21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 10
Phần III
* * *
Tuyệt Vọng Và Hy Vọng
Dù các thách thức là chưa từng có và các bất đồng là rất căng thẳng, nhân loại vẫn có thể vươn lên nếu chúng ta biết kiềm chế nỗi sợ của mình và tỏ ra khiêm tốn hơn về các quan điểm của mình.
10
* * *
Chủ Nghĩa Khủng Bố
ĐỪNG HOẢNG
BỌN KHỦNG bố là bậc thầy về điều khiển tâm trí. Chúng sát hại rất ít người nhưng vẫn khiến hàng tỷ người khiếp sợ và làm lung lay các cấu trúc chính trị khổng lồ như Liên minh châu Âu hay Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Từ ngày 11 tháng Chín năm 2001, mỗi năm, bọn khủng bố giết khoảng 50 người ở châu Âu, khoảng 10 người ở Mỹ, khoảng 7 người ở Trung Quốc và khoảng 25.000 người trên toàn thế giới (chủ yếu là ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria). Trong khi đó, mỗi năm, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông là 80.000 người ở châu Âu, 40.000 người ở Mỹ, 270.000 người ở Trung Quốc và tổng số 1,25 triệu người trên thế giới. Mỗi năm, tiểu đường và đường huyết cao gây tử vong tới 3,5 triệu người, còn ô nhiễm không khí gây tử vong khoảng 7 triệu người. Thế thì tại sao chúng ta lại sợ khủng bố hơn sợ đường và tại sao các chính phủ vẫn thất bại trong các cuộc bầu cử vì các cuộc tấn công khủng bố đâu đó mà không phải vì ô nhiễm không khí kinh niên?
Theo đúng nghĩa đen của từ này, chủ nghĩa khủng bố là một chiến lược quân sự hòng thay đổi tình thế chính trị bằng cách gieo rắc sự sợ hãi hơn là gây ra các tổn thất về vật chất. Chiến lược này gần như lúc nào cũng được các bên rất yếu, không thể giáng nhiều tổn thất vật chất vào kẻ thù của mình, áp dụng. Dĩ nhiên, mọi hành động quân sự đều gieo rắc sợ hãi. Nhưng trong chiến tranh thông thường, sợ hãi chỉ là một “phụ phẩm” của các tổn thất vật chất và thường tỷ lệ thuận với lực lượng gây tổn thất. Trong khủng bố, sợ hãi là câu chuyện chính và có một sự bất cân xứng đáng kinh ngạc giữa sức mạnh thực sự của những kẻ khủng bố và nỗi sợ hãi chúng có thể được khơi dậy.
Không phải lúc nào cũng dễ thay đổi tình thế chính trị qua bạo lực. Vào ngày đầu của trận Somme, ngày 1 tháng Bảy năm 1916, 19.000 lính Anh đã tử trận và 40.000 lính khác bị thương. Đến khi trận chiến kết thúc vào tháng Mười một, cả hai phe có tổng cộng hơn một triệu người thương vong, trong đó 300.000 người thiệt mạng. Thế nhưng cuộc chiến khủng khiếp này gần như không thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu. Phải mất hai năm và hàng triệu thương vong nữa mới khép lại một điều gì đó.
So với trận Somme, chủ nghĩa khủng bố chỉ là muỗi. Các cuộc tấn công ở Paris tháng Mười một năm 2015 giết chết 130 người, các cuộc đánh bom ở Brussels tháng Ba năm 2016 giết chết 32 người, cuộc đánh bom ở sân vận động Manchester tháng Năm năm 2017 giết chết 22 người. Vào năm 2002, ở đỉnh điểm chiến dịch khủng bố của Palestine nhằm vào Israel, khi các xe buýt và nhà hàng bị đánh bom hằng ngày, tổng số người chết là 451 người Israel. Cùng năm đó, 542 người Israel chết vì tai nạn xe hơi. Một vài cuộc tấn công khủng bố, như cuộc đánh bom chuyến bay 103 của hãng Pan Am bay qua Lockerbie năm 1988, khiến vài trăm người thiệt mạng. Các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín lập một kỷ lục mới, giết chết gần 3.000 người. Thế nhưng, ngay cả sự kiện đó cũng là vô cùng nhỏ bé so với chiến tranh thông thường. Nếu bạn cộng tất cả số người bị giết và bị thương ở châu Âu do các cuộc tấn công khủng bố từ năm 1945, bao gồm cả các nạn nhân của các nhóm chủ nghĩa quốc gia, tôn giáo, cánh tả và cánh hữu, con số tổng cộng sẽ vẫn thua xa thương vong của bất kỳ trận chiến. mờ nhạt nào trong Thế chiến thứ nhất, như trận Aisne thứ ba (250.000 người) hay trằn Isonzo thứ mười (225.000 người).
Thế thì làm thế nào bọn khủng bố có thể hy vọng đạt được gì nhiều nhặn? Sau một hành động khủng bố, kẻ thù tiếp tục có lượng lính tráng, xe tăng và tàu chiến y như trước. Mạng lưới thông tin, đường bộ và đường sắt gần như không bị tổn hại. Các nhà máy, bến cảng và căn cứ gần như không bị đụng tới. Thế nhưng, bọn khủng bố hy vọng rằng dù gần như không làm kẻ thù sứt mẻ chút nào về vật chất, nỗi sợ hãi và sự bối xối sẽ khiến kẻ thù lạm dụng sức mạnh chưa hề suy suyển của mình và phản ứng thái quá. Bọn khủng bố tính toán rằng khi kẻ thù bị chọc tức sử dụng sức mạnh khổng lồ của mình chống lại chúng, kẻ thù sẽ khuấy động một cơn bão quân sự và chính trị dữ dội hơn rất nhiều những gì bản thân những kẻ khủng bố có thể tạo ra. Trong mỗi cơn bão, nhiều điều không lường trước sẽ xảy ra. Người ta sẽ mắc lỗi, hành động tàn bạo, dư luận ngả nghiêng, những người trung lập thay đổi lập trường và cán cân quyền lục dịch chuyển.
Do đó, bọn khủng bố giống một con ruồi cố phá hủy một tiệm đồ sứ. Con ruồi yếu đến nỗi không thể dịch chuyển dù chỉ một tách trà. Thế thì làm thế nào nó phá hủy dược tiệm đồ sứ đây? Nó kiếm một con bò mộng, chui vào tai bò và bắt dầu bay vo ve. Con bò phát rồ vì sợ hãi và tức giận, rồi phá tan tiệm dồ sứ. Đây chính là điều đã xảy ra sau vụ 11 tháng Chín, khi những kẻ Hồi giáo chính tông kích động con bò mộng Hoa Kỳ phá hủy tiệm đồ sứ Trung Đông. Giờ thì chúng “nở rộ” từ trong đống đổ nát. Và thế giới này không thiếu gì những con bò nóng tính.
—ooOoo—
XÁO LẠI BÀI
CHỦ NGHĨA khủng bố là một chiến lược tấn công bạo lực cực kỳ thiếu hấp dẫn vì nó trao toàn bộ các quyết định quan trọng vào tay kẻ thù. Tất cả lựa chọn mà kẻ thù đã có trước một cuộc tấn công khủng bố vẫn nằm trong tay hắn ngay sau đó nên hắn. hoàn toàn tự do lựa chọn. Các đội quân thường cố tránh một tình huống như vậy bằng mọi giá. Khi tấn công, họ không muốn dàn dựng một cảnh tượng hãi hùng làm kẻ thù tức giận và khiêu khích chúng đáp trả. Thay vào đó, họ tìm cách tạo ra tổn thất đáng kể về mặt vật chất cho kẻ thù và làm giảm khả năng đáp trả của chúng. Đặc biệt, họ tìm cách loại bỏ các vũ khí và lựa chọn nguy hiểm nhất của kẻ thù.
Đấy chính là điều mà quân Nhật đã làm vào tháng Mười hai năm 1941 khi họ phát động cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào quân đội Mỹ và đánh đắm phần lớn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng. Đây không phải là khủng bố. Đây là chiến tranh. Người Nhật không thể biết chắc người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào sau cuộc tấn công; họ chỉ biết chắc một điều: dù quyết định làm gì đi nữa, người Mỹ cũng sẽ không thể gửi hạm đội đến Philippines hay Hồng Kông vào năm 1942.
Việc khiêu khích kẻ thù hành động mà không loại bỏ được bất cứ vũ khí hay lựa chọn nào của chúng là một hành vi tuyệt vọng, chỉ được tiến hành khi không còn lựa chọn nào khác. Bất cứ lúc nào có thể gây tổn thất vật chất nghiêm trọng, không ai từ bỏ điều đó mà chọn khủng bố đơn thuần cả. Nếu vào tháng Mười hai năm 1941, người Nhật đánh đắm một tàu chở khách dân sự hòng khiêu khích người Mỹ, trong khi để yên cho hạm đội Thái Bình Dương ở Trân Châu Cảng, thì đó sẽ là điên rồ.
Nhưng những kẻ khủng bố có rất ít lựa chọn. Chúng quá yếu để có thể gây chiến. Thế nến chúng chọn cách tạo ra một sân khấu kịch mà chúng hy vọng có thể khiêu khích kẻ thù và khiến kẻ thù phản ứng thái quá. Bọn khủng bố dựng lên một sân khấu bạo lực đáng sợ, thu hút trí tưởng tượng của chúng ta và dùng nó chống lại chúng ta. Bằng cách giết một nhúm người, bọn khủng bố khiến hàng triệu người lo sợ cho mạng sống của mình. Để làm dịu những nỗi sợ này, các chính phủ phản ứng với màn kịch khủng bố bằng một chương trình an ninh, dàn dựng các cuộc phô diễn lực lượng khổng lồ cũng như trừng phạt toàn bộ các cộng đồng dân cư hay tiến hành xâm lược các quốc gia khác. Trong phần lớn các trường hợp, phản ứng thái quá này đối với chủ nghĩa khủng bố đặt ra một mối đe dọa đối với an ninh của chúng ta lớn hơn rất nhiều so với bản thân bọn khủng bố.
Bọn khủng bố không suy nghĩ như các tướng lĩnh quân sự. Thay vào đó, chúng suy nghĩ như các nhà dựng sân khấu. Ký ức của mọi người về các vụ tấn công 11 tháng Chín xác nhận rằng, bằng trực giác mọi người hiểu được điều này. Nếu bạn hỏi mọi người điều gì đã xảy ra vào ngày 11 tháng Chín, họ sẽ nói rằng al-Qaeda đã đánh sập tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. Thế nhưng vụ tấn công không chỉ hên quan đến hai tòa tháp mà còn hai hành động khác nữa, đặc biệt là một cuộc tấn công thành công vào Lầu Năm Góc. Tại sao ít người nhớ chuyện đó hơn?
Nếu vụ 11 tháng Chín là một chiến dịch quân sự thông thường thì cuộc tấn công vào Lầu Năm Góc hẳn sẽ nhận được nhiều sự chú ý nhất. Trong cuộc tấn công này, al-Qaeda đã tiêu diệt được một phần căn cứ đầu não của kẻ thù, giết hại và làm bị thương các sĩ quan và nhà phân tích cao cấp. Thế thì tại sao trí nhớ của mọi người lại gán tầm quan trọng lớn hơn nhiều cho việc phá hủy hai tòa nhà dân sự và giết các nhân viên môi giới chứng khoán, kế toán và thư ký?
Đấy là vì Lầu Năm Góc là một tòa nhà tương đối thấp và không nổi bật, trong khi Trung tâm Thương mại Thế giới là một “tô-tem” thẳng đứng, cao chót vót mà khi sụp đổ sẽ gây ra một hiệu ứng nghe nhìn khủng khiếp. Không ai nhìn thấy hình ảnh sụp đổ của chúng mà có thể quên được. Bởi chúng ta hiểu một cách trực giác rằng chủ nghĩa khủng bố là một sân khấu và chúng ta đánh giá nó bằng hiệu ứng cảm xúc hơn là hiệu ứng vật chất.
Giống như những kẻ khủng bố, những người chống khủng bố cũng nên nghĩ giống các nhà dựng sân khấu hơn và bớt giống các tướng lĩnh quân đội đi. Trên hết, nếu muốn chống khủng bố hiệu quả, chúng ta phải nhận ra không gì bọn khủng bố làm là có thể đánh bại chúng ta. Chúng ta là những người duy nhất có thể đánh bại chúng ta nếu chúng ta phản ứng thái quá một cách lệch lạc trước những màn khiêu khích của bọn khủng bố.
Bọn khủng bố tiến hành một nhiệm vụ bất khả thi: thay đổi cán cân quyền lực chính trị thông qua bạo lực, dù không có quân đội. Để đạt mục tiêu này, những kẻ khủng bố đặt ra cho nhà nước một thử thách bất khả thi của chính họ: phải chứng minh rằng nhà nước có thể bảo vệ tất cả công dân của mình khỏi bạo lực chính trị tại bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào. Bọn khủng bố hy vọng rằng khi nhà nước cố thực hiện nhiệm vụ bất khả thi này, các quân bài chính trị sẽ được xáo lại và đưa cho chúng những quân át không lường trước.
Đúng, khi nhà nước nhận thách thức, nó thường thành công trong việc nghiền nát bọn khủng bố. Hàng trăm tổ chức khủng bố đã bị nhiều nhà nước khác nhau xóa sổ trong vài thập kỷ trở lại đây. Trong giai đoạn 2002-2004, Israel đã chứng minh rằng ngay cả các chiến dịch khủng bố dữ dội nhất cũng có thể bị đàn áp bằng sức mạnh thô bạo. Những tay khủng bố biết rất rõ rằng vận may trong các cuộc đụng độ như vậy đang chống lại chúng. Nhưng vì chúng rất yếu và không có lựa chọn nào khác, chúng không có gì để mất và có rất nhiều thứ để đạt được. Thỉnh thoảng một cơn bão chính trị do các chiến lược chống khủng bố tạo ra quả thật có lợi cho bọn khủng bố. Một kẻ khủng bố như một kẻ đánh bạc bị chia phải một tay bài cực xấu và đang cố thuyết phục đối thủ xáo lại bài. Hắn không thể mất gì nữa và có thể thắng mọi thứ.
—ooOoo—
ĐỒNG XU NHỎ TRONG LỌ RỖNG TO
TẠI SAO nhà nước nên đồng ý xáo lại bài? Khi thiệt hại vật chất do chủ nghĩa khủng bố gây ra là không đáng kể, về lý thuyết, nhà nước có thể chẳng cần làm gì cả hoặc dùng những biện pháp mạnh nhưng kín đáo, “khuất xa máy quay và micro”. Đúng là các nhà nước thường làm chính xác như thế. Nhưng thi thoảng, các nhà nước mất bình tĩnh và phản ứng quá bạo lực và quá công khai, để rồi làm theo đúng bài bọn khủng bố muốn. Thế tại sao nhà nước lại nhạy cảm với các khiêu khích của khủng bố như vậy?
Các nhà nước thấy khó mà chịu đựng được các khiêu khích này vì tính chính danh của nhà nước hiện đại được dựa trên lời hứa giữ cho bạo lực chính trị nằm ngoài không gian công cộng. Một thể chế có thể chịu đựng các thảm họa khủng khiếp, thậm chí phớt lờ chúng, miễn là tính chính danh của nó không dựa trên việc ngăn ngừa các thảm họa đó. Mặt khác, một thể chế có thể sụp đổ vì một vấn đề nhỏ nếu vấn đề đó được xem là làm suy yếu tính chính danh của nó. Vào thế kỷ 14, Cái chết Đen đã giết khoảng một phần tư đến một nửa dân số châu Âu, nhưng không ông vua nào mất ngôi vì điều đó và cũng không ông vua nào nỗ lực ghê gớm lắm để vượt qua bệnh dịch. Hồi đó không ai nghĩ ngăn ngừa bệnh dịch là một phần công việc của nhà vua. Mặt khác, những kẻ trị vì cho phép dị giáo lan tràn trong lãnh thổ của mình có nguy cơ mất ngôi, thậm chí mất đầu.
Ngày nay, một chính phủ có thể chọn cách tiếp cận bạo lực gia đình và bạo lực tình dục mềm mỏng hơn so với chủ nghĩa khủng bố vì mặc cho ảnh hưởng của các phong trào như #MeToo, hiếp dâm không làm giảm tính chính danh của chính phủ. Ở Pháp chẳng hạn, hơn 10.000 vụ cưỡng hiếp được báo cáo cho nhà cầm quyền mỗi năm và khoảng vài chục ngàn vụ không được báo cáo khác. Những kẻ hiếp dâm và những ông chồng vũ phu, tuy thế, không được xem là một mối đe dọa sống còn đối với nhà nước Pháp vì theo lịch sử mà nói, nhà nước Pháp không xây dựng dựa trên lời hứa tiêu trừ bạo lực tình dục. Trái lại, những ca khủng bố hiếm hơn rất nhiều lại được xem như một mối đe dọa chết người với Cộng hòa Pháp vì trong vài thế kỷ vừa qua, các nhà nước hiện đại phương Tây đã dần thiết lập tính chính danh của mình dựa trên lời hứa rõ ràng là không chấp nhận bạo lực chính trị trong lãnh thổ của mình.
Trở về thời Trung cổ, không gian công cộng tràn ngập bạo lực chính trị. Sự thật là khả năng sử dụng bạo lực chính là vé vào cửa của trò chơi chính trị; bất cứ ai thiếu khả năng này đều không có tiếng nói chính trị. Vô số gia đình quyền quý có quân lính giống như các thị trấn, phường hội, nhà thờ và tu viện. Khi một tu viện trưởng qua đời và tranh cãi về quyền kế nhiệm nảy sinh, các bè phái đối lập, bao gồm các thầy tu, giới chức địa phương và láng giềng có liên quan, thường sử dụng vũ lực để quyết định vấn đề.
Chủ nghĩa khủng bố không có chỗ trong một thế giới như vậy. Bất cứ kẻ nào không đủ mạnh để gây tổn thất vật chất đáng kể thì cũng không đáng nói tới. Nếu vào năm 1150, một vài tay cuồng tín Hồi giáo ám sát một nhúm thường dân ở Jerusalem và yêu cầu quân Thập tự rời khỏi Đất Thánh, phản ứng sẽ là giễu cợt chứ không phải là kinh sợ. Nếu muốn được xem trọng, ít nhất anh phải kiểm soát một hoặc hai tòa lâu đài kiên cố. Chủ nghĩa khủng bố không quấy nhiễu tổ tiên Trung cổ của chúng ta vì họ có những vấn đề phải xử lý lớn hơn nhiều.
Trong thời hiện đại, các nhà nước tập quyền dần giảm mức độ bạo lực chính trị trong lãnh thổ của mình và trong vài thập kỷ trở lại đây, các nước phương Tây đã nhổ rễ bạo lực gần như hoàn toàn. Các công dân Pháp, Anh hay Hoa Kỳ có thể tranh đấu giành quyền kiểm soát các thị trấn, tập đoàn, tổ chức, thậm chí là cả chính phủ, mà không cần đến một lực lượng quân bị. Quyền kiểm soát hàng tỷ tỷ đô la, hàng triệu binh lính và hàng ngàn tàu biển, máy bay và tên lửa hạt nhân chuyển từ nhóm chính trị gia này sang nhóm chính trị gia khác mà không cần nổ một phát súng. Con người nhanh chóng quen với việc này và giờ xem đó là quyền tự nhiên của mình. Do đó, các hành động bạo lực chính trị lẻ tẻ giết vài chục người cũng bị xem là mối đe dọa chết người đối với tính chính danh và thậm chí là sự sống còn của nhà nước. Một đồng xu nhỏ trong một lọ rỗng to thì rất ồn ào.
Đây là điều khiến sân khấu khủng bố thành công đến thế. Nhà nước đã tạo ra một khoảng không khổng lồ trống vắng bạo lực chính trị, thứ giờ biến thành một dàn loa khuếch âm, phóng đại hiệu ứng của bất cứ cuộc tấn công có vũ trang nào, dù nhỏ đến đâu. Bạo lực chính trị tại một quốc gia nhất định càng ít thì cú sốc của quần chúng trước một hành động khủng bố lại càng lớn. Giết một vài người ở Bỉ thu hút chú ý hơn giết hàng trăm người ở Nigeria hay Iraq rất nhiều. Nghịch lý ở chỗ, chính thành công của các nhà nước hiện đại trong việc phòng ngừa bạo lực chính trị lại khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước chủ nghĩa khủng bố.
Nhà nước đã nhấn mạnh nhiều lần rằng nó sẽ không dung túng bạo lực chính trị trong biên giới của mình. Đến phần mình, các công dân quen dần với mức bạo lực chính trị bằng không. Do đó, sân khấu khủng bố tạo nên những nỗi sợ hãi thâm căn về tình trạng vộ chính phủ, làm người ta cảm thấy như thể trật tự xã hội chuẩn bị sụp đổ. Sau nhiều thế kỷ tranh đấu đẫm máu, chúng ta đã bò ra khỏi hố đen bạo lực, nhưng chúng ta có cảm giác như hố đen vẫn còn đó, kiên nhẫn chờ nuốt chửng chúng ta một lần nữa. Một vài tội ác kinh hoàng xảy ra và ta tưởng như mình đang rơi trở lại vào hố thẳm.
Để xoa dịu những nỗi sợ này, nhà nước buộc phải đáp trả sân khấu khủng bố bằng sân khấu an ninh của chính mình. Câu trả lời hiệu quả nhất đối với chủ nghĩa khủng bố có thể là tình báo và các hoạt động bí mật tin cậy để chống lại các mạng lưới tài chính nuôi dưỡng khủng bố. Nhưng đây không phải điều mà các công dân có thể xem trên truyền hình. Các công dân đã chứng kiến màn kịch khủng bố khi Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ. Nhà nước thấy mình buộc phải dàn dựng một vở đối-kịch hoành tráng không kém, thậm chí còn nhiều khói lửa hơn. Thế nên thay vì hành động lặng lẽ và hiệu quả, nhà nước tung ra một cơn bão mạnh, thường xuyên đáp ứng những mơ ước thầm kín nhất của bọn khủng bố.
Thế thì nhà nước phải đối phó với khủng bố như thế nào? Một cuộc đấu tranh chống khủng bố thành công nên được thực hiện trên ba mặt trận. Đầu tiên, các chính phủ phải tập trung vào các hành động bí mật chống các mạng lưới khủng bố. Thứ hai, giới truyền thông nên giữ mọi thứ trong đúng bối cảnh và tránh làm loạn lên. Nhà hát khủng bố không thể thành công nếu không được quảng bá. Không may là báo chí lại quá thường xuyên quảng bá không công cho chúng. Báo chí đưa tin một cách ám ảnh về các cuộc tấn công khủng bố và thổi phồng sự nguy hiểm của chúng lên đáng kể vì các báo cáo về khủng bố giúp bán được nhiều báo hơn các báo cáo về tiểu đường hay ô nhiễm không khí.
Mặt trận thứ ba là trí tưởng tượng của mỗi người chúng ta. Bọn khủng bố nắm giữ trí tưởng tượng của chúng ta và dùng nó để chống lại chúng ta. Hết lần này đến lần khác, chúng ta tua lại cuộc tấn công khủng bố trong đầu mình, nhớ lại vụ 11 tháng Chín hay các cuộc đánh bom liều chết mới nhất. Bọn khủng bố giết một trăm người và khiến 100 triệu người tưởng tượng là có một tên khủng bố nấp sau mỗi gốc cây. Trách nhiệm của mỗi công dân là tự giải phóng trí tưởng tượng của mình khỏi bọn khủng bố và nhắc cho mình nhớ về mức độ thực sự của mối đe dọa này. Chính nỗi sợ hãi của chúng ta đã khiến truyền thông bị ám ảnh về chủ nghĩa khủng bố và chính phủ phản ứng thái quá.
Do đó, thành công hay thất bại của chủ nghĩa khủng bố phụ thuộc vào chúng ta. Nếu ta để cho bọn khủng bố nắm giữ trí tưởng tượng của mình rồi phản ứng thái quá với chính những nỗi sợ của mình, chủ nghĩa khủng bố sẽ thành công. Nếu chúng ta giải phóng trí tưởng tượng của mình khỏi bọn khủng bố và phản ứng một cách cân bằng và bình tĩnh, chủ nghĩa khủng bố sẽ thất bại.
—ooOoo—
CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ TIẾN LÊN HẠT NHÂN
PHÂN TÍCH trên đúng với chủ nghĩa khủng bố mà ta đã biết trong hai thế kỷ trở lại đây và như nó đang hiện hình trên các đường phố của New York, London, Paris và Tel Aviv. Tuy nhiên, nếu bọn khủng bố chiếm được vũ khí hủy diệt hàng loạt thì bản chất của không chỉ chủ nghĩa khủng bố mà của cả nhà nước và chính trị toàn cầu sẽ thay đổi chóng mặt. Nếu các tổ chức nhỏ xíu đại diện cho một nhúm những tay cuồng tín có thể phá hủy toàn bộ các thành phố và giết hàng triệu người, không còn không gian công cộng nào có thể thoát khỏi bạo lực chính trị.
Do đó, trong khi chủ nghĩa khủng bố ngày nay chủ yếu là sân khấu thì chủ nghĩa khủng bố hạt nhân, khủng bố mạng hay khủng bố sinh học trong tương lai có thể biến thành một mối đe dọa nghiêm trọng hơn rất nhiều và sẽ đòi hỏi các phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều từ các chính phủ. Chính vì lẽ đó, chúng ta phải hết sức cẩn thận, không nhầm lẫn các hoạt cảnh tương lai mang tính giả thuyết như thế với các cuộc tấn công khủng bố thật mà ta chứng kiến cho đến nay. Nỗi sợ bọn khủng bố một ngày kia có thể chạm tay vào một quả bom hạt nhân và phá hủy New York hay London không thể biện minh cho phản ứng thái quá cuồng loạn dành cho một tên khủng bố giết một tá người đi đường bằng một khẩu súng tự động hay một chiếc xe điên. Các nhà nước thậm chí còn phải thận trọng hơn, không được khởi sự trừng phạt tất cả các nhóm bất đồng vì có thể một ngày nào đó họ sẽ cố chiếm lấy vũ khí hạt nhân hay “bẻ khóa” những chiếc xe tự hành và biến chúng thành một đội quân robot giết người.
Tương tự, mặc dù các chính phủ đương nhiên phải giám, sát các nhóm cấp tiến và hành động ngăn ngừa họ kiểm soát được các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, họ cũng cần cân bằng nỗi sợ chủ nghĩa khủng bố hạt nhân với các kịch bản đầy đe dọa khác. Trong hai thập kỷ trở lại đây, nước Mỹ đã phung phí hàng nghìn tỷ đô la và rất nhiều “nguồn vốn” chính trị cho cuộc chiến chống khủng bố George W. Bush, Tony Blair, Barack Obama và chính quyền của họ có thể lý luận rằng bằng cách săn đuổi bọn khủng bố, họ buộc chúng phải nghĩ nhiều về sự sống còn hơn là có được bom hạt nhân. Do đó, họ có thể đã cứu được thế giới khỏi một vụ 11 tháng Chín hạt nhân. Đây là một tuyên bố phản-chứng - “nếu chúng ta không phát động cuộc chiến chống khủng bố, al-Qaeda hẳn đã kiếm được vũ khí hạt nhân” - nên ta khó lòng xác định nó là đúng hay sai.
Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng khi theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố, người Mỹ và đồng minh của họ không chỉ đã gây ra vô số sự phá hủy trên khắp địa cầu mà còn tạo ra cái mà các nhà kinh tế học gọi là “chi phí cơ hội”. Tiền bạc, thời gian và vốn chính trị đầu tư vào chống khủng bố đã không được đầu tư cho việc chống lại sự nóng lên toàn cầu, AIDS và đói nghèo, cho việc mang lại hòa bình và thịnh vượng cho châu Phi vùng hạ-Sahara, cho việc tạo ra mối quan hệ tốt hơn với Nga và Trung Quốc. Nếu New York hay London chìm xuống đáy Đại Tây Dương hay các căng thẳng với Nga bùng nổ thành một cuộc chiến tranh-nhỏ, người ta hoàn toàn có thể buộc tội Bush, Blair và Obama vì đã tập trung sai mặt trận.
Việc đặt ưu tiên trong thời gian thực là rất khó khăn, trong khi việc đã rồi, nhìn lại mà đoán lại quá dễ dàng. Chúng ta trách các lãnh đạo đã thất bại trong việc ngăn ngừa các thảm họa đã xảy ra, trong khi hoàn toàn vô tư không biết đến những thảm họa không bao giờ thành hình. Ví dụ, người ta nhìn lại chính quyền Clinton vào những năm 1990 và đổ cho nó tội bỏ qua mối đe dọa al-Qaeda. Nhưng vào những năm 1990, rất ít người hình dung nổi những tay khủng bố Hồi giáo có thể châm ngòi một mâu thuẫn toàn cầu bằng cách lao máy bay chở khách vào những tòa nhà chọc trời ở New York. Trái lại, nhiều người sợ rằng Nga có thể sụp đổ hoàn toàn và mất kiểm soát không chỉ với lãnh thổ mênh mông mà với cả hàng ngàn quả bom hạt nhân và bom sinh học của nó nữa. Một mối lo nữa là những cuộc chiến tranh đẫm máu ở Nam Tư cũ có thể lan sang các phần khác của Đông Âu, biến thành các mâu thuẫn giữa Hungary và Romania, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria hay giữa Ba Lan và Ukraine.
Nhiều người thậm chí còn hồi hộp hơn về sự tái hợp của nước Đức. Chỉ bốn thập kỷ rưỡi sau sự sụp đổ của Đế chế thứ Ba, nhiều người vẫn ấp ủ nỗi sợ tâm can về quyền lực Đức. Thoát khỏi “ảnh hưởng” của Liên Xô, liệu nước Đức có trở thành một siêu cường thống trị lục địa châu Âu? Còn Trung Quốc thì sao? Bị sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đánh động, Trung Quốc có thể từ bỏ các cải cách, trở về với những chính sách nặng tay trước đây và có thể một phiên bản giống Bắc Hàn xuất hiện.
Ngày nay, chúng ta có thể chế nhạo những kịch bản đáng sợ đó vì ta biết chúng đã không thành hiện thực. Tình thế ở Nga đã ổn định, phần lớn Đông Âu đã gia nhập EU trong hòa bình, nước Đức thống nhất ngày nay được “tung hô” là lãnh đạo của thế giới tự do và Trung Quốc đã trở thành đầu tàu kinh tế toàn cầu. Tất cả những điều này đạt được, ít nhất là một phần, nhờ các chính sách mang tính xây dựng của Mỹ và EU. Liệu có phải là khôn ngoan hơn nếu Hoa Kỳ và EU vào những năm 1990 tập trung vào các thành phần cực đoan Hồi giáo hơn là tình hình ở khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu hay ở Trung Quốc?
Chúng ta không thể chuẩn bị cho mọi tình huống. Do đó, tong khi ta chắc chắn phải phòng chống khủng bố hạt nhân, điều này không thể là mục số một trên lịch trình của loài người. Và đương nhiên, chúng ta không nên sử dụng mối đe dọa khủng bố hạt nhân trên lý thuyết như một cách biện hộ cho việc phản ứng thái quá trước chủ nghĩa khủng bố thông thường. Đấy là các vấn đề khác nhau đòi hỏi các giải pháp khác nhau.
Nếu mặc cho các nỗ lực của chúng ta, các nhóm khủng bố cuối cùng vẫn chạm được tay vào vũ khí hủy diệt hàng loạt thì ta khó lòng biết được các cuộc đấu tranh chính trị sẽ được tiến hành như thế nào, nhưng chúng sẽ rất khác với các chiến dịch khủng bố và chống khủng bố đầu thế kỷ 21. Nếu vào năm 2050, thế giới đầy rẫy bọn khủng bố hạt nhân và khủng bố sinh học, các nạn nhân của chúng sẽ nhìn lại thế giới năm 2018 với sự thèm khát nhuốm màu hoài nghi: làm sao những người từng sống an toàn như vậy lại có thể cảm thấy bị đe dọa đến thế?
Dĩ nhiên, cảm giác hiện tại của chúng ta về sự nguy hiểm không chỉ bắt nguồn từ chủ nghĩa khủng bố. Nhiều nhà phân tích và người dân sợ rằng Thế chiến thứ ba đã kề cận và thế giới năm 2018 là sự gợi nhớ kỳ quái về thế giới năm 1914. Nay cũng như xưa, các căng thẳng gia tăng giữa các siêu cường cộng với các vấn đề toàn cầu khó đối phó có vẻ như đang lôi chúng ta đến một cuộc chiến toàn cầu. Liệu mối lo này có dễ biện minh hơn nỗi sợ khủng bố bị thổi phồng của chúng ta?