21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 18

18

* * *

Khoa Học Viễn Tưởng

TƯƠNG LAI KHÔNG PHẢI THỨ BẠN THẤY TRÊN PHIM

CON NGƯỜI kiểm soát thế giới vì chúng ta có thể hợp tác tốt hơn bất cứ loài động vật nào khác; và chúng ta có thể hợp tác tốt đến thế vì ta tin vào các câu chuyện hư cấu. Do đó, các nhà thơ, họa sĩ và biên kịch ít nhất là quan trọng ngang với binh linh và kỹ sư. Người ta ra trận và xây nhà thờ bởi vì họ tin vào Chúa Trời; và họ tin vào Chúa Trời vì họ đã đọc những bài thơ về Chúa Trời, vì họ đã thấy những bức tranh vẽ Chúa và vì họ bị những vở kịch sân khấu về Chúa Trời hấp dẫn. Tương tự, niềm tin của chúng ta vào huyền thoại hiện đại của chủ nghĩa tư bản được chống đỡ nhờ các sáng tạo nghệ thuật của Hollywood và công nghiệp giải trí. Chúng ta tin rằng mua nhiều thứ hơn sẽ khiến ta hạnh phúc vì ta đã tận mắt nhìn thấy thiên đường tư bản chủ nghĩa trên truyền hình.

Vào đầu thế kỷ 21, có lẽ thể loại nghệ thuật quan trọng nhất là khoa học viễn tưởng. Rất ít người đọc các bài báo mới nhất trong lĩnh vực học máy hay công nghệ di truyền. Thay vào đó, các bộ phim như The Matrix và Her và các bộ phim truyền hình dài tập như Westworld và Black Mirror định hình cách mọi người hiểu về các phát triển công nghệ, xã hội và kinh tế quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là khoa học viễn tưởng cần phải có trách nhiệm hơn nữa với cách nó miêu tả các hiện thực khoa học; nếu không, nó sẽ gieo vào đầu người ta những ý tưởng sai lệch hoặc đặt sự chú ý của họ vào nhầm vấn đề.

Như đã nói ở chương trước, có lẽ tội ác tồi tệ nhất của khoa học viễn tưởng hiện đại là nó có xu hướng nhầm lẫn trí tuệ với ý thức. Kết quả là nó quan tâm quá mức đến cuộc chiến giữa robot và con người, trong khi trên thực tế, chúng ta cần e sợ một cuộc xung đột giữa một nhóm nhỏ gồm các tinh hoa siêu nhân được các thuật toán gia tăng sức mạnh và một tầng lớp dưới khổng lồ gồm những Homo sapiens bị tước đi sức mạnh. Khi nghĩ về tương lai của AI, Karl Marx vẫn là một chỉ dẫn tốt hơn Steven Spielberg.

Quả thực, nhiều bộ phim về trí tuệ nhân tạo cách xa hiện thực khoa học đến nỗi người ta nghi chúng chỉ là các phúng dụ về những mối quan ngại hoàn toàn khác. Ví dụ, bộ phim Ex Machina năm 2015 có vẻ như nói về một chuyên gia AI phải lòng một người máy nữ chỉ để bị cô ta lừa đảo và lợi dụng. Nhưng trên thực tế, đây không phải là một bộ phim về nỗi sợ các robot thông minh của con người. Đây là bộ phim nói về nỗi sợ của đàn ông đối với phụ nữ thông minh, đặc biệt là nỗi sợ rằng giải phóng phụ nữ có thể dẫn đến sự thống trị của phụ nữ. Mỗi khi bạn xem một bộ phim về AI, trong đó AI là nữ và nhà khoa học là nam, thì có lẽ đó là bộ phim về nữ quyền hơn là công nghệ người máy. Vì cớ làm sao mà một AI cần phải có nhận dạng giới tính hay xu hướng tình dục cơ chứ? Tính dục là một đặc điểm của các loài sinh vật hữu cơ đa bào. Nó có thể mang ý nghĩa gì với một tạo vật cơ khí vô cơ chứ?

—ooOoo—

SỐNG TRONG MỘT CHIẾC HỘP

MỘT CHỦ đề đã được khoa học viễn tưởng khám phá sâu sắc hơn rất nhiều liên quan đến mối nguy khi công nghệ được sử dụng để thao túng và kiểm soát con người. The Matrix mô tả một thế giới trong đó hầu hết con người bị cầm tù trong không gian mạng và mọi thứ họ trải nghiệm là do một thuật toán chủ định hình. The Truman Show tập trung vào một cá nhân duy nhất là ngôi sao bất đắc dĩ của một chương trình truyền hình thực tế. Anh không hề biết tất cả bạn bè và người thân của mình, bao gồm mẹ, vợ và bạn thân nhất, đều là diễn viên; mọi thứ xảy ra với anh đều đi theo một kịch bản được dàn dựng kỹ lưỡng và mọi thứ mà anh nói và làm đều được các máy quay giấu kín ghi lại và được hàng triệu người hâm mộ theo dõi.

Tuy nhiên, dù rất xuất sắc, cả hai phim cuối cùng vẫn tránh né các ngụ ý hoàn chỉnh của kịch bản. Chúng đều cho rằng những người mắc kẹt trong ma trận có một bản thể độc đáo mà các thao túng công nghệ không thể chạm tới, rằng chờ đợi bên ngoài ma trận là một hiện thực độc đáo mà các nhân vật chính có thể tiếp cận được nếu họ cố gắng đủ. Ma trận chỉ là một rào cản nhân tạo ngăn cách cái tôi độc đáo bên trong với thế giới độc đáo bên ngoài. Sau rất nhiều thử thách và gian khổ, cả hai nhân vật chính, Neo trong The Matrix và Truman trong The Truman Show, đã vượt qua và thoát khỏi mạng lưới của các thao túng, phát hiện bản thể độc đáo của mình và tìm đến được vùng đất hứa thực thụ.

Đáng tò mò ở chỗ, vùng đất hứa thực thụ này giống hệt ma trận giả về mọi khía cạnh quan trọng. Khi Truman thoát khỏi trường quay truyền hình, anh tìm cách tái hợp với người bạn gái thời trung học mà đạo diễn đã loại bỏ khỏi chương trình. Thế nhưng nếu Truman thực hiện được mơ ước lãng mạn đó, cuộc đời anh sẽ giống hệt giấc mơ Hollywood hoàn hảo mà The Truman Show đã bán cho hàng triệu người xem khắp toàn cầu, cộng với vài kỳ nghỉ ở Fiji nữa. Bộ phim thậm chí không mang đến cho chúng ta bất cứ gọi ý nào về kiểu cuộc đời khác mà Truman có thể tìm thấy trong thế giới thật.

Tương tự, khi Neo thoát khỏi ma trận bằng cách nuốt viên thuốc màu đỏ nổi tiếng, anh phát hiện ra thế giới bên ngoài chẳng khác gì thế giới bên trong. Cả trong và ngoài đều có những mâu thuẫn bạo lực và những con người bị sợ hãi, đam mê, tình yêu và đố kỵ điều khiển. Bộ phim đáng lẽ nên kết thúc lúc Neo được bảo cho biết hiện thực mà anh vừa “truy cập” vào chỉ là một ma trận lớn hơn; và nếu anh muốn thoát vào “thế giới thực thực sự”, một lần nữa anh phải lựa chọn giữa viên thuốc xanh và viên thuốc đỏ.

Cuộc cách mạng công nghệ và khoa học hiện tại không ngụ ý rằng các cá nhân đích thực và các hiện thực đích thực có thể bị các thuật toán và máy quay truyền hình thao túng, mà chính sự đích thực là một điều hoang đường. Con người sợ bị mắc kẹt trong một cái hộp, nhưng họ không nhận ra họ vốn đã kẹt trong một cái hộp, bộ não của họ, thứ bị mắc kẹt trong một cái hộp lớn hơn là xã hội loài người với vô số hư cấu của nó. Khi nông dân và công nhân nổi dậy chống lại Sa hoàng năm 1917, họ đã kết thúc với Stalin. Khi bạn thoát khỏi ma trận, thứ duy nhất bạn phát hiện là một ma trận lớn hơn. Khi bạn bắt đầu khám phá vô số cách mà thế giới đang thao túng bạn, cuối cùng bạn nhận ra nhân dạng cốt lõi của mình là một ảo tưởng phức tạp mà các mạng lưới thần kinh tạo ra.

Con người sợ rằng khi bị mắc kẹt trong một cái hộp, họ sẽ bỏ lỡ tất cả những điều kỳ diệu của thế giới. Neo còn bị mắc kẹt trong ma trận và Truman còn bị kẹt trong trường quay thì họ sẽ không bao giờ đến thăm Fiji hay Paris hay Machu Picchu được. Nhưng trên thực tế, mọi thứ bạn sẽ trải nghiệm trên đời nằm bên trong cơ thể và tâm trí của chính bạn. Thoát khỏi ma trận hay du lịch đến Fiji sẽ không tạo bất cứ sự khác biệt nào. Không phải là đâu đó trong tâm trí bạn có một rương sắt với một tấm bảng cảnh báo lớn màu đỏ ghi rằng “CHỈ MỞ Ở FIJI!”, và cuối cùng, khi bạn đến Nam Thái Bình Dương, bạn được mở hộp ra và từ đó ùa ra đủ loại cảm xúc đặc biệt mà bạn chỉ có thể có ở Fiji. Và nếu bạn không bao giờ đến Fiji trong đời, bạn sẽ bỏ lỡ tất cả các cảm xúc đặc biệt đó mãi mãi. Không, bất cứ điều gì bạn có thể cảm thấy ở Fiji, bạn cũng có thể cảm nhận ở bất cứ đâu trên thế giới, ngay cả trong ma trận.

Có lẽ tất cả chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính khổng lồ, kiểu The Matrix. Điều đó sẽ phủ nhận mọi câu chuyện về dân tộc, tôn giáo và ý thức hệ của chúng ta. Nhưng những trải nghiệm tính thần của chúng ta vẫn sẽ là thật. Nếu hóa ra lịch sử loài người là một mô phỏng tinh vi được các nhà khoa học chuột từ hành tinh Zircon chạy trên một siêu máy tính thì các nhà tư tưởng và Nhà nước Hồi giáo sẽ thấy khá là “xấu hổ”. Nhưng mấy con chuột đấy vẫn sẽ phải biện minh cho cuộc diệt chủng Armenia và cho Auschwitz. Làm sao chúng đưa các kế hoạch đó vượt qua hội đồng đạo đức của Đại học Zircon vậy? Ngay cả khi những phòng khí ngạt chỉ là các tín hiệu điện trong các con chip silicon, các trải nghiệm đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng vẫn không bớt tàn khốc đi dù chỉ một ly.

Đau đớn là đau đớn, sợ hãi là sợ hãi và tình yêu là tình yêu, ngay cả trong ma trận. Nỗi sợ mà bạn cảm thấy được khơi nguồn từ một tập hợp nguyên tử ở thế giới bên ngoài hay các tín hiệu điện do một máy tính tạo ra đều không quan trọng. Nỗi sợ vẫn là thật. Thế nên nếu bạn muốn khám phá hiện thực của tâm trí mình, bạn có thể làm thế bên trong cũng như bên ngoài ma trận.

Hầu hết các bộ phim khoa học giả tưởng thực ra đang kể một câu chuyện rất cũ: chiến thắng của tâm trí trước vật chất. Ba mươi ngàn năm trước, câu chuyện kể rằng: “Tâm trí tưởng tượng ra một con dao bằng đá; bàn tay tạo ra con dao; con người giết voi ma-mút.” Nhưng sự thật là con người giành được sự kiểm soát thế giới nhờ tạo ra dao và giết voi ma-mút ít hơn nhờ thao túng tâm trí con người. Tâm trí không phải là một chủ thể tự do định hình các hành động lịch sử và hiện thực sinh học; tâm trí là một đối tượng do lịch sử và sinh học định hình mà nên. Ngay cả những lý tưởng được chúng ta tôn thờ nhất, như tự do, tình yêu, sáng tạo, cũng giống như một con dao đá mà ai đó khác đã định hình nhằm giết voi ma-mút. Theo các lý thuyết khoa học xuất sắc nhất và các công cụ kỹ thuật tiến bộ nhất, tâm trí không bao giờ không có sự thao túng. Không một bản thể đích thực nào chờ được giải phóng khỏi cái kén kiểm soát cả.

Bạn có biết mình đã “tiêu thụ” bao nhiêu bộ phim, tiểu thuyết và bài thơ suốt bao năm tháng qua và những tác phẩm ấy đã chạm khắc và mài giũa ý tưởng của bạn về tình yêu như thế nào? Các bộ phim hài lãng mạn đối với tình yêu giống như phim khiêu dâm đối với tình dục và Rambo đối với chiến tranh. Nếu bạn nghĩ mình có thể bấm một nút xóa và phủi sạch mọi dấu vết của Hollywood ra khỏi tâm thức và hệ viền của mình thì bạn đang đánh lừa bản thân đấy.

Chúng ta thích ý tưởng mài giũa những con dao bằng đá, nhưng chúng ta không thích ý tưởng chính mình là những con dao đá. Thế nên phiên bản ma trận của câu chuyện voi ma-mút cũ thành ra như thế này: “Tâm trí tưởng tượng ra một con robot; bàn tay tạo ra một con robot; robot giết bọn khủng bố nhưng cũng cố tìm cách kiểm soát tâm trí; tâm trí giết robot.” Thế nhưng câu chuyện trên là sai. Vấn đề không phải là tâm trí sẽ không có khả năng giết được robot. Vấn đề là chính cái tâm trí tưởng tượng ra con robot ngay từ đầu đà là sản phẩm của rất nhiều các thao túng từ trước đó. Do đó, việc giết con robot sẽ không giải phóng được chúng ta.

—ooOoo—

DISNEY MẤT LÒNG TIN VÀO Ý CHÍ TỰ DO

VÀO NĂM 2015, Pixar Studios và Walt Disney Pictures đà cho ra mắt một bộ phim hoạt hình vô cùng thực tế và đáng quan ngại về tinh trạng của con người; bộ phim mau chóng trở thành một hiện tượng phòng vé đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Inside Out kể câu chuyện về một cô bé 11 tuổi tên Riley Andersen cùng bố mẹ chuyển từ Minnesota đến sống ở San Francisco. Nhớ bạn bè và quê nhà, cô bé gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới và cố bỏ trốn trở lại Minnesota. Thế nhưng Riley không biết là có một vở kịch lớn hơn nhiều đang diễn ra. Riley không phải là một ngôi sao bất đắc dĩ của một chương trình truyền hình thực tế và cô bé cũng không bị mắc kẹt trong ma trận. Thực ra, bản thân Riley chính là ma trận và có một cái gì đó mắc kẹt trong cô bé.

Disney đã xây dựng “đế chế” của mình bằng cách kể đi kể lại một câu chuyện tưởng tượng. Trong vô số bộ phim của Disney, các nhân vật chính gặp khó khăn và nguy hiểm nhưng cuối cùng đã chiến thắng bằng cách tìm ra bản ngã thực thụ và đi theo các lựa chọn tự do của mình. Inside Out phá vỡ câu chuyện này một cách tàn nhẫn. Nó áp dụng quan điểm thần kinh học mới nhất về con người và đưa người xem vào một hành trình vào não bộ của Riley chỉ để phát hiện ra rằng cô bé không có một bản thể thực thụ nào và không bao giờ đưa ra một lựa chọn tự do nào. Trên thực tế, Riley là một con robot khổng lồ được quản lý bởi một tập hợp các cơ chế sinh hóa mâu thuẫn nhau mà bộ phim đã nhân cách hóa thành các nhân vật hoạt hình đáng yêu: cô bé Vui Vẻ màu vàng và vui vẻ, cô bé Buồn Bã xanh lè và ảm đạm, anh chàng Tức Giận màu đỏ nóng nảy, . . . Bằng cách điều khiển một loạt nút bấm và cần gạt trong Cơ quan Đầu não, đồng thời theo dõi mọi cử động của Riley trên một màn hình TV to đùng, các nhân vật này kiểm soát tâm trạng, quyết định và hành động của Riley.

Thất bại của Riley trong việc thích ứng với cuộc sống mới ở San Francisco là kết quả của một lần hỗn loạn trong Cơ quan Đầu não làm não bộ của Riley mất cân bằng. Để chỉnh sửa mọi thứ, Vui Vẻ và Buồn Bã đã thực hiện một hành trình qua não bộ của Riley, nhảy lên con tàu tư tưởng, khám phá nhà tù tiềm thức và ghé thăm phim trường nội tâm, nơi một nhóm các nơron nghệ sĩ đang bận rộn sản xuất các giấc mơ. Khi theo chân các cơ chế sinh hóa được nhân cách hóa này vào tận sâu trong não bộ của Riley, chúng ta không bao giờ bắt gặp một linh hồn, một bản thể thực thụ hay một ý chí tự do nào hết. Chính ra, khoảnh khắc hé lộ của toàn bộ cốt truyện xảy ra không phải khi Riley phát hiện ra bản thể thực thụ duy nhất của mình mà là khi mọi chuyện trở nên sáng tỏ rằng không thể định nghĩa Riley bằng bất cứ một giá trị cốt lõi đơn lẻ nào, và rằng hạnh phúc của cô bé phụ thuộc vào sự tương tác của nhiều cơ chế khác nhau.

Ban đầu, người xem bị dẫn dắt để đánh đồng Riley với nhân vật chính, cô bé Vui vẻ màu vàng hớn hở. Nhưng cuối cùng, hóa ra chính sự định danh đó là sai lầm quan trọng đã đe dọa phá hỏng cuộc đời của Riley. Bằng việc nghĩ rằng chỉ có mình là bản chất thực thụ của Riley, Vui vẻ đe dọa tất cả các nhân vật bên trong khác, từ đó phá vỡ sự cân bằng mong manh của não bộ Riley. Sự giải tỏa đã đến khi Vui vẻ nhận ra sai lầm của mình và cô bé cùng người xem nhận ra Riley không phải là Vui vẻ hay Buồn bã hay bất cứ nhân vật nào khác. Riley là một câu chuyện phức tạp được tạo ra từ các mâu thuẫn và hợp tác của tất cả các nhân vật sinh hóa với nhau.

Điều thực sự đáng kinh ngạc không phải nằm ở chỗ Disney dám đưa ra thị trường một bộ phim mang một thông điệp cấp tiến đến vậy mà chính ở việc bộ phim đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Có lẽ Inside Out thành công đến thế vì nó là một bộ phim hài có cái kết có hậu và hầu hết người xem đã dễ dàng bỏ qua cả ý nghĩa thần kinh học và các ám chỉ ghê gớm của nó.

Không thể nói điều tương tự về cuốn sách khoa học giả tưởng có tính tiên tri nhất của thế kỷ 20. Bạn không thể bỏ lỡ bản chất ghê gớm của nó. Được viết từ gần một thế kỷ trước, vào năm 1931, nhưng cứ mỗi năm trôi qua, nó lại ngày càng xác đáng. Khi Aldous Huxley viết Brave New World (tạm dịch: Thế giới mới tươi đẹp),, chủ nghĩa phát xít đang cố thủ ở Ý, chủ nghĩa Quốc xã đang lên ở Đức, Nhật Bản quân phiệt đang bắt đầu cuộc chiến xâm lược ở Trung Quốc và cả thế giới bị con Đại Khủng hoảng bóp nghẹt. Thế nhưng Huxley đã xoay xở nhìn xuyên qua tất cả những đám mây u ám đó và mường tượng một xã hội tương lai không có chiến tranh, nạn đói và dịch bệnh, tận hưởng thái bình, thịnh vượng và sức khỏe vĩnh hằng. Đó là một thế giới theo “chủ nghĩa tiêu dùng”, buông thả hoàn toàn trước tình dục, ma túy và rock’n roll, một nơi mà giá trị tối thượng là hạnh phúc. Hàm ý cơ bản của cuốn sách là con người là các thuật toán sinh hóa, khoa học có thể giải mã thuật toán con người, sau đó công nghệ có thể được sử dụng để thao túng thuật toán ấy.

Trong thế giới mới tươi đẹp này, Chính quyền Thế giới sử dụng công nghệ sinh học và kỹ thuật xã hội tiên tiến để đảm bảo rằng tất cả mọi người luôn luôn hài lòng và không ai có bất cứ lý do gì để chống đối cả. Như thể Vui vẻ, Buồn bã và tất cả các nhân vật khác trong não bộ của Riley đã bị biến thành dạng khác vậy. Quả thực, thiên tài của Huxley nằm ở chỗ chỉ ra rằng bạn có thể kiểm soát con người qua tình yêu và khoái lạc một cách chắc chắn hơn nhiều so với sợ hãi và bạo lực.

Trong cuốn 1984, rõ ràng Orwell đang mô tả một thế giới đáng e ngại và câu hỏi duy nhất để ngỏ là “Chúng ta làm thế nào để tránh sa vào một số phận nghiệt ngã như thế?” Đọc Thế giới mới tươi đẹp là một trải nghiệm đầy thách thức và bối rối, phần nhiều là vì bạn thấy khó “chỉ mặt đặt tên” chính xác điều khiến nó trở nên lạc lõng. Thế giới thật thanh bình và giàu có, mọi người lúc nào cũng cực kỳ hài lòng. Cái gì có thể sai ở đây được?

Huxley trả lời câu hỏi này một cách trực tiếp trong khoảnh khắc đỉnh điểm của cuốn tiểu thuyết: cuộc trò chuyện giữa Mustapha Mond, Nhà điều khiển Thế giới tại khu vực Tây Âu, và John Kẻ Hoang dã, người đã sống trọn đời trong một khu bảo tồn bản địa ở New Mexico, người duy nhất ở London vẫn còn biết chút gì đó về Shakespeare hay Chúa Trời.

Khi John Kẻ Hoang dã cố kích động người dân London nổi dậy chống lại hệ thống đang kiểm soát họ, họ phản ứng với lời kêu gọi của ông bằng sự lãnh đạm tuyệt đối, nhưng cảnh sát đã bắt ông và giải anh đến trước Mustapha Mond. Nhà điều khiển Thế giới có một cuộc nói chuyện dễ chịu với John, giải thích rằng nếu ông cương quyết tránh né xã hội, ông chỉ cần rời đến một nơi biệt lập nào đó và sống đời ẩn sĩ. Sau đó, John đặt câu hỏi về những quan điểm đằng sau trật tự toàn cầu và cáo buộc Chính quyền Thế giới đã loại trừ không chỉ sự thật và cái đẹp mà tất cả những gì cao thượng và dũng cảm trong cuộc đời trong hành trình mưu cầu hạnh phúc. Nó đã loại bỏ không chỉ sự thật và vẻ đẹp, mà tất cả những gì cao quý và anh hùng trong cuộc sống.

‘Người bạn trẻ thân yêu của tôi,’ ông Mustapha Mond nói, ‘văn minh tuyệt đối không cần đến cao thượng và chủ nghĩa anh hùng. Những thứ đó là các triệu chứng của sự kém hiệu quả chính trị. Trong một xã hội được tổ chức đàng hoàng như của chúng ta, không ai có bất cứ cơ hội nào để tỏ ra cao thượng hay dũng cảm. Các điều kiện phải trở nên thiếu ổn định hoàn toàn thì cơ hội mới nảy sinh. Ở đâu có chiến tranh, ở đó có những mối quan hệ chia rẽ, nơi đó có những cám dỗ để chống lại, những đối tượng của tình yêu, được chiến đấu hoặc bảo vệ - Ở đó, rõ ràng, cao thượng và chủ nghĩa anh hùng có một số ý nghĩa. Nhưng không có bất kỳ cuộc chiến tranh nào hôm nay. Sự quan tâm chu đáo được thực hiện để ngăn bạn yêu ai quá nhiều. Ở đó, không hề có sự chia rẽ; điều kiện đầy đủ khiến bạn không biết những gì là nên làm. Và bạn phải làm gì khi tất cả đã hoàn hảo chứ, mọi thứ tự nhiên đã sẵn có, thực sự không có bất kỳ cám dỗ nào để chống lại. Và nếu có bất cứ điều gì khó chịu, một sự kém may mắn xảy ra, thì chỉ cần một viên soma để làm dịu cơn giận của bạn, để hòa giải bạn với kẻ thù của bạn, để làm cho bạn kiên nhẫn và chấm dứt đau khổ lâu dài. Trong quá khứ bạn chỉ có thể hoàn thành những điều này bằng cách nỗ lực rất nhiều và sau nhiều năm rèn luyện đạo đức chăm chỉ. Bây giờ, bạn nuốt hai hoặc ba viên thuốc nửa gram. Bất cứ ai cũng có thể có đạo đức bây giờ. Bạn có thể mang ít nhất một nửa đạo đức của bạn trong một cái chai. Kitô giáo không có nước mắt - đã có những viên soma.’

Nhưng nước mắt là cần thiết. Bạn có nhớ những gì Othello nói không? “Nếu sau mỗi cơn gió nhẹ, bão có thể đến đánh thức cái chết.” Một câu chuyện mà một trong những người Ấn Độ cũ thường nói với chúng ta, về Cô gái của Mátsaki. Những chàng trai trẻ muốn cưới cô phải làm trọn buổi sáng cuốc đất trong vườn của cô. Nó có vẻ dễ dàng; nhưng có ruồi và muỗi, ma thuật. Hầu hết các chàng trai trẻ đều không thể chịu đựng được sự cắn rứt. Nhưng người nào có thể - anh ta sẽ có được cô gái.

‘Rất quyến rũ! Nhưng ở các nước văn minh,’ Chính quyền nói, ‘bạn có thể có những cô gái mà không phải cuốc đất cho họ; và không có bất kỳ ruồi hay muỗi để chích bạn. Chúng ta đã thoát khỏi chúng từ nhiều thế kỷ trước.

Savage gật đầu, cau mày. ‘Bạn đã thoát khỏi họ. Vâng, cũng giống như bạn. Loại bỏ mọi thứ khó chịu thay vì học cách chịu đựng nó. Dù là người cao quý nhất trong tâm trí phải chịu đựng sự bám víu và mũi tên của vận mệnh tàn nhẫn, hay cầm vũ khí chống lại một biển rắc rối và những kẻ chống lại họ. . . Nhưng bạn cũng không nên làm điều đó. Không đau khổ cũng không phản đối. Bạn chỉ cần cởi bỏ sự giằng xé và mũi tên. Đó là quá dễ dàng ... Những gì bạn cần,’ Savage tiếp tục, ‘là một cái gì đó với nước mắt cho một sự thay đổi ... Chẳng phải có điều gì đó hay ho khi sống trong hiểm nguy ư?’

‘Có rất nhiều trong nó,’ Controller trả lời. ‘Đàn ông và phụ nữ thỉnh thoảng phải kích thích tuyến thượng thận của họ. Nó là một trong những điều kiện của sức khỏe hoàn hảo. Đấy là lý do vì sao Chính quyền Thế giới ra phán quyết yêu cầu mỗi công dân phải trải qua một liệu trình V.P.S.’

‘V.P.S.?’

‘Thay thế cảm xúc bạo lực mỗi tháng. Chúng tôi làm tràn ngập toàn bộ hệ thống với adrenalin. Nó đầy đủ tương đương sinh lý của nỗi sợ hãi và cơn thịnh nộ. Tất cả để anh ta có thể chịu tác động của việc giết chết Desdemona và bị sát hại bởi Othello, mà không có bất kỳ sự bất tiện nào.’

“Nhưng tôi thích những thứ bất tiện”, Kẻ Hoang dã tuyên bố.

“Chúng tôi thì không”, Nhà điều khiển nói. “Chúng tôi thích làm mọi thứ một cách dễ chịu”.

“Nhưng tôi không muốn dễ chịu. Tôi muốn Chúa Trời, tôi muốn thi ca, tôi muốn hiểm nguy thực Sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi”.

“Thực tế”, Mustapha Mond đáp, “anh đang đòi quyền bất hạnh”.

“Cũng được”, Kẻ Hoang dã nói, “tôi đang đòi quyền bất hạnh đấy”.

“Chưa kể quyền được già đi và xấu đi và bất lực; quyền bị giang mai và ung thư; quyền có quá ít thức ăn; quyền được tồi tệ; quyền sống liên tục trong sợ hãi điều có thể xảy ra ngày mai; quyền mắc thương hàn; quyền bị tra tấn bởi đủ mọi loại đau đớn không thể nói thành lời”.

Một sự im lặng kéo dài.

“Tôi đòi tất cả các quyền đó”, cuối cùng Kẻ Hoang dã lên tiếng.

Mustapha Mond nhún vai. “Thế thì tùy anh”, ông ta nói.

John Kẻ Hoang dã trở về với thiên nhiên không người và ở đó sống như một ẩn sĩ. Nhiều năm sống trong một khư bảo tồn Anh-điêng và bị Shakespeare cũng như tôn giáo tẩy não đã khiến ông ta chối bỏ mọi ơn phước của đời sống hiện đại. Nhưng tin đồn về một kẻ bất thường và thú vị như vậy sớm lan truyền, mọi người đổ xô đến để nhìn ông ta và ghi lại mọi thứ ông ta làm; chẳng mấy chốc ông ta trở thành một người nổi tiếng. Phát bệnh bởi tất cả sự chú ý không mong muốn đó, Kẻ Hoang dã thoát khỏi ma trận văn minh, không phải bằng cách nuốt một viên thuốc đỏ, mà bằng cách tự treo cổ.

Không như những nhà sáng tạo của The Matrix và The Truman Show, Huxley nghi ngờ khả năng trốn thoát bởi ông tự hỏi liệu ai có thể trốn thoát nổi. Não bộ và “bản thể” của bạn đã là một phần của ma trận nên để thoát khỏi ma trận, bạn phải thoát khỏi bản thể của mình. Điều đó, tuy nhiên, là một khả năng đáng để khám phá. Thoát khỏi định nghĩa hẹp về bản thể có thể trở thành một kỹ nâng sinh tồn cần thiết trong thế kỷ 21.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3