21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 20
20
* * *
Ý Nghĩa
CUỘC ĐỜI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÂU CHUYỆN
TÔI LÀ ai? Tôi nên làm gì trong đời? Ý nghĩa cuộc sống là gì? Con người đã đặt ra những câu hỏi này từ lúc nào không ai nhớ nổi nữa. Mỗi thế hệ lại cần một câu trả lời mới vì điều ta biết và không biết liên tục thay đổi. Với tất cả những gì ta biết và không biết về khoa học, về Chúa Trời, về chính trị và về tôn giáo, câu trả lời tốt nhất mà ta có thể đưa ra hôm nay là gì?
Người ta trông đợi kiểu câu trả lời gì? Trong hầu hết mọi trường hợp, khi hỏi về ý nghĩa cuộc sống, họ trông chờ được kể cho nghe một câu chuyện. Homo sapiens là một động vật kể chuyện, nghĩ theo các câu chuyện thay vì theo số liệu hay biểu đồ và tin rằng bản thân vũ trụ vận hành như một câu chuyện, đầy rẫy người hùng và kẻ xấu, mâu thuẫn và giải pháp, cao trào và những cái kết có hậu. Khi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, ta muốn một câu chuyện sẽ giải thích hiện thực là để làm gì và vai trò cụ thể của ta trong tấn kịch vũ trụ là gì. Vai trò này khiến ta trở thành một phần của một thứ gì đó lớn hơn bản thân và mang lại ý nghĩa cho mọi trải nghiệm và lựa chọn của ta.
Một câu chuyện được ưa chuộng, được kể đi kể lại hàng ngàn năm cho hàng tỷ con người háo hức, giải thích rằng chúng ta là một phần của một vòng xoay vĩnh hằng bao trùm và kết nối vạn vật. Mỗi cá thể có một chức năng riêng biệt cần hoàn thành trong vòng xoay đó. Hiểu được ý nghĩa của cuộc đời tức là hiểu chức năng độc đáo của mình, và sống một cuộc đời tốt tức là hoàn thành chức năng đó.
Sử thi Bhagavad Gita của Hindu kể rằng hoàng tử chiến binh vĩ đại Arjuna thấy lòng đầy hoang mang giữa một cuộc nội chiến thảm khốc như thế nào. Nhìn thấy bạn bè và người thân mình ở bên kia chiến tuyến, ngài chùn tay không muốn đánh, giết họ. Ngài bắt đầu tự hỏi cái gì là tốt và xấu, ai quyết định điều đó và đâu là mục đích của đời người. Thần Krishna sau đó giải thích cho Arjuna rằng trong vòng xoay vũ trụ vĩ đại, mỗi sinh linh sở hữu một “dharma” độc đáo, con đường mà người đó phải đi và các nghĩa vụ mà người đó phải hoàn thành. Nếu bạn nhận ra được dharma của mình thì dù con đường có chông gai đến đâu, bạn vẫn thấy bình an trong tâm trí và thoát khỏi mọi ngờ vực. Nếu bạn từ chối đi theo dharma của mình và cố đi theo con đường của ai đó khác, hoặc lang thang không đường hướng, bạn sẽ phá vỡ cân bằng vũ trụ và sẽ không bao giờ tìm được bình an hay niềm vui. Không quan trọng đường của bạn là gì, miễn là bạn đi theo nó. Một người thợ giặt tận tụy đi theo con đường của người thợ giặt vẫn tốt hơn nhiều so với một hoàng tử lạc lối khỏi con đường của hoàng tử. Hiểu được ý nghĩa cuộc sống, Arjuna nghiêm túc đi theo dharma của mình là một chiến binh, đưa quân đội mình đến thắng lợi và trở thành một trong những người hùng được tôn sùng và yêu mến nhất trong thế giới Hindu.
Bộ phim giàu chất sử thi của Disney là Vua sư tử năm 1994 đã gói lại câu chuyện cổ này cho các khán giả hiện đại, với chàng sư tử trẻ Simba là hình ảnh của Arjuna. Khi Simba muốn biết ý nghĩa của sự tồn tại, cha cậu, vua sư tử Mufasa, đã kể cho cậu nghe về Vòng Đòi vĩ đại. Mufasa giải thích rằng những con linh dương ăn cỏ, sư tử ăn linh dương và khi sư tử chết, thân xác rã ra và lại nuôi sống cỏ. Đây là cách sự sống truyền từ đời này sang đời khác, miễn là mỗi con vật đóng vai trò của nó trong vở kịch. Mọi thứ được kết nối và mọi người phụ thuộc vào mọi người khác; vậy nên nếu chỉ một cọng cỏ không làm tròn trách nhiệm của mình, cả Vòng Đời có thể sẽ tan rã. Mufasa nói bổn phận của Simba là trị vì vương quốc sư tử sau khi Mufasa chết và giữ gìn trật tự của những loài vật khác.
Tuy nhiên, khi Mufasa sớm bị anh trai Scar độc ác của mình ám sát, Simba nhỏ tuổi đã tự trách mình vì thảm họa ấy. Lòng đầy mặc cảm tội lỗi, cậu rời vương quốc sư tử, từ bỏ số mệnh vương giả của mình và lang thang vào nơi hoang dã. Nơi đó, cậu gặp hai kẻ bên lề khác là một con chồn đất và một con lợn lòi; cùng nhau, chúng trải qua vài năm vô tư lự xa rời thế giới đông đúc. Triết lý né tránh xã hội của chúng có nghĩa là chúng đáp lại mọi vấn đề bằng cách ca tụng “Hakuta matata”, tức “chẳng có gì phải lo lắng”.
Nhưng Simba không thể thoát khỏi dharma của mình. Khi trưởng thành, cậu càng bị giày vò, không biết mình là ai và mình nên làm gì trong đời. Ở khoảnh khắc cao trào của bộ phim, linh hồn Mufasa hiện lên với Simba trong một ảo ảnh và nhắc cho Simba nhớ về Vòng Đời và số mệnh hoàng gia của mình. Simba cũng biết được rằng khi cậu vắng mặt, Scar độc ác đã chiếm ngai vàng và trị vì vương quốc một cách sai lầm, dẫn đến mất đoàn kết và nạn đói. Simba cuối cùng hiểu ra mình là ai và mình phải làm gì. Cậu trở về vương quốc sư tử, trừng phạt ông chú, trở thành vua, tái thiết sự hòa hợp và phồn thịnh. Bộ phim kết thúc bằng cảnh một Simba tự hào ra mắt kẻ kế vị vừa mới chào đời trước muôn loài, đảm bảo sự tiếp nối của Vòng Đời vĩ đại.
Vòng Đời biến vở kịch vũ trụ thành một câu chuyện có tính tuần hoàn. Với tất cả những gì Simba và Arjuna biết, sư tử ăn linh dương và các chiến binh đánh trận hết đời này sang đời khác và vẫn sẽ tiếp tục làm vậy mãi mãi. Vòng quay vĩnh hằng mang lại cho câu chuyện sức mạnh, ám chỉ rằng đây là tiến trình tự nhiên của vạn vật; nếu Arjuna chối bỏ chiến trận hay Simba từ chối trở thành vua, họ sẽ chống lại chính các quy luật của tự nhiên.
Nếu tôi tin vào một phiên bản nào đó của câu chuyện Vòng Đời, điều đó nghĩa là tôi có một bản dạng cố định và chân thực, thứ quyết định phận sự của tôi trong cuộc đời. Suốt nhiều nầm, tôi có thể nghi ngờ hoặc không ý thức được bản dạng đó; nhưng một ngày kia, trong một khoảnh khắc cao trào tuyệt diệu nào đó, nó sẽ được hé lộ và tôi sẽ hiểu được vai trò của mình trong tấn kịch vũ trụ. Dù sau đó tôi có thể gặp phải nhiều thử thách và đau khổ, tôi sẽ không còn nghi ngờ hay tuyệt vọng nữa.
Các tôn giáo và ý thức hệ khác cũng tin vào một tấn kịch vũ trụ hữu tuyến như vậy, với phần đầu rõ ràng, phần giữa không quá dài, và một cái kết vĩnh cửu. Chẳng hạn, câu chuyện Hồi giáo kể rằng ban đầu Đấng Allah tạo ra toàn thể vũ trụ và đặt ra các quy luật của nó. Sau đó, Ngài hé lộ các quy luật này cho loài người trong kinh Quran. Không may là những con người u mê và ma quỷ đã nổi loạn chống lại Allah và cố phá vỡ hoặc che giấu các quy luật ấy; việc giữ gìn các luật này và lan truyền tri thức về chúng phải nhờ vào những người Hồi đạo đức và trung thành. Cuối cùng, vào Ngày phán xét, Allah sẽ đưa ra phán quyết về hành xử của mỗi một cá nhân. Ngài sẽ ban thưởng cho những người đường hoàng bằng hạnh phúc vĩnh hằng trên Thiên đường và thảy đám độc ác vào lò lửa địa ngục.
Câu chuyện hoành tráng này ám chỉ rằng vai trò nhỏ bé nhưng quan trọng của tôi trong cuộc đời là đi theo các mệnh lệnh của Allah, lan tỏa tri thức về các luật của Ngài và đảm bảo các ước muốn của Ngài được phục tùng. Nếu tôi tin vào câu chuyện Hồi giáo, tôi tìm thấy ý nghĩa sống trong việc cầu nguyện năm lần một ngày, cúng tiền để xây một thánh đường mới và đấu tranh chống lại những kẻ bỏ đạo và ngoại đạo. Ngay cả các hoạt động tầm thường nhất như rửa tay, uống rượu, làm tình cũng thấm đẫm ý nghĩa vũ trụ.
Chủ nghĩa dân tộc cũng lưu giữ một câu chuyện, theo tuyến tính. Câu chuyện Phục quốc Do Thái bắt đầu với các cuộc phiếu lưu và thành tựu thánh kinh của dân tộc Do Thái, kể lại chi tiết 2.000 năm lưu vong và ngược đãi, đạt đến đỉnh điểm với cuộc thảm sát Holocaust và việc thành lập nhà nước Israel, và mong chờ đến ngày Israel hưởng hòa bình, thịnh vượng và trở thành một điểm sáng về đạo đức cũng như tinh thần cho thế giới. Nếu tôi tin vào câu chuyện Phục quốc, tôi sẽ kết luận rằng nhiệm vụ của cuộc đời của mình là thúc đẩy lợi ích của quốc gia Do Thái bằng cách bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ Do Thái, chiến đấu giành lại các phần lãnh thổ Do Thái đã mất hay có lẽ bằng cách sinh ra và nuôi lớn một thế hệ những đứa trẻ Do Thái trung thành mới.
Cả trong trường hợp này, các việc nhỏ nhặt cũng căng tràn ý nghĩa. Vào Ngày Độc lập, trẻ em Israel thường hát cùng nhau một bài hát Do Thái phổ biến ca ngợi bất cứ hành vi nào được làm vì đất mẹ. Một đứa trẻ hát: “Tôi đã xây một căn nhà trên đất Israel”, một đứa khác hát tiếp: “Tôi đã trồng một cái cây trên đất Israel”, đứa thứ ba hòa giọng: “Tôi đã viết một bài thơ trên đất Israel” và cứ thế, cho đến khi tất cả cùng đồng thanh đoạn điệp khúc “Thế là ta đã có một căn nhà, một cái cây và một bài thơ [và bất cứ thứ gì khác bạn muốn thêm vào] trên đất Israel”.
Chủ nghĩa cộng sản kể một câu chuyện tương tự, nhưng tập trung vào giai cấp hơn là sắc tộc. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mở đầu bằng cách tuyên bố rằng:
Lịch sử của tất cả các xã hội hiện tại là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Tự do và nô lệ, thương nhân và tiện dân, chúa tể và nông nô, chủ nhân và người làm thuê, trong một từ, kẻ áp bức và bị áp bức, đứng đối lập với nhau, tiếp tục chiến đấu liên tục. Hiện trạng này đang mất dần, mỗi một cuộc chiến đến hồi kết thúc, thì đều trong một sự phục hồi mang tính cách mạng của xã hội, hoặc trong sự hủy hoại chung của các giai cấp đấu tranh.
Bản tuyên ngôn tiếp tục giải thích rằng trong thời hiện đại, ‘Xã hội nói chung ngày càng tách ra thành hai phe thù địch lớn, thành hai giai cấp lớn đối đầu trực tiếp với nhau: Tư sản và Vô sản.’ Cuộc đấu tranh của họ sẽ kết thúc bằng chiến thắng của giai cấp vô sản, sẽ báo hiệu sự kết thúc của lịch sử và sự thành lập thiên đường cộng sản trên trái đất, trong đó không ai sẽ sở hữu bất cứ thứ gì, và mọi người sẽ hoàn toàn tự do và hạnh phúc.
Nếu tin vào câu chuyện này, tôi sẽ kết luận rằng sứ mệnh đời tôi là đẩy nhanh cách mạng toàn cầu bằng cách viết ra các tờ rơi hùng hồn để khơi dậy ý thức giai cấp, tổ chức các cuộc biểu tình và bãi công. Câu chuyện này mang lại ý nghĩa cho cả các hành động nhỏ nhất, như tẩy chay một nhãn hàng bóc lột công nhân dệt may ở Bangladesh hay cãi nhau với ông bố vợ tư bản “lợn” của tôi trên bàn tiệc Giáng sinh.
Khi nhìn lại toàn bộ các câu chuyện tìm cách định nghĩa bản dạng thực sự và mang lại ý nghĩa cho các hành động của tôi, thật đáng kinh ngạc khi nhận ra quy mô gần như không quan trọng. Một số câu chuyện, như câu chuyện Vòng đời của Simba, có vẻ kéo dài vĩnh viễn: chỉ khi đặt mình trên bối cảnh toàn vũ trụ, tôi mới có thể biết mình là ai. Các câu chuyện khác, như phần lớn các câu chuyện theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc và bộ tộc, so ra đều hết sức nhỏ bé. Câu chuyện Phục quốc Do Thái lấy cuộc phiêu lưu của khoảng 0,2% nhân loại trên 0,005% bề mặt Trái đất trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi làm linh thiêng. Câu chuyện đó không thể mang lại bất cứ ý nghĩa nào cho các đế chế Trung Hoa, các bộ lạc ở New Guinea và thiên hà Andromeda, cũng như vô vàn kỷ nguyên đã trôi qua trước sự tồn tại của Moses, Abraham và sự tiến hóa của loài vượn.
Một cách nhìn thiển cận như vậy có thể có các hậu quả rất nghiêm trọng. Chẳng hạn, một trong những trở ngại chính cho bất kỳ hiệp ước hòa bình nào giữa người Israel và người Palestine là người Israel không sẵn sàng chia đôi thành phố Jerusalem. Họ lý luận rằng thành phố này là “thủ đô vĩnh hằng của người Do Thái” và chắc chắn là cái gì vĩnh hằng thì không thể thỏa hiệp được. Vài người chết thì có là gì so với vĩnh hằng cơ chứ? Điều này dĩ nhiên là hoàn toàn nhảm nhí. Vĩnh hằng ít nhất là 13,8 tỷ năm, tuổi hiện tại của vũ trụ. Hành tinh Trái đất hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước và con người thì tồn tại được ít nhất 2 triệu năm. Trái lại, thành phố Jerusalem được thành lập chỉ 5.000 năm trước và người Do Thái thì khoảng 3.000 năm tuổi. Điều đó khó có thể gọi là vĩnh hằng.
Còn về tương lai, vật lý cho ta biết hành tinh Trái đất sẽ bị một mặt trời đang nở ra nuốt trọn khoảng 7,5 tỷ năm nữa tính từ bây giờ và vũ trụ của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại ít nhất 13 tỷ năm nữa. Có ai nghiêm túc tin rằng người Do Thái, hay nhà nước Israel, hay thành phố Jerusalem, sẽ vẫn tồn tại sau 13.000 năm, chưa nói đến 13 tỷ năm? Nhìn về tương lai, chủ nghĩa Phục quốc Do Thái có đường chân trời không quá vài thế kỷ, nhưng như vậy đã đủ để làm cạn kiệt trí tưởng tượng của hầu hết người Israel và đủ để được cho là “vĩnh hằng”. Và con người sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của “thành phố vĩnh hằng”, trong khi người ta có lẽ sẽ từ chối hy sinh cho một tập hợp phù vân gồm một số ngôi nhà.
Khi còn là một thiếu niên sống ở Israel, ban đầu tôi cũng bị lời hứa dân tộc chủ nghĩa hấp dẫn để trở thành một phần của một cái gì đó lớn hơn bản thân. Tôi muốn tin rằng nếu tôi hiến dâng đời mình cho dân tộc thì tôi sẽ “bất tử”. Cụm từ đó nghe rất sâu sắc, nhưng nó thực sự có nghĩa gì? Tôi nhớ một buổi lễ mừng Ngày Độc lập nọ, khi tôi khoảng 13 hay 14 tuổi. Trong khi ở Mỹ, Ngày Độc lập chủ yếu được đánh dấu bằng các cuộc giảm giá bán hàng thì ở Israel, đó là một sự kiện cực kỳ nghiêm túc và quan trọng. Vào ngày này, các trường tổ chức các buổi lễ để tưởng nhớ các chiến sĩ đã ngã xuống trong nhiều cuộc chiến của Israel. Bọn trẻ mặc đồ trắng, đọc thơ, ca hát, đặt hoa tưởng niệm và vẫy cờ. Thế là tôi cũng ở đó, trong buổi lễ tưởng niệm của trường và mặc đồ màu trắng; giữa lúc vẫy cờ với đọc thơ, tôi tự nhiên nghĩ rằng khi nào lớn lên, tôi cũng muốn trở thành một người lính đã ngã xuống. Xét cho cùng, nếu tôi là một người lính chết trận oai hùng đã hiến dâng đời mình cho Israel, thì tất cả lũ trẻ này sẽ đọc thơ và vẫy cờ để vinh danh tôi.
Nhưng rồi tôi nghĩ: “Gượm đã. Nếu tôi chết rồi, làm sao tôi biết bọn trẻ này thật sự đang đọc thơ để vinh danh mình?” Thế nên tôi cố hình dung mình đã chết. Và tôi hình dung mình nằm dưới một tấm bia trắng nào đó trong một nghĩa trang quân sự quy củ, lắng nghe những bài thơ đến từ mặt đất trên kia. Nhưng rồi tôi nghĩ: “Nếu mình chết rồi thì mình đâu có nghe được thơ nữa, vì mình đâu có tai và đâu có não và chẳng thể nghe hay cảm nhận được gì. Thế thì làm vậy để làm gì?”
Tệ hơn, đến năm 13 tuổi, tôi đã biết vũ trụ đã vài tỷ năm tuổi và có lẽ sẽ tiếp tục tồn tại thêm vài tỷ năm nữa. Liệu tôi có thể trông chờ một cách thực tế là Israel sẽ tồn tại lâu đến thế? Liệu mấy đứa trẻ Homo sapiens mặc đồ trắng có tiếp tục đọc thơ vinh danh tôi sau 200 triệu năm nữa? Có một cái gì đó lắt léo trong vụ này.
Nếu bạn là người Palestine, đừng quá lên mặt. Hai trăm triệu năm nữa chắc cũng chả còn người Palestine nào tồn tại nữa đâu. Trong mọi khả năng có thể xảy ra thì đến lúc đó sẽ chẳng còn loài có vú nào tồn tại nữa cả. Tất cả các phong trào dân tộc chủ nghĩa khác cũng như vậy. Chủ nghĩa dân tộc Serbia chẳng mấy quan tâm đến các sự kiện ở kỷ Jura, trong khi một số nhà dân tộc chủ nghĩa Bắc Hàn tin rằng một bán đảo nhỏ ở bờ Đông Á là phần của vũ trụ thực sự quan trọng hơn hết trong kế hoạch vĩ đại của vạn vật.
Dĩ nhiên, ngay cả Simba, với tất cả sự cống hiến của cậu cho Vòng đời bất tận, cũng chưa bao giờ nghĩ đến sự thật là cả sư tử, linh dương và cỏ cũng không thật sự vĩnh hằng. Simba không nghĩ được vũ trụ vốn như thế nào trước khi có sự tiến hóa của các loài có vú, cũng như số phận đồng cỏ châu Phi yêu mến của cậu là gì một khi con người giết hết sư tử và phủ lên đồng cỏ bê tông và nhựa đường. Điều này có khiến cuộc đời của Simba trở nên hoàn toàn vô nghĩa không?
Mọi câu chuyện đều không hoàn chỉnh. Thế nhưng để xây dựng một bản dạng khả dĩ cho bản thân và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mình, tôi không thực sự cần một câu chuyện hoàn chỉnh không hề có lỗ hổng và mâu thuẫn nội tại nào. Để cuộc sống của mình có ý nghĩa, một câu chuyện chỉ cần thỏa mãn hai điều kiện. Đầu tiên, nó phải cho tôi một vai gì đó. Một thổ dân New Guinea khó lòng tin vào chủ nghĩa phục quốc Do Thái hay chủ nghĩa dân tộc Serbia bởi những câu chuyện này hoàn toàn không quan tâm đến New Guinea và người dân ở đó. Cũng như các ngôi sao điện ảnh, con người chỉ thích những kịch bản để dành cho họ một vai quan trọng.
Thứ hai, một câu chuyện hay không cần phải kéo dài đến vô cực nhưng nó phải kéo dài vượt ngoài tầm mắt của tôi. Câu chuyện phải cho tôi một bản dạng và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời tôi bằng cách đặt tôi trong một cái gì đó lớn hơn bản thân mình. Nhưng lúc nào cũng có nguy cơ là tôi sẽ bắt đầu tự hỏi điều gì mang lại ý nghĩa cho “cái gì đó lớn hơn” ấy. Nếu ý nghĩa cuộc đời tôi là giúp đỡ giai cấp bần lao hay dân tộc Ba Lan thì chính xác là điều gì mang lại ý nghĩa cho giai cấp bần lao hay dân tộc Ba Lan? Có một câu chuyện kể về một người đàn ông tuyên bố rằng thế giới được giữ ở đúng vị trí của nó bằng cách nằm trên lưng một con voi khổng lồ. Khi được hỏi thế con voi đứng lên cái gì, ông ta trả lời rằng nó đứng trên lưng một con rùa lớn. Còn con rùa? Trên lưng một con rùa còn lớn hơn. Và con rùa lớn hơn đó? Người đàn ông phát cáu và đáp: “Đừng bận tâm nữa. Từ đó về sau chỉ có rùa là rùa thôi”.
Hầu hết những câu chuyện thành công thường để ngỏ. Chúng không bao giờ cần phải giải thích ý nghĩa tối thượng đến từ đâu vì chúng quá giỏi nắm bắt sự chú ý của người khác và giữ sự chú ý đó bên trong vùng an toàn. Do đó, khi giải thích rằng thế giới nằm trên lưng một con voi khổng lồ, bạn nên đón lõng mọi câu hỏi khó bằng cách mô tả thật chi tiết rằng đôi tai vĩ đại của con voi vẫy vẫy thì tạo dông tố ra sao và khi con voi rùng mình tức giận thì động đất sẽ làm rung chuyển bề mặt Trái đất như thế nào. Nếu bạn thêu dệt một câu chuyện đủ hay, không ai nghĩ đến chuyện hỏi xem con voi đứng trên cái gì. Tương tự, chủ nghĩa dân tộc hút hồn chúng ta bằng các câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng, làm ta cảm động phát khóc bằng cách kể lại những thảm họa trong quá khứ và khiến ta đùng đùng nổi giận bằng cách xoáy vào những điều bất công mà dân tộc ta đã gánh chịu. Chúng ta được bản anh hùng ca dân tộc này cuốn hút đến múc bắt đầu đánh giá mọi thứ xảy ra trên thế giới bằng ảnh hưởng của nó đến dân tộc mình và gần như chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tự hỏi điều gì khiến dân tộc của chúng ta lại quan trọng đến thế ngay từ đầu.
Khi bạn tin vào một câu chuyện nhất định, nó sẽ làm bạn cực kỳ hứng thú với những tiểu tiết nhỏ nhất của nó, trong khi khiến bạn không nhìn ra bất cứ thứ gì nằm ngoài phạm vi ấy. Những người làm cách mạng nhiệt thành có thể dành vô số giờ đồng hồ tranh luận xem liệu có được phép liên minh với các nhà dân chủ xã hội ở các giai đoạn đầu của cách mạng không, nhưng họ hiếm khi dừng lại để ngẫm ngợi về vị trí của người lao động trong cuộc tiến hóa sự sống của loài có vú trên hành tinh Trái đất hay sự lan truyền của sự sống hữu cơ trong vũ trụ. Những câu chuyện vu vơ như thế bị xem là một sự phí hơi phản cách mạng.
Một số câu chuyện cũng mất công rào đón toàn bộ không gian và thời gian, nhưng khả năng kiểm soát sự chú ý giúp nhiều câu chuyện thành công khác giữ được sự khiêm nhường về phạm vi kể chuyện. Một quy luật quan trọng của kể chuyện là một khi câu chuyện bằng cách nào đó đã vượt được ra khỏi tầm nhìn của khán giả, thì phạm vi cuối cùng của nó không mấy quan trọng nữa. Người ta có thể cuồng nhiệt vì lợi ích của một dân tộc ngàn năm tuổi, cũng như một vị thần một tỷ năm tuổi. Con người đơn giản là cứ đến số to thì mù mờ. Phần lớn các trường hợp chỉ cần những con số nhỏ bé đến ngạc nhiên đã khiến trí tưởng tượng của ta kiệt sức.
Với tất cả những gì ta biết về vũ trụ, việc một người tình táo tin rằng sự thật chung cuộc về vũ trụ và sự tồn tại của loài người là câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc Israel, Đức hay Nga hay thậm chí ở đâu đó, có vẻ hoàn toàn bất khả. Một câu chuyện phớt lờ gần như toàn bộ thời gian, toàn bộ không gian, Vụ Nổ Lớn, vật lý lượng tử và tiến hóa sự sống thì nhiều lắm cũng chỉ là một phần nhỏ xíu của sự thật. Thế nhưng bằng cách nào đó người ta vẫn không sao nhìn vượt ra khỏi câu chuyện như vậy.
Thực vậy, hàng tỷ người xuyên suốt lịch sử đã tin rằng để cuộc đời mình có ý nghĩa, họ thậm chí không cần phải cuốn vào một dân tộc hay một phong trào, hệ tư tưởng lớn lao nào cả. Chỉ cần họ “để lại một cái gì đó”, từ đó đảm bảo rằng câu chuyện cá nhân của họ sẽ tiếp tục sau khi họ chết, là đủ. Cái “gì đó” mà tôi để lại phía sau lý tưởng nhất là linh hồn hoặc tinh hoa cá nhân. Nếu tôi được tái sinh vào một thân xác mới sau cái chết của thân xác hiện tại thì chết không phải là hết. Nó chỉ là khoảng cách giữa hai chương và cốt truyện bắt đầu ở chương này sẽ tiếp diễn ở chương sau. Nhiều người ít nhất có một niềm tin mơ hồ vào một lý thuyết như thế, ngay cả khi họ không dựa vào một tư tưởng hệ cụ thể nào. Họ không cần một giáo lý phức tạp, họ chỉ cần cảm giác an ủi rằng câu chuyện của họ sẽ tiếp nối vượt qua chân trời của cái chết.
Lý thuyết về sự sống như một bản hùng ca không bao giờ kết này đặc biệt hấp dẫn và thông dụng, nhưng nó gặp hai vấn đề chính. Thứ nhất, bằng cách kéo dài câu chuyện của cá nhân mình, tôi không thật sự khiến nó trở nên ý nghĩa hơn. Tôi chỉ khiến nó trở nên dài hơn. Quả thật, hai tôn giáo lớn đi theo ý tưởng về một vòng sinh tử luân hồi bất diệt là Hindu giáo và Phật giáo có chung nỗi sợ đối với sự vô thường của mọi thứ. Hàng triệu triệu lần tôi tập đi, tôi lớn lên, tôi cãi vã với mẹ vợ, tôi ốm, tôi chết, rồi tôi lại làm lại tất cả mọi thứ đó. Thế thì nghĩa lý gì? Nếu tôi gom tất cả những giọt nước mắt mình đã khóc trong muôn kiếp trước, chúng hẳn sẽ đổ đầy Thái Bình Dương; nếu tôi gom tất cả răng và tóc mình đã rụng, chúng sẽ cao hơn dãy Himalaya. Và với tất cả những thứ đó, tôi có gì để mà khoe đây? Chẳng trách mà các nhà hiền triết Hindu và Phật giáo đều tập trung phần lớn sức lực vào việc làm sao để thoát khỏi vòng xoay này thay vì duy trì nó mãi mãi.
Vấn đề thứ hai với lý thuyết này là sự khan hiếm các bằng chứng hỗ trợ. Tôi có bằng chứng gì để chứng minh một kiếp trước của tôi là một nông dân thời Trung cổ, một người Neanderthal săn bắt, một con khủng long bạo chúa hay một con a-míp (Nếu tôi thực sự Sống hàng triệu cuộc đời, chắc chắn tôi từng là một con khủng long hoặc một con a-míp ở một giai đoạn nào đó vì con người mới tồn tại 2,5 triệu năm nay thôi)? Và trong tương lai tôi sẽ được tái sinh trong hình hài một người-robot, một nhà thám hiểm xuyên thiên hà hay thậm chí là một con ếch? Đặt cuộc đời mình dựa trên lời hứa đó hơi giống bán nhà để đổi lấy một tờ séc đã quá hạn và rút tiền ở một ngân hàng đặt trên mây.
Do đó, những người nghi ngờ việc có một dạng linh hồn hay tinh thần nào đó thực sự tồn tại sau khi chết cố để lại một cái gì đó hữu hình hơn. Cái “gì đó hữu hình” đó có thể tồn tại dưới một trong hai dạng: văn hóa hay sinh học. Tôi có thể để lại một bài thơ hoặc một ít gen di truyền quý giá chẳng hạn. Đời tôi có nghĩa vì người ta sẽ vẫn đọc thơ tôi sau này một trăm năm, hoặc vì con cháu tôi vẫn sẽ còn đây. Thế ý nghĩa cuộc đời con cháu tôi là gì? À, đấy là vấn đề của chúng nó, không phải của tôi. Ý nghĩa cuộc đời do vậy giống như đùa với một quả lựu đạn cầm tay. Bạn chuyền được nó sang tay một người khác là bạn an toàn.
Lạy trời, hy vọng nhỏ nhơi “để lại cái gì đó” này cũng hiếm khi thành hiện thực. Hầu hết các sinh vật từng tồn tại đã tuyệt chủng mà không để lại chút “di sản” di truyền nào. Gần như tất cả khủng long chẳng hạn. Hoặc một gia đình Neanderthal đã tuyệt chủng khi Homo sapiens chiếm ưu thế. Hay gia tộc bên ngoại người Ba Lan của tôi. Vào năm 1934, bà ngoại tôi, Fanny, di cư sang Jerusalem cùng bố mẹ và hai chị em gái, nhưng hầu hết họ hàng của bà ở lại trong các thị trấn Chmielnik và Czestochowa của Ba Lan. Vài năm sau, bọn Quốc xã tràn tới và giết sạch đến đứa trẻ cuối cùng.
Các nỗ lực để lại phía sau một thứ di sản văn hóa gì đó cũng hiếm khi thành công hơn. Chẳng có gì còn sót lại từ gia tộc Ba Lan của bà ngoại tôi ngoại trừ một vài khuôn mặt ố vàng trọng album ảnh gia đình; và ở tuổi 96, ngay cả bà ngoại tôi cũng không thể nhớ được tên của những người trong ảnh nữa. Theo hiểu biết tốt nhất của tôi thì họ chưa để lại bất kỳ tạo phẩm văn hóa nào: không một bài thơ, một cuốn nhật ký, thậm chí một danh sách đồ đi chợ cũng không. Bạn có thể phản bác rằng họ có phần trong di sản chung của dân tộc Do Thái hay phong trào Phục quốc Do Thái, nhưng điều đó gần như không đem lại ý nghĩa gì cho cuộc đời của từng người trong số họ. Hơn nữa, làm sao bạn biết tất cả bọn họ thực sự trân trọng bản dạng Do Thái của mình hay đồng tình với phong trào Phục quốc? Có lẽ một trong số họ là nhà cộng sản nhiệt thành đã hy sinh khi làm việc cho người Xô-viết? Có thể một người khác không mong muốn gì hơn hòa nhập vào xã hội Ba Lan, phục vụ như một sĩ quan trong quân đội Ba Lan và bị những người có tư tưởng cực đoan giết hại trong vụ Katyn? Có thể một người thứ ba là một nhà nữ quyền cấp tiến, chối bỏ mọi bản dạng tôn giáo và dân tộc truyền thống. Vì họ chẳng để lại gì nên việc “gán cho” họ vào mục đích này hay đại nghiệp khác sau khi họ chết là quá dễ dàng, và họ thậm chí còn không thể phản đối.
Nếu không thể để lại cái gì hữu hình, như một bộ gen hay một bài thơ, có lẽ ta chỉ cần làm thế giới hơi tốt đẹp hơn một chút là đủ? Bạn có thể giúp đỡ một ai đó và người này sau đó có thể giúp một người khác; do đó bạn đã đóng góp vào tiến bộ chung của thế giới và góp một mắt xích nhỏ vào chuỗi lòng tốt vĩ đại. Có thể bạn là người chỉ dẫn cho một đứa trẻ khó bảo nhưng thông minh xuất chúng, người sau đó trở thành bác sĩ cứu sống hàng trăm người. Có thể bạn giúp một bà cụ đi qua đường và làm một giờ đồng hồ trong đời bà tươi sáng hơn. Mặc dù cũng có tác dụng của nó, chuỗi lòng tốt vĩ đại cũng hơi giống chuỗi rùa: chẳng rõ ý nghĩa đến từ đâu. Một ông già thông thái được hỏi ông đã học được gì về ý nghĩa cuộc sống. “À”, ông trả lời, “tôi học được rằng tôi ở đây, trên Trái đất, để giúp đỡ người khác. Điều tôi vẫn chưa hiểu ra là tại sao mấy người kia lại ở đây”.
Với những người không tin vào các chuỗi vĩ đại, di sản tương lai hay sử thi tập thể, có lẽ câu chuyện an toàn nhất và tiết kiệm nhất họ có thể quay về là lãng mạn. Nó không tìm cách vượt khỏi cái ở đây và bây giờ. Như vô số bài thơ tình đã chứng minh, khi yêu, toàn bộ vũ trụ thu nhỏ vè vành tai, mi mắt hay núm vú người mình yêu. Khi ngước nhìn Juliet chống cằm, Romeo thốt lên: “Ôi, giá ta là chiếc găng trên bàn tay ấy. Giá ta có thể chạm vào gò má ấy!”. Bằng cách kết nối với một người duy nhất ở ngay đây và bây giờ, bạn cảm thấy được kết nối với cả vũ trụ.
Trên thực tế, người bạn yêu cũng chỉ là một con người nữa, không khác mấy so với vô số người, bạn phớt lờ mỗi ngày trên tàu điện và trong siêu thị. Nhưng với bạn, người ấy dường như vô hạn và bạn hạnh phúc khi được lạc lối trong sự vô hạn ấy. Các nhà thơ thần bí ở mọi tôn giáo truyền thống vẫn thường đánh đồng tình yêu lãng mạn với hợp thể vũ trụ, viết về Chúa như thể đó là một người tình. Các nhà thơ lãng mạn đáp lại lời ca tụng bằng cách viết về người tình như thể viết về Chúa. Nếu bạn thực sự yêu ai đó, bạn không bao giờ lo lắng về ý nghĩa cuộc đời.
Thế nếu bạn không yêu ai thì sao? À, nếu bạn tin vào câu chuyện lãng mạn nhưng không yêu ai, ít nhất bạn cũng biết mục tiêu của cuộc đời là gì: tìm được tình yêu chân chính. Bạn đã thấy điều đó trong vô số bộ phim và đọc về nó trong vô số cuốn sách. Bạn biết một ngày nào đó mình sẽ gặp người đặc biệt đó, bạn sẽ thấy sự vô hạn trong đôi mắt lấp lánh, cả cuộc đời bạn sẽ đột nhiên có ý nghĩa và mọi câu hỏi bạn từng đặt ra sẽ được trả lời bằng cách lặp đi lặp lại một cái tên, cũng như Tony trong West Side Story hay Romeo khi thấy Juliet từ trên ban công nhìn xuống mình.
—ooOoo—
SỨC NẶNG CỦA MÁI NHÀ
MỘT CÂU chuyện hay cần cho tôi một vai diễn, cần vượt quá tầm hiểu biết của tôi, nhưng nó không cần phải có thật. Một câu chuyện có thể hoàn toàn hư cấu nhưng vẫn cho tôi một bản dạng và làm tôi cảm thấy đời mình có ý nghĩa. Quả thật, theo hiểu biết khoa học tốt nhất của chúng ta, có hàng ngàn câu chuyện mà các nền văn hóa, tôn giáo và bộ lạc khác nhau đã sáng tác ra xuyên suốt lịch sử. Chúng chỉ là các sáng tạo của con người. Nếu bạn hỏi ý nghĩa thực sự của cuộc đời và có câu trả lời. là một câu chuyện thì hãy biết đấy là câu trả lời sai. Các chi tiết cụ thể không thực sự quan trọng. Bất cứ câu chuyện nào cũng sai, đơn giản nó là một câu chuyện. Vũ trụ không vận hành như một câu chuyện.
Thế thì tại sao người ta lại tin vào những câu chuyện hư cấu này? Một lý do là bản dạng cá nhân của họ được xây dựng dựa trên câu chuyện đó. Người ta được dạy phải tin vào câu chuyện đó từ thời thơ ấu. Họ nghe câu chuyện từ cha mẹ, thầy cô, láng giềng và nền văn hóa nói chung từ rất lâu trước khi họ phát triển sự độc lập về tri thức và cảm xúc cần thiết để đặt câu hỏi và xác minh những câu chuyện đó. Đến khi hiểu biết của họ chín muồi, họ đã gắn kết với câu chuyện sâu nặng đến mức rất có khả năng họ sẽ dùng chính tri thức của mình để hợp lý hóa câu chuyện đó hơn là nghi ngờ nó. Hầu hết những người trên hành trình tìm kiếm bản dạng của mình giống như những đứa trẻ đi tìm kho báu: họ chỉ tìm thấy những gì bố mẹ đã giấu từ trước.
Thứ hai, không chỉ bản dạng cá nhân của chúng ta mà cả các thiết chế chung của chúng ta cũng được xây dựng trên câu chuyên đó. Do vậy, việc nghi ngờ câu chuyện sẽ cực kỳ đáng sợ. Trong nhiều xã hội, bất cứ ai thử làm điều đó đều bị tẩy chay hoặc trừng phạt. Ngay cả khi không làm như vậy, họ cũng cần thần kinh thép để nghi ngờ chính kết cấu của xã hội. Bởi nếu quả thực câu chuyện là giả dối thì cả thế giới như ta biết sẽ không có nghĩa lý gì hết. Các luật lệ của nhà nước, các chuẩn mực xã hội, các thiết chế kinh tế, chúng có thể sụp đổ hết thảy.
Hầu hết các câu chuyện được giữ chặt với nhau nhờ vào sức nặng của mái nhà hơn là độ bền của móng. Thử nghĩ về câu chuyện Cơ Đốc mà xem. Nó có nền móng không vững chắc cho lắm. Chúng ta có chứng cứ gì cho thấy con trai của đấng sáng tạo ra toàn thể vũ trụ được sinh ra ở dạng sống gốc carbon đâu đó trong dải Ngân hà khoảng 2.000 năm trước? Ta có bằng chứng gì cho thấy điều đó xảy ra trong khu vực Galilee và mẹ Ngài là một trinh nữ? Thế nhưng, nhiều thiết chế toàn cầu lớn lao đã được xây dựng trên câu chuyện đó và sức nặng của chúng ép xuống với một uy lực bao trùm đến mức chúng làm cho câu chuyện giữ được vị thế. Có khi người ta đã khơi mào cuộc chiến tranh chỉ để thay đổi một từ trong câu chuyện đó. Mối bất hòa ngàn năm giữa người Cơ Đốc phía Tây và người Chính thống giáo phía Đông, gần đây hiển lộ bằng thảm kịch giữa người Croat và người Serb, bắt nguồn từ một từ duy nhất là filioque (tiếng Latin có nghĩa là “và từ đứa con trai”). Người Cơ Đốc phía Tây muốn đặt từ này vào công bố tín ngưỡng Cơ Đốc, trong khi người Chính thống giáo phía Đông phản đối kịch liệt (Các ám chỉ ý thức hệ của việc thêm từ này bí hiểm đến nỗi không thể giải thích nổi theo bất cứ cách nào có ý nghĩa ở đây. Nếu bạn tò mò, hãy hỏi Google).
Một khi bản dạng cá nhân và toàn bộ hệ thống xã hội được xây dựng dựa trên một câu chuyện, việc nghi ngờ nó trở thành một điều không thể tưởng tượng nổi, không phải vì các bằng chứng chống đỡ nó mà vì nếu nó sụp đổ thì nó sẽ kéo theo một cơn chấn động cả ở mức độ cá nhân lẫn xã hội. Trong lịch sử, mái nhà đôi khi quan trọng hơn nền móng.
—ooOoo—
ÚM BA LA VÀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP NIỀM TIN
NHỮNG CÂU chuyện mang lại cho chúng ta ý nghĩa và bản dạng đều là tạo dựng, nhưng con người cần phải tin vào chúng. Vì sao người ta muốn tin vào câu chuyện thì đã rõ, nhưng họ thực sự tin như thế nào? Chúng ta làm cho câu chuyện cảm giác thật bằng cách nào? Từ hàng ngàn năm trước, các linh mục và pháp sư đã khám phá ra câu trả lời: các nghi lễ. Nghi lễ khiến cái trừu tượng trở nên vững chắc và cái hư cấu trở nên rất thật. Bản chất của nghi lễ là câu thần chú “úm ba la, X là Y!”.
Làm thế nào để các tín đồ Cơ Đốc hình dung ra Jesus thật? Trong Thánh lễ, linh mục cầm một mẩu bánh mì, một ly rượu vang đỏ và tuyên bố rằng bánh mì là thịt của Chúa, rượu là máu Chúa và khi ăn, uống chúng thì các tín đồ đạt được sự hợp nhất với Jesus. Điều gì có thể thật hơn việc thật sự nếm được Chúa trong miệng mình? Theo truyền thống, linh mục đưa ra những lời tuyên bố chắc nịch này bằng tiếng Latin, ngôn ngữ cổ xưa của tôn giáo, luật pháp và các bí mật của cuộc sống. Trước những đôi mắt kinh ngạc của các nông dân đang tụ tập, linh mục giơ cao một mẩu bánh mì và hô lên: “Hoc est corpusl” - “Đây là thân xác!”; và mẩu bánh mì lập tức trở thành thịt của Chúa. Trong tâm trí những nông dân mù chữ, không nói tiếng Latin, “Hoc est corpusl” vô tình biến thành “Hocus pocus!” (tức “úm ba la!”). Thế là sinh ra lời nguyền mầu nhiệm có thể biến một con ếch thành một hoàng tử và một trái bí ngô thành cỗ xe ngựa.
Một ngàn năm trước khi Cơ Đốc giáo ra đời, người Hindu cổ đại đã dùng thủ pháp tương tự. Kinh Brihadaranyaka Upanishad diễn giải nghi thức hiến tế một con ngựa như là sự nhận thức toàn bộ câu chuyện về vũ trụ. Bản kinh cũng theo cấu trúc “úm ba la, X là Y!”: “Đầu con ngựa tế là bình minh, mắt nó là mặt trời, sức mạnh của nó là không khí, miệng nó khạc ra ngọn lửa gọi là Vaisvanara và thân mình của con ngựa tế là các năm… các bộ phận của nó là các mùa, các khớp của nó là các tháng và nửa tuần trăng, chân nó là ngày và đêm, xương nó là các vì sao và thịt nó là những đám mây… nó ngáp là chóp, nó lắc người là sấm, nó tè là mưa và nó hí là thanh âm”.
Gần như mọi thứ đều có thể biến thành một nghi lễ bằng cách làm cho các động tác thông thường như thắp nến, rung chuông hay lần tràng hạt thấm đẫm ý nghĩa tôn giáo sâu xa. Các động tác cơ thể như cúi đầu, phủ phục toàn thân hay chắp hai tay yào nhau cũng vậy. Các dạng khăn choàng, mũ đội khác nhau từ khăn turban của người Sikh đến khăn trùm đầu hijab của người Hồi, đều mang nhiều ý nghĩa đến nỗi chúng đã làm dấy lên những cuộc đấu đá chính trị dữ dội và thậm chí đổ máu.
Cả thức ăn cũng có thể mang các ý nghĩa tâm linh vượt quá giá trị dinh dưỡng của chúng rất nhiều, dù là trứng Phục sinh tượng trưng cho sự sống mới và sự tái sinh của Chúa Jesus hay các loại thảo mộc đắng và món bánh mì không men nở mà người Do Thái ăn trong lễ Quá Hải để nhớ về kiếp nô lệ ở Ai Cập và cuộc trốn thoát thần kỳ của họ. Gần như không có món ăn nào trên thế giới chưa từng được diễn dịch ra để tượng trưng cho một cái gì đó. Do đó, vào ngày lễ Năm Mới, người Do Thái ăn mật ong để năm tới được ngọt ngào, họ ăn đầu cá để sinh đẻ nhiều như cá và để tiến về phía trước hơn là lùi về sau, họ ăn quả lựu để những điều tốt lành sẽ nhân lên gấp bội như hạt lựu.
Các nghi thức tương tự cũng được sử dụng cho mục đích khác. Trong hàng nghìn năm, các vương miện, ngai và quyền trượng đã đại diện cho các vương quốc và cả đế chế; hàng triệu người đã chết trong các cuộc chiến đẫm máu giành quyền sở hữu “ngai vàng” hay “vương miện”. Các triều đình phong kiến duy trì các nghi thức chi tiết đến mức chúng sánh ngang với các nghi lễ tôn giáo phức tạp nhất. Trong quân đội, kỷ luật và nghi thức là không thể tách rời; quân lính từ Rome cổ đại cho đến ngày nay vẫn dành vô số giờ để diễu binh, chào cấp trên và đánh bóng giày. Napoleon đã nói một câu nổi tiếng rằng ông có thể khiến người ta hy sinh mạng sống vì một cái ruy-băng màu sắc.
Có lẽ không ai hiểu tầm quan trọng chính trị của các nghi lễ hơn Khổng Tử, người xem việc tuân thủ nghiêm ngặt các nghi thức (lễ) là chìa khóa của hòa hợp xã hội và ổn định chính trị. Các pho sách kinh điển của Khổng Tử như Kinh Lễ, Chu lễ và Nghi lễ mô tả chi tiết nghi thức nào nên được tiến hành vào dịp nạo, đến tận số lượng chén bát cần dùng trong mỗi nghi lễ; loại nhạc cụ cần chơi và màu sắc của áo xống cần mặc. Bất cứ lúc nào Trung Quốc gặp một con khủng hoảng, các học giả Khổng giáo lại nhanh chóng đổ lỗi cho việc lơ là nghi lễ, như một thượng sĩ đổ lỗi cho quân lính lơ là không đánh bóng giày mà để thua trận vậy.
Ở phương Tây hiện đại, sự ám ảnh kiểu Khổng Tử với các nghi lễ thường được xem như dấu hiệu của sự nông cạn và xưa cũ. Trên thực tế, có lẽ nó minh chứng cho sự thấu hiểu bản chất con người sâu sắc và vượt thời gian của Khổng Tử. Có lẽ không phải trùng hợp khi các nền văn hóa Khổng giáo, đầu tiên và trên hết là Trung Quốc cùng các nước láng giềng như Hàn Quốc, hay Nhật Bản, đã sản sinh ra các cấu trúc xã hội và chính trị cực kỳ bền vững. Nếu bạn muốn biết sự thật tối thượng của cuộc sống, lễ nghi là một rào cản lớn. Nhưng nếu bạn hứng thú với sự ổn định và hòa hợp xã hội như Khổng Tử thì sự thật lại thường là một gánh nặng, trong khi lễ nghi nằm trong những “đồng minh” tốt nhất của bạn.
Nguyên tắc này vẫn thỏa đáng vào giữa thế kỷ 21 giống như ở Trung Hoa cổ. Sức mạnh của biểu tượng vẫn sống tốt giữa thế giới công nghiệp hiện đại của chúng ta. Với rất nhiều người đang sống năm 2018, hai thanh gỗ đóng vào nhau chính là tượng trưng cho Chúa, một tấm áp-phích rực rỡ trên tường chính là cách mạng, và một mảnh vải bay trong gió chính là quốc gia. Bạn không thể nhìn hay nghe thấy nước Pháp vì nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của bạn; nhưng bạn chắc chắn có thể nhìn thấy lá cờ ba màu và nghe thấy bài quốc ca Pháp, “La Marseillaise”. Bằng cách vẫy một lá cờ và hát một bài quốc ca, bạn đã biến quốc gia từ một câu chuyện trừu tượng thành một thực thể hữu hình.
Hàng ngàn năm trước, các tín đồ Hindu sùng kính đã hiến tế những con ngựa quý; ngày nay, họ đầu tư vào việc sản xuất những lá cờ đắt tiền. Lá quốc kỳ của Ấn Độ được biết đến với tên gọi tiranga (nghĩa đen là “ba màu”) vì nó gồm ba sọc màu saffron, trắng và xanh lá. Quy tắc quốc kỳ Ấn Độ năm 2002 tuyên bố lá cờ “tượng trưng cho hy vọng và khát khao của người dân Ấn Độ. Nó là biểu tượng lòng tự hào dân tộc của chúng ta. Trong năm thập kỷ vừa qua, một vài người, bao gồm thành viên của các lực lượng vũ trang, đã không ngần ngại hiến dâng mạng sống của mình để giữ cho lá cờ ba màu bay pháp phới trong vinh quang.” Sau đó, quy định về quốc kỳ trích lời giải thích của ông Sarvepalli Radhakrishnan, tổng thống thứ hai của Ấn Độ:
Màu saffron diễn tả sự hy sinh quên mình hoặc sự không vụ lợi. Các lãnh đạo của chúng ta phải thờ ơ trước các lợi lộc vật chất và hiến mình cho công việc. Màu trắng ở giữa là ánh sáng, là con đường của sự thật dẫn lối ta đi. Màu xanh lá thể hiện mối quan hệ của chúng ta với đất đai, với đời sống cây cối ở đây, thứ mà mọi sự sống khác đều lệ thuộc. Bánh xe Ashoka ở giữa màu trắng là bánh xe của quy luật dharma. Sự thật hay Satya, dharma hay đạo đức phải là các nguyên tắc chi phối mọi người làm việc dưới lá cờ này.
Vào năm 2017, chính quyền dân tộc Ấn Độ thượng một trong những lá cờ lớn nhất thế giới tại Attari thuộc biên giới Ấn Độ-Pakistan, trong một động thái được tính toán không phải để khơi gợi sự quên mình hay không vụ lợi mà là để người Pakistan phải “ghen tị”. Lá cờ tiranga đó dài 36 mét, rộng 24 mét và được thượng lên một cột cờ cao 110 mét (Freud sẽ nói gì về chuyện này nhỉ?). Người ta có thể nhìn thấy lá cờ từ tận thủ phủ Lahore của Pakistan. Thật không may, gió mạnh liên tục làm rách cờ và lòng tự hào dân tộc đòi hỏi lá cờ phải được vá lại hết lần này đến lần khác, một chi phí khổng lồ mà những người dân đóng thuế Ấn Độ phải trả. Tại sao chính phủ Ấn Độ lại đầu tư các nguồn lực khan hiếm để may những lá cờ khổng lồ thay vì xây hệ thống thoát nước ở các khu ổ chuột tại Delhi? Bởi lá cờ khiến Ấn Độ trở nên thật theo cái cách mà các hệ thống thoát nước không thể làm được.
Quả thực, chính chi phí làm ra lá cờ khiến nghi lễ đó càng hiệu quả. Trong tất cả các nghi lễ, hiến tế là có uy lực nhất vì trong mọi thứ trên thế giới, đau khổ là thật nhất. Bạn không bao giờ có thể phớt lờ nó hay nghi ngờ nó. Nếu bạn muốn làm người ta thật sự tin vào một điều hư cấu nào đó, hãy bắt họ phải hy sinh vì nó. Một khi bạn chịu khổ cho một câu chuyện, việc đó thường đã đủ để bạn tin câu chuyện có thật. Nếu bạn nhịn ăn vì Chúa Trời yêu cầu bạn làm thế, cảm giác hữu hình của cái đói khiến Chúa Trời hiện hữu hơn bất cứ tượng đài hay biểu tượng nào. Nếu bạn mất đôi chân trong một cuộc chiến yêu nước, những mẩu cụt và chiếc xe lăn khiến đất nước thật hơn bất cứ bài thơ hay bài quốc ca nào. Ở một mức độ ít hoành tráng hơn, bằng cách chọn mua món mì kém chất lượng ở địa phương thay vì mì Ý chất lượng cao nhập khẩu, bạn đã có một hy sinh nho nhỏ thường nhật khiến đất nước trở nên sống động ngay cả trong siêu thị.
Đây dĩ nhiên là một ngụy biện logic. Nếu bạn chịu khổ bởi niềm tin của bạn vào Chúa Trời, điều đó không chứng minh niềm tin của bạn là đúng. Có thể bạn chỉ đang thể hiện sự ngờ nghệch của mình. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không thích thừa nhận mình là đồ ngốc. Do đó, họ càng hy sinh nhiều cho một niềm tin nhất định, niềm tin đó càng trở nên mạnh mẽ. Đây là thuật giả kim bí hiểm của sự hy sinh. Để thu phục chúng ta dưới sức mạnh của mình, vị linh mục đang tế lễ kia không cần cho ta cái gì cả: không mưa, không tiền, không thắng lợi nơi chiến trận. Thay vào đó, ông ta cần lấy đi một cái gì đó. Một khi ông ta đã thuyết phục được chúng ta hy sinh thế là ông đã thành công.
Trong thế giới thương mại, điều đó cũng có tác dụng. Nếu bạn mua một cái xe Fiat cũ với giá 2.000 đô la, có khả năng bạn sẽ phàn nàn về nó với bất cứ ai sẵn sàng nghe. Nhưng nếu bạn mua một chiếc Ferrari mới cứng với giá 200.000 đô la, bạn sẽ hát lời ngợi ca nó khắp nơi nơi, không phải vì nó là một chiêc xe tốt mà vì bạn đã trả nhiều tiền cho nó đến nỗi bạn phải tin rằng nó là thứ tuyệt diệu nhất trên đời. Ngay cả trong tình yêu, bất cứ Romeo hay Werther khao khát nào cũng biết rằng không có hy sinh, không có tình yêu thật sự. Sự hy sinh không chỉ là cách chứng tỏ cho người tình biết rằng bạn nghiêm túc; nó cũng là cách bạn thuyết phục bản thân rằng bạn thực sự đang yêu. Bạn nghĩ tại sao phụ nữ đòi người tình trao cho mình nhẫn kim cương? Một khi người tình chịu hy sinh tài chính lớn lao đến thế, anh ta phải thuyết phục mình rằng đấy là vì một mục đích xứng đáng.
Tự hy sinh cũng cực kỳ thuyết phục không chỉ với bản thân những kẻ tử vì đạo mà còn với cả những người đứng ngoài nữa. Thần linh, quốc gia hay cuộc cách mạng khó có thể thành công nếu không có những “thánh tử vì đạo”. Nếu bạn định nghi ngờ điều này, ngay lập tức bạn sẽ bị mắng vì những nghi ngờ sự hy sinh đó: “Những vị tử đạo may mắn đã chết vì điều này! Mà bạn dám nói rằng họ chết không về điều gì? Bạn coi những anh hùng này là những kẻ ngốc?”
Với người Hồi Shiite, vở kịch vũ trụ đạt đỉnh điểm vào ngày Ashura, tức ngày thứ mười của tháng Muharram, sáu mốt năm sau Hijrah (ngày 10 tháng Mười năm 680 theo lịch Cơ Đốc). Vào ngày đó, tại vùng Karbala của Iraq, quân lính của tên phản loạn độc ác Yazid đã thảm sát Husayn ibn Ali, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad, cùng một nhóm nhỏ các tín đồ. Với người Shiite, việc tử vì đạo của Husayn đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh vĩnh hằng của cái thiện chống lại cái ác và của tầng lớp bị áp bức chống lại sự bất công. Giống như người Cơ Đốc liên tục dựng lại màn đóng đinh trên thánh giá và bắt chước khổ hình của Chúa, người Shiite cũng nhắc lại thảm kịch Ashura và bắt chước khổ hình của Husayn. Hằng năm, hàng triệu người Shiite đổ về thánh đường ở Karbala, được lập tại nơi Husayn tử vì đạo; vào ngày Ashura, người Shiite khấp thế giới dàn dựng các nghi lễ thương khóc, một số trường hợp còn tự dùng xích quật vào người và lấy dao cắt vào cơ thể.
Thế nhưng, tầm quan trọng của Ashura không chỉ giới hạn tại một nơi chốn hay một ngày. Ayatollah Ruhollah Khomeini và vô số lãnh đạo người Shiite khác đã liên tục nhắc nhở các tín đồ rằng “mỗi ngày đều là Ashura và mọi nơi đều là Karbala”. Sự tử đạo của Husayn ở Karbala do đó mang lại ý nghĩa cho mọi sự kiện, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; ngay cả các quyết định thông thường nhất cũng được xem là có ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh vĩ đại trong vũ trụ giữa cái thiện và cái ác. Nếu bạn dám nghi ngờ câu chuyện này, bạn sẽ ngay lập tức được nhắc nhớ đến Karbala và nghi ngờ hay dè bỉu sự tử vì đạo của Husayn đơn giản là sự xúc phạm tồi tệ nhất bạn có thể phạm phải.
Trong trường hợp, nếu các thánh tử vì đạo là hiếm hoi và người ta không sẵn sàng hy sinh thân mình thì các linh mục hiến tế sẽ có thể khiến họ đưa ra một ai đó khác để thế chỗ. Bạn có thể hiến tế một con người cho thần Ba’al báo thù, thiêu một tay ngoại đạo trên cọc gỗ vì vinh quang vĩ đại, giết những người phụ nữ ngoại tình vì Thượng đế bảo thế hoặc đẩy các kẻ thù vào nhà tù. Một khi bạn làm vậy, một “thuật giả kim” hy sinh hơi khác một chút bắt đầu phát huy ma thuật đối với bạn. Khi bạn tự làm mình đau khổ vì danh nghĩa một câu chuyện nào đó, nó cho bạn một lựa chọn: “Hoặc câu chuyện là đúng, hoặc mình là một thằng ngốc dễ dụ”. Khi bạn gây đau khổ cho người khác, bạn cũng được cho một lựa chọn: “Hoặc câu chuyện là đúng, hoặc mình là một kẻ xấu xa, tàn ác”. Và cũng như ta không muốn tự nhận mình là ngốc, ta cũng không muốn tự nhận mình là ác. Ta thích tin rằng câu chuyện có thật hơn.
Vào tháng Ba năm 1839, ở thành phố Mashhad của Iran, một phụ nữ Do Thái mắc bệnh da liễu được một tay lang băm địa phương bảo cho rằng nếu bà ta giết một con chó và rửa tay bằng máu của nó, bà ta sẽ được chữa lành. Mashhad là một thành phố thánh của người Shiite và tình cờ sao người phụ nữ thực hiện bài thuốc gớm ghiếc đó đúng vào ngày thiêng Ashura. Một vài người Shiite trông thấy bà ta và họ tin, hoặc tuyên bố rằng họ tin, người phụ nữ giết con chó để mỉa mai sự tử đạo của Karbala. Tin đồn về sự báng bổ không thể chấp nhận này nhanh chóng lan truyền trên đường phố Mashhad. Được thầy tế địa phương cổ xúy, một đám đông tức giận đã tràn vào khu của người Do Thái, đốt giáo đường và sát hại 36 người Do Thái. Tất cả những người Do Thái còn sống sót ở Mashhad sau đó được cho một lựa chọn u ám: ngay lập tức chuyển sang đạo Hồi hoặc bị sát hại. Chương đen tối này không hề ảnh hưởng đến danh tiếng của Mashhad như là “thủ phủ tinh thần của Iran”.
Khi nghĩ về việc hiến tế, người ta thường hình dung trong đầu các nghi lễ ghê rợn trong các đền thờ ở Canaan hay Aztec và người ta thường lý luận rằng, chủ nghĩa độc thần đã chấm dứt hủ tục khủng khiếp này. Trên thực tế, những người độc thần có thể thực hành hiến tế người trên một quy mô lớn hơn so với hầu hết các giáo phái đa thần. Trong quá khứ Cơ Đốc giáo và Hồi giáo sát hại người nhân danh Chúa Trời nhiều hơn các tín đồ của Ba’al hay Huitzilopochtli. Vào cái thời mà các nhà truyền giáo Tây Ban Nha đặt dấu chấm hết cho các cuộc hiến tế người lên các thần linh của Aztec hay Inca, tại quê nhà Tây Ban Nha, tòa án dị giáo thiêu dân ngoại đạo với số lượng phải tính bằng xe ngựa.
Hy sinh có thể có muôn hình vạn trạng và quy mô. Không phải lúc nào chúng cũng có các thầy tế tay lăm lầm con dao hay những kẻ tàn sát bạo liệt. Đạo Do Thái chẳng hạn, cấm người ta làm việc hay đi xa vào ngày lễ thánh Sabbath (nghĩa đen của từ “sabbath” là “đứng yên” hoặc “nghỉ ngơi”). Lễ Sabbath bắt đầu từ lúc mặt trời lặn vào thứ Sáu và kéo dài đến hoàng hôn thứ Bảy; trong khoảng thời gian đó, người Do Thái Chính thống hạn chế gần như mọi kiểu công việc, bao gồm cả xé giấy toilet từ cuộn giấy trong nhà vệ sinh (Đã có một số cuộc thảo luận về vấn đề này giữa các linh mục thông thái nhất và họ kết luận rằng xé giấy vệ sinh sẽ phạm vào điều kiêng kỵ trong ngày Sabbath; do đó, những người Do Thái sùng tín muốn đi vệ sinh vào lễ Sabbath thì phải chuẩn bị một chồng giấy toilet đã xé sẵn).
Ở Israel, người theo Do Thái giáo thường cố buộc những người Do Thái và cả những người hoàn toàn không theo đạo phải tuân theo các cấm kỵ này. Vì các đảng Chính thống thường giữ cán cân quyền lực trong nền chính trị Israel, qua năm tháng, họ đã thành công trong việc thông qua nhiều luật cấm đủ mọi loại hoạt động vào ngày Sabbath. Mặc dù họ không thể cấm việc sử dụng các phương tiện cá nhân vào ngày đó, họ đã cấm được các phương tiện giao thông công cộng. Sự hy sinh tôn giáo trên phạm vi toàn quốc này chủ yếu ảnh hưởng đến các thành phần yếu thế nhất xã hội, đặc biệt bời thứ Bảy là ngày duy nhất trong tuần mà người lao động được tự do đi chơi và thăm họ hàng, bạn bè và các điểm du lịch ở xa. Một người bà giàu có không gặp vấn đề gì khi lái xe đi thăm các cháu ở một thành phố khác, nhưng người bà nghèo, không có xe hơi thì không thể làm thế vì không có xe buýt hay tàu vào ngày Sabbath.
Bằng cách buộc hàng trăm ngàn công dân phải chịu những khó khăn như thế, các đảng phái tôn giáo khẳng định và củng cố niềm tin bất biến của mình vào Do Thái giáo. Dù máu không đổ, hạnh phúc của nhiều người vẫn bị đem ra hy sinh. Nếu Do Thái giáo chỉ là một câu chuyện hư cấu thì việc ngăn bà đến thăm các cháu hay ngăn một sinh viên nghèo đi chơi ngoài bãi biển là nhẫn tâm. Tuy nhiên, bằng cách làm điều đó, các đảng phái tôn giáo nói với thế giới và với bản thân mình rằng họ thực sự tin vào câu chuyện Do Thái. Sao, bộ mấy người nghĩ họ thích làm hại người khác chẳng vì lý do chính đáng gì cả à?
Hy sinh không chỉ củng cố lòng tin của bạn vào câu chuyện mà còn thường xuyên thay thế cho các nghĩa vụ khác của bạn đối với câu chuyện đó. Gần như tất cả các câu chuyện vĩ đại nhất của loài người đã đặt ra những lý tưởng mà đa số không thể hoàn thành. Có bao nhiêu người Cơ Đốc thật sự làm theo Mười Điều Răn đến từng chữ, không bao giờ nói dối hay thèm khát? Có bao nhiêu Phật tử đạt đến cảnh giới vô ngã?
Không thể sống đạt đến lý tưởng, một số người quay sang chọn hy sinh làm giải pháp. Một người Hindu có thể dính dáng đến trốn thuế, thỉnh thoảng đi chơi gái và đối xử tệ bạc với bố mẹ già của mình, nhưng vẫn tự thuyết phục mình là một người rất cao đạo vì anh ta ủng hộ việc phá hủy giáo đường Babri ở Ayodhya, thậm chí còn quyên tiền để xây một đền thờ Hindu thay vào đó. Cũng như vào thời cổ, đến thế kỷ 21, hành trình tìm ý nghĩa của con người vẫn hay kết thúc bằng một loạt các hy sinh.
—ooOoo—
DANH MỤC BẢN DẠNG
NGƯỜI AI Cập, Canaan và Hy Lạp cổ đại dàn trải các hy sinh của mình ra. Họ có rất nhiều vị thần và nếu một vị thất bại, họ hy vọng một vị khác sẽ vẫn thành công. Thế nên họ hiến tế cho thần Mặt trời vào buổi sáng, thần Trái đất vào buổi trưa và một loạt các tiên, các quỷ vào buổi tối. Cả điều đó nữa cũng không thay đổi nhiều. Tất cả các câu chuyện và các vị thần mà người ta tin vào ngày nay, dù là Yahweh, Mammon, đều không hoàn chỉnh, đầy lỗ hổng và đây đó là các mâu thuẫn. Do đó, người ta hiếm khi đặt toàn bộ niềm tin vào một câu chuyện duy nhất. Thay vào đó, họ có một danh mục vài câu chuyện và vài bản dạng, thay đổi từ cái nọ sang cái kia khi cần thiết. Những sự bất đồng nhận thức như vậy là rất phổ biến trong phần lớn các xã hội và các phong trào.
Thử hình dung một người ủng hộ Phong trào tiệc trà tiêu biểu thế nào đó vẫn đặt niềm tin sắt đá vào Jesus Christ, đồng thời phản đối nghiêm khắc các chính sách an sinh của chính quyền và ủng hộ trung thành Hiệp hội Súng trường Quốc gia. Chẳng phải thông điệp của Jesus tập trung vào việc giúp đỡ người nghèo hơn là trang bị súng ống đến tận răng hay sao? Các quan điểm có vẻ không đi đôi được với nhau, nhưng não bộ con người có rất nhiều ngăn và hộc, một số nơron đơn giản là không “giao tiếp” với nhau. Tương tự, bạn có thể thấy nhiều người ủng hộ Bernie Sanders có một niềm tin mơ hồ vào một cuộc cách mạng tương lai trong khi vẫn tin vào tầm quan trọng của việc đầu tư tiền một cách khôn ngoan. Họ có thể dễ dàng chuyển từ bàn luận sự phân phối của cải không công bằng trên thế giới sang nói chuyện về hiệu quả của danh mục đầu tư của mình ở Wall Street.
Hầu như không ai chỉ có một bản dạng. Không ai chỉ là một người Hồi, hay chỉ là một người Ý, hay chỉ là một nhà tư bản. Nhưng thỉnh thoảng, một tín điều cực đoan lại nổi lên và đòi hỏi người ta chỉ tin vào một câu chuyện duy nhất và có một bản dạng duy nhất. Trong các thế hệ gần đây, tín điều điên cuồng nhất trong số đó là chủ nghĩa phát xít. Chủ nghĩa phát xít khăng khăng rằng người ta không được tin vào bất cứ câu chuyện nào ngoài câu chuyện về chủ nghĩa dân tộc và không nên có bất cứ bản dạng nào khác ngoài bản dạng quốc gia.
Không phải nhà dân tộc chủ nghĩa nào cũng phát xít. Hầu hết các nhà dân tộc chủ nghĩa có niềm tin lớn lao vào câu chuyện về quốc gia của họ và nhấn mạnh các đức tính độc đáo của quốc gia cũng như các nghĩa vụ độc đáo mà họ có đối với quốc gia ấy; nhưng họ vẫn công nhận thế giới còn nhiều thứ khác ngoài quốc gia của mình. Tôi có thể là một người Ý trung thành với các bổn phận đặc biệt đối với dân tộc Ý mà vẫn có các bản dạng khác. Tôi cũng có thể là một nhà xã hội chủ nghĩa, một người Cơ Đốc, một người chồng, một người cha, một nhà khoa học và một người ăn chay; mỗi bản dạng này đều có các bổn phận đi kèm. Đôi khi, một số bản dạng của tôi kéo tôi về các hướng khác nhau và một số bổn phận đó lại mâu thuẫn với nhau. Nhưng ai bảo đời là dễ dàng nào?
Chủ nghĩa phát xít là thứ xảy ra khi chủ nghĩa dân tộc muốn mọi việc trở nên quá dễ dàng cho mình bằng cách khước từ mọi bổn phận và bản dạng khác. Gần đây, có rất nhiều nhầm lẫn về ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa phát xít. Mọi người gọi hầu như bất cứ ai mà họ không thích là “đồ phát xít”. Thuật ngữ này có nguy cơ trở thành một cụm từ xúc phạm cho mọi mục đích. Thế thì nó thực sự có nghĩa gì? Nói ngắn gọn thì trong khi chủ nghĩa dân tộc dạy tôi rằng dân tộc tôi là độc nhất và tôi có các bổn phận đặc biệt dành cho nó, chủ nghĩa phát xít dạy tôi rằng dân tộc tôi là thượng đẳng và tôi nợ nó các bổn phận độc quyền. Tôi không bao giờ được đặt lợi ích của bất cứ nhóm hay cá nhân nào lên trên lợi ích dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngay cả nếu dân tộc tôi có cơ hội kiếm một khoản lợi nhỏ mọn từ việc gây ra đau khổ cho hàng triệu người xa lạ ở một vùng đất xa xôi, tôi cũng không được chần chừ trong việc ủng hộ dân tộc mình. Nếu không, tôi là một kẻ phản bội đáng khinh. Nếu dân tộc tôi đòi hỏi tôi phải sát hại hàng triệu người, tôi phải làm theo. Nếu dân tộc tôi đòi tôi phản bội sự thật và cái đẹp, tôi cũng phải làm theo.
Làm thế nào để một kẻ phát xít đánh giá nghệ thuật? Làm thế nào để một kẻ phát xít bí quyết cho dù một bộ phim là một bộ phim hay? Rất đơn giản. Chỉ có một thước đo. Nếu bộ phim phục vụ lợi ích quốc gia, thì đó là một bộ phim hay. Nếu bộ phim không phục vụ lợi ích quốc gia, thì đó là một bộ phim tồi. Và làm thế nào để một kẻ phát xít quyết định dạy gì cho trẻ em ở trường? Anh ta sử dụng thước đo tương tự. Dạy cho trẻ em bất cứ điều gì phục vụ lợi ích của quốc gia; sự thật không quan trọng.
Sự tôn sùng dân tộc kiểu này là cực kỳ hấp dẫn, không chỉ vì nó đơn giản hóa nhiều lựa chọn khó khăn mà còn vì nó khiến người ta nghĩ rằng họ thuộc về thứ quan trọng nhất và đẹp nhất trên đời, dân tộc của họ. Những điều kinh khủng của Thế chiến thứ hai và cuộc diệt chủng. Do Thái Holocaust cho thấy những hậu quả khủng khiếp từ cách nghĩ này. Thật không may, khi nói về những điều xấu xa của chủ nghĩa phát xít, người ta thường làm khá tệ vì họ có khuynh hướng mô tả chủ nghĩa phát xít như một con quái vật xấu xí trong khi không giải thích được điều gì khiến nó trở nên “quyến rũ” đến thế. Đấy là lý do vì sao ngày nay, người ta thi thoảng vẫn làm theo một số ý tưởng phát xít mà không nhận ra. Người ta nghĩ: “Mình được dạy rằng chủ nghĩa phát xít là xấu xa và khi nhìn vào gương, mình thấy một cái gì đó cũng đẹp, thế nên mình không thể là phát xít được”.
Điều này hơi giống với sai lầm mà các phim Hollywood mắc phải khi mô tả các nhân vật phản diện, như Voldemort, chúa tể Sauron và Darth Vader, là vừa xấu người vừa xấu nết. Chúng thường là độc ác và xấu xa ngay cả với những kẻ ủng hộ trung thành nhất. Điều tôi không thể hiểu nổi khi xem những phim như thế là tại sao lại có người muốn đi theo một thằng cha gớm ghiếc như là Voldemort?
Vấn đề với cái ác là trong đời thực, nó không nhất thiết trông xấu xí. Nó có thể trông rất đẹp. Cơ Đốc giáo biết điều này rõ hơn Hollywood, đấy là lý do vì sao nghệ thuật Cơ Đốc truyền thống có khuynh hướng mô tả Satan như một tay cao to vạm vỡ tuyệt đẹp. Đấy là lý do vì sao ta rất khó cưỡng lại các cám dỗ của Satan. Đấy cũng là lý do vì sao khó đối xử với chủ nghĩa phát xít. Khi bạn nhìn vào tấm gương phát xít, cái bạn thấy không hề xấu xí. Khi người Đức nhìn vào tấm gương phát xít những năm 1930, nhiều người Đức thấy như là thứ đẹp đẽ nhất thế giới. Nếu ngày nay người Nga nhìn vào gương phát xít, họ sẽ thấy Nga là điều đẹp nhất trên thế giới. Và nếu người Israel nhìn vào gương phát xít, họ sẽ thấy Israel là điều đẹp nhất trên thế giới. Rồi họ muốn mình lạc trôi vào trong cái tập thể đẹp đẽ đó.
Từ “phát xít” bắt nguồn từ từ fascis trong tiếng Latin, nghĩa là “một bó que”. Nghe có vẻ là một biểu tượng hơi kém hoành tráng dành cho một trong những ý thức hệ dữ dội và chết chóc nhất trong lịch sử thế giới; nhưng nó có một ý nghĩa sâu xa và ghê gớm. Một cái que riêng lẻ thì rất yếu và bạn có thể dễ dàng bẻ nó làm đôi. Tuy nhiên, nếu bạn bó nhiều cái que lại với nhau thành một fascis, thì bạn gần như không thể bẻ được chúng. Điều này ám chỉ rằng cá nhân là một thứ không có gì quan trọng, nhưng miễn là tập thể kết dính với nhau thì họ sẽ cực kỳ uy lực. Do đó, những kẻ phát xít tin vào việc ưu tiên lợi ích tập thể lên trên lợi ích bất kỳ cá nhân nào và đòi hỏi không một que đơn lẻ nào dám phá vỡ sự đoàn kết của cả bó.
Dĩ nhiên, ta không bao giờ rõ “một bó que” người kết thúc ở đâu và một bó khác bắt đầu ở chỗ nào. Tại sao tôi phải xem Ý như một bó que mà tôi thuộc về đó? Tại sao không phải gia đình tôi, hay thành phố Horence, hay tinh Tuscany, hay lục địa châu Âu, hay toàn thể nhân loại? Các dạng dân tộc chủ nghĩa ôn hòa hơn sẽ nói với tôi rằng quả thực, tôi có thể có các bổn phận đối với gia đình mình, Florence, châu Âu và toàn thể nhân loại, cũng như các bổn phận đặc biệt đối với nước Ý. Trái lại, những kẻ phát xít Ý sẽ đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối của tôi với riêng nước Ý.
Mặc cho các nỗ lực mạnh mẽ nhất của Mussolini và đảng phát xít của ông ta, hầu hết người Ý vẫn khá lạnh nhạt với ý tưởng đặt nước Ý trước gia đình mình. Ở Đức, bộ máy tuyên truyền Quốc xã làm việc này thấu đáo hơn nhiều, nhưng ngay cả Hitler cũng không khiến được người ta quên hết các câu chuyện khác. Ngay trong những ngày đen tối nhất của kỷ nguyên Quốc xã, người ta vẫn luôn giữ một số câu chuyện dự phòng bên cạnh câu chuyện chính thức. Điều này trở nên rõ như ban ngày vào năm 1945. Bạn hẳn đã tưởng rằng sau mười hai năm tẩy não của Quốc xã, nhiều người Đức sẽ hoàn toàn không có khả năng hiểu được đời sống hậu chiến của mình nữa. Họ đã đặt mọi niềm tin vào một câu chuyện vĩ đại; họ phải làm gì khi câu chuyện đó nổ tung? Thế nhưng hầu hết người Đức hồi phục với một tốc độ đáng kinh ngạc. Đâu đó trong tâm trí, họ vẫn giữ lại một vài câu chuyện khác về thế giới; ngay khi Hitler bắn một viên đạn xuyên não mình thì người dân ở Berlin, Hamburg và Munich đã khoác lên mình các bản dạng khác và tìm được ý nghĩa mới trong cuộc đời mình.
Đúng, khoảng 20% các lãnh đạo đảng tại các vùng, miền và khoảng 10% tướng lĩnh Quốc xã đã tự sát. Nhưng điều đó có nghĩa là 80% lãnh đạo đảng cấp vùng và 90% tướng lĩnh vẫn khá vui vẻ sống tiếp. Đại đa số những tay Quốc xã cầm đầu cũng như lính tráng thuộc đội cận vệ không phát điên hay tự sát. Họ tiếp tục trở thành các nông dân, giáo viên, bác sĩ và nhân viên bán bảo hiểm hữu ích.
Thế nhưng, ngay cả tự sát cũng không chứng minh được sự cam kết tuyệt đối với một câu chuyện duy nhất. Vào ngày 13 tháng Mười một năm 2015, Nhà nước Hồi giáo tổ chức vài vụ đánh bom tự sát ở Paris giết chết 130 người. Nhóm cực đoan giải thích rằng chúng làm vậy để trả thù cho các cuộc ném bom của không lực Pháp nhằm vào các nhà hoạt động của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, với hy vọng rằng Pháp sẽ thoái chí mà không thực hiện các vụ oanh tạc như thế trong tương lai. Cùng lúc đó, Nhà nước Hồi giáo cũng tuyên bố rằng tất cả những người Hồi thiệt mạng do không lực Pháp đều là các thánh tử vì đạo, giờ đang hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trên Thiên đường.
Có cái gì đó không hợp lý ở đây. Nếu quả thực những vị thánh tử vì đạo bị không quân Pháp sát hại giờ đang ở Thiên đường, tại sao lại có người phải đi trả thù vì chuyện đó? Chính xác thì trả thù cho cái gì mới được chứ? Vì đưa người lên Thiên đường à? Nếu bạn vừa hay tin người anh trai yêu quý của mình vừa trúng xổ số một triệu đô la, bạn có bắt đầu đặt bom các trạm bán vé số để thổi bay chúng đi mà trả thù không? Thế thì tại sao lại đi phá Paris chỉ vì không lực Pháp cho vài người anh em của bạn một tấm vé một chiều lên Thiên đường? Sẽ còn tệ hơn nếu bạn thực sự khiến người Pháp nhụt chí không đánh bom ở Syria nữa vì trong trường hợp đó, sẽ có ít người Hồi được lên Thiên đường hơn.
Chúng ta có thể mau mắn kết luận rằng các nhà hoạt động của Nhà nước Hồi giáo không thực sự tin rằng các thánh tử vì đạo được lên Thiên đường. Đấy là lý do họ tức giận khi bị đánh bom và bị giết. Nhưng nếu vậy, tại sao một số người lại buộc đai thuốc nổ vào người và sẵn sàng cho mình nổ tung thành nghìn mảnh? Nhiều khả năng câu trả lời là họ bấu víu lấy hai câu chuyện trái ngược nhau mà không nghĩ quá nhiều về sự bất tương đồng giữa chúng. Như đã nói ở trên, một số nơron thần kinh đơn giản là không nói chuyện giống nhau.
Tám thế kỷ trước thời điểm mà không lực Pháp ném bom các thành trì của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, một đội quân khác của Pháp đã xâm chiếm Trung Đông trong một thứ được hậu thế biết đến với tên gọi “Cuộc Thập tự chinh thứ Bảy”. Được vua Louis IX thần thánh dẫn dắt, các lính Thập tự hy vọng sẽ chinh phục thung lũng sông Nile và biến Ai Cập thành một thành trì Cơ Đốc. Tuy nhiên, họ bị đánh bại ở trận Mansoura và hầu hết lính Thập tự bị bắt làm tù binh. Một vị hiệp sĩ Thập tự chinh, Jean de Joinville, sau đó có viết trong hồi ký của mình rằng khi trận chiến thất bại và họ quyết định đầu hàng, một người nói rằng: “Tôi không thể đồng ý với quyết định này. Điều tôi khuyên là chúng ta nên tự để mình bị giết, vì như thế ta đều sẽ được lên Thiên đường”. Joinville bình luận khô khan rằng: “Không ai trong chúng tôi nghe theo lời khuyên của anh ta.”
Joinville không giải thích vì sao họ đã từ chối. Xét cho cùng, đây là những người đàn ông đã rời bỏ lâu đài dễ chịu của mình ở Pháp để đi một chặng đường dài và hiểm nguy đến Trung Đông chủ yếu vì họ tin vào lời hứa về sự cứu rỗi vĩnh hằng. Thế thì tại sao, khi chỉ còn cách Thiên đường vĩnh cửu có một khoảnh khắc thì họ lại chọn để người Hồi cầm tù? Rõ ràng, mặc dù các chiến binh Thập tự nhiệt thành tin vào cứu rỗi và Thiên đường, đến thời điểm quyết định, họ vẫn chọn cách rải tiền cược ra nhiều cửa.
—ooOoo—
SIÊU THỊ Ở ELSINORE
XUYÊN SUỐT lịch sử, hầu hết mọi người đều tin vào vài câu chuyện cùng một lúc và không bao giờ tuyệt đối tin vào sự đúng đắn của bất cứ câu chuyện nào trong số đó. Sự không chắc chắn này làm lung lay mọi tôn giáo, do đó tôn giáo coi đức tin là một đạo đức tối thượng và sự nghi ngờ là một trong những lỗi lầm tồi tệ nhất. Như thế có cái gì đó tự thân đã là tốt đẹp trong chuyện tin vào những thứ không có bằng chứng vậy. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của văn hóa hiện đại, gió đã đổi chiều. Đức tin ngày càng giống nô lệ tinh thần, còn sự nghi ngờ được nhìn nhận như một tiền đề của tự do.
Đâu đó trọng khoảng từ năm 1599 đến năm 1602, William Shakespeare đã viết phiên bản Vua sư tử của riêng mình, được biết đến nhiều hơn với cái tên Hamlet. Nhưng không như Simba, Hamlet không hoàn tất Vòng đời. Chàng tiếp tục nghi ngờ và mơ hồ cho đến tận phút cuối, không bao giờ tìm ra được ý nghĩa cuộc đời và không bao giờ quyết định được liệu sống hay chết thì tốt hơn. Trong chuyện này, Hamlet chính là người hùng hiện đại kiểu mẫu. Tính hiện đại không chối bỏ hàng loạt các câu chuyện mà nó thừa hưởng từ quá khứ. Thay vào đó, nó mở cho chúng một cái siêu thị. Con người hiện đại thoải mái thử, chọn và kết hợp bất cứ thứ gì hợp gu của mình.
Một số người không thể chịu nổi quá nhiều tự do và bất định như vậy. Các phong trào toàn trị hiện đại như chủ nghĩa phát xít phản ứng quyết liệt với cái siêu thị đầy những ý tưởng đáng ngờ ấy và thậm chí vượt mặt các tôn giáo truyền thống trong việc đòi hỏi niềm tin tuyệt đối vào một câu chuyện duy nhất. Tuy nhiên, phần lớn người hiện đại vẫn thích cái siêu thị. Bạn phải làm gì khi bạn không biết cuộc đời tròn hay méo và tin vào câu chuyện nào? Bạn thánh hóa chính khả năng lựa chọn. Bạn đứng giữa các kệ hàng trong siêu thị, với quyền lực và tự do lựa chọn bất cứ thứ gì bạn thích, săm soi các sản phẩm đang trải ra trước mắt và… dừng khung hình, cắt, HẾT. Chạy danh sách những người tham gia vào bộ phim.
Theo truyền thuyết tự do, nếu bạn đứng đủ lâu trong cái siêu thị lớn đó, chẳng chóng thì chầy bạn cũng sẽ trải nghiệm sự hiển lộ tự do và nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống: mọi câu chuyện trên kệ siêu thị là giả. Ý nghĩa cuộc đời không phải là một sản phẩm làm sẵn. Không có kịch bản thiêng không thứ gì bên ngoài tôi có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời tôi. Chính tôi là người mang lại ý nghĩa cho mọi thứ thông qua sự lựa chọn tự do và cảm xúc riêng của mình.
Trong bộ phim giả tưởng có tên Willow, một truyện cổ tích khá thường của George Lucas, nhân vật chính cùng tên là một chú lùn bình thường mơ ước trở thành một phù thủy vĩ đại nắm được những bí mật của sự sống. Một ngày nọ, một phù thủy như thế đi qua làng của người lùn để tìm đệ tử. Willow cùng hai người lùn khác háo hức ra trình diện và vị phù thủy ra cho các chàng trai đầy hy vọng một bài kiểm tra đơn giản. Ông đưa tay phải của mình ra, xòe các ngón tay và hỏi bằng một giọng rất là Yoda: “Sức mạnh kiểm soát thế giới nằm trong ngón tay nào?”. Mỗi người lùn chọn một ngón, nhưng họ đều chọn sai. Tuy nhiên, vị phù thủy nhận ra một điều gì đó ở Willow và sau đó hỏi anh: “Khi ta xòe tay ra, điều đầu tiên con nghĩ đến là gì?”. “À, thật là ngốc”, Willow xấu hổ nói, “khi tự chọn ngón tay của mình”. Vị phù thủy kêu lên đắc thắng: “A ha! Đấy là câu trả lời đúng! Con thiếu niềm tin ở bản thân”. Truyền thuyết tự do lặp lại bài học này không biết chán.
Con người đã viết ra Kinh Thánh, kinh Quran và kinh Vệ Đà; chính tâm trí chúng ta đã đem lại quyền năng cho những câu chuyện ấy. Không nghi ngờ gì nữa, chúng là những câu chuyện đẹp, nhưng vẻ đẹp của chúng nằm trọn trong mắt người nhìn. Jerusalem, Mecca, Varanasi và Bodh Gaya đều là những nơi thiêng, nhưng chỉ do cảm xúc mà mọi người cảm nhận được khi đến đó. Tự thân vũ trụ chỉ là một đám hỗn loạn vô nghĩa của các nguyên tử. Chẳng có gì tự thân đã đẹp, thiêng hay hấp dẫn; cảm xúc con người làm cho nó thành ra như vậy. Chỉ cảm xúc con người mới khiến một quả táo đỏ trở thành quyến rũ và một cục phân trở thành ghê tởm. Tách cảm xúc con người ra và cái còn lại chỉ là một đám phân tử.
Chúng ta hy vọng tìm được ý nghĩa bằng cách đặt mình vào những câu chuyện ăn sẵn về vũ trụ; nhưng theo cách diễn giải tự do cửa thế giới, sự thật là hoàn toàn trái ngược. Vũ trụ không cho tôi ý nghĩa. Tôi mang lại ý nghĩa cho vũ trụ. Đấy là nhiệm vụ vũ trụ của tôi. Tôi không có số phận hay dharma (pháp) nào cố định. Nếu tội tìm thấy mình trong vị trí của Simba hay Arjuna, tôi có thể chọn đấu tranh cho ngai vàng của một vương quốc, nhưng tôi không phải làm thế. Tôi cũng có thể gia nhập một gánh xiếc rong, đến Broadway hát trong một vở nhạc kịch hay chuyển đến Thung lũng Silicon để khởi nghiệp. Tôi tự do tạo ra nghiệp của riêng mình.
Như mọi câu chuyện vũ trụ khác, câu chuyện tự do cũng bắt đầu bằng một lời kể mang tính sáng thế. Nó nói rằng sáng thế xuất hiện trong từng khoảnh khắc và tôi là đấng sáng tạo. Thế thì mục đích của cuộc đời tôi là gì? Là tạo ra ý nghĩa bằng cảm nhận, bằng suy nghĩ, bằng khao khát và bằng sáng tạo. Bất cứ thứ gì giới hạn tự do cảm nhận, suy nghĩ, khao khát và sáng tạo của con người cũng giới hạn ý nghĩa của vũ trụ. Do đó, thoát khỏi những giới hạn như vậy là lý tưởng tối thượng.
Về thực tế mà nói, những người tin vào câu chuyện tự do sống nhờ ánh sáng của hai điều răn: sáng tạo và đấu tranh vì tự do. Sáng tạo có thể hiển lộ bằng cách viết một bài thơ, khám phá tính dục của bản thân, phát minh ra một ứng dụng máy tính mới hay tìm ra một hóa chất chưa ai biết đến. Đấu tranh cho tự do bao gồm bất cứ thứ gì giải phóng con người khỏi các kìm nén mang tính xã hội, sinh học và vật lý, dù là biểu tình chống lại những kẻ độc tài tàn bạo, dạy các cô gái biết đọc, tìm thuốc chữa ung thư hay tạo ra một con tàu vũ trụ. Đền thờ của chủ nghĩa tự do có cả Rosa Parks và Pablo Picasso cùng Louis Pasteur và anh em nhà Wright.
Điều này nghe có vẻ cực kỳ hấp dẫn và sâu sắc trên lý thuyết. Thật không may, tự do và sáng tạo của con người không phải là thứ mà câu chuyện tự do tưởng tượng ra. Với hiểu biết khoa học tốt nhất của chúng ta, không có ma thuật nào đằng sau các lựa chọn và sáng tạo của ta cả. Chứng là sản phẩm của hàng tỷ nơron thần kinh trao đổi tín hiệu sinh hóa; thậm chí nếu bạn giải phóng con người khỏi vòng kiềm tỏa của Giáo hội và Liên Xô, các lựa chọn của họ vẫn sẽ bị quyết định bởi các thuật toán sinh hóa tàn nhẫn như Toà án dị giáo và KGB.
Câu chuyện tự do dạy tôi phải tìm kiếm tự do biểu đạt và nhận thức bản thân. Nhưng cả “bản thể” và tự do đều là những con quái vật trong truyền thuyết được vay mượn từ những câu chuyện cổ tích thời xa xưa. Chủ nghĩa tự do có một ý niệm đặc biệt rối rắm về “ý chí tự do”. Con người rõ ràng là có một ý chí, họ có những khao khát và thỉnh thoảng được tự do thỏa mãn chúng. Nếu nói “ý chí tự do” theo nghĩa tự do làm bất cứ thứ gì bạn mong muốn thì đúng, con người có ý chí tự do. Nhưng nếu nói “ý chí tự do” theo nghĩa tự do chọn lựa cái để khao khát thì không, con người không có ý chí tự do.
Nếu tôi thấy đàn ông là hấp dẫn về tình dục, có thể tôi được tự do thỏa mãn dục vọng của mình, nhưng tôi không được tự do cảm thấy phụ nữ hấp dẫn thay vì đàn ông. Trong một vài trường hợp, tôi có thể quyết định kìm hãm thôi thúc tình dục của mình hoặc thậm chí thử một liệu trình “chuyển đổi tính dục”; nhưng chính cái mong ước thay đổi khuynh hướng tính dục của tôi cũng là một cái gì đó mà các nơron thần kinh áp đặt lên tôi, có thể do các định kiến văn hóa và tôn giáo thôi thúc. Tại sao người này cảm thấy xấu hổ về tính dục của mình và cố gắng thay đổi nó trong khi người kia vui vẻ tận hưởng các khao khát tính dục đó mà không mảy may thấy tội lỗi? Bạn có thể nói người thứ nhất có lẽ có cảm xúc tôn giáo mạnh hơn người thứ hai. Nhưng liệu con người có tự do lựa chọn việc có cảm xúc tôn giáo mạnh hay yếu không? Một lần nữa, con người có thể chọn đi nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật trong một nỗ lực có ý thức nhằm củng cố các cảm xúc tôn giáo yếu ớt của mình; nhưng tại sao người này lại muốn mình tin vào thánh thần hơn, trong khi người kia thì lại hoàn toàn vui vẻ làm một người phi đạo? Điều này có thể bắt nguồn từ bất cứ khuynh hướng văn hóa và di truyền nào, nhưng nó không bao giờ là kết quả của “ý chí tự do”.
Điều gì đúng với dục vọng thì cũng đúng với mọi khao khát khác, thực ra với tất cả cảm xúc và suy nghĩ. Hãy nghĩ về suy nghĩ tiếp theo sẽ nảy sinh trong đầu bạn mà xem. Nó đến từ đâu? Bạn có tự do chọn suy nghĩ đó và chỉ khi chọn xong thì mới nghĩ không? Chắc chắn không. Quá trình tự khám phá bắt đầu với những thứ đơn giản và trở nên ngày càng khó khăn. Lúc đầu, ta nhận ra ta không kiểm soát thế giới bên ngoài cơ thể. Ta không quyết định khi nào trời mưa. Rồi ta nhận ra ta không kiểm soát được những gì xảy ra bên trong cơ thể. Ta đâu kiểm soát được huyết áp của mình. Tiếp theo, ta hiểu ra ta thậm chí không chi phối được bộ não của chính mình. Ta không bảo được các nơron khi nào cần truyền tín hiệu. Điều đó khó hơn nhiều. Cuối cùng, ta cũng nên nhận ra ta không kiểm soát được các ham muốn hay cả các phản ứng của ta đối với những ham muốn đó.
Nhận ra điều này có thể giúp chúng ta trở nên ít ám ảnh với ý kiến, cảm xúc và ao ước của mình hơn. Chúng ta không có ý chí tự do nhưng chúng ta cũng có thể thoải mái hơn một chút trong khuôn khổ của ý chí. Con người thường đặt vào các khao khát của mình nhiều sự quan trọng đến nỗi chúng ta cố kiểm soát và định hình cả thế giới theo các khao khát đó. Để theo đuổi các khao khát của mình, con người bay lên Mặt trăng, gây ra các cuộc thế chiến và gây bất ổn toàn bộ hệ sinh thái. Nếu ta hiểu rằng những khao khát của chúng ta không phải là những hiển lộ thần kỳ của lựa chọn tự do mà chỉ là sản phẩm của các quá trình sinh hóa (chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta), ta có thể sẽ bớt bị chúng ám ảnh hơn. Tốt hơn là hiểu được mình, tâm trí mình và những khao khát của mình, hơn là cố thực hiện bất cứ ảo mộng nào xuất hiện trong đầu.
Và một bước tối quan trọng để hiểu được mình là thừa nhận rằng “bản thể” là một câu chuyện hư cấu mà các cơ chế phức tạp trong tâm trí ta liên tục sản xuất, cập nhật và viết lại. Có một người kể chuyện trong tâm trí ta giải thích ta là ai, ta đến từ đâu, ta đang đến đâu và điều gì đang xảy ra với ta ngay lúc này. Giống như những phát ngôn viên chính phủ giải thích các cuộc chính biến mới nhất, người kể chuyện nội tại này cũng liên tục nói sai nhưng hiếm khi, nếu có, thừa nhận mình sai. Và cũng như chính phủ xây dựng một truyền thuyết dân tộc bằng cờ xí, biểu tượng và các cuộc duyệt binh, “bộ máy tuyên truyền nội tại” của tôi cũng xây dựng một truyền thuyết cá nhân với các ký ức được nâng niu và các sang chấn được vỗ về thường có rất ít điểm tương đồng với sự thật.
Vào thời đại Facebook và Instagram, bạn có thể quan sát thấy quá trình tạo truyền thuyết này rõ ràng hơn bao giờ hết vì vài phần trong đó đã được chuyển từ tâm trí ra ngoài cho máy tính làm. Chứng kiến người ta dành vô số thời gian xây đắp và đánh bóng một bản thể hoàn hảo trên mạng, rồi bị chính sáng tạo của mình hấp dẫn và đánh đồng nó với sự thật về bản thân quả thật vừa thú vị, vừa kinh hoàng. Đấy là cách một kỳ nghỉ gia đình đầy tắc đường, cãi vã vặt và những khoảng im lặng căng thẳng trở thành một bộ sưu tập các bức ảnh panorama đẹp đẽ, những bữa tối hoàn hảo và những khuôn mặt tươi cười; 99% những gì chúng ta trải qua không bao giờ trở thành một phần của câu chuyện về bản thể.
Điều đặc biệt đáng chú ý là bản thể tưởng tượng của chúng ta có xu hướng mang tính thị giác rất cao, trong khi các trải nghiệm thực sự của chúng ta lại mang tính tổng thể. Trong tưởng tượng, bạn nhìn thấy một cảnh tượng qua con mắt của tâm trí hay trên màn hình máy tính. Bạn thấy mình đứng trên một bãi biển nhiệt đới, biển xanh phía sau, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, một tay nâng ly cốc tai, tay kia quàng quanh eo người tình. Thiên đường. Cái mà bức ảnh không phô ra là con ruồi khó chịu cắn chân bạn, cảm giác đau quặn trong bụng vì ăn món cá hơi thiu, cơ hàm căng ra vì nụ cười giả tạo và trận cãi vã xấu xí của cặp đôi hạnh phức trước đó có năm phút. Giá mà ta có thể cảm nhận được những gì những người trong ảnh cảm thấy khi chụp ảnh!
Do đó, nếu thực sự muốn hiểu mình, bạn không nên đánh đồng mình với tài khoản Facebook của mình hay câu chuyện bên trong của chính mình về bản thể. Thay vào đó, bạn nên quan sát dòng chảy thực sự của thân thể và tâm trí. Bạn sẽ thấy những suy nghĩ, cảm xúc và khao khát xuất hiện và biến mất mà chẳng có mấy lý do và mệnh lệnh của bạn, cũng như những con gió vô tình thổi từ hướng này hay hướng khác đến làm tóc bạn rối tung. Và vì bạn không phải là một con gió nên bạn cũng không phải là mớ rối rắm những suy nghĩ, cảm xúc và mong ước mà bạn trải nghiệm; chắc chắn bạn không phải là câu chuyện sạch sẽ mà chính bạn kể về chúng sau khi nhìn lại. Bạn trải qua tất cả, nhưng bạn không kiểm soát chúng, bạn không sở hữu chúng và bạn không phải là chúng. Mọi người hỏi: “Tôi là ai?” và hy vọng được kể cho nghe một câu chuyện. Điều đầu tiên bạn cần phải biết về mình, đó là bạn không phải là một câu chuyện.
—ooOoo—
KHÔNG CÓ CÂU CHUYỆN NÀO CẢ
CHỦ NGHĨA tự do đã đi một bước triệt để trong việc chối bỏ mọi màn kịch vũ trụ, nhưng lại tái tạo nên màn kịch bên trong mỗi con người: vũ trụ không có cốt truyện, vì thế con người chúng ta phải tạo ra cốt truyện và đây là nhiệm vụ và ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Hàng ngàn năm trước kỷ nguyên tự do này, đạo Phật cổ đã đi xa hơn bằng cách phủ nhận không chỉ mọi mần kịch vũ trụ mà chính màn kịch bên trong do con người tạo nên nữa. Đạo Phật nói rằng vũ trụ không có ý nghĩa và cảm xúc của con người cũng không mang ý nghĩa nào cả. Chúng chỉ là các rung động thoáng qua, xuất hiện và biến mất chẳng vì mục đích gì cụ thể. Đấy là sự thật. Hãy chấp nhận đi.
Như đã nói ở trước, kinh Brihadaranyaka Upanishad nói với chúng ta rằng: “Dầu của con ngựa tế là bình minh, mắt nó là mặt trời… các chi của nó là các mùa, các khớp và các tháng và nửa tuần trăng, chân nó là ngày và đêm, xương nó là các vì sao và thịt nó là những đám mây”. Trái lại, kinh Mahasatipatthana Sutta, một văn bản Phật giáo quan trọng, giải thích rằng khi một người thiền, người đó cẩn thận quan sát cơ thể, nhận ra rằng: “Trong cơ thể này, có tóc trên đầu, lông trên da, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim… nước bọt, đờm, dịch khớp và nước tiểu. Thế là anh ta trú ngụ, quan sát cơ thể… Giờ thì sự hiểu biết của anh ta đã được xác lập: ‘Đây là cơ thể!’.” Lông tóc, xương hay nước tiểu không đại diện cho bất cứ cái gì khác. Chúng chỉ là chúng thôi.
Hết đoạn này đến đoạn khác sau đó, văn bản tiếp tục giải thích rằng dù người thiền có quan sát được gì trong cơ thể và tâm trí thì người đó chỉ cần hiểu nó như nó vốn vậy. Khi người thiền hít thở, “hít vào một hơi dài, anh ta hiểu rõ ‘mình đang hít vào một hơi dài’. Hít vào một hơi ngắn, anh ta hiểu rõ ‘mình đang hít vào một hơi ngắn’.” Hơi thở dài không tượng trưng cho các mùa và hơi thở ngắn không tượng trưng cho các ngày. Chúng chỉ là những rung động trong cơ thể.
Phật dạy rằng ba hiện thực cơ bản của vũ trụ là mọi thứ liên tục thay đổi, không gì có bản chất trường tồn, và không có gì khiến ta hài lòng hoàn toàn cả. Anh có thể đi thám hiểm nơi xa xôi nhất của thiên hà, của cơ thể mình hay của tâm trí mình; nhưng anh sẽ không bao giờ bắt gặp một cái gì đó không thay đổi, có bản chất vĩnh hằng và khiến anh thỏa mãn hoàn toàn.
Khổ đau xuất hiện vì con người không nhận ra điều này. Họ tin rằng có một thực tại vĩnh hằng ở đâu đó; chỉ cần tìm thấy nó và kết nối với nó, họ sẽ được thỏa mãn hoàn toàn. Cái thực tại vĩnh hằng này đôi khi được gọi là Chúa, đôi khi là dân tộc, đôi khi là linh hồn, đôi khi là bản thể đích thực, và đôi khi là tình yêu chân chính; và con người càng gắn bó với nó, họ càng thất vọng và đau khổ vì không tìm thấy nó. Tệ hơn nữa, càng gắn bó, họ càng ghét bất cứ người, nhóm người hay tổ chức nào có vẻ đang đứng giữa họ và mục tiêu yêu dấu của họ.
Thế nên, theo Phật, cuộc đời là vô nghĩa và con người không cần phải tạo ra bất cứ ý nghĩa nào. Họ chỉ cần nhận ra rằng không có ý nghĩa nào cả và từ đó được giải phóng khỏi những khổ đau do quá ràng buộc và gắn mình với những hiện tượng trống rỗng. “Tôi nên làm gì?” người ta hỏi và Phật khuyên: “Không làm gì. Tuyệt đối không gì cả”. Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta liên tục làm một cái gì đó. Không nhất thiết ở phương diện vật lý, chúng ta có thể ngồi bất động hàng giờ với đôi mắt nhắm nghiền, nhưng ở phương diện tâm lý, chúng ta vẫn đang cực kỳ bận rộn sáng tác ra những câu chuyện và bản ngã, chiến đấu và chiến thắng. Để thực sự không làm gì có nghĩa là cả tâm trí cũng phải không làm gì và không tạo ra cái gì.
Thật không may, điều này cũng rất dễ trở thành một thiên anh hùng ca. Ngay cả khi ngồi đó nhắm mắt và cảm nhận hơi thở đi vào đi ra qua hai lỗ mũi, bạn vẫn có thể bắt đầu thêu dệt các câu chuyện về nó. “Hơi thở của mình hơi gượng và nếu mình hít thở bình tĩnh hơn, mình sẽ khỏe hơn” hay “Chỉ cần mình tiếp tục cảm nhận hơi thở và không làm gì cả, mình sẽ giác ngộ và trở thành người thông thái nhất và hạnh phúc nhất quả đất.” Thế rồi bản anh hùng ca bắt đầu mở rộng và con người dấn thân vào một cuộc hành trình không chỉ để giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc riêng mà còn để thuyết phục người khác làm việc đó nữa. Sau khi thừa nhận cuộc đời không có nghĩa, tôi tìm thấy ý nghĩa trong việc giải thích sự thật này cho người khác, cãi nhau với những kẻ không tin, giảng giải cho những kẻ hoài nghi, quyên tiền để xây tu viện, . . . “Không có câu chuyện nào cả” rất dễ dàng lại trở thành một câu chuyện nữa.
Lịch sử đạo Phật cho ta nhiều ví dụ về những người tin vào sự vô thường và trống rỗng của mọi hiện tượng, vào tầm quan trọng của việc buông bỏ, có thể vẫn cãi vã và đấu tranh vì việc cai trị một đất nước, sở hữu một tòa nhà hay thậm chí là ý nghĩa của một từ như thế nào. Xung đột với những người khác vì bạn tin vào sự vinh quang của một vị Chúa vĩnh hằng là điều không may nhưng còn hiểu được; xung đột với người khác vì bạn tin vào sự trống rỗng của mọi hiện tượng thì quả là kỳ quặc và cũng rất người.
Vào thế kỷ 18, các vương triều ở cả Miến Điện và nước Xiêm La láng giềng đều tự hào về lòng thành tâm hướng Phật và đạt tính chính danh nhờ bảo vệ đức tin Phật giáo. Các vị vua cúng dường cho các tu viện, xây chùa và hằng ngày lắng nghe các nhà sư uyên bác thuyết pháp trơn tru về ngũ giới (năm điều răn đạo đức cơ bản) của mỗi con người: tránh xa giết chóc, trộm cắp, hãm hiếp, lừa dối và rượu chè. Tuy nhiên, hai vương quốc thì xung đột liên miên. Vào ngày 7 tháng Tư năm 1767, quân đội của vua Miến Hsinbyushin càn quét kinh đô Xiêm sau một cuộc vây hãm kéo dài. Đoàn quân chiến thắng sát hại, cướp bóc và có lẽ cũng uống say mèm ở đâu đó nữa. Sau đó, họ đốt trụi gần hết thành phố với các cung điện, tu viện và chùa chiền, mang về nước hàng ngàn nô lệ và xe chở đầy vàng bạc châu báu.
Không phải vua Hsinbyushin xem nhẹ Phật giáo của nước mình đâu. Bảy năm sau chiến thắng vĩ đại của mình, nhà vua dẫn đầu một đoàn triều thần và hoàng gia xuôi theo sông Irrawaddy vĩ đại, lễ bái tại các chùa lớn dọc đường và cầu xin Phật Trời phù hộ quân đội mình có nhiều thắng lợi hơn nữa. Khi Hsinbyushin đến Rangoon, ngài cho xây lại và mở rộng kiến trúc thiêng nhất trên toàn đất Miến Điện, chùa Shwedagon. Sau đó, ngài cho dát vàng bảo tháp đã được mở rộng bằng đúng khối lượng của mình và dựng một chóp vàng trên đỉnh chùa, nạm vào đó toàn là đá quý (có lẽ cướp được từ Xiêm La). Ngài cũng nhân dịp này xử tội vua xứ Pego cùng em trai và con trai của nhà vua lúc đó đang bị bắt làm tù binh.
Ở Nhật Bản những năm 1930, người ta thậm chí còn tìm ra những cách rất sáng tạo để kết hợp các giáo lý Phật giáo với chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít. Các nhà tư tưởng Phật giáo cấp tiến như Nissho Inoue, Ikki Kita và Tanaka Chigakư cho rằng để xóa bỏ các ràng buộc vị kỷ của mình, người ta phải hoàn toàn dâng hiến bản thân cho Thiên hoàng, từ bỏ mọi suy nghĩ cá nhân và đạt đến. sự trung thành tuyệt đối với tổ quốc. Nhiều tổ chức quốc gia cực đoan khác nhau đã được các ý tưởng này truyền cảm hứng, bao gồm một nhóm chính trị cuồng tín tìm cách lật đổ hệ thống chính trị bảo thủ của Nhật Bản bằng một chiến dịch ám sát. Chúng ám sát cựu bộ trưởng Tài chính, tổng giám đốc tập đoàn Mitsui và cuối cùng là Thủ tướng Inukai Tsuyoshi. Từ đó, chúng đã đẩy nhanh việc biến Nhật Bản thành một nền độc tài quân sự. Khi quân đội khỏi chiến, nhiều sư sãi theo Phật giáo tiểu thừa và thiền sư theo Thiền tông rao giảng sự tuân phục quên mình đối với quyền lực của nhà nước và khuyến khích hy sinh cho chiến tranh. Trái lại, các lời giảng của Phật về lòng trắc ẩn và bất bạo động bằng cách nào đó đã bị quên lãng, chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đến hành vi của quân đội Nhật ở Nam Kinh, Manila hay Seoul cả.
Thời hiện đại, hồ sơ nhân quyền của Myanmar thuộc vào loại khá “đen” và nhà sư Ashin Wirathu lãnh đạo phong trào bài trừ Hồi giáo trong nước. Ông tuyên bố mình chỉ muốn bảo vệ Myanmar và Phật giáo khỏi các âm mưu thánh chiến Hồi giáo; nhưng các bài giảng và bài viết của ông mang tính kích động đến nỗi vào tháng Hai năm 2018, Facebook đã xóa trang của ông vì lý do chống các kêu gọi kích động thù hận. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với tờ Guardian, nhà sư này rao giảng lòng trắc ẩn với một con muỗi bay ngang qua; nhưng khi bị đưa ra các cáo buộc rằng phụ nữ Hồi giáo đã bị quân đội Myanmar hãm hiếp, ông ta cười và nói: “Không thể nào. Cơ thể bọn đó quá gớm ghiếc.”
Có rất ít khả năng hòa bình và hòa hợp toàn cầu sẽ đạt được khi hơn bảy tỷ người bắt đầu thiền thường xuyên. Tuân theo sự thật về bản thân thì thật quá khó khăn! Ngay cả khi làm thế nào đó bạn khiến hầu hết mọi người thử thiền, thì có người trong số chúng ta sẽ nhanh chóng bóp méo sự thật mà mình nhìn thấy thành một câu chuyện nào đó với anh hùng, kẻ ác và kẻ thù, và tìm ra những lý do rất chính đáng để khơi mào cho xung đột từ câu chuyện ấy.
—ooOoo—
BÀI KIỂM TRA HIỆN THỰC
MẶC DÙ tất cả các câu chuyện lớn này đều chỉ là hư cấu và do tâm trí chính chúng ta tạo ra, ta cũng không có lý do gì để tuyệt vọng cả. Hiện thực vẫn còn đó. Bạn không thể sắm một vai trong bất kỳ vở kịch giả vờ nào, nhưng tại sao bạn lại muốn làm việc đó ngay từ đầu kia chứ? Câu hỏi lớn mà con người đối mặt không phải “ý nghĩa cuộc đời là gì?” mà là “làm thế nào chúng ta chấm dứt khổ đau?”. Khi từ bỏ mọi câu chuyện hư cấu, bạn có thể quan sát hiện thực một cách sáng tỏ hơn trước rất nhiều; và nếu bạn thực sự biết sự thật về bản thân và về thế giới, không gì có thể làm bạn đau khổ. Nhưng điều đó dĩ nhiên là nói dễ hơn làm.
Con người chúng ta đã chinh phục thế giới nhờ khả năng sáng tạo và tin vào các câu chuyện hư cấu. Do đó chúng ta đặc biệt kém trong việc phân biệt đâu là hư cấu, đâu là hiện thực. Bỏ qua sự khác biệt này vốn là vấn đề sống còn đối với chúng ta. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn biết sự khác nhau giữa chúng, bạn phải bắt đầu vối đau khổ. Bởi như đã nói từ trước, thứ thật nhất trên thế giới này là khổ đau.
Khi bạn đối mặt với một câu chuyện vĩ đại nào đó và muốn biết liệu nó là thật hay tưởng tượng, một trong những câu hỏi cốt lõi cần đặt ra là liệu nhân vật chính trung tâm của câu chuyện có phải chịu đau khổ không. Chẳng hạn, nếu ai đó kể cho bạn nghe câu chuyện về dân tộc Ba Lan, hãy dừng lại một chút để nghĩ lại xem liệu Ba Lan có thể chịu đau không. Adam Mickiewicz, nhà thơ trữ tình vĩ đại và là cha đẻ của chủ nghĩa dân tộc Ba Lan hiện đại, đã gọi Ba Lan là “Chúa Jesus của các quốc gia”. Viết vào năm 1832, nhiều thập kỷ sau khi Ba Lan đã bị chia nhỏ cho Nga, Phổ và Áo, không lâu sau khi cuộc nổi dậy năm 1830 của Ba Lan bị nước Nga Sa hoàng đàn áp bạo liệt, Mickiewicz giải thích rằng những đau khổ khủng khiếp mà Ba Lan phải chịu là một sự hy sinh thay mặt cho toàn thể nhân loại, có thể sánh với sự hy sinh của Chúa Jesus, rằng cũng như Jesus, Ba Lan sẽ trỗi dậy từ cái chết.
Trong một đoạn văn nổi tiếng, Mickiewicz viết:
Ba Lan nói (với người dân châu Âu): “Bất cứ ai đến với ta sẽ được tự do và bình đẳng bởi ta chính là Tự Do”. Nhưng các vị vua, khi nghe thấy, đã sợ hãi tận tâm can và đóng đanh Ba Lan trên thập giá, đặt Ba Lan vào mộ, rồi kêu lên: “Chúng ta đã giết và chôn Tự Do”. Nhưng họ kêu lên một cách ngu ngốc… vì Dân tộc Ba Lan không chết… Vào ngày thứ ba, Linh hồn sẽ trở về với Thể xác; Dân tộc sẽ trỗi dậy và giải phóng mọi dân tộc châu Âu khỏi vòng Nô lệ.
Liệu một dân tộc có thực sự chịu đau? Dân tộc có mắt, tay, giác quan, tình cảm và dam mê không? Nếu bạn đâm nó, nó có chảy máu không? Dĩ nhiên là không. Nếu nó thua trong một cuộc chiến, mất đi một tỉnh, thậm chí bị tước đi quyền độc lập, nó vẫn không thể cảm nhận được nỗi đau, buồn hay bất cứ dạng khổ sở nào khác, vì nó không có cơ thể, tâm trí và không có chút cảm giác nào cả. Trên thực tế, nó chỉ là một ẩn dụ. Chỉ trong trí tưởng tượng của một số người nhất định thì Ba Lan mới là một thực thể thực có khả nâng chịu khổ đau. Ba Lan tồn tại vì những người này cho nó vay mượn thân xác, không chỉ bằng cách chiến đấu trong quân đội Ba Lan, mà còn bằng cách hiện thân cho niềm vui và nỗi buồn của dân tộc. Vào tháng Năm năm 1831, tin tức quân Ba Lan thua trận Ostroleka lan đến Warsaw, bụng người quặn lại vì đau đớn, ngực người phập phồng vì đau, mắt người tràn lệ.
Tất cả những điều này dĩ nhiên không biện minh cho hành động của Nga, cũng như không hạ thấp quyền được thiết lập một đất nước độc lập, quyết định luật lệ và phong tục của người Ba Lan. Thế nhưng xét cho cùng, nó có nghĩa là hiện thực không thể là câu chuyện của dân tộc Ba Lan vì chính sự tồn tại của Ba Lan phụ thuộc vào các hình ảnh trong tâm trí con người.
Trái lại, hãy hình dung số phận của một người phụ nữ Warsaw bị lính Nga cướp và hãm hiếp. Không giống sự khổ đau ẩn dụ của dân tộc Ba Lan, khổ đau của người phụ nữ đó rất thật. Nó cũng có thể là kết quả của các niềm tin của con người vào các hư cấu khác nhau, như là chủ nghĩa dân tộc Nga, Cơ Đốc chính thống, chủ nghĩa anh hùng đại trượng phu, tất cả những điều đã truyền cảm hứng cho nhiều quan chức và binh lính Nga. Tuy nhiên, khổ đau nó gây ra vẫn là thật một trăm phần trăm.
Khi chính trị gia bắt đầu nói bằng các thuật ngữ bí hiểm, hãy dè chừng. Có thể họ đang che đi và bào chữa cho khổ đau thực bằng cách bọc gói chúng trong những ngôn từ đao to búa lớn không thể hiểu nổi. Đặc biệt cẩn trọng khi nghe bốn từ sau: hy sinh, vĩnh hằng, thuần khiết, cứu chuộc. Nếu bạn nghe thấy bất cứ từ nào trong số này, bật chuông báo động lên. Và nếu bạn tình cờ sống ở một nơi mà người lãnh đạo thường xuyên nói những thứ như “Sự hy sinh của họ sẽ cứu chuộc sự thuần khiết của dân tộc vĩnh hằng của chúng ta” thì hãy biết là bạn đang gặp rắc rối to rồi đấy. Để cứu vớt sự tỉnh táo của bản thân, hãy luôn luôn cố gắng “phiên dịch” những thứ lờ mờ đó thành ngôn từ thực tế: một người lính kêu gào trong đau đớn, một người phụ nữ bị đánh đập tàn bạo, một đứa trẻ run rẩy trong sợ hãi.
THẾ NÊN nếu bạn muốn biết sự thật về vũ trụ, về ý nghĩa cuộc sống và về bản thân mình, vị trí khỏi đầu tốt nhất là quan sát sự đau khổ và khám phá xem nó là gì.
Câu trả lời không phải là một câu chuyện đâu.