21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 06
6
* * *
Văn Minh
CHỈ CÓ MỘT NỀN VĂN MINH TRÊN THẾ GIỚI
TRONG KHI Mark Zuckerberg mơ ước hợp nhất nhân loại trên mạng thì các sự kiện gần đây trong thế giới ngoài mạng có vẻ đang thổi một luồng sinh khí mới vào luận điểm “cuộc đụng độ của các nền văn minh”. Nhiều nhà bình luận, chính khách lẫn thường dân tin rằng cuộc nội chiến Syria, sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo, cuộc hỗn loạn Brexit và sự bất ổn của Liên minh châu Âu đều xuất phát từ một cuộc đụng độ giữa “văn minh phương Tây” và “văn minh Hồi giáo”. Người ta tin rằng những nỗ lực áp đặt dân chủ và nhân quyền lên các nước Hồi giáo của phương Tây dẫn đến một cuộc phản ứng dữ dội của thế giới; và một làn sóng Hồi giáo di cư đi kèm với các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo khiến các cử tri châu Âu từ bỏ những giấc mộng đa văn hóa để đi theo các bản sắc địa phương bài ngoại.
Theo luận điểm này, loài người vốn luôn được chia thành các nền văn minh đa dạng, trong đó các thành viên nhìn nhận thế giới theo những cách không thể hài hòa với nhau. Các thế giới quan trái ngược này khiến mâu thuẫn giữa các nền văn minh là không tránh khỏi. Cũng như trong tự nhiên, các loài khác nhau đấu tranh sinh tồn theo quy luật chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt, xuyên suốt lịch sử, các nền văn minh liên tục đụng độ và chỉ nền văn minh phù hợp nhất mới tồn tại để kể lại câu chuyện. Những ai bỏ qua sự thật đen tối này, dù là các chính trị gia tự do hay các kỹ sư đầu trên mây, đều là liều mạng.
Luận điểm “cuộc đụng độ của các nền văn minh” này có những ngụ ý chính trị mang tầm ảnh hưởng lớn. Những người ủng hộ nó cho rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm hòa giải “phương Tây” và “thế giới Hồi giáo” đều nhất định thất bại. Các quốc gia Hồi giáo sẽ không bao giờ áp dụng các giá trị phương Tây và các nước phương Tây sẽ không bao giờ sáp nhập thành công các cộng đồng thiểu số người Hồi. Theo đó, Mỹ không nên cho phép người nhập cư từ Syria hay Iraq, Liên minh châu Âu nên từ bỏ ảo tưởng đa văn hóa để ủng hộ một bản sắc phương Tây tự chủ. Về lâu dài, chỉ một nền văn minh có thể sống sót sau những bài kiểm tra nghiệt ngã của chọn lọc tự nhiên; nếu giới chức ở Brussels từ chối cứu phương Tây khỏi hiểm họa Hồi giáo thì Anh, Đan Mạch hay Pháp nên tự thân vận động.
Dù được công nhận rộng rãi, luận điểm này có nhiều điểm sai lạc. Chủ nghĩa Hồi giáo chính tông quả thực có thể là một thử thách căn bản, nhưng nền “văn minh” mà nó thách thức là một nền văn minh toàn cầu chứ không phải là một hiện tượng chỉ có ở phương Tây. Và ngay cả những kẻ Hồi giáo chính tông, với tất cả những ảo tưởng trung cổ của chúng, vẫn bám rễ trong văn hóa toàn cầu đương đại sâu chắc hơn nhiều so với Ả Rập thế kỷ thứ 7. Chúng nuôi dưỡng nỗi sợ hãi và hy vọng của giới trẻ hiện đại đang thấy mình lạc lõng nhiều hơn là những cảm giác đó của nông dân và thương nhân trung cổ. Đúng như Pankaj Mishra và Christopher de Bellaigue đã nói một cách thuyết phục, những kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bị ảnh hưởng bởi Foucault cũng nhiều như Muhammad, và chúng kế thừa di sản của những người theo chủ nghĩa vô chính phủ châu Âu thế kỷ 19 sâu sắc như từ các kha-líp Umayyah và Abbasid. Do đó sẽ chính xác hơn khi coi chính Nhà nước Hồi giáo như một nhánh lỗi của một nền văn hóa toàn cầu mà chúng ta cùng chia sẻ hơn là một nhánh của một loài cây xa lạ, bí hiểm nào đó.
Quan trọng hơn, phép loại suy giữa lịch sử và sinh học vốn là cốt lõi của luận điểm “cuộc đụng độ của các nền văn minh” là sai lầm. Các nhóm người, từ các bộ lạc nhỏ đến các nền văn minh khổng lồ, về cơ bản là khác các loài động vật khác và các mâu thuẫn lịch sử rất khác các quá trình chọn lọc tự nhiên. Các loài động vật có những nhận dạng khách quan được duy trì trên hàng ngàn thế hệ. Bạn là một con tinh tinh hay khỉ đột phụ thuộc vào gien chứ không phải niềm tin của bạn và các gien khác nhau quy định các hành vi xã hội hoàn toàn khác biệt. Tinh tinh sống trong các nhóm hỗn hợp đực và cái. Chúng cạnh tranh quyền lực bằng cách xây dựng các liên minh gồm những con ủng hộ cả đực và cái. Trái lại, với khỉ đột, một con đực đầu đàn duy nhất thiết lập một hậu cung gồm các con khỉ cái và thường đuổi cổ bất cứ con đực trưởng thành nào có thể thách thức vị trí của nó. Tinh tinh không thể áp dụng kiểu sắp xếp xã hội giống khỉ đột và khỉ đột không thể tổ chức bầy đàn giống tinh tinh; theo như những gì chúng ta được biết thì chính các hệ thống xã hội đó đã đặc trưng cho tinh tinh và khỉ đột không chỉ trong vài thập kỷ gần đây mà suốt hàng trăm nghìn năm nay.
Chúng ta không hề thấy điều đó ở con người. Đúng, các nhóm người có thể có các hệ thống xã hội khác biệt nhưng chúng không được quy định trong di truyền và hiếm khi duy trì quá vài thế kỷ. Hãy nghĩ về những người Đức thế kỷ 20 mà xem. Trong chưa đầy một trăm năm, người Đức đã tự tổ chức thành sáu hệ thống xã hội khác nhau: Đế chế Hohenzollern, nền Cộng hòa Weimar, Đệ tam quốc xã, Cộng hòa dân chủ Đức (hay còn gọi là Đông Đức), Cộng hòa liên bang Đức (hay Tây Đức) và cuối cùng là nước Đức dân chủ tái thống nhất. Dĩ nhiên, người Đức vẫn giữ ngôn ngữ và tình yêu của mình dành cho bia và xúc xích. Nhưng liệu có tính chất Đức độc đáo nào phân biệt họ với các quốc gia khác và được duy trì không thay đổi từ Wilhelm II đến Angela Merkel không? Và nếu bạn tìm được một thứ gì đó, liệu nó có hiện hữu ở đó từ 1,000 hay 5.000 năm trước?
Phần mở đầu của Hiến pháp chung châu Âu (chưa được phê chuẩn) bắt đầu bằng việc tuyên bố rằng nó lấy cảm hứng từ “di sản văn hóa, tôn giáo và nhân văn của châu Âu, cội nguồn đã phát triển nên các giá trị toàn cầu của những quyền không thể xâm phạm và không thể tách rời của con người là dân chủ, công bằng, tự do và luật pháp.” Điều này có thể dễ dàng cho người ta ấn tượng là văn minh châu Âu được định nghĩa bởi các giá trị nhân quyền, dân chủ, công bằng và tự do. Vô số bài phát biểu và tư liệu đã vạch ra đường nối trực tiếp giữa nền dân chủ Athens cổ đại với Liên minh châu Âu ngày nay, tôn vinh 2.500 năm tự do và dân chủ của châu Âu. Điều này gợi cho ta nhớ tới gã mù sờ voi trong truyện ngụ ngôn nọ: anh ta nắm lấy đuôi con voi và kết luận con voi giống một cái chổi. Đúng, các tư tưởng dân chủ từng là một phần của văn hóa châu Âu trong nhiều thế kỷ, nhưng nó chưa bao giờ là tất cả. Với tất cả sự vinh quang và tác động của nó, nền dân chủ Athens chỉ là một thí nghiệm miễn cưỡng tồn tại vỏn vẹn 200 năm trong một góc nhỏ xứ Balkan. Nếu văn minh châu Âu trong hai mươi lăm thế kỷ qua được định nghĩa bởi dân chủ và nhân quyền thì ta phải nghĩ gì về Sparta và Julius Caesar, về những đoàn Thập tự chinh và những người Tây Ban Nha đi xâm chiếm Mexico và Peru vào thế kỷ 16, về Tòa án dị giáo và buôn bán nô lệ, về Louis XIV và Napoleon? Phải chăng họ đều là những kẻ xâm lược đến từ một nền văn minh ngoại lai nào đó?
Trên thực tế, văn minh châu Âu là bất cứ thứ gì mà người dân châu Âu nghĩ về nó, cũng như Cơ Đốc giáo là bất cứ thứ gì mà người Cơ Đốc nghĩ, Hồi giáo là bất cứ thứ gì mà người Hồi nghĩ, và Do Thái giáo là bất cứ thứ gì mà người Do Thái nghĩ. Và họ đã nghĩ về chúng hết sức khác nhau trong nhiều thế kỷ qua. Các nhóm người được định rõ bởi những thay đổi mà họ đã trải qua hơn là bất cứ sự tiếp nối nào, nhưng dù sao họ vẫn tìm cách tạo cho mình các bản sắc cổ xưa nhờ các kỹ năng kể chuyện. Dù trải qua bao dâu bể cách mạng, họ vẫn thường có thể dệt cái cũ cũng như cái mới vào một mối dây duy nhất.
Ngay cả một cá nhân cũng có thể dệt các đổi thay cá nhân mang tính cách mạng vào một câu chuyện cuộc đời mạnh mẽ và nhất quán: “Tôi là người đã từng theo chủ nghĩa xã hội, nhưng rồi tôi trở thành một nhà tư bản; tôi được sinh ra ở Pháp và giờ tôi sống ở Mỹ; tôi từng lập gia đình, rồi tôi ly dị; tôi bị ung thư, rồi tôi khỏe lại.” Tương tự, một nhóm người như người Đức cũng có thể tự định rõ mình bằng mọi thay đổi họ đã kinh qua: “Chúng tôi từng là phát xít, nhưng rồi chúng tôi học được bài học của mình và giờ chúng tôi là những người dân chủ yêu hòa bình.” Bạn không cần phải tìm một tinh chất Đức độc đáo nào đó khởi phát ở Wilhelm II, rồi ở Hitler và cuối cùng là ở Merkel. Các chuyển biến có tính căn bản này chính là điều làm nên bản sắc Đức. Là một người Đức năm 2018 nghĩa là phải vật lộn với di sản khó khăn của chủ nghĩa phát xít trong khi gìn giữ các giá trị tự do và dân chủ. Ai mà biết được đến năm 2050 thì người Đức nghĩa là gì.
Con người thường trốn tránh nhận ra các thay đổi này, đặc biệt là khi nói đến các giá trị chính trị và tôn giáo cốt lõi. Chúng ta khăng khăng rằng các giá trị của mình là một di sản quý báu từ tổ tiên xa xưa. Thế nhưng thứ duy nhất cho phép ta nói điều đó là tổ tiên ta đã chết hết cả rồi và không thể tự bào chữa cho họ nữa. Chẳng hạn, hãy xem xét thái độ của người Do Thái đối với phụ nữ. Ngày nay, những người Do Thái siêu-Chính thống cấm hình ảnh phụ nữ trong không gian công cộng. Các biển hiệu và quảng cáo nhắm tới những người Do Thái siêu-Chính thống chỉ mô tả đàn ông và bé trai, không bao giờ có phụ nữ và bé gái.
Vào năm 2011, một vụ xì-căng-đan nổ ra khi tờ báo siêu-Chính thống tại Brooklyn là Di Tzeitung đăng ảnh các quan chức Mỹ đang theo dõi vụ tấn công vào hang ổ của Osama bin-Laden nhưng đã can thiệp số để xóa tất cả những người phụ nữ, bao gồm Ngoại trưởng Hillary Clinton. Tờ báo giải thích buộc phải làm vậy bởi “luật khiêm nhường” của người Do Thái. Một xì-căng-đan tương tự nổ ra khi tờ HaMevaser xóa Angela Merkel khỏi một bức ảnh chụp cuộc biểu tình phản đối vụ thảm sát Charlie Hebdo, phòng khi hình ảnh của bà gọi lên những ý nghĩ dục vọng trong tâm trí của các độc giả sùng đạo. Nhà xuất bản của tờ báo siêu chính thống thứ ba, tờ Hamodia, bảo vệ chính sách này bằng cách giải thích rằng “Chúng tôi được hàng nghìn năm truyền thống Do Thái ủng hộ.”
Không ở đâu mà lệnh cấm nhìn thấy phụ nữ lại nghiêm khắc hơn trong nhà thờ Do Thái. Trong các nhà thờ chính thống, phụ nữ bị tách khỏi nam giới và phải đi lại hạn chế trong một khu vực cấm, nơi họ bị giấu sau một bức màn để không người đàn ông nào tình cờ nhìn thấy bóng dáng phụ nữ khi đang cầu nguyện hay đọc kinh. Thế nhưng, nếu tất cả những điều này được hàng nghìn năm truyền thống Do Thái và các luật lệ thiêng bất biến ủng hộ thì giải thích thế nào khi các nhà khảo cổ phát lộ các thánh đường cổ xưa ở Israel từ thời xuất hiện kinh Mishnah và Talmud, họ không thấy dấu hiệu nào của phân tách giới; thay vào đó, họ phát hiện những mặt sàn ghép mảnh theo lối mosaic và tranh tường tuyệt đẹp về phụ nữ, một số còn ăn mặc khá hở hang? Những thầy tu Do Thái viết các quyển kinh Mishnah và Talmud thường xuyên cầu nguyện và nghiên cứu trong các thánh đường này, nhưng những người Do Thái Chính thống ngày nay sẽ xem đó là những sự mạo phạm truyền thống cổ xưa hết sức báng bổ.
Những sự bóp méo các truyền thống cổ xưa tương tự như vậy có ở mọi tôn giáo, Nhà nước Hồi giáo khoe khoang rằng mình đã khôi phục phiên bản thuần khiết, gốc rễ của đạo Hồi, nhưng trên thực tế, phiên bản đó là hoàn toàn mới. Đúng, chúng trích dẫn nhiều văn bản đáng tôn kính, nhưng chúng tùy tiện lựa chọn văn bản nào thì trích dẫn, văn bản nào thì lờ đi và diễn dịch chúng như thế nào. Quả thực, bản thân thái độ tự-thân-vận-động của chúng khi diễn dịch thánh kinh là rất hiện đại. Theo truyền thống, diễn dịch thánh kinh là độc quyền của những ulama học vấn uyên thâm, các học giả nghiên cứu luật và thần học của đạo Hồi trong các tổ chức uy tín như Al-Azhar ở Cairo. Có rất ít lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo có những khả năng như thế, và ulama được tôn kính nhất đã xem Abu Bakr al-Baghdadi và đám tay sai của hắn là những tên tội phạm ngu xuẩn.
Điều đó không có nghĩa Nhà nước Hồi giáo là “phi Hồi giáo” hay “chống Hồi giáo” như một vài người đã nói. Việc các nhà lãnh đạo theo Cơ Đốc giáo như Barack Obama dám cả gan nói với các tín đồ Hồi giáo tự xung như Abu Bakr al-Baghdadi phải như thế nào mới là người Hồi giáo là một việc đặc biệt mỉa mai. Cuộc tranh luận sôi nổi về bản chất thực sự của đạo Hồi đơn giản là vô nghĩa. Đạo Hồi không có một ADN cố định nào. Đạo Hồi là bất cứ thứ gì mà tín đồ đạo Hồi nghĩ.
—ooOoo—
NGƯỜI ĐỨC VÀ NHỮNG CON KHỈ ĐỘT
CÒN MỘT điểm khác biệt sâu sắc hơn nữa giữa các nhóm người và các loài động vật. Các loài động vật thường tách ra nhưng không bao giờ hợp lại. Khoảng bảy triệu năm trước, tinh tinh và khỉ đột có tổ tiên chung. Chính loài tổ tiên duy nhất này đã tách thành hai quần thể, cuối cùng đã đi theo hai con đường tiến hóa riêng. Một khi việc này xảy ra thì không có đường quay lại. Các cá thể thuộc những loài khác nhau không thể sinh ra các hậu duệ có khả năng sinh sản nên các loài không bao giờ hợp nhất được. Khỉ đột không thể hợp nhất với tinh tinh, hươu cao cổ không thể hợp nhất với voi, và chó không thể hợp nhất với mèo.
Các bộ tộc người, trái lại, có xu hướng hợp nhất theo thời gian để thành các nhóm ngày càng lớn. Người Đức hiện đại được tạo ra từ sự hợp nhất các nhóm người Saxon, Phổ, Schwaben và Bavaria, những tộc người trước đây không lâu vốn không ưa gì nhau. Otto von Bismarck (sau khi đọc cuốn Bàn về nguồn gốc các loài của Darwin) được cho là đã phát biểu rằng người Bavaria là mắt xích còn thiếu giữa người Áo và con người. Người Pháp được tạo ra từ sự hợp nhất các nhóm người Frank, Norman, Breton, Gascon và Provencal. Trong khi đó, ở bên kia eo biển Manche, người Anh, Scotland, Wales và Ireland dần được hòa hợp (dù muốn hay không) để tạo thành người của Vương quốc Anh. Trong tương lai không xa, người Đức, Pháp và Vương quốc Anh có thể lại hợp nhất tạo thành người châu Âu.
Các cuộc hợp nhất không phải lúc nào cũng lâu bền, như những gì người dân ở London, Edinburgh và Brussels biết rất rõ trong những ngày gần đây. Brexit có thể châm ngòi cho sự tan rã đồng thời của Vương quốc Anh lẫn Liên minh châu Âu. Nhưng về lâu dài, hướng đi của lịch sử là rất rõ ràng. Mười nghìn năm trước, nhân loại phân chia thành vô số bộ tộc cô lập. Cứ sau mỗi thiên niên kỷ, các bộ tộc này lại hợp nhất thành các nhóm ngày càng lớn hơn, tạo ra ngày càng ít nền văn minh khác biệt hơn. Trong các thế hệ gần đây, những nền văn minh ít ỏi còn lại đã dần hòa thành một nền văn minh toàn cầu duy nhất. Các chia rẽ chính trị, dân tộc, văn hóa và kinh tế vẫn duy trì, nhưng chúng không xóa nhòa sự hợp nhất căn bản. Thực sự là một số chia rẽ chỉ có thể tồn tại nhờ một cấu trúc chung bao trùm. Chẳng hạn như trong kinh tế, sự phân chia lao động không thể thành công trừ phi mọi người cùng chung nhau một thị trường duy nhất. Một đất nước không thể chuyên về sản xuất xe ô tô hay dầu mỏ trừ phi nó có thể mua lương thực từ các nước khác trồng lúa mì và gạo.
Quá trình hợp nhất hóa con người mang hai dạng thức khác biệt: thiết lập các mắt xích giữa các nhóm riêng biệt và đồng hóa hoạt động giữa các nhóm. Các mắt xích có thể hình thành ngay giữa các nhóm tiếp tục hành xử rất khác nhau. Thật sự là các mắt xích có thể hình thành ngay giữa các kẻ thù không đội chung trời. Bản thân chiến tranh có thể tạo ra một số các mắt xích bền vững nhất của loài người. Các nhà sử học thường tranh luận rằng toàn cầu hóa đạt đỉnh đầu tiên vào năm 1913 rồi đi vào một cuộc suy thoái dài trong thời kỳ hai cuộc thế chiến và Chiến tranh Lạnh, rồi chỉ bắt đầu trở lại sau năm 1989. Điều này có thể đúng với toàn cầu hóa về kinh tế, nhưng nó phớt lờ chiều kích khác quan trọng chẳng kém là toàn cầu hóa về quân sự. Chiến tranh lan truyền ý tưởng, công nghệ và con người nhanh hơn thương mại rất nhiều. Năm 1918, Hoa Kỳ liên kết với châu Âu chặt chẽ hơn năm 1913, rồi cả hai dần tách rời nhau trong các năm giữa hai cuộc chiến chỉ để gắn số phận của chúng lại với nhau không thể tách rời nhờ Thế chiến thứ hai và Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh cũng khiến con người quan tâm tới nhau hơn nhiều. Hoa Kỳ chưa bao giờ quan hệ mật thiết với Nga hơn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi mà mỗi tiếng ho ở một hành lang Moscow lại khiến người ta rầm rập lên xuống các cầu thang Washington. Người ta quan tâm đến đối phương của mình hơn nhiều các đối tác thương mại. Cứ mỗi một bộ phim Mỹ về Đài Loan lại có khoảng 50 phim nói về Việt Nam.
—ooOoo—
THẾ VẬN HỘI TRUNG CỔ
THẾ GIỚI đầu thế kỷ 21 đã vượt rất xa việc hình thành các mắt xích giữa những nhóm khác nhau. Con người ở khắp địa cầu không chỉ kết nối với nhau mà còn ngày càng chia sẻ các niềm tin và hành động giống nhau. Một ngàn năm trước, hành tinh Trái đất là mảnh đất màu mỡ của hàng tá các mô hình chính trị khác nhau. Ở châu Âu, bạn có thể thấy các lãnh chúa phong kiến cạnh tranh với các thành bang độc lập và những nền chính trị thần quyền bé xíu. Thế giới Hồi giáo có các kha-líp xưng bá chủ toàn cầu nhưng vẫn có các vương quốc, vua (sultan) và tiểu vương. Các vương triều Trung Hoa tin họ là thực thể chính trị chính thống duy nhất, trong khi về phía bắc và phía tây, các liên minh bộ tộc vui vẻ gây chiến với nhau. Ấn Độ và Đông Nam Á có vô vàn các thể chế, trong khi châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương trải từ các bộ lạc săn bắt-hái lượm nhỏ xíu cho tới các đế chế mênh mông. Chẳng trách mà ngay cả các nhóm người hàng xóm láng giềng với nhau cũng có vấn đề trong việc thống nhất các thủ tục xã giao chung, nói gì đến luật pháp quốc tế. Mỗi xã hội có mô hình chính trị riêng và khó mà hiểu hay tôn trọng các khái niệm chính trị ngoại lai.
Ngày nay, trái lại, một hệ chính trị duy nhất được chấp nhận ở mọi nơi. Hành tinh này được chia thành 200 quốc gia độc lập, nhìn chung đều đồng thuận về các quy tắc ngoại giao giống nhau và các luật quốc tế chung. Thụy Điển, Nigeria, Thái Lan và Brazil đều được đánh dấu trên bản đồ là những hình dạng rực rỡ cùng loại; họ đều là thành viên của Liên hiệp Quốc; và dù có vô vàn khác biệt, họ vẫn được công nhận là các quốc gia có chủ quyền được hưởng các quyền và đặc quyền giống nhau. Quả thực, họ có chung nhiều ý tưởng và hoạt động chính trị hơn là khác biệt, bao gồm ít nhất là một niềm tin được biểu hiện qua các cơ quan đại diện, đảng phái chính trị, quyền bầu cử phổ quát và nhân quyền. Có các nghị viên ở Tehran, Moscow, Cape Town và New Delhi cũng như ở London và Paris. Khi người Israel và người Palestine, người Nga và người Ukraine, người Kurd và người Turk tranh giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, họ đều sử dụng cùng một lập luận về nhân quyền, chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế.
Thế giới có thể rải rác đây đó đủ kiểu “nhà nước thất bại” nhưng chỉ có một mô hình duy nhất cho một nhà nước thành công. Chính trị toàn cầu do đó tuân theo quy tắc Anna Karenina: các nhà nước thành công đều giống nhau, nhưng mỗi nhà nước thất bại lại thất bại theo cách riêng của nó bằng việc thiếu đi một “nguyên liệu” nào đó trong “gói chính trị” chủ chốt. Nhà nước Hồi giáo gần đây nổi bật bởi nó hoàn toàn, khước từ gói này và nỗ lực thiết lập một nền chính trị hoàn toàn khác biệt: một kha-líp toàn cầu. Nhưng chính vì lý do này, nó đã thất bại. Vô số lực lượng du kích và các tổ chức khủng bố đã xoay xở thiết lập nên các quốc gia mới hoặc chiếm các quốc gia sẵn có. Nhưng chúng luôn làm như thế bằng cách chấp nhận các nguyên tắc cơ bản của trật tự chính trị toàn cầu. Ngay cả Taliban cũng tìm kiếm sự công nhận quốc tế như là chính quyền chính danh của đất nước có chủ quyền Afghanistan. Cho đến nay, không một nhóm nào phủ nhận các quy tắc chính trị toàn cầu, lại có được bất cứ sự kiểm soát lâu dài tại bất cứ vùng lãnh thổ đáng kể nào.
Có lẽ, sức mạnh của hệ hình chính trị toàn cầu có thể được hiểu rõ nhất bằng cách xem xét không phải những câu hỏi chính trị cốt lõi về chiến tranh và ngoại giao mà một thứ như Thế vận hội Rio năm 2016. Hãy dành một phút để nghĩ về cách thế vận hội này được tổ chức. Mười một nghìn vận động viên được chia thành các đoàn theo quốc tịch chứ không phải tôn giáo, giai cấp hay ngôn ngữ. Không có đoàn Phật giáo, đoàn vô sản hay đoàn nói tiếng Anh. Trừ một vài trường hợp ít ỏi, đáng chú ý nhất là Đài Loan và Palestine, việc quyết định quốc tịch của các vận động viên là hết sức dễ dàng.
Tại lễ khai mạc ngày 5 tháng Tám năm 2016, các vận động viên diễu hành theo nhóm, mỗi nhóm vẫy quốc kỳ của mình. Mỗi lần Michael Phelps giành thêm một huy chương vàng, lá cờ sao vạch lại được kéo lên trên nền nhạc bài “Lá cờ lấp lánh ánh sao”. Khi Emilie Andéol giành huy chương vàng môn judo, lá cờ ba vạch của Pháp được kéo lên và bài “La Marseillaise” ngân vang.
Thêm một sự tiện lợi nữa là mỗi quốc gia trên thế giới có một bài quốc ca tuân theo cùng một mẫu phổ quát. Gần như mọi bài quốc ca là những bản nhạc chỉ kéo dài vài phút thay vì một bài tụng ca dài hai chục phút chỉ có thể do một tầng lớp đặc biệt là các tu sĩ được kế truyền biểu diễn. Ngay cả các nước nhu Ả Rập Saudi, Pakistan và Congo cũng áp dụng các quy tắc âm nhạc của phương Tây cho quốc ca của họ. Các bài quốc ca đều nghe như một thứ gì đó do Beethoven sáng tác vào một ngày khá “bình thường” (Bạn có thể dành một buổi tối cùng bạn bè nghe các bài quốc ca khác nhau trên YouTube và thử đoán xem bài nào là của nước nào). Ngay cả lời bài hát cũng gần như giống nhau khắp thế giới, thể hiện các quan niệm phổ biến về chính trị và lòng trung thành tập thể. Chẳng hạn, bạn nghĩ bài quốc ca dưới đây thuộc về nước nào (Tôi chỉ thay tên nước thành cụm từ chung chung “Đất nước tôi”):
Đất nước tôi, quê hương tôi
Mảnh đất nơi tôi đã đổ máu xương
Đây là nơi tôi đứng
Làm người lính gác đất mẹ.
Đất nước tôi, dân tộc tôi,
Đồng bào tôi và quê hương tôi,
Ta hãy ca vang
“Đất nước kết đoàn!”
Đất nước muôn năm,tổ quốc trường tồn,
Dân tộc tôi, quê hương tôi, toàn vẹn.
Xây dựng linh hồn, đánh thức xác thân,
Vì đất nước vĩ đại của tôi!
Đất nước vĩ đại của tôi, độc lập và tự do
Mái nhà và đất nước mà tôi yêu quý.
Đất nước vĩ đại của tôi, độc lập và tự do,
Đất nước vĩ đại muôn năm!
Câu trả lời là Indonesia. Nhưng bạn có ngạc nhiên không nếu tôi nói câu trả lời thật ra là Ba Lan, Nigeria hay Brazil?
Những lá quốc kỳ cũng thể hiện một sự tuân thủ quen thuộc. Với một ngoại lệ duy nhất, mọi lá cờ đều là những mảnh vải hình chữ nhật được tạo dấu ấn bằng một vốn màu sắc, sọc và hình khối cực kỳ hạn chế. Nepal là ngoại lệ duy nhất với lá cờ gồm hai hình tam giác. (Nhưng Nepal chưa bao giờ giành được một huy chương Olympic nào). Cờ Indonesia gồm một sọc đỏ trên một sọc trắng. Cờ Ba Lan có một sọc trắng trên một sọc đỏ. Cờ Monaco giống cờ Indonesia. Một người mù màu khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa cờ của Bỉ, Chad, Bờ Biển Ngà, Pháp, Guinea, Ireland, Ý, Mali và Romania: chúng đều có ba sọc dọc với ba màu khác nhau.
Một số nước trên đã từng đánh nhau khốc liệt, nhưng thế kỷ 20 đầy biến động chỉ có ba kỳ thế vận hội từng bị hoãn bởi chiến tranh (vào năm 1916, 1940 và 1944). Vào năm 1980, Hoa Kỳ và một số nước đồng minh đã tẩy chay Thế vận hội Moscow; vào năm 1984, Liên Xô tẩy chay kỳ Olympic Los Angeles; trong một vài trường hợp khác, thế vận hội đứng ngay trung tâm một con bão chính trị (đáng chú ý nhất là năm 1936, khi Berlin phát xít tổ chức Olympic, và năm 1972, khi những phần tử khủng bố người Palestine tấn công đoàn Israel đến dự Thế vận hội Munich). Thế nhưng nhìn chung, các mâu thuẫn chính trị không làm kế hoạch Olympic trệch khỏi đường ray.
Giờ hãy quay ngược lại 1.000 năm. Giả sử bạn muốn tổ chức một thế vận hội Trung cổ ở Rio vào năm 1016. Hãy tạm quên Rio lúc ấy chỉ là một ngôi làng nhỏ toàn người Anh-điêng Tupi; người châu Á, châu Phi và châu Âu thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của châu Mỹ. Quên luôn các vấn đề như việc đi lại để đưa tất cả các vận động viên hàng đầu thế giới đến Rio khi không có máy bay. Cũng quên luôn là có rất ít môn thể thao được chơi khắp thế giới; ngay cả nếu mọi người đều biết chạy thì không phải ai cũng có thể đồng thuận các luật lệ chung cho một cuộc thi chạy. Chỉ cần bạn tự hỏi làm thế nào chia nhóm các đoàn thi đấu thôi, ủy ban Olympic Quốc tế dành vô số thì giờ bàn luận về vấn đề Đài Loan và vấn đề Palestine. Nhân số giờ này lên 10.000 lần để hình dung số giờ bạn sẽ phải dành ra hòng giải quyết các vấn đề chính trị của Olympic Trung cổ.
Để mở đầu vấn đề này, vào năm 1016, nhà Tống Trung Hoa không công nhận bất cứ thể chế chính trị nào trên Trái đất là ngang hàng với mình. Do đó, sẽ là một sự lăng nhục không thể hiểu nổi nếu cho đoàn Olympic của họ một địa vị tương đương với đoàn Cao Ly (Hàn Quốc) hay Đại cồ Việt (Việt Nam), chưa kể các đoàn “man di” từ bên kia đại dương.
Kha-líp ở Baghdad cũng tự xưng bá chủ toàn cầu và hầu hết người Hồi dòng Sunni công nhận ông là lãnh đạo tối cao của họ. Tuy nhiên, về mặt thực tế, kha-líp thậm chí chưa cai trị được thành Baghdad. Thế thì liệu tất cả các vận động viên dòng Sunni đứng vào cùng một đoàn Hồi giáo duy nhất hay nên chia thành hàng chục đoàn từ vô số các tiểu vương quốc thuộc thế giới Hồi giáo Sunni? Nhưng tại sao lại dừng lại ở các tiểu vương quốc? Sa mạc Ả Rập đầy rẫy các bộ lạc Bedouin tự do, không công nhận bất cứ vị chúa tể nào ngoài Đấng Allah. Mỗi bộ lạc ấy có được gửi đến một đoàn độc lập để thi đấu môn bắn cung hay đua lạc đà không? Châu Âu cũng sẽ khiến bạn đau đầu. Liệu một vận động viên đến từ thị trấn Ivry của người Norman sẽ thi đấu dưới lá cờ của bá tước Ivry địa phương hay của đức ngài công tước xứ Normandy, hay có lẽ là cờ của vua Pháp nhu nhược?
Nhiều thể chế chính trị trong số này đã xuất hiện rồi biến mất chỉ trong vài năm. Khi bạn đang hoàn tất các bước chuẩn bị cho Olympic 1016, bạn không thể biết trước đoàn nào sẽ đến vì chẳng ai dám chắc thể chế chính trị nào sẽ vẫn tồn tại vào năm tới. Nếu vương quốc Anh cử một đoàn đến dự Olympic 1016 thì khi các vận động viên cầm huy chương quay về, họ sẽ phát hiện ra người Đan Mạch vừa chiếm được London và nước Anh đã bị sáp nhập vào Đế chế Bắc Hải của vua Knud Đại đế cùng với Đan Mạch, Na Uy và một số vùng của Thụy Điển. Trong khoảng hai mươi năm nữa, đế chế đó tan rã; nhưng ba mươi năm sau, nước Anh bị chinh phục một lần nữa bởi công tước Normandy.
Không cần nói cũng biết, phần đông các thể chế chính trị sớm nở tối tàn này không có quốc ca để hát lên hay quốc kỳ để kéo. Các biểu tượng chính trị dĩ nhiên rất quan trọng, nhưng ngôn ngữ biểu tượng của chính trị châu Âu rất khác vối ngôn ngữ biểu tượng của chính trị Indonesia, Trung Hoa hay Tupi. Đồng thuận một nghi thức ngoại giao chung về ăn mừng chiến thắng cũng sẽ là một việc gần như bất khả.
Thế nên khi bạn xem Thế vận hội Tokyo năm 2020, hãy nhớ rằng thứ có vẻ như là ganh đua giữa các quốc gia này thực ra là một sự đồng thuận toàn cầu đáng kinh ngạc. Với tất cả niềm tự hào dân tộc mà người ta cảm thấy khi đoàn của họ giành một huy chương vàng và quốc kỳ của họ được kéo lên, chúng ta có một lý do lớn hơn nhiều để cảm thấy tự hào khi nhân loại có thể tổ chức được một sự kiện như vậy.
—ooOoo—
MỘT ĐÔ LA SẼ THỐNG TRỊ TẤT CẢ
TRONG THỜI tiền hiện đại, con người đã thử nghiệm không chỉ các hệ thống chính trị đa dạng mà cả một loạt mô hình mẫu kinh tế nhiều đến sửng sốt. Các quý tộc Nga, các hoàng tử Hindu, các quan lại Trung Hoa và các tù trưởng Anh-điêng có những ý tưởng rất khác nhau về tiền bạc, thương mại, thuế khóa và nhân công. Ngày nay, trái lại, gần như mọi người đều tin vào những phiên bản hơi khác nhau của cùng một hệ tư bản và chúng ta là các bánh răng trong một dây chuyền sản xuất toàn cầu duy nhất. Dù bạn sống ở Congo hay Mông cổ, ở New Zealand hay Bolivia, các hoạt động thường ngày và vận hội kinh tế của bạn đều lệ thuộc vào các lý thuyết kinh tế, các tập đoàn và ngân hàng, cũng như các dòng vốn giống nhau. Nếu các bộ trưởng tài chính của Israel và Iran ăn trưa cùng nhau, họ sẽ có một ngôn ngữ kinh tế chung và có thể dễ dàng hiểu cũng như thông cảm những nỗi phiền muộn của nhau.
Khi Nhà nước Hồi giáo chinh phục những khu vực rộng lớn Syria và Iraq, chúng tàn sát hàng chục ngàn người, phá hủy các địa điểm khảo cổ, kéo đổ các bức tượng và phá hủy một cách có hệ thống các biểu tượng của các thể chế trước đó và của ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Nhưng khi các chiến binh của chúng đột nhập vào các ngân hàng địa phương và thấy ở đó hàng chồng đô la Mỹ in hình cắc tổng thống Mỹ và những khẩu hiệu bằng tiếng Anh ca ngợi các lý tưởng chính trị và tôn giáo Mỹ, chúng đã không đốt các biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ này. Vì đồng đô la được “tôn sùng” trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các ranh giới chính trị và tôn giáo. Dù nó không có giá trị nội tại nào, bạn không thể ăn hay uống một tờ đô la, niềm tin vào đồng tiền ấy và vào sự khôn ngoan của Cục Dự trữ Liên bang vững chắc đến nỗi ngay cả các kẻ Hồi giáo chính tông, các trùm ma túy Mexico và các nhà lãnh đạo Bắc Hàn cũng tin vào nó.
Thế nhưng sự đồng nhất của nhân loại hiện nay là rõ ràng nhất khi ta nói đến quan điểm của mình về thế giới tự nhiên và cơ thể người. Nếu bạn ngã bệnh cách đây một nghìn năm, việc bạn ở đâu cực kỳ quan trọng. Ở châu Âu, thầy tu ở nơi bạn sinh sống có lẽ sẽ nói với bạn rằng bạn đã làm Chúa tức giận, và để lấy lại sức khỏe, bạn nên quyên cúng gì đó cho nhà thờ, làm một chuyến hành hương đến một địa điểm linh thiêng và cầu nguyện tha thiết để Chúa tha thứ. Hoặc bà phù thủy trong làng sẽ giải thích là có một con quỷ đã nhập vào bạn và bà ta sẽ đuổi nó đi bằng cách ca hát, nhảy múa và máu của một con gà trống choai đen.
Ở Trung Đông, các bác sĩ được dạy dỗ theo truyền thống có thể giải thích là bốn thể dịch cơ thể bạn đang mất cân bằng và bạn nên làm chúng hài hòa trở lại bằng một chế độ ăn tử tế và những liều thuốc bốc mùi. Ở Ấn Độ, các chuyên gia Ayurveda sẽ đưa ra những lý thuyết riêng liên quan đến sự cân bằng giữa ba yếu tố cơ thể gọi là dosha và gợi ý một liệu trình gồm các loại thảo dược, mát xa và các tư thế yoga. Các thầy thuốc Trung Hoa, các shaman Siberia, các bác sĩ-phù thủy châu Phi, các thầy thuốc Anh-điêng, mỗi đế chế, vương quốc và bộ lạc lại có những truyền thống và chuyên gia của mình, mỗi bên đưa ra các cách nhìn khác nhau về cơ thể người và bản chất của bệnh tật, mỗi bên đề xuất một hệ thống vô số những nghi thức, thuốc men và cách chữa trị riêng. Một số có tác dụng tốt đến kinh ngạc, số khác chẳng khác gì một án tử. Điểm duy nhất “thống nhất” các thực hành y khoa châu Âu, Trung Hoa, châu Phi và châu Mỹ là ở khắp nơi, ít nhất là một phần ba trẻ em chết trước tuổi trưởng thành và tuổi thọ trung bình còn xa mới đạt tới 50 tuổi.
Ngày nay, nếu vô tình ngã bệnh, việc bạn ở đâu không khiến tình hình khác nhau là mấy. Ở Toronto, Tokyo, Tehran hay Tel Aviv, bạn sẽ được đưa đến các bệnh viện trông na ná nhau, nơi bạn sẽ gặp các bác sĩ mặc áo trắng cùng học những lý thuyết khoa học giống nhau trong các trường đại học y khoa như nhau. Họ sẽ tuân theo các quy trình giống nhau và sử dụng các xét nghiệm giống nhau để đưa ra các chẩn đoán rất tương đồng. Sau đó họ sẽ phát những loại thuốc y hệt được sản xuất bởi các công ty dược phẩm quốc tế như nhau, vẫn có một số khác biệt văn hóa nho nhỏ nhưng các bác sĩ Canada, Nhật Bản, Iran và Israel có phần lớn quan điểm về cơ thể người và các bệnh ở người là giống nhau. Sau khi Nhà nước Hồi giáo chiếm được Raqqa và Mosul, chúng không phá hủy các bệnh viện địa phương. Thay vào đó, chúng phát đi lời khẩn cầu các bác sĩ và y tá Hồi giáo khắp nơi trên thế giới tình nguyện đến phục vụ tại đó. Hẳn là cả các bác sĩ và y tá theo chủ nghĩa Hồi giáo cũng tin cơ thể được tạo ra từ các tế bào và các mầm bệnh gây ra bệnh tật, còn kháng sinh thì giết được vi khuẩn chứ.
Và điều gì tạo nên những tế bào và vi khuẩn này? Thực ra, điều gì tạo nên cả thế giới? Một ngàn năm trước mỗi nền văn hóa có câu chuyện riêng về vũ trụ, và về các nguyên tố cơ bản của nồi lẩu vũ trụ. Ngày nay, những người được học hành khắp nơi trên thế giới tin chính xác cùng những điều giống nhau về vật chất, năng lượng, thời gian và không gian. Chẳng hạn như các chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Hàn. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ cả người Iran và người Bắc Hàn đều có quan điểm vật lý giống hệt người Israel và người Mỹ. Nếu người Iran và người Bắc Hàn tin rằng E = mc4, Israel và Mỹ sẽ không mảy may quan tâm đến các chương trình hạt nhân của họ.
Con người vẫn có các tôn giáo và bản sắc dân tộc khác nhau. Nhưng khi nói đến những thứ thực tế như làm thế nào để xây dựng một quốc gia, một nền kinh tế, một bệnh viện hay một quả bom, hầu hết chúng ta đều thuộc về một nền văn minh. Có những bất đồng, không nghi ngờ gì cả, nhưng mọi nền văn minh đều có các mâu thuẫn nội tại của chúng. Thực sự là các mâu thuẫn đó định hình nên chúng ta. Khi thử tìm bản sắc của mình, người ta thường tạo một danh sách kiểu “các món đồ cần mua” gồm các đặc điểm phổ biến. Đấy là một sai lầm. Họ sẽ làm tốt hơn rất nhiều nếu đưa ra một danh sách các mâu thuẫn và khó khăn thường gặp. Chẳng hạn, vào năm 1618, châu Âu không có một bản sắc tôn giáo chung: bản sắc ấy được định hình bởi mâu thuẫn tôn giáo. Là một người châu Âu vào năm 1618 nghĩa là bạn bị ám ảnh với những sự khác biệt giáo lý tí xíu giữa Cơ Đốc và Tin Lành hay giữa thuyết Calvin và thuyết Luther, đồng thời sẵn sàng chém giết và bị sát hại vì những sự khác biệt đó. Nếu một người năm 1618 không quan tâm đến những mâu thuẫn này, người đó có lẽ sẽ là một người Turk hay người Hindu, nhưng chắc chắn không phải người châu Âu.
Tương tự, vào năm 1940, Anh và Đức có các giá trị chính trị rất khác nhau nhưng chúng đều là một phần của “nền văn minh châu Âu”. Hitler không kém “châu Âu” hơn Churchill. Thực ra, chính sự đấu tranh giữa hai người đã xác định thế nào là một người châu Âu vào thời điểm đặc biệt đó của lịch sử. Trái lại, một người săn bắt-hái lượm thuộc bộ lạc !Kung10 năm 1940 không phải là người châu Âu vì cuộc xung đột nội tại của châu Âu về chủng tộc và đế chế sẽ không mấy ý nghĩa với anh ta.
Chúng ta tranh cãi nhiều nhất là với các thành viên trong gia đình. Bản sắc của chúng ta được định nghĩa bởi mâu thuẫn và các thế lưỡng nan nhiều hơn là những sự đồng thuận. Là một người châu Âu vào năm 2018 nghĩa là gì? Không phải là da trắng, tin vào Chúa Jesus hay tôn vinh tự do. Mà là tranh cãi kịch liệt về vấn đề nhập cư, về Liên minh châu Âu và về các hạn chế của chủ nghĩa tư bản. Nó cũng có nghĩa là ám ảnh với câu hỏi dành cho bản thân: “Điều gì định nghĩa bản sắc của tôi?” và lo lắng về dân số đang già đi, về chủ nghĩa tiêu dùng tràn lan và về sự nóng lên toàn cầu. Trong các mâu thuẫn và thế lưỡng nan của mình, người châu Âu thế kỷ 21 khác hẳn các tổ tiên của họ vào năm 1618 và 1940, nhưng ngày càng giống với các đối tác thương mại Trung Quốc và Ấn Độ của họ.
Bất cứ thay đổi nào chờ đợi chứng ta trong tương lai cũng có nhiều khả năng liên quan đến một cuộc đấu tranh huynh đệ tương tàn bên trong một nền văn minh duy nhất thay cho một cuộc xung đột giữa các nền vần minh xa lạ. Những thử thách lớn của thế kỷ 21, về bản chất, là mang tính toàn cầu. Điều gì sẽ xảy ra khi biến đổi khí hậu châm ngòi cho các thảm họa sinh thái? Điều gì sẽ xảy ra khi máy tính vượt trội con người trong ngày càng nhiều nhiệm vụ và thay thế họ trong ngày càng nhiều việc làm? Điều gì sẽ xảy ra khi công nghệ sinh học cho phép chúng ta nâng cấp con người và kéo dài tuổi thọ? Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ có những cuộc tranh cãi khổng lồ và những mâu thuẫn cay đắng về các câu hỏi này. Nhưng những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn này ít có khả nàng tách biệt chúng ta với nhau. Hoàn toàn ngược lại. Chúng sẽ khiến ta ngày càng phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết. Dù nhân loại còn lâu mới đạt được một cộng đồng hòa hợp, chúng ta đều là thành viên của một nền văn minh toàn cầu ồn ào náo loạn duy nhất.
Thế thì làm sao giải thích được làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang quét khắp thế giới? Có lẽ trong cơn hăng hái toàn cầu hóa, chúng ta đã quá nhanh nhảu bỏ qua các quốc gia già nua, tốt đẹp chăng? Liệu một sự quay đầu về chủ nghĩa dân tộc truyền thống có là giải pháp cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu tuyệt vọng của chúng ta? Nếu toàn cầu hóa mang theo nó nhiều vấn đề đến thế, sao không bỏ quách nó đi?