Loạn Thế Anh Hùng - Tập 1 - Chương 01 - Phần 1
CHƯƠNG 1: TRÁNH HỌA
“Ngoài Lâm An có huyện Dư Hàng,
Ở huyện Dư Hàng có Hảo Đăng lâu.”
Tam Nương Tử ngâm nga cười.
Trải tới thời Tống, tửu lâu đã trở nên cực kỳ phong phú và hoa lệ. Ở thời Tống, riêng Biện Kinh đã có hơn trăm tòa danh lâu. Nào là Bạch Phàn lâu, Hân Lạc lâu, Ngộ Tiên lâu, Thiết Tiết lâu, Khán Ngưu lâu, Thanh Phong lâu... tên đến là đặc sắc, các loại rượu nổi tiếng Ngọc Luyện Chùy, Tư Đường Xuân, Tuyết Du, Nội Khố Lưu Hương lớp lớp theo nhau xuất hiện tranh hương đua tiếng, tiếng lành đồn xa. Sau khi dời xuống phía nam, Khang Vương là Triệu Cấu kế thừa tật xấu của cha anh, lại càng tham nhàn hưởng lạc. Cục diện mới hơi yên ổn, chốn lầu các yên vũ trong thành Hành Châu các loại phấn hương ca múa lại lật mình đổi mới, khéo léo mà hưng thịnh trở lại.
Hảo Đăng lâu nằm trong địa giới của Dư Hàng, ngay cạnh phố lớn. Cửa lâu rất to, hai bên cửa có đặt hai cây xoa sơn đen sáng bóng, dùng để ngăn người ngựa lộn xộn ngoài đường, dưới lầu bày ba mươi tư chỗ ngồi, trên lầu đặt hơn hai chục ngăn gác, tất tật đều buông rèm xanh biếc, hoa văn rong tảo, từ cửa sổ giáp phố có thể nhìn thấy sông xanh núi biếc xa xa, quả nhiên là có chỗ hơn người.
Lúc này, gần đằng trái của cửa sổ có một cặp phu phụ trung niên đang ngồi. Người đàn ông thần thái hờ hững, hình dáng cao to, chỉ mặc một tấm áo dài bằng vải thô màu xám tro. Người phụ nữ mày liễu mắt hạnh, điềm đạm thanh lệ. Mọi người đều chú ý tới người phụ nữ đó, thấy nàng chỉ vận một tấm áo ngắn tay, một chiếc quần màu lam, đầu cài thoa gỗ, mặt không phấn son, nhưng thanh tao tự nhiên, nói cười cao nhã.
Cả hai đều đã ba lăm, ba sáu. Chỉ nghe người phụ nữ đó cười mà nói rằng: “Ngạo Chi, chàng có biết trên Hảo Đăng lâu này từng có đôi câu đối nổi tiếng không?”
Người nam nọ “ồ” một tiếng, ngước mắt nhìn sang Tam Nương - hai người này chính là vợ chồng Thẩm Phóng và Tam Nương Tử, vì liệu trước được tai ương nên đã lánh khỏi phủ Trấn Giang. Người vợ này của Thẩm Phóng tên gọi là Tam Nương Tử - nói ra thì đoạn nhân duyên giữa hai người cũng có chút li kỳ, ccó điều đó đã là chuyện của mười năm trước - Thẩm Phóng trước nay rất kính trọng thê tử, giờ không khỏi nghiêng tai nghe nàng nói.
Chỉ thấy Tam Nương Tử kể: “Thiếp nghe vị tiên sinh kể chuyện có nói, danh lâu trong thiên hạ truyền đời tổng cộng có ba mươi sáu nơi, Lâu Ngoại lâu ở Lâm An, Nhạc Dương lâu ở Động Đình, Ngũ Nhàn lâu ở Kim Lăng, Phàn lâu ở Biện Kinh, Tây lâu ở Tương Dương, lại thêm Hảo Đăng lâu nơi đây được mệnh danh là sáu tòa lâu trung chi lâu. Mấy tòa lâu khác bởi đâu được xưng là danh lâu thì thiếp không biết, nhưng cái sự thành danh của tòa Hảo Đăng lâu này chỉ e là nhân một câu chuyện.”
Thẩm Phóng lại “ồ” tiếng nữa, hắn biết tuy Tam Nương là phận nữ nhưng kiến văn rất rộng, mà trước nay hắn cũng thích nhất là nghe nàng kể chuyện, tuy đều là thứ không ghi trong chính sử nhưng lại rất sống động.
Lại nghe Tam Nương cười, nói: “Hồi mấy năm đầu nam độ, Tập Hiền điện Thị Chiếu học sĩ là Hồ Thuyên phụng mệnh xuất hành, có đi ngang qua lâu này. Hồ học sĩ nọ là một tay hay chữ, con người chính trực, một bụng học vấn ấy có thể xem là không ai không biết. Hôm đó dừng ngựa nghỉ ở đây, vừa vặn tửu lâu này khai trương chưa lâu, chủ quán rất mực ân cần hầu hạ, đã chuẩn bị rượu ngon mực tốt, định mời ông thừa hứng mà đề chữ lại đây. Hồ học sĩ độc ẩm hai chén rồi cũng chấp nhận lời thỉnh cầu của chủ quán, chính lúc đang ngưng tâm sắp hạ bút thì chợt nghe dưới lầu ồn ào một trận, quay nhìn xuống dưới thì thấy từ cửa tiến vào một vị tướng quân uy dũng phi phàm, mắt ưng hàm én. Hồ học sĩ chăm chú nhìn vị nọ, không khỏi mừng rỡ, vội sai chủ quán mau mau đi mời. Vị tướng quân kia lên lầu, Hồ học sĩ liền múa bút như bay, nét bút đê mê, độ mực vừa đủ mà viết hai chữ lớn “Vui lắm[3]”! Vị tướng quân kia nhìn chữ của ông rồi lại nhìn cái dáng nhỏ người mà chắc nịch liền biết chính là quan ngự sử có tiếng đầu sắt Hồ Thuyên”. Ngừng một chút, Tam Nương cười hỏi: “Tướng công, chàng đoán xem vị tướng quân đó là ai?”
[3] Nguyên gốc là “Hạnh Thậm”.
Thẩm Phóng nghĩ ngợi, Hồ Thuyên là danh thần một thời, chính trực thanh liêm đến mức kẻ quyền thế không ưa, cuối cùng treo mũ mà đi, đương thời tuy quan lớn vinh hiển đầy triều nhưng tướng quân mà lọt được vào mắt xanh của ông hẳn cũng chẳng quá một, hai vị, thế là chấm chấm ít rượu, viết lên bàn một chữ “Phi”. Người mà hắn muốn nêu họ Nhạc tên Phi, tự là Bằng Cử, từng làm quan đến chức Thái Tử thiếu bảo, đáng tiếc về sau bị gian thần Tần Cối hãm hại, thiên hạ nghe tin ai nấy đều tiếc thương. Tam Nương cúi đầu cười ngất rồi nói tiếp: “Hồ học sĩ gặp được ông ta liền quên việc viết chữ, hai người lại ngồi với nhau, chén rượu qua lại, bàn việc cả thiên hạ, cực kỳ vui sướng. Sau cùng, lúc sắp chia tay, Nhạc Tướng quân thấy tay chủ quán nọ nhăn nhó mặt mũi, tựa hồ có chỗ không thoải mái, bèn hỏi han một chút thì mới biết hóa ra là hiềm lưu lại có hai chữ thì quá ít, không đủ thành bức. Nhạc Tướng quân nhìn hai chữ đại tự mà Hồ học sĩ viết, vuốt râu cười lớn, nhấc bút lên, cũng lưu lại hai chữ đại tự nhưng là thành một bức đối xảo diệu tự nhiên, hợp cảnh hợp tình! Hồ học sĩ trông thấy, không kìm được cũng “ha ha” cười lớn, tiếp đó hai người chia tay, rời đi. Tướng công, chàng đoán coi hai chữ hạ liễn Nhạc Tướng quân lưu lại nên là chữ nào?” Thẩm Phóng trầm ngâm. “Thế này thì biết đoán từ đâu? “Vui lắm”, “Vui lắm”...”
Tam Nương Tử mỉm cười. “Sướng thay!”[4]
[4] Nguyên gốc là “khoái tai”.
Thẩm Phóng vừa nghĩ, chợt không kìm được mà vỗ tay hô: “Sướng thay!”, lấy “vui” đối với “sướng”, lấy “lắm” đối với “thay”, hư thực ứng nhau, đích xác là một cặp đối khéo léo xảo diệu, hai người nhìn nhau vui vẻ, từ bốn chữ này nghĩ về cảnh hai vị văn võ ngày đó đàm luận sảng khoái. Tam Nương Tử tiếp lời: “Chủ quán khôn khéo, liền đem khắc bốn chữ đối liên ấy treo lên trên lầu, ý nghĩa cũng hợp, vừa vặn là giọng chủ khách tiếp mời rượu nhau, ai mà không ngắm! Từ đó thanh danh tòa Hảo Đăng lâu này liền cất cánh bay xa.” Nói rồi lại thở dài. “Mấy năm nay, trong triều đình của chúng ta, thực sự làm được hai câu “quan văn không yêu tiền, quan võ không tiếc mạng” cũng chỉ có riêng hai vị ấy thôi, bảo sao người sau tưởng nhớ lại không khỏi khâm phục mà tôn kính cho được?”
Thẩm Phong nghe nàng kể một đoạn chuyện cũ thú vị, không khỏi châm đầy một chén rượu, uống cạn một hơi, cười hỏi: “Đôi đối liên ấy đâu rồi?”
Hai vị Hồ, Nhạc đều được tôn xưng là danh gia thư pháp thời Tống, Thẩm Phóng mê mẩn cái món này, không kìm được truy hỏi. Tam Nương thở dài, nói: “Về sau, hai vị đó, một người treo mũ bỏ nước, một người bị tội thân vong, đều chẳng được Tần Thừa tướng dung tha. Còn Tần Thừa tướng ở đó, tửu lâu này làm sao treo chữ của hai vị đó được? Không bị thu thì cũng bị đốt rồi.”
Sắc mặt Thẩm Phóng lại trở nên âm trầm. Lần này, hắn và Tam Nương tha hương tránh nạn, cũng là vì nghe phong thanh Hoàng thượng với Thừa tướng trên triều cực kỳ bất mãn với bài từ đề ở Trường Kiều, Ngô Giang, đang ngấm ngầm chiếu hỏi. Bài từ ấy tuy chẳng phải hắn viết nhưng Thẩm Phóng tự biết chỉ e bản thân khó mà được hôn quân, gian thần dung tha. Cái ấy gọi là ba người bảo trên chợ có hổ, có trăm cái miệng cũng chẳng cãi được, huống chi Thẩm Phóng cũng chẳng thèm biện bạch, chỉ cùng Tam Nương lẳng lặng rời khỏi Trấn Giang, tránh họa lén đi. Tam Nương Tử cũng vì thấy tâm tình hắn không tốt, mới cố ý kể câu chuyện cũ, gợi cho hắn vui vẻ, nào ngờ cuối cùng vẫn chẳng tránh được tâm trạng xấu đi.
Huyện Dư Hàng nằm ven phủ Lâm An, cách kinh thành không quá ba, bốn chục dặm, nếu phi ngựa thì quất roi một cái là tới. Đúng là ngay dưới chân thiên tử thì không như bình thường được - phố phường đông đúc, người với cảnh đều đẹp, năm phố mười ngõ, cây du cây liễu trong sân ngoài cửa. Lại thêm sớm nay mưa tạnh, người tới chợ, kẻ đi đường, quán xá hàng rong, đều muốn tận dụng buổi nắng đẹp hiếm gặp này, trên phố bởi thế lại càng tấp nập, một khung cảnh thái bình.
Thẩm Phóng nhìn ra ngoài cửa sổ, phủ Trấn Giang quê nhà của họ tuy cũng là một trấn lớn nhưng nằm ở biên giới, những năm nay, binh hỏa liên miên, bây giờ đem so với cái huyện nho nhỏ này, sự thua kém hiện lên rõ rệt.Vốn dĩ biên giới giữa Tống - Kim nên ở một dải sông Hoài, nhưng triều đình sớm đã buông bỏ vùng Giang Bắc, trong lòng chỉ lấy Trường Giang làm giới tuyến, lấy việc phòng thủ Trường Giang làm trọng, thế là phủ Trấn Giang trở thành nơi trọng địa để đóng binh. Thẩm gia vốn là gia tộc lâu đời ở Trấn Giang, tới đời Thẩm Phóng, tuy dòng tộc chưa suy nhưng dù sao cũng là sau cơn loạn lạc, tình cảnh so với ngày cũ đã kém đi nhiều rồi. May là Thẩm Phóng trời sinh tính tình thông đạt, chẳng giống như hủ nho thông thường, không hề vì gia cảnh suy vi mà lung lay. Hắn thích đọc sách nhưng cái học kinh truyện thì chỉ biết đại khái, còn như các loại tạp vụ kiểu gạo tiền binh lược lại có chút để tâm. Trải một phen nghĩ ngợi bèn cố ý dừng lại chốn phồn hoa ven kinh kỳ này. Trước khi triều đình chạy xuống phương nam, hai vua Huy, Khâm nay đã bị người Kim bắt đi kia rất lãng phí, xa xỉ, tô thuế thu một năm cũng không quá sáu nghìn vạn quan[5]; không ngờ sau khi xuống phương nam rồi, đất đai đã mất đi già nửa, nhân khẩu lưu lạc quá bán, tô thuế triều đình trưng thu một năm ấy thế mà lại lên tới tám nghìn vạn quan, đủ để thấy được sự hà khắc trong việc trưng thu. Cái gọi là phồn hoa, cũng thật giống với lời Tam Nương: thỏ không ăn cỏ gần hang mà thôi.
[5] 60 triệu. (ND)
Tam Nương đang đánh giá quy mô của tửu lâu này. Bởi hiện còn sớm, người ngồi trên lầu uống rượu không nhiều, khách đến phần lớn cũng là để giết thời gian với giải khuây, món gọi lên đa phần đều là món ăn nhẹ. Trước lan can gỗ chỗ cầu thang quẹo lên lầu đang đặt một cái ghế băng dài, ngồi trên đó là một lão mù đánh đàn tam huyền, tiếng “y y a a” từ xa văng vẳng, còn cả một tiểu cô nương đứng bên cạnh, hai người đang thuyết thư - kể chuyện Ngô Việt xuân thu. Tam Nương Tử dời ánh mắt, nhìn về hướng khác, chỉ thấy ngồi ở đầu đông là một vị lão nhân râu tóc hoa râm, người mặc một tấm trường sam có hình ngũ phúc đoàn thọ, một tay móng để cực dài, đang nhè nhẹ gõ xuống bàn, lại một chỗ khác, hình như có hai vị quan võ, xem ra có vẻ như vào kinh làm việc, ngẫu nhiên đi qua mới vào uống một chén, còn những người khác đều có vẻ rảnh rang. Tam Nương Tử khẽ thở ra một hơi, nàng không thể không cẩn thận một chút, Thẩm Phóng trời sinh tính tình phóng khoáng, lại là thư sinh, trước giờ chẳng chú ý tiểu tiết, mà cũng chưa từng gặp phải chuyện gì hiểm ác, hắn như chẳng hề xem lần trốn tránh này đáng nghiêm trọng, Tam Nương thì lại biết, cái họa mà bài từ ở Ngô Giang kia có thể đem tới rốt cuộc lớn nhường nào, mức độ quan trọng của lần trốn chạy này thật sự tới mức nào. Nàng biết năng lực của bọn ưng khuyển truy đuổi kia. Vừa nghĩ tới đây, trong lòng không khỏi hơi khổ não, nghĩ: Lẽ nào sau mười năm, số mệnh đúng là muốn ép nàng một lần nữa phải dấn thân vào giang hồ sao?
Lúc ấy, từ chỗ ngồi cạnh cửa sổ phía đối diện chợt vang lên một giọng nói sang sảng mà thô kệch, rằng: “Không nói cái lũ trồng chè[6] này ngu ngốc thì còn nói thế nào nữa! Làm phản thì cứ làm phản đi, lại còn nói xằng “phù Tống kháng Kim”. Mẹ kiếp, nói ra câu này mà cũng không sợ rụng mất lưỡi. Kháng Kim vốn là chuyện của triều đình, cần bọn chúng lo hộ sao? Mà quả thật, cái hội trà phỉ[7] này thực sự muốn từ mạn Hoàng Cương vượt sông lên phía bắc, xem ra đúng là heo tắm dầu sôi, não thối rồi, định đi kháng Kim thật! Bị Lã phó soái một phen phục binh, đứa chết đã chết, đứa chạy đã chạy, tan tành cả, cuối cùng còn được mấy chục đứa mà vẫn qua sông. Mẹ kiếp, bọn chúng tới cả quân Tống cũng đánh chẳng lại, còn bảo cái gì mà kháng Kim? Quân Kim dễ chống thế hả? Năm xưa tứ đại nguyên soái đánh trên mười năm, cuối cùng chẳng phải vẫn nhờ vào Tần Thừa tướng của chúng ta hòa đàm sao?... Kháng Kim? Đi chết đi!”
[6] Năm Thiệu Hưng thứ 2 (1132), ở Kiến Châu nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân và thương lái ngành trà phản ứng lại trưng thu tô thuế nặng nề của triều đình phong kiến.
[7] Tức giặc chè, chỉ những người trong ngành trồng trà khởi nghĩa.
Giọng gã rất lớn, mọi người xung quanh nhất loạt nhìn về phía có tiếng nói, chính là từ hai quan võ đang ngồi cạnh cửa sổ nọ. Chốn tửu lâu trà điếm vẫn luôn là nơi tin tức nhạy bén, mọi người sớm đã nghe nói nửa năm nay, vùng Hồ Bắc xuất hiện một vị trà phỉ lợi hại, tên là Vương Hưng, hiệu triệu trung nghĩa, nhờ vào buôn trà mà giàu có, kêu gọi vô số nhân vật liều mạng, dần trở thành mối lo lớn trong lòng triều đình. Vị tham tướng này xem ra tới từ doanh trướng của Tuần phủ sứ Hồ Bắc Lã Duy Tài, không biết vào kinh có công vụ gì. Gã vừa mở miệng, người trên lầu liền không kìm được vểnh tai lắng nghe, nhưng lời này của gã cũng khiến chúng nhân trên lầu ngầm nhíu mày. Khi ấy, Tống triều vì vơ vét mồ hôi nước mắt của dân, định ra luật chuyên buôn trà phải chịu tô thuế cực nặng, khởi nguyên của trà phỉ chính là có một đám dân đen không chịu nổi khổ, đổi sang làm nghề buôn trà, len lén buôn lậu kiếm lợi, về sau xuất hiện đầu lĩnh Vương Hưng, gặp phải áp bức của quan binh liền tụ tập tạo phản. Trên lầu phần đông là đám dân ngoan của triều đình, tham an sợ họa, nghe thấy dân buôn trà tạo phản đã bị bình định, trong lòng thở phào một hơi, nhưng nghe thấy kẻ kia coi rẻ bốn vị tướng thuở trung hưng, ca tụng Tần Cối, có cái gọi là công đạo tự trong lòng người, trong lòng ai nấy đều cảm thấy bất bình. Kẻ vừa nói ăn vận theo chức tham tướng, dung mạo thô xấu, cử chỉ tục tĩu, trông thấy không ít người để tâm tới lời của mình thì không khỏi đắc ý, lại do trên lầu nhìn có vẻ như không có nhân vật nào xuất sắc, tất cả đều do hắn khơi gợi triển khai, không kìm được liếc quanh mà tự hào, huênh hoang lớn giọng, tên tì tướng ở cạnh cũng hùa vào tâng bốc gã, khen gã liều thân sa trường, chém người không đếm xuể, gã tham tướng kia cũng tự cho mình là hào hùng, chẳng bao lâu, hai người đã nói tới mức nước bọt tung hoành, hứng chí lắm rồi.
Lại nghe gã tham tướng nói: “Lần này đại soái phái ta về, Tần Thừa tướng khẳng định sẽ bẩm báo Hoàng thượng, ban thưởng trọng hậu. Lã đại soái của chúng ta lần vừa rồi đột xuất kỳ binh, chém được hơn một vạn sáu ngàn cái đầu, thiết nghĩ năm xưa, Nhạc Phi đại phá thủy trại của Dương Yêu ở hồ Động Đình, giết được còn chưa tới một phần mười lão gia tử của bọn ta, thế thì tính là phá giặc cái quái gì? Lã đại soái đã được Tào ngự sử gật đầu rồi, vừa có được quân công một cái liền có thể tiến cử, xem ra lần này có hy vọng lên chức rồi. Ha ha, huynh đệ ta cũng chẳng khỏi ăn theo mà đắc đạo, gà chó lên giời! Há há há!”
Người trên lầu nghe đã đủ hiểu gã chẳng thông văn chương, dùng thành ngữ chẳng ra thể thống gì, không khỏi cười trộm một cái. Lão nhân bên cạnh lại làu bàu: “Chém hơn một vạn sáu ngàn cái đầu? Trà dân tạo phản làm gì mà lắm thế được? Chẳng biết lại có bao nhiêu dân lành bất hạnh oan mạng dưới cương đao, chết chẳng toàn thây, đầu bị chặt xuống nộp thành trà phỉ giả mạo công lao đi lĩnh thưởng.” Người nói chính là lão nhân mình mặc trường sam có hình ngũ phúc đoàn thọ. Phân nửa số người trên lầu đều nghe thấy, gã tham tướng kia giận dữ nói: “Lão... ông già, ông nói bậy bạ cái gì đấy... Cái gì mà giả mạo công lao lĩnh thưởng, ông trông thấy à?” Gã vốn định quát là “lão nhà quê”, nhưng vì thấy lão nhân nọ mặc trường bào bằng lụa, thái độ nhàn nhã, giống như một vị viên ngoại ẩn cư, mới đổi thành “ông già”, cách xưng hô dễ nghe hơn một chút. Hắn đảm chức hàm phó tướng, phận vị không thấp nhưng ở nơi ven kinh thành này cũng không dám làm bậy.
Lão nhân kia nhìn gã một cái, lại thở dài, thiện ý nhắc nhở: “Một vạn sáu ngàn thì một vạn sáu ngàn đi, chỉ là vị quân gia ngài ở tửu lâu này đừng nên nói loạn nói ẩu, xúc phạm tới Nhạc Tướng quân, trên lầu này từng thờ bút tích của Nhạc Tướng quân đấy. Nhớ năm ấy, Nhạc Tướng quân đại phá thủy trại ở Động Đình là dùng trí mà đánh, không phải dùng sức mà chiến, với lại trong thủy trại phần đông là người có lòng trung nghĩa, Nhạc Tướng quân cũng bởi tình thế nước nhà mà không thể không làm, lại còn thu được viên mãnh tướng Dương Tái Hưng, về sau một trận sông Tiểu Thương, danh vang thiên cổ. Đương thời, Nhạc Tướng quân giết người tuy ít nhưng lập công cực lớn, thu nạp được một đạo giặc phỉ, đưa tới tiền tuyến kháng Kim giết địch, bảo quốc an dân, quay về nẻo chính, như thế chẳng phải còn tốt hơn nhiều so với giết sạch sành sanh sao? Đỗ Tử Mỹ[8] có thơ rằng: Chặn được thế giặc mạnh, há bởi chém giết nhiều[9], người xưa nói thật hay, nói thật hay!”
[8] Đỗ Phủ (712-770), tự là Tử Mỹ, đại thi hào thời Đường của Trung Quốc (ND).
[9] Trích bài Tiền xuất tái của Đỗ Phủ.
Gã tham tướng nghe lão nhân khoe văn, không đáp nổi, nghĩ chẳng có gì hay, liền lầm bầm: “Hay quái gì? Hừ, ở tửu lâu này thì đã sao? Lão đây xung phong hãm trận, có gì chưa thấy qua, cho dù có mắng họ Nhạc nọ mấy câu, hắn là kẻ chết rồi, còn có thể dọa lão đây rụt vòi chắc?”
Đây cũng có thể xem là lời xuống thang đấu dịu, người xung quanh chẳng ai đếm xỉa đến, ai ngờ một thư sinh tuổi chưa tới ba mươi bên cạnh lại nghe không thuận tai, lạnh lùng đáp rằng: “Dọa ngươi rụt vòi lại? Hà hà, như thế rốt lại rất không cần thiết, mà cũng quá bẩn thỉu rồi, chỉ có điều, cái đầu của các hạ ngài cần phải cẩn thận một chút.”
Gã tham tướng đang đầy một bụng tức, thấy thằng nghèo kiết kia cũng dám trêu mình, bèn đập bàn chửi: “Vòi của lão tử lại bẩn hơn vòi của tú tài mày sao? Lão tử chẳng phải thỏ[10], cần da mỏng thịt mềm làm cái gì? Trông cái tướng mày cũ kĩ tới mọc mụn, làm sạch vòi rồi cũng không giương nổi cung, phóng nổi tiễn, gieo không được giống, còn chẳng phải đồ bỏ sao!”
[10] Ẩn dụ đồng tính. Thời xưa, nhận thấy thỏ đực có thể quan hệ với cả thỏ đực, thỏ cái khác nên mượn dùng để chỉ quan hệ đồng tính. (ND)
Người Giang Nam phần lớn nói năng điềm đạm, đẹp đẽ, ý tứ, thái độ nhã nhặn, nghe thấy gã mắng chửi lung tung một hồi, lời thì thô lỗ chẳng quản lý lẽ, người trên lầu không làm được cười lớn một trận. Thư sinh kia tức tới đỏ bừng mặt, cất tiếng cười lạnh, bực dọc nói: “Vị quân gia này thật cường hãn lắm, không biết là cậy vào uy thế của ai vậy? Tào ngự sử à? Lão cũng đủ cuồng ngạo đấy! Chỉ không biết đem so với vị Đề kỵ đô úy Phùng Tiểu Phì Tử thì như thế nào? Hà hà!”
Tham tướng trừng mắt, đang định phát hỏa nhưng thấy thư sinh nọ vừa dứt lời, người trên lầu đột nhiên im bặt, người cùng bàn thì anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, ai nấy đều mang vẻ mặt kỳ quái mà thì thầm với nhau, tựa như có chuyện gì bí mật lắm. Gã tham tướng cũng từng nghe tới vị Phùng Tiểu Phì Tử này, hắn là con trai của Phùng Thị lang trong kinh, Phùng Thị lang bởi bái làm môn hạ của Tần Cối, quyền thế đang lúc vượng, ông con trai chẳng được tích sự, chỉ giỏi bài bạc, chè chén của lão cũng được ăn ké ơn huệ mà tên được liệt vào “Đề kỵ Tam thập nhị vệ”, có thể xem là kẻ bất tài nhất trong Tam thập nhị vệ. Phùng Tiểu Phì Tử này nổi danh là có ba nhiều ba ít: Lâu la nhiều, cha nuôi nhiều, mẹ hờ nhiều, lông mày ít, râu ria ít, gia giáo ít. Nhà cũ của hắn ở huyện Dư Hàng, đất rộng nghìn khoảnh, lầu cao điện gác lắm, vốn là bá chủ ở địa phương, là một ông vua con nổi tiếng “con rùa hủi đầu vòi hỏng[11]” ai ai cũng sợ, có thể nói là tai họa một vùng.
[11] Nguyên văn “vương bát lạt đầu tàn tư điểu”.