21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 12

12

* * *

Khiêm Nhường

BẠN KHÔNG PHẢI LÀ TRUNG TÂM CỦA THẾ GIỚI

HẦU HẾT mọi người có xu hướng tin rằng họ là trung tâm của thế giới và văn hóa của họ là chốt chặn của lịch sử nhân loại. Nhiều người Hy Lạp tin rằng lịch sử bắt đầu với Homer, Sophocles và Plato, mọi ý tưởng và phát minh quan trọng đều được sinh ra ở Athens, Sparta, Alexandria hay Constantinople. Những nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa bác lại rằng lịch sử thật sự bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng và các triều đại nhà Hạ, nhà Thương; bất cứ thứ gì người phương Tây, người Hồi hay người Ấn Độ đạt được chỉ là một bản sao mờ nhạt của các phát kiến bắt nguồn từ Trung Hoa.

Người Hindu theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại gạt đi những lời huênh hoang này của người Trung Hoa và cho rằng ngay cả máy bay và bom hạt nhân cũng đã được các nhà hiền triết cổ xưa phát minh ra tại tiểu lục địa Ấn Độ rất lâu trước Khổng Tử hay Plato, chứ đừng nói đến Einstein và anh em nhà Wright. Ví dụ, bạn có biết Maharishi Bhardwaj đã phát minh ra tên lửa và máy bay, Vishwamitra không chỉ phát minh mà còn sử dụng tên lửa, Acharya Kanad là cha đẻ của lý thuyết hạt nhân và Mahabharata đã mô tả một cách chính xác vũ khí hạt nhân?

Những người Hồi sùng đạo xem toàn bộ lịch sử trước thời tiên tri Muhammad là gần như không thích đáng; họ coi toàn bộ lịch sử sau khi kinh Quran được mặc khải là xoay quanh cộng đồng Hồi giáo. Các ngoại lệ chính là những nhà dân tộc chủ nghĩa người Thổ, Iran và Ai Cập; họ cho rằng ngay cả trước thời Muhammad, quốc gia cụ thể của họ đã là suối nguồn của mọi điều tốt đẹp về loài người và ngay cả sau khi kinh Quran được mặc khải, chủ yếu vẫn là dân tộc họ đã gìn giữ sự trong sạch của đạo Hồi và lan tỏa hào quang của nó.

Không cần nói cũng biết người Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật và nhiều các nhóm khác cũng tin tưởng tương tự rằng nhân loại hẳn sẽ sống trong “mông muội”, “hoang dã” và “vô đạo” nếu không có những thành tựu rực rỡ của quốc gia họ. Một số người trong lịch sử còn đi xa đến mức tưởng tượng rằng các thể chế chính trị và thực hành tôn giáo của mình là tối quan trọng đối với các quy luật vật lý. Do đó, người Aztec tin tưởng chắc chắn rằng nếu không có những hiến tế mà mình thực hiện mỗi năm, mặt trời sẽ không mọc và toàn thể vũ trụ sẽ tan rã.

Những tuyên bố này là không chính xác. Chứng kết hợp một sự phớt lờ cố ý về lịch sử với hơi nhiều phân biệt chủng tộc. Không một tôn giáo hay dân tộc nào ngày nay từng tồn tại khi loài người bắt đầu định cư trên thế giới, thuần hóa cây cối và súc vật, xây những thành phố đầu tiên hay phát minh ra chữ viết và tiền tệ. Đạo đức, nghệ thuật, tinh thần và sáng tạo là các khả năng phổ quát của con người đã ăn sâu vào ADN của chúng ta. Khỏi nguyên của chúng nằm ở châu Phi thời Đồ Đá. Do đó, việc gán chúng với một thời điểm và nơi chốn cận đại chỉ là thói tự đại thô thiển, dù là Trung Hoa thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Hy Lạp thời Plato hay Ả Rập thời Muhammad.

Về cá nhân mà nói, tôi đã quá quen với loại tự cao thô thiển như vậy vì người Do Thái dân tộc tôi cũng nghĩ mình quan trọng nhất thế giới. Hãy kể tên bất cứ thành tựu hay phát minh nào của nhân loại, họ sẽ nhanh chóng tranh công. Biết họ đến chân tơ kẽ tóc, tôi cũng biết họ thật sự tin tưởng vào những tuyên bố đó. Tôi từng học một giáo viên yoga ở Israel, người mà ngay trong buổi giới thiệu đầu tiên đã giải thích một cách hết sức nghiêm túc rằng yoga là do Abraham sáng tạo ra và tất cả các tư thế yoga cơ bản đều bắt nguồn từ hình dạng của những chữ cái trong bảng chữ cái Do Thái (Do đó, tư thế tam giác mở rộng trikonasana bắt chước dáng chữ aleph, tư thế thăng bằng hình chữ T tuladandasana bắt chước chữ daled . . .). Abraham đã dạy các tư thế này cho con trai của một trong các bà vợ của mình; người này đến Ấn Độ và dạy yoga cho người Ấn. Khi tôi hỏi chứng cứ, ông thầy dẫn ngay một đoạn thánh kinh: “Và tới các con trai của những người vợ của mình, Abraham ban quà và khi vẫn còn sống, ông cử họ rời xa con trai Isaac của ông, về phương Đông đến đất nước ở phía Đông” (Sách Sáng thế 25:6). Những món quà này có thể là gì khác đây? Đấy, bạn thấy chưa, ngay cả yoga cũng do người Do Thái sáng tạo ra!

Xem Abraham là ông tổ của yoga chỉ là một ví dụ nhỏ. Thế nhưng Do Thái giáo dòng chính nghiêm túc cho rằng toàn thể vũ trụ tồn tại chỉ để các thầy tu Do Thái có thể nghiên cứu các bản thánh kinh của mình; nếu người Do Thái ngừng tu tập, vũ trụ sẽ kết thúc. Trung Quốc, Ấn Độ, Úc và thậm chí các thiên hà xa xôi sẽ bị tiêu diệt hết thảy nếu các thầy tu ở Jerusalem và Brooklyn ngừng tranh luận về kinh Talmud. Đây là một bản kinh trung tâm của người Do Thái chính thống và bất cứ ai dám nghi ngờ nó bị xem là một thằng ngốc không biết gì. Những người Do Thái thế tục có thể có một chút nghi ngờ về tuyên bố to tát này, nhưng họ cũng tin người Do Thái là các anh hùng trung tâm của lịch sử và là cội nguồn tối thượng của đạo đức, tinh thần và học vấn loài người.

Những gì dân tộc tôi thiếu về số lượng và ảnh hưởng thật sự được họ bù đắp thừa mứa bằng tinh thần Do Thái. Vì phê phán dân tộc mình thì lịch sự hơn là phê phán người nước ngoài, tôi sẽ sử dụng ví dụ về Do Thái giáo để minh họa mức độ lố của các tuyên bố tự cao tự đại như vậy; và tôi sẽ dành việc đâm thủng quả bóng bay do chính dân tộc mình thổi phồng lên cho các độc giả.

—ooOoo—

MẸ CỦA FREUD

CUỐN SÁCH Sapiens: Lược sử loài người của tôi được viết nguyên bản bằng tiếng Do Thái cho công chúng Israel. Sau khi ấn bản tiếng Do Thái được xuất bản năm 2011, câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được từ các độc giả Israel là tại sao tôi gần như không nói đến Do Thái giáo trong lịch sử loài người. Tại sao tôi viết nhiều về Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Phật giáo nhưng chỉ dành vài lời cho Do Thái giáo và dân tộc Do Thái? Có phải tôi đang cố tình phớt lờ đóng góp to lớn của họ đối với lịch sử loài người? Hay là tôi bị một động cơ chính trị thâm hiểm nào đó xúi giục?

Những câu hỏi như vậy đến với người Do Thái ở Israel một cách tự nhiên; họ được giáo dục từ mẫu giáo để nghĩ rằng Do Thái giáo là “siêu sao” của lịch sử loài người. Trẻ em Israel thường kết thúc mười hai năm học mà không nhận được bất cứ bức tranh rõ ràng nào về các tiến trình lịch sử toàn cầu. Chúng gần như không được dạy gì về Trung Quốc, Ấn Độ hay châu Phi; mặc dù chúng có học về Đế chế La Mã, Cách mạng Pháp và Thế chiến thứ hai, các mảnh ghép rời rạc này không gộp được thành một câu chuyện mang tính kết nối. Thay vào đó, thứ lịch sử mạch lạc duy nhất mà hệ thống giáo dục Israel đem lại bắt nguồn từ kinh Cựu Ước tiếng Do Thái, tiếp đến thời kỳ Thánh điện Đệ nhị, bỏ qua một số cộng đồng Do Thái khác nhau trong thời Lưu vong và kết thúc với sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, cuộc diệt chủng Do Thái và sự thành lập nhà nước Israel. Hầu hết học sinh rời ghế nhà trường mà tin rằng đây phải là cốt truyện chính của toàn bộ lịch sử loài người. Ngay cả khi học sinh nghe nói đến Đế chế La Mã hay Cách mạng Pháp, cuộc bàn luận trong lớp học cũng tập trung vào cách Đế chế La Mã đối xử với người Do Thái hay về vị thế pháp lý và chính trị của người Do Thái trong Cộng hòa Pháp. Những người được nhồi nhét một chế độ lịch sử như vậy rất khó “tiêu hóa” được ý tưởng Do Thái giáo có tương đối ít ảnh hưởng lên thế giới nói chung.

Thế nhưng sự thật là Do Thái giáo chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong biên niên sử của giống loài chúng ta. Không như các tôn giáo toàn cầu khác như Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Phật giáo, Do Thái giáo luôn là một tín ngưỡng bộ lạc. Nó tập trung vào số phận của một quốc gia nhỏ và một vùng đất bé xíu, và có rất ít hứng thú với số phận của tất cả những người khác và các quốc gia khác. Chẳng hạn, nó chẳng mấy quan tâm đến các sự kiện ở Nhật Bản hay cư dân vùng tiểu lục địa Ấn Độ. Do đó, chẳng trách mà vai trò lịch sử của nó là hạn chế.

Chắc chắn đúng là Do Thái giáo là khỏi nguồn của Cơ Đốc giáo và tạo ảnh hưởng đến sự ra đời của Hồi giáo, hai trong số các tôn giáo quan trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, công trạng của các thành tựu toàn cầu của Cơ Đốc giáo và Hồi giáo, cũng như nỗi hổ thẹn đối với rất nhiều lỗi lầm của chúng, thuộc về bản thân người Cơ Đốc và người Hồi hơn là người Do Thái. Cũng như sẽ là bất công khi đổ lỗi cho Do Thái giáo về những cuộc tàn sát trong những cuộc Thập tự chinh (Cơ Đốc giáo chịu trách nhiệm 100%), đồng thời không có lý do gì ghi nhận công lao của Do Thái giáo với ý tưởng Cơ Đốc quan trọng rằng tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa (một ý tưởng đối lập trực tiếp với Do Thái giáo chính thống, đến nay vẫn cho rằng, về bản chất thì người Do Thái vốn ưu việt hơn tất cả các giống người khác).

Vai trò của Do Thái giáo trong lịch sử nhân loại hơi giống như vai trò của mẹ Freud trong lịch sử phương Tây hiện đại. Dù tốt dù xấu, Sigmund Freud cũng có ảnh hưởng to lớn đến khoa học, văn hóa, nghệ thuật và trí tuệ dân gian của phương Tây hiện đại. Cũng đúng là nếu không có mẹ Freud, chúng ta sẽ chẳng có Freud; và cá tính, tham, vọng cũng như ý tưởng của Freud chắc hẳn đã được định hình đáng kể nhờ mối quan hệ với mẹ ông, ông hẳn sẽ là người đầu tiên thừa nhận điều ấy. Nhưng khi viết sử phương Tây hiện đại, không ai nghĩ là sẽ tìm thấy nguyên một chương nói về mẹ của Freud cả. Tương tự, không có Do Thái giáo, ta sẽ không có Cơ Đốc giáo; nhưng điều đó không có nghĩa là ta cần gán cho Do Thái giáo một tầm quan trọng quá lớn khi viết lịch sử thế giới. Vấn đề cốt yếu là Cơ Đốc giáo đã làm gì với di sản của người mẹ Do Thái của nó.

Không cần nói cũng biết người Do Thái là một dân tộc độc đáo với một lịch sử đáng kinh ngạc (dù điều này cũng đúng với hầu hết các dân tộc). Tương tự, không cần nói cũng biết truyền thống Do Thái đầy những suy tưởng thâm sâu và các giá trị cao quý (dù cũng có đầy các ý tưởng đáng đặt câu hỏi và các thái độ phân biệt chủng tộc, ghét phụ nữ, kỳ thị người đồng tính). Ngoài ra cũng đúng là so với số lượng của mình, người Do Thái có một ảnh hưởng cực lớn với lịch sử 2.000 năm gần đây. Nhưng khi nhìn vào bức tranh lớn của lịch sử chúng ta với tư cách một giống loài từ sự xuất hiện của Homo sapiens hơn 100.000 năm trước, rõ ràng, đóng góp của người Do Thái với lịch sử là rất hạn chế. Con người đã định cư trên cả hành tinh, thực hành nông nghiệp, xây những thành phố đầu tiên và phát minh ra chữ viết cùng tiền tệ hàng ngàn năm trước sự xuất hiện của Do Thái giáo.

Ngay cả trong hai thiên niên kỷ vừa qua, nếu bạn nhìn lịch sử từ góc độ của một người Trung Quốc hay của người Anh-điêng châu Mỹ, thật khó mà thấy được bất cứ đóng góp lớn nào của người Do Thái, trừ phi nhìn qua lăng kính của người Cơ Đốc hay người Hồi. Do đó, kinh Cựu Ước Do Thái cuối cùng đã trở thành một hòn đá tảng của văn hóa con người toàn cầu vì nó đã được Cơ Đốc giáo nồng nhiệt đón chào và hợp nhất vào Kinh Thánh của họ. Trái lại, kinh Talmud, bản kinh có tầm quan trọng đối với văn hóa Do Thái lớn hơn nhiều so với kinh Cựu Ước, lại bị Cơ Đốc giáo khước từ, do đó tiếp tục là một văn bản bí truyền chẳng được người Ả Rập, người Ba Lan hay người Hà Lan, chưa kể người Nhật và người Maya, biết đến là mấy (Đây quả là một điều đáng tiếc vì kinh Talmud là một cuốn sách thấu suốt và giàu lòng trắc ẩn hơn kinh Cựu Ước rất nhiều).

Bạn có thể kể tên một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại lấy cảm hứng từ kinh Cựu Ước không? ồ, dễ quá: tượng David của Michelangelo, vở opera Nabucco của Verdi, bộ phim Mười điều răn của Cecil B. DeMille. Bạn có biết tác phẩm nổi tiếng nào lấy cảm hứng từ kinh Tân Ước không? Dễ như ăn kẹo: bức tranh Bữa tối cuối cùng của Leonardo, Khổ hình của Thánh Matthew của Bach, bộ phim Cuộc đời của Brian của Monty Python. Giờ thì đến bài kiểm tra thực sự: bạn có thể liệt kê một vài kiệt tác được kinh Talmud gọi cảm hứng không?

Dù các cộng đồng Do Thái nghiên cứu kinh Talmud nằm rải rác ở nhiều vùng rộng lớn trên thế giới, họ không đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các đế chế Trung Hoa, trong những chuyến thám hiểm của châu Âu, trong việc thiết lập hệ thống dân chủ hay trong Cách mạng Công nghiệp. Tiền xu, trường đại học, nghị viện, ngân hàng, la bàn, máy in và động cơ hơi nước đều được phát minh bởi những người ngoại đạo.

—ooOoo—

ĐẠO ĐỨC TRƯỚC KHI CÓ KINH THÁNH

NGƯỜI ISRAEL thường dùng thuật ngữ “ba tôn giáo vĩ đại” với suy nghĩ các tôn giáo này là Cơ Đốc giáo (2,3 tỷ tín đồ), Hồi giáo (1,8 tỷ) và Do Thái giáo (15 triệu). Trong khi Hindu giáo (1 tỷ tín đồ), Phật giáo (500 triệu tín đồ), chưa kể Shinto (50 triệu) và Sikh giáo (25 triệu), không có cửa trong thuật ngữ đó. Quan niệm méo mó về “ba tôn giáo vĩ đại” này thường ám chỉ trong tâm trí người Israel rằng tất cả các truyền thống tôn giáo và đạo đức chính đều khởi nguồn từ bào thai của Do Thái giáo, tức tôn giáo đầu tiên rao giảng các quy tắc đạo đức phổ quát. Như thể loài người trước thời của Abraham và Moses đã sống trong một trạng thái tự nhiên mông muội không có chuẩn mực đạo đức nào và tất cả đạo đức ngày nay đều bắt nguồn từ Mười Điều Răn. Đây là một ý tưởng vô căn cứ và xấc xược, phớt lờ rất nhiều truyền thống đạo đức quan trọng nhất thế giới.

Các bộ tộc săn bắt-hái lượm thời Đồ Đá có đã các quy tắc đạo đức từ hàng chục nghìn năm trước thời của Abraham. Khi những tay thực dân châu Âu đầu tiên đến Úc vào cuối thế kỷ 18, họ đã gặp các bộ lạc thổ dân có một thế giới quan đạo đức rất phát triển mặc dù hoàn toàn không biết đến Moses, Jesus và Muhammad. Rất khó nói những tay thực dân mang đạo Cơ Đốc đã đánh đuổi người bản địa một cách thô bạo đã thể hiện các chuẩn mực đạo đức ưu việt hơn.

Các nhà khoa học ngày nay đã chỉ ra rằng đạo đức thực chất có gốc rễ tiến hóa sâu xa từ trước sự xuất hiện của loài người hàng triệu năm. Tất cả các loài thú có tính xã hội, như chó sói, cá heo và khỉ, đều có các quy tắc đạo đức, thích nghi với tiến hóa để tăng cường hợp tác nhóm. Chẳng hạn, khi những con sói con chơi với nhau, chúng có các quy tắc “chơi công bằng”. Nếu một con sói cắn quá mạnh hay tiếp tục cắn đối thủ đã nằm ngửa ra và đầu hàng, những con khác sẽ không chơi với nó nữa.

Trong các bầy tinh tinh, những con có ưu thế được trông chờ phải tôn trọng quyền sở hữu của các con yếu hơn. Nếu một con tinh tinh cái yếu thế hơn tìm thấy một quả chuối, ngay cả con đực đầu đàn thường sẽ tránh ăn trộm quả chuối đó cho riêng mình. Nếu phá vỡ quy tắc này, nó rất có thể sẽ mất vị thế. Loài linh trưởng không chỉ tránh lợi dụng các thành viên yếu hơn mà thỉnh thoảng chủ động giúp chúng. Một con tinh tinh pygmy đực tên Kidogo, sống trong sở thú hạt Milwaukee, mắc một loại bệnh tim nghiêm trọng khiến nó yếu ớt và lơ ngơ. Lần đầu tiên nó được chuyển đến sở thú, nó không thể định vị bản thân hay hiểu các chỉ dẫn của những người chăm sóc. Khi các con khác hiểu được tình trạng của nó, chúng bèn can thiệp. Chúng thường cầm tay Kidogo và dẫn nó đi bất cứ chỗ nào nó cần đi. Nếu Kidogo bị lạc, nó sẽ phát ra những tiếng báo nguy rất to và một số con trong đàn sẽ lao đến giúp.

Một trong những con tinh tinh hay giúp đỡ Kidogo nhất là con đực đầu đàn tên Lody; con này không chỉ hướng dẫn Kidogo mà còn bảo vệ nó. Trong khi hầu hết các thành viên khác đối xử tử tế với Kidogo, một con đực choai choai tên là Murph thường đùa ác. Khi Lody nhân thấy hành vi đó, nó thường đuổi kẻ bắt nạt đi hoặc choàng tay bảo vệ Kidogo.

Một trường hợp còn cảm động hơn đã xảy ra trong các khu rừng già ở Bờ Biển Ngà. Sau khi một con tinh tinh nhỏ có tên Oscar mất mẹ, nó vật vã tự mình sinh tồn. Không con cái nào muốn nhận nuôi và chăm sóc nó vì chúng còn bận với đám con nhỏ của mình. Oscar sụt cân, dần yếu đi và cạn sức sống. Nhưng khi mọi điểm tựa dường như đã mất, Oscar được con đực đầu đàn Freddy “nhận nuôi”. Con đầu đàn này đảm bảo Oscar được ăn uống tử tế và thậm chí cõng nó đi vòng quanh. Các xét nghiệm di truyền cho thấy Freddy không có họ hàng với Oscar. Chúng ta chỉ có thể phán đoán điều gì đã khiến con đầu đàn cộc cằn, già dặn lại đi chăm sóc bé tinh tinh mồ côi, nhưng rõ ràng các con linh trưởng đầu đàn đã phát triển xu hướng giúp những con vật khốn khó, thiếu thốn và mất mẹ từ hàng triệu năm trước khi Kinh Thánh răn dạy người Israel cổ đại là họ không được “đối xử tệ với bất kỳ bà góa hay đứa trẻ không cha nào” (Xuất hành 22:21), trước khi nhà tiên tri Amos phàn nàn về giới tinh hoa trong xã hội “đàn áp người nghèo và giẫm bẹp người khó” (Amos 4:1).

Ngay cả với những Homo sapiens sống ở Trung Đông cổ đại, các lời tiên tri kiểu thánh kinh cũng khó có thể là quan điểm đạo đức nguyên bản của họ. “Ngươi không được giết” và “Ngươi không được trộm cắp” đã được nói rõ trong các quy tắc pháp luật và đạo đức của các thành bang Sumer, ở Ai Cập thời pharaoh và Đế chế Babylon. Những ngày nghỉ định kỳ có trước lễ Sabbath của Do Thái từ rất lâu. Một ngàn năm trước khi nhà tiên tri Amos quở trách giới tinh hoa Do Thái vì hành vi đàn áp của họ, vua Hammurabi của Babylon đã giải thích rằng các vị thần vĩ đại hướng dẫn ông “thực hành công đạo trong vùng đất, tiêu diệt những gì xấu xa và độc ác, và ngăn kẻ mạnh lợi dụng kẻ yếu”.

Trong khi đó ở Ai Cập, nhiều thế kỷ trước khi Moses ra đời, những người chép thuê đã ghi lại “câu chuyện về người nông dân hùng biện” kể về một người nông dân nghèo bị một tay chủ đất tham lam cướp hết tài sản. Người nông dân đến kêu vời đám quan lại tham những và khi họ không bảo vệ được ông, ông bắt đầu giải thích cho họ biết tại sao họ phải mang lại công lý và đặc biệt là bảo vệ người nghèo trước người giàu. Trong một đoạn phúng dụ đầy màu sắc, người nông dân Ai Cập này giải thích rằng những của cải nhỏ mọn của người nghèo như chính hơi thở của họ vậy và sự những nhiễu của quan lại khiến họ ngạt thở bằng cách bịt mũi họ lại.

Nhiều luật thánh kinh sao chép lại các luật lệ đã được chấp nhận ở Lưỡng Hà, Ai Cập và Canaan từ nhiều thế kỷ, thậm chí là nhiều thiên niên kỷ, trước khi các vương quốc Judah và Israel được thành lập. Nếu thánh kinh của Do Thái giáo mang lại cho các luật lệ này bất cứ biến đổi độc đáo nào thì đó là biến chúng từ các quy luật phổ quát, áp dụng được cho toàn thể nhân loại thành các phép tắc bộ tộc, nhắm chủ yếu đến người Do Thái. Đạo đức Do Thái ban đầu được định hình như một vấn đề riêng biệt, mang tính bộ tộc và vẫn tiếp tục như vậy ở một mức độ nào đó cho đến ngày nay. Kinh Cựu Ước, kinh Talmud và nhiều (dù không phải tất cả) giáo sĩ Do Thái đồng thuận rằng mạng người Do Thái đáng giá hơn mạng kẻ ngoại đạo; đấy là lý do vì sao người Do Thái được phép vi phạm lễ Sabbath để cứu một người Do Thái thoát chết, nhưng bị cấm không được làm thế chỉ để cứu một kẻ ngoại đạo chẳng hạn (kinh Talmud Babylon, Yoma 84:2).

Một số nhà hiền triết Do Thái cho rằng ngay cả điều răn nổi tiếng “Yêu láng giềng của ngươi như thể chính mình” cũng chỉ nói đến người Do Thái và hoàn toàn không có điều răn nào dạy yêu người ngoại đạo. Thật vậy, văn bản gốc từ cuốn Leviticus nói: “Đừng kiếm cách trả thù hay ôm mối hận với bất cứ ai trong số những người của các ngươi, nhưng hãy yêu láng giềng của ngươi như thể chính mình” (Leviticus 19:18) làm nảy sinh mối nghi ngờ rằng “láng giềng của ngươi” chỉ ám chỉ các thành viên trong “những người của các ngươi”. Mối nghi ngờ này được củng cố đáng kể bởi sự thật là Kinh Thánh ra lệnh cho người Do Thái truy bức một số tộc người nhất định như người Amalek và người Canaan. “Đừng để bất kỳ ai sống sót”, cuốn sách thánh phán. “Hãy hủy diệt chúng hoàn toàn - bọn Hittite, bọn Amorite, bọn Canaan, bọn Perizzite, bọn Hivite và bọn Jebusite - như Chúa của các ngươi đã ra lệnh cho các ngươi” (Đệ Nhị luật 20:16-17). Đây là một trong những ví dụ đầu tiên được ghi lại trong lịch sử loài người khi việc chinh phục các tộc người khác được đưa ra như một nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc.

Chỉ có người Cơ Đốc đã lựa chọn một vài mẩu trong quy tắc đạo đức Do Thái, biến chúng thành các điều răn phổ quát và lan tỏa chúng khắp thế giới. Thực ra, Cơ Đốc giáo đã tách khỏi Do Thái giáo chính xác vì thế. Trong khi rất nhiều người Do Thái đến ngày nay vẫn tin cái gọi là “dân tộc được chọn lựa” gần Chúa hơn cạc dân tộc khác thì người sáng lập ra Cơ Đốc giáo, Thánh Paul Tông đồ, đã nối trong Thư gửi các tín đồ Galatia nổi tiếng của mình rằng “không có Do Thái hay ngoại dân, không có nô lệ hay tự do, không có đàn ông hay đàn bà, vì tất cả các người đều là một trong mắt Chúa Jesus” (Galatians 3:28).

Và chúng ta phải một lần nữa nhấn mạnh rằng dù tầm ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo là to lớn, đây chắc chắn không phải lần đầu tiên một người đi rao giảng một quy luật đạo đức phổ quát. Kinh Thánh còn xa mới là căn nguyên duy nhất của đạo đức nhân loại (và cũng may là như thế, vì nó chứa đựng thái độ phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ và ghét bỏ người đồng tính). Khổng Tử, Lão Tử, Đức Phật và Mahavira đã thiết lập các quy tắc đạo đức phổ quát từ rất lâu trước Paul và Jesus mà không biết bất cứ điều gì về vùng đất Canaan hay các nhà tiên tri của Israel. Khổng Tử dạy rằng mỗi người phải yêu thương người khác như thể yêu chính mình khoảng 500 năm trước khi giáo sĩ Hillel Trưởng Lão nói đây là bản chất của kinh Torah. Và vào cái thời Do Thái giáo vẫn bắt buộc hiến sinh động vật và tiêu diệt có hệ thống những cộng đồng người khác, Đức Phật và Mahavira đã dạy các tín đồ của mình phải tránh gây hại không chỉ mọi người mà tất cả mọi loài có cảm xúc, bao gồm cả côn trùng. Do đó khó mà có bất cứ lý do gì để ghi công cho Do Thái giáo và các hậu duệ Cơ Đốc và Hồi giáo của nó việc sáng tạo nên đạo đức nhân loại cả.

—ooOoo—

NGUỒN CƠN CỦA CUỒNG TÍN

THẾ TÔN giáo độc thần thì sao? Chẳng phải Do Thái giáo ít nhất cũng đáng được ngợi ca đặc biệt vì tiên phong trong niềm tin vào duy nhất một Đức Chúa Trời, thứ chưa từng có ở đâu khác trên thế giới hay sao (mặc dù sau này, niềm tin ấy được truyền đến khắp cùng trời cuối đất nhờ những người Cơ Đốc và người Hồi hơn là người Do Thái)? Thậm chí chuyện đó chúng ta cũng có thể lật lại được vì bằng chứng rõ ràng đầu tiên về độc thần giáo đến từ cuộc cách mạng tôn giáo của pharaoh Akhenaten khoảng năm 1350 trước Công nguyên và các tài liệu như tấm bia Mesha (do vua Mesha xứ Moab dựng lên) chỉ ra rằng tôn giáo Israel thánh kinh cũng không khác tôn giáo của các vương quốc láng giềng như Moab là bao. Bia Mesha mô tả vị thần vĩ đại Chemosh của mình cũng gần giống như cách kinh Cựu Ước mô tả Yahweh. Nhưng vấn đề thực sự với ý tưởng Do Thái giáo đóng góp độc thần giáo cho thế giới đó là nó chẳng phải là điều gì đáng phải tự hào. Từ góc độ đạo đức, độc thần giáo, có thể nói, là một trong những ý tưởng chán nhất trong lịch sử nhân loại.

Độc thần giáo không làm được gì nhiều để nâng cao các chuẩn mực đạo đức của con người. Bạn có thực sự nghĩ người Hồi vốn đã đạo đức hơn người Hindu chỉ vì người Hồi tin vào một vị Chúa duy nhất trong khi người Hindu tin vào nhiều vị thần không? Liệu những người Tây Ban Nha theo Cơ Đốc giáo đi xâm chiếm châu Mỹ có đạo đức hơn những bộ lạc thổ dân châu Mỹ? Không nghi ngờ gì nữa, độc thần giáo đã khiến nhiều người trở nên thiếu khoan dung hơn bao giờ hết, do đó góp phần lan truyền những cuộc thanh tẩy tôn giáo và thánh chiến. Những người đa thần thấy việc những người khác nhau sẽ tôn thờ các vị thần khác nhau và thực hiện các nghi thức và lễ nghi tôn giáo đa dạng là hoàn toàn chấp nhận được. Họ hiếm khi, nếu có, đánh, trừng phạt hay sát hại người chỉ vì niềm tin tôn giáo của người khác. Trái lại, những người độc thần tin rằng Chúa của họ là chúa duy nhất và Người đòi hỏi phục tùng của vạn vật.

Ví dụ, hãy thử so sánh thái độ của hoàng đế Ashoka của Ấn Độ vào thế kỷ 3 trước Công nguyên với thái độ của các hoàng đế của Đế chế La Mã cổ đại. Hoàng đế Ashoka trị vì một vương quốc với vô số các tôn giáo, bè phái và các guru. Ông tự chó mình các tước hiệu chính thức là “Người được các Thần yêu mến” và “đức vua yêu thương tất cả mọi người”. Đâu đó khoảng năm 250 trước Công nguyên, ông đã ban một sắc lệnh hoàng gia tuyên bố:

Người được các Thần yêu mến, đức vua yêu thương tất cả mọi người, tôn vinh cả những nhà tu khổ hạnh lẫn những người đi theo mọi tôn giáo… và coi trọng việc cần có sự phát triển trong bản chất của mọi tôn giáo. Phát triển trong bản chất có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều có gốc rễ ở chỗ giới hạn lời nói, đấy là, không ngợi ca tôn giáo của riêng mình hay chê bai tôn giáo của người khác mà không có cơ sở chính đáng… Bất kỳ ai ca ngợi tôn giáo của riêng mình, vì tin tưởng thái quá, và chê bai các tôn giáo khác với suy nghĩ “Hãy để ta vinh danh tôn giáo của riêng ta”, chỉ làm hại tôn giáo của mình. Do đó, giao lưu giữa các tôn giáo là tốt. Ta nên lắng nghe và tôn trọng các giáo lý mà những kẻ khác phát nguyện. Người được các Thần yêu mến, đức vua yêu thương tất cả mọi người, mong rằng người người đều thấm nhuần các giáo lý tốt của các tôn giáo khác.

Năm trăm năm sau, thời kỳ cuối Đế chế La Mã cũng đa dạng như Ấn Độ của Ashoka; nhưng khi Cơ Đốc giáo thống lĩnh, các hoàng đế đi theo một cách tiếp cận rất khác đối với tôn giáo. Bắt đầu từ Constantine Đại đế và con trai ông là Constantius Đệ Nhị, các hoàng đế đóng cửa mọi đền thờ phi Cơ Đốc và cấm các nghi thức gọi là “tà giáo” với cái giá phải trả có thể là mạng sống. Sự trừng phạt đạt đỉnh điểm khi hoàng đế Theodosius, cái tên có nghĩa là “được Chúa ban”, vào năm 391 ban hành Chiếu chỉ Theodosius, về căn bản biến tất cả các tôn giáo, trừ Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo, trở thành trái luật (cả Do Thái giáo cũng bị trừng phạt theo vô số cách, nhưng thực hành nó vẫn là hợp pháp). Theo các luật mới, người ta có thể bị hành hình thậm chí vì thờ Jupiter hay Mithras ở nhà riêng. Như một phần của chiến dịch thanh tẩy đế chế khỏi các di sản vô đạo, các hoàng đế Cơ Đốc cấm cả thế vận hội. Vốn được tôn vinh suốt hơn một ngàn năm, thế vận hội cổ đại cuối cùng được tổ chức đâu đó vào cuối thế kỷ thứ 4 hoặc đầu thế kỷ thứ 5.

Dĩ nhiên, không phải kẻ trị vì theo tư tưởng độc thần nào cũng hẹp hòi như Theodosius, và vô số đấng trị vì đã khước từ độc thần giáo mà không áp dụng các chính sách cởi mở của Ashoka. Tuy nhiên, bằng việc khăng khăng rằng “không có chúa nào ngoài Chúa của chúng ta”, tư tưởng độc thần có thể dẫn đến xu hướng khuyến khích sự cuồng tín. Người Do Thái bởi vậy hẳn sẽ nói bớt phần mình trong việc lan truyền trào lưu nguy hại này.

—ooOoo—

VẬT LÝ DO THÁI, SINH HỌC CƠ ĐỐC

CHỈ ĐẾN thế kỷ 19 và 20, chúng ta mới nhìn thấy người Do Thái có những đóng góp phi thường cho nhân loại nói chung thông qua vai trò to lớn của họ trong khoa học hiện đại. Ngoài các tên tuổi nổi tiếng như Einstein và Freud, khoảng 20% những người đoạt giải Nobel khoa học là người Do Thái, mặc dù người Do Thái chỉ chiếm chưa đầy 0,2% dân số thế giới. Nhưng cần nhấn mạnh rằng đây là một đóng góp của các cá nhân Do Thái hơn là của Do Thái giáo với tư cách một tôn giáo hay một văn hóa. Hầu hết các nhà khoa học Do Thái quan trọng nhất trong 200 năm trở lại đây hoạt động bên ngoài vòng ảnh hưỏng của tôn giáo Do Thái. Thực tế thì người Do Thái bắt đầu có các đóng góp đáng kể cho khoa học chỉ khi họ đã từ bỏ các chủng viện Do Thái để đi vào các phòng thí nghiệm.

Trước năm 1800, ảnh hưởng Do Thái lên khoa học rất hạn chế. Một cách tự nhiên, người Do Thái không đóng vai trò đáng kể gì trong tiến bộ khoa học ở Trung Quốc, Ấn Độ hay trong nền văn minh Maya. Ở châu Âu và Trung Đông, một số triết giạ người Do Thái như Maimonides có ảnh hưởng đáng kể lên các đồng sự ngoại đạo, nhưng ảnh hưởng Do Thái nói chung chỉ xứng tầm với sức nặng nhân khẩu của họ. Trong thế kỷ 16, 17 và 18, Do Thái giáo không có tiếng nói gì trong sự bùng nổ của Cách mạng Khoa học. Trừ Spinoza (người bị rút phép thông công vì những phiền hà ông ta gây ra cho cộng đồng Do Thái), bạn khó có thể kể tên một người Do Thái nào có vai trò quyết định đối với sự ra đời của vật lý, hóa học, sinh học hay các khoa học xã hội hiện đại. Chúng ta không biết các tổ tiên của Einstein đang làm gì vào thời của Galileo và Newton, nhưng nhiều khả năng là họ hứng thú nghiên cứu kinh Talmud hơn các tính chất ánh sáng rất nhiều.

Thay đổi vĩ đại xuất hiện chỉ vào thế kỷ 19 và 20, khi chủ nghĩa thế tục và phong trào Khai sáng Do Thái khiến nhiều người Do Thái áp dụng thế giới quan và lối sống của các láng giềng ngoại đạo. Người Do Thái từ đó bắt đầu tham gia vào các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của các nước như Đức, Pháp và Hoa Kỳ. Các học giả Do Thái mang đến các di sản văn hóa quan trọng từ những khu dân cư và tỉnh lỵ Do Thái. Giá trị giáo dục trung tâm trong văn hóa Do Thái là một trong những lý do chính cho thành công phi thường của các nhà khoa học Do Thái. Các yếu tố khác bao gồm khao khát chứng tỏ khả năng của mình của một thiểu số bị ngược đãi và các rào cản đã ngăn những người Do Thái tài năng thăng tiến trong các bối cảnh bài Do Thái hơn như quân đội và chính quyền.

Thế nhưng trong khi các nhà khoa học Do Thái mang theo mình kỷ luật mạnh mẽ và một niềm tin sâu sắc vào giá trị của tri thức từ các chủng viện, họ lại không mang chút hành trang có ích nào gồm những ý tưởng và hiểu biết thấu suốt. Einstein là người Do Thái, nhưng thuyết tương đối không phải là “vật lý Do Thái”. Niềm tin vào sự thiêng liêng của kinh Torah thì có liên quan gì đến việc hiểu được rằng năng lượng bằng khối lượng nhân tốc độ ánh sáng bình phương? Để tiện so sánh, Darwin theo Cơ Đốc giáo và thậm chí còn bắt đầu những nghiên cứu của mình tại Cambridge với mục tiêu trở thành một mục sư theo Anh giáo. Phải chăng điều đó hàm ý rằng thuyết tiến hóa là một lý thuyết Cơ Đốc? Sẽ là lố bịch nếu liệt kê thuyết tương đối như một đóng góp Do Thái đối với nhân loại, cũng như sẽ là lố bịch nếu ghi công Cơ Đốc giáo cho thuyết tiến hóa.

Tương tự, khó mà thấy được điều gì đặc biệt Do Thái trong phát minh ra quá trình tổng hợp ammonia của Fritz Haber (giải Nobel Hóa học năm 1918), trong việc khám phá ra kháng sinh streptomycin của Selman Waksman (giải Nobel Y học năm 1952) hay trong sự phát hiện các giả tinh thể của Dan Shechtman (giải Nobel Hóa học năm 2011). Trong trường hợp các học giả đến từ các ngành khoa học xã hội và nhân văn như Freud chẳng hạn, di sản Do Thái của họ có lẽ có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến nhận thức của họ. Thế nhưng ngay cả trong các trường hợp đó, sự đứt gãy kết nối còn rõ ràng hơn là những liên kết còn sót lại. Các quan điểm của Freud về tâm lý con người rất khác với các quan điểm của thầy tu Joseph Caro hay thầy tu Yochanan ben Zakkai; và ông không phát hiện ra phức cảm Oedipus bằng cách nghiền ngẫm kỹ lưỡng luật Shulhan Arukh (luật Do Thái).

Tóm lại, mặc dù việc chú trọng đến học hành của người Do Thái có lẽ đã có đóng góp quan trọng cho thành công bất thường của các nhà khoa học Do Thái, chính những triết gia ngoại đạo mới là những người đặt nền móng cho các thành tựu của Einstein, Haber và Freud. Cách mạng Khoa học không phải là một dự án Do Thái và người Do Thái tìm được chỗ đứng của mình chỉ khi họ rời khỏi các chủng viện đến các trường đại học. Quả thực, thói quen tìm kiếm các câu trả lời cho mọi câu hỏi bằng cách đọc các bản văn cổ là một trở ngại lớn đối với sự hòa nhập của người Do Thái vào thế giới khoa học hiện đại, nơi mà các câu trả lời đến từ quan sát và thí nghiệm. Nếu có bất cứ điều gì về bản thân tôn giáo Do Thái là cần thiết để dẫn đến các đột phá khoa học thì tại sao từ năm 1905 đến năm 1933 có tới mười người Do Thái Đức thế tục đoạt giải Nobel hóa học, y học và vật lý, nhưng không một người Do Thái siêu chính thống hay một người Do Thái Bulgaria và Yemen nào giành được bất kỳ giải Nobel nào?

Phòng khi tôi bị nghi ngờ là một tay Do Thái tự ghét bản thân hay một người bài Do Thái, tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không nói Do Thái giáo là một tôn giáo đặc biệt độc ác hay tăm tối. Tất cả những gì tôi muốn nói là nó không đặc biệt quan trọng trong lịch sử của nhân loại. Trong nhiều thế kỷ, Do Thái giáo là một tôn giáo khiêm nhường của một thiểu số bị ngược đãi, thích đọc và ngẫm ngợi hơn là chinh phục các đất nước xa xôi và thiêu bọn ngoại đạo trên cọc gỗ.

Những kẻ bài Do Thái thường nghĩ người Do Thái là rất quan trọng. Những kẻ bài Do Thái tưởng tượng rằng người Do Thái kiểm soát thế giới hay hệ thống ngân hàng, hay chí ít là truyền thông, và đổ mọi tội lỗi cho họ, từ sự nóng lên toàn cầu cho tới các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín. Những dạng bài Do Thái cuồng loạn như vậy lố bịch y hệt chứng hoang tưởng tự đại Do Thái. Người Do Thái có thể là một dân tộc rất thú vị, nhưng khi nhìn vào bức tranh tổng thể, ta phải nhận ra họ đã có rất ít ảnh hưởng lên thế giới.

Trong suốt lịch sử, con người đã tạo ra hàng trăm tôn giáo và giáo phái khác nhau. Một nhóm trong số đó, gồm Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Hindu giáo, Khổng giáo và Phật giáo, đã ảnh hưởng lên hàng tỷ người (không phải lúc nào cũng tốt). Tuyệt đại đa số các giáo phái, như Bon giáo, Yoruba giáo và Do Thái giáo, có ảnh hưởng nhỏ hơn rất nhiều. Cá nhân tôi thích ý tưởng mình không phải hậu duệ của các nhà chinh phục thế giới cường biệt, mà từ một dân tộc không quan trọng lắm, ít khi chĩa mũi vào việc của người khác. Nhiều tôn giáo ca tụng giá trị của sự khiêm nhường nhưng lại nghĩ mình là thứ quan trọng nhất trong vũ trụ. Họ lẫn lộn các lời kêu gọi cá nhân phải khiêm tốn với sự tự đại tập thể hơi lố. Con người thuộc mọi tín ngưỡng nên coi trọng sự khiêm nhường hơn.

Và trong tất cả các dạng khiêm nhường, có lẽ dạng quan trọng nhất là có sự khiêm nhường trước Chúa. Bất cứ lúc nào nói về Chúa, con người có xu hướng thường xuyên nhận mình nhỏ bé một cách yếu đuối, nhưng rồi lại nhân danh Chúa để chèn ép anh chị em mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3