21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 19
Phần V
* * *
Bền Bỉ
Ta sống ra sao trong một thời đại của sự hoang mang, khi các câu chuyện cũ đă sụp đổ và chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thể chúng?
19
* * *
Giáo Dục
THAY ĐỔI LÀ HẰNG SỐ DUY NHẤT
LOÀI NGƯỜI đang đối mặt các cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ, tất cả các câu chuyện cũ của chúng ta đang vụn vỡ, và đến giờ chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế chúng. Làm sao ta có thể chuẩn bị cho bản thân và con cái trước một thế giới đầy những biến chuyển chưa từng có và các bất định đến tận gốc rễ như vậy? Một đứa trẻ sinh ra ngày hôm nay sẽ chừng ba mấy tuổi vào năm 2050. Nếu mọi thứ suôn sẻ, đứa trẻ đó sẽ vẫn còn ở đây vào năm 2100 và thậm chí có thể vẫn là một công dân tích cực của thế kỷ 22. Ta nên dạy đứa trẻ đó điều gì để giúp nó tồn tại và phát triển trong thế giới năm 2050 hay thế kỷ 22? Nó sẽ cần loại kỹ năng gì để kiếm được việc làm, để hiểu được những gì đang xảy ra xung quanh nó và tìm hướng đi trong mê cung cuộc đời?
Thật không may, chẳng ai biết thế giới sẽ ra làm sao vào năm 2050 chứ đừng nói đến năm 2100 nên chúng ta không có câu trả lời cho những câu hỏi trên. Dĩ nhiên, con người không bao giờ có thể dự đoán tương lai một cách chính xác. Nhưng ngày nay, việc ấy lại càng khó hơn bao giờ hết bởi một khi công nghệ cho phép chúng ta điều chỉnh cơ thể, não bộ và tâm trí, chúng ta không còn có thể chắc chắn về bất cứ thứ gì nữa, bao gồm cả những thứ trước giờ có vẻ như cố định và vĩnh hằng.
Một ngàn năm trước, vào năm 1018, có rất nhiều thứ con người không biết về tương lai, nhưng họ vẫn tin rằng các tính chất cơ bản của xã hội loài người sẽ không thay đổi. Nếu bạn sống ở Trung Quốc vào năm 1018, bạn biết rằng đến năm 1050, nhà Tống có thể sụp đổ, dân Khiết Đan có thể xâm lược từ phương Bắc và bệnh dịch có thể giết hàng triệu người. Tuy nhiên, rõ ràng là đến năm 1050, hầu hết mọi người vẫn sẽ là nông dân và thợ dệt, các nhà thống trị vẫn phải phụ thuộc vào con người để lấy nhân lực cho quân đội và chính quyền, đàn ông vẫn tiếp tục thống trị đàn bà, tuổi thọ vẫn cỡ bốn mươi và cơ thể người sẽ vẫn y hệt như thế. Do đó vào năm 1018, cha mẹ nghèo người Trung Quốc sẽ dạy con cách trồng lúa hay dệt vải; cha mẹ giàu hơn sẽ dạy con trai đọc các sách kinh điển Khổng giáo, viết thư pháp hay chiến đấu trên lưng ngựa và dạy con gái trở thành những bà nội trợ khiêm cung và phục tùng. Rõ ràng, các kỹ năng trên vẫn cần thiết năm 1050.
Trái lại, ngày nay chúng ta chẳng biết Trung Quốc hay phần còn lại của thế giới sẽ ra sao vào năm 2050. Chúng ta không biết người ta sẽ làm gì để kiếm sống, chúng ta không biết quân đội và chính quyền sẽ hoạt động như thế nào, chúng ta không biết các quan hệ giới tính sẽ ra sao. Một số người có thể sẽ sống lâu hơn nhiều so với ngày nay và bản thân cơ thể người có thể trải qua một cuộc cách mạng chưa từng có nhờ công nghệ sinh học và kết nối trực tiếp não bộ-máy tính. Nhiều thứ trẻ con học được ngày nay có khả năng sẽ trở nên vô dụng vào nầm 2050.
Hiện tại, quá nhiều trường học vẫn tập trung vào việc nhồi nhét thông tin vào não trẻ. Trong quá khứ, điều này là hợp lý vì thông tin là hiếm hoi và ngay cả nguồn thông tin nhỏ giọt hiện hữu lúc đó cũng liên tục bị kiểm duyệt chặn lại. Chẳng hạn nếu bạn sống trong một thị trấn tính lẻ ở Mexico vào năm 1800, bạn khó lòng biết nhiều về thế giới rộng lớn hơn. Không có phát thanh, truyền hình, nhật báo hay thư viện công cộng. Ngay cả nếu bạn biết chữ và được đến một thư viện tư, cũng chẳng có nhiều thứ để đọc ngoài tiểu thuyết và các bài luận tôn giáo. Đế chế Tây Ban Nha kiểm duyệt mạnh tay tất cả các văn bản được in trong nước và chỉ cho phép một nhúm nhỏ các nhà xuất bản có chọn lọc kỹ được nhập các văn bản bên ngoài vào. Tương tự, nếu bạn sống trong một thị trấn tình lẻ nào đó ở Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc. Khi các trường học hiện đại xuất hiện, dạy cho mọi đứa trẻ biết đọc biết viết và phổ biến các kiến thức căn bản về địa lý, lịch sử và sinh học, đấy là một sự tiến bộ vượt bậc.
Trái lại, vào thế kỷ 21, chúng ta bị ngập trong một lượng thông tin khổng lồ và ngay cả các nhà kiểm duyệt cũng không cố chặn điều ấy. Ta có thể nhận được thông tin sai sự thật và bị phân thân bằng thông tin không có liên quan. Nếu bạn sống trong một thị trấn tình lẻ nào đó ở Mexico và có một cái điện thoại thông minh, bạn có thể mất mấy đời chỉ để đọc Wikipedia, xem các bài nói chuyện TED và học các khóa học trực tuyến miễn phí. Khó có chính phủ nào có thể hy vọng che đậy tất cả thông tin mà nó không thích. Mặt khác, việc “bơm” cho công chúng các báo cáo trái ngược và các vấn đề không liên quan để đánh lạc hướng lại dễ dàng một cách đáng báo động. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới chỉ cần một cú nhấp chuột là đến các thông tin mới nhất về vụ giội bom Aleppo hay các chỏm băng đang tan ở vùng Cực, nhưng các báo cáo trái ngược nhau nhiều đến nỗi họ chẳng biết nên tin vào đâu. Thêm nữa, vô số những thứ khác cũng chỉ cách một cái nhấp chuột khiến ta khó mà tập trung; khi chính trị hay khoa học trông có vẻ quá phức tạp thì rất dễ dụ người ta chuyển sang một vài video buồn cười về mèo, các vụ ngồi lê đôi mách về các sao hay nội dung khiêu dâm.
Trong một thế giới như thế, điều cuối cùng một người thầy càn đưa cho học sính của mình là thêm thông tin. Chúng đã có quá nhiều thông tín rồi. Thay vào đó, người ta cần khả năng hiểu được thông tin, biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng; trên tất cả là khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới.
Trên thực tế, đây vẫn là lý tưởng của nền giáo dục tự do phương Tây nhiều thế kỷ nay; nhưng đến tận bây giờ, nhiều trường học phương Tây vẫn còn thực hiện việc đó một cách lỏng lẻo. Các thầy cô giáo cho phép mình tập trung vào việc nhồi nhét dữ liệu trong khi khuyến khích học sinh “tự nghĩ cho mình”. Các trường tự do có một nỗi sợ hãi đặc biệt đối với các câu chuyện to tát. Họ cho rằng miễn là cho học sinh thật nhiều dữ kiện và một chút tự do, học sinh sẽ tự tạo nên bức tranh về thế giới của riêng mình; ngay cả nếu thế hệ này thất bại trong việc tổng hợp tất cả dữ liệu thành một câu chuyện liền mạch và có nghĩa về thế giới, sẽ vẫn còn rất nhiều thời gian để xây dựng một tổng hợp tốt hơn trong tương lai. Giờ thì chúng ta đã hết thời gian. Các quyết định chúng ta đưa ra trong vài thập kỷ tới sẽ định hình chính tương lai của sự sống và chúng ta chỉ có thể đưa ra các quyết định này dựa vào thế giới quan hiện tại của chúng ta. Nếu thế hệ này thiếu một quan điểm toàn diện về vũ trụ, tương lai sự sống sẽ được quyết định một cách bừa bãi.
—ooOoo—
NHIỆT ĐÃ LÊN
NGOÀI THÔNG tin, hầu hết các trường học cũng tập trung quá nhiều vào việc cung cấp cho học sinh một bộ kỹ năng định sẵn như giải các phương trình vi phân, viết code máy tính bằng ngôn ngữ C++, nhận dạng các chất hóa học trong ống nghiệm hay giao tiếp bằng tiếng Trung. Thế nhưng chúng ta mù tịt về thế giới và thị trường lao động sẽ ra sao vào nầm 2050 nên chúng ta không thật sự biết người ta sẽ cần những kỹ năng cụ thể nào. Chúng ta có thể đầu tứ nhiều nỗ lực dạy trẻ con lập trình bằng ngôn ngữ C++ hay nói tiếng Trung, chỉ để phát hiện ra vào năm 2050, AI có thể viết code phần mềm tốt hơn con người rất nhiều và một ứng dụng Google Translate mới sẽ cho phép bạn thực hiện một cuộc hội thoại bằng tiếng Quảng Đông, tiếng phổ thông hay tiếng Khách gần như hoàn hảo, mặc dù bạn chỉ biết nói “Ni hao”.
Thế thì ta nên dạy gì? Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng trường học nên chuyển sang việc dạy “bốn chữ C”, tức tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo (critical thinking, communication, collaboration, creativity). Nói rộng hơn, họ tin là trường học nên giảm bớt các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh vào các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ. Để theo kịp thế giới năm 2050, bạn sẽ không chỉ cần sáng tạo các ý tưởng và sản phẩm mới mà trên hết, bạn sẽ cần tự đổi mới mình hết lần này đến lần khác.
Bởi khi tốc độ thay đổi tăng lên, không chỉ nền kinh tế mà bản thân ý nghĩa của việc “làm người” cũng sẽ biến đổi. Từ năm 1848, Tuyên ngôn Cộng sản đã tuyên bố “tất cả những gì rắn đều tan chảy thành khí”. Tuy nhiên, lúc đó Marx và Engels chủ yếu đang nghĩ đến các cấu trúc xã hội và kinh tế. Đến năm 2048, các cấu trúc thể xác và nhận thức cũng có khả năng sẽ tan chảy thành không khí hay hòa vào một đám mây dữ liệu.
Vào năm 1848, hàng triệu người mất việc làm ở các nông trại nông thôn và đổ về các thành phố lớn để làm việc trong các nhà máy. Nhưng khi đến thành phố lớn, họ cũng không có khả năng thay đổi giới tính hay bổ sung thêm giác quan thứ sáu. Và nếu tìm được một công việc trong một nhà máy dệt nào đó, họ có thể hy vọng tiếp tục công việc đó đến hết cuộc đời làm việc.
Đến năm 2048, con người có thể sẽ phải đương đầu với việc di cư lên không gian mạng, với các dạng giới tính linh hoạt và các trải nghiệm cảm giác mới được tạo ra từ cấy ghép máy tính. Nếu họ tìm thấy công việc cũng như ý nghĩa sống trong việc thiết kế thời trang cập nhật từng phút cho một trò chơi thực tế ảo 3-D thì trong vòng một thập kỷ, không chỉ ngành nghề cụ thể đó mà tất cả các công việc đòi hỏi mức độ sáng tạo nghệ thuật như vậy có thể bị AI chiếm hết. Thế nên vào năm 25 tuổi, bạn có thể tự giới thiệu trên một trang hẹn hò là “một phụ nữ dị tính 25 tuổi sống ở London và làm việc trong một cửa hàng thời trang”. Đến năm 35 tuổi, bạn nói mình là “một người giới tính không xác định đang điều chỉnh tuổi, các hoạt động tân vỏ não diễn ra chủ yếu ở thế giới ảo NewCosmos, mục tiêu cuộc đời là đi đến nơi không một nhà thiết kế thời trang nào từng đến.” Đến năm 45 tuổi, cả hẹn hò và tự định nghĩa bản thân đã trở nên quá lỗi thời. Bạn chỉ việc ngồi đợi một thuật toán tìm (hoặc tạo) cho bạn một đối tượng phù hợp nhất. Còn việc tìm ý nghĩa sống từ nghệ thuật thiết kế thời trang, các thuật toán đã vượt mặt bạn đến mức không thể đảo ngược và việc nhìn lại những thành tựu đỉnh cao nhất từ thập kỷ trước chỉ khiến bạn tràn ngập xấu hổ chứ không có chút gì tự hào. Và ở tuổi 45, bạn vẫn còn vài thập kỷ của những thay đổi gốc rễ ở phía trước.
Làm ơn đừng hiểu kịch bản này theo nghĩa đen. Chẳng ai có thể nói trước những thay đổi cụ thể mà chúng ta sẽ chứng kiến. Bất cứ một kịch bản cụ thể nào cũng rất có thể khác xa sự thật. Nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 nghe như khoa học viễn tưởng thì mô tả đó có thể sai. Nhưng nếu ai đó mô tả cho bạn thế giới giữa thế kỷ 21 mà nghe không giống khoa học viễn tưởng thì mô tả đó chắc chắn sai. Chúng ta không thể nói chắc về các chi tiết; nhưng bản thân thay đổi là điều chắc chắn duy nhất.
Những thay đổi sâu sắc như vậy có thể biến đổi cấu trúc căn bản của cuộc sống, khiến sự gián đoạn trở thành đặc trưng nổi bật nhất của nó. Từ xa lắc xa lơ, cuộc sống vốn đã được phân chia thành hai phần bổ sung cho nhau: một giai đoạn học tập, tiếp theo là một giai đoạn làm việc. Trong nửa đầu của cuộc đời, bạn tích lũy thông tin, phát triển kỹ năng, hình thành thế giới quan và xây dựng một bản sắc bền vững. Ngay cả nếu đến tuổi 15, bạn dành phần lớn thời gian làm lụng trên thửa ruộng gia đình (thay vì học ở trường), điều quan trọng nhất bạn đang làm là học: làm thế nào để trồng lúa, làm sao để thương lượng với những tay thương lái tham lam đến từ thành phố và làm thế nào giải quyết tranh chấp đất đai và nguồn nước với dân làng bên. Đến nửa sau của cuộc đời, bạn dựa vào các kỹ năng đã tích lũy được để định hướng trong thế giới, kiếm sống và đóng góp cho xã hội. Dĩ nhiên ngay cả khi 50 tuổi, bạn vẫn tiếp tục học những điều mới về lúa, về các tay thương lái và về các tranh chấp, nhưng chúng chỉ là điều chỉnh nhỏ trong các kỹ năng đã được mài giũa lâu dài.
Đến giữa thế kỷ 21, các thay đổi ngày càng nhanh cộng với tuổi thọ ngày càng dài sẽ biến mô hình truyền thống này trở nên lỗi thời. Cuộc sống sẽ rời ra ở những mối nối và ngày càng có ít sự liền mạch giữa những giai đoạn sống khác nhau. “Tôi là ai?” sẽ là một câu hỏi bức thiết và phức tạp hơn bao giờ hết.
Điều này nhiều khả năng sẽ bao gồm các mức độ căng thẳng cực cao. Vì thay đổi gần như luôn gây căng thẳng và sau một độ tuổi nhất định, hầu hết mọi người đơn giản là không thích thay đổi. Khi bạn 15 tuổi, cả cuộc đời bạn là thay đổi. Cơ thể bạn đang lớn lên, tâm trí bạn đang phát triển, các mối quan hệ của bạn đang đi vào chiều sâu. Mọi thứ đang thay đổi liên tục và mọi thứ đều mới mẻ. Bạn bận rộn sáng tạo ra bản thân. Hầu hết thanh thiếu niên thấy việc này là đáng sợ nhưng đồng thời hết sức thú vị. Các triển vọng mới đang mở ra trước mắt bạn và bạn có cả thế giới để chinh phục.
Đến năm 50 tuổi, bạn không muốn thay đổi và hầu hết mọi người đã từ bỏ việc chinh phục thế giới. Đã trải nghiệm điều này, điều kia và có dấu ấn. Bạn thích sự ổn định hơn. Bạn đã đầu tư quá nhiều vào các kỹ năng, sự nghiệp, bản dạng và thế giới quan của mình đến nỗi bạn không muốn bắt đầu lại từ đầu. Càng vất vả xây dựng một thứ gì đó, bạn càng thấy khó từ bỏ nó và nhường chỗ cho một cái gì mới. Bạn vẫn có thể nâng niu các trải nghiệm mới và các điều chỉnh nhỏ, nhưng hầu hết mọi người đến tuổi 50 không sẵn sàng xem xét lại toàn bộ các cấu trúc sâu xa trong bản dạng và tính cách của mình.
Có những lý do thần kinh học cho chuyện này. Mặc dù não người trưởng thành linh hoạt và dễ thay đổi hơn những gì người ta thường nghĩ, nó vẫn không dễ uốn bằng não của thanh thiếu niên. Tái kết nối các nơron và mắc lại đường dẫn cho các khớp thần kinh là việc rất vất vả. Nhưng vào thế kỷ 21, bạn gần như không thể trả nổi cái giá của sự ổn định. Nếu bạn cố giữ lấy một bản dạng, công việc hay thế giới quan cố định nào đó, bạn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong khi thế giới lướt qua đánh vèo. Với tuổi thọ chắc chắn sẽ tăng, bạn có thể sẽ phải sống vài thập kỷ như một hóa thạch ngờ nghệch. Để tiếp tục có giá trị, không chỉ về mặt kinh tế, mà hơn hết là về xã hội, bạn sẽ cần khả năng liên tục học tập và làm mới mình, chắc chắn độ tuổi trẻ trung như 50 càng cần phải thế.
Khi sự lạ lùng trở thành điều bình thường mới, các trải nghiệm quá khứ của bạn cũng như của cả nhân loại sẽ trở thành những chỉ dẫn ngày càng kém tin cậy. Con người với tư cách cá nhân cũng như toàn thể nhân loại sẽ ngày càng phải đối mặt với những thứ chưa ai từng gặp phải, như các máy móc siêu thông minh, các cơ thể được thiết kế, các thuật toán có thể điều khiển cảm xúc của bạn với một sự chính xác đáng sợ, các biến động khí hậu nhân tạo nhanh chóng mặt và sự cần thiết phải thay đổi nghề nghiệp sau mỗi thập kỷ. Đâu là việc cần làm khi đối mặt với một tình huống hoàn toàn chưa hề có tiền lệ? Bạn nên hành động ra sao khi bị ngập lụt trong một con lũ thông tin khổng lồ mà bạn không có cách nào tiếp thu cũng như phân tích hết? Làm thế nào để sống trong một thế giới mà sự khôn lường sâu sắc không phải là một lỗi mà là một đặc trưng?
Để tồn tại và phát triển trong một thế giới như thế, bạn sẽ cần hết sức linh hoạt về tinh thần và có những nguồn dự trữ cân bằng cảm xúc lớn. Bạn sẽ phải liên tục từ bỏ một số điều bạn biết rõ nhất và học làm quen với những điều chưa biết. Thật không may, dạy trẻ con nắm bắt những điều chưa biết trong khi vẫn duy trì cân bằng tâm lý thì khó hơn việc dạy cho chúng một phương trình vật lý hay nguyên nhân của Thế chiến thứ nhất rất nhiều. Bạn không thể học được sự kiên cường bằng cách đọc một quyển sách hay nghe một bài giảng. Bản thân giáo viên cũng thường thiếu sự linh hoạt về tâm lý mà thế kỷ 21 đòi hỏi vì bản thân họ là sản phẩm của hệ thống giáo dục cũ.
Cách mạng Công nghiệp đã truyền lại cho chúng ta lý thuyết giáo dục kiểu dây chuyền sản xuất. Ở giữa thị trấn có một tòa nhà bê tông lớn chia thành nhiều phòng giống hệt nhau, mỗi phòng có các dãy bàn và ghế. Chuông reo, ta đi vào một trong các phòng này cùng ba chục đứa trẻ khác sinh cùng năm với ta. Mỗi giờ lại có một người lớn khác nhau đi vào và bắt đầu nói. Họ được chính phủ trả tiền để làm việc đó. Một người trong số họ nói cho ta biết hình dạng Trái đất, một người khác nói về quá khứ của con người và người thứ ba nói về cơ thể người. Thật dễ để cười vào mũi mô hình này, và hầu hết mọi người đều đồng ý rằng dù thành tựu quá khứ của nó có như thế nào, giờ nó đã phá sản. Nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa tạo được mô hình thay thế khả thi nào. Chắc chắn không phải là một phương án thay thế có thể nhân rộng áp dụng được cả ở nông thôn Mexico chứ không chỉ ngoại ô California giàu có.
—ooOoo—
GIẢI MÃ CON NGƯỜI
THẾ NÊN lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa cho một thiếu niên 15 tuổi đang mắc kẹt trong một trường học lỗi thời đâu đó tại Mexico, Ấn Độ hay Alabama là: đừng dựa quá nhiều vào người lớn. Hầu hết họ có ý tốt, nhưng họ đơn giản là không hiểu thế giới. Trong quá khứ, nghe theo người lớn là một lựa chọn tương đối an toàn vì họ biết về thế giới khá rõ và thế giới thay đổi chậm chạp. Nhưng thế kỷ 21 sẽ khác. Tốc độ thay đổi ngày càng tăng nên bạn không bao giờ dám chắc liệu những gì người lớn đang nói với mình là nhừng lời khôn ngoan muôn thuở hay chỉ là các thiên kiến đã lỗi thời.
Thay vào đó, bạn có thể dựa vào cái gì đây? Có lẽ vào công nghệ? Canh bạc đó thậm chí còn rủi ro hơn. Công nghệ có thể giúp bạn rất nhiều, nhưng nếu công nghệ chiếm được quá nhiều quyền lực đối với cuộc đời bạn, bạn có thể trở thành con tin cho lịch trình của nó. Hàng ngàn năm trước, con người phát minh ra nông nghiệp; nhưng công nghệ đó chỉ làm giàu cho một nhóm tinh hoa cực ít ỏi trong khi biến phần lớn con người thành nô lệ. Hầu hết mọi người thấy mình làm lụng từ lúc bình minh đến lúc hoàng hôn, nhổ cỏ, gánh nước và thu hoạch ngô dưới mặt trời đổ lửa. Điều đó có thể cũng sẽ xảy đến với bạn.
Công nghệ không xấu. Nếu bạn biết mình muốn gì ở đời, công nghệ có thể giúp bạn có được nó. Nhưng nếu bạn không biết mình muốn gì trong đời, công nghệ sẽ rất dễ dàng định hình các mục tiêu của bạn giúp cho bạn và kiểm soát cuộc đời bạn. Đặc biệt là khi công nghệ ngày càng giỏi thấu hiểu con người, bạn có thể thấy mình ngày càng phục vụ cho nó, thay vì nó phục vụ cho bạn. Bạn đã thấy những cái xác sống lượn lờ trên phố trong khi dán mặt vào màn hình chưa? Bạn nghĩ họ kiểm soát công nghệ hay công nghệ kiểm soát họ?
Vậy bạn nên dựa vào chính mình à? Điều đó nghe thì có vẻ hay trên loạt chương trình Sesame Street hoặc trong một bộ phim Disney kiểu cũ; nhưng trong đời thực thì nó không hiệu quả đâu. Ngay cả Disney cũng đang nhận ra điều đó. Giống Riley Anderson, hầu hết chúng ta không hiểu được chính mình; và khi cố “lắng nghe bản thân”, ta dễ dàng thành con mồi cho các thao túng từ bên ngoài. Giọng nói ta nghe trong đầu không bao giờ đáng tin cậy vì nó luôn phản ánh các tuyên truyền của nhà nước, tẩy não mang tính ý thức hệ và quảng cáo thương mại, chưa kể những “con bọ” sinh hóa.
Khi công nghệ sinh học và học máy cải tiến, việc thao túng các cảm xúc và khao khát sâu kín nhất của con người sẽ ngày càng dễ dàng và cứ đi theo trái tim sẽ càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Khi Coca-Cola, Amazon, Baidu hay chính phủ biết cách giật dây trái tim và bấm nút trí não bạn, liệu bạn còn có thể nhận ra sự khác biệt giữa bản thể của mình và các chuyên gia marketing của họ không?
Để thành công với một nhiệm vụ khó khăn như thế, bạn sẽ cần bỏ công tìm hiểu cơ chế hoạt động của mình rõ hơn. Để hiểu mình là gì và mình muốn gì từ cuộc đời. Điều này, hiển nhiên, chính là lời khuyên cổ xưa nhất trong sách vở: biết mình. Trong vài ngàn năm, các triết gia và nhà tiên tri đã thúc giục mọi người phải biết mình. Nhưng lời khuyên này chưa bao giờ cấp thiết như trong thế kỷ 21 vì không như thời của Lão Tử hay Socrates, giờ ta đang có một cuộc cạnh tranh nghiêm túc. Coca-Cola, Amazon, Baidu và chính phủ đang chạy đua để giải mã bạn. Không phải điện thoại thông minh, máy tính và tài khoản ngân hàng của bạn; họ đang chạy đua để giải mã bạn và hệ thống vận hành hữu cơ của bạn. Bạn có lẽ đã nghe nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại giải mã máy tính, nhưng đấy thậm chí không phải là một nửa sự thật. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong thời đại mở khóa con người.
Các thuật toán ngay lúc này đang theo dõi bạn. Chúng đang theo dõi nơi bạn đi, cái bạn mua, người bạn gặp. Chẳng mấy chốc, chúng sẽ giám sát mọi bước đi, hơi thở và nhịp tim của bạn. Chúng đang dựa vào Big Data và học máy để hiểu bạn ngày càng rõ. Và một khi các thuật toán này hiểu bạn hơn bạn hiểu bản thân, chúng có thể kiểm soát và thao túng bạn, bạn sẽ chẳng làm được gì mấy. Bạn sẽ sống trong ma trận, hay trong Show truyền hình Truman. Cuối cùng, đây chỉ là một vấn đề thống kê đơn giản: nếu các thuật toán thực sự hiểu điều đang xảy ra bên trong bạn rõ hơn chính bạn, thì thẩm quyền sẽ chuyển dịch về phía chúng.
Dĩ nhiên, có thể bạn sẽ hoàn toàn hạnh phúc khi trao toàn bộ thẩm quyền cho các thuật toán và tin tưởng để chúng quyết định mọi thứ cho bạn cũng như cho phần còn lại của thế giới. Nếu thế, hãy cứ thư dãn và tận hưởng cuộc dạo chơi. Bạn chẳng cần làm gì đâu. Các thuật toán sẽ chăm lo hết. Tuy nhiên, nếu muốn giữ lại phần nào quyền kiểm soát sự tồn tại cá nhân và tương lai của cuộc sống, bạn sẽ phải chạy nhanh hơn thuật toán, nhanh hơn Amazon và chính phủ, và tự biết mình trước khi chúng làm được điều đó. Để chạy nhanh, đừng mang theo nhiều hành lý. Hãy để tất cả ảo tưởng của bạn lại phía sau. Chúng nặng lắm đấy.