21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 17
17
* * *
“Hậu-Sự Thật”
MỘT SỐ TIN GIẢ TỒN TẠI MÃI MÃI
NHỮNG NGÀY này chúng ta liên tục được nhắc nhở rằng mình đang sống trong một thời đại mới và đáng e ngại có tên là “Hậu-sự thật”, rằng những hư cấu hiện diện quanh ta. Chẳng khó tìm ví dụ. Vào cuối tháng Hai năm 2014, các đội đặc nhiệm Nga chiếm đóng một số vùng quan trọng ở Crimea. Người ta phủ nhận đó là quân đội Nga, thay vào đó mô tả họ là các “nhóm tự vệ” tự phát có thể đã kiếm được quân phục trông như của Nga từ các cửa hàng địa phương. Khi họ lên tiếng về tuyên bố khá phi lý này, Putin và các trợ lý của ông biết rất rõ rằng họ đang nói dối.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga có thể bào chữa cho lời nói dối này bằng cách lập luận rằng nó phục vụ một sự thật cao hơn. Nga đã tham gia vào một cuộc chiến chính nghĩa, và nếu giết được vì một lý do chính đáng, chắc chắn cũng không sao khi nói dối? Mục tiêu cao hơn được cho là biện minh được việc tiến vào Crimea là bảo vệ tổ quốc Nga thiêng liêng. Theo các truyền thuyết dân tộc Nga thì nước Nga là một thực thể thiêng liêng đã tồn tại suốt hàng ngàn năm qua, bất kể những nỗ lực hết lần này tới lần khác của các kẻ thù xấu xa nhằm xâm lược và chia năm xẻ bảy đất nước. Theo sau người Mông Cổ, người Ba Lan, người Thụy Điển, đại quân của Napoleon và quân đội Quốc xã của Hitler, vào năm 1990, chính NATO, Mỹ và EU cố tiêu diệt nước Nga bằng cách chia rẽ từng phần của đất nước và biến chúng thành các quốc gia “giả” như là Ukraine. Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga, ý nghĩ Ukraine là một nước độc lập tách khỏi nước Nga là “lời nói dối” lớn hơn rất nhiều so với bất cứ lời nào được thốt ra trong nhiệm vụ thiêng liêng nhằm tái hợp nhất tổ quốc Nga.
Các công dân Ukraine, những quan sát viên bên ngoài và các sử gia chuyên nghiệp có thể dễ dàng nổi giận với lối giải thích trên và xem nó như một “hư cấu bom nguyên tử”. Việc tuyên bố Ukraine không tồn tại với tư cách một dân tộc và một đất nước độc lập là bỏ qua một danh sách dài các sự thật lịch sử; chẳng hạn, trong hàng ngàn năm được cho là thống nhất của Nga, Kiev và Moscow chỉ là các phần của cùng một nước trong khoảng 300 năm. Quan trọng hơn cả, nó không tính đến điều mà hàng triệu người Ukraine nghĩ về mình. Chẳng lẽ họ không có tiếng nói trong việc tuyên bố mình là ai hay sao?
Các nhà dân tộc chủ nghĩa Ukraine chắc chắn sẽ đồng ý với các nhà dân tộc chủ nghĩa Nga rằng, đúng là có một số nước “giả” ở quanh đây. Nhưng Ukraine không phải là một trong số đó. Thay vào đó, những quốc gia giả mạo này là 'Cộng hòa Dân tộc Luhansk' và 'Cộng hòa Donetsk' mà Nga đã thiết lập để che giấu cuộc xâm lược chưa được tiến hành của mình đối với Ukraine.
Dù bạn ủng hộ phe nào thì có vẻ như quả thật, chúng ta đang sống trong một thời kỳ Hậu-sự-thật đáng e ngại. Nhưng nếu đây là kỷ nguyên Hậu-sự-thật thì chính xác lúc nào là thời kỳ Sự thật yên ả? Vào những năm 1980 ư? Hay những năm 1950? Hay những năm 1930? Và điều gì khơi mào cho sự chuyển tiếp của chúng ta sang kỷ nguyên Hậu-sự thật? Mạng Intemet? Truyền thông xã hội? Sự nổi lên của Putin và Trump?
Một cái nhìn lướt qua lịch sử cho thấy tuyên truyền và gây nhiễu thông tin chẳng phải cái gì mới, ngay cả thói quen phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại cả một quốc gia và tạo ra các quốc gia giả cũng có nguồn gốc lâu đời. Vào năm 1931, quân đội Nhật dàn dựng các cuộc tấn công giả vào chính mình để biện minh cho hành vi xâm lược Trung Quốc, rồi tạo một nước giả là Mãn Châu quốc để hợp thức hóa các cuộc chinh phạt của mình. Việc người Anh định cư ở Úc được biện minh bằng học thuyết pháp lý terra nullius (tiếng Latin, tức “vùng đất không người”), kết quả là xóa sổ 50.000 năm lịch sử của người bản địa Úc.
Vào đầu thế kỷ 20, một khẩu hiệu Do Thái được ưa thích nói đến sự trở lại của “một dân tộc không đất đai (người Do Thái) về một vùng đất không dân tộc (Palestine)”. Sự tồn tại của cộng đồng người Ả Rập bản địa bị phớt lờ “nhẹ như không”. Vào năm 1969, thủ tướng Israel Golda Meir có một phát biểu nổi tiếng rằng không có và cũng chưa từng có người Palestine. Những quan điểm như vậy vẫn rất phổ biến ở Israel thậm chí ngay cả ngày nay, dẫu qua nhiều thập kỷ xung đột vũ trang với một thứ không tồn tại. Chẳng hạn, vào tháng Hai năm 2016, bà Anat Berko có một bài phát biểu trước những người đồng nhiệm của mình ở Nghị viện Israel, trong đó bà nghi ngờ tính xác thực của dân tộc Palestine. Bằng chứng của bà ư? Chữ cái p thậm chí còn không tồn tại trong tiếng Ả Rập, thế thì làm sao có dân tộc Palestine được (trong tiếng Ả Rập, chữ f thay cho chữ p trong các ngôn ngữ khác và tên tiếng Ả Rập của Palestine là Falastin)?
—ooOoo—
LOÀI HẬU-SỰ THẬT
TRÊN THỰC tế, con người vốn luôn sống trong thời kỳ Hậu-sự thật. Homo sapiens là một loài Hậu-sự thật, sức mạnh của nó phụ thuộc vào việc tạo ra và tin vào các câu chuyện hư cấu. Từ thời Đồ Đá, các truyền thuyết tự gia cường đã giúp đoàn kết các cộng đồng người. Thực sự, Homo sapiens chinh phục hành tinh này trên hết là nhờ khả năng độc đáo là sáng tạo và lan truyền những câu chuyện hư cấu. Chúng ta là loài có vú duy nhất có thể hợp tác với vô số người xa lạ vì chỉ chúng ta mới có thể phát minh ra các câu chuyện hư cấu, lan truyền chúng và thuyết phục hàng triệu người khác tin vào chúng. Miễn là mọi người đều tin vào những câu chuyện giống nhau thì chúng ta sẽ đều tuân thủ các điều luật giống nhau và từ đó có thể hợp tác hiệu quả.
Thế nên nếu bạn đổ lỗi cho Facebook hay Trump đã mang đến một kỷ nguyên mới và đáng sợ là kỷ nguyên Hậu-sự thật, hãy nhắc cho mình nhớ là nhiều thế kỷ trước, hàng triệu người Cơ Đốc đã nhốt mình vào một cái bong bóng-huyền thoại-tự gia cường, không bao giờ dám đặt câu hỏi về tính xác thực của Kinh Thánh, trong khi hàng triệu người Hồi giáo đã đặt niềm tin không lay chuyển vào kinh Quran. Trong hàng ngàn năm, rất nhiều thứ được cho là “tin tức” và “dữ kiện” trong các mạng lưới xã hội loài người là những câu chuyện về những điều kỳ diệu, thiên thần, ác quỷ và phù thủy, với các phóng viên xông xáo tường thuật trực tiếp từ những hố sâu nhất của thế giới ngầm. Chúng ta không có bằng chứng khoa học về việc Eve bị con rắn cám dỗ, linh hồn của tất cả những kẻ ngoại đạo bị thiêu dưới địa ngục sau khi chết hay đấng tạo ra vũ trụ không thích việc một người Bà-la-môn cưới một kẻ tiện dân (tầng lớp Dalit); thế nhưng biết bao người đã tin vào những câu chuyện này trong hàng ngàn năm. Một số tin hư cấu còn tồn tại mãi.
Tôi biết nhiều người có thể sẽ không hài lòng khi tôi đánh đồng tôn giáo với hư cấu, nhưng chính xác đấy là ý của tôi. Khi một ngàn người tin vào một câu chuyện được dựng ra trong một tháng, thì đấy là hư cấu. Khi một tỷ người tin chuyện đó trong một ngàn năm, đấy là tôn giáo; và chúng ta được khuyên là không được gọi nó là “hư cấu” để không làm tổn thương cảm xúc của những người có đạo (hay làm họ nổi cơn giận). Tuy nhiên, hãy nhớ là tôi không phủ nhận tính hiệu lực hay sự rộng lượng tiềm tàng của tôn giáo. Ngược lại là khác. Dù tốt hay xấu, chuyện hư cấu nằm trong số những công cụ hiệu quả nhất trong bộ công cụ của loài người. Bằng cách kết nối mọi người lại với nhau, các tôn giáo khiến việc hợp tác trên quy mô lớn giữa con người trở nên khả dĩ. Chúng truyền cảm hứng cho người ta xây bệnh viện, trường học và cầu đường ngoài quân đội và nhà tù. Adam và Eve chưa bao giờ tồn tại, nhưng Nhà thờ lớn Chartres vẫn tuyệt đẹp. Kinh Thánh có thể có chi tiết hư cấu, nhưng nó vẫn có thể mang đến niềm vui cho hàng tỷ người và vẫn có thể khuyên khích con người trở nên bác ái, dũng cảm và sáng tạo như các tác phẩm hư cấu vĩ đại khác, như Don Quixote, Chiến tranh và hòa bình và bộ truyện về Harry Potter.
Một lần nữa, một vài người có thể thấy bị xúc phạm vì tôi so sánh Kinh Thánh với truyện Harry Potter. Nếu bạn là một người Cơ Đốc có đầu óc khoa học, bạn có thể giải thích được tất cả các truyền thuyết và mâu thuẫn trong Kinh Thánh bằng cách phản biện rằng, sách thiêng không bao giờ được viết ra để đọc lấy dữ kiện thực mà để dùng như một câu chuyện mang tính ẩn dụ, hàm chứa trí tuệ sâu xa. Nhưng chẳng phải truyện Harry Potter cũng thế hay sao?
Nếu bạn là một người Cơ Đốc chính thống, chắc bạn sẽ khăng khăng cho rằng mọi lời của Kinh Thánh đều là sự thật theo nghĩa đen. Giả dụ là bạn đúng, rằng Kinh Thánh quả thực là lời không thể sai khác của một vị Chúa đích thực duy nhất. Thế thì bạn coi kinh Quran, kinh Talmud, kinh Mormon, kinh Vệ Đà, kinh Avesta, Sinh tử Kỳ thư của Ai Cập là gì? Chẳng phải bạn muốn nói tất cả những văn bản này đều là (những câu chuyện hư cấu) tạo ra hay sao? Rồi bạn nhìn nhận sự thiêng liêng của các vị vua La Mã như Augustus và Claudius như thế nào? Thượng viện La Mã tự cho mình có quyền năng biến người thường thành thần linh, rồi yêu cầu con dân của đế chế phải thờ phụng các vị thần này. Chẳng phải đó là một sự hư cấu sao? Thực tế, chúng ta có ít nhất một ví dụ trong lịch sử về một vị thần giả đã thừa nhận sự hư cấu đó bằng chính miệng mình. Như đã nói từ trước, chế độ quân sự Nhật Bản vào những nâm 1930 và đầu 1940 dựa vào một niềm tin cuồng tín về sự thiêng liêng của Nhật hoàng Hirohito. Sau thất bại của Nhật Bản, Hirohito tuyên bố công khai rằng điều đó không đúng, rằng ông không phải là một vị thần.
Thế nên ngay cả khi tin rằng Kinh Thánh đích thực là lời Chúa, điều đó vẫn để lại chúng ta với hàng tỷ người Hindu, Hồi giáo, Do Thái, Ai Cập, La Mã và Nhật Bản sùng đạo đặt niềm tin vào những câu chuyện được truyền tụng suốt hàng ngàn năm nay. Một lần nữa, điều đó không có nghĩa các câu chuyện này là không có giá trị hay có hại. Chúng vẫn đẹp tuyệt và gợi cảm hứng.
Dĩ nhiên, không phải mọi truyền thuyết tôn giáo đều có lợi như nhau. Vào ngày 29 tháng Tám năm 1255, xác một cậu bé người Anh chín tuổi tên là Hugh được tìm thấy trong một cái giếng ở thị trấn Lincoln. Ngay cả khi không có Facebook và Twitter, tin đồn vẫn nhanh chóng lan đi rằng Hugh bị những người Do Thái địa phương sát hại theo nghi thức hiến tế. Câu chuyện ngày càng được thêm thắt và một trong những người kể chuyện nổi tiếng nhất nước Anh lúc bấy giờ, Matthew Paris, đã cung cấp một mô tả chi tiết và ghê rợn về cách những người Do Thái danh tiếng ở khắp nước Anh tụ tập ở Lincoln để nuôi béo, tra tấn và cuối cùng là đóng đinh đứa trẻ bị bắt cóc. Mười chín người Do Thái đã bị xét xử và tử hình vì tội giết người. Nhiều vụ vu vạ hiến tế tương tự trở nên phổ biến ở các thị trấn khác ở Anh, dẫn đến một loạt các cuộc tàn sát trong đó nhiều cộng đồng bị xóa sổ. Cuối cùng, vào năm 1290, toàn bộ dân số Do Thái ở Anh bị trục xuất.
Câu chuyện không dừng ở đó. Một thế kỷ sau sự trục xuất của người Do Thái khỏi Anh quốc, Geoffrey Chaucer, cha đẻ của văn học Anh, đã đưa một câu chuyện vu vạ hiến tế dựa trên câu chuyện của Hugh vùng Lincoln vào Những chuyện kể Canterbury (“Chuyện bà tu viện trưởng”). Câu chuyện kết thúc bằng việc treo cổ người Do Thái. Những câu chuyện hiến tế tương tự sau đó đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi phong trào bài-Do Thái từ Tây Ban Nha cuối thời Trung cổ đến một vài nước hiện tại. Ta có thể nghe thấy tiếng vọng xa xăm của nó trong câu chuyện “tin giả” năm 2016 rằng Hillary Clinton đứng đầu một đường dây buôn bán trẻ em đã giam giữ trẻ con để làm nô lệ tình dục trong tầng hầm một tiệm pizza nổi tiếng. Có đủ người Mỹ tin vào câu chuyện đó để ảnh hưởng xấu đến cuộc tranh cử của Clinton; thậm chí, một người đã mang súng đến tiệm pizza nói trên và yêu cầu cho xem tầng hầm (hóa ra tiệm pizza đó khống có tầng hầm).
Còn về Hugh vùng Lincoln, chẳng ai biết vì sao cậu bé chết, nhưng cậu được an táng trong Nhà thờ lớn Lincoln và được phong thánh. Nghe đồn cậu thi triển được nhiều phép mầu và mộ cậu vẫn tiếp tục thu hút khách hành hương ngay cả nhiều thế kỷ sau việc trục xuất toàn bộ người Do Thái khỏi Anh. Chỉ đến năm 1955, mười năm sau cuộc diệt chủng Holocaust, Nhà thờ lớn Lincoln mới bác bỏ câu chuyện vu vạ hiến tế, đặt một tấm biển gần mộ Hugh ghi rằng:
Những câu chuyện thổi phồng về các cuộc “sát hại theo nghi thức” của cộng đồng Do Thái đối với các cậu bé Cơ Đốc từng phổ biến khắp châu Âu thời Trung cổ và thậm chí mãi về sau. Những chuyện hư cấu này đã cướp đi mạng sống của nhiều người Do Thái vô tội. Lincoln có câu chuyện riêng của mình và người được cho là nạn nhân đã được an nghỉ trong Nhà thờ lớn vào năm 1255. Những câu chuyện như vậy không ảnh hưởng đến tiếng tăm của Cơ Đốc giáo.
Đấy, một số tin giả chỉ tồn tại có 700 năm.
—ooOoo—
MỘT LẦN THÌ LÀ NÓI DỐI,
LẶP LẠI MÃI THÌ LÀ SỰ THẬT
CÁC TÔN giáo cổ xưa không phải là nơi duy nhất sử dụng hư cấu để củng cố hợp tác. Trong các thời kỳ gần đây, truyền thuyết dân tộc cũng được tạo dựng ở một số nơi cho riêng mình, trong khi các phong trào như chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa tự do đều nhào nặn ra các cương lĩnh tự-gia cường rất chi tiết. Joseph Goebbels, người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Quốc xã và có lẽ là “phù thủy truyền thông” thời hiện đại, nghe đồn đã giải thích cách làm của mình một cách cô đọng rằng: “Một lời nói dối nói ra một lần mãi là lời nói dối, nhưng một lời nói dối nói đi nói lại một ngàn lần sẽ trở thành sự thật.” Trong cuốn sách Mein Kampf (tạm dịch: Cuộc đấu tranh của tôi), Hitler viết: “Kỹ năng tuyên truyền xuất sắc nhất sẽ không có tác dụng gì trừ phi ghi nhớ liên tục trong đầu một nguyên tắc cơ bản: nó phải tự giới hạn mình chỉ trong vài điểm và lặp lại những điểm đó liên tục.” Có kẻ rêu rao tin giả hiện đại nào nói được điều gì hay hơn không?
Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô cũng nhanh nhẹn không kém với sự thật, viết lại lịch sử của tất cả mọi thứ, từ toàn bộ cuộc chiến tranh cho đến những bức ảnh riêng lẻ. Vào ngày 29 tháng 6 năm 1936, tờ báo chính thức Pravda (tên có nghĩa là ‘sự thật) mang trên trang nhất một bức ảnh của Joseph Stalin đang mỉm cười ôm lấy Gelya Markizova, một cô bé bảy tuổi. Hình ảnh đã trở thành một biểu tượng của Stalin, coi Stalin là Cha của Quốc gia và lý tưởng hóa ’Hạnh phúc thời thơ ấu của Liên Xô. Các nhà in và nhà máy in ấn trên khắp đất nước bắt đầu tung ra hàng triệu áp phích, tác phẩm điêu khắc và tranh khảm của cảnh, được trưng bày trong các tổ chức công cộng từ đầu này đến đầu kia của Liên Xô. Cũng như không có nhà thờ Chính thống Nga nào hoàn chỉnh mà không có biểu tượng Đức Trinh Nữ Maria đang bế bé Jesus, nên không trường phái Liên Xô nào có thể làm được nếu không có biểu tượng Papa Stalin bế bé Gelya.
Than ôi, trong sự nổi tiếng của đế chế Stalin, thường là một lời mời đến thảm họa. Trong vòng một năm, cha Gelya đã bị bắt với cáo buộc không có thật rằng ông là gián điệp Nhật Bản và là một tên khủng bố Trotskyite. Năm 1938, ông bị xử tử, một trong hàng triệu nạn nhân của vụ khủng bố Stalin. Gelya và mẹ cô bị đày đến Kazakhstan, nơi người mẹ sớm qua đời trong hoàn cảnh bí ẩn. Phải làm gì bây giờ với vô số biểu tượng mô tả Cha của dân tộc với một cô con gái của một kẻ thù bị kết án là 'kẻ thù của người dân'? Không vấn đề gì. Từ lúc đó trở đi, Gelya Markizova biến mất và 'Đứa trẻ Xô Viết hạnh phúc' trong hình ảnh có mặt khắp nơi được xác định là Mamlakat Nakhangova - một cô gái Tajik mười ba tuổi, người đã kiếm được Huân chương Lenin bằng cách chăm chỉ hái nhiều bông trên cánh đồng (nếu bất cứ ai nghĩ rằng cô gái trong bức tranh trông không giống một đứa trẻ mười ba tuổi, thì họ được xem là những kẻ dị giáo phản cách mạng).
Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô rất hiệu quả, đến nỗi nó có thể che giấu sự tàn bạo ghê gớm ở trong nước, trong khi phóng ra một khung cảnh không tưởng ở nước ngoài. Ngày nay, người dân Ukraine phàn nàn rằng Putin đã lừa dối thành công nhiều cơ quan truyền thông phương Tây về các hành động của Nga tại Crimea và Donbas. Tuy nhiên, trong nghệ thuật lừa dối, ông khó có thể giữ một ngọn nến cho Stalin. Đầu những năm 1930, các nhà báo và trí thức cánh tả phương Tây đã ca ngợi Liên Xô là một xã hội lý tưởng vào thời điểm người Ukraine và các công dân Liên Xô khác đang chết trong hàng triệu người từ nạn đói do con người tạo ra mà Stalin đã dàn xếp. Tuy nhiên, vào thời đại của Facebook và Twitter, việc quyết định tin vào phiên bản nào của sự việc đôi khi là khó khăn, ít nhất là không thể có chế độ giết hàng triệu người mà cả thế giới không biết về nó.
Nhiều công ty thương mại cũng dựa vào hư cấu. Quảng cáo nhãn hàng thường bao gồm việc kể đi kể lại cùng một câu chuyện hư cấu cho đến khi người ta tin rằng đấy là sự thật. Khi nghĩ về Coca-Cola thì trí óc bạn hiện ra hình ảnh gì? Bạn có nghĩ về những người trẻ trung khỏe mạnh tham gia các hoạt động thể thao và vui vẻ với nhau không? Hay bạn nghĩ về các bệnh nhân tiểu đường quá cân nằm trên giường bệnh? Uống nhiều Coca-Cola không làm bạn trẻ, không làm bạn khỏe và không làm bạn ưa vận động hơn; thay vào đó, nó tăng khả năng mắc tiểu đường và béo phì. Thế nhưng suốt nhiều thập kỷ, Coca-Cola đã đầu tư hàng tỷ đô la để kết nối nó với tuổi trẻ, sức khỏe và thể thao; và hàng tỷ người tin vào sự kết nối này trong tiềm thức.
Sự thật là sự thật chưa bao giờ giữ ưu tiên cao trong lịch trình của Homo sapiens. Nhiều người cho rằng nếu ai đó xuyên tạc hiện thực thì sớm muộn gì người ta cũng sẽ phát hiện ra vì họ không thể cạnh tranh với các đối thủ có quan điểm rõ ràng hơn. À, đấy chỉ là một truyền thuyết mang tính an ủi khác. Trên thực tế, năng lực hợp tác của con người phụ thuộc vào một sự cân bằng mong manh giữa sự thật và hư cấu.
Nếu sự thật bị phản ánh sai quá mức, nó quả thực sẽ làm bạn yếu đi bằng cách khiến bạn hành xử theo những cách thiếu thực tế. Chẳng hạn, vào năm 1905, một ông đồng người Đông Phi có tên là Kinjikitile Ngwale tuyên bố mình được Thần Rắn Hongo nhập. Nhà tiên tri mới có một thông điệp mang tính cách mạng gửi đến người dân của thuộc địa Đông Phi thuộc Đức: hãy đoàn kết và đánh đuổi bọn Đức. Để làm cho thông điệp trở nên hấp dẫn hơn, Ngwale đã cấp cho các tín đồ của mình một thứ thuốc thần nghe nói sẽ biến đạn của người Đức thành nước (maji theo tiếng Swahili). Thế là Cuộc nổi dậy Maji Maji bắt đầu. Nó thất bại. Vì trên chiến trường, đạn Đức không biến thành nước. Thay vào đó, chúng xuyên thủng những kẻ nổi dậy ít vũ trang một cách không thương tiếc. Hai ngàn năm trước đó, cuộc nổi dậy vĩ đại của người Do Thái chống người La Mã cũng bắt nguồn theo cách tương tự từ một niềm tin mãnh liệt rằng, Chúa sẽ chiến đấu vì người Do Thái và giúp họ đánh bại Đế chế La Mã dường như bất khả chiến bại. Cuộc nổi dậy đó cũng thất bại, dẫn đến sự tàn phá thành Jerusalem và sự lưu vong của người Do Thái.
Mặt khác, bạn không thể tổ chức số lượng người đông đảo một cách hiệu quả nếu không dựa vào một truyền thuyết nào đó. Nếu bạn bám chặt lấy hiện thực không sơn trét, rất ít người sẽ đi theo. Không có các truyền thuyết, việc tổ chức không chỉ là các cuộc nổi dậy Maji và Do Thái thất bại nói trên mà cả các cuộc nổi dậy thành công hơn rất nhiều của người Mahdi và người Maccabee cũng đều là bất khả.
Ở Liên Xô trước đây, thời Stalin cũng có những tuyên truyền nhất định và linh hoạt, khiến cho một số thứ trở nên phù hợp. Ngày 29 tháng Sáu năm 1936, báo chính thống đăng hình Joseph Stalin tươi cười ôm hôn Gelya Markizova, một cô bé 7 tuổi. Hình ảnh này được nhân ra và treo tại các công sở, trường học để nói về một tuổi thơ Xô Viết hạnh phúc.
Tuy nhiên việc này khiến người ta khó nhìn ra được mặt kia khi phóng chiếu một hình ảnh thiên đường ra bên ngoài. Vào đầu những năm 1930, khi các phóng viên và giới trí thức cánh tả phương Tây vẫn đang coi Liên Xô là một xã hội kiểu mẫu thì nó cũng đã ít nhiều bộc lộ tình trạng bất cập. Trong khi vào thời đại của Facebook và Twitter, việc quyết định tin vào phiên bản nào của sự việc đôi khi là khó khăn nhưng ít nhất không phải sự thật nào cũng bị làm mờ đi.
Trên thực tế, các câu chuyện “sai lệch” có một lợi thế nội tại so với sự thật khi cần đoàn kết con người. Nếu bạn muốn đo lòng trung thành nhóm, đòi hỏi người ta tin vào một điều kỳ quặc sẽ là một bài kiểm tra hữu hiệu hơn nhiều so với yêu cầu họ tin vào sự thật. Nếu một nhà lãnh đạo nói “mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây”, người ta không cần lòng trung thành với ông ta để khen ngợi. Nhưng nếu nhà lãnh đạo nói “mặt trời mọc đằng Tây và lặn đằng Đông” thì chỉ những người trung thành thực sự mới vỗ tay. Tương tự, nếu tất cả láng giềng của bạn đều tin vào cùng một câu chuyện quái đản, bạn có thể tin rằng, đến lúc khủng hoảng họ sẽ sát cánh bên nhau. Nếu họ sẵn sàng tin vào chỉ những sự thật đã được kiểm chứng thì điều đó có chứng minh được gì đâu.
Bạn có thể lý luận rằng ít nhất trong một số trường hợp, việc tổ chức con người một cách hiệu quả qua đồng thuận hơn là hư cấu và truyền thuyết vẫn là khả thi chứ. Ví dụ, trong địa hạt kinh tế, tiền bạc và các tập đoàn gắn kết con người với nhau hiệu quả hơn bất kỳ thần thánh hay sách thiêng nào, ngay cả khi ai cũng biết chúng chỉ là một thỏa thuận của con người thôi. Trong trường hợp của một cuốn sách thiêng, một tín đồ chân chính sẽ nói: “Tôi tin cuốn sách này là thiêng liêng”; trong khi với đồng đô la, tín đồ chân chính ấy sẽ chỉ nói: “Tôi tin những người khác tin đồng đô la có giá trị.” Rõ ràng đồng đô la chỉ là một phát minh của con người, nhưng mọi người trên khắp thế giới tôn trọng nó. Nếu thế, tại sao con người không thể từ bỏ mọi truyền thuyết và hư cấu, sau đó tổ chức trên cơ sở các đồng thuận như là đồng đô la?
Tuy nhiên, các thỏa thuận như vậy không tách biệt rạch rời khỏi hư cấu. Ví dụ, sự khác biệt giữa các cuốn sách thiêng và tiền bạc nhỏ hơn nhiều so với nhìn nhận ban đầu. Khi hầu hết mọi người nhìn thấy một tờ đô la, họ quên mất đó chỉ là một quy ước của con người. Khi họ nhìn thấy tờ giấy xanh in hình một người đàn ông da trắng đã khuất, họ nhìn nhận nó như một cái gì đó giá trị ở chính bản thân nó. Họ ít khi tự nhủ: “Thực ra, đây là một mẩu giấy vô dụng, nhưng vì những người khác xem nó là giá trị nên ta có thể sử dụng nó.” Nếu quan sát một bộ não người trong máy quét cộng hưởng từ chức năng (fMRI), bạn sẽ thấy khi ai đó được đưa cho xem một vali đầy các tờ 100 đô la, các phần của não bộ bắt đầu rung lên đầy hứng khỏi không phải là các phần nghi ngờ (“Những người khác tin rằng cái này là có giá trị”) mà là các phần tham lam (“Trời ạ! Mình muốn cái đó!”). Trái lại, trong vô số các trường hợp, người ta bắt đầu thần thánh hóa Kinh Thánh hay kinh sách chỉ sau thời gian tiếp xúc dài và liên tục với những người xem nó là linh thiêng. Chúng ta học cách tôn trọng kinh sách giống hệt cách học cách tôn trọng các tờ tiền.
Dọ đó, trên thực tế, không có sự phân chia rõ ràng giữa “biết thứ gì đó chỉ lạ một quy ước giữa người với người” và “tin rằng thứ gì đó thực sự có giá trị”. Trong nhiều trường hợp, con người mù mờ hoặc quên mất sự phân chia này. Một ví dụ khác, trong một cuộc thảo luận triết học sâu sắc về sự phân chia nói trên, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng các tập đoàn chỉ là các câu chuyện hư cấu do con người dựng nên. Microsoft không phải là những tòa nhà mà nó sở hữu, những con người mà nó thuê hay những cổ đông mà nó phụng sự; trên thực tế, nó là một sự hư cấu tinh vi hợp pháp được những nhà làm luật và các luật sư dệt nên. Thế nhưng trong 99% thời gian, chúng ta không tham gia vào các cuộc thảo luận triết học sâu sắc và chúng ta đối xử với các tập đoàn như thể chúng là các thực thể có thật trên đời, như hổ hay người vậy.
Xóa nhòa lằn ranh giữa hư cấu và thực tế có thể dừng vào nhiều mục đích, từ chỗ “cho vui” cho đến “sinh tồn”. Ta không thể chơi trò chơi hay đọc tiểu thuyết trừ phi tạm ngừng sự “không tin” ít nhất là trong một thời gian. Để thực sự tận hưởng môn bóng đá, bạn phải chấp nhận các luật chơi và quên đi trong ít nhất 90 phút rằng chúng chỉ là những phát minh của con người. Nếu không, bạn sẽ thấy chuyện 22 người chạy đuổi theo một quả bóng thật hết sức kỳ cục. Bóng đá có thể bắt đầu chỉ cho vui, nhưng nó có thể trở thành những thứ nghiêm trọng hơn rất nhiều, như bất kỳ tay hooligan Anh hay tay dân tộc chủ nghĩa Argentina nào có thể chúng thực. Bóng đá có thể giúp hình thành bản sắc con người, gắn kết các cộng đồng lớn, thậm chí mang lại lý do cho bạo lực nữa.
Con người có một khả năng đặc biệt là cùng lúc vừa biết, vừa không biết. Hay nói đúng hơn, họ có thể biết một cái gì đó khi họ thực sự nghĩ về nó; nhưng phần lớn thời gian, họ không nghĩ về nó, thế nên họ không biết. Nếu thực sự tập trung, bạn nhận ra tiền là hư cấu. Nhưng thường bạn không nghĩ về điều ấy. Nếu được hỏi, bạn biết bóng đá là một sáng tạo của con người. Nhưng giữa sức nóng của trận đấu, chẳng ai hỏi về chuyện đó cả. Nếu dành trọn thời gian và năng lượng, bạn có thể nhận ra các quốc gia chỉ là những câu chuyện tạo dựng tinh vi. Nhưng giữa một cuộc chiến, bạn không cố thời gian và năng lượng. Nếu bạn yêu cầu tận cùng sự thật, bạn nhận ra câu chuyện Adam và Eve chỉ là truyền thuyết. Nhưng có mấy khi bạn đi đến tận cùng sự thật?
Sự thật và quyền lực chỉ có thể đi cùng nhau đến thế. Chẳng mấy chốc, chúng sẽ đường ai nấy đi. Nếu bạn muốn quyền lực, ở một thời điểm nào đó bạn sẽ phải lan truyền hư cấu. Nếu bạn muốn sự thật về thế giới, ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ phải chối bỏ quyền lực. Bạn sẽ phải thừa nhận một số thứ, chẳng hạn nguồn gốc quyền lực của bạn, thứ sẽ chọc tức các đồng minh của bạn, làm mất lòng những người tin theo bạn hoặc làm suy yếu hòa hợp xã hội. Các học giả ở mọi thời đều đối mặt với thế lưỡng nan này. Họ nên hướng tới đoàn kết mọi người bằng cách đảm bảo rằng mọi người tin vào cùng một câu chuyện hay để họ biết sự thật dù cái giá phải trả là sự chia rẽ? Các thiết chế học thuật quyền lực nhất, dù là các giáo sĩ Cơ Đốc, các quan lại Khổng giáo, đều đặt đoàn kết lên trên hết. Đấy là lý do vì sao họ lại quyền lực đến vậy.
Với tư cách một loài, con người thích quyền lực hơn sự thật. Chúng ta dành thời gian và công sức cố gắng điều khiển thế giới nhiều hơn là hiểu nó; ngay cả khi cố gắng để hiểu, ta cũng thường làm vậy với hy vọng rằng hiểu được thế giới sẽ khiến việc kiểm soát nó trở nên dễ dàng hơn. Do đó, nếu bạn mơ về một xã hội trong đó sự thật ngự trị ở đỉnh cao và các truyền thuyết bị phớt lờ, bạn nên trông chờ rất ít ở Homo sapiens. Đi thử vận may với mấy con đười ươi còn tốt hơn.
—ooOoo—
THOÁT KHỎI CỖ MÁY THANH LỌC
TẤT CẢ những điều này không có nghĩa là hư cấu không phải là một vấn đề nghiêm trọng, hay các chính trị gia và thầy tu được cấp môn bài miễn tử, tha hồ hư cấu. Cũng sẽ hoàn toàn sai lầm khi kết luận rằng mọi thứ chỉ là hư cấu, rằng mọi nỗ lực khám phá sự thật nhất định thất bại, rằng không có bất cứ sự khác biệt nào giữa đưa tin nghiêm túc và tuyên truyền. Tin giả có thể đi kèm các dữ kiện thật và khổ đau thật. Sự đau khổ của con người thường do niềm tin vào hư cấu gây ra, nhưng bản thân sự đau khổ vẫn rất thật. Ví dụ, ở Ukraine, những người lính Nga đang thực sự chiến đấu, hàng ngàn người đã thực sự chết và hàng trăm ngàn người đã thực sự mất nhà cửa. Sự đau khổ của con người thường được gây ra bởi niềm tin vào tiểu thuyết, nhưng bản thân sự đau khổ vẫn là có thật.
Do đó, thay vì chấp nhận hư cấu là đương nhiên, ta nên nhận ra nó là một vấn đề khó khăn hơn nhiều so với hình dung của mình và nên cố gắng nhiều hơn nữa để phân biệt giữa thực tế và hư cấu. Đừng trông chờ sự hoàn hảo. Một trong những hư cấu lớn nhất là phủ nhận sự phức tạp của thế giới và nghĩ theo chiều hướng tuyệt đối: sự trong sáng thuần khiết đối chọi với sự độc ác quỷ dữ. Chính trị gia không phải khi nào cũng nói toàn bộ sự thật, nhưng một số chính trị gia vẫn tốt hơn những người khác rất nhiều. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn sẽ tin Churchill hơn nhiều nhà lãnh đạo khác, mặc dù vị thủ tướng Anh không phải là không bao giờ nói tránh sự thật khi ông thấy phù hợp. Tương tự, không tờ báo nào hoàn toàn thoát khỏi thiên kiến và ngộ nhận, nhưng một số tờ báo chân thành nỗ lực tìm kiếm sự thật trong khi những tờ báo khác chỉ là những cỗ máy tẩy não. Nếu tôi sống vào những năm 1930, tôi hy vọng mình có đủ minh mẫn để tin vào tờ New York Times và Der Sturmer.
Trách nhiệm của tất cả chúng ta là đầu tư thời gian và công sức vào việc phát hiện các thiên kiến và kiểm chứng các nguồn thông tin của mình. Như đã nói ở các chương trước, chúng ta không thể tự mình điều tra mọi thứ. Nhưng chính vì thế, ít nhất ta cần điều tra cẩn thận các nguồn thông tin ưa thích của mình, dù đó là một tờ báo, một trang web, một mạng lưới truyền hình hay một người nào đó. Ở chương 20, chúng ta sẽ khám phá sâu hơn cách để tránh bị “tẩy não” và làm thế nào để phân biệt hiện thực và hư cấu. Ở đây, tôi muốn đưa ra hai quy luật đơn giản.
Đầu tiên, nếu bạn muốn các thông tin đáng tin cậy, hãy trả một số tiền xứng đáng cho nó. Nếu bạn lấy tin miễn phí, chính bạn có thể là sản phẩm. Giả sử một tay tỷ phú ám muội cho bạn một thỏa thuận sau: “Tôi sẽ trả cho bạn 30 đô la một tháng; đổi lại, bạn sẽ cho tôi tẩy não bạn một tiếng đồng hồ một ngày, cài đặt vào não bạn bất cứ định kiến chính trị và thương mại nào tôi muốn.” Bạn có đồng ý không? Rất ít người đầu óc lành mạnh sẽ đồng ý. Thế nên tay tỷ phú ám muội đưa ra một thỏa thuận hơi khác một chút: “Bạn cho tôi tẩy não bạn một giờ mỗi ngày; đổi lại, tôi không bắt bạn trả đồng nào cho dịch vụ này”. Giờ thì thỏa thuận đột nhiên trở nên hấp dẫn với hàng triệu người. Đừng theo gương họ.
Quy luật thứ hai là nếu một vấn đề gì đó có vẻ đặc biệt quan trọng đối với bạn, hãy bỏ công đọc các tài liệu nghiên cứu khoa học có liên quan. Và khi nói tài liệu khoa học, ý tôi là các bài báo đã được bình duyệt, những cuốn sách do các nhà xuất bản tiếng tăm xuất bản và các bài viết của các giáo sư từ các tổ chức uy tín. Khoa học rõ ràng có giới hạn của nó và đã sai nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học đã là nguồn kiến thức đáng tin cậy nhất của chúng ta trong nhiều thế kỷ qua. Nếu bạn nghĩ cộng đồng khoa học sai về một chuyện gì đó, điều ấy rõ ràng là có khả năng, nhưng ít nhất hãy biết các lý thuyết khoa học mà mình đang bác bỏ và đưa ra một số bằng chứng thực tiễn để bảo vệ cho tuyên bố của mình.
Về phần mình, các nhà khoa học cần tham gia vào các cuộc thảo luận đang diễn ra trong công chúng nhiều hơn. Họ không nên sợ tiếng nói của mình được người khác lắng nghe khi cuộc thảo luận lan man sang lĩnh vực chuyên môn của họ, dù là y dược hay lịch sử. Dĩ nhiên, tiếp tục nghiên cứu và xuất bản các kết quả trên các chuyên trang khoa học mà chỉ một vài chuyên gia đọc là cực kỳ quan trọng. Nhưng trao đổi các lý thuyết khoa học mới nhất với công chúng phổ thông qua những cuốn sách khoa học thường thức, thậm chí qua việc vận dụng khéo léo nghệ thuật và hư cấu, cũng quan trọng chẳng kém.
Phải chăng điều đó có nghĩa là các nhà khoa học nên bắt đầu viết tiểu thuyết khoa học giả tưởng? Điều đó thực ra không phải là một ý tồi. Nghệ thuật đóng một vai trò quyết định trong việc định hình thế giới quan của con người; trong thế kỷ 21, khoa học viễn tưởng có thể nói là thể loại sách quan trọng nhất vì nó định hình cách hầu hết mọi người hiểu về những thứ như AI, công nghệ sinh học và biến đổi khí hậu. Chúng ta chắc chắn cần khoa học thực thụ; nhưng từ quan điểm chính trị, một bộ phim khoa học viễn tưởng hay đáng giá hơn một bài báo trong tạp chí Science hay Nature rất nhiều.