21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 14

14

* * *

Chủ Nghĩa Thế Tục

THỪA NHẬN CÁI BÓNG CỦA MÌNH

THẾ TỤC nghĩa là gì? Chủ nghĩa thế tục đôi khi được định nghĩa như là sự thiếu vắng tôn giáo và những người thế tục do đó được định nghĩa theo những gì họ không tin và không làm. Theo định nghĩa này, người thế tục không tin vào bất kỳ vị Chúa hay thiên thần nào, không đi nhà thờ và đền chùa, không thực hiện các nghi thức hay nghi lễ. Như vậy, thế giới thế tục có vẻ như trống rỗng, hư vô và vô đạo, một chiếc hộp rỗng chờ được một cái gì đó lấp đầy.

Rất ít người sẽ chấp nhận một danh từ tiêu cực đến thế. Những người tự xưng thế tục nhìn nhận chủ nghĩa thế tục theo một cách rất khác. Với họ, chủ nghĩa thế tục là một thế giới quan rất lạc quan và chủ động, được định nghĩa bởi một bộ quy tắc giá trị mạch lạc hơn là đối chọi với tôn giáo này hay tôn giáo nọ. Thực ra, nhiều giá trị thế tục là điểm chung của các truyền thống tôn giáo khác nhau. Không như một số tôn giáo khăng khăng rằng mình độc quyền đối với mọi sự thông thái và tốt đẹp, một trong những đặc điểm quan trọng của những người thế tục là họ không tự vơ về mình thứ độc quyền nào như thế cả. Họ không nghĩ đạo đức và trí khôn từ trên trời rơi xuống một nơi chốn và vào một thời điểm nhất định. Thay vào đó, đạo đức và trí khôn là di sản tự nhiên của mọi con người. Thế nên, người ta chỉ nên hy vọng rằng ít nhất một vài giá trị nào đó sẽ nảy sinh trong các xã hội loài người ở khắp thế giới và là điểm chung giữa người Hồi, người Cơ Đốc, người Hindu và người vô thần.

Các lãnh đạo tôn giáo thường đưa cho các môn đệ của mình một lựa chọn cứng nhắc: hoặc thế này hoặc thế kia, hoặc anh là người Hồi, hoặc không. Và nếu anh là người Hồi, anh nên chối bỏ mọi giáo lý khác. Trái lại, người thế tục cảm thấy thoải mái với nhiều “bản sắc lai tạp” khác nhau. Theo chủ nghĩa thế tục thì anh có thể tiếp tục gọi mình là một người Hồi và tiếp tục cầu nguyện Thánh Allah, ăn thức ăn halal và hành hương đến Mecca nhưng vẫn là một thành viên tốt của xã hội thế tục, miễn là anh tuân thủ quy tắc đạo đức thế tục. Quy tắc đạo đức này, vốn được hàng triệu người Hồi giáo, Cơ Đốc giáo và Hindu giáo cũng như những người vô thần thừa nhận, tôn thờ giá trị của sự thật, lòng trắc ẩn, bình đẳng, tự do, lòng dũng cảm và tình thần trách nhiệm. Nó cấu thành nền tảng của các thể chế khoa học và dân chủ hiện đại.

Như mọi quy tắc đạo đức khác, quy tắc thế tục là một lý tưởng để hướng tới hơn là một thực tế xã hội. Cũng như các xã hội và thể chế Cơ Đốc thường đi chệch khỏi lý tưởng Cơ Đốc, các xã hội và thể chế thế tục thường không đạt được đến lý tưởng thế tục. Nước Pháp Trung cổ tự xưng là một vương quốc Cơ Đốc nhưng lại nhúng tay vào đủ loại hoạt động không Cơ Đốc cho lắm (cứ hỏi tầng lớp nông dân bị chà đạp thì rõ). Nước Pháp hiện đại tự xưng là một nhà nước thế tục, nhưng từ thời của Robespierre trở đi, nó đã tùy tiện đến đáng ngại với chính định nghĩa về tự do (cứ hỏi phụ nữ thì biết). Điều đó không có nghĩa là những người thế tục, ở Pháp cũng như ở các nơi khác, thiếu kim chỉ nam đạo đức hay cam kết đạo đức. Điều đó chỉ có nghĩa là không dễ gì để sống đạt đến lý tưởng.

—ooOoo—

LÝ TƯỞNG THẾ TỤC

THẾ THÌ lý tưởng thế tục là gì? Cam kết thế tục quan trọng nhất là sự thật, thứ dựa trên quan sát và kiểm chứng hơn là đức tin thuần túy. Những người thế tục cố không nhầm lẫn sự thật với niềm tin. Nếu bạn có một niềm tin rất mạnh mẽ vào một câu chuyện nào đó, điều đó có thể nói lên rất nhiều điều thú vị về tâm lý, tuổi thơ và cấu trúc não bộ của bạn; nhưng nó không chứng minh được câu chuyện đó là đúng (Thường thường, người ta cần các niềm tin mạnh mẽ chính là khi câu chuyện không phải là sự thật).

Thêm nữa, những người thế tục không thần thánh hóa bất cứ điều gì như thể nó và chỉ mình nó nắm giữ độc quyền sự thật. Thay vào đó, những người thế tục tôn vinh sự thật bất cứ khi nào nó tự hiển lộ: trong những khúc xương hóa thạch cổ xưa, trong các hình ảnh của những thiên hà xa xôi, trong các bảng biểu thống kê hay trong các ghi chép về những truyền thống khác nhau. Sự cam kết dành cho sự thật này là nền tảng cho khoa học hiện đại, điều đã cho phép con người phân đôi nguyên tử, giải mã bản đồ gen, lần theo sự tiến hóa của sự sống và hiểu được lịch sử của bản thân loài người.

Một cam kết chính khác của những người thế tục là dành cho lòng trắc ẩn. Đạo đức thế tục không dựa trên việc tuân thủ các chỉ dụ của thần này hay Chúa nọ mà dựa vào sự thấu hiểu sâu xa về khổ đau. Chẳng hạn, người thế tục kiêng giết chóc không phải vì một cuốn sách cổ xưa nào đó cấm, mà vì giết chóc gây đau khổ cùng cực cho các sinh vật có cảm giác. Những người tránh giết chóc chỉ vì “Chúa nói thế” có điều gì đó đặc biệt đáng ngại và nguy hiểm. Những người đó có động lực là sự tuân phục hơn là lòng trắc ẩn; họ sẽ làm gì nếu họ đi đến chỗ tin rằng Chúa của họ ra lệnh cho họ giết chết bọn dị giáo, phù thủy, ngoại tình hay người nước ngoài?

Dĩ nhiên, khi thiếu vắng các điều răn thiêng liêng tuyệt đối thì đạo đức thế tục thường xuyên đối mặt với các lựa chọn giữa ngã ba đường khó khăn. Điều gì xảy ra khi cùng một hành động làm tổn thương người này nhưng lại giúp đỡ người khác? Liệu có đạo đức không khi áp thuế cao lên người giàu để giúp đỡ người nghèo? Khi phát động một cuộc chiến đẫm máu để loại bỏ một tên độc tài tàn bạo? Khi cho phép lượng người tị nạn không giới hạn vào đất nước mình? Khi người thế tục gặp phải các nan đề như vậy, họ không hỏi “Chúa ra lệnh gì?”. Thay vào đó, họ cẩn trọng cân đo cảm xúc của tất cả các bên liên quan, xem xét một loạt quan sát và khả năng, tìm một con đường trung lập đem lại ít tác hại nhất có thể.

Chẳng hạn, hãy xem xét các thái độ đối với bản năng giới tính. Những người thế tục quyết định ủng hộ hay phản đối hãm hiếp, đồng tính, tình dục giữa người và thú và loạn luân như thế nào? Bằng cách nghiên cứu các cảm xúc. Hãm hiếp rõ ràng là vô đạo đức, không phải vì nó vi phạm một điều răn thiêng liêng nào đó mà vì nó làm người ta bị tổn thương. Trái lại, một mối quan hệ yêu đương giữa hai người đàn ông chẳng làm hại ai cả, do đó chẳng có lý do gì để ngăn cấm.

Thế thì tình dục giữa người và thú thì sao? Tôi đã tham gia vô số cuộc tranh luận cả riêng tư lẫn công cộng về hôn nhân đồng tính và thường xuyên có một tay thông thái nào đó sẽ hỏi: “Nếu hôn nhân giữa hai người đàn ông là ổn thì tại sao không cho phép hôn nhân giữa một người đàn ông và một con dê đi?” Từ góc nhìn thế tục, câu trả lời là quá rõ ràng. Những mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi chiều sâu về cảm xúc, trí tuệ và thậm chí là tinh thần. Một cuộc hôn nhân thiếu độ sâu đó sẽ làm bạn bực bội, cô đơn và chai lì về tâm lý. Trong khi hai người đàn ông rõ ràng có thể thỏa mãn các nhu cầu về tình cảm, trí tuệ và tinh thản của nhau, mối quan hệ với một con dê thì không. Do đó, nếu anh nhìn hôn nhân như một truyền thống nhằm nâng cao hạnh phúc của con người, như cách nhìn của những người thế tục, anh sẽ không bao giờ mơ đến chuyện đưa ra một câu hỏi kỳ quặc như vậy. Chỉ những người nhìn hôn nhân như một nghi thức kỳ diệu nào đó mới làm thế.

Thế còn mối quan hệ giữa cha và con gái thì sao? Cả hai đều là người, thế thì có gì sai? À, vô số nghiên cứu tâm lý học đã chỉ ra rằng những quan hệ kiểu này mang lại các tác hại vô cùng lớn và thường là không thể chữa lành đối với đứa con. Thêm nữa, chúng phản ánh và táng cường các khuynh hướng phá hoại ở người cha. Tiến hóa đã định hình tâm lý của Homo sapiens theo một kiểu mà các mối dây yêu đương không trộn lẫn được với các mối ràng buộc cha con. Do đó, bạn không cần Chúa hay Kinh Thánh để phản đối loạn luân; bạn chỉ cần đọc các nghiên cứu tâm lý học xác đáng.

Có một lý do sâu xa khiến những người thế tục tôn vinh sự thật khoa học: không phải để thỏa mãn sự tò mò của họ, mà để biết cách tốt nhất làm giảm khổ đau trên thế giới. Không có chỉ dẫn của các nghiên cứu khoa học, lòng trắc ẩn của chúng ta thường là mù quáng.

Cam kết song hành dành cho sự thật và lòng trắc ẩn cũng dẫn đến cam kết dành cho sự bình đẳng. Mặc dù có những ý kiến khác nhau khi đụng đến bình đẳng kinh tế và chính trị, những người thế tục về cơ bản nghi ngờ mọi trật tự xã hội có sẵn. Đau khổ là đau khổ, bất kể ai phải trải qua điều ấy; và kiến thức là kiến thức, bất kể ai phát hiện ra. Thiên vị trải nghiệm hay phát kiến của một dân tộc, tầng lớp hay giới tính nhất định sẽ khiến chúng ta vừa nhẫn tâm, vừa ngu xuẩn. Những người thế tục chắc chắn có tự hào về tính độc đáo của dân tộc, quốc gia và văn hóa của họ; nhưng họ không nhầm độc đáo với thượng đẳng. Do đó, mặc dù công nhận nghĩa vụ đặc biệt của mình đối với dân tộc và đất nước mình, người thế tục không nghĩ nghĩa vụ của họ là độc nhất, đồng thời thừa nhận nghĩa vụ của mình đối với nhân loại nói chung.

Chúng ta không thể tìm kiếm sự thật và cách thoát khỏi khổ đau khi không được tự do ngẫm ngợi, điều tra và thử nghiệm. Vì lý do đó, những người thế tục tôn trọng tự do và hạn chế trao quyền lực tối thượng cho bất cứ văn bản, thể chế hay lãnh đạo với tư cách quan tòa tối cao phán xét cái gì là thật, là đúng. Con người luôn phải giữ quyền tự do nghi ngờ, kiểm tra lại, lắng nghe một ý kiến khác, thử một con đường khác. Những người thế tục ngưỡng mộ Galileo Galilei, người dám đặt câu hỏi liệu có đúng là Trái đất nằm bất động ở trung tâm vũ trụ; họ ngưỡng mộ đám đông thường dân đã tràn vào ngục Bastille năm 1789 và lật đổ thể chế bạo ngược của Louis XVI; họ ngưỡng mộ Rosa Parks, người đã can đảm ngồi xuống một chiếc ghế xe buýt chỉ dành riêng cho hành khách da trắng.

Cần rất nhiều can đảm để đấu tranh chống lại các định kiến và các thể chế áp bức, nhưng cần nhiều can đảm hơn nữa để thừa nhận sự ngu dốt và dấn thân vào vùng chưa được biết đến. Giáo dục thế tục dạy chúng ta rằng, nếu ta không biết một điều gì đó, ta không nên sợ thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình và đi tìm bằng chứng mới. Ngay cả khi ta nghĩ mình biết một cái gì đó, ta cũng không nên sợ việc nghi ngờ những ý kiến ấy và tự kiểm tra lại. Nhiều người sợ điều chưa biết và muốn những câu trả lời rõ ràng cho mọi vấn đề. Sợ hãi điều chưa biết có thể làm ta tê liệt hơn bất cứ tên độc tài nào. Con người xuyên suốt lịch sử đã lo ngại rằng nếu chúng ta không đặt toàn bộ niềm tin vào một bộ các câu trả lời tuyệt đối, xã hội con người sẽ sụp đổ. Trên thực tế, lịch sử hiện đại đã chứng minh rằng, một xã hội gồm những con người dũng cảm, sẵn sàng thừa nhận ngu dốt và đặt những câu hỏi khó, thường không chỉ thịnh vượng hơn mà còn hòa bình hơn so với các xã hội trong đó con người phải tuân thủ một câu trả lời duy nhất không được bàn cãi. Những người sợ mất đi chân lý có xu hướng bạo lực hơn những người quen nhìn thế giới từ vài góc độ khác nhau. Các câu hỏi bạn không thể trả lời, thường có ích với bạn hơn là những câu bạn không thể hỏi.

Cuối cùng, những người thế tục tôn trọng trách nhiệm. Họ không tin vào bất cứ quyền năng cao vời nào sẽ chăm sóc thế giới, trừng phạt bọn độc ác, tưởng thưởng sự công bằng và bảo vệ chúng ta khỏi nạn đói, dịch bệnh hay chiến tranh. Do đó, những kẻ hữu tử bằng xương bằng thịt chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về bất cứ thứ gì chúng ta làm hoặc không làm. Nếu thế giới tràn ngập đau khổ thì bổn phận của chúng ta là phải tìm giải pháp. Người thế tục tự hào về các thành tựu to lớn của xã hội hiện đại như chữa các bệnh dịch, cho người đói thức ăn và mang hòa bình đến những phần rộng lớn của thế giới. Chúng ta không cần ghi nhận những thành tựu này cho bất cứ đấng bảo vệ thần thánh nào; chúng là kết quả của những con người đã gây dựng tri thức và lòng trắc ẩn của riêng mình. Nhưng chính vì lý do đó, chúng ta cần chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tội ác và thất bại của đời sống hiện đại, từ các cuộc diệt chủng cho đến suy thoái sinh thái. Thay vì cầu xin những điều kỳ diệu, chúng ta cần hỏi mình có thể làm gì để giúp.

Đây là những giá trị chính của thế giới thế tục. Như đã nói từ trước, không có giá trị nào trong số này là của riêng chủ nghĩa thế tục. Người Do Thái cũng đề cao sự thật, người Cơ Đốc tôn vinh lòng trắc ẩn, người Hồi coi trọng sự công bằng, người Hindu tôn trọng trách nhiệm, . . . Các xã hội và thể chế thế tục vui vẻ công nhận những mối quan hệ này và mở rộng vòng tay với những người Do Thái, Cơ Đốc, Hồi giáo và Hindu, miễn là khi quy tắc thế tục va chạm với học thuyết tôn giáo, tôn giáo phải nhường bước. Chẳng hạn, để được chấp nhận vào xã hội thế tục, người Do Thái Chính thống cần phải đối xử với người phi-Do Thái như những người bình đẳng với họ, người Cơ Đốc nên tránh thiêu bọn ngoại đạo trên giàn lửa, người Hồi phải tôn trọng tự do biểu đạt, và người Hindu phải từ bỏ phân biệt đối xử dựa trên đẳng cấp.

Trái lại, không ai bắt người theo đạo phải chối bỏ Chúa hay từ bỏ các nghi thức và nghi lễ truyền thống của mình. Thế giới thế tục đánh giá con người dựa trên hành vi của họ hơn là quần áo và lễ nghi họ yêu thích. Một người có thể theo những kiểu ăn mặc giáo phái quái đản nhất và thực hành các nghi lễ tôn giáo kỳ lạ nhất, nhưng vẫn hành xử theo một cam kết sâu thẳm đối với các giá trị thế tục cốt lõi. Có rất nhiều nhà khoa học Do Thái, nhà môi trường Cơ Đốc, nhà vận động nữ quyền Hồi giáo và các nhà hoạt động vì quyền con người Hindu giáo. Nếu họ trung thành với sự thật khoa học, với lòng trắc ẩn, với sự bình đẳng và voi tự do, họ là những thành viên đầy đủ tư cách của thế giới thế tục; không có bất cứ lý do gì để yêu cầu họ bỏ mũ yarmulke, thập tự, khăn trùm đầu hay chấm đỏ trên trán cả.

Vì những lý do tương tự, giáo dục thế tục không phải là một cuộc truyền giáo phủ định dạy trẻ em không tin vào Chúa và không tham gia vào bất cứ nghi thức tôn giáo nào. Thay vào đó, giáo dục thế tục dạy trẻ phân biệt sự thật với niềm tin, gây dựng lòng trắc ẩn với vạn vật đang chịu đau khổ, tôn trọng trí khôn và trải nghiệm với mọi cư dân Trái đất, suy nghĩ một cách tự do mà không sợ những điều chưa biết và chịu trách nhiệm với các hành động của mình cũng như của cho toàn thể thế giới.

—ooOoo—

THẾ TỤC VÀ KHÔNG THẾ TỤC

Stalin có thế tục không?

DO ĐÓ, sẽ là vô cân cứ khi chỉ trích chủ nghĩa thế tục vì thiếu cam kết đạo đức hay trách nhiệm xã hội. Trên thực tế, vấn đề cơ bản của chủ nghĩa thế tục chính là điều ngược lại. Có lẽ nó đã đặt mục tiêu đạo đức quá cao. Hầu hết mọi người đơn giản là không thể sống theo một quy tắc đòi hỏi cao như thế, và người ta không thể vận hành các xã hội lớn dựa trên một cuộc kiếm tìm chân lý và lòng trắc ẩn bỏ ngỏ như vậy. Đặc biệt là trong những thời kỳ khẩn trương như chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế, xã hội phải hành động mau chóng và mạnh mẽ, ngay cả khi chúng không chắc điều gì là sự thật và điều trắc ẩn nhất phải làm là gì. Chúng cần các chỉ dẫn rõ ràng, những khẩu hiệu bùi tai và những tiếng trống trận bừng bừng khí thế. Khó mà điều binh lính ra trận hay áp đặt những cải cách kinh tế gốc rễ dưới danh nghĩa những suy đoán mơ hồ nên các phong trào thế tục hết lần này đến lần khác vụt biến thành các tín điều võ đoán.

Chẳng hạn, Karl Marx khởi đầu bằng cách tuyên bố mọi tôn giáo đều có những “cách thức” và khuyên khích các môn đệ của mình tự nghiên cứu bản chất thật sự của trật tự toàn cầu. Trong các thập kỷ kế tiếp, áp lực của cách mạng và chiến tranh làm việc áp dụng chủ nghĩa Marx trở nên “cứng”, và đến thời Stalin thì phương châm chính thức của Liên Xô nói rằng trật tự toàn cầu là quá phức tạp để những người bình thường có thể hiểu được. Nhìn thì có vẻ khác lạ nhưng như những nhà lý luận của họ vẫn luôn giải thích rằng cách mạng không phải là một cuộc dạo chơi.

Do đó, việc ta có nên xem Stalin là một lãnh đạo thế tục hay không phụ thuộc vào việc ta định nghĩa chủ nghĩa thế tục như thế nào. Nếu ta dùng định nghĩa phủ nhận đơn giản nhất, tức “người thế tục không tin vào Chúa”, thì Stalin rõ ràng là thế tục. Nếu ta sử dụng định nghĩa tích cực hơn, tức “người thế tục chối bỏ mọi giáo điều phi khoa học và cam kết bảo vệ sự thật, lòng trắc ẩn và tự do”, thì Marx là một danh nhân thế tục, còn Stalin là phi thế tục. Ông là nhà tiên tri của tôn giáo vô thần nhưng cực kỳ giáo điều của chủ nghĩa Stalin.

Chủ nghĩa Stalin không phải là một ví dụ duy nhất. Ở đầu bên kia của phổ chính trị, chủ nghĩa tư bản cũng khởi đầu như một lý thuyết khoa học rất cởi mở nhưng dần cứng rắn thành một giáo điều. Nhiều nhà tư bản tiếp tục tụng lại câu chú “thị trường tự do vạ phát triển kinh tế” bất chấp các hiện thực trên mặt đất. Dù các hậu quả kinh khủng nào xuất phát từ hiện đại hóa, công nghiệp hóa hay tư nhân hóa, những tín đồ trung thành của chủ nghĩa tư bản vẫn gạt bỏ chúng như những “cơn sốt vở da” thuần túy và hứa hẹn rằng mọi thứ sẽ được giải quyết êm xuôi bằng một chút tăng trưởng nữa thôi.

Các nhà dân chủ tự do đứng giữa thì trung thành với cuộc mưu cầu sự thật và lòng trắc ẩn thế tục hơn, nhưng ngay cả họ cũng thi thoảng từ bỏ nó để đi theo các tín điều xuôi tai. Do đó, khi đối mặt với mớ hỗn độn của các thể chế độc tài và các nhà nước thất bại, những người tự do thường đặt niềm tin mơ hồ vào nghi thức tuyệt vời như là các cuộc tổng tuyển cử. Họ gây chiến và tiêu tốn nhiều tỷ đô la vào những nơi như Iraq, Afghanistan và Congo trong niềm tin sắt đá rằng tổ chức các cuộc tổng tuyển cử sẽ biến những nơi này thành các phiên bản nhiều nắng hơn của Đan Mạch một cách diệu kỳ. Điều này ngó lơ các thất bại lặp đi lặp lại, và sự thật là ngay cả ở những nơi có truyền thống tổng tuyển cử vững vàng, các nghi thức ấy đôi khi đưa những nhà dân túy độc tài lên nắm quyền và kết quả không gì khác là một nền độc tài số đông. Nếu thử đặt câu hỏi về cái gọi là sự sáng suốt của các cuộc tổng tuyển cử kêu như trên; bạn sẽ không bị “sờ gáy” đâu, nhưng rất có thể bạn sẽ phải chịu một cuộc tổng xỉ vả giáo điều lạnh lẽo.

Dĩ nhiên, không phải mọi giáo điều đều có hại như nhau. Cũng như rất nhiều niềm tin tôn giáo đã làm lợi cho nhân loại, một số giáo điều thế tục cũng vậy. Điều này đặc biệt đúng khi nói về học thuyết nhân quyền. Nơi duy nhất tồn tại các quyền là những câu chuyện mà con người sáng tạo ra và kể cho nhau. Các câu chuyện này được thờ phụng như các giáo điều hiển nhiên trong cuộc chiến chống lại lòng tin tôn giáo mù quáng và các chính quyền độc đoán. Dù việc con người có quyền tự nhiên là được sống hay tự do là không đúng, niềm tin vào câu chuyện này kìm hãm quyền lực của các thể chế độc tài, bảo vệ những cộng đồng thiểu số và che chở cho hàng tỷ người khỏi những hậu quả tồi tệ nhất của nghèo đói và bạo lực. Do đó, nó đóng góp cho hạnh phúc và phúc lợi của nhân loại có lẽ còn nhiều hơn bất cứ tín điều nào trong lịch sử.

Thế nhưng, nó vẫn là một tín điều. Như Điều 19 trong Tuyên bố về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc nói rằng “Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ và biểu đạt.” Nếu chúng ta hiểu đây là một đòi hỏi chính trị (“ai cũng nên có quyền tự do suy nghĩ”) thì điều này hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu chúng ta tin rằng mỗi một người từ khi sinh ra đã có “quyền tự do suy nghĩ”, do vậy việc kiểm soát xâm phạm một luật lệ tự nhiên nào đó, chúng ta đã bỏ qua sự thật về nhân loại. Một khi bạn định nghĩa mình là “một cá nhân sở hữu các quyền tự nhiên không thể xâm phạm”, bạn sẽ không biết mình thật sự là ai và không hiểu các lực lượng lịch sử đã định hình xã hội cũng như đầu óc của bạn (bao gồm cả niềm tin của bạn vào “các quyền tự nhiên”).

Kiểu ngây ngô đó có lẽ không quan trọng lắm trong thế kỷ 20, khi người ta đang bị cuốn vào chiến tranh. Nhưng nó có thể trở nên chết người trong thế kỷ 21 bởi công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo giờ đang tìm cách thay đổi chính ý nghĩa của nhân loại. Nếu chúng ta cam kết bảo vệ quyền được sống, điều đó có nghĩa là ta nên dùng công nghệ sinh học để vượt qua cái chết ư? Nếu chúng ta cam kết bảo vệ quyền tự do, liệu ta có nên trao quyền cho các thuật toán giải mã và thực hiện các khao khát tiềm ẩn của chúng ta? Nếu mọi con người đều có nhân quyền ngang nhau thì siêu nhân có được hưởng siêu quyền không? Những người thế tục sẽ thấy khó tham gia vào những câu hỏi như vậy một khi họ vẫn gắn mình vào một niềm tin cứng nhắc về “quyền con người”.

Tín điều về nhân quyền được định hình trong các thế kỷ trước như một thứ vũ khí chống lại tòa án dị giáo, các chế độ quân chủ-quý tộc, phát xít và giáo phái Ku Klux Klan. Tín điều đó khó lòng đối phó với các siêu nhân, người-máy và các máy tính siêu thông minh. Trong khi phong trào nhân quyền đã phát triển một kho vũ khí rất ấn tượng gồm các lập luận và phản biện chống lại các thiên kiến tôn giáo và những nhà độc tài, kho vũ khí này khó bảo vệ chúng ta khỏi việc tiêu dùng quá mức và các xã hội công nghiệp không tưởng.

—ooOoo—

THỪA NHẬN BÓNG TỐI

TA KHÔNG nên đánh đồng chủ nghĩa thế tục với giáo điều hay những quả đắng của chủ nghĩa thực dân và công nghiệp hóa chụp giật phương Tây. Thế nhưng nó cũng không thể chối bỏ mọi trách nhiệm đối với chúng. Các phong trào thế tục và các tổ chức khoa học đã thôi miên hàng tỷ người bằng những hứa hẹn hoàn thiện nhân loại và sử dựng những của cải của hành tinh Trái đất cho lợi ích của loài người. Những hứa hẹn đó không chỉ đưa đến việc vượt qua các nạn đói và bệnh dịch mà còn xây lên các nhà tù và những chỏm băng tan chảy. Bạn hoàn toàn có thể tranh luận rằng toàn bộ là lỗi của những người hiểu sai và bóp méo các lý tưởng thế tục cốt lõi và các sự thật khoa học đúng đắn. Và bạn hoàn toàn đúng. Nhưng đấy là một vấn đề chung của tất cả các phong trào có ảnh hưởng.

Chẳng hạn, Cơ Đốc giáo cũng chịu trách nhiệm cho các tội lỗi ghê gớm như tòa án dị giáo, các cuộc Thập tự chinh, sự đàn áp các văn hóa bản địa trên khắp thế giới và việc tước đi quyền phụ nữ. Một người Cơ Đốc có thể không bằng lòng với điều này và phản bác rằng tất cả các tội lỗi ấy đến từ sự hiểu sai hoàn toàn Cơ Đốc giáo. Jesus chỉ rao giảng tình yêu và tòa án dị giáo dựa trên một sự hiểu biết bóp méo kinh khủng những lời rao giảng của Ngài. Chúng ta có thể đồng cảm với tuyên bố này, nhưng sẽ là không đúng nêu cho phép Cơ Đốc giáo biện minh dễ dàng như thế. Những người Cơ Đốc bị tòa án dị giáo và Thập tự chinh làm cho thất kinh không thể cứ thế phủi tay khỏi các lỗi lầm này; họ nên tự hỏi mình vài câu hỏi cực kỳ hóc búa. Chính xác là làm thế nào mà “tôn giáo tình yêu” của họ tự cho phép mình bị bóp méo đến mức đó, không chỉ một mà nhiều lần? Những người Tin Lành đang cố đổ hết lỗi cho chủ nghĩa Cơ Đốc cuồng tín được khuyên đọc một cuốn sách về hành vi của những kẻ thực dân theo đạo Tin Lành ở Ireland hay Bắc Mỹ. Tương tự, các nhà khoa học nên xem xét vì sao dự án khoa học của mình lại dễ dàng hợp với việc làm mất cân bằng hệ sinh thái toàn cầu đến thế và các nhà di truyền học cần đặc biệt cảnh giác trước các cách diễn dịch học thuyết Darwin theo kiểu của bọn phát xít.

Tôn giáo, tư tưởng và tín điều đều có mặt kia của nó; dù đi theo tín điều nào, bạn cũng phải công nhận mặt kia của mình và tránh kiểu đoán chắc ngây thơ là “điều đó không thể xảy đến với chúng ta”. Khoa học thế tục có ít nhất một lợi thế so với hầu hết các tôn giáo truyền thống khác: đó là nó vốn dĩ không khiếp sợ cái bóng của chính mình, và về nguyên tắc, nó sẵn sàng thừa nhận sai lầm cũng như điểm mù của nó. Nếu bạn tin vào một sự thật tuyệt đối do một thế lực siêu việt nào đó mặc khải, bạn không thể cho phép mình thừa nhận một sai lầm nào vì điều đó sẽ vô hiệu hóa toàn bộ câu chuyện của bạn. Nhưng nếu bạn tin vào một cuộc kiếm tìm chân lý của những con người có thể phạm sai lầm thì chấp nhận sai lầm là một phần của cuộc chơi.

Đấy cũng là lý do tại sao các phong trào thế tục phi giáo điều có xu hướng đưa ra các hứa hẹn khá khiêm tốn. Ý thức được sự không hoàn hảo của mình, họ hy vọng đem lại các thay đổi nhỏ, dần dà, tăng lương tối thiểu vài đô la hay giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh vài phần trăm. Các tư tưởng giáo điều có một dấu hiệu nhận biết là chúng thường xuyên thề thốt những điều bất khả vì sự tự tin thái quá của mình. Các thủ lĩnh của họ tự do nói về “vĩnh hằng”, “thuần khiết” và “cứu rỗi” như thể bằng cách đưa ra một bộ luật, xây một ngôi đền hay chinh phục một lãnh thổ nào đó, họ có thể đánh đổi tất cả để cứu vớt cả thế giới.

Khi đến lúc đưa ra cắc quyết định quan trọng nhất trong lịch sử sự sống, cá nhân, tôi sẽ đặt niềm tin vào những người thừa nhận sự ngu dốt hơn là những người tự cho là bất khả bại. Nếu bạn muốn tôn giáo, lý tưởng hay thế giới quan của mình dẫn dắt thế giới, câu hỏi đầu tiên của tôi là: “Đâu là sai lầm lớn nhất mà tôn giáo, lý tưởng hay thế giới quan của bạn đã phạm phải? Nó đã sai lầm ở đâu?”. Nếu bạn không thể nghĩ ra một điều gì nghiêm trọng, cá nhân tôi sẽ không tin bạn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3