21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 16
16
* * *
Công Lý
Ý THỨC VỀ CÔNG LÝ CỦA CHÚNG TA CÓ THỂ ĐÃ LỖI THỜI
NHƯ MỌI ý thức khác của chúng ta, ý thức công lý của chúng ta cũng có gốc rễ tiến hóa cổ xưa. Đạo đức con người được định hình trong hàng triệu năm tiến hóa để ứng phó với các tình thế lưỡng nan mang tính xã hội và đạo đức nảy sinh trong cuộc sống của các nhóm săn bắt-hái lượm nhỏ. Nếu tôi đi săn với anh và tôi giết được một con hươu trong khi anh chẳng bắt được gì, tôi có nên chia chiến lợi phẩm với anh? Nếu anh đi tìm nấm và trở về với một giỏ đầy, liệu việc tôi khỏe hơn anh có cho phép tôi giật tất cả chỗ nấm đó cho riêng mình? Và nếu tôi biết anh bày mưu giết tôi thì việc tôi “tiên hạ thủ vi cường” mà cắt cổ anh trong đêm có ổn không?
Xét bề ngoài thì có vẻ chưa có nhiều điều thay đổi từ lúc chúng ta rời đồng cỏ châu Phi để đến với rừng rậm thành thị. Người ta có thể cho rằng những câu hỏi chúng ta đối mặt ngày hôm nay, cuộc nội chiến Syria, bất công toàn cầu, nóng lên toàn cầu, cũng chỉ là những câu hỏi cũ “phình to ra”13. Nhưng đấy là một ảo tưởng. “Kích cỡ là quan trọng” và từ góc nhìn của công lý, cũng như nhiều góc nhìn khác, chúng ta chưa hề thích ứng với thế giới mình đang sống.
Vấn đề không nằm ở các giá trị. Dù vô thân hay mộ đạo, các công dân thế kỷ 21 có rất nhiều giá trị. Vấn đề nằm ở việc thực hành các giá trị này trong một thế giới toàn cầu phức tạp. Lỗi hoàn toàn nằm ở các con số. Cảm thức công lý của những kẻ săn bắt được cấu tạo để ứng phó với các thế lưỡng nan liên quan đến đời sống của vài chục người trong một vùng rộng vài chục kilomet vuông. Khi ta cố hiểu các mối tương quan giữa hàng triệu người khắp các lục địa, cảm thức luân lý của ta bị choáng ngợp.
Công lý không chỉ đòi hỏi một tập hợp các giá trị trừu tượng mà còn yêu cầu một sự hiểu biết về các mối quan hệ nhân-quả rõ ràng. Nếu anh hái một giỏ nấm để con anh ăn và giờ tôi dùng vũ lực cướp giỏ nấm của anh, nghĩa là mọi nỗ lực của anh thành công cốc và con cái anh phải ôm bụng đói đi ngủ, thì đó là bất công. Điều này dễ hiểu vì rất dễ thấy quan hệ nhân-quả. Thật không may, một đặc điểm cố hữu của thế giới toàn cầu hóa hiện đại của chúng ta là các quan hệ nhân-quả cực kỳ phân nhánh và phức tạp. Tôi có thể sống an bình ở nhà, không bao giờ nhấc một ngón tay lên hại ai; nhưng theo các nhà hoạt động cánh tả, tôi là một thành viên chính thức nhúng tay vào những sai trái mà binh lính và di dân Israel gây ra ở Bờ Tây. Theo các nhà xã hội chủ nghĩa, đời sống dễ chịu của tôi là dựa trên lao động trẻ em ở các công xưởng bóc lột tối tăm ở thế giới thứ ba. Các nhà hoạt động vì phúc lợi của động vật nhắc tôi nhớ rằng cuộc đời tôi gắn chặt với một trong những tội ác dã man nhất trong lịch sử: việc nhốt hàng tỷ con vật nuôi trong các chuồng trại theo một chế độ “bóc lột” tàn bạo.
Có thật là tôi đáng bị đổ tội cho tất cả những điều trên? Thật khó nói. Vì sự tồn tại của tôi phụ thuộc vào một hệ thống các quan hệ kinh tế và chính trị đáng kinh ngạc, và vì các liên kết nhân-quả toàn cầu quá nhằng nhịt, tôi thấy khó mà trả lồi ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất, như bữa trưa của tôi đến từ đâu, ai làm ra đôi giày tôi đang đi và quỹ hưu của tôi đang làm gì với tiền của tôi.
—ooOoo—
ĐÁNH CẮP NHỮNG DÒNG SÔNG
MỘT NGƯỜI săn bắt-hái lượm tiền sử biết rất rõ bữa trưa của cô ta đến từ đâu (cô ta tự tìm lấy), ai làm ra đôi giày da của mình (gã nằm ngủ cách đó mười mét) và quỹ hưu của mình đang làm gì (đang chơi trong vũng bùn; hồi đó, con người chỉ có một quỹ hưu duy nhất, gọi là “con cái”). Tôi ngu dốt hơn người săn bắt-hái lượm đó rất nhiều. Nhiều người nghiên cứu có thể phơi bày một sự thật rằng chính quyền nhận được phiếu bầu của tôi đã bí mật bán vũ khí cho một nhà độc tài ám muội cách nửa vòng Trái đất. Nhưng trong khoảng thời gian cần thiết để phát hiện ra chuyện đó, tôi có thể sẽ bỏ lỡ nhiều phát hiện quan trọng hơn nhiều, ví dụ như số phận của những con gà mà tôi đã lấy trứng ăn cho bữa tối.
Hệ thống được cấu tạo theo một cách mà những người không nỗ lực tìm hiểu gì vẫn có thể “ngu si hưởng thái bình” và những người nỗ lực sẽ thấy rất khó phát hiện ra sự thật. Làm thế nào để tránh trộm cắp khi hệ thống kinh tế toàn cầu không ngừng nhân danh tôi “trộm cắp” mà tôi không hay biết? Chuyện bạn đánh giá hành động theo hậu quả của nó (trộm cắp là sai vì nó khiến các nạn nhân trở nên khốn khổ) hay tin rằng các bổn phận rõ ràng phải được tuân theo bất chấp hậu quả (trộm cắp là sai vì Chúa bảo thế) đều không quan trọng. Vấn đề là việc hiểu được ta đang thực sự làm gì đã trở nên cực kỳ phức tạp.
Điều răn không được ăn cắp được hình thành từ những ngày mà trộm cắp có nghĩa là lấy một cái gì đó không thuộc về mình bằng chính bàn tay mình. Thế nhưng ngày nay, các lập luận thực sự quan trọng về trộm cắp lại có những kịch bản hoàn toàn khác. Giả sử tôi đầu tư 10.000 đô la vào cổ phần của một tập đoàn xăng dầu lớn và thu về lợi nhuận là 5% một năm. Tập đoàn này cực lãi vì nó không phải trả các khoản ngoại ứng. Nó xả chất thải độc hại vào một con sông gần đó mà không thèm quan tâm đến sự hủy hoại mà nó gây ra cho nguồn nước trong vùng, sức khỏe cộng đồng hay động thực vật hoang dã ở địa phương. Nó sử dụng của cải của mình để thuê một quân đoàn luật sư nhằm bảo vệ nó khỏi bất cứ yêu cầu đền bù nào. Nó cũng kiểm soát những tay vận động hành lang để ngăn trở mọi nỗ lực đưa ra các quy định môi trường mạnh tay hơn.
Liệu ta có thể buộc tội tập đoàn này “ăn cắp một dòng sông” không? Và về cá nhân tôi thì sao? Tôi chẳng bao giờ đột nhập nhà ai hay giật những tờ đô la khỏi ví người khác. Tôi không biết tập đoàn cụ thể này sinh lợi nhuận theo cách nào. Tôi thậm chí còn không nhớ nổi một phần danh mục đầu tư của tôi là nằm ở đó. Thế thì tôi có phạm tội ăn cắp không? Làm sao ta hành xử có đạo đức khi ta không có cách nào biết được đủ mọi dữ liệu liên quan?
Người ta có thể né tránh vấn đề bằng cách thực hiện một kiểu “ý hướng luân lý”. Quan trọng là thứ tôi dự định, chứ không phải là thứ tôi thực sự làm hay hậu quả của thứ tôi làm. Tuy nhiên, trong một thế giới mà mọi thứ đều gắn kết với nhau, nhu cầu đạo đức tối thượng trở thành điều cấp thiết cần phải biết. Những tội ác khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại không chỉ đến từ sự thù hằn và lòng tham mà từ sự ngu dốt và bàng quan nhiều hơn. Các quý cô người Anh duyên dáng rót tiền cho việc buôn bán nô lệ Thái Bình Dương bằng cách mua cổ phiếu và trái phiếu trong thị trường chứng khoán London mà không bao giờ đặt chân đến châu Phi hay Caribe. Rồi họ làm ngọt món trà bốn giờ chiều của mình bằng những viên đường trăng như tuyết được sản xuất trong các đồn điền như địa ngục mà họ chẳng biết chút gì.
Ở Đức cuối những năm 1930, giám đốc bưu điện địa phương có thể là một công dân gương mẫu lo lắng cho phúc lợi của nhân viên và cá nhân thì giúp đỡ những người đang mệt mỏi tìm kiếm, các bưu kiện thất lạc. Ông luôn là người đầu tiên đến chỗ làm và người cuối cùng về nhà; ngay cả trong những cơn bão tuyết, ông cũng đảm bảo bưu phẩm đến đúng giờ. Lạy Trời, chính cái bưu điện hiệu quả và mến khách của ông là một tế bào cốt yếu trong hệ thần kinh của nhà nước Quốc xã. Nó đẩy nhanh những tuyên truyền phân biệt chủng tộc, các lệnh tuyển quân đến Wehrmacht và các mệnh lệnh nghiêm ngặt đến chi nhánh SS địa phương. Có cái gì đó rất sai trái với ý hướng của những người không chân thành nỗ lực để biết.
Nhưng như thế nào thì mới tính là “một nỗ lực chân thành để biết”? Những người quản lý thư tín ở mọi đất nước nên mở thư mình đang phát rồi từ chức hoặc phản đối nếu họ phát hiện ra công cụ tuyên truyền của chính quyền ư? Giờ nhìn lại nước Đức Quốc xã những năm 1930 với một sự chắc chắn tuyệt đối về luân lý thì thật dễ dàng vì chúng ta biết chuỗi nguyên nhân-hậu quả dẫn đến đâu. Nhưng nếu không có sự thấu tỏ khi việc đã rồi ấy, sự chắc chắn về luân lý có thể vượt ngoài tầm với của chúng ta. Sự thật cay đắng là thế giới đơn giản đã trở nên quá sức phức tạp đối với những bộ óc săn bắt-hái lượm của chúng ta.
Hầu hết những bất công trong thế giới ngày nay bắt nguồn từ các thiên lệch quy mô lớn mang tính cấu trúc hơn là từ những thiên kiến cá nhân, và đầu óc săn bắt-hái lượm của chúng ta không tiến hóa để nhận ra được các thiên kiến mang tính cấu trúc. Chúng ta đều dự phần trong ít nhất một vài thiên kiến như vậy, và chúng ta đơn giản là không có thời gian cũng như năng lượng để phát hiện hết. Việc viết cuốn sách này dạy cho tôi bài học ở một mức độ cá nhân. Khi bàn về các vấn đề toàn cầu, tôi luôn có nguy cơ thiên vị quan điểm của giới tinh hoa toàn cầu hơn các nhóm thiệt thời khác. Giới tinh hoa toàn cầu điều khiển cuộc đối thoại, thế nên không thể bỏ qua quan điểm của họ được. Trái lại, các nhóm thấp cổ bé họng liên tục bị bịt miệng, do vậy ta dễ dàng quên họ, không phải vì ác tâm chủ động mà đơn giản là vì không biết.
Chẳng hạn, tôi không biết gì về quan điểm và vấn đề riêng biệt của những người Tasmania bản địa. Thực sự là tôi biết ít đến nỗi trong một cuốn sách trước, tôi đã cho rằng người Tasmania bản địa không còn tồn tại nữa vì họ đã bị những di dân châu Âu xóa sổ hoàn toàn. Thực tế, có hàng ngàn người còn sống đến ngày nay có gốc gác tổ tiên từ người Tasmania bản địa và họ đấu tranh với rất nhiều vấn đề riêng; một trong số đó là sự tồn tại của họ thường xuyên bị chối bỏ bởi chính cả những học giả uyên bác.
Ngay cả khi bản thân bạn thuộc về một nhóm yếu thế, do đó có một hiểu biết trực tiếp sâu sắc về quan điểm của nhóm, cũng không có nghĩa là bạn hiểu quan điểm của tất cả các nhóm như thế. Vì mỗi nhóm và phân nhóm lại đối mặt với một mê cung các giới hạn vô hình, các tiêu chuẩn kép, các xúc phạm ngầm và các phân biệt mang tính hệ thống khác nhau. Một người đàn ông Mỹ gốc Phi 30 tuổi có 30 năm kinh nghiệm làm một người đàn ông Mỹ gốc Phi. Nhưng anh ta không có chút kinh nghiệm nào về việc làm một người đàn bà Mỹ gốc Phi, một người Roma gốc Bulgaria, một người Nga mù hay một người đồng tính nữ Trung Quốc.
Trong quá trình trưởng thành, người đàn ông Mỹ gốc Phi này liên tục bị cảnh sát chặn lại và lục soát không vì lý do gì rõ ràng cả, một điều mà người đồng tính nữ Trung Quốc không bao giờ phải trải qua. Trái lại, sinh ra trong một gia đình Mỹ gốc Phi tại một khu dân cư toàn người Mỹ gốc Phi có nghĩa là vây quanh anh ta là những người như anh ta, họ dạy anh ta những gì anh ta cần biết để sinh tồn và phát triển với tư cách một người đàn ông Mỹ gốc Phi. Người, đồng tính nữ Trung Quốc không được sinh ra trong một gia đình đồng tính nữ trong một khu dân cư đồng tính nữ và có lẽ cô ta chẳng có ai trên đời để chỉ dạy những bài học quan trọng. Do đó, lớn lên là người da đen ở Baltimore không hề khiến việc hiểu được cuộc đấu tranh khi lớn lên là một người đồng tính nữ ở Hàng Châu dễ dàng hơn.
Trong những thời kỳ trước, việc này ít quan trọng hơn vì bạn chẳng phải chịu trách nhiệm cho số phận của những người cách mình nửa vòng Trái đất. Thường thì bạn chỉ cần cố gắng thông cảm với những người láng giềng kém may mắn hơn mình đã là đủ. Nhưng ngày nay các cuộc tranh luận lớn toàn cầu về những thứ như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo có tác động lên tất cả mọi người, dù ở Tasmania, Hàng Châu hay Baltimore; thế nên chúng ta cần xem xét mọi quan điểm. Nhưng làm sao có ai làm được chuyện đó? Làm sao có ai hiểu được mạng lưới quan hệ giữa hàng ngàn nhóm chằng chịt khắp thế giới?
—ooOoo—
GIẢM NHẸ HAY CHỐI BỎ?
NGAY CẢ khi thật sự muốn, hầu hết chúng ta đều không còn khả năng hiểu được những vấn đề đạo đức lớn trên thế giới nữa. Con người có thể hiểu được mối quan hệ giữa hai người hái lượm, giữa hai mươi người hái lượm hay giữa hai bộ lạc láng giềng. Nhưng khả năng hiểu mối quan hệ giữa vài triệu người Syria, giữa 500 triệu người châu Âu hay giữa tất cả các nhóm và phân nhóm chằng chéo nhau trên hành tinh là cực kém.
Trong cố gắng hiểu và đánh giá các vấn đề đạo đức lưỡng nan ở quy mô này, con người thường tìm đến một trong bốn phương pháp. Đầu tiên là thu nhỏ vấn đề. Để hiểu cuộc nội chiến Syria như thể nó đang diễn ra giữa hai người hái lượm chẳng hạn, hình dung thể chế của Assad là một người cô độc với quân nổi loạn là một người khác; một trong số đó là xấu và phía còn lại là tốt. Sự phức tạp mang tính lịch sử của mâu thuẫn được thay bằng một cốt truyện đơn giản, rõ ràng.
Cách thứ hai là tập trung vào một câu chuyện cảm động về con người, có vẻ như tượng trưng cho toàn bộ mâu thuẫn. Khi bạn cố giải thích với người khác sự phức tạp thực sự của mâu thuẫn bằng thống kê và dữ liệu chính xác, họ sẽ không thèm lắng nghe; nhưng một câu chuyện cá nhân về số phận của một đứa trẻ sẽ kích hoạt các tuyến lệ, làm máu sôi lên và tạo ra sự chắc chắn đạo đức giả tạo. Đây là điều mà rất nhiều tổ chức từ thiện đã hiểu ra từ rất lâu rồi. Trong một thí nghiệm đáng lưu ý, người ta được yêu cầu quyên tiền để giúp một bé gái bảy tuổi đến từ Mali tên là Rokia. Nhiều người cảm động vì câu chuyện của cô bé và mở cả trái tim lẫn hầu bao. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu thêm vào câu chuyện cá nhân của Rokia số liệu về vấn đề rộng hơn là nghèo đói ở châu Phi, những người tham gia lập tức trở nên ít sẵn lòng hẳn. Trong một nghiên cứu khác, các học giả mở các cuộc quyên góp để giúp đỡ một đứa bé bị bệnh hoặc tám đứa bé bị bệnh. Mọi người cho một đứa bé nhiều tiền hơn cho nhóm tám đứa bé.
Phương pháp thứ ba để đương đầu với các vấn đề đạo đức lưỡng nan quy mô lớn là thêu dệt các thuyết âm mưu. Nền kinh tế toàn cầu hoạt động như thế nào và nó là tốt hay xấu? Câu hỏi quá phức tạp để có thể nắm bắt. Sẽ dễ hơn nhiều khi tưởng tượng 20 tay đại tỷ phú đang giật dây sau sân khấu, kiểm soát truyền thông và khích bác gây chiến tranh hòng làm giàu cho bản thân. Điều này hầu như luôn là một ảo tưởng vô căn cứ. Thế giới ngày nay là quá phức tạp, không chỉ đối với cảm quan công lý mà với cả khả năng quản lý của chúng ta nữa. Không ai, kể cả những đại tỷ phú, CIA, Hội Tam Điểm và Hội trưởng lão Do Thái, thực sự hiểu điều gì đang diễn ra trên thế giới. Thế nên không ai có khả năng giật dây hiệu quả cả.
Ba phương pháp này cố tìm cách chối bỏ sự phức tạp thực sự của thế giới. Phương pháp thứ tư, và cuối cùng, là tạo ra một giáo lý, đặt niềm tin của chúng ta vào một lý thuyết, tổ chức hay lãnh đạo được coi là toàn tri nào đó và đi theo nó dù nó dẫn ta đến đâu. Các giáo lý tôn giáo và ý thức hệ vẫn cực kỳ hấp dẫn trong thời đại khoa học chính vì chúng mang đến cho ta một bến đỗ an toàn khỏi sự phức tạp nản lòng của hiện thực. Như đã nói lúc trước, các phong trào thế tục không được miễn trừ khỏi mối nguy hiểm này. Ngay cả khi bạn bắt đầu bằng cách chối bỏ mọi giáo lý tôn giáo và một cam kết sắt đá vào sự thật khoa học, chẳng mấy chốc sự phức tạp của hiện thực cũng sẽ làm bạn bực mình đến nỗi bạn sẽ bị lôi kéo đến chỗ rập khuôn một học thuyết mà không ai có thể nghi ngờ. Trong khi các học thuyết như vậy mang lại cho con người sự an ủi về trí tuệ và sự chắc chắn về đạo đức, chuyện nó có mang lại công lý hay không thì vẫn phải bàn.
Thế thì ta phải làm sao đây? Liệu ta có nên tiếp nhận giáo lý tự do và tin tưởng vào khối tập hợp của các cử tri và khách hàng riêng lẻ? Hay ta nên chối bỏ cách tiếp cận cá nhân hóa và, như nhiều nền văn hóa trước đây trong lịch sử, trao quyền cho các cộng đồng để cùng nhau hiểu thế giới? Tuy nhiên, một giải pháp như thế chỉ giúp ta tránh vỏ dưa của sự ngờ nghệch cá nhân mà gặp phải vỏ dừa là suy nghĩ nhóm đầy thiên kiến mà thôi. Các nhóm săn bắt-hái lượm, các cộng đồng làng xã và cả các khu dân cư thành thị đã từng có thể cùng nhau nghĩ về các vấn đề chung mà họ đối mặt. Nhưng giờ chúng ta đang phải gánh chịu các vấn đề toàn cầu mà không có một cộng đồng toàn cầu, facebook, chủ nghĩa dân tộc hay tôn giáo đều chưa đạt đến việc tạo ra một cộng đồng như thế. Tất cả các nhóm người đang tồn tại đều đang mải mê xúc tiến các lợi ích riêng của mình hơn là hiểu được sự thật toàn cầu. Cả người Mỹ, người Trung Quốc, người Hồi hay người Hindu dều không cấu thành “cộng dồng toàn cầu”; thế nên mọi phiên bản diễn dịch hiện thực của họ dều có thể khó chính xác.
Thế thì liệu chăng ta nên từ bỏ và tuyên bố là cuộc kiếm tìm để hiểu được sự thật và tìm ra công lý của loài người đã thất bại? Liệu ta dã chính thức bước vào kỷ nguyên “Hậu-sự thật”?