chiêu hàng mà gửi thư phúc đáp lời lẽ gay gắt, thường vẫn lấy làm lo quân Trịnh quyết đánh tới sẽ làm kinh động lòng quân. Chiêu Vũ thường ngày lo việc luyện tập quân sĩ, đêm về ngồi đọc binh thư. Tới ngày mười bốn tháng chín, Chiêu Vũ suy nghĩ mệt mỏi, tựa lưng vào thành ghế xem sách rồi chợp mắt thiu thiu ngủ, chiêm bao thấy mình ra ngoài lũy Khu Độc ngồi trên tảng đá bên bờ sông thong thả cầm cần trúc buông dây câu cá. Chợt có con cá cắn mồi động đậy ở đầu dây câu. Chiêu Vũ giật dây liền hai lần, chỉ thấy con cá to nổi đầu lên trên mặt nước, còn phần đuôi thì vẫn chìm dưới sông. Bỗng lại có con cá lớn khác bơi đến cắn đứt phần đuôi của con cá mắc câu. Chiêu Vũ nghĩ mãi không biết có cách gì bắt được. Chiêu Vũ ngoái đầu lại thấy một cụ già mày tóc bạc phơ, râu dài quá rốn, mình khoác áo dài đạo sĩ màu xanh, đầu đội mũ quan văn, phong thái ung dung đĩnh đạc như thần tiên đang đứng sau lưng mình. Lúc ấy cụ già bèn đọc cho Chiêu Vũ nghe một bài thơ luật:

Công danh đậu có thì

Tảng đá câu bên khe

Có đầu mà không đuôi

Sử sách tên nửa ghi.

Cụ già đọc xong bài thơ rồi phất áo đi về phía nam không ngoái lại. Chiêu Vũ muốn đuổi theo hỏi cho rõ nghĩa, nhưng cụ già đã đi xa rồi. Chiêu Vũ bèn chạy theo cho kịp, chẳng may vấp ngã xuống hang đá. Chiêu Vũ cố sức kéo lên, mồ hôi vã ra như tắm. Giật mình tỉnh dậy, Chiêu Vũ mới hay là giấc chiêm bao, bèn sai lính hầu đốt đèn ngồi suy nghĩ đến khi trời sáng mới đoán hiểu được ý nghĩa của bài thơ. Chiêu Vũ thầm nghĩ: “Ta vâng mệnh chúa Nam triều cầm quân đánh phạt có tội, yên vỗ sinh dân, dương oai trời đuổi dài quân Trịnh, vâng lệnh chúa làm mạnh cho Nam triều, đã tiến quân chiếm được phần đất phía nam sông Lam. Nay chiêm bao thấy mình ngồi câu cá ở ngoài thành Khu Độc như thế lại gặp cụ già đọc bài thơ như kia. Vậy thì tuy ta tận sức với triều đình nhưng vất vả mà chẳng có công lao, danh tiếng chỉ được ghi chép sử sách nửa vời. Chỉ lo anh em bất mục, bằng hữu chẳng hòa làm phí mất tấm ân tình của ta.” Chiêu Vũ lại nghĩ rằng: “Gia Cát đời Thục Hán sáu lần đem quân đến Kỳ Sơn mà chưa đủ với đạo trời chăng? Nhưng mộng mị chỉ là giấc ngủ say! Mộng là do tâm trí mình tưởng nghĩ. Chỉ vì ta nhiều ngờ mới đến nỗi chiêm bao như thế, hà tất phải lo trước làm gì. Chỉ biết rằng chí khí của kẻ trượng phu bao quát cả trời đất, mong dẹp yên bốn biển, tôn phò sự nghiệp của chúa Nam, diệt họ Trịnh hung tàn bạo ngược, ấy là việc của kẻ hào kiệt đất Nam triều, chẳng có điều gì đáng phải lo nghĩ.”

Lại nói ở triều đình Đàng Ngoài, thiếu bảo Bạt quận công từ khi vâng mệnh Tây Định trở về tư dinh tuyển chọn mấy kẻ thuộc hạ tâm phúc, sai vào Nghệ An đi lén sang bờ nam sông Lam tung ra các loại tờ rời để dân chúng Nghệ An nhặt được mà lén đọc. Lời hiểu dụ nói:

“Trời có nhật nguyệt, đất cỏ núi sông, người có vua tôi cha con, vợ chồng, anh em. Ấy là điều quan trọng nhất của tam cương, ngũ thường. Bọn các ngươi sinh ra trên đất Bắc được nhờ ơn của phương khảm[492] vì cớ gì không lo nghĩ đến việc báo đền gốc tổ mà lại để cho người khác dụ dỗ? Tuy có người được làm quan với bọn họ nhưng cha mẹ vẫn còn ở Trung đô. Hoặc có người ra làm lính đóng ở Nghệ An, nhưng anh em còn ở kinh đô hoặc ở trong quân ngũ đang phải chịu khổ cực vì chinh chiến. Cũng có người đi làm dân phu mà ở nhà phải khốn khổ vì thiếu tô, thiếu thuế. Huống chi tướng bênNam là Chiêu Vũ chỉ biết khoe khoang cậy tài; Thuận Nghĩa thì ỷ thế mạnh mà không có mưu trí. Còn như bọn Vân, Phù[493] ra dáng mạnh tợn nhưng chỉ là những kẻ tài thường, không phải là bậc anh hùng hào kiệt. Các ngươi nếu đi theo bọn họ lâu ngày, rốt cuộc cũng chẳng được ích lợi gì. Ta nghe nói chúa Nam tin dùng Chiêu Vũ như tâm phúc, coi các tướng khác nào gỗ mục. Chiêu Vũ lấy làm đắc chí tự khoe mưu lược hơn người. Ấy thực là lòng kiêu lộng ngạo mạn, coi các tướng bên Nam chẳng khác gì con nít.

Các ngươi là bậc trượng phu quân tử, nến biết suy xét kĩ ân tình, yêu vì người thân thích thì hãy sớm cùng nhau bí mật bàn mưu tính kế lựa thời cơ tập họp quân dân cùng nổi lên trói bắt bọn tướng của họ Nguyễn giải đến giao nạp trước vương đình. Ấy mới thực là chí khí của bậc anh hùng. Được như thế thì ta sẽ gia ân trọng thưởng quan tước, ban bổng lộc tối hậu, trung hiếu đều được vẹn toàn. Thế chẳng phải là tốt đẹp cả hay sao? Nay hiểu dụ.”

[492] Biệt danh chỉ phương bắc (thuật ngữ của ngũ hành gia).

[493] Chỉ tướng Vân Long, Phù Dương (bên Nguyễn).

Dân chúng Nghệ An nghe đọc tờ hiểu dụ trên đây, từng đám túm năm tụm ba, kề tai châu đầu thì thầm cùng nhau bàn tán. Có người đọc xong nói rằng: “Lời lẽ trong tờ dụ kể ra cũng có phần hữu lí. Bọn ta nhất thời không gặp dịp may mắn, lại bị Nam đánh đuổi cho nên mới sinh lòng làm phản.” Cũng có người nghiêm giọng bác bẻ rằng: “Đó là lời lẽ của bọn điên rồ! Chỉ biết một điều Nam chúa là con cháu của bậc công thần nhà Lê, đức tài rộng lớn như Hán Cao, Tống Tổ, một lòng chiêu hiền đãi sĩ, yêu thương dân chúng. Đúng là bậc minh chúa ở cõi trời Nam. Bọn ta theo phò giúp, ấy là biết chọn bậc vua hiền sáng mà thờ. Huống chi họ Trịnh, trên lừa dối thiên tử, dưới hiếp đáp công khanh, ngược đãi trăm họ, giết hại dân lành, lánh xa người trung thực lương thiện, thân gần bọn ca kĩ vô loài. Bọn chúa Trịnh sớm muộn cũng phải bại vong! Bọn ta quyết chẳng nghe theo lời dụ dỗ.”

Mỗi lần như thế ai nấy đều xôn xao bàn tán, thường khi phải tụ tập ở chỗ rừng hoang núi vắng mà bàn riêng với nhau, cũng có lúc hẹn gặp nhau ở bãi cát ven sông.

Khoảng trung tuần tháng mười một, có thuật sĩ là hộ quân Tộ Long bá từ kinh đô Thăng Long về Nghệ An tìm đến quân doanh của đốc chiến Chiêu Vũ. Lạy chào xong, Tộ Long thưa:

- Hồi tháng bảy năm nay, Tộ Long tôi đang ở kinh đô Thăng Long, được biết chuyện Bạt quận công người làng Canh Hoạch và một số người nho học có chân hương cống cùng nhau hội họp ở chỗ vắng. Bọn họ hỏi tôi: “Quân Nguyễn đóng ở bờ nam sông Lam thi hành pháp lệnh giáo hóa ra sao?” Tộ Long tôi đáp: “Chúa Đàng Trong lệnh cho các tướng đóng quân ở các châu huyện ở xứ Nghệ An phải chọn người giao cho làm các chức quan văn võ để chăn dân thu thuế, làm lại sổ ghi ruộng đất theo số ghi trong sổ mà thu thuế để lấy thóc nuôi quân. Như thế thì tất là họ có kế sách ở lại Nghệ An lâu dài.”

Nghe Tộ Long tôi nói xong, các vị làm quan ở triều bàn luận rằng: “Đại phàm phép dùng binh để phạt ác yên dân, mở mang bờ cõi chỉ nên đánh thần tốc, cuốn chiếu ruổi dài, quân đi đến đâu lấy lương thực của địch ở nơi ấy mà ăn, hà tất phải do dự cho quân đóng đồn cày ruộng. Huống chi từ khi quân Nam đánh ra đến nay đã năm năm, đất thiên hạ ba phần chưa chiếm được một, thế thì đến bao giờ mới đạt được mục đích diệt Trịnh phù Lê, cứu vớt sinh linh trăm họ? Nay phải có cách thu gồm sức lực của anh hùng hào kiệt bốn phương thì việc lớn mới thành công được.” Trong bọn họ nhiều người ứa nước mắt than rằng: “Thật đáng tiếc cho cha con kí lục Hồ giữ mưu không kín đến nỗi nhà mất thân tan. Các tướng Nam triều thì nghi ngờ do dự không nghĩ đến việc ruổi dài thẳng tiến. Như thế bọn chúng ta khó mong có ngày được yết kiến long nhan chúaNam triều. Con đường công danh và cơ hội của chúng ta cũng không trông mong gì được nữa. Sự việc đã như thế cũng đành chịu vậy.” Sau đó các tướng bên Trịnh ai nấy trở về bản doanh.

Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong tiếp đãi Tộ Long rất mực trọng hậu, bảo Tộ Long trở về kinh đô nói với các quan ở Đàng Ngoài hãy tận tâm hết sức, sớm muộn đại quân sẽ đến Trung đô như lời ước hẹn từ trước, xin đừng buông lơi ý chí.

Tộ Long vái tạ, cáo từ lên đường trở về Bắc. Đốc chiến Chiêu Vũ bèn đến quân doanh của tiết chế Thuận Nghĩa gọi họp các tướng cùng nhau bàn định. Chiêu Vũ thuật lại sự việc như lời báo tin của Tộ Long. Tiết chế Thuận Nghĩa nghe xong hỏi lại:

- Hiện giờ Tộ Long ở đâu? Sao không thấy đến trình ta?

Đốc chiến Chiêu Vũ nói:

- Ông ta đã lên đường về Thăng Long rồi.

Tiết chế Thuận Nghĩa lặng yên không nói, nhưng phật ý về chuyện đó. Bọn tham tướng Vân Long, tiên phong Phù Dương, đại tướng Đại Thắng biết ý chủ tưởng, nói:

- Đại quân đi đánh dẹp ở cõi ngoài hết thảy mệnh lệnh đều do quyền của nguyên súy. Tộ Long không đến trình diện với nguyên súy, lại đến trình riêng với quan Đốc Chiến là lí làm sao? Huống chi trước đây đã nghe nói: Tây Định sai người đem thư và lễ vật đến doanh đốc chiến thuyết phục lí lẽ thiệt hơn. Việc ấy hư thực chưa biết ra sao. Nay Tộ Long lại không đến trình diện quan nguyên súy chẳng biết là có ý gì? Người xưa nói: “Chưa biết cong hay thẳng, hãy đề phòng kẻ bất nhân.” Giả sử họ Trịnh dùng mưu dụ địch, lừa cho ta đem quân ra Bắc hà chỉ trông cậy vào tường lũy trơ trọi giữa nơi địa thế đồng bằng rộng lớn, không có núi cao dốc hiểm; rất khó tạo thế ỷ dốc hỗ trợ cho nhau, lại càng khó đặt thế chính kì. Nếu dàn trận mà đánh thì bên Trịnh đông quân; bên ta quân ít, khó chống cự nổi. Hơn nữa địa thế từ phía ngoài Nghệ An, hai đường thủy bộ không thông tiếp với nhau. Chi bằng ta cứ đóng quân bất động để đợi thời. Một mặt sai quân đi do thám hình thế núi sông để biết rõ những nơi có thể đánh giữ, giấu phục binh, nơi nào có thể dàn trận tung quân mà đánh. Lại phải cố kết lòng dân. Lòng dân đã thuận thì việc lớn ắt thành[494].

[494] Đoạn đối thoại trên đây trong ĐNLTTB cũng có chép ngắn gọn do đó có thể xác định họ tên thật của tướng Phù Dương bên Nguyễn là Nguyễn Phúc Tráng (tức Tôn Thất Tráng).

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Các ông bàn thế rất phải. Ta hãy để việc này lại sau sẽ hay.

Đốc chiến Chiêu Vũ tức giận đứng dậy nói:

- Chiêu Vũ tôi cùng với quý huynh và các tướng vâng mệnh đem quân ra đây, chí hướng đều muốn một lần cất quân làm xong việc lớn để tiếng tăm lưu truyền hậu thế như tấm bia ghi công kẻ trung thần nghĩa sĩ. Ngoài ra chẳng hay kẻ nào có lòng dạ kia khác. Vả lại trước đây Tây Định sai người đem thư và lễ vật đến dụ dỗ Chiêu Vũ này về hàng. Chiêu Vũ tôi đã cho người về ngự doanh bẩm với chúa thượng, có ý muốn tương kế tựu kế, cho sứ giả đi trước, quân lính theo sau, quyết bắt cho được cha con Tây Định. Việc ấy đã rõ rồi, các ông bất tất phải nghi ngờ.

Tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Bọn chúng ta hưởng ăn sâu lộc hậu của nhà chúa thì phải tận sức báo đền. Nếu ai khác lòng thì quỷ thần tru diệt, nào có gì mà phải nghi ngờ? Vả lại lời bàn của các tướng vừa rồi xét ra cũng có lý, vậy ta nên nán chờ khi thời cơ thuận lợi thì chỉ thúc một hồi trống là thu trọn thành công. Nay chưa nên tính vội. Đốc chiến hãy nghe lời các tướng để đồng tâm hòa khí vẹn toàn.

Thuận Nghĩa dứt lời, các tướng đều nói:

- Tiết chế xét việc như vậy là sáng suốt lắm, ta cứ theo thế mà làm.

Sau đó các tướng trở về doanh trại lo việc luyện tập quân sĩ, sửa sang khí giới để đợi thời cơ tiến phát. Bấy giờ đã gần hết năm, chỉ thấy:

Chốn chốn vui ca mừng năm mới,

Nhà nhà đuốc sáng đón xuân sang.

Vậy có lời bình rằng:

Trời sinh thánh chúa tất có hiền thần giúp đỡ, ai có phận nấy mà nên công đại trị. Nhưng ở Trung đô thì quan lại hiếm kẻ tài năng, tướng hiệu thiếu người trung nghĩa. Vì thế mới dẫn đến chuyện Tây Định vương Trịnh Tạc sai người đem vàng bạc vào dự Chiêu Vũ quy hàng, rốt cuộc bị Chiêu Vũ đáp thư bêu nhục thật hổ thẹn lắm thay! Huống chi bọn kí lục Hồ là quan lại của triều đình mà manh tâm phản lại triều đình, không có chút lòng lo vua yêu nước, bán nước cầu vinh, rốt cuộc phải nhà tan thân chết, tông tộc bị tru di. Ấy là đạo trời sáng rệt vậy. Còn như ở Nam triều, các bậc anh hùng danh tướng lẽ ra nên đồng tâm hiệp lực hòa thuận với nhau để khuông phù vương thất, cùng lo đại nghĩa diệt Trịnh phù Lê, diệt trừ gian đảng tiếm ngụy. Ấy là đạo của bậc lương thần. Sao lại để xảy ra sự việc nghi ngờ, oán giận lẫn nhau mà mất cả hòa khí, để lỡ mất thời cơ, tốn phí tiền tài quốc dụng, hao tổn sức lực của quân lính, khổ tránh khởi người đời sau chê cười. Nếu trên dưới một lòng, quân dân một chí, thì chỉ ra tay một lần là có thể thu được thành công vẹn toàn.

Bấy giờ ở Đàng Ngoài Tây Định vương Trịnh Tạc nghĩ đến việc mấy năm trước Mậu Long[495] đầu hàng quân Nguyễn, được tiết chế Thuận Nghĩa cho làm tướng tiên phong đem quân ra đánh lại quân nhà. Trịnh Tạc căm tức muốn tìm cách giết đi. Nghĩ vậy Tây Định bèn sai người đi tìm vợ Mậu Long là Phạm Thị Cúc để thăm hỏi tình cảnh gia đình. Rồi sau đó viết một bức mật thư thay lời vợ Mậu Long gửi cho chồng, sai người giả làm gia nhân lên đường tìm vào quân doanh của Mậu Long chuyển đạt bức thư và ba nén vàng đỏ, nói điều hơn lẽ thiệt.

[495] Tên tước của Phan Tất Toàn.

Mậu Long nghe xong chỉ lặng lẽ gật đầu rồi tìm một chỗ kín đáo bóc thư nhà ra xem. Thư viết:

“Từng nghe: Đức của trời đất thì trước hết là bốn mùa. Đạo vua tôi thì lấy tam cương làm chính. Huống chi tướng quân đường đường là một bậc trượng phu quân tử, trước đây bị quân Nam bức bách, cực chẳng đã phải nép thân giữ mình, cũng ví như chim phượng hoàng gặp lúc gió bão, há phải là tướng quân thay lòng đổi dạ mà ra như thế đâu! Nhưng nay dưới tay tướng quân đã có binh hùng lực mạnh thì tất sẽ chế ngự được. Sao tướng quân không nghĩ đến ơn vua tôi, nghĩa vợ chồng, tình anh em trong gia tộc mà nghĩ ra mưu kế báo phục? Nếu tướng quân xét kĩ tấm gương của những người trung hiếu xưa nay thì nên thừa cơ mà cử sự, mượn cớ đem quân đi đánh dẹp như chuyện Mã Đại, Ngụy Diên thời xưa, chờ thời cơ lấy đầu Thuận Nghĩa mà trở về đất nhà. Như thế tướng quân giữ vẹn đại nghĩa vua tôi, đền đáp được ơn sâu cha mẹ, vẻ vang với xóm làng. Thế chẳng là tốt đẹp hay sao? Nếu tướng quân vẫn giữ lòng mê chẳng tỉnh ngộ thì khó tránh khỏi hậu thế chê cười, cho là kẻ phản vua theo giặc khác nào những kẻ cam chịu làm bề tôi cho bọn Tào Tháo, Đổng Trác, khó tránh khỏi nhơ danh sử sách, bất tất phải nhiều lời. Mọi việc xưa nay tướng quân đều nên ghi nhớ. Nay thư.”

Mậu Long xem xong thư đầu óc rối bời, băn khoăn suy nghĩ, bất giác lệ rơi thấm áo. Mậu Long một mình ngồi trước đèn, suốt đêm thâu không chợp mắt, vẫn chưa tìm được mưu kế gì để trở về bên Bắc. Mậu Long vì thế sinh ra cáu gắt, đánh mắng quân lính. Có lúc đang ngồi chợt xoa tay vỗ chiếu, hoặc ngày đêm hơi thở vắn dài. Quân lính thấy vậy chẳng ai dám nhìn gần, chỉ ta thán riêng với nhau: không hiểu vì sao chủ tướng Mậu Long bỗng nhiên dở chứng như vậy.

Thủ hạ của Mậu Long có một tên lính tên là Tiềm Lộc, lén nấp một chỗ kín để dò xét, thấy Mậu Long ngày đêm thường lấy một bức thư ra đọc lén rồi sinh ra suy nghĩ giận dữ, trong bụng đã có ý nghi ngờ. Sau đó Tiềm Lộc lẻn vào buồng của chủ tướng, chợt thấy bức thư bỏ quên trên ghế. Tiềm Lộc liền cầm lấy xem trộm. Xem xong biết lời ý trong thư. Tiềm Lộc cả kinh bèn giấu bức thư vào trong tay áo đi ngay đến dinh tiết chế trình rằng:

- Mậu Long từ khi nhận được mật thư dụ hàng này, ngày đêm nghĩ cách làm phản. Mong quan tiết chế sớm định liệu để khỏi mắc mưu ông ta.

Tiết chế Thuận Nghĩa xem xong thư hết sức tức giận, quát hỏi Tiềm Lộc:

- Việc này hư thực ra sao?

Tiềm Lộc nói:

- Sự việc quả đúng như thế. Xin minh công sớm định khỏi mắc phải mưu gian làm hỏng việc lớn.

Tiết chế Thuận Nghĩa bên cho đem Tiềm Lộc vào một nơi kín rồi sai gọi Mậu Long đến dinh tiết chế để bàn công việc. Khi Mậu Long vào trong trướng, tiết chế Thuận Nghĩa nói:

- Ta vâng lệnh vương đình đem quân đi đánh giặc ở đất Bắc đến nay đã năm năm, bao phen vào nguy ra hiểm ở chốn chiến trường mà cuộc thế vẫn chưa phân thắng bại. Tướng quân nghĩ xem có kế sách gì hay có thể phá được quân giặc?

Mậu Long đáp:

- Phàm việc dùng binh đem quân đi đánh đẹp ở cõi xa thì nên đánh gấp. Xin tiết chế hạ lệnh tiến quân vượt sang bờ bắc sông Lam, thừa thắng đuổi dài. Mậu Long tôi nguyện trổ tài ngựa hèn theo sát tiết chế để đánh bắt họ Trịnh. Như thế tất công lớn phải thành.

Tiết chế Thuận Nghĩa cười nói:

- Tướng quân nói thật hay nói dối đấy?

Mậu Long đáp:

- Phàm đạo làm tôi là phải nghĩ cách báo đền ơn nước. Mậu Long tôi dẫu thịt nát xương tan, gan óc bết đất cũng chưa đền đáp được trọng ân của thánh chúa. Mậu Long tôi đâu dám không thực tình.

Tiết chế Thuận Nghĩa lại nói:

- Tướng quân xem “Tam quốc chí” có biết chuyện Ngụy Diên, Mã Đại không?

Mậu Long nghe nói thế mặt liền biến sắc vội đáp:

- Ấy là do mưu kế của Khổng Minh.

Thuận Nghĩa nói:

- Ngươi có muốn xem rõ chứng cớ hay không?

Nói đoạn liền lấy bức mật thư đem ra cho Mậu Long xem. Mậu Long liếc thấy bức thư cả sợ hồn vía bay tận mây xanh, chỉ gắng gượng chống chế:

- Đây là thư nào Mậu Long tôi không biết. Mong tiết chế lượng xét cho khỏi bị oan ức.

Tiết chế Thuận Nghĩa liền sai gọi Tiềm Lộc vào đối chất. Mậu Long trông thấy Tiềm Lộc biết là lộ việc không thể chối cãi đành đứng trơ không đáp. Tiềm Lộc nói:

- Không phải là tiểu nhân có ý muốn phản chủ hại thầy để mưu cầu phú quý. Nhưng vì mảnh đất, dòng nước không đâu là không đất nhà vua. Vậy mà bản quan của tiểu nhân lại không trung thành với vương thất, muốn làm hại minh công. Vì thế tiểu nhân phải đem sự việc trình báo, ngõ hầu tiểu nhân được khỏi tội.

Tiết chế Thuận Nghĩa hỏi:

- Sự việc này đúng sai thế nào, ngươi có gì nói hay không?

Mậu Long cúi đầu bật khóc, đáp rằng:

- Đây là kế tung tin phản gián của Tây Định vương chứ Mậu Long tôi không có lòng ấy.

Tiết chế Thuận Nghĩa cả giận sai lính bắt đi xét hỏi. Mậu Long nhất nhất phải thú nhận là có manh tâm muốn trở về bên quân Bắc, liên quan đến tộc thuộc tâm phúc tất cả hơn hai chục người đều phải cung khai ra cả.

Tiết chế Thuận Nghĩa hạ lệnh tống giam rồi sai người về tâu bẩm với vương đình. Chúa Hiền xem xong cả giận, truyền lệnh đem hàng tướng Mậu Long và những kẻ đồng mưu ra xử trảm, bêu đầu thị chúng. Tiết chế Thuận Nghĩa được lệnh, đến trung tuần tháng giêng năm Canh Tý bèn truyền đao phủ đem bọn Mậu Long hai mươi người ra pháp trường ở chợ Vân Cát xử chém.

Bỗng có quân do thám ở bờ bắc báo về nói rằng Tây Định vương biết tin Mậu Long bị giết rất lấy làm mừng, bảo là đạo trời không dung kẻ gian. Người đời sau có thơ rằng:

Ngời ngời thiên đạo vốn vô tư,

Chẳng phải âm dương số mệnh thừa.

Họa giáng gian tà đều dẹp hết,

Phúc truyền trung hiếu hãy còn lưu,

Sái Trung gian kế thân đành thác,

Triệu Dự manh tâm mệnh sớm trừ,

Đừng nói được thua bao sự việc,

Phân minh báo ứng chẳng chần chừ.

Năm Thịnh Đức thứ tám (1660)[496] hạ tuần tháng giêng có người dân binh ở miền thượng đạo đến trình với tiết chế Thuận Nghĩa rằng các tướng sĩ mới về hàng đều có manh tâm làm phản, rủ nhau tụ họp ở chỗ kín để mưu đồ khác ý.

Chưa biết sự việc hư thực ra sao xem hồi sau sẽ rõ.

[496] Theo trình tự thời gian thì ở đây đang kể các sự việc về năm 1660. Ở Đàng Trong các chúa Nguyễn vẫn dung niên hiệu của vua Lê. Từ năm 1658, vua Lê Thần Tông đã đổi niên hiệu là Vĩnh Thọ. Vậy đúng ra năm 1660 là niên hiệu Vĩnh Thọ thứ ba. Còn niên hiệu Thịnh Đức chỉ có 5 năm (1653-1657).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3