21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 11
11
* * *
Chiến Tranh
ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH GIÁ THẤP SỰ NGU XUẨN CỦA LOÀI NGƯỜI
CÁC THẬP kỷ gần đây là kỷ nguyên hòa bình nhất trong lịch sử loài người. Ở các xã hội nông nghiệp thời kỳ đầu, tới 15% số người chết là do bạo lực; trong thế kỷ 20, con số này là 5% thì ngày nay, bạo lực chỉ chịu trách nhiệm cho 1%. Thế nhưng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tình hình thế giới đang ngày càng xấu đi: việc gây chiến đã trở lại thành xu thế và chi tiêu cho quốc phòng đang phình to. Cả người bình thường và các chuyên gia đều e ngại rằng cũng như cuộc ám sát thái tử Áo-Hung vào năm 1914 đã khơi mào Thế chiến thứ nhất, một sự việc ở sa mạc Syria hay một động thái thiếu khôn ngoan ở bán đảo Triều Tiên năm 2018 có thể châm ngòi cho một mâu thuẫn toàn cầu.
Với những căng thẳng đang gia tăng trên thế giới và cá tính của các lãnh đạo tại Washington, Bình Nhưỡng và một số nơi khác, chắc chắn chúng ta có lý do để lo lắng. Thế nhưng có một số điểm khác biệt then chốt giữa năm 2018 và năm 1914. Cụ thể, vào năm 1914, chiến tranh có sức lôi cuốn lớn với giới tinh hoa khắp địa cầu vì họ có rất nhiều ví dụ rõ ràng về việc các cuộc chiến thành công bồi đắp cho thịnh vượng kinh tế và quyền lực chính trị như thế nào. Trái lại, vào năm 2018, các cuộc chiến thành công có vẻ như đã trở thành một loài sinh vật sắp tuyệt chủng.
Từ thời của người Assyria và nhà Tần, các đế chế vĩ đại thường được xây dựng qua các cuộc chinh phạt. Cả vào năm 1914 nữa, tất cả các cường quốc lớn đều có được vị thế của mình nhờ chiến tranh. Chẳng hạn, đế quốc Nhật Bản trở thành một cường quốc trong khu vực nhờ các chiến thắng trước Trung Quốc và Nga; Đức trở thành thống trị châu Âu sau các chiến thắng trước Áo-Hung và Pháp. Anh tạo dựng được đế chế lớn nhất và phồn thịnh nhất thế giới thông qua một loạt các cuộc chiến nhỏ rực rỡ khắp toàn cầu; vào năm 1882, khi xâm lược và chiếm được Ai Cập, nước Anh chỉ mất có 57 lính trong trận Tel el-Kebir quyết định. Trong khi ngày nay, việc chiếm đóng một nước Hồi giáo là ác mộng của phương Tây thì sau trận Tel el-Kebir, người Anh chỉ đối mặt với rất ít phản kháng có vũ trang, và trong hơn sáu thập kỷ, họ kiểm soát thung lũng sông Nile và kênh đào Suez trọng yếu. Các cường quốc châu Âu khác bắt chước người Anh, và bất cứ khi nào các chính phủ ở Paris, Rome hay Brussels cân nhắc việc đặt chân xuống mảnh đất Việt Nam, Libya hay Congo, nỗi sợ duy nhất của họ là ai đó có thể đến đó trước.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng có được vị thế siêu cường của mình nhờ các hành động quân sự hơn là chỉ riêng kinh tế. Vào năm 1846, nó xâm lược Mexico và chinh phục California, Nevada, Utah, Arizona, New Mexico và các phần của Colorado, Kansas, Wyoming và Oklahoma. Hiệp ước hòa bình cũng xác nhận sáp nhập Texas vào Hoa Kỳ. Khoảng 13.000 lính Mỹ chết trong chiến tranh đã thêm vào 2,3 triệu kilomet vuông đất đai (hơn cả diện tích của Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý cộng lại) cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Quả là một cuộc đổi chác thiên niên kỷ.
Vào năm 1914, giới tinh hoa ở Washington, London và Berlin biết chính xác một cuộc chiến thành công thì sẽ như thế nào và có thể kiếm được những gì từ đó. Trái lại, vào năm 2018, giới tinh hoa toàn cầu có lý do chính đáng để tin rằng kiểu chiến tranh như thế đã “tuyệt chủng”. Mặc dù một số kẻ độc tài ở thế giới thứ ba và các thành phần phi-nhà nước vẫn tìm cách trở nên thịnh vượng nhờ chiến tranh, có vẻ như các cường quốc lớn không còn biết cách làm vậy nữa.
“Chiến thắng” vĩ đại nhất trong ký ức gần đây, Hoa Kỳ trước Liên bang Xô-viết, đã đạt được mà không có bất kỳ đụng độ quân sự lớn nào. Hoa Kỳ sau đó nếm chút mùi vị thoảng qua của chiến thắng quân sự kiểu cũ trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất, nhưng điều này chỉ dụ dỗ nó tiêu tốn hàng ngàn tỷ đô vào các thảm họa quân sự nhục nhã ở Iraq và Afghanistan. Trung Quốc, cường quốc đang lên đầu thế kỷ 21, đã thận trọng né mọi xung đột vũ trang từ sau thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979 và sự đi lên của nó hoàn toàn nhờ vào các yếu tố kinh tế. Trong khía cạnh này, nó không bắt chước các đế quốc Nhật, Đức và Ý của thời tiền 1941 mà noi theo những phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật, Đức và Ý thời hậu 1945. Trong tất cả các trường hợp này, thịnh vượng kinh tế và vị thế địa chính trị đã đạt được mà không phải nổ một phát súng.
Ngay cả ở Trung Đông, võ đài đánh đấm của thế giới, các quyền lực xưng bá trong khu vực cũng không biết làm thế nào để tiến hành những cuộc chiến thành công. Iraq chẳng đạt được gì từ cuộc tắm máu kéo dài trong chiến tranh Iran-Iraq, từ đó đã tránh né mọi xung đột quân sự trực tiếp. Người Iran tài trợ và trang bị vũ khí cho các phong trào địa phương từ Iraq đến Yemen, từng cử các vệ binh cách mạng của mình đi giúp các đồng minh ở Syria và Lebanon, nhưng đến nay vẫn thận trọng không xâm lược nước nào. Iran gần đây đã trở thành bá chủ cả vùng không phải nhờ hào quang chiến tranh oanh liệt nào nơi chiến trường mà vì không có đối thủ. Hai kẻ thù chính của nó, Hoa Kỳ và Iraq, đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến hủy diệt cả Iraq lẫn hứng thú của Hoa Kỳ đối với các bãi lầy ở Trung Đông, từ đó để lại Iran một mình tận hưởng chiến lợi phẩm.
Trường hợp của Israel cũng tương tự. Cuộc chiến thành công cuối cùng do Israel tiến hành diễn ra năm 1967. Từ đó đến nay, Israel thịnh vượng dù có nhiều chiến tranh, chứ không phải nhờ chiến tranh. Hầu hết các lãnh thổ chiếm được của Israel khiến đất nước này ì ạch bởi các gánh nặng kinh tế và các nghĩa vụ chính trị oằn vai. Cũng như Iran, Israel gần đây đã cải thiện vị thế địa chính trị của mình không phải nhờ thực hiện các cuộc chiến thành công mà nhờ né tránh các phi vụ quân sự. Trong khi chiến tranh tàn phá các kẻ thù trước đấy của Israel ở Iraq, Syria và Libya, Israel vẫn tính táo. Có thể nói không bị hút vào cuộc nội chiến Syria chính là thành tựu chính trị vĩ đại nhất của Thủ tướng Benjamin Netanyahu (cho đến tháng Ba năm 2018). Nếu muốn, lực lượng tự vệ Israel (gọi tắt là IDF) có thể chiếm Damascus chỉ trong một tuần, nhưng Israel sẽ được lợi lộc gì từ chuyện đó? Với IDF, chinh phục dải Gaza và lật đổ chính quyền Hamas thậm chí còn dễ hơn, nhưng Israel đã liên tục tránh làm việc đó. Với tất cả khả nâng quân sự của mình và lối nói năng hiếu chiến của các chính trị gia, Israel biết chiến tranh chẳng mang lại gì nhiều. Cũng như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Iran, Israel có vẻ đã hiểu rằng trong thế kỷ 21, chiến thuật thành công nhất là “tọa sơn quan hổ đấu”.
—ooOoo—
BỐI CẢNH NHÌN TỪ KREMLIN
CHO ĐẾN nay, cuộc chiến thành công duy nhất do một cường quốc chính trong thế kỷ 21 thực hiện là việc Nga chiếm Crimea. Vào tháng Hai nầm 2014, quân đội Nga chiếm bán đảo Crimea tấn công nước láng giềng Ukraine, sau đó sáp nhập vào Nga. Chẳng phải đánh đấm gì mấy, Nga đã giành được một lãnh thổ quan trọng về mặt chiến lược, gieo nỗi e ngại vào các láng giềng của mình và tái thiết lập vị thế như một cường quốc thế giới. Tuy nhiên, cuộc cưỡng chiếm thành công là nhờ một loạt tình huống lạ thường. Cả quân đội Ukraine lẫn dân cư địa phương đều không kháng cự mấy quân Nga, trong khi các cường quốc khác cố tránh can thiệp trực tiếp vào cuộc khủnghoảng. Các tình huống này khó có thể tái hiện ở nơi nào khác trên thế giới. Nếu điều kiện cần của một cuộc chiến thành công là sự vắng hóng các kẻ thù sẵn sàng chống cự bên gây chiến thì nó hạn chế đáng kể các cơ hội sẵn có.
Quả thực, khi Nga tìm cách tái hiện thành công crimea ở phần khác của Ukraine, nó đã vấp phải những kháng cự cứng rắn hơn đáng kể và cuộc chiến ở miền Đông Ukraine sa vào một trạng thái bế tắc không có lợi lộc gì. Tệ hơn (từ góc nhìn của Moscow), xung đột đã nhen nhóm lên các cảm giác “bài Nga” trong Ukraine, và biến đất nước này từ một đồng minh thành kẻ thù không đội trời chung. Cũng như thành công trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất đã kéo Mỹ với dài tay sang Iraq, thành công ở Crimea có thể đã nhử Nga cố gắng vượt sức ở Ukraine.
Tóm lại, các cuộc chiến của Nga ở Kavkaz và Ukraine vào đầu thế kỷ 21 khó có thể được mô tả là rất thành công. Dù đã nâng cao uy thế của Nga như một cường quốc, chúng cũng dã gia tăng sự thiếu tin tưởng và đối địch với nước Nga; nói theo thuật ngữ kinh tế thì chúng là những doanh nghiệp thất bát. Các khu nghỉ dưỡng ở Crimea và các nhà máy xuống cấp từ thời Liên Xô ở Luhansk và Donetsk khó có thể cân được cái giá của việc trang trải cho chiến tranh; chúng chắc chắn không thể bù lại chì phí thoái vốn và trừng phạt quốc tế. Để nhận thức dược hạn chế của chính sách Nga, ta chỉ cần so sánh tiến bộ kinh tế vượt bậc của Trung Hoa hòa bình trong hai mươi năm trở lại đây với sự ì trệ về kinh tế của nước Nga trong cùng thời điểm.
Mặc dù mạnh miệng phát biểu từ Moscow, bản thân giới tinh hoa Nga có lẽ cũng ý thức rõ các chi phí và lợi ích thật sự của các chuyến phiêu lưu quân sự của mình; đấy là lý do vì sao họ đã rất cẩn trọng không leo thang chiến tranh. Nga trước giờ vẫn đi theo nguyên tắc “ép” ở sân chơi: chọn kẻ yếu nhất và đừng có để nó bầm giập quá, kẻo cô giáo can thiệp. Nếu Putin tiến hành các cuộc chiến theo tinh thần của Stalin, Peter Đại đế hay Thành Cát Tư Hãn thì xe tăng Nga từ lâu đã lao về Tbilisi hay Kiev rồi, nếu không phải là Warsaw và Berlin. Nhưng Putin không phải Thành Cát Tư Hãn, cũng chẩng phải Stalin. Ông có vẻ biết rõ hơn ai hết rằng quyền lực quân sự không thể đi xa trong thế kỷ 21 và tiến hành một cuộc chiến thành công có nghĩa là tiến hành một cuộc chiến có giới hạn. Ngay cả ở Syria, mặc cho các cuộc không kích dữ dội của Nga, Putin vẫn cẩn trọng hạn chế tối thiểu dấu vết của Nga, để những lực lượng khác thực hiện toàn bộ những màn đánh đấm quan trọng và ngăn chiến tranh không lan sang các nước láng giềng.
Quả thật, từ góc nhìn của Nga, tất cả các nước đi có vẻ bạo liệt của nó trong những năm gần đây không phải là những nước đi mở đầu cho một cuộc chiến toàn cầu mới mà là một nỗ lực để chống đỡ những phòng tuyến bị “hở sườn”. Người Nga có lý khi chỉ ra rằng, sau các cuộc tháo lui trong hòa bình của họ vào cuối thập niên 1980 và đầu 1990, họ đã bị đối xử như một kẻ thua trận. Hoa Kỳ và NATO lợi dụng sự suy yếu của Nga, và dù hứa hẹn ngược lại, đã mở rộng NATO đến Đông Âu và thậm chí đến một số nước cộng hòa cũ thuộc Liên bang Xô-viết. Phương Tây tiếp tục phớt lờ các lợi ích của Nga ở Trung Đông, xâm lược Serbia và Iraq dưới những cái cớ mù mờ, nói chung đã thể hiện rõ với Nga là nó chỉ có thể trông chờ vào sức mạnh quân sự của riêng mình để bảo vệ tầm ảnh hưởng của nó khỏi những đòn tấn công từ phương Tây. Từ góc nhìn này, các nước đi quân sự gần đây của Nga có thể đổ tại Bill Clinton và George W. Bush cũng nhiều ngang với Vladimir Putin vậy.
Dĩ nhiên, các hành động quân sự của Nga ở Georgia, Ukraine và Syria có thể trở thành loạt đạn mở màn cho một động cơ táo bạo hơn nhiều. Ngay cả khi đến giờ Putin chưa suy xét các kế hoạch nghiêm túc để chinh phục địa cầu, thành công vẫn có thể thổi bùng tham vọng của ông. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng nước Nga của Putin yếu hơn nhiều so với Liên bang Xô-viết; trừ phi Nga được các nước khác cùng tham gia như Trung Quốc, nó không thể chống lưng cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nói gì đến một cuộc thế chiến toàn diện. Nga có dân số 150 triệu người và GDP 4 nghìn tỷ đô la. về cả dân số và sản xuất, nó bị cả Hoa Kỳ (325 triệu người và 19 nghìn tỷ đô la) và Liên minh châu Âu (500 triệu người và 21 nghìn tỷ đô la) lấn át. Cộng lại, Hoa Kỳ và EU có số dân gấp năm và số đô la gấp mười lần Nga.
Các tiến bộ công nghệ gần đây đã khiến khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn. Liên Xô đạt đỉnh vào giữa thế kỷ 20, khi công nghiệp nặng là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu và hệ thống tập trung hóa của Xô-viết vượt trội trong sản xuất hàng loạt máy cày, xe tải, xe tăng và tên lửa xuyên lục địa. Ngày nay, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học quan trọng hơn công nghiệp nặng, nhưng nước Nga chưa vượt trội trong cả hai mặt. Mặc dù có năng lực chiến tranh mạng ấn tượng, nó vẫn thiếu một khu vực IT dân sự và nền kinh tế của nó phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Điều này có thể đủ để làm giàu cho một vài nhà tài phiệt và giữ Putin ở vị thế quyền lực, nhưng không đủ để chiến thắng một cuộc chạy đua vũ trang số hay công nghệ sinh học.
Quan trọng hơn, nước Nga của Putin thiếu một ý thức hệ toàn cầu. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng dựa vào sức hút toàn cầu của chủ nghĩa xã hội cũng nhiều như sức vươn toàn cầu của hồng quân. Tư tưởng của Putin, trái lại, không có gì nhiều để mang đến cho người Cuba, những trí thức người Việt hay Pháp. Chủ nghĩa quốc gia toàn trị quả thực có thể đang rộng; nhưng bởi chính bản chất của mình, nó không có tác dụng hình thành các khối quốc tế gắn kết. Trong khi chủ nghĩa toàn trị ở Ba Lan và ở Nga đều cam kết, ít nhất là trên lý thuyết, vì lợi ích toàn cầu của công nhân quốc tế, thì chủ nghĩa dân tộc Nga và chủ nghĩa dân tộc Ba Lan, về định nghĩa, đã cam kết vì các lợi ích đối kháng nhau. Khi sự trỗi dậy của Putin nhen nhóm sự trào dâng của chủ nghĩa dân tộc Ba Lan, điều này chỉ khiến Ba Lan quay lưng với lại Nga hơn bao giờ hết.
Mặc dù đã bắt đầu một chiến dịch thông tin và “lật đổ” toàn cầu với mục tiêu nhằm vào NATO và EU, có vẻ như khó có khả năng Nga chuẩn bị mở màn một chiến dịch chinh phục thế giới thực. Ta có thể hy vọng, với một vài lý do chính đáng, rằng việc chiếm Crimea và các cuộc tấn công vào Georgia và Đông Ukraine sẽ vẫn là các ví dụ rời rạc, hơn là những báo hiệu của một kỷ nguyên chiến tranh mới.
—ooOoo—
CÁC CUỘC CHIẾN THẮNG LỢI,
MÔN NGHỆ THUẬT ĐÃ MẤT
TẠI SAO các cường quốc lớn lại khó thực hiện các cuộc chiến thành công trong thế kỷ 21? Một lý do là sự thay đổi trong bản chất của nền kinh tế. Trong quá khứ, các tài sản kinh tế chủ yếu mang tính vật chất, vậy nên việc tự làm giàu bằng cách đi chinh phục khá là rõ ràng. Nếu anh đánh bại kẻ thù trên chiến trường, anh có thể lấy lại vốn bằng cách cướp bóc các thành phố của chúng, bán thường dân của chúng trong các chợ nô lệ và chiếm các ruộng lúa mì, các mỏ vàng quý giá. Người La Mã giàu lên nhờ bán những người Hy Lạp và Gaul bị bắt; người Mỹ thế kỷ 19 phát đạt nhờ chiếm các mỏ vàng ở California và các trại gia súc ở Texas.
Thế nhưng vào thế kỷ 21, chỉ những thứ lợi lộc bèo bọt mới được kiếm bằng cách đó. Ngày nay, các tài sản kinh tế chủ yếu bao gồm kiến thức kỹ thuật và tổ chức hơn là các cánh đồng lúa mì, các mỏ vàng hay thậm chí các giếng dầu; và anh đơn giản là không thể chinh phục kiến thức bằng chiến tranh. Một tổ chức như Nhà nước Hồi giáo có thể vẫn phát triển nhờ cướp bóc các thành phố và các giếng dầu ở Trung Đông: chúng cướp được hơn 500 triệu đô la từ các nhà băng ở Iraq, và vào năm 2015 kiếm thêm 500 triệu nữa nhờ bán dầu; nhưng với một cường quốc như Trung Quốc hay Hoa Kỳ, đấy chỉ là những con số “quá muỗi”. Với GDP hằng năm hơn 20 nghìn tỷ đô la, Trung Quốc hẳn không muốn bắt đầu một cuộc chiến chỉ vì một tỷ đô bọ. Còn chuyện chi hàng nghìn tỷ cho một cuộc chiến chống lại Mỹ, làm sao Trung Quốc trả nổi các chi phí đó và cân bằng được những thiệt hại do chiến tranh và các cơ hội giao thương mất đi gây ra? Liệu giải phóng quân thắng lợi có cướp được của cải của Thung lũng Silicon? Đúng, các tập đoàn như Apple, Facebook và Google có giá hàng trám tỷ đô la, nhưng anh không thể chiếm gia tài của họ bằng vũ trang. Chẳng có mỏ silicon nào ở Thung lũng Silicon cả.
Một cuộc chiến thành công về lý thuyết vẫn có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ bằng cách cho phép người chiến thắng tái sắp xếp hệ thống thương mại thế giới theo hướng có lợi cho mình, như Anh đã làm sau chiến thắng trước Napoleon và như Mỹ đã làm sau chiến thắng trước Hitler. Tuy nhiên, các thay đổi trong công nghệ quân sự khiến việc lặp lại chiến thắng này trở nên khó khăn trong thế kỷ 21. Bom nguyên tử đã biến thắng lợi trong một cuộc thế chiến thành tự sát tập thể. Chẳng phải trùng hợp mà từ sau vụ Hiroshima, các siêu cường không bao giờ đánh nhau trực diện mà chỉ tham gia vào những thứ (với họ) là các xung đột nguy cơ thấp, trong đó sức cám dỗ phải sử dụng vũ khí hạt nhân để tránh thất bại là nhỏ. Quả thật, ngay cả việc tấn công một sức mạnh hạt nhân loại hai như Bắc Hàn đã là một đề xuất cực kỳ kém hấp dẫn rồi. Thật đáng sợ khi nghĩ đến điều mà họ có thể sẽ làm nếu đối diện với thất bại quân sự.
Chiến tranh mạng khiến mọi thứ còn tệ hơn đối với các đế quốc tiềm năng. Vào thời Nữ hoàng Victoria và súng Maxim, quân đội Anh có thể tàn sát những thổ dân trong một sa mạc xa xôi nào đó mà không đe dọa gì đến hòa bình của Manchester và Birmingham. Ngay trong những ngày của George W. Bush, nước Mỹ có thể tàn phá Baghdad và Fallujah trong khi người Iraq không có cách nào để trả đũa San Francisco hay Chicago. Nhưng nếu ngày nay, Mỹ tấn công một nước sở hữu dù chỉ năng lực chiến tranh mạng trung bình, cuộc chiến có thể bị đưa đến California hay Illinois chỉ trong vài phút. Các mã độc và bom logic có thể dừng không lưu ở Dallas, khiến tàu hỏa đâm vào nhau ở Philadelphia và đánh sập mạng lưới điện ở Michigan.
Vào thời kỳ vĩ đại của các nhà chinh phục, chiến tranh là một phi vụ ít thiệt hại, nhiều lợi lộc. Trong trận Hastings năm 1066, William Kẻ Chinh Phục chiếm được cả nước Anh chỉ trong một ngày với cái giá là vài ngàn người chết. Vũ khí hạt nhân và chiến tranh mạng, trái lại, là các công nghệ thiệt hại cao, lợi nhuận thấp. Bạn có thể sử dụng các công cụ như vậy để phá hủy hoàn toàn nhiều đất nước chứ không phải để xây nên các đế chế phồn thịnh.
Trong một thế giới đang dần vang lên những tiếng gươm khua và đầy năng lượng xấu, có lẽ sự đảm bảo hòa bình tốt nhất của chúng ta là các cường quốc chính yếu không nhìn thấy những ví dụ gần đây về các cuộc chiến thành công. Trong khi Thành Cát Tư Hãn hay Julius Caesar xâm lược một nước khác gần như ngay lập tức thì các lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại như Erdogan, Modi và Netanyahu mạnh mồm nhưng lại rất thận trọng trong việc thực sự mở màn chiến tranh. Dĩ nhiên, nếu ai đó thật sự tìm được một công thức tiến hành các cuộc chiến thành công trong các điều kiện của thế kỷ 21, những cánh cửa địa ngục có thể mở đánh rầm. Đây là điều khiến thành công của Nga ở Crimea trở thành một điềm báo đáng quan tâm. Hãy hy vọng nó tiếp tục là một ngoại lệ.
—ooOoo—
CUỘC DIỄU HÀNH NGU XUẨN
LẠY TRỜI, ngay cả nếu chiến tranh vẫn là một hoạt động không lợi lộc gì trong thế kỷ 21, điều đó vẫn không thể cho chúng ta một đảm bảo tuyệt đối về hòa bình. Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp sự xuẩn ngốc của loài người. Cả trên bình diện cá nhân và tập thể, con người có khuynh hướng tham gia vào các hoạt động tự hủy diệt.
Vào năm 1939, chiến tranh có lẽ là một động thái phản tác dụng đối với các quốc gia phe Trục12, thế nhưng điều đó cũng không cứu thế giới tránh khỏi xung đột. Một trong những điều đáng kinh ngạc về Thế chiến thứ hai là sau khi kết thúc, các nước thua cuộc lại thịnh vượng hơn bao giờ hết. Hai mươi năm sau sự hủy diệt hoàn toàn của quân đội và sự sụp đổ hoàn toàn của các đế chế của mình, người Đức, người Ý và người Nhật đã tận hưởng những mức độ thịnh vượng chưa từng có. Thế thì tại sao họ lại đi đánh nhau ngay từ đầu? Tại sao họ lại mang đến cái chết và sự hủy diệt không cần thiết cho vô số triệu người? Tất cả chỉ là một sự tính toán sai lầm ngu xuẩn. Vào những năm 1930, các tướng lĩnh, đô đốc, nhà kinh tế và nhà báo Nhật đồng ý với nhau rằng nếu không kiểm soát được Triều Tiên, Mãn Châu và vùng bờ biển Trung Hoa, Nhật Bản sẽ phải chịu cảnh ì trệ kinh tế. Tất cả bọn họ đã sai. Trên thực tế, phép mầu kinh tế nổi tiếng mang tên Nhật Bản chỉ bắt đầu sau khi Nhật thất bại trong mọi cuộc chinh phục lục địa của mình.
Sự xuẩn ngốc của con người là một trong những động lực quan trọng nhất trong lịch sử, thế nhưng chúng ta thường có xu hướng không tính đến nó. Các chính trị gia, tướng lĩnh và học giả đối xử với thế giới như một ván cờ vĩ đại, nơi mỗi nước đi đều theo các tính toán lý tính cẩn trọng. Điều này là đúng cho đến một điểm nào đó. Rất ít nhà lãnh đạo trong lịch sử bị điên theo nghĩa đen, di chuyển các quân tốt và quân mã một cách tùy tiện. Tướng Tojo, Saddam Hussein có các lý do hợp lý cho mọi nước cờ họ đi. Vấn đề là thế giới phức tạp hơn nhiều so với một bàn cờ, và lý tính của con người không đủ khả năng thực sự hiểu được nó. Do đó, ngay cả các lãnh đạo lý tính cũng thường xuyên làm những việc rất thiếu khôn ngoan.
Thế thì chúng ta nên sợ một cuộc thế chiến đến mức nào? Một mặt, chiến tranh chắc chắn là tránh được. Sự kết thúc hòa bình của Chiến tranh Lạnh chứng minh rằng khi con người đưa ra những quyết định đúng, ngay cả các xung đột siêu cường cũng có thể được giải quyết một cách hòa bình. Hơn nữa, cho rằng một cuộc thế chiến mới là không thể tránh khỏi là quá nguy hiểm. Nó sẽ là một lời tiên tri tự biến thành hiện thực. Một khi các quốc gia cho rằng chiến tranh là không tránh khỏi, họ sẽ tăng cường quân sự, khởi động các cuộc chạy đua vũ trang leo thang, từ chối thỏa hiệp trong bất cứ xung đột nào và nghi ngờ các hành động thiện chí chỉ là những cái bẫy. Điều đó đảm bảo sự bùng nổ chiến tranh.
Mặt khác, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng chiến tranh là bất khả. Ngay cả nếu chiến tranh có là thảm họa cho tất cả mọi người, không vị thần và không luật lệ tự nhiên nào bảo vệ chúng ta khỏi sự xuẩn ngốc của loài người.
Liều thuốc khả dĩ cho sự xuẩn ngốc đó là khiêm tốn. Các căng thẳng dân tộc, tôn giáo và văn hóa trở nên tệ hại hơn vì cảm giác phô trương cho rằng dân tộc tôi, tôn giáo tôi và văn hóa tôi là quan trọng nhất trên thế giới, do đó các lợi ích của tôi phải đứng trước lợi ích của bất kỳ ai khác hay của cả nhân loại. Làm sao ta khiến các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa trở nên thực tế và khiêm tốn hơn một chút về vị trí thực của chúng trên thế giới?