21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 08

8

* * *

Tôn Giáo

CHÚA GIỜ PHỤNG SỰ QUỐC GIA

CHO ĐẾN giờ, các ý thức hệ hiện đại, các chuyên gia khoa học và các chính phủ quốc gia vẫn chưa thể tạo ra một tầm nhìn khả dĩ cho tương lai của nhân loại. Liệu một tầm nhìn như vậy có thể được rút ra từ những ngọn nguồn sâu thẳm của truyền thống tôn giáo? Có thể câu trả lời đã đợi ta bấy lâu nay giữa các trang Kinh Thánh, kinh Quran hay kinh Vệ Đà.

Những người vô thần hẳn sẽ phản ứng trước ý tưởng này bằng sự chế nhạo hay e sợ. Các văn bản thánh kinh có thể có lý vào thời Trung cổ, nhưng làm sao chúng có thể dẫn dắt chúng ta trong một kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nóng lên toàn cầu và chiến tranh mạng? Thế nhưng người vô thần lại thuộc thiểu số. Hàng tỷ người vẫn đặt niềm tin lớn lao vào kinh Quran và Kinh Thánh hơn là thuyết tiến hóa; các phong trào tôn giáo định hình chính trị của các nước đa dạng như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ; và hận thù tôn giáo thổi bùng các mâu thuẫn từ Nigeria sang tới Philippines.

Thế thì các tôn giáo như Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Hindu giáo xác đáng đến mức nào? Liệu chúng có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề chính mà ta đang gặp phải? Để hiểu vai trò của các tôn giáo truyền thống trong thế giới của thế kỷ 21, ta cần phân biệt ba dạng vấn đề:

Các vấn đề kỹ thuật. Chẳng hạn, các nông dân ở những đất nước khô hạn đối mặt với hạn hán nghiêm trọng do sự nóng lên toàn cầu gây ra như thế nào?

Các vấn đề chính sách. Chẳng hạn, chính quyền nên thực hiện các quyết sách gì để ngăn chặn nóng lên toàn cầu ngay từ đầu?

Các vấn đề bản sắc. Chẳng hạn, tôi có nên quan tâm các vấn đề của những nông dân ở phía bên kia thế giới hay chỉ cần quan tâm đến các vấn đề của những người thuộc bộ tộc và đất nước của tôi thôi?

Như chúng ta sẽ thấy trong các trang tiếp theo, các tôn giáo truyền thống phần lớn là không liên quan đến các vấn đề kỹ thuật hay chính sách. Trái lại, chúng lại cực kỳ liên quan đến các vấn đề về bản sắc; nhưng trong hầu hết các trường hợp, chúng góp một phần lớn vào vấn đề hơn là một giải pháp tiềm năng.

—ooOoo—

CÁC VẤN ĐỀ KỸ THUẬT: NỀN NÔNG NGHIỆP CƠ ĐỐC

VÀO THỜI tiền hiện đại, các tôn giáo chịu trách nhiệm giải quyết một loạt các vấn đề kỹ thuật trong những lĩnh vực tầm thường như nông nghiệp. Các lịch thánh quyết định lúc nào gieo trồng và lúc nào thu hoạch, còn các nghi lễ đền đài thì đảm bảo lượng mưa và bảo vệ mùa màng khỏi dịch bệnh. Khi một cuộc khủng hoảng nông nghiệp kéo tới do hạn hán hay nạn châu chấu, người nông dân quay sang các thầy tu để cầu khấn với các vị thần. Cả thuốc thang cũng rơi vào địa hạt tôn giáo. Gần như mọi nhà tiên tri, guru hay thầy cúng đều là thầy thuốc. Chẳng hạn như Chúa Jesus dành nhiều thời gian chữa lành người bệnh, giúp người mù sáng mắt, người câm biết nói và người điên tỉnh trí. Dù là bạn sống ở Ai Cập cổ đại hay châu Âu trung cổ, nếu bị ốm, chắc chắn bạn sẽ đến gặp thầy thuốc-phù thủy thay vì bác sĩ, và hành hương đến một ngôi đền nổi tiếng thay vì đến bệnh viện.

Đến thời cận đại, các nhà sinh học và các bác sĩ phẫu thuật đã giành mất công việc của các thầy tế và thầy cúng hô phong hoán vũ. Nếu lúc này Ai Cập bị nạn châu chấu tấn công, người Ai Cập có thể vẫn cầu Đấng Allah cứu giúp - tại sao không? - nhưng họ sẽ không quên gọi các nhà hóa học, nhà nghiên cứu sâu bọ và nhà di truyền để phát triển các loại thuốc trừ sâu mạnh hơn và các giống lúa mì kháng côn trùng. Nếu con của tín đồ sùng đạo Hindu bị sỏi nặng, người cha sẽ đọc một lời cầu khấn hướng đến thần Dhanvantari và dâng hương hoa tại ngôi đền trong làng; nhưng đó là chỉ sau khi ông đã khẩn trương đưa đứa trẻ đến bệnh viện gần nhất và tin tưởng gửi con mình cho các bác sĩ ở đó chăm sóc. Ngay cả các bệnh thần kinh, địa hạt cuối cùng của các thầy thuốc-tôn giáo, cũng đang dần được sang tay cho các nhà khoa học, khi khoa thần kinh học thay thế quỷ học và thuốc Prozac chiếm chỗ phép trừ tà.

Chiến thắng của khoa học toàn vẹn đến nỗi chính ý niệm của chúng ta về tôn giáo cũng đã thay đổi. Chúng ta không còn liên hệ tôn giáo với nông nghiệp và y khoa nữa. Ngay cả nhiều người mộ đạo giờ cũng “mắc chứng mất trí nhớ tập thể” và chọn cách quên đi việc các tôn giáo truyền thống từng giành quyền quyết định trong các địa hạt này. “Nếu chúng ta quay sang các kỹ sư và bác sĩ thì sao?” những người sùng đạo nói. “Điều đấy chẳng chứng minh được gì hết. Tôn giáo ngay từ đầu liên quan gì đến nông nghiệp và y khoa chứ?”

Tôn giáo truyền thống đã để mất đi quá nhiều lãnh địa vì nói trắng ra, tôn giáo không lấy gì làm giỏi giang trong nông nghiệp hay y tế. Chuyên môn thực sự của các thầy tu và guru, thật ra, chưa bao giờ là làm mưa, chữa bệnh, tiên tri hay pháp thuật. Thật ra, chuyên môn của họ luôn là diễn dịch. Thầy tu không phải là người biết cách nhảy điệu cầu mua và kết thúc hạn hán. Thầy tu là người biết cách biện minh cho việc điệu nhảy cầu mưa của mình thất bại và tại sao chúng ta phải tiếp tục tin vào vị thần của mình ngay cả khi ông ta có vẻ như mắt mù tai điếc trước những cầu nguyên của chúng ta.

Nhưng chính sự thiên tài trong diễn dịch khiến các thủ lĩnh tôn giáo mất lợi thế khi cạnh tranh với các nhà khoa học. Các nhà khoa học cũng rất biết cách đi tắt và bẻ cong bằng chứng, nhưng xét cho cùng, điểm sáng của khoa học là sẵn sàng thừa nhận thất bại và thử một cách khác. Đấy là lý do vì sao các nhà khoa học dần học được cách trồng trọt tốt hơn và làm ra các loại thuốc hiệu quả hơn, trong khi các thầy tu và guru chỉ học được cách kiếm cớ giỏi hơn. Qua nhiều thế kỷ, ngay cả những tín đồ thực thụ cũng đã thấy được sự khác biệt; đấy là lý do quyền hạn tôn giáo đã và đang thu hẹp trong ngày càng nhiều lĩnh vực mang tính kỹ thuật. Đấy là lý do toàn thế giới đang ngày càng trở thành một nền văn minh duy nhất. Khi thứ gì đó thật sự hữu hiệu, con người ta sẽ chấp nhận chúng.

—ooOoo—

CÁC VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH:

NỀN KINH TẾ HỒI GIÁO

TRONG KHI khoa học cho chúng ta những câu trả lời rành mạch về các vấn đề kỹ thuật như là làm sao để chữa bệnh sỏi, vẫn còn khá nhiều bất đồng giữa các nhà khoa học trong các câu hỏi về chính sách. Gần như mọi nhà khoa học đều đồng ý rằng nóng lên toàn cầu là sự thật, nhưng không có sự đồng thuận về phản ứng kinh tế tốt nhất đối với mối nguy này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tôn giáo truyền thống có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Các bản kinh cổ đơn giản không phải là những chỉ dẫn tốt cho nền kinh tế hiện đại và những lằn ranh chính, chẳng hạn giữa các nhà tư bản và nhà xã hội, không trùng với sự phân chia giữa các tôn giáo truyền thống.

Đúng, trong các quốc gia như Israel và Iran, các giáo sĩ và lãnh tụ tối cao có tiếng nói trực tiếp trong sách lược kinh tế của chính phủ; thậm chí trong các quốc gia thế tục hơn như Hoa Kỳ và Brazil, các lãnh đạo tôn giáo cũng có ảnh hưởng đến ý kiến của công luận trong các vấn đề từ thuế khóa cho đến các quy định về môi trường. Thế nhưng nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy trong phần lớn những trường hợp này, các tôn giáo truyền thống thực ra chỉ chơi bè phụ so với các lý thuyết khoa học hiện đại. Khi lãnh tụ tối cao Khamenei cần đưa ra một quyết định tối quan trọng về nền kinh tế Iran, ngài sẽ không tìm thấy câu trả lời cần thiết trong kinh Quran vì những người Ả Rập thế kỷ thứ 7 biết rất ít về các vấn đề và cơ hội của những nền kinh tế công nghiệp hiện đại và các thị trường tài chính toàn cầu. Thế nên ngài, hay các cộng sự của ngài, phải quay sang Karl Marx, Milton Friedman, Friedrich Hayek và kinh tế học hiện đại để tìm câu trả lời. Sau khi đã quyết định tăng lãi suất, giảm thuế, tư nhân hóa các ngành độc quyền của chính phủ hay ký một thỏa thuận thuế quan quốc tế, Khamenei sau đó có thể sử dụng các kiến thức và quyền hạn tôn giáo của mình để gói câu trả lời khoa học của mình trong lớp vải của câu này hay câu kia trong kinh Quran và trưng nó ra trước công chúng như thể đó là ý nguyện của bề trên. Nhưng vải bọc chẳng mấy quan trọng. Khi bạn so sánh các chính sách kinh tế của Iran thuộc dòng Shiite, Ả Rập Saudi thuộc dòng Sunni, Israel Do Thái, Ấn Độ Hindu và Mỹ Cơ Đốc, đơn giản là bạn không thấy có quá nhiều khác biệt.

Trong thế kỷ 19 và 20, các triết gia Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo và Cơ Đốc giáo phê phán chủ nghĩa vật chất hiện đại, chủ nghĩa tư bản vô hồn và sự thừa thãi của nhà nước quan liêu. Họ hứa hẹn rằng chỉ cần cho họ một cơ hội, họ sẽ giải quyết mọi căn bệnh của thời hiện đại và thiết lập một hệ thống kinh tế-xã hội hoàn toàn khác biệt dựa trên các giá trị tinh thần trường tồn trong tín ngưỡng của họ. À thì họ đã được trao cho khá nhiều Cơ hội, và thay đổi đáng kể duy nhất họ tạo ra với công trình của các nền kinh tế hiện đại là sơn lại lớp vỏ ngoài và treo hình trăng lưỡi liềm, chữ thập, ngôi sao David hay ký hiệu Om (hay Aum) to tổ chảng lên mái nhà.

Giống trong trường hợp làm mưa, cũng vậy khi nói về kinh tế: chính chuyên môn được mài giũa lâu dài của các học giả tôn giáo trong việc tái diễn giải các văn tự đã khiến tôn giáo trở nên không còn xác đáng. Dù Khamenei có chọn chính sách kinh tế gì, ngài luôn có thể điều chỉnh nó cho hợp với kinh Quran. Do đó kinh Quran đã được hạ cấp từ một nguồn tri thức thực sự xuống thành một nguồn thẩm quyền đơn thuần. Khi bạn đối mặt với một thế kinh tế lưỡng nan, bạn đọc kỹ Marx và Hayek và họ sẽ giúp bạn hiểu hệ thống kinh tế rõ hơn, nhìn mọi thứ từ một góc độ khác và nghĩ về các giải pháp tiềm năng. Sau khi đã định hình được một câu trả lời, bạn quay sang kinh Quran, đọc thật kỹ để tìm một dòng kinh mà nếu được diễn giải đủ sáng tạo, có thể biện minh cho giải pháp mà bạn có được từ Hayek hay Marx. Dù giải pháp bạn tìm thấy là gì, nếu bạn là một học giả Quran giỏi, bạn sẽ luôn có thể biện minh cho nó.

Điều tương tự cũng đúng với đạo Cơ Đốc. Tín đồ Cơ Đốc có thể là một nhà tư bản dễ dàng chẳng kém gì việc là một người xã hội; và mặc dù một số thứ Jesus nói mang màu sắc chủ nghĩa cộng sản rõ rệt, trong Chiến tranh Lạnh, các nhà tư bản Mỹ vẫn tiếp tục đọc “Bài giảng trên núi” mà không lấy gì làm phiền. Không có cái gì gọi là “nền kinh tế Cơ Đốc”, “nền kinh tế Hồi giáo” hay “nền kinh tế Hindu”.

Không phải là không có các ý tưởng kinh tế trong Kinh Thánh, kinh Quran hay kinh Vệ Đà; chỉ có điều các ý tưởng đó đã không hợp thời. Đọc kinh Vệ Đà khiến Mahatma Gandhi hình dung ra nước Ấn Độ độc lập như một tập hợp các cộng đồng nông nghiệp tự cung tự cấp, mỗi cộng đồng tự dệt lấy vải khadi, xuất khẩu ít và nhập khẩu còn ít hơn. Bức ảnh nổi tiếng nhất của ông chụp ông đang quay sợi bằng chính đôi tay mình và ông đã biến vòng quay sọi giản dị thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ. Thế nhưng viễn cảnh điền viên này đơn giản là không tương thích với thực tế của kinh tế học hiện đại; do đó, chẳng sót lại gì nhiều ngoại trừ hình ảnh rạng rỡ của Gandhi trên hàng tỷ tờ rupee.

Các lý thuyết kinh tế hiện đại xác đáng hơn các giáo lý truyền thống đến nỗi việc diễn giải ngay cả các mâu thuẫn tưởng là nặng tính tôn giáo theo thuật ngữ kinh tế đã trở nên phổ biến, trong khi chẳng ai nghĩ đến chuyện làm điều ngược lại. Chẳng hạn, một số cho rằng các vấn đề ở Bắc Ireland giữa người Cơ Đốc và người Tin Lành phần lớn là do các mâu thuẫn giai cấp thổi bùng lên. Vì nhiều sự ngẫu nhiên khác nhau trong lịch sử mà ở Bắc Ireland, tầng lớp trên chủ yếu là người theo đạo Tin Lành và các tầng lớp dưới chủ yếu theo Cơ Đốc. Do đó, thứ mà ban đầu có vẻ là một mâu thuẫn mang tính chất ý thức hệ về bản chất Chúa Jesus thực tế lại là một cuộc vật lộn điển hình giữa những người có của và những kẻ bần cùng. Trái lại, rất ít người dám tuyên bố các mâu thuẫn giữa quân du kích và giới địa chủ tư bản ở Nam Mỹ vào những năm 1970 thực chất chỉ là vỏ bọc cho một sự bất đồng sâu xa hơn nhiều về ý thức hệ Cơ Đốc giáo.

Thế thì tôn giáo sẽ tạo nên sự khác biệt nào khi đối mặt với các câu hỏi lớn của thế kỷ 21? Thử xem xét câu hỏi về việc có nên cho AI quyền hạn đưa ra các quyết định về đời sống con người: chọn thứ bạn nên học, nơi bạn nên làm và người bạn nên cưới. Lập trường Hồi giáo đối với câu hỏi này là gì? Lập trường Do Thái giáo là gì? Chẳng có lập trường “Hồi giáo” hay “Do Thái giáo” gì ở đây hết. Con người chắc chắn sẽ phân thành hai phe chính: những người đồng ý cho AI quyền đáng kể và những người phản đối. Có khả năng ta sẽ tìm thấy người Do Thái và người Hồi giáo ở cả hai phe và họ sẽ biện, minh cho bất cứ vị trí nào mà họ chọn bằng các diễn giải hết sức sáng tạo từ kinh Quran và kinh Talmud.

Dĩ nhiên, các nhóm tôn giáo có thể khiến các quan điểm của mình trở nên cứng nhắc trong một số vấn đề nhất định và biến chúng thành các giáo điều có vẻ là thiêng liêng hoặc vĩnh hằng. Vào những năm 1970, các nhà luân lý học ở châu Mỹ Latin đưa ra thuyết Tự do, khiến Jesus trông hơi giống Che Guevara. Tương tự, người ta có thể dễ dàng đưa Jesus vào cuộc tranh luận về nóng lên toàn cầu và khiến các lập trường chính trị hiện tại có vẻ như đã là những nguyên tắc tôn giáo bất di từ ngàn đời.

Điều này đã bắt đầu xảy ra. Việc phản đối các quy định về môi trường được đưa vào những bài giảng về Địa ngục của một số mục sư theo phái Phúc Âm của Mỹ, trong khi Giáo hoàng Francis đang dẫn đầu cuộc chiến đối phó sự nóng lên toàn cầu dưới danh Chúa (như lời chứng trong bài thông tri thứ hai của ngài, “Laudato si”). Thế nên có lẽ đến năm 2070, về vấn đề môi trường, việc bạn là người theo phái Phúc Âm hay Cơ Đốc sẽ là hoàn toàn khác biệt. Không cần nói cũng biết là những người theo phái Phúc Âm sẽ phản đối bất cứ sự hạn chế phát thải carbon nào, trong khi người Cơ Đốc sẽ tin rằng Chúa Jesus đã dạy họ phải bảo vệ môi trường.

Chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ngay cả trong những chiếc xe của họ. Người Phúc Âm sẽ lái những chiếc SUV ngốn xăng nhu nước lã to đùng, trong khi người Cơ Đốc sẽ đi lại trong những chiếc xe điện gọn nhẹ với miếng dán trên cái giảm xóc ghi “Thiêu đốt hành tình này, chết cháy trong Địa ngục!” Tuy nhiên, mặc dù họ có thể trích dẫn những đoạn khác nhau trong Kinh Thánh để bảo vệ lập trường của mình, nguồn gốc đích thực của sự khác biệt vẫn sẽ nằm ở các lý thuyết khoa học và phong trào chính trị hiện đại chứ không phải trong Kinh Thánh. Từ góc nhìn này, tôn giáo không thực sự có nhiều điều để đóng góp cho các cuộc tranh luận chính sách lớn của thời đại chúng ta. Như Karl Marx đã nói, nó chỉ là một lớp véc-ni thôi.

—ooOoo—

CÁC VẤN ĐỀ BẢN SẮC:

NHỮNG DÒNG CHỮ TRÊN CÁT

MARX ĐÃ nói quá đi khi ông xem tôn giáo chỉ là một cấu trúc thượng tầng đơn thuần đang che phủ các lực lượng kỹ thuật và kinh tế hùng mạnh. Ngay cả nếu Hồi giáo, Hindu giáo hay Cơ Đốc giáo chỉ là những hình trang trí sặc sỡ trên một cấu trúc kinh tế hiện đại, thì con người vẫn thường đồng cảm với sự trang trí đó và bản sắc của con người là một lực lượng lịch sử tối quan trọng. Quyền lực của con người phụ thuộc vào hợp tác quy mô lớn và hợp tác quy mô lớn phụ thuộc vào việc tạo ra các bản sắc tập thể; mọi bản sắc tập thể đều dựa trên những câu chuyện tạo dựng, không phải là các sự thật khoa học hay thậm chí là sự cần thiết về kinh tế. Trong thế kỷ 21, việc phân chia con người thành người theo Do Thái giáo và theo Hồi giáo hay thành Nga và Ba Lan vẫn phụ thuộc các truyền thuyết tôn giáo. Các nỗ lực của phát xít và toàn trị hòng xác định một cách khoa học bản sắc của con người dựa trên chủng tộc và giai cấp hóa ra chỉ là ngụy khoa học nguy hiểm; từ đó đến nay, các nhà khoa học cực kỳ miễn cưỡng khi giúp định dạng bất cứ bản sắc “tự nhiên” nào cho con người.

Thế nên trong thế kỷ 21, tôn giáo không cầu được mưa, không chữa được bệnh, không làm ra bom; nhưng tôn giáo vẫn được quyết “chúng ta” là ai và ai là “họ”, ta cần chữa trị cho ai và nên công kích ai. Như đã nói lúc trước, về thực tế mà nói thì sự khác biệt giữa Iran dòng Shiite, Ả Rập Saudi dòng Sunni và Israel Do Thái là ít đến đáng ngạc nhiên. Tất cả đều là các quốc gia hành chính, tất cả đều theo đuổi các chính sách ít nhiều là tư bản chủ nghĩa, tất cả đều tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ em và dựa vào các nhà hóa học và vật lý học để tạo ra bom. Không có cái gọi là nền hành chính Shiite, nền tư bản Sunni hay vật lý Do Thái. Thế thì làm thế nào chúng ta khiến con người cảm thấy trung thành với một tộc người này và thù ghét tộc người khác?

Để vạch ra những đường biên rõ ràng trên những trảng cát biến động không ngừng của nhân loại, các tôn giáo sử dụng những nghi thức, trình tự hành lễ và nghi lễ. Người Shiite, Sunni và Do Thái chính thống mặc quần áo khác nhau, tụng những câu kinh khác nhau và tuân thủ những cấm kỵ khác nhau. Các truyền thống tôn giáo khác biệt này thường khiến cuộc sống mỗi ngày đầy những sự đẹp đẽ và khuyến khích con người đối xử tử tế và rộng lượng hơn. Năm lần một ngày, giọng nói ngân lên của các thầy tu báo giờ vút lên trên những ồn ào của các khu chợ, văn phòng và nhà máy, gọi người Hồi tạm nghỉ ngơi khỏi những ồn ã của cuộc mưu sinh tầm thường và cố gắn kết với một chân lý vĩnh cửu. Những người hàng xóm theo Hindu giáo của họ có thể vươn đến mục đích tương tự với sự giúp đỡ của các buổi cầu nguyện và tụng kinh mỗi ngày. Hằng tuần, vào tối thứ Sáu, các gia đình Do Thái ngồi ăn một bữa ăn đặc biệt của niềm vui, sự tạ ơn và hòa hợp. Hai ngày sau, vào sáng Chủ nhật, các dàn đồng ca phúc âm Cơ Đốc mang hy vọng đến cho cuộc sống của hàng triệu người, giúp tạo dựng mối gắn kết cộng đồng của niềm tin và sự tương ái.

Một số tục lệ tôn giáo khác lại mang đến thế giới điều xấu xa và khiến con người hành xử nhẫn tâm. Chẳng hạn, có rất ít điều hay ho để ủng hộ cho thói coi thường phụ nữ hay phân biệt đẳng cấp được tôn giáo cổ xúy. Nhưng dù đẹp hay xấu, tất cả các truyền thống tôn giáo như vậy đều đoàn kết được những người nhất định và khiến họ khác biệt với hàng xóm láng giềng. Nhìn từ bên ngoài, các truyền thống tôn giáo chia cắt con người thường có vẻ rất nhỏ mọn và Freud đã chế giễu nỗi ám ảnh của con người về các vấn đề đó như “cơn ái kỷ của những khác biệt nhỏ mọn”. Nhưng trong lịch sử và chính trị, những khác biệt nhỏ có thể mang ý nghĩa sống còn. Do đó, nếu là người đồng tính, việc bạn sống ở Israel, Iran hay Ả Rập Saudi là chuyện sống chết theo nghĩa đen. Ở Israel, cộng đồng LGBT được luật pháp bảo vệ, thậm chí một số giáo sĩ còn chúc phúc cho lễ cưới của hai phụ nữ. Ở Iran, người đồng tính bị khủng bố một cách có hệ thống và thậm chí bị xử tử. Ở Ả Rập Saudi, mãi đến năm 2018 thì người đồng tính nữ mới được lái ô tô, chỉ vì đó là một phụ nữ, chứ chưa nói đến là người đồng tính nữ.

Có lẽ ví dụ tốt nhất về quyền lực và tầm quan trọng tiếp diễn của các tôn giáo truyền thống trong thế giới hiện đại đến từ Nhật Bản. Vào năm 1853, một hạm đội Mỹ đã buộc Nhật Bản mở cửa với thế giới hiện đại. Để đáp trả, nhà nước Nhật bắt đầu một quá trình hiện đại hóa nhanh chóng và cực kỳ thành công. Chỉ trong vài thập kỷ, nó trở thành một quốc gia công quyền hùng mạnh dựa vào khoa học, chủ nghĩa tư bản và các công nghệ quân sự mới nhất để đánh bại Trung Quốc và Nga, chiếm đóng Đài Loan và Hàn Quốc, cuối cùng là đánh chìm phần lớn hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng và tiêu diệt các đế chế châu Âu ở Viễn Đông. Thế nhưng Nhật Bản đã không mù quáng sao chép phương Tây. Nó cực kỳ quyết tâm bảo vệ bản sắc độc đáo của mình và đảm bảo rằng người Nhật hiện đại sẽ trung thành với Nhật Bản thay vì với khoa học, tính hiện đại hay một cộng đồng toàn cầu mờ mịt nào đó.

Để đạt được mục đích đó, Nhật Bản nêu cao tôn giáo truyền thống của mình là Thần đạo (Shinto) như hòn đá tảng của bản sắc Nhật. Trên thực tế, nhà nước Nhật Bản đã làm mới Thần đạo. Thần đạo truyền thống là một tập hợp tạp loại gồm những đức tin duy linh vào vô số những vị thần, linh hồn và ma quỷ; mỗi ngôi làng và đền thờ đều có các linh hồn và truyền thống địa phương ưa thích của mình. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhà nước Nhật đã tạo ra một phiên bản chính thức của Thần đạo trong khi cấm nhiều truyền thống địa phương. Thứ “Thần đạo nhà nước” này được trộn lẫn với các ý tưởng hết sức hiện đại về dân tộc và chủng tộc mà giới tinh hoa Nhật Bản tuyển lựa từ những đế quốc châu Âu. Bất cứ yếu tố nào trong Phật giáo, Khổng giáo và phong kiến võ sĩ đạo có thể giúp củng cố sự trung thành với nhà nước đều được thêm vào hỗn hợp. Và sau cùng, “Thần đạo nhà nước” trân trọng cất giữ một nguyên tắc tối cao là thờ phụng Nhật hoàng, người được xem là hậu duệ trực tiếp của thần mặt trời Amaterasu và bản thân ngài chính là một vị thần sống.

Thoáng nhìn thì sự kết hợp kỳ dị cả cũ và mới này có vẻ là một lựa chọn cực kỳ bất hợp lý đối với một nhà nước đang dấn thân trên con đường tắt dẫn đến hiện đại hóa. Một vị thần sống ư? Các linh hồn thần vật ư? Tinh túy phong kiến ư? Nghe giống một hệ thống tộc trưởng thời Đồ Đá mới hơn là một cường quốc công nghiệp hiện đại.

Nhưng nó lại hiệu quả như một phép mầu. Người Nhật hiện đại hóa với một tốc độ vũ bão trong khi cùng lúc phát triển một niềm trung thành cuồng tín với nhà nước của mình. Dấu hiệu thành công nổi tiếng nhất của “Thần đạo nhà nước” là việc Nhật Bản là cường quốc đầu tiên phát triển và sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác. Nhiều thập kỷ trước khi Hoa Kỳ đưa ra chiến trường loại bom thông minh, và tại thời điểm nước Đức phát xít chỉ mới bắt đầu sử dụng mấy quả tên lửa V-2 ngu ngốc, Nhật đã đánh chìm hàng chục tàu Đồng Minh bằng các “tên lửa” dẫn đường chính xác, được biết đến với tên gọi kamikaze (tức Thần phong). Trong khi các vũ khí dẫn đường chính xác hiện đại sử dụng máy tính chỉ dẫn thì kamikaze là những máy bay thông thường chất đầy chất nổ và do các phi công sẵn sàng nhận các nhiệm vụ “một đi không trở lại” điều khiển. Sự tự nguyện này là sản phẩm của tinh thần hy sinh bất chấp cái chết được Thần đạo nhà nước nuôi dưỡng. Kamikaze do đó dựa vào sự kết hợp “công nghệ đỉnh cao” với truyền bá tôn giáo đỉnh cao.

Dù biết hay không thì nhiều chính phủ ngày nay đang đi theo tấm gương của Nhật. Họ sử dụng các công cụ và cấu trúc toàn cầu trong khi dựa vào các tôn giáo truyền thống để bảo tồn một bản sắc dân tộc độc đáo. Vai trò của Thần đạo nhà nước ở Nhật Bản được hoàn thành đến một mức độ nào đó nhờ Chính thống giáo ở Nga, Thiên Chúa giáo ở Ba Lan, đạo Hồi dòng Shiite ở Iran, chủ nghĩa Wahhabi ở Ả Rập Saudi và Do Thái giáo ở Israel. Dù có vẻ cổ xưa đến đâu, chỉ cần một chút tưởng tượng và tái diễn dịch, tôn giáo gần như luôn có thể kết đôi với các món đồ công nghệ mới nhất và các thể chế hiện đại phức tạp nhất.

Trong một số trường hợp, các nhà nước tạo ra một hệ tư tưởng hoàn toàn mới để nuôi dưỡng bản sắc độc đáo của mình. Ngày nay, các ví dụ “thái quá” có thể thấy ở thuộc địa cũ của Nhật Bản là Bắc Hàn. Bắc Hàn truyền bá cho dân chúng của mình một hệ tư tưởng nhà nước có tên gọi là Juche (tức Chủ thể). Nó là một sự pha trộn giữa chủ nghĩa Marx-Lenin, một vài truyền thống cổ xưa của Triều Tiên, một niềm tin tuyệt đối về sự thuần khiết của chủng tộc Triều Tiên và sự thần thánh hóa dòng dõi gia đình lãnh đạo. Có lẽ nhận thức được đế chế Nhật Bản đã bị đánh bại như thế nào nên “Juche-giáo” Bắc Hàn đã từ lâu kiên quyết thêm vũ khí hạt nhân vào hỗn hợp trên, miêu tả sự phát triển của mình như một bổn phận thiêng liêng xứng đáng với những hy sinh tối thượng.

—ooOoo—

NGƯỜI NỮ TỲ CỦA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC

DÙ CÔNG nghệ có phát triển như thế nào, chúng ta vẫn có thể hy vọng là các tranh luận về bản sắc và nghi lễ tôn giáo vẫn sẽ tiếp tực ảnh hưởng đến việc sử dụng công nghệ mới và rất có thể vẫn giữ được sức mạnh thổi bùng thế giới. Các đầu đạn hạt nhân và bom “ảo” tối tân nhất có thể vẫn sẽ được sử dụng để dàn xếp một tranh luận mang tính học thuyết về các văn bản cổ xưa. Tôn giáo, nghi lễ và nghi thức sẽ vẫn quan trọng miễn là quyền lực của loài người vẫn còn phụ thuộc vào hợp tác quy mô lớn, và miễn là hợp tác quy mô lớn vẫn phụ thuộc vào niềm tin với các câu chuyện hoang đường chung.

Thật không may, tất cả những điều này khiến các tôn giáo truyền thống trở thành một phần của các vấn đề nhân loại, chứ không phải một phần giải pháp. Tôn giáo vẫn có rất nhiều sức mạnh chính trị vì nó có thể củng cố các bản sắc dân tộc và thậm chí có thể còn khơi mào cho Thế chiến thứ ba. Nhưng khi xét đến việc giải quyết thay vì đổ thêm dầu vào lửa cho các vấn đề toàn cầu của thế kỷ 21 thì có vẻ như nó chả mang lại gì nhiều. Mặc dù nhiều tôn giáo truyền thống tôn vinh các giá trị toàn cầu và tuyên bố mình có giá trị vũ trụ, hiện tại chúng vẫn được sử dụng chủ yếu với tư cách người “nữ tỳ” của chủ nghĩa dân tộc hiện đại, dù là ở Bắc Hàn, Nga, Iran hay Israel. Do đó, chúng khiến việc vượt qua các khác biệt dân tộc và tìm một giải pháp toàn cầu cho các nguy cơ về chiến tranh hạt nhân, sụp đổ sinh thái và đứt gãy do công nghệ thậm chí còn khó khăn hơn nữa.

Ví dụ như khi đối mặt với nóng lên toàn cầu hay leo thang hạt nhân, các giáo sĩ dòng Shiite có thể khuyến khích người Iran nhìn nhận các vấn đề này từ một góc nhìn kiểu Iran hạn hẹp, các giáo sĩ Do Thái khuyến khích người Israel quan tâm chủ yếu đến những gì tốt cho Israel và các thầy tu Chính thống giáo thúc giục người Nga nghĩ trước tiên và trên hết đến quyền lợi của nước Nga. Dĩ nhiên, có những nhà hiền triết tôn giáo phủ nhận những sự thái quá của chủ nghĩa dân tộc và đi theo những tầm nhìn toàn cầu hơn nhiều. Thật không may, những vị hiền triết như vậy ngày nay không có nhiều quyền lực chính trị.

Thế thì, chúng ta đã bị mắc kẹt, tiến thoái lưỡng nan. Nhân loại giờ đây cấu thành một nền văn minh duy nhất và các vấn đề như chiến tranh hạt nhân, sụp đổ sinh thái và đứt gãy do công nghệ chỉ có thể được giải quyết trên quy mô toàn cầu. Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo vẫn chia cắt nền văn minh con người thành các phe phái khác nhau và thường là thù nghịch với nhau. Sự xung đột giữa các vấn đề toàn cầu và các bản sắc địa phương tự bộc lộ trong một cuộc khủng hoảng giờ đang bao vây thử nghiệm đa văn hóa vĩ đại nhất thế giới, Liên minh châu Âu. Được xây dựng trên lời hứa hẹn về các giá trị tự do phổ quát, EU hiện đang bên bờ vực tan rã do những khó khăn về hòa nhập và nhập cư.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3