21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 05

Phần II

* * *

Thách Thức Chính Trị

Sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học đe dọa những giá trị hiện đại cốt lõi của tự do và bình đẳng. Bất cứ giải pháp nào cho thử thách công nghệ này đều phải bao gồm hợp tác toàn cầu. Nhưng chủ nghĩa dãn tộc, tôn giáo và văn hóa chia cắt con người thành những phe phái thù nghịch và khiến việc hợp tác trên quy mô toàn cầu trở nên rất khó khăn.

5

* * *

Cộng Đồng

CON NGƯỜI THÌ CÓ THÂN THỂ

CALIFOMIA ĐÃ quen với động đất, nhưng cơn địa chấn chính trị của cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn là một cú sốc ghê gớm đối với Thung lũng Silicon. Nhận ra mình có lẽ là một phần của vấn đề, các phù thủy thiên tài về máy tính đã phản ứng bằng cách làm những gì các kỹ sư làm giỏi nhất: tìm kiếm một giải pháp kỹ thuật. Không đâu phản ứng lại dữ dội hơn ở trụ sở của Facebook tại Menlo Park. Điều này là dễ hiểu. Vì hoạt động kinh doanh của Facebook là mạng xã hội nên nó nhạy với các biến động xã hội hơn cả.

Sau ba tháng “tự vấn lương tâm”, vào ngày 16 tháng Hai năm 2017, Mark Zuckerberg đã công bố một tuyên ngôn táo bạo về sự cần thiết phải xây dựng một cộng đồng toàn cầu và vai trò của Facebook trong dự án đó. Trong một bài diễn văn tiếp sau đó, mở đầu Hội nghị thượng đỉnh các cộng đồng vào ngày 22 tháng Sáu năm 2017, Zuckerberg giải thích rằng các biến động xã hội-chính trị trong thời đại của chúng ta, từ nạn sử dụng ma túy tràn lan đến các thể chế độc đoán, kết quả sự mất kết nối của các cộng đồng trên quy mô lớn. Anh than vãn rằng “trong nhiều thập kỷ, số hội viên trong tất cả các dạng hội nhóm đã giảm đến một phần tư. Như vậy là rất nhiều người đang cần tìm kiếm cảm nhận về mục đích và nâng đỡ từ một nơi nào đó khác.” Anh ta hứa hẹn rằng Facebook sẽ dẫn đầu cuộc tiến công hòng Xây dựng lại những cộng đồng này và các kỹ sư của anh ta sẽ gánh vác gánh nặng đã bị các mục sư xứ đạo bỏ lại. Zuckerberg nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu đưa ra vài công cụ để việc xây dựng các cộng đồng trở nên dễ dàng hơn.”

Anh ta cũng giải thích thêm: “Chúng tôi đã khởi động một dự án để xem có thể đạt được những tiến bộ trong việc gọi ý các hội nhóm có ý nghĩa đối với các bạn không. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng trí tuệ nhân tạo để làm việc này. Và nó đang có tác dụng. Trong sáu tháng đầu, chúng tôi đã giúp thêm 50% các thành viên gia nhập các cộng đồng cố ý nghĩa”. Mục tiêu cuối cùng của anh ta là “giúp 1 tỷ người gia nhập những cộng đồng có ý nghĩa… Nếu chúng tôi có thể làm việc này, điều đó sẽ không chỉ đảo ngược hoàn toàn sự sụt giảm số lượng hội viên cộng đồng mà chúng ta đã chứng kiến nhiều thập kỷ nay mà nó sẽ bắt đầu thắt chặt kết cấu xã hội và đưa thế giới lại gần nhau hơn.” Mục tiêu này quan trọng đến mức Zuckerberg nguyện “sẽ thay đổi toàn bộ sứ mệnh của Facebook để đạt được điều này.”

Zuckerberg chắc chắn đúng khi than vãn về sự đổ vỡ của các cộng đồng. Thế nhưng vài tháng sau khi Zuckerberg trịnh trọng đưa ra lời tuyên bố của mình, đúng lúc cuốn sách này chuẩn bị in, thì vụ bê bối Cambridge Analytica hé lộ việc các dữ liệu được tin cậy trao cho Facebook đã bị các bên thứ ba thu thập và sử dụng để thao túng các cuộc bầu cử ở khắp nơi trên thế giới. Điều này đã biến những lời hứa hẹn cao siêu của Zuckerberg thành trò hề và làm lòng tin của công chứng vào Facebook vỡ vụn. Ta chỉ có thể hy vọng rằng trước khi xắn tay xây dựng các cộng đồng người mới, Facebook đầu tiên phải tự cam kết bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của các cộng đồng đã có sẵn.

Tuy nhiên, ta cũng nên xem xét tầm nhìn mang tính cộng đồng của Facebook một cách kỹ càng và nghiên cứu xem một khi an ninh đã được thắt chặt hơn thì các mạng xã hội trực tuyến cố thể giúp xây dựng một cộng đồng người toàn cầu không. Trong thế kỷ 21, con người có thể được nâng cấp thành các vị thần; nhưng vào năm 2018, chúng ta vẫn chỉ là những động vật thời Đồ Đá. Để phát triển, ta vẫn cần gắn mình vào các cộng đồng mật thiết. Suốt hàng triệu năm, loài người đã thích nghi với việc sống thành các nhóm nhỏ không quá vài tá người. Ngay cả ngày nay, phần lớn chúng ta vẫn thấy khó thực sự hiểu hết về quá 150 cá thể, cho dù ta có huênh hoang về số bạn bè trên Facebook. Và nếu không là thành viên của bất kỳ cộng đồng mật thiết nào, con người cảm thấy cô đơn và xa lạ.

Không may là trong hai thế kỷ gần đây, các cộng đồng mật thiết đang dần tan rã. Nỗ lực thay thế các nhóm nhỏ gồm những người thật sự quen thân với nhau bằng các cộng đồng tưởng tượng gồm những quốc gia và đảng phái chính trị sẽ không bao giờ thành công trọn vẹn. Hàng triệu anh chị em trong gia đình-quốc gia và hàng triệu thành viên trong đảng phái không thể mang lại cho bạn sự thân thuộc ấm áp mà một người anh chị em ruột hay một người bạn có thể mang lại. Do đó, con người đang sống những cuộc đời ngày càng cô đơn trong một hành tinh ngày một thêm tính kết nối. Nhiều đứt gãy xã hội và chính trị của thời đại chúng ta có thể truy nguyên từ tình trạng này.

Do đó, tầm nhìn của Zuckerberg về việc tái kết nối con người với nhau là cao quý và đúng thời điểm. Nhưng lời nói thường rẻ hơn hành động, và để đưa tầm nhìn này vào hiện thực, Facebook có thể sẽ phải thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của mình. Bạn khó lòng xây dựng một cộng đồng toàn cầu khi bạn kiếm tiền từ việc nắm lấy sự chú ý của người khác và bán chúng cho những nhà quảng cáo. Dầu vậy, chỉ sự sốt sắng của Zuckerberg khi đưa ra một tầm nhìn như vậy thôi cũng đã đáng khen ngợi. Hầu hết các tập đoàn tin rằng họ nên tập trung vào kiếm tiền, các chính phủ nên can thiệp càng ít càng tốt và nhân loại nên tin rằng các động lực thị trường sẽ đưa ra các quyết định thực sự quan trọng thay cho chúng ta. Do đó, nếu Facebook định đưa ra một cam kết mang ý nghĩa ý thức hệ thực sự nhằm xây dựng các cộng đồng thì những người đang run sợ quyền lực của nó không nên đẩy nó về cái kén tập đoàn của nó bằng những lời gào thét “Anh Cả!”. Thay vào đó, ta nên hối thúc các tập đoàn, tổ chức và chính phủ khác thách thức Facebook bằng cách đưa ra các cam kết mang ý nghĩa ý thức hệ của riêng mình.

Dĩ nhiên, không thiếu các tổ chức than vãn về sự đổ vỡ của các cộng đồng và cố công xây dựng lại chúng. Mọi người, từ các nhà hoạt động nữ quyền đến những kẻ Hồi giáo chính tông, đều hoạt động trong lĩnh vực xây-dựng-cộng-đồng và chúng ta sẽ nghiên cứu một số nỗ lực của họ trong các chương sau. Điều khiến bước khởi đầu của Facebook trở nên độc đáo chính là phạm vi toàn cầu của nó, sự chống lưng mang tính tập đoàn của nó và niềm tin sâu sắc của nó vào công nghệ. Zuckerberg nói rất thuyết phục rằng AI mới của Facebook không chỉ có thể nhận dạng “các cộng đồng có ý nghĩa” mà còn có thể “thắt chặt kết cấu xã hội và đưa thế giới lại gần nhau hơn”. Điều này tham vọng hơn nhiều so với việc dùng AI để lái một chiếc xe hay chẩn đoán ung thư.

Tầm nhìn cộng đồng của Facebook có lẽ là nỗ lực rõ ràng đầu tiên hòng sử dụng AI cho công cuộc kiến thiết xã hội được hoạch định một cách tập trung trên phạm vi toàn cầu. Do đó nó là một ca sát hạch cực kỳ quan trọng. Nếu nó thành công, nhiều khả năng là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều nỗ lực như thế nữa và các thuật toán sẽ được công nhận là những chủ nhân mới của các mạng lưới xã hội con người. Nếu nó thất bại, nó sẽ hé lộ các giới hạn của những công nghệ mới: các thuật toán có thể dùng cho việc lái xe và chữa bệnh, nhưng khi nói đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, chúng ta vẫn nên dựa vào các chính trị gia và mục sư.

—ooOoo—

TRỰC TUYẾN VỚI NGOẠI TUYẾN

TRONG NHỮNG năm trở lại đây, Facebook đã đạt những thành công đáng kinh ngạc và hiện có hơn 2 tỷ người dùng đang hoạt động. Thế nhưng để hiện thực hóa tầm nhìn mới của mình, nó sẽ phải bắc nhịp cầu nối giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Một cộng đồng có thể bắt đầu như một cuộc tụ tập trực tuyến; nhưng để thực sự đơm hoa kết trái, nó sẽ phải cắm rễ trong thế giới ngoại tuyến nữa. Nếu một ngày nọ, ai đó cấm Facebook ở đất nước mình hay rút hết dây cắm kết nối Internet, các cộng đồng sẽ tan biến hay sẽ tập hợp lại và đáp trả? Họ có thể tổ chức một cuộc biểu tình mà không cần trao đổi trực tuyến không?

Zuckerberg giải thích trong tuyên ngôn tháng Hai năm 2017 rằng các cộng đồng trực tuyến giúp nuôi dưỡng các cộng đồng ngoại tuyến. Điều này thi thoảng đúng. Nhưng trong nhiều trường hợp, trực tuyến hiện hữu với cái giá phải trả là đánh mất ngoại tuyến và có một sự khác biệt căn bản giữa hai hình thức này. Cộng đồng thực thể có một độ sâu sắc mà cộng đồng ảo không thể sánh kịp, ít nhất là trong tương lai gần. Nếu tôi nằm trên giường bệnh ở Israel, những người bạn mạng của tôi từ Califomia có thể nói chuyện với tôi nhưng họ không thể mang cho tôi xúp hay một cốc trà.

Con người thì có thân thể. Trong một thế kỷ vừa qua, công nghệ đã tạo khoảng cách giữa chúng ta với cơ thể của chính mình. Chúng ta đã và đang mất dần khả năng chú ý đến những gì mình ngửi và nếm. Thay vào đó, ta mải mê chìm vào điện thoại thông minh và máy tính. Ta hứng thú với những gì xảy ra trong không gian mạng hơn những gì xảy ra dưới phố. Nói chuyện với anh họ của tôi ở Thụy Sĩ thậm chí còn dễ hơn bao giờ hết, nhưng nói chuyện với chồng tôi trong bữa sáng thì lại khó hơn vì anh liên tục nhìn điện thoại thay vì nhìn tôi.

Trong quá khứ, con người không được phép bất cẩn như vậy. Những người hái lượm cổ đại lúc nào cũng tỉnh táo và tình ý. Lang thang trong rừng tìm nấm, họ chăm chú nhìn mặt đất để kiếm những chỗ bị đội lên báo hiệu có nấm. Họ lắng nghe những tiếng động nhỏ nhất trong đám cỏ để xem liệu có con rắn nào nấp ở đó hay không. Khi tìm thấy một cây nấm ăn được, họ quan sát hết sức chăm chú để phân biệt nó với đám họ hàng có độc. Các thành viên của những xã hội giàu có ngày nay không cần cảnh giác đến mức đó. Chúng ta có thể lang thang giữa các quầy hàng siêu thị trong khi tay bấm tin nhắn và có thể mua bất cứ loại nào trong hàng ngàn món ăn, mọi thứ đã được các cơ quan chăm sóc sức khỏe giám sát. Nhưng dù chọn gì đi nữa, rốt cuộc ta cũng sẽ ăn vội uống vàng trước một cái màn hình, kiểm tra thư điện tử hoặc xem TV trong khi chẳng mấy chú ý đến mùi vị thực sự của nó.

Zuckerberg nói Facebook cam kết “tiếp tục cải thiện các công cụ cho chúng tôi để cho bạn sức mạnh chia sẻ trải nghiệm của mình” với người khác. Nhưng có khi điều con người thục sự cần là công cụ để kết nối với trải nghiệm của chính họ. Với danh nghĩa “chia sẻ trải nghiệm”, con người được khuyến khích hiểu những gì đang xảy ra với mình theo cách người khác nhìn nhận chúng. Nếu có việc gì hứng khởi xảy ra, bản năng của người dùng Facebook là lôi điện thoại ra, bấm chụp ảnh, dăng lên mạng và đợi các lượt “thích”. Trong quá trình đó, họ gần như không để ý xem bản thân cảm thấy thế nào. Quả thực, các phản ứng trên mạng đang ngày càng quyết định những gì họ cảm thấy.

Những người xa rời co thể, giác quan và môi trường vật lý quanh mình nhiều khả năng sẽ thấy ngày càng lạc lõng và mầt phương hướng. Các nhà bình luận thường cho rằng sự sa sút cua các kết nối tôn giáo và dân tộc là thủ phạm gây ra nhừng cảm xúc xa cách đó, nhưng mất kết nối với cơ thể của bạn có lẽ còn đóng vai trò quan trọng hơn. Con người đã sống hàng triệu năm không có tôn giáo hay dân tộc; có lẽ họ có thể sống hạnh phúc không có hai thứ đó trong thế kỷ 21. Nhưng họ không thể sống hạnh phúc nếu họ bị mất kết nối với cơ thể mình. Nếu bạn thấy xa lạ trong chính cơ thể của bạn, bạn sẽ không bao giờ thấy thoải mái trong thế giới này.

Cho đến bây giờ, mô hình kinh doanh của chính Facebook luôn khuyến khích con người dành nhiều thời gian hơn nữa ở trên mạng dù điều đó có nghĩa sẽ có ít thời gian và năng lượng cho các hoạt động ngoài đời thực hơn. Liệu nó có thể áp dụng một mô hình mới khuyến khích con người chỉ lên mạng khi thật sự cần thiết và chú ý hơn tới môi trường vật lý, cho cơ thể cũng như các giác quan của chính họ? Các cổ đông của Facebook sẽ nghĩ gì về mô hình này? (Một phác thảo của mô hình thay thế như vậy đã được Tristan Harris, một cựu nhân viên Google và một triết gia công nghệ, đưa ra; anh cũng đã nghĩ ra một thước đo mới có tên gọi “thời gian được sử dụng tốt”.)

Những hạn chế của các mối quan hệ trực tuyến cũng làm xói mòn giải pháp đối với sự phân cực xã hội của Zuckerberg. Anh ta đã đúng khi chỉ ra rằng chỉ kết nối con người và cho họ tiếp xúc với các ý kiến khác nhau sẽ không thu hẹp khoảng cách xã hội vì “cho người ta xem một bài báo từ góc nhìn đối lập thật ra sẽ chỉ làm sâu thêm sự phân cực xã hội bằng cách đóng khung các góc nhìn khác đó là ngoại lai”. Thay vào đó, Zuckerberg gọi ý rằng “các giải pháp tốt nhất nhằm cải thiện giao tiếp có thể đến từ việc nhìn nhận nhau nhữ những con người toàn diện chứ không chỉ là các ý kiến, một điều mà Facebook đặc biệt phù hợp để làm. Nếu chúng ta kết nối với người khác dựa trên những điểm chung giữa chúng ta, như các đội bóng, các chương trình truyền hình, sở thích, việc đối thoại về những bất đồng sẽ dễ dàng hơn.”

Thế nhưng, việc nhìn nhận nhau như những con người “toàn diện” là cực kỳ khó. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và cần tương tác vật lý trực tiếp. Như đã nói ở trên, một Homo sapiens trung bình có lẽ không có khả năng biết tường tận quá 150 người. Lý tưởng thì việc xây dựng các cộng đồng không cần là một cuộc chơi được mất ngang nhau. Con người có thể cảm thấy trung thành với nhiều nhóm cùng lúc. Không may là các mối quan hệ thân mật lại có thể là một cuộc chơi như thế. Quá một ngưỡng nhất định, thời gian và năng lượng bạn bỏ ra để tìm hiểu những người bạn trực tuyến đến từ Iran hay Nigeria sẽ phải trả giá bằng khả năng hiểu về những người hàng xóm kế bên.

Bài sát hạch quan trọng của Facebook sẽ xuất hiện khi các kỹ sư phát minh ra một công cụ mới khiến con người dành ít thời gian mua sắm các thứ trên mạng và nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài đời có ý nghĩa với bạn bè hơn. Facebook sẽ áp dụng hay ỉm đi một công cụ như vậy? Facebook liệu có thực hiện cú nhảy để đời thực sự và đặt các mối quan tâm xã hội lên trên lợi ích tài chính? Nếu nó làm được như vậy, và xoay xở tránh phá sản, đó sẽ là một cuộc chuyển đổi quan trọng.

Dành nhiều sự chú ý cho thế giới thực hơn các bản báo cáo hằng quý cũng tác động lên các chính sách thuế của Facebook. Như Amazon, Google, Apple và vài người khổng lồ công nghệ khác, Facebook liên tục bị cáo buộc trốn thuế. Những khó khấn vốn có trong việc đánh thuế các hoạt động trực tuyến khiến các tập đoàn toàn cầu này dễ dàng tham gia vào đủ kiểu kế toán đa dạng. Nếu bạn nghĩ con người sống chủ yếu trên mạng và bạn cung cấp cho họ đủ các công cụ cần thiết cho sự tồn tại trực tuyến của họ thì bạn có thể tự xem mình là một dịch vụ xã hội sinh lợi ngay cả khi bạn né đóng thuế cho các chính phủ ngoại tuyến. Nhưng một khi bạn nhớ rằng con người thì có thân thể, do đó họ vẫn cần đường sá, bệnh viện và các hệ thống thoát nước, hành vi trốn thuế sẽ khó biện minh hơn rất nhiều. Làm sao bạn có thể ca tụng các giá trị cộng đồng khi từ chối hỗ trợ tài chính cho những dịch vụ cộng đồng quan trọng nhất?

Chúng ta đủ có thể hy vọng là Facebook có thể thay đổi mô hình kinh doanh của nó, áp dụng một chính sách thuế thân thiện hơn với đời thực, giúp hợp nhất thế giới mà vẫn có lãi. Nhưng chúng ta không nên nuôi dưỡng các hy vọng hão huyền về khả năng hiện thực hóa tầm nhìn cộng đồng toàn cầu của Facebook. Trong lịch sử, các tập đoàn chưa bao giờ là phương tiện lý tưởng trong việc dẫn dắt các cuộc cách mạng xã hội và chính trị. Một cuộc cách mạng thực thụ sớm muộn gì cũng đòi hỏi những hy sinh mà các tập đoàn, nhân viên và cổ đông của họ không sẵn lòng đáp ứng. Đấy là lý do các phong trào cách mạng xây dựng các nhà thờ, các đảng phái chính trị và quân đội. Những cái mà ta gọi là cách mạng Facebook và Twitter ở thế giới Ả Rập đã bắt đầu từ các cộng đồng trực tuyến đầy hứa hẹn; nhưng một khi nổi lên trong thế giới ngoại tuyến hỗn độn, chúng đều bị những kẻ cuồng tín và nhóm đảo chính trong quân đội trưng dụng. Nếu bây giờ Facebook hướng tới khởi xướng một cuộc cách mạng toàn cầu, nó sẽ cần thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến tốt hơn nữa. Nó và các người khổng lồ trực tuyến khác thưởng xem con người như những động vật nghe-nhìn, một đôi mắt và một đôi tai nối với mười ngón tay, một cái màn hình và một thẻ tín dụng. Một bước đi tối quan trọng hướng tới hợp nhất nhân loại là phải trân trọng việc con người thì có thân thể.

Dĩ nhiên, nhận thức này cũng có mặt bất lợi. Nhận thấy những hạn chế của các thuật toán trực tuyến có thể chỉ khuyến khích các người khổng lồ công nghệ vươn tầm với của họ xa hơn. Các công cụ như Google Glass và các trò chơi như Pokemon Go được thiết kế để xóa nhòa phân biệt giữa trực tuyến và ngoại tuyến, hợp nhất chúng thành một công nghệ tương tác thực tế duy nhất. Ở một cấp độ còn sâu xa hơn, các cảm ứng sinh trắc và giao diện trực tiếp não-máy cũng hướng đến xóa nhòa ranh giới giữa máy điện tử và cơ thể hữu cơ, chui sâu vào bên trong chúng ta theo đúng nghĩa đen. Một khi các nhà khổng lồ công nghệ hiểu được cơ thể con người, rốt cuộc họ có thể điều khiển toàn bộ cơ thế chúng ta giống cái cách mà họ hiện đang điều khiển mắt, ngón tay và thẻ tín dụng của chúng ta vậy. Chúng ta có khi sẽ nhớ những ngày tươi đẹp cũ, khi ngoại tuyến còn tách biệt với trực tuyến.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3