21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 15
Phần IV
* * *
Sự Thật
Nếu trạng huống toàn cầu khiến bạn choáng ngợp và hoang mang, bạn đang đi đúng đường rồi đó. Các quá trình toàn cầu đã trở nên quá sức phức tạp để bất cứ cá nhân riêng lẻ nào có thể hiểu được. Thế thì làm sao bạn có thể biết được sự thật về thế giới và tránh trở thành nạn nhân của tuyên truyền và thông tin sai lệch?
15
* * *
Ngu Dốt
BẠN BIẾT ÍT HƠN BẠN TƯỞNG
CÁC CHƯƠNG tiếp theo nghiên cứu một số vấn đề và diễn biến quan trọng nhất trong kỷ nguyên hiện tại, từ nguy cơ khủng bố bị thổi phồng đến nguy cơ đứt gãy do công nghệ bị đánh giá thấp. Nếu bạn cảm thấy lấn cấn rằng như thế là quá nhiều, rằng mình không thể xử lý hết, thì bạn hoàn toàn đúng rồi đấy. Không ai có thể cả.
Trong vài thế kỷ vừa qua, tư tưởng tự do đã phát triển một niềm tin bao la vào cá nhân có lý trí. Nó mô tả những cá thể người như các tác nhân có lý trí độc lập và biến những sinh vật huyền bí này thành nền tảng của xã hội hiện đại. Dân chủ được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng cử tri là người biết rõ nhất, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do tin rằng khách hàng luôn đúng và giáo dục tự do dạy sinh viên tự nghĩ cho bản thân.
Tuy nhiên, việc đặt quá nhiều niềm tin vào cá nhân lý trí là sai lầm. Các nhà tư tưởng hậu thuộc địa và nữ quyền đã chỉ ra rằng thứ “cá nhân lý trí” này hoàn toàn có thể chỉ là một ảo tưởng phương Tây có tính sô-vanh, vinh danh sự tự trị và sức mạnh của những gã đàn ông da trắng thuộc tầng lớp trên. Như đã nói hước đó, các nhà kinh tế học hành vi và các nhà tâm lý học tiến hóa đã chỉ ra rằng hầu hết các quyết định của con người dựa trên các phản ứng của cảm xúc và các lối tắt tự nghiệm hơn là phân tích lý trí, và trong khi cảm xúc và kiểu tự mày mò của chúng ta có thể phù hợp để đối phó với cuộc sống thời Đồ Đá, chúng lại thiếu thỏa đáng một cách đáng thương trong Thời đại Silicon.
Không chỉ lý tính mà cá nhân tính cũng là một huyền thoại. Con người hiếm khi tự mình suy nghĩ. Thay vào đó, chúng ta nghĩ theo nhóm. Như việc cả bộ lạc nuôi lớn một đứa trẻ, con người cũng cần cả bộ lạc mới phát minh được một công cụ, giải quyết một mâu thuẫn hay chữa một căn bệnh. Không cá thể nào biết tất cả mọi thứ cần thiết để tạo nên một nhà thờ, một quả bom nguyên tử hay một chiếc phi cơ. Điều khiến Homo sapiens có lợi thế hơn mọi loài vật khác và biến chúng ta thành chủ nhân của hành tinh này không phải là lý tính cá nhân mà là khả năng chưa từng có là nghĩ cùng nhau theo các nhóm lớn của chúng ta.
Từng cá thể người biết về thế giới ít đến đáng xấu hổ, và khi lịch sử tiến triển, họ càng ngày càng biết ít hơn. Một người săn bắt-hái lượm vào thời Đồ Đá biết cách tự làm quần áo của mình, biết cách nhóm lửa, săn thỏ và thoát khỏi sư tử. Chúng ta nghĩ ngày nay chúng ta biết nhiều hơn, nhưng xét cá nhân, thật ra chúng ta biết ít hơn nhiều. Chúng ta dựa vào chuyên môn của những người khác để thỏa mãn gần như mọi nhu cầu của mình. Trong một thí nghiệm “hạ bệ” con người, người ta được yêu cầu đánh giá xem mình hiểu cơ chế hoạt động của một cái khóa kéo thông thường đến mức nào. Hầu hết tự tin trả lời rằng họ rất hiểu khóa kéo; xét cho cùng, họ dùng chúng suốt còn gì. Sau đó, họ được yêu cầu mô tả càng chi tiết càng tốt mọi bước liên quan đến hoạt động của khóa kéo. Hầu hết chả biết chút gì. Đây là thứ mà Steven Sloman và Philip Fembach đặt tên là “ảo tưởng kiến thức”. Chúng ta nghĩ chúng ta biết rất nhiều, thậm chí dù mỗi cá nhân biết rất ít, bởi chúng ta xem kiến thức trong đầu những người khác như của chính mình.
Điều này không hẳn đã dở. Sự phụ thuộc của chúng ta vào suy nghĩ nhóm đã biến chúng ta thành chủ nhân thế giới và ảo tưởng kiến thức giúp ta đi qua cuộc đời mà không mác kẹt trong một nỗ lực tuyệt vọng phải tự mình tìm hiểu mọi thứ. Từ khía cạnh tiến hóa, việc tin vào kiến thức của người khác là cực kỳ hiệu quả đới với Homo sapiens.
Thế nhưng, như nhiều đặc điểm khác của con người từng hợp lý trong các thời đại trước nhưng lại gây rắc rối trong thời hiện đại, ảo tưởng kiến thức có mặt xấu của nó. Thế giới đang trở nên ngày một phức tạp và con người không nhận ra mình ngờ nghệch như thế nào đối với những việc đang xảy ra. Do đó, một người gần như không biết chút gì về khí tượng học hay sinh học vẫn đề xuất các chính sách về biến đổi khí hậu và cây trồng biến đổi gen, trong khi những người khác lại có các quan điểm rất mạnh bạo về những gì cần làm ở Iraq hay Ukraine mà không thể định vị các quốc gia này trên bản đồ. Con người hiếm khi nhận thức được sự ngu dốt của mình bởi họ nhốt mình trong một căn phòng phản âm có những người bạn mang suy nghĩ giống mình và những dòng tin tự xác thực, nơi niềm tin của họ liên tục được củng cố và ít khi bị thử thách.
Mang lại cho con người ngày càng nhiều thông tin và thông tin ngày càng tốt hơn không chắc đã cải thiện vấn đề. Các nhà khoa học hy vọng đập tan các quan điểm sai trái bằng việc giáo dục khoa học tốt hơn và các nhà bình luận hy vọng lay chuyển ý kiến của công chúng về các vấn đề như Obamacare hay nóng lên toàn cầu bằng cách đưa ra cho công chúng các dữ kiện và báo cáo chuyên môn chính xác. Những hy vọng đó dẫn tới một sự hiểu nhầm về cách con người thực sự suy nghĩ. Hầu hết quan điểm của chúng ta do suy nghĩ nhóm cộng đồng định hình, chứ không phải lý trí cá nhân; và chúng ta bám lấy các quan điểm đó do sự trung thành nhóm. Dội cho người ta hàng đống dữ kiện và phơi bày sự ngờ nghệch cá nhân của họ nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Hầu hết mọi người không thích quá nhiều dữ kiện, và chắc chắn họ không thích cảm thấy mình đần. Đừng quá chắc là bạn có thể thuyết phục những người, ủng hộ Phong trào tiệc trà nhìn ra sự thật về nóng lên toàn cầu bằng cách đưa cho họ mấy tờ dữ liệu thống kê.
Sức mạnh của suy nghĩ nhóm sâu sắc đến nỗi khó mà phá vỡ gọng kìm của nó ngay cả khi các quan điểm của nó có vẻ khá mơ hồ. Do đó ở Mỹ, những người bảo thủ cánh hữu có xu hướng ít quan tâm đến các thứ như ô nhiễm hay các loài bị đe dọa nguy cấp hơn là những người cấp tiến cánh tả rất nhiều; đấy là lý do vì sao Louisiana có các quy định về môi trường không chặt chẽ hơn nhiều so với Massachusetts. Chúng ta đã quen với tình huống này nên xem đó là đương nhiên, nhưng thật ra điều này khá là đáng ngạc nhiên. Người ta tưởng rằng những người bảo thủ sẽ quan tâm đến việc bảo tồn trật tự sinh thái cũ và bảo vệ đất đai, rừng cây và sông ngòi của tổ tiên hơn. Trái lại, người ta trông đợi những người cấp tiên tỏ ra cởi mở hơn nhiều đối với các thay đổi triệt để với đồng quê, đặc biệt nếu mục đích là để đẩy nhanh tiến bộ và gia tăng mức sống của con người. Tuy nhiên, một khi đường lối của đảng đã nhắm đến các vấn đề này do đôi ba sự kiện lịch sử ngẫu nhiên nào đó, việc bỏ qua các quan ngại về những dòng sông bị ô nhiễm và những loài chim đang biến mất trở nên hết sức tự nhiên, trong khi các đảng viên cấp tiến cánh tả lại có khuynh hướng e sợ bất cứ đứt gãy nào xảy ra với trật tự sinh thái cũ.
Ngay cả các nhà khoa học cũng không miễn nhiễm với sức mạnh của suy nghĩ nhóm. Thực tế, chính các nhà khoa học tin rằng dữ kiện có thể thay đổi ý kiến quần chúng cũng có thể trở thành nạn nhân của suy nghĩ nhóm trong khoa học. Cộng đồng khoa học tin vào hiệu lực của dữ kiện và những người trung thành với cộng đồng đó tiếp tục tin rằng họ có thể thắng trong các cuộc tranh luận công khai bằng cách ném ra xung quanh các dữ kiện đúng, dù có rất nhiều bằng chứng thực tiễn chứng minh điều ngược lại.
Tương tự, tự thân niềm tin tự do vào lý tính cá nhân có thể là sản phẩm của suy nghĩ nhóm tự do. Trong một khoảnh khắc cao trào trong bộ phim Cuộc đời của Brian của nhóm Monty Python, một đám đông khổng lồ các tín đồ mơ mộng nhầm Brian với Đấng Cứu thế. Brian nói với các đồ đệ của mình rằng: “Các người không cần đi theo tôi, các người không cần đi theo ai hết! Các người phải tự nghĩ cho mình! Các người đều là những cá nhân! Các người đều khác biệt!” Đám đông cuồng nhiệt sau đó đồng thanh hô: “Đúng! Chúng ta đều là các cá nhân! Đúng, chúng ta đều khác biệt!” Nhóm Monty Python đang nhại theo tính chính thống của phong trào phản văn hóa những năm 1960, nhưng điều này có thể đúng với niềm tin vào chủ nghĩa cá nhân lý trí nói chung. Các nền dân chủ hiện đại đầy rẫy những đám đông cùng đồng thanh hô hào: “Đúng, cử tri biết rõ nhất! Đúng, khách hàng luôn đúng!”
—ooOoo—
LỖ ĐEN QUYỀN LỰC
VẤN ĐỀ của suy nghĩ nhóm và ngu dốt cá nhân ảnh hưởng không chỉ các cử tri và người tiêu dùng bình thường mà cả các tổng thống và các giám đốc điều hành. Họ có thể có bên mình nhiều cố vấn và các cơ quan tình báo khổng lồ, nhưng điều đó không nhất thiết khiến mọi thứ tốt hơn. Cực kỳ khó khám phá ra sự thật khi bạn đang thống trị thế giới. Đơn giản là bạn quá bận. Hầu hết các thủ lĩnh chính trị và ông trùm kinh doanh lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi. Thế nhưng, nếu bạn muốn đi sâu vào bất cứ chủ đề nào, bạn cần rất nhiều thời gian, đặc biệt là bạn cần cái đặc quyền được phung phí thời gian. Bạn cần thử nghiệm với những con đường không đích đến, khám phá các ngõ cụt, chừa chỗ cho sự nghi ngờ và sự nhàm chán, cho phép những hạt mầm thấu tỏ chậm rãi lớn lên và nở hoa. Nếu bạn không được phép phung phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ tìm được sự thật.
Tệ hơn nữa, quyền lực lớn không tránh khỏi việc làm méo mó sự thật. Quyền lực chính là thay đổi hiện thực thay vì nhìn hiện thực như nó vốn dĩ. Khi bạn có một cái búa trong tay, mọi thứ trông đều giống một cái đinh; khi bạn có quyền lực lớn ở trong tay, mọi thứ trông như một lời mời gọi bạn nhúng mũi vào. Ngay cả khi bằng cách nào đó bạn vượt qua được thôi thúc ấy, những người xung quanh bạn sẽ không bao giờ quên cái búa khổng lồ bạn đang cầm trong tay. Bất cứ ai nói chuyện với bạn, vô tình hay hữu ý, đều có ý đồ riêng, do đó bạn không bao giờ có thể tin hoàn toàn những gì họ nói. Không vị đế vương nào có thể tin rằng triều thần và thuộc hạ sẽ nói với mình sự thật cả.
Do vậy, quyền lực lớn có tác dụng như một lỗ đen bóp méo chính không gian xung quanh nó. Bạn càng lại gần nó, mọi thứ càng méo mó. Mỗi lời nói ra trở nên nặng nề hơn khi đi vào quỹ đạo của bạn và mỗi người bạn gặp lại cố nịnh nọt, xoa dịu hay kiếm được một cái gì đó từ bạn. Họ biết bạn không thể cho họ nhiều hơn một hay hai phút, họ sợ nói một cái gì đó không phù hợp hay bị líu lưỡi; cuối cùng, họ chỉ thốt ra những khẩu hiệu trống rỗng hoặc những câu sến súa nhất trần đời.
Vài năm trước, tôi được mời dùng bữa tối với thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu. Bạn bè khuyến cáo tôi đừng có đi, nhưng tôi không cưỡng được cám dỗ. Tôi nghĩ cuối cùng, tôi có thể sẽ nghe được một vài bí mật to tát nào đó chỉ được tiết lộ cho những đôi tai quan trọng đằng sau những cánh cửa đóng kín. Thật là một thất vọng tràn trề! Có khoảng ba chục người ở đó và ai cũng cố thu hút sự chú ý của “người vĩ đại”, gây ấn tượng với ông bằng trí tuệ của mình, định kiếm cho mình một thứ gì đó từ ông. Nếu bất cứ ai ở đó biết điều gì bí mật thì họ đã xuất sắc giữ kín được chúng. Đây chắc chắn không phải lỗi của Netanyahu hay lỗi từ bất kỳ ai. Đấy là lỗi của lực hấp dẫn của quyền lực.
Nếu bạn thật sự muốn sự thật, bạn cần thoát khỏi lỗ đen quyền lực và cho phép mình lãng phí rất nhiều thời gian lang thang đây đó ở rìa ngoài. Những tri thức mang tính đột phá hiếm khi vào được trung tâm vì trung tâm được xây dựng trên các tri thức đã có sẵn. Những người “canh gác” trật tự cũ thường quyết định ai đến được trung tâm quyền lực và có xu hướng lọc đi những người mang đến các ý tưởng trái với thông lệ, gây xáo động. Dĩ nhiên, họ cũng lọc ra một lượng “rác rưởi” cực lớn. Không được mời đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos không phải là một chỉ dấu đảm bảo cho trí tuệ. Đấy là lý do bạn cần lãng phí rất nhiều thời gian ở rìa ngoài: nơi đó có thể chứa đựng một số ý tưởng cách mạng sáng chói xuất chúng, nhưng hầu hết là những suy đoán thiếu căn cứ, những mô hình đã lỗi thời, các tín điều và các thuyết âm mưu lạ thường.
Các lãnh đạo do đó bị mắc kẹt trong một ràng buộc kép. Nếu còn ngồi ở trung tâm quyền lực, họ sẽ có một cái nhìn không chính xác về thế giới. Nếu mạo hiểm ra bên lề, họ sẽ phung phí quá nhiều thời gian vàng bạc của mình. Và vấn đề sẽ chỉ ngày càng tệ thêm. Trong các thập kỷ tới, thế giới thậm chí sẽ trở nên phức tạp hơn ngày nay. Do đó, những con người cá thể, dù là quân tốt hay quân vương, sẽ biết ngày càng ít về các món đồ công nghệ, các dòng kinh tế và các động lực chính trị định hình thế giới. Như Socrates đã quan sát thấy từ hơn 2.000 năm trước, điều tốt nhất ta có thể làm trong các điều kiện như vậy là thừa nhận sự “ngu dốt” của cá nhân ta.
Nhưng còn đạo đức và công bằng thì sao? Nếu ta không thể hiểu thế giới, làm sao ta hy vọng nhìn thấy sự khác biệt giữa đúng và sai, giữa công lý và bất công?