21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 09
9
* * *
Nhập Cư
MỘT SỐ NỀN VĂN HÓA CÓ THỂ TỐT HƠN NHỮNG NỀN VĂN HÓA KHÁC
MẶC DÙ toàn cầu hóa đã làm giảm đi đáng kể các khác biệt văn hóa trên khắp hành tinh, nó đồng thời khiến việc chạm mặt những người xa lạ và cảm giác khó chịu với sự khác biệt của họ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Sự khác biệt giữa nước Anh Anglo-Saxon và Đế chế Pala Ấn Độ lớn hơn sự khác biệt giữa nước Anh hiện đại và Ấn Độ hiện đại rất nhiều; nhưng British Airways không có đường bay thẳng từ Delhi sang London vào thời vua Alfred Đại đế.
Khi ngày càng có nhiều người vượt qua ngày càng nhiều biên giới để tìm kiếm việc làm, sự an toàn và một tương lai tốt đẹp hơn, sự cần thiết phải đối đầu, hòa nhập hay loại bỏ những người xa lạ khiến các hệ thống chính trị và các bản sắc tập thể, vốn định hình trong những thời đại ít linh động hơn, trở nên cực kỳ căng thẳng. Không ở đâu mà vấn đề đó nhức nhối hơn ở châu Âu. Liên minh châu Âu được xây dựng trên lời hứa vượt qua các khác biệt văn hóa giữa người Pháp, người Đức, người Tây Ban Nha và người Hy Lạp. Nó có thể sẽ sụp đổ do không thể chứa đựng nổi sự khác biệt giữa người châu Âu và những người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. Mỉa mai thay, chính thành công của châu Âu trong việc xây dựng một hệ thống đa văn hóa phồn vinh đã thu hút nhiều người, nhập cư đến vậy ngay từ đầu. Người Syria muốn nhập cư vào Đức hơn là vào Ả Rập Saudi, Iran, Nga hay Nhật không phải vì Đức gần hơn hay giàu có hơn các địa điểm tiềm năng kia; đó là vì Đức có một lịch sử đón chào và thu nhận người, nhập cư tốt hơn nhiều.
Làn sóng người tị nạn và người nhập cư ngày càng lớn đưa đến các phản ứng khác nhau giữa những người châu Âu và làm nảy sinh những tranh luận gay gắt về bản sắc và tương lai của châu Âu. Một số người châu Âu. đòi hỏi châu Âu phải đóng sập cửa lại: họ đang phản bội các lý tưởng đa văn hóa và khoan hòa của châu Âu hay chỉ đang đi những bước đi hợp lẽ để ngăn ngừa thảm họa? Những người khác kêu gọi mở cửa rộng hơn nữa: họ đang trung thành với các giá trị cốt lõi của châu Âu hay đang mắc lỗi làm ì trệ dự án châu Âu bằng những kỳ vọng bất khả? Cuộc tranh luận về nhập cư này thường biến dạng thành một cuộc chiến gào thét chẳng ai nghe ai. Để làm rõ hơn vấn đề, có lẽ ta nên xem nhập cư như một thỏa thuận với ba điều khoản cơ bản:
ĐIỀU KHOẢN 1: Nước chủ nhà cho phép người nhập cư vào.
ĐIỀU KHOẢN 2: Đổi lại, người nhập cư phải tiếp nhận ít nhất là các quy tắc và giá trị cốt lõi của nước chủ nhà, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là từ bỏ một số quy tắc và giá trị truyền thống của họ.
ĐIỀU KHOẢN 3: Nếu người nhập cư hòa nhập đến một mức độ thỏa đáng, qua thời gian, họ trở thành các thành viên ngang hàng và đầy đủ tư cách của nước chủ nhà. “Họ” trở thành “chúng ta”.
Ba điều khoản này đưa đến ba cuộc tranh luận khác biệt về ý nghĩa chính xác của từng điều khoản. Cuộc tranh luận thứ tư nữa hên quan đến việc thực hiện ba điều khoản. Khi tranh cãi về nhập cư, người ta thường lẫn lộn bốn cuộc tranh luận với nhau, thế nên không ai hiểu thực chất tranh cãi là về cái gì. Do đó tốt nhất ta nên xem xét từng cuộc tranh luận một cách riêng rẽ.
TRANH LUẬN 1: Điều khoản đầu tiên của thỏa thuận nhập cư đơn giản nói rằng nước chủ nhà cho phép người nhập cư vào. Nhưng điều này nên được hiểu là một bổn phận hay một sự ban ơn? Liệu nước chủ nhà có buộc phải mở cửa cho tất cả mọi người hay nó có quyền lựa chọn, thậm chí là ngừng cho nhập cư? Những người ủng hộ nhập cư hình như nghĩ rằng các nước có một bổn phận đạo đức phải đón nhận không chỉ những người tị nạn mà cả những người đến từ các vùng đất đói nghèo để tìm việc làm và một tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa, mọi người đều có bổn phận đạo đức đối với tất cả những người khác, và những ai phủ nhận các bổn phận đó đều là những người ích kỷ, thậm chí là phân biệt chủng tộc.
Thêm nữa, những người ủng hộ nhập cư nhấn mạnh rằng không thể hoàn toàn ngăn nhập cư; dù ta có xây lên bao nhiêu bức tường, dựng lên bao nhiêu hàng rào, những con người khốn cùng vẫn luôn tìm được cách vượt qua. Thế nên thà hợp thức hóa nhập cư và giải quyết một cách minh bạch còn hơn tạo ra một thế giới ngầm rộng lớn của nạn buôn người, lao động trái phép và những đứa trẻ không có giấy tờ nhập cư hợp pháp.
Những người phản đối nhập cư đáp trả rằng nếu áp dụng các biện pháp đủ mạnh, bạn có thể hoàn toàn ngăn chặn nhập cư và có lẽ ngoại trừ trường hợp những người tị nạn chạy trốn các truy hại tàn bạo ở một nước láng giềng, bạn không bao giờ có nghĩa vụ mở cửa cả. Thổ Nhĩ Kỳ có thể có bổn phận đạo đức phải cho phép những người Syria tuyệt vọng vượt qua biên giới của mình; nhưng nếu những người tị nạn này sau đó cố đi tiếp sang Thụy Điển, người Thụy Điển không cần phải chấp nhận họ. Với những người nhập cư tìm kiếm việc làm và phúc lợi thì hoàn toàn tùy thuộc vào nước chủ nhà xem có cần họ không và với điều kiện nào.
Những người chống nhập cư nhấn mạnh rằng một trong những quyền cơ bản nhất của mỗi cộng đồng người là bảo vệ mình khỏi sự xâm lược, dù là dưới hình thức các đạo quân hay những người nhập cư. Người Thụy Điển đã làm việc cật lực và chịu vô số hy sinh để xây dựng một nền dân chủ tự do phồn thịnh; nếu người Syria thất bại khi làm việc tương tự thì đấy không phải là lỗi của người Thụy Điển. Nếu cử tri Thụy Điển không muốn có thêm người nhập cư Syria nữa, dù là vì lý do gì, thì từ chối nhập cư là quyền của họ. Và nếu họ có chấp nhận một số người nhập cư thì phải nói rất rõ rằng đấy là một ơn huệ mà Thụy Điển ban ra, chứ không phải là một bổn phận mà họ cần thực thi. Điều đó có nghĩa là những người nhập cư được cho vào Thụy Điển nên thấy cực kỳ biết ơn với bất cứ thứ gì mình nhận được, chứ không phải đến nơi cùng một danh sách các yêu cầu như thể đấy là nhà của họ.
Thêm nữa, những người chống nhập cư nói rằng một đất nước có thể đưa ra bất cứ chính sách nhập cư nào nó muốn. Nó có thể rà soát người nhập cư không chỉ để tìm lý lịch phạm tội hay khả năng nghề nghiệp, mà cả những thứ như tôn giáo. Nếu một nước như Israel chỉ muốn cho người Do Thái vào và một nước như Ba Lan chỉ đồng ý cho người tị nạn Trung Đông với điều kiện họ theo Cơ Đốc giáo nhập cư, thì đồng ý là nó có vẻ không hay nhưng đấy hoàn toàn nằm trong quyền của cử tri Israel hay Ba Lan.
Thứ khiến vấn đề trở nên phức tạp là trong nhiều trường hợp, người ta lại muốn có tất cả mọi thứ cơ. Vô số quốc gia ngó lơ trước nạn nhập cư trái phép hay thậm chí chấp nhận lao động thời vụ người nước ngoài vì họ muốn hưởng lợi từ năng lượng, tài năng và lao động giá rẻ của nước ngoài. Tuy nhiên, các quốc gia đó lại từ chối hợp thức hóa địa vị của những người này, nói rằng họ đâu có muốn dân nhập cư. về lâu dài, điều này có thể tạo ra các xã hội phân chia thứ bậc, trong đó tầng lớp trên gồm các công dân hợp thức bóc lột tầng lớp dưới là những người nước ngoài bất lực, như đang xảy ra ngày nay ở Qatar và một số nước Vùng Vịnh khác.
Một khi cuộc tranh luận này chưa ngã ngũ, việc trả lời các câu hồi tiếp theo về nhập cư là cực khó. Những người ủng hộ nhập cư nghĩ rằng ai cũng có quyền nhập cư vào một nước khác nếu họ muốn thế và các nước chủ nhà có nghĩa vụ đón nhận những người này nên họ phản ứng bằng một cơn giận dữ mang tính đạo đức khi quyền nhập cư của con người bị xâm phạm và khi các quốc gia thất bại trong việc thực hiện nghĩa vụ đón nhận đó. Các quan điểm như vậy khiến những người phản đối nhập cư kinh ngạc. Họ xem nhập cư là một ơn huệ và thu nhận là thiện ý. Tại sao lại buộc người khác tội phân biệt chủng tộc hay phát xít chỉ vì họ từ chối cho người khác nhập cảnh vào chính quốc gia của họ?
Dĩ nhiên, ngay cả nếu cho phép người nhập cư vào là ơn huệ hơn là nghĩa vụ, một khi người nhập cư đã an cư thì nước chủ nhà dần dà cũng sẽ nảy sinh vô số nghĩa vụ đối với họ và con cháu họ. Do đó, bạn không thể biện minh cho làn sóng bài Do Thái ở Mỹ ngày nay bằng cách lập luận rằng “chúng ta đã ban một cái ơn rất lớn cho bà cố nội các người bằng cách cho bả vào nước này hồi năm 1910, thế nên giờ chúng ta muốn đối xử với các người thế nào là tùy thích”.
TRANH LUẬN 2: Điều khoản thứ hai của thỏa thuận nhập cư nói rằng nếu được cho vào, người nhập cư có nghĩa vụ hòa nhập vào nền văn hóa địa phương. Nhưng sự hòa nhập đó đến đâu thì đủ? Nếu người nhập cư chuyển từ một xã hội gia trưởng đến một xã hội tự do, họ có phải đấu tranh cho nữ quyền? Nếu họ đến từ một xã hội vô cùng sùng đạo, họ có cần áp dụng một thế giới quan thế tục? Họ có nên từ bỏ các trang phục truyền thống và các thực phẩm cấm kỵ? Những người phản đối nhập cư có xu hướng đặt tiêu chuẩn cao trong khi những người ủng hộ đặt chuẩn thấp hơn nhiều.
Những người ủng hộ nhập cư tranh luận rằng bản thân châu Âu vốn cực kỳ đa dạng và cư dân bản địa của nó có phổ ý kiến, thói quen và giá trị cực rộng. Đây chính xác là điều khiến châu Âu trở nên sống động và mạnh mẽ. Tại sao người nhập cư buộc phải gắn mình với một bản sắc châu Âu tưởng tượng nào đó mà ít người châu Âu thực sự đạt đến? Bạn muốn ép người nhập cư Hồi giáo vào Vương quốc Anh trở thành người Cơ Đốc trong khi nhiều công dân Anh hiếm khi đi nhà thờ ư? Bạn muốn yêu cầu người nhập cư từ vùng Punjab Ấn Độ từ bỏ cà-ri và masala để ăn khoai chiên cá rán và bánh pudding vùng Yorkshire chăng? Nếu châu Âu có bất cứ giá trị lõi thực sự nào thì đấy là các giá trị của khoan dung và tự do, nghĩa là người châu Âu nên thể hiện sự khoan dung đối với cả người nhập cư nữa và cho họ càng nhiều tự do càng tốt để đi theo truyền thống của riêng họ, miễn là các truyền thống đó không làm hại đến tự do và quyền của những người khác.
Những người phản đối nhập cư đồng ý rằng khoan dung và tự do là các giá trị châu Âu quan trọng nhất và cáo buộc các nhóm nhập cư, đặc biệt các nhóm đến từ các quốc gia Hồi giáo, là thiếu khoan dung, coi thường phụ nữ, thù ghét người đồng tính và bài Do Thái. Chính xác vì châu Âu tôn trọng sự khoan dung nên nó không thể cho phép quá nhiều người không khoan dung vào châu Âu. Trong khi một xã hội khoan dung có thể đối phó được với các nhóm thiểu số phi tự do thì nếu con số những kẻ cực đoan như vậy vượt một ngưỡng nhất định, toàn bộ bản chất của xã hội sẽ thay đổi. Nếu châu Âu cho phép quá nhiều người nhập cư từ Trung Đông vào, cuối cùng nó sẽ giống như Trung Đông.
Những người phản đối nhập cư khác còn đi xa hơn. Họ chỉ ra rằng một cộng đồng ở cấp quốc gia không chỉ là một nhóm người chịu đựng lẫn nhau. Do đó, việc những người nhập cư chấp nhận các tiêu chuẩn của châu Âu về khoan dung là không đủ. Họ cũng phải theo nhiều giá trị độc đáo của văn hóa Anh, Đức hay Thụy Điển, dù các giá trị đó là gì. Khi cho họ nhập cư, văn hóa bản địa cũng gánh trên mình một nguy cơ to và một hao tổn lớn. Không có lý do gì mà nó nên tự hủy hoại mình nữa. Rốt cuộc, nó sẽ mang tới một sự bình đẳng hoàn toàn nên nó cũng yêu cầu một sự hòa nhập trọn vẹn. Nếu người nhập cư có vấn đề với một số thói tật của văn hóa Anh, Đức hay Thụy Điển, xin mời họ đi chỗ khác.
Hai vấn đề chính của cuộc tranh luận này là bất đồng về tính thiếu khoan dung của người nhập cư và bất đồng về bản sắc châu Âu. Nếu quả thực người nhập cư mắc lỗi thiếu khoan dung không thể sửa được, nhiều người châu Âu theo chủ nghĩa tự do hiện đang ủng hộ nhập cư chẳng chóng thì chầy sẽ quay ra phản đối nhập cư một cách cay đắng. Trái lại, nếu phần lớn người nhập cư chứng tỏ mình cũng tự do và cởi mở trong thái độ đối với tôn giáo, giới tính và chính trị, điều này sẽ đánh bật một số lập luận hiệu quả nhất chống lại sự nhập cư.
Tuy nhiên, câu hỏi về các bản sắc dân tộc độc đáo của châu Âu vẫn sẽ để ngỏ. Khoan dung là một giá trị phổ quát. Vậy có quy tắc và giá trị Pháp độc đáo nào mà người nhập cư đến Pháp cần phải chấp nhận, và có quy tắc và giá trị Đan Mạch độc đáo nào mà người nhập cư đến Đan Mạch phải đón nhận không? Một khi châu Âu vẫn chia rẽ sâu sắc về câu hỏi này, họ khó mà có một chính sách rõ ràng về nhập cư. Trái lại, một khi người châu Âu biết mình là ai, 500 triệu người dân nơi đây sẽ không gặp khó khăn gì khi thu nhận, hoặc cấm nhập cư, 1 triệu người tị nạn.
TRANH LUẬN 3: Điều khoản thứ ba của thỏa thuận nhập cư nói rằng nếu người nhập cư thật sự chân thành nỗ lực hòa nhập, và cụ thể là chấp nhận giá trị bao dung, nước chủ nhà có nghĩa vụ buộc đối xử với họ như các công dân hạng một. Nhưng chính xác thì cần bao nhiêu thời gian để người nhập cư trở thành những thành viên chính thức của xã hội? Những người nhập cư từ Algeria có nên cảm thấy đau khổ khi mình vẫn chưa được xem là công dân chính thức của Pháp sau hai mươi năm ở đó? Những người nhập cư thế hệ thứ ba có ông bà đến Pháp từ những năm 1970 thì sao?
Những người ủng hộ nhập cư có xu hướng đòi hỏi một sự chấp nhận nhanh chóng, trong khi những người phản đối muốn thời gian thử thách dài hơn nhiều. Với những người ủng hộ, nếu người nhập cư thế hệ thứ ba không được xem và đối xử như các công dân ngang hàng, điều đó nghĩa là nước chủ nhà không hoàn thành nghĩa vụ; nếu điều này dẫn đến căng thẳng, thù địch và thậm chí bạo lực thì nước chủ nhà không thể đổ lỗi cho ai khác ngoài sự mù quáng của chính mình. Đối với những người phản đối nhập cư, những kỳ vọng bị thổi phồng này là một phần lớn của vấn đề. Người nhập cư phải kiên nhẫn. Nếu ông bà anh đến đây mới có bốn chục năm trước và giờ anh làm loạn ở ngoài đường vì cho rằng mình không được đối xử như một người bản địa, thì anh đã trượt bài kiểm tra.
Vấn đề gốc rễ của cuộc tranh luận này hên quan đến cách biệt giữa thang thời gian cá nhân và thang thời gian tập thể. Từ góc nhìn của các cộng đồng người, bốn mươi năm là một thời gian ngắn. Khó có thể trông chờ xã hội hoàn toàn chấp nhận các nhóm người xa lạ chỉ trong vài thập kỷ. Các nền văn minh quá khứ đồng hóa người nước ngoài và biến họ thành các công dân ngang hàng, như Đế chế La Mã, Đế chế Hồi giáo, các vương triều Trung Hoa và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đều mất nhiều thế kỷ hơn là vài thập kỷ để hoàn tất cuộc chuyển hóa.
Tuy nhiên, từ góc nhìn cá nhân, bốn chục năm có thể là thiên thu. Với một cô gái sinh ra ở Pháp hai chục năm sau khi ông bà cô nhập cư, hành trình từ Algiers đến Marseille là lịch sử cổ xưa. Cô được sinh ra ở đây, tất cả bạn bè cô đều sinh ra ở đây, cô nói tiếng Pháp chứ không phải tiếng Ả Rập và cô chưa bao giờ đến Algeria. Pháp là ngôi nhà duy nhất cô từng biết. Và giờ người ta nói với cô rằng đấy không phải là nhà cô và cô nên “quay lại” noi cô chưa bao giờ đặt chân đến ư?
Điều này giống như bạn lấy hạt một cây bạch đàn từ Úc và trồng nó ở Pháp. Từ góc độ sinh thái, bạch đàn là một loài ngoại lai và phải mất nhiều thế hệ thì các nhà thực vật học mới tái phân loại chúng thành một cây bản địa châu Âu. Thế nhưng từ góc độ một cái cây đơn lẻ, nó là một cái cây Pháp. Nếu bạn không tưới nó bằng nước của Pháp, nó sẽ héo. Nếu bạn cố nhổ rễ nó lên, bạn sẽ phát hiện ra nó đã bám rễ sâu trong đất Pháp cũng như những cây sồi và thông bản địa.
TRANH LUẬN 4: Trên tất cả những bất đồng về định nghĩa chính xác của thỏa thuận nhập cư này, câu hỏi sau rốt là liệu thỏa thuận này có thực sự hiệu quả. Liệu cả hai bên có hoàn thành những nghĩa vụ của mình?
Những người phản đối nhập cư có xu hướng cho rằng những người nhập cư đang không hoàn thành điều khoản số 2. Họ không chân thành nỗ lực hòa nhập và quá nhiều người trong số họ vẫn bám lấy những quan niệm sống thiếu khoan dung và ấu trĩ. Do đó, nước chủ nhà không có lý do gì phải hoàn thành điều khoản số 3 (đối xử với họ như những công dân hạng một) và có mọi lý do để tái cân nhắc điều khoản số 1 (cho họ nhập cư). Nếu những người đến từ một nền văn hóa nhất định đã liên tục chứng minh mình không sẵn sàng thực hiện thỏa thuận nhập cư, thì tại sao lại nhận thêm họ vào và tạo ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn?
Những người ủng hộ đáp trả rằng chính nước chủ nhà mới thất bại trong việc thực hiện thỏa thuận thuộc phần mình. Mặc cho những nỗ lực chân thành để hòa nhập của tuyệt đại đa số người nhập cư, các vị chủ nhà đang biến việc đó trở thành khó khăn; tệ hơn, những người nhập cư đã hòa nhập thành công vẫn bị đối xử như các công dân hạng hai ngay cả trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Dĩ nhiên, có khả năng cả hai bên đều không hoàn thành cam kết của mình, do đó càng thêm dầu vào lửa cho những nghi ngại và uất ức trong một vòng xoáy khắc nghiệt ngày càng dâng cao.
Cuộc tranh luận số 4 này không thể giải quyết trước khi làm rõ định nghĩa chính xác của cả 3 điều khoản trên. Một khi chúng ta không biết liệu thu nhận là nghĩa vụ hay ơn huệ, mức độ hòa nhập nào là cần thiết từ phía người nhập cư và sau bao lâu thì các nước chủ nhà phải đối xử với họ như những công dân ngang hàng, ta không thể đánh giá liệu hai bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình hay chưa. Một vấn đề nữa liên quan đến việc tính toán. Khi đánh giá thỏa thuận nhập cư, cả hai bên đặt sức nặng lên những vi phạm nhiều hơn sự tuân thủ rất nhiều. Nếu một triệu người nhập cư là các công dân tôn trọng pháp luật nhưng một trăm người gia nhập các nhóm khủng bố và tấn công nước chủ nhà thì nhìn chung, người nhập cư tuân thủ hay vi phạm điều khoản thỏa thuận? Nếu một người nhập cư thế hệ thứ ba đi bộ trên đường một nghìn lần mà không bị quấy rối, nhưng nếu có một kẻ phân biệt chủng tộc nào đó hét vào mặt cô ta một câu lăng mạ, điều đó có nghĩa là cư dân địa phương đang chấp nhận hay từ chối người nhập cư?
Thế nhưng, bên dưới tất cả những cuộc tranh luận này lẩn khuất một câu hỏi còn căn bản hơn nhiều, liên quan đến hiểu biết của chúng ta về văn hóa con người. Chúng ta bước vào cuộc tranh luận nhập cư với giả định rằng tự thân mọi nền văn hóa đều là bình đẳng hay ta nghĩ một số nền văn hóa có thể thực sự ưu việt hơn các nền văn hóa khác? Khi người Đức cãi nhau về việc thu nhận một triệu người tị nạn Syria, họ có thể là chính đáng khi nghĩ rằng nền văn hóa Đức theo một cách nào đó ưu việt hơn nền văn hóa Syria không?
—ooOoo—
TỪ CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC
ĐẾN CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT VĂN HÓA
MỘT THẾ kỷ trước, người châu Âu mặc định là một số chủng tộc đáng chú ý nhất là chủng tộc da trắng, tự thân đã ưu việt hơn các chủng tộc khác. Sau năm 1945, những quan điểm như vậy ngày càng trở nên cấm kỵ. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không chỉ bị xem là khốn cùng về mặt đạo đức mà còn phá sản về mặt khoa học. Các nhà khoa học sự sống, và cụ thể là các nhà di truyền học, đã đưa ra các bằng chứng khoa học rất vững chắc chỉ ra rằng sự khác biệt sinh học giữa người châu Âu, châu Phi, Trung Quốc và người da đỏ châu Mỹ là hoàn toàn không đáng kể.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, các nhà nhân loại học, xã hội học, sử học, kinh tế học hành vi và thậm chí là các nhà khoa học não bộ đã tích lũy ngày một nhiều lượng dữ liệu dồi dào chứng minh sự tồn tại của các khác biệt đáng kể giữa các nền văn hóa con người. Xét cho cùng, nếu tất cả các nền văn hóa con người về cơ bản đều giống nhau, thì tại sao chúng ta còn cần đến các nhà nhân loại học và sử học làm gì? Tại sao phải đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu những khác biệt tin hin? ít nhất, chúng ta nên ngừng tài trợ cho các cuộc du khảo tốn kém đến Nam Thái Bình Dương và sa mạc Kalahari, đồng thời hài lòng với việc nghiên cứu con người ở Oxford hay Boston. Nếu các khác biệt văn hóa là không đáng kể, bất cứ thứ gì chúng ta phát hiện về các sinh viên Harvard cũng phải đúng với những người săn bắt-hái lượm ở Kalahari.
Khi ngẫm lại, hầu hết mọi người thừa nhận sự tồn tại của ít nhất một số khác biệt đáng kể giữa các nền văn hóa con người, trong những khía cạnh từ tập tục tình dục đến thói quen chính trị. Thế thì ta phải đối xử với những khác biệt này như thế nào? Những người theo chủ nghĩa tương đối về văn hóa cho rằng khác biệt không có nghĩa là có thứ bậc và chúng ta không bao giờ được coi trọng nền văn hóa này hơn một nền văn hóa khác. Con người có thể nghĩ và hành xử theo những cách khác nhau, nhưng chúng ta nên tôn vinh sự đa dạng này và ban cho mọi niềm tin và tập quán các giá trị ngang bằng nhau. Thật không may, các thái độ cởi mở như vậy không thể qua nổi bài sát hạch của thực tế. Sự đa dạng của con người có thể rất tuyệt khi nói đến ẩm thực hay thơ ca, nhưng rất ít người xem việc thiêu phù thủy, giết trẻ sơ sinh hay nô lệ là các đặc trưng quyến rũ của con người nên được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và chủ nghĩa thực dân tiêu dùng.
Hoặc nghĩ về cách các nền văn hóa khác nhau đối xử với người xa lạ, người nhập cư và người tị nạn mà xem. Không phải mọi nền văn hóa đều có mức độ chấp nhận giống hệt nhau. Văn hóa Đức đầu thế kỷ 21 chấp nhận người lạ và chào đón người nhập cư hơn văn hóa Ả Rập Saudi. Một người Hồi giáo nhập cư vào Đức dễ dàng hơn một người Cơ Đốc giáo di cư sang Ả Rập Saudi rất nhiều. Thật sự là, ngay cả với một người tị nạn Hồi giáo đến từ Syria, việc di cư sang Đức vẫn dễ hơn sang Ả Rập Saudi; từ năm 2011, Đức đã nhận người tị nạn Syria nhiều hơn Ả Rập Saudi rất nhiều. Tương tự, rất nhiều dẫn chứng cho thấy văn hóa California đầu thế kỷ 21 thân thiện với người nhập cư hơn văn hóa Nhật Bản. Do đó, nếu bạn nghĩ chấp nhận người lạ và chào đón người nhập cư là tốt thì chẳng phải bạn nên nghĩ rằng ít nhất ở khía cạnh này, văn hóa Đức đã ưu việt hơn văn hóa Ả Rập Saudi và văn hóa California thì tốt hơn văn hóa Nhật Bản hay sao?
Hơn nữa, ngay cả khi hai quy tắc văn hóa là có hiệu lực ngang nhau trên lý thuyết thì trong bối cảnh thực tế của nhập cư, vẫn có thể biện minh rằng văn hóa của nước chủ nhà là tốt hơn. Các quy tắc và giá trị thỏa đáng ở nước này đơn giản là không hiệu quả đến thế dưới các hoàn cảnh khác. Hãy thử nhìn vào một ví dụ rõ ràng. Để tránh sa vào bẫy của những thành kiến, ta thử hình dung hai đất nước giả tưởng là Xứ Lạnh và Xứ Nóng. Hai nước có rất nhiều khác biệt văn hóa, trong đó có thái độ đối với quan hệ người với người và mâu thuẫn giữa các cá nhân. Người Xứ Lạnh được giáo dục từ khi tấm bé là nếu gặp mâu thuẫn với ai đó ở trường, ở chỗ làm, hay thậm chí ở trong gia đình, tốt nhất là nên kìm nén lại. Anh nên tránh la hét, thể hiện sự giận dữ hay đối đầu với người kia; những con bùng phát nóng giận chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn. Tốt hơn là tự xử lý các cảm giác của mình trong khi để cho mọi thứ dịu xuống. Trong khi đó, hạn chế tiếp xúc với người kia, và nếu tiếp xúc là không tránh khỏi, nói gãy gọn nhưng vẫn lịch sự và tránh các vấn đề nhạy cảm.
Người Xứ Nóng, trái lại, được dạy từ thuở còn thơ là phải bộc lộ các mâu thuẫn ra ngoài. Nếu thấy mình có mâu thuẫn, họ tin là không nên để nó âm ỉ trong người và đùng kìm nén cái gì cả. Hãy tận dụng cơ hội đầu tiên để xả van cảm xúc của mình. Nổi giận, la hét, và nói cho người kia biết chính xác mình cảm thấy như thế nào là hoàn toàn ổn. Đây là cách duy nhất để cùng nhau giải quyết mọi thứ một cách thành thật và trực tiếp. Một ngày la hét có thể giải quyết một mâu thuẫn hẳn có thể âm ỉ trong nhiều năm ròng; dù đối mặt trực diện không bao giờ là thoải mái, sau đó bạn sẽ thấy khỏe hơn rất nhiều.
Cả hai phương pháp này đều có điểm mạnh và điểm yếu; khó có thể nói cách này luôn tốt hơn cách kia. Tuy nhiên, điều gì có thể xảy ra khi một người Xứ Nóng di cư đến Xứ Lạnh và xin được việc làm trong một công ty Xứ Lạnh?
Mỗi khi một mâu thuẫn nảy sinh với một đồng nghiệp, người Xứ Nóng đập bàn và gào thét khản cả giọng, hy vọng rằng điều này sẽ tập trung sự chú ý vào vấn đề và giúp giải quyết nó một cách nhanh chóng. Vài năm sau, một vị trí cấp cao để trống. Dù người Xứ Nóng có đủ các năng lục cần thiết, sếp vẫn thích đề bạt một nhân viên Xứ Lạnh hơn. Khi được hỏi về chuyện đó, người sếp giải thích: “Đúng, người Xứ Nóng có rất nhiều tài năng, nhưng anh ta cũng có một vấn đề nghiêm trọng với việc quan hệ với người khác. Anh ta nóng tính, tạo căng thẳng không đáng có xung quanh mình và làm xáo trộn văn hóa công ty của chúng tôi.” Số phận tương tự cũng giáng vào đầu những người Xứ Nóng khác nhập cư vào Xứ Lạnh. Họ phần lớn kẹt lại ở các vị trí thấp hoặc hoàn toàn không tìm được việc vì những người quản lý đoán trước rằng là người Xứ Nóng, họ có thể sẽ trở thành những nhân viên nóng tính và nhiễu sự. Vì người Xứ Nóng không bao giờ lên được các vị trí cấp cao, họ khó mà thay đổi được văn hóa doanh nghiệp Xứ Lạnh.
Điều tương tự cũng xảy đến với những người Xứ Lạnh di cư sang Xứ Nóng. Một người Xứ Lạnh bắt đầu làm trong một công ty Xứ Nóng nhanh chóng mang tiếng là kênh kiệu hay lạnh lùng và có rất ít bạn bè. Người ta nghĩ anh ta kém thành thật hay thiếu các kỹ năng trong các mối quan hệ con người cơ bản. Anh ta không bao giờ thăng tiến lên các vị trí cao, do đó không bao giờ có cơ hội thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Các quản lý Xứ Nóng kết luận rằng hầu hết người Xứ Lạnh đều kém thân thiện hay rụt rè, không tuyển họ vào các vị trí yêu cầu tiếp xúc với khách hàng hay hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp khác.
Cả hai trường hợp này có vẻ sặc mùi phân biệt chủng tộc. Nhưng trên thực tế, chúng không phải là phân biệt chủng tộc. Chúng là “phân biệt văn hóa”. Con người tiếp tục tiến hành một cuộc chiến quả cảm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc truyền thống mà không nhận ra rằng mặt trận đã đổi. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc truyền thống đang suy yếu, nhưng thế giới giờ đang đầy rẫy những kẻ “phân biệt văn hóa”.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc truyền thống bắt rễ sâu trong các lý thuyết sinh học. Vào những năm 1890 hay 1930, ở các nước Anh, Úc và Hoa Kỳ, nhiều người tin rằng một phẩm chất sinh học di truyền nào đó khiến những người châu Phi và người Trung Hoa bẩm sinh đã kém thông minh, kém mạnh dạn và kém đạo đức hơn người châu Âu. Vấn đề nằm trong máu của họ. Những quan điểm như vậy có sức nặng chính trị cũng như được hậu thuẫn rộng rãi về mặt khoa học. Ngày nay, trái lại, trong khi rất nhiều cá nhân vẫn còn đưa ra những nhận định phân biệt chủng tộc như vậy, chúng đã mất mọi hậu thuẫn khoa học và phần lớn sức nặng chính trị, trừ phi chúng được diễn đạt lại bằng các thuật ngữ văn hóa. Nói rằng người da đen có khuynh hướng phạm tội vì họ có các gen dưới chuẩn thì không được; nói rằng họ có khuynh hướng phạm tội vì họ đến từ các nhóm văn hóa “rối loạn chức năng” thì được chấp nhận!
Ở Mỹ chẳng hạn, một số đảng và lãnh đạo chính trị công khai ủng hộ các chính sách có tính phân biệt và thường đưa ra các nhận xét bôi nhọ người Mỹ gốc Phi, người gốc Latin và người Hồi; nhưng họ sẽ rất hiếm khi nếu không muốn nói là không bao giờ nói rằng ADN của những người này có gì đó sai lệch. Vấn đề được cho là nằm trong văn hóa của họ. Do đó, khi Tổng thống Trump mô tả Haiti, El Salvador và một số khu vực khác của châu Phi là “các nước hạ đẳng”, rõ ràng ông ta đang đưa ra cho công chúng một cảm tưởng của mình về văn hóa của các nơi này chứ không phải là bản chất di truyền của chúng. Vào một dịp khác, Trump nói về những người nhập cư Mexico vào Mỹ là “khi Mexico đưa người của mình sang, họ đâu có đưa những người giỏi nhất. Họ đưa những người có rất nhiều vấn đề và họ mang theo các vấn đề đó. Họ mang theo ma túy, họ mang theo tội phạm. Bọn họ là những kẻ hiếp dâm và một số, tôi đoán vậy, cũng là người tốt”. Đây là một luận điệu cực kỳ xúc phạm, nhưng là xúc phạm về xã hội chứ không phải về sinh học. Trump không có ý nói dòng máu Mexico cản trở lòng tốt; chỉ là những người Mexico tốt có khuynh hướng ở phía Nam dòng Rio Grande.
Cơ thể con người - cơ thể Latin, cơ thể châu Phi, cơ thể Trung Hoa - vẫn nằm ở trung tâm cuộc tranh luận. Màu da vẫn có ý nghĩa rất lớn. Đi bộ dọc một con phố ở New York với nhiều sắc tố melanin trong da nghĩa là dù bạn đang đi đến đâu, cảnh sát có thể soi bạn kỹ hơn. Nhưng những người như Tổng thống Trump hay Tổng thống Obama sẽ giải thích tầm quan trọng của màu da bằng các thuật ngữ văn hóa và lịch sử. Cảnh sát nhìn màu da của bạn một cách ngờ vực không phải vì lý do sinh học, mà vì lịch sử. Có vẻ như phe Obama sẽ giải thích rằng thiên kiến của cảnh sát là một di sản không may của các tội ác lịch sử như chế độ nô lệ, trong khi phe Trump sẽ giải thích rằng việc người da đen phạm tội là một di sản không may của các lỗi lầm lịch sử từ cả phe tự do da trắng lẫn các cộng đồng da đen. Dù sao đi nữa, ngay cả nếu bạn thực ra chỉ là một du khách đến từ Delhi chẳng biết gì về lịch sử Mỹ, bạn sẽ vẫn phải đối mặt với hậu quả của lịch sử đó.
Sự dịch chuyển từ sinh học sang văn hóa không chỉ là một thay đổi vô nghĩa về thuật ngữ. Đấy là một sự dịch chuyển sâu sắc với các hậu quả thực tế sâu rộng, có cái tốt, có cái xấu. Đầu tiên phải nói là văn hóa thì dễ biến đổi hơn sinh học. Một mặt, điều này có nghĩa là những kẻ phân biệt văn hóa ngày nay có thể khoan dung hơn những kẻ phân biệt chủng tộc truyền thống: chỉ cần “hội kia” chấp nhận văn hóa của chúng ta, chúng ta sẽ chấp nhận họ như những kẻ ngang hàng với mình. Mặt khác, nó có thể đưa đến các áp lực lớn hơn rất nhiều lên “hội kia”, buộc họ phải hòa nhập và dẫn tới các phê bình nặng nề hơn rất nhiều nếu họ hòa nhập thất bại.
Bạn khó có thể đổ lỗi cho một người da màu vì không làm trắng da, nhưng người ta có thể và quả thực buộc tội người gốc Phi hay người Hồi vì không áp dụng thành công các quy tắc và giá trị của văn hóa phương Tây. Điều đó không có nghĩa là các cáo buộc như vậy nhất thiết đúng. Trong nhiều trường hợp, có rất ít lý do tuân theo nền văn hóa thống trị, và trong nhiều trường hợp khác, đơn giản đó là một nhiệm vụ bất khả thi. Những người Mỹ gốc Phi đến từ một khu ổ chuột nghèo khó, thật lòng cố gắng hòa nhập vào nền văn hóa làm chủ của Mỹ, đầu tiên có thể thấy bế tắc bởi sự phân biệt đối xử từ các tổ chức, để rồi lại bị đổ lỗi vì không đủ nỗ lực, và vì thế chẳng thể đổ các vấn đề của mình cho ai khác ngoài bản thân.
Một khác biệt quan trọng thứ hai giữa việc nói về sinh học và nói về văn hóa là không như sự ấu trĩ mang tính phân biệt chủng tộc truyền thống, các tranh luận về phân biệt văn hóa đôi khi lại nghe khá có lý, như trong trường hợp của Xứ Nóng và Xứ Lạnh. Người Xứ Nóng và người Xứ Lạnh đều có văn hóa khác nhau, thể hiện qua các kiểu quan hệ người với người khác nhau. Vì quan hệ con người là tối quan trọng trong nhiều công việc, liệu việc một công ty Xứ Nóng trừng phạt người Xứ Lạnh vì cư xử theo di sản văn hóa của mình có trái đạo đức hay không?
Các nhà nhân loại học, xã hội học và sử học cảm thấy cực kỳ không thoải mái về vấn đề này. Một mặt, mọi thứ nghe có vẻ giống phân biệt chủng tộc một cách nguy hiểm. Mặt khác, phân biệt văn hóa lại có nền tảng khoa học vững chãi hơn nhiều so vời phân biệt chủng tộc; đặc biệt là các học giả trong ngành khoa học xã hội và nhân văn không thể phủ nhận sự tồn tại và tầm quan trọng của các khác biệt văn hóa.
Dĩ nhiên, ngay cả khi thừa nhận sự hợp lý của một số tuyên bố phân biệt văn hóa, chúng ta vẫn không phải thừa nhận tất cả các tuyên bố đó. Nhiều tuyên bố phân biệt văn hóa mắc ba lỗi thông thường. Thứ nhất, những người phân biệt văn hóa thường nhầm lẫn sự ưu việt địa phương với sự ưu việt khách quan. Do đó, trong bối cảnh địa phương của Xứ Nóng, phương pháp giải quyết mâu thuẫn của Xứ Nóng có thể ưu việt hơn phương pháp của Xứ Lạnh; trong trường hợp đó, một công ty Xứ Nóng hoạt động ở Xứ Nóng có lý do chính đáng để phân biệt đối xử với những nhân viên hướng nội (dẫn đến trừng phạt những người nhập cư từ Xứ Lạnh). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phương pháp của Xứ Nóng là ưu việt một cách khách quan. Người Xứ Nóng có lẽ có thể học đôi điều từ người Xứ Lạnh, và nếu hoàn cảnh thay đổi - chẳng hạn công ty Xứ Nóng toàn cầu hóa và mở trụ sở ở nhiều quốc gia khác nhau - sự đa dạng có thể đột nhiên trở thành một tài sản.
Thứ hai, khi bạn định nghĩa rõ ràng một thước đo, một thời điểm và một nơi chốn, các tuyên bố văn hóa có thể có lý về mặt kinh nghiệm. Nhưng rất thường xảy ra trường hợp người ta áp dụng các tuyên bố phân biệt văn hóa rất chung chung, chẳng có nghĩa lý gì mấy. Ví dụ, nói rằng “văn hóa Xứ Lạnh kém khoan dung với những cơn giận dữ bộc phát ở nơi công cộng hơn văn hóa Xứ Nóng” là thỏa đáng, nhưng nói rằng “văn hóa Hồi giáo rất kém khoan dung” thì kém thỏa đáng hơn nhiều. Tuyên bố sau đơn giản là quá mù mờ. Anh nói “kém khoan dung” là ý gì? Kém khoan dung với ai hay với cái gì? Một nền văn hóa có thể kém khoan dung với các tôn giáo thiểu số và các quan điểm chính trị bất thường, đồng thời rất rộng lượng với người béo phì hay người già. Và anh nói “văn hóa Hồi giáo” là ý gì? Có phải chúng ta đang nói về bán đảo Ả Rập ở thế kỷ thứ 7? Đế chế Ottoman ở thế kỷ 16? Pakistan đầu thế kỷ 21? Cuối cùng, đâu là thang đo? Nếu chúng ta quan tâm đến sự khoan dung với các tôn giáo thiểu số và so sánh Đế chế Ottoman vào thế kỷ 16 với châu Âu phương Tây tại cùng thời điểm thì ta sẽ kết luận văn hóa Hồi giáo là cực kỳ khoan dung. Nếu chúng ta so sánh Afghanistan dưới thời Taliban với Đan Mạch ngày nay, ta sẽ có một kết luận rất khác.
Thế nhưng vấn đề tệ nhất với các tuyên bố phân biệt văn hóa là dù bản chất mang tính thống kê, chúng được sử dụng quá thường xuyên để xét đoán vội vàng các cá nhân. Khi một người Xứ Nóng bản địa và một người nhập cư Xứ Lạnh cùng xin một công việc ở một công ty Xứ Nóng, người quản lý có thể sẽ thích thuê người Xứ Nóng hơn vì “bọn Xứ Lạnh rất lạnh lùng và kém giao tiếp”. Ngay cả khi điều này đúng về mặt thống kê, có thể người Xứ Lạnh này thực sự là nồng hậu và cởi mở hơn người Xứ Nóng đó. Văn hóa là quan trọng, nhưng gen và những trải nghiệm độc đáo của mỗi người cũng định hình nên con người họ. Các cá nhân thường xuyên thách thức các hình mẫu rập khuôn mang tính thống kê. Một công ty thích các nhân viên quảng giao hơn nhân viên lạnh như tiền thì có lý, nhưng thích người Xứ Nóng hơn người Xứ Lạnh thì vô lý.
Tuy nhiên, tất cả những điều này sửa đổi các tuyên bố phân biệt văn hóa nhất định mà không làm mất uy tín toàn bộ chủ nghĩa phân biệt văn hóa. Không như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vốn là một thiên kiến phi khoa học, các luận cứ văn hóa đôi khi có thể khá hợp lý. Nếu ta nhìn các con số thống kê và phát hiện ra các công ty Xứ Nóng có ít người Xứ Lạnh ở các vị trí cấp cao, điều này có thể không đến từ phân biệt chủng tộc mà từ suy xét đúng đắn. Liệu những người nhập cư Xứ Lạnh có nên thấy căm phẫn vì tình cảnh này và cho rằng Xứ Nóng đang rút khỏi thỏa thuận nhập cư? Liệu ta có nên buộc các công ty Xứ Nóng tuyển thêm các vị trí quản lý Xứ Lạnh qua các luật “đặc cách” nhằm nâng đỡ người nhập cư với hy vọng “hạ nhiệt” văn hóa doanh nghiệp nóng nảy của Xứ Nóng? Hay lỗi nằm ở những người nhập cư Xứ Lạnh hòa nhập vào văn hóa bản địa bất thành, do đó ta phải nỗ lực hơn và mạnh dạn ghi khắc vào tâm trí trẻ con Xứ Lạnh các quy tắc và giá trị của người Xứ Nóng hơn?
Từ địa hạt hư cấu quay lại địa hạt thực tế, ta thấy rằng cuộc tranh luận ở châu Âu về nhập cư không hề là một trận chiến rõ ràng giữa tốt và xấu. Sẽ là sai lầm khi bôi đen tất cả những người chống nhập cư là “phát xít”, cũng như sẽ sai lầm khi mô tả tất cả những người ủng hộ nhập cư là “tự sát về văn hóa”. Do đó, cuộc tranh luận về nhập cư không nên được tiến hành như một cuộc đấu tranh không thỏa hiệp về một quy tắc đạo đức bất khả thương lượng nào đó. Nó là một cuộc tranh luận giữa hai vị thế chính trị hợp pháp với lựa chọn sau rốt phải được quyết định qua các quy trình dân chủ tiêu chuẩn.
Ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn chưa rõ liệu châu Âu có thể tìm được một lối đi trung lập sẽ cho phép mở cửa với những người xa lạ mà không bị những kẻ không có cùng các giá trị với nó làm cho bất ổn. Nếu châu Âu tìm ra một con đường như vậy thành công, có lẽ mô hình của nó có thể được nhân rộng ở phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nếu dự án EU thất bại, điều đó sẽ chứng tỏ niềm tin vào các giá trị cánh tả về tự do và khoan dung là không đủ để giải quyết các mâu thuẫn văn hóa của thế giới và đoàn kết con người đối mặt với chiến tranh hạt nhân, sụp đổ sinh thái và đứt gãy do công nghệ. Nếu người Hy Lạp và người Đức không thể đồng lòng về một số phận chung, và nếu 500 triệu người châu Âu giàu có không thể thu nhận vài triệu người tị nạn nghèo khó, loài người có cửa gì để vượt qua những mâu thuẫn còn sâu sắc hơn đang kìm hãm nền văn minh toàn cầu của chúng ta?
Một điều có thể giúp châu Âu và toàn thể thế giới hòa nhập tốt hơn và mở rộng cánh cửa cũng như tâm trí mình hơn đó là “hạ nhiệt” cơn cuồng loạn liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Sẽ là cực kỳ đáng tiếc nếu cuộc thí nghiệm châu Âu về tự do và khoan dung tan rã vì một nỗi sợ khủng bố bị thổi phồng. Điều này không chỉ hiện thực hóa mục tiêu của chính bọn khủng bố mà còn cho nhóm những kẻ cuồng tín này quá nhiều tiếng nói về tương lai của loài người. Chủ nghĩa khủng bố là vũ khí của một nhóm bên lề và yếu ớt của loài người. Làm thế nào nó lại thống trị chính trị toàn cầu như vậy?