Phồn Chi (Tập 1) - Chương 04 phần 2
Hắn chỉ coi việc kia là đương nhiên.
“Anh xin lỗi…” Lý Thiên Dương vuốt ve hai bàn tay Vương Tranh, bao năm nay chưa khi nào lại kích động như lúc này. Hắn ngẩng đầu, định cười một cái, nhưng lại không thành công: “Anh không biết mình nên nói gì mới phải… nhưng là anh nợ em… anh xin lỗi…”
“Anh xin lỗi cũng phải thôi.” Vương Tranh rút hai tay về, lại lui ra sau vài bước, ngửa đầu hít sâu một hơi mới nhìn thẳng vào hắn, hốc mắt tuy là vẫn đỏ, nhưng cũng đã bình tĩnh hơn: “Mặc dù hơi muộn, nhưng có một câu hồi ấy tôi chưa nói nên bây giờ bổ sung. Lý Thiên Dương, chuyện anh muốn chia tay là rất đúng, tôi đồng ý!”
Lý Thiên Dương căng thẳng, khàn giọng nói: “Tiểu Tranh, anh…”
Vương Tranh thở dài một lần nữa, thản nhiên tiếp lời: “Trước kia vì tôi trẻ người non dạ, không hiểu chuyện nên có nhiều mặt làm không tốt, chắc đã gây không ít phiền phức cho anh? Chuyện đã vậy cũng không làm khác hơn được…” Lại lấy hơi mà nói: “Tôi không biết cách ứng xử, cũng không lanh lợi khôn khéo. Bất quá lòng tôi đối với anh chưa bao giờ thấy thẹn. Lúc trước, quả thật tôi đã lấy hai mươi vạn của anh, nhưng là do anh cho tôi. Anh đừng quên! Không phải là tôi đòi hỏi, mà chính anh tự nguyện cho. Một đồng tiền cũng đủ hại chết người. Nếu khi đó tôi không cầm tiền của anh thì chắc đã khốn khó hơn giờ rất nhiều. Nhưng nỗi khốn khó đó chẳng phải là vì anh. Là do anh đã sai. Hơn nữa, bao năm tôi sống cùng anh, cũng làm cho anh không ít chuyện, nên cũng không thể nói là tôi ngồi không mà hưởng, nhỉ?” Cậu dừng một chút, rồi lãnh đạm nói tiếp: “Lúc nãy, anh nhắc tới hai mươi vạn là có ý gì? Anh đổi ý hối hận rồi, muốn lấy lại?”
Lý Thiên Dương không nghĩ Vương Tranh sẽ nói vậy, bèn hốt hoảng giải thích: “Không phải thế. Anh mà hèn hạ tới nỗi đó sao? Khi nãy chẳng qua là vì anh thiếu suy nghĩ không lựa lời. Tiểu Tranh, anh chỉ muốn xem thử em sống có tốt không…”
“Thế là được rồi.” Vương Tranh mệt mỏi xoa xoa hai đầu mày, lạnh lùng nói: “Nói thật với anh, nếu anh kiên quyết muốn lấy lại tiền, tôi không những phải bán nhà, mà còn phải vay tiền mới đủ trả anh. Tôi không so nổi với ông chủ lớn như anh, buôn bán tiền triệu, tôi chẳng qua chỉ là một giáo viên. Muốn sống ở thành phố này cũng không phải dễ gì, nếu bắt tôi phải làm lại từ đầu thì đúng là không đủ sức đâu. Anh hẳn sẽ không nhỏ mọn như vậy, phải không? Được rồi, nhà anh cũng đã nhìn, chuyện cần yên tâm cũng không còn gì để lo. Chúng ta bữa khác gặp rồi nói tiếp, tôi mệt, không tiễn.”
“Tiểu Tranh…” Lý Thiên Dương vươn tay định bắt lấy tay cậu, nhưng cuối cùng lại uể oải buông thõng xuống. “Chúng ta đã bốn năm không gặp, lẽ nào không ngồi xuống nói chuyện một chút, anh…” Hắn đảo mắt nhìn bốn phía. “Anh vào nhà đã lâu mà em không mời anh được li nước, đây là đạo đãi khách của em ư?”
Vương Tranh nhếch môi cười, nụ cười trào phúng xen lẫn mỏi mệt, đoạn lại ngẩng đầu nhíu mày nhìn Lý Thiên Dương. “Anh nghĩ chúng ta phải nói gì thì mới thích hợp?”
“Có rất nhiều chuyện để nói, như em sống thế nào, anh sống ra sao…” Lý Thiên Dương bị một Vương Tranh lạ lẫm nói kích, không đường chống đỡ được, trong trí nhớ, cậu chưa bao giờ là người có thể thốt lên những lời bén nhọn như thế. “Trước đây, em luôn có rất nhiều chuyện để nói với anh…”
Vương Tranh nhíu mày, đau như bị ai lấy kim chích vào tim, nét cười châm chọc treo trên khóe môi cũng rạn nứt ra, trong mắt chứa đầy bi ai: “Sao anh lại quên nhanh thế? Trước kia, mỗi khi tôi muốn nói gì với anh, anh đều quá bận rộn để có thể nghe cho hết.”
Lý Thiên Dương đau buốt, khó nhọc đáp: “Anh sẽ không như thế…”
Vương Tranh chỉ cười mỉm, rời ánh mắt khỏi mặt hắn, nhìn vào một chỗ bâng quơ: “Vậy à? Cảm ơn anh đã có lòng, chuyện tôi từng định nói đều rất bình thường, lại còn tẻ nhạt, đâu so được với người lúc nào cũng bận rộn có nhiều việc quan trọng như anh. Mọi thứ không có gì đáng để kể cả.”
Cậu nói xong liền trầm mặc. Mất bao nhiêu sức lực lẫn thời gian cậu mới hiểu được rằng, không phải vì tình yêu mà dốc hết sức hết lòng, mang hết thảy ra trao tặng, như biết thì nói, khi nói liền chẳng chút giữ lại; không phải vì tình yêu mà toàn tâm toàn ý ỷ lại, đâm đầu đi thẳng không chừa đường lui.
Bị bỏ rơi nay gặp lại, cậu không phẫn nộ lên án đã là may mắn lắm rồi, thế nào lại còn muốn phải tỏ ra thân thiện hỏi chào?
“Tiểu Tranh, em đừng như vậy, được không? Em làm thế chỉ khiến anh thấy em còn hận anh.” Lý Thiên Dương nói vô cùng nhẹ nhàng. Hắn thốt ra những lời đó lại không ngờ rằng chỉ mang đến kết quả ngoài dự đoán, nên bây giờ không muốn tiếp tục bằng giọng điệu câu nệ sáo rỗng nữa. Hiện tại, Vương Tranh đã là giảng viên đại học, nếu cậu muốn thì có thể dễ dàng tranh luận phải trái với hắn tới cùng. Sự lạnh lùng cứng rắn này của Vương Tranh nằm ngoài dự tính của hắn. Chẳng thà cậu kích động mắng chửi, nguyền rủa, gào khóc với hắn thì mọi thứ đã dễ dàn xếp hơn. Chỉ cần cậu xúc động lên, Lý Thiên Dương liền đoán biết được nội tâm cậu, hiểu rằng sau bao năm, hắn vẫn có một vị trí nào đó trong lòng cậu. Nhưng lúc này Vương Tranh lại vô cùng khách khí nói chuyện với hắn, để hắn cách tim cậu xa vạn dặm. Điều hắn muốn làm bây giờ chính là đập vỡ lớp mặt nạ kia của cậu.
Quả nhiên, khi những lời kia được thốt ra, sắc mặt Vương Tranh liền thay đổi, hơi thở nặng nề, lồng ngực kịch liệt nhấp nhô, chân tay run rẩy nhũn ra, không thể không tựa vào bàn ăn mà chống đỡ. Ngay lúc Lý Thiên Dương định nhích thêm một bước nói ra lời sám hối thì Vương Tranh liền lớn tiếng nói: “Anh sai rồi. Tôi không hận anh.”
Lý Thiên Dương có chút sửng sốt nghe Vương Tranh khổ sở nhả ra từng chữ: “Nếu như phải hận, thì tôi chỉ hận chính mình.” Cậu nghiêng đầu, cắn răng nói: “Tôi hận mình chỉ vì một người đàn ông mà làm thương tổn cha mẹ, đến giờ vẫn không thể khiến họ tha thứ. Nỗi hận này mỗi khi nghĩ đến lại thấy tim đau đớn vô cùng.”
Đoạn, Vương Tranh lại ngẩng đầu, đưa ánh mắt sắc bén lên nhìn hắn. “Tôi không trách anh, tất cả đều vì tôi ngu. Chuyện tới nay, tôi chẳng qua chỉ vì không thể tha thứ cho sự ngu xuẩn đó của mình. Lý Thiên Dương, nếu anh thật lòng thấy mình sai, muốn thể hiện ý hối lỗi, thì tôi xin anh, mặc kệ anh vì mục đích gì mà tới, thì cũng hãy chấm dứt mọi chuyện ở đây đi.” Cậu đanh mặt nhìn hắn, nghiến răng gằn từng chữ: “Xin anh đừng xuất hiện trước mặt tôi nữa, đừng gợi tôi nhớ tới những chuyện đã xảy ra, được không?”
Giống như những thân nhân của bệnh nhân phải gác đêm khác, Từ Văn Diệu cũng chuẩn bị cho mình một quyển sách đọc giết thời gian.
Bệnh viện có thể được xem như là một sự tồn tại hết sức kì diệu, mở ra cánh cửa sinh tử nhiều kì quặc. Ngày hôm qua, hai lần anh đi ngang phòng bệnh thường thuộc Khoa Ngoại Lồng Ngực, thì cả hai lần đều nghe thấy tiếng gào thét đau đớn xuyên tâm. Mỗi khi âm thanh này vang lên liền chứng tỏ lại có thêm một người mất đi. Giữa bốn bề thân nhân gào khóc, lại lặng lẽ trút hơi tàn. Từ Văn Diệu sớm đã bước qua độ tuổi có thể sầu khóc cho bất cứ điều gì, nhưng lại không thể không thừa nhận, ở bệnh viện dường như người ta đã bỏ thêm thuốc kết dính vào, dễ dàng khiến thời gian trì trệ trôi đi, để cho ai lỡ sa chân vào sẽ bị vây chặt lấy, không cách nào nhấc nổi một bước đi về phía trước, cả người bị dán cái mác bi thương không lẫn vào đâu được. Người bệnh có thể xuất viện hay không, khi nào thì được bước đi, đều không còn do chính mình quyết định, lúc nào cũng phải dựa vào bác sĩ cùng những máy móc kia định đoạt.
Còn những thân nhân giống như anh, khi nào thì tiến vào chăm sóc bệnh nhân, khi nào phải rời đi, cũng bị quy vào trong những số liệu y học đầy khô khốc.
Từ Văn Diệu ngước đầu nhìn người đã ngủ say như con trẻ là Vu Huyên, đột ngột rất muốn lay tỉnh cô, để cô cùng anh quan sát cái nơi có tên là bệnh viện đầy kì lạ này. Hèn gì thái độ của Vu Huyên đối với nơi này đều rất lờ mờ, không tỏ ra chán ghét cũng chẳng ác ý chỉ trích, mỗi ngày tỉnh dậy đều mở mắt trao tráo, ngó nhìn xung quanh đầy thích thú.
Có lẽ, Vu Huyên đã thấy rất nhiều thứ mà anh không cách nào nhìn được.
Từ bé, Vu Huyên đã cùng anh sinh hoạt trong viện quân khu. Hai người cùng chơi đùa, cùng đi học, cùng tới lui trên một con đường, thân thiết đến mức biết nhà của nhau năm nay muối bao nhiêu vại dưa, tối ăn món gì. Nhưng lúc nào, anh cũng biết, anh và Vu Huyên là hai thế giới song song khác biệt. Anh không tài nào bước tới gần Vu Huyên, không chỉ mình anh, mà bất kì ai cũng không đến gần cô được.
Chẳng phải vì từ nhỏ Vu Huyên đã có năng lực đoán biết trước tương lai, còn bởi cô luôn tỏ ra hờ hững lạnh nhạt không hợp tuổi với thế giới này. Giống như có một chiếc lồng trong suốt bằng thủy tinh nhốt cô lại, ngăn cách cô với mọi thứ bên ngoài, đến cả gia đình cha mẹ cô cũng chỉ là kẻ đứng ngoài.
Những đứa trẻ trong quân viện không thích chơi với Vu Huyên, bạn bè trong trường cũng vậy. Tất cả đều không hẹn mà cùng cách li với cô. Không thể nói rõ ra là vì sao nhưng trẻ con luôn có thiên tính mẫn cảm hơn người lớn, luôn sinh ra cảnh giác với kẻ không phải đồng loại. Lúc đầu, có một vài cậu bé nghịch ngợm muốn tìm cách châm chọc Vu Huyên, nhưng không rõ cô dùng cách gì mà chỉ mới vài ngày đã khiến chúng sợ hãi tránh xa.
Sự sợ hãi của bọn trẻ đã lan đi rất nhanh, chưa hết một học kì, mọi học sinh trong trường đã xem cô như loại vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm mà tránh xa, luôn luôn giữ khoảng cách tự cho là an toàn với Vu Huyên.
Có lẽ đó cũng là kết quả mà Vu Huyên muốn, anh nghĩ vậy. Nhưng có vài lần, anh thấy Vu Huyên đứng ngoài phòng học, như một nữ vương cao ngạo lạnh lùng, phóng tầm mắt hờ hững xuống chúng dân trên sân thể dục. Ở nơi đó, là những cô nhóc cậu bé áo quần xúng xính, mặt mày tươi rói đang tụm năm tụm bảy chơi đùa.
Những lúc như thế, ánh mắt của Vu Huyên luôn rất phức tạp, có chút gì đó nhu hòa đáng thương, cũng xen lẫn một khát khao đè nén.
Từ Văn Diệu nhớ có đôi lần khi anh quan sát Vu Huyên, anh thấy ngón tay cô bấu chặt vào quai túi xách, cô siết rất mạnh, những ngón tay đều trắng bệch đi.
Tuy họ lớn lên cùng nhau, nhưng gần như là không có thời gian cùng nô đùa. Bây giờ nhớ lại, ấn tượng về tuổi thơ của cô gái này, chỉ dừng lại ở duy nhất một khung cảnh: Vu Huyên bé nhỏ đơn độc đứng ngoài phòng học, nhìn thế giới bên trong vui vẻ vận hành. Hình ảnh đó trở thành một bức ảnh đen trắng cũ kĩ, vĩnh viễn cô độc, vĩnh viễn dừng lại ở giây phút đó.
Khi ấy, Từ Văn Diệu mới chỉ mười tuổi, nhưng lại không biết vì sao luôn thấy tim mình đau đớn. Anh đã nghĩ, nếu cô bé phải cô độc như thế mà lớn lên rồi chết đi, thì hẳn là gian nan lắm.
Từ Văn Diệu cũng không chú tâm quá nhiều về chuyện của Vu Huyên. Cô có thế giới riêng của mình, có niềm cô độc không ai phá vỡ nổi. Và anh cũng vậy. Trong mắt người khác anh là bậc nho nhã lễ độ, bối cảnh gia đình vẻ vang hiển hách, không khi nào cậy vào những điều đó mà lên mặt ức hiếp người. Song anh và Vu Huyên giống nhau, cũng có thành trì kiên cố mà người khác không thể xâm nhập được. Khi anh mười bốn tuổi, đã xảy ra một chuyện khiến anh phải dựng nên phòng vệ vững chắc, cũng như những thương tổn cả đời khó quên.
Năm ấy, anh phát hiện ra người mình thích không phải là một cô gái xinh đẹp đáng yêu, ngược lại là một nam sinh có cấu tạo cơ thể giống hệt mình.
Anh nhớ khi đó diễn ra một trận xung đột trên sân bóng rổ. Hai nhóm học sinh từ hai trường khác nhau tranh nhau sân bóng, anh vì giúp bạn mà dẫn theo mấy anh em trong viện quân khu tham gia ẩu đả. Hai bên dùng bóng rổ ra quyết định thắng thua. Quả bóng trở thành vũ khí, nó bị đập quá mạnh mất phương hướng rồi va trúng vào một người đi đường. Mắt kính của người đó vỡ tan, cái mũi cao thanh tú cũng vì thế mà chảy máu rất nhiều.
Lúc đó, anh không biết mình bị gì. Trong tình huống đó, anh cũng chỉ là một người tình cờ có mặt rồi chứng kiến thôi, nhưng khi nhìn máu từ cánh mũi người đó chảy dọc xuống má, nổi bật trên nền da trắng như ngọc, lại thấy nó đẹp lạ lùng.
Cỗ cảm xúc khác thường ồ ạt vỡ òa như lũ. Từ đó về sau anh không còn quay về được nữa.
Buổi tối cùng ngày, anh mơ thấy gương mặt tuấn tú dính bê bết máu của người kia, đôi mắt vì đau mà ứa nước, bất chợt thân dưới của anh cương cứng lên, phải dùng tay an ủi mới xoa dịu được.
Anh cũng đã trải qua chứng mộng tinh, mơ thấy gì thì không nhớ rõ, từ nhỏ rất giỏi kiềm chế xúc động trong lòng, chuyện tự an ủi cũng thành thạo hơn thiếu niên cùng lứa, nhưng khát khao dục cảm mãnh liệt như vậy, nó thôi thúc dồn nén xuống hết cả phần bụng dưới của anh, đến cả tự mình dùng tay cũng không làm dịu được, thì đúng là lần đầu.
Giống như lửa bén rồi cháy lan ngoài đồng cỏ khô hanh. Nếu chỉ dựa vào ý chí của thiếu niên mười bốn tuổi thì không cách nào dập tắt nổi.
Sau đó, Từ Văn Diệu đã dùng trăm phương ngàn kế tiếp cận với người thanh niên nọ. Đối phương là giáo viên vừa tốt nghiệp đại học không lâu, dạy môn Sinh học ở trường cấp hai gần trường anh đang học. Từ Văn Diệu dựa vào vẻ ngoài điển trai cùng năng lực giao thiệp rèn luyện từ bé mà cố tình tạo dựng một vài sự cố nho nhỏ trước mặt người kia, rồi sắm vai học sinh cá biệt nhưng đầy tài năng nhằm kích thích nhiệt huyết của người thầy trẻ vừa tốt nghiệp nọ, rồi trở thành học sinh được thầy giáo ấy quan tâm chăm sóc và phụ đạo.
Từ đầu tới cuối, người thầy trẻ kia không hề biết, cậu bé lỡ sa chân vào đường xấu mà mình dốc lòng giúp đỡ lại là một học sinh ưu tú của một ngôi trường trọng điểm khác.
Từ Văn Diệu khát khao đối phương đến gần như không khống chế được. Mỗi bước tiếp cận lại mong được gần hơn một chút, máu toàn thân sôi sục kêu gào muốn được nhiều hơn. Đến tận bây giờ, anh cũng không biết, nỗi khao khát của mình với người kia khi đó là vì yêu quý thật lòng hay sự ích kỉ muốn độc chiếm của tuổi trẻ? Hoặc là cả hai? Nhưng anh có thể hiểu được, vào thời điểm đó, anh đã sa chân sâu xuống bùn, không thể nào vẫy vùng được nữa.
Đối phương không ngoài dự đoán, là một người dị tính, đã có bạn gái hơn hai năm, đang trong giai đoạn bàn chuyện cưới xin.
Từ Văn Diệu có lừa mình dối người cỡ nào cũng không cản được bản tính thông minh lanh lợi. Không lâu sau, anh lại biết chiếc đồng hồ quả quýt mà anh tâm tâm niệm niệm tặng cho đối phương, lại bị đối phương tặng cho bạn gái của anh ta.
Khi ấy anh còn quá nhỏ để biết phải kiềm chế cơn giận ra sao, chỉ hiểu lúc đó cứ muốn giết người cho hả dạ.
Từ bé tới lớn, Từ Văn Diệu luôn sống trong chiến thắng, thành công và ưu việt, đả kích bị phản bội đó với anh như một đòn sỉ nhục, là kết quả mà kẻ kiêu ngạo như anh không tài gì chấp nhận được. Trong hoàn cảnh đó, anh đã dùng thái độ hết sức bình tĩnh mà tiến hành ý niệm điên cuồng của mình. Anh đã lợi dụng lòng hư vinh của cô bạn gái đó, cố tình dàn dựng để cô ta quen biết với những công tử giàu có, con quan lớn trong quân đội. Những kẻ đó đều tùy hứng phong lưu, hễ gặp phụ nữ lại ân cần lễ độ, dụ người ta sa vào trong bẫy rập. Từ Văn Diệu thờ ơ chứng kiến mọi chuyện, nhìn cô gái nhẹ dạ vì tiền của những cậu ấm kia mà xiêu lòng, vì những món quà xa xỉ mà một thầy giáo trung học không cách nào mua nổi mà thay đổi. Anh lẳng lặng đứng một bên dàn xếp hết thảy, hết lần này đến lần khác, từ vô ý mà trở thành hữu ý, để cả hai bên đều tình nguyện gặp gỡ qua lại với nhau, sau đó thì tình nồng ý thắm mà gạo nấu thành cơm.
Sau đấy, anh lại dùng vẻ mặt bất an, thái độ lo âu mà úp mở chuyện cô bạn gái thay lòng đổi dạ với người thầy kia.
Anh dù có khôn khéo hơn thì cũng chỉ là cậu bé mười bốn tuổi, khi sự tình diễn ra, hậu quả xảy đến khiến anh cũng không ngờ.
Đôi tình nhân ngày trước yêu thương hiểu nhau là vậy, nay lại thành trở mặt khắc khẩu. Hình ảnh tốt đẹp của nhau trong mắt đối phương bỗng chốc méo mó biến dạng. Việc Từ Văn Diệu khó lường nhất chính là, sau khi người thầy trẻ biết bạn gái mình phản bội, liền không quan tâm thể diện, trước mặt mọi người mà đau khổ quỳ xuống van nài cô ta hồi tâm chuyển ý, dù bị cô ta cự tuyệt thì vẫn bám riết không rời. Bạn trai mới của cô ta cũng là công tử Từ Văn Diệu giới thiệu nào thuộc hàng dễ đối phó? Khi thấy người thầy cứ lằng nhằng bám theo cô nàng, liền cho người đánh anh ta một trận. Sau trận đòn, anh ta vẫn u mê không hiểu, tại sao đã tận lực, hết lòng yêu thương, cố gắng làm việc để cải thiện tương lai, cô nàng vẫn tàn nhẫn đối xử với anh ta như thế?
Càng lúc, người thanh niên đó càng ít nói trầm mặc. Khi vết thương đã lành, liền lấy cớ chia tay để hẹn người yêu ra gặp mặt, lấy con dao rọc giấy giấu trong túi áo mà cứa cổ cô gái.
Nghe nói vết thương rất gọn ghẽ dứt khoát, chẳng phải tay mơ làm được. Từ Văn Diệu biết, người thanh niên đó từng mơ ước được trở thành nhà sinh vật học, hiểu rất rõ về kĩ năng giải phẫu. Khi còn ở đại học, từng vì tay nghề cầm dao mổ xảo diệu mà được bạn bè thầy cô khen ngợi.
Chuyện đã qua bao năm, Từ Văn Diệu vẫn nhớ, anh đã ảo tưởng về tương lai tươi đẹp của hai người thế nào lúc người thanh niên đó bị đánh đập, anh cho rằng cơ hội của mình cuối cùng cũng đã đến. Ngày đó, anh dặn người giúp việc hầm canh bổ để mang đến bệnh viện cho đối phương. Chẳng có gì dễ dàng khiến người ta rung động hơn việc trong ngày đông giá rét, trao vào tay họ một lò than ấm áp. Từ Văn Diệu biết vậy nên đã định ngồi bên giường khóc lóc với người đó một phen, rồi chân thành thổ lộ tình cảm giấu kín suốt bao ngày. Người phụ nữ ham tiền kia tính là gì, anh hoàn toàn tin tưởng mình chỉ cần chưa đầy hai tháng liền khiến người thanh niên đó rung động.
Anh đắc ý cầm bình canh ra cửa thì đụng trúng Vu Huyên.
Trong trí nhớ, Vu Huyên luôn lướt vai anh mà qua, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng, như thể hình ảnh anh chưa bao giờ lọt vào trong mí mắt của cô. Nhưng khi ấy, Vu Huyên lại hành động ngoài dự kiến, bắt lấy cánh tay anh, đôi mắt sáng lấp lánh, như thể muốn siết gãy cổ tay anh vậy. Rồi sau đó, cô nhắm mắt lại, khi mở ra lại như bị đả kích nặng nề mà mặt mày tái nhợt, ánh mắt cô nhìn anh tràn đầy hoảng loạn cùng tức giận. Và, lúc sau nữa, cô bỗng thở mạnh, rút tay mình khỏi cánh tay anh, giáng cho anh một cái tát.
Móng tay cô sắc nhọn, cứa lên mặt Từ Văn Diệu đau rát.
Từ Văn Diệu tức giận, thô bạo đẩy cô ra: “Cô đánh tôi! Cô điên rồi à?”
Rồi theo bản năng, anh trở tay giáng trả Vu Huyên một bạt tai.
Nhưng tay anh chưa hạ xuống thì Vu Huyên đã lạnh lùng nói: “Thật tội nghiệp cho bình canh này quá!”
Từ Văn Diệu nhíu mày: “Cô nói cái gì?”
“Cất công làm ra nhưng lại không ai ăn. Như thế không tội nghiệp thì là gì?” Vu Huyên hừ một tiếng, “Anh sẽ hối hận!”
Đó là lần đầu tiên Vu Huyên chủ động nói chuyện với Từ Văn Diệu. Sau đó, anh chạy tới bệnh viện, nhìn giường bệnh trống trải mà lòng đầy bất an. Nửa ngày sau anh mới biết thảm kịch đã xảy ra.
Phải mất rất nhiều năm sau, anh mới hiểu thế nào gọi là hối hận.
Bình canh kia đương nhiên cũng không có ai ăn. Từ Văn Diệu đổ nó vào bồn xí rồi giật nước để nước cuốn đi.
Sau đấy, anh ngả xuống đất, vục mặt vào trong bồn xí, nôn một trận, dạ dày đau kịch liệt, lặng yên khóc nức nở.
Bấy giờ, anh mới hiểu được một chuyện: Người thanh niên đó sống ở nông thôn, dựa vào sức mình vất vả học tới đại học, quen biết bạn gái, còn tìm được một công việc tốt. Với người kia mà nói, cuộc đời phải là như thế, lấy vợ sinh con, chăm nom nhà cửa, hiếu thuận với cha mẹ. Đó là tất cả nguyện vọng của anh ta, phải kiên trì cố gắng tới cùng. Vậy nên, anh ta không cách nào chịu đựng nổi việc cô bạn gái vì tiền mà phản bội mình, lại cũng không chấp nhận việc có một kẻ đồng tính là anh thích anh ta. Người thanh niên đó có những ước vọng giản đơn chỉ cần nhìn một cái liền thấu suốt. Cuộc sống của anh ta đầy kiên định, tin tưởng lại an toàn. Vì sống quá lâu trong thế giới đơn thuần đó nên không thể chịu được việc quang cảnh mình quen thuộc sụp đổ trong nháy mắt.
Nhưng Từ Văn Diệu mười bốn tuổi lại không hề biết, chia rẽ người khác không chỉ giản đơn là thế, mà còn là phá tan thế giới của một con người.
Mười mấy năm sau, những khi nhớ lại chuyện này, anh lại hối hận và xấu hổ không thôi. Bản thân anh đã không chuẩn bị kĩ lưỡng, không có thái độ đúng mực và cả trí tuệ, anh đã vì mình tùy hứng, mình ích kỉ, mình không đủ kiềm chế, đi hủy hoại cuộc sống của một người vô tội mà ăn năn không dứt. Anh nghĩ, hiện tại sẽ không ngây thơ như đã từng, dẫu có khát khao ai đó cũng chẳng bất chấp phương thức, và dù có xài tới thủ đoạn thì cũng không để mình phải mang tội lỗi vào người. Cảm giác luyến ái ngây ngô thủa thiếu thời, niềm yêu thích vụng dại không kịp hóa thành tình yêu chân chính lúc bé… nếu là bây giờ, anh nhất định sẽ nói cho đối phương biết. Lúc trước, là vì anh bồng bột non dại, nên gây ra đủ chuyện ngu xuẩn, dẫn phát thành hậu quả không thể chấp nhận nổi. Cũng chính vì vậy mà anh đã mất đi cơ hội được tỏ rõ lòng mình.
Giữa lúc anh đắm chìm trong chuyện xưa quá vãng, thì một bàn tay mềm mại nắm lấy tay anh. Từ Văn Diệu ngẩng đầu, thấy Vu Huyên đang mỉm cười nhìn anh, anh liền trở tay vỗ vỗ mu bàn tay của cô: “Tỉnh rồi à? Có thấy đói không?”
“Đói con khỉ.” Vu Huyên vô lực đáp, đảo mắt nhìn quanh phòng: “Tiểu Tranh của em đâu?”
“Yên tâm.” Từ Văn Diệu cười một tiếng. “Anh đã đưa người ta về tận nhà rồi.”
Vu Huyên thở dài: “Em có làm cậu ấy sợ không?”
“Làm gì mà tới nỗi đó hả cô hai?” Từ Văn Diệu lắc đầu. “Vương Tranh mạnh mẽ hơn em tưởng nhiều, nhưng vì lo cho em nên chắc là đang rầu lắm.”
Vu Huyên nhếch miệng, cười đầy xấu xa: “Sao hả, cậu ấy quá tuyệt phải không? Nhà cậu ấy ở đâu chắc anh biết rồi ha, sau này có thể từ từ mà phát triển quan hệ. Chắc cũng không cần em dạy đâu nhỉ?”
Từ Văn Diệu phì cười, đứng dậy lấy bình giữ nhiệt đặt ở đầu giường, trút phần canh nóng trong bình ra bát: “Em đừng nói dễ nghe như vậy, dù có là nói đùa thì cũng có giới hạn thôi.”
“Ai bảo em nói đùa! Mẹ kiếp, em thật lòng thật dạ…” Vu Huyên nóng nảy nhổm dậy.
“Được rồi, được rồi. Đừng kích động thế chứ. Nằm xuống nào.” Từ Văn Diệu nheo mắt, ngăn lại hành động của cô, khe khẽ thở dài, “Bây giờ không phải lúc nói tới việc đó.”
“Sao lại không phải lúc? Em nói anh biết, đây là cơ hội cuối cùng của hai người. Lần này mà còn lỡ mất thì sẽ không còn lần nào nữa đâu. Tiểu Tranh vừa đẹp trai, vừa tốt bụng, lại có học vấn. Anh nghĩ anh còn trẻ để trì hoãn ư, có muốn kén chọn cũng không tới phiên anh…”
“Vu Huyên! Em im lặng cho anh nào.” Từ Văn Diệu bị sự hấp tấp của cô chọc cười. “Em chuyển sang nghề mai mối từ khi nào thế? Tính chất công việc của nghề này không hợp với em đâu. Em hãy nghe anh nói. Anh biết Vương Tranh là một đối tượng tuyệt vời, anh tin em nói là cậu ta hợp với anh. Nhưng chuyện này không phải chỉ vì hợp mà thành được, em hiểu không?”
Vu Huyên có chút bối rối trừng mắt nhìn anh.
“Anh không có ý định sẽ tiến thêm bước nữa.” Từ Văn Diệu thẳng thắn. “Anh vẫn không quên được những gì xảy ra trong quá khứ.”
Vu Huyên trầm ngâm, thở dài: “Hai người các anh… em có chết rồi cũng không bớt lo được.”
“Được rồi thím Vu…” Từ Văn Diệu đổ canh từ bình giữ nhiệt ra, sau đó đặt bát canh lên trước mặt cô.