21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21 - Chương 21

21

* * *

Thiền

CHỈ QUAN SÁT THÔI

SAU KHI đã chỉ trích rất nhiều câu chuyện, liên quan đến tôn giáo và hệ tư tưởng, để cho công bằng, giờ đến lượt tôi đặt mình vào tầm ngắm và giải thích làm thế nào mà một người đa nghi đến thế vẫn có thể vui vẻ thức dậy mỗi sáng. Tôi chần chừ làm việc này phần là vì nỗi sợ nuông chiều bản thân, phần là vì tôi không muốn mọi người có ấn tượng sai lầm rằng cái gì có tác dụng với tôi cũng sẽ có tác dụng với tất cả mọi người. Tôi ý thức rất rõ rằng, không phải ai cũng giống mình về những lắt léo trong vật liệu di truyền, noron thần kinh, quá trình sống và dharma cá nhân. Nhưng có lẽ độc giả nên biết cặp kính mà tôi dùng để nhìn thế giới, từ đó bóp méo tầm nhìn cũng như những viết lách của tôi, có màu gì.

Ở tuổi teen, tôi hoang mang và không thể ngồi yên một chỗ. Thế giới chẳng có ý nghĩa gì với tôi và tôi không có câu trả lời nào cho những câu hỏi lớn về cuộc đời. Đặc biệt, tôi không hiểu tại sao có quá nhiều khổ đau trên thế giới và trong chính cuộc đời mình đến vậy, có thể làm điều gì với chúng đây. Tất cả những gì tôi có được từ mọi người xung quanh và những cuốn sách tôi đọc là các câu chuyện hư cấu công phu: các truyền thuyết tôn giáo về các vị thần và Thiên đường, các truyền thuyết dân tộc về đất mẹ và sứ mệnh lịch sử của nó, các truyền thuyết lãng mạn về tinh yêu và phiêu lưu, hay các truyền thuyết tư bản về phát triển kinh tế và việc mua và tiêu dùng các thứ sẽ khiến tôi hạnh phúc như thế nào. Tôi có đủ nhận thức để hiểu rằng có lẽ chúng là hư cấu, nhưng tôi mù tịt cách tìm ra sự thật.

Khi bắt đầu đi học đại học, tôi nghĩ đấy sẽ là nơi lý tưởng để tìm thấy các câu trả lời. Nhưng tôi đã thất vọng. Thế giới học thuật cung cấp cho tôi những công cụ mạnh để phá hủy toàn bộ những hư cấu mà con người từng tạo ra, nhưng nó không đưa ra những câu trả lời thỏa đáng nào cho những câu hỏi lớn của cuộc đời. Trái lại, nó khuyến khích tôi tập trung vào những câu hỏi ngày càng hẹp. Cuối cùng, tôi thấy mình viết luận án tiến sĩ ở Đại học Oxford về các văn bản tự truyện của các chiến binh thời Trung cổ. Như một sở thích bên lề, tôi tiếp tục đọc nhiều sách triết và có nhiều cuộc tranh luận triết học; nhưng dù việc này mang tính giải trí tri thức bất tận, nó hầu như không mang lại những thấu tỏ thật sự. Tôi cảm thấy cực kỳ bức bối.

Cuối cùng, người bạn tốt của tôi, Ron Merom, đã gợi ý tôi thử đặt tất cả sách vở cũng như các cuộc tranh luận tri thức của mình sang một bên trong vài ngày và theo một khóa thiền Vipassana (“Vipassana” nghĩa là “nội quan” trong ngôn ngữ Pali của Ấn Độ cổ). Tôi nghĩ nó là một thứ vớ vẩn được sùng bái thời Kỷ Nguyên Mới nào đó và vì không có hứng thú lắng nghe thêm một câu chuyện huyền thoại nào nữa, tôi không chịu đi. Nhưng sau một năm kiên nhẫn thúc giục, vào tháng Tư năm 2000, bạn tôi đã thuyết phục được tôi đi một khóa thiền Vipassana mười ngày.

Trước thời điểm ấy, tôi biết rất ít về thiền và nghĩ chắc nó bao gồm đủ loại lý thuyết bí hiểm phức tạp. Thế nên tôi kinh ngạc khi thấy hóa ra bài giảng lại thiết thực đến thế. Thầy S. N. Goenka tại khóa tu đã hướng dẫn học viên ngồi khoanh chân, nhắm mắt và tập trung tất cả sự chú ý của mình vào hơi thở đi vào và đi ra hai lỗ mũi. “Đừng làm gì cả”, thầy nói đi nói lại. “Đừng cố kiểm soát hơi thở hay thở theo bất cứ cách đặc biệt nào. Chỉ cảm nhận thực tế của khoảnh khắc hiện tại, dù nó là gì. Khi hơi thở đi vào, anh chỉ cần biết: giờ thì mình đang hít vào. Khi hơi thở đi ra, anh chỉ cần biết: giờ mình đang thở ra. Khi anh mất tập trung và tâm trí bắt đầu lang thang tìm về các ký ức và mộng tưởng, anh chỉ cần biết: giờ thì tâm trí mình đã đi ra khỏi hơi thở”. Đấy là điều quan trọng nhất mà bất cứ ai từng nói với tôi.

Khi người ta đặt ra những câu hỏi lớn của cuộc đời, họ thường không có chút hứng thú gì với việc biết khi nào hơi thở của họ đang đi vào lỗ mũi và khi nào thì nó đang đi ra. Thay vào đó, họ muốn biết những thứ như điều gì xảy ra sau khi bạn chết. Thế nhưng điều bí ẩn thực sự của cuộc đời không phải là cái gì xảy ra sau khi bạn chết mà là cái gì xảy ra trước khi bạn chết. Nếu bạn muốn hiểu cái chết, bạn cần hiểu sự sống.

Người ta hỏi: “Khi tôi chết, tôi sẽ biến mất hoàn toàn ư? Liệu tôi có được lên thiên đường? Liệu tôi có được tái sinh vào một thân xác mới?”. Những câu hỏi này dựa vào giả định rằng có một ‘tôi’ tồn tại từ lúc sinh đến lúc chết và câu hỏi “Điều gì sẽ xảy ra với cái ‘tôi’ này khi chết?”. Nhưng có cái gì tồn tại bất biến từ lúc sinh đến lúc chết? Thân thể thay đổi theo từng khoảnh khắc, não bộ thay đổi từng khoảnh khắc, tâm trí thay đổi từng khoảnh khắc. Anh càng quan sát bản thân kỹ lưỡng thì anh càng thấy rõ là không có cái gì bất biến thậm chí từ giây này sang giây sau. Thế thì cái gì gắn kết cả một cuộc đời? Nếu anh không có câu trả lời cho điều đó, anh không hiểu sự sống và chắc chắn không có cơ may hiểu được cái chết. Nếu và chỉ khi anh phát hiện ra cái gì gắn kết sự sống lại với nhau, câu trả lời cho câu hỏi lớn về cái chết cũng sẽ trở nên rõ ràng.

Người ta nói: “Linh hồn là bất biến từ lúc sinh ra cho đến lúc chết và do đó là thứ gắn kết sự sống lại với nhau”; nhưng đó chi là một câu chuyện. Bạn đã bao giờ quan sát thấy một linh hồn chưa? Bạn có thể tìm hiểu nó bất cứ lúc nào, không chỉ vào khoảnh khắc lìa đời. Nếu bạn có thể hiểu điều xảy ra với bạn khi khoảnh khắc này kết thúc và khoảnh khắc kia khỏi đầu, bạn cũng sẽ hiểu điều gì sẽ xảy ra với mình vào lúc sự sống kết thúc. Nếu bạn có thể thực sự quan sát bản thân trong khoảng thời gian của một hơi thở, bạn sẽ hiểu được mọi thứ về khoảnh khắc ấy.

Điều đầu tiên tôi học được nhờ dõi theo hơi thở của mình là với tất cả những cuốn sách tôi đã đọc và tất cả các lớp tôi đã tham gia ở trường đại học, tôi gần như không biết gì về tâm trí mình và sự kiểm soát mà tôi có với nó là rất ít ỏi. Dù nỗ lực bao nhiêu, tôi cũng không thể dõi theo được hơi thở của mình đi ra đi vào hai lỗ mũi quá mười giây trước khi trí óc lảng đi chỗ khác. Suốt nhiều năm ròng, tôi đã sống với ấn tượng rằng mình là ông chủ của cuộc đời mình, là CEO của thương hiệu cá nhân mình. Nhưng vài giờ thiền là đủ để cho tôi thấy mình gần như không có chút kiểm soát nào với bản thân. Tôi không phải là CEO; tôi thậm chí không được là người gác cửa. Tôi được yêu cầu đứng canh lối vào cơ thể, tức hai lỗ mũi, và chỉ cần dõi theo cái gì đi vào và đi ra; nhưng chỉ vài giây sau, tôi đã mất tập trung và bỏ gác. Đấy là một trải nghiệm sáng mắt sáng lòng.

Khi khóa học tiếp diễn, các học viên được dạy dõi theo không chỉ hơi thở mà cả các cảm giác trên khắp cơ thể. Không phải là các cảm giác hạnh phúc và xuất thần, mà chỉ là những cảm giác tầm thường nhất: nóng lạnh, áp suất, cơn đau, . . . Phương pháp thiền Vipassana dựa trên sự thấu hiểu rằng dòng chảy tâm trí có gắn bó mật thiết với các cảm giác của cơ thể. Giữa tôi và thế giới luôn luôn có các cảm giác của cơ thể. Tôi không bao giờ phản ứng với các sự kiện của thế giới bên ngoài; tôi luôn phản ứng với các cảm giác trong chính cơ thể mình. Khi cảm giác là khó chịu, tôi phản ứng tiêu cực. Khi cảm giác là dễ chịu, tôi phản ứng bằng khao khát được thêm nữa. Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình phản ứng với việc một người khác đã làm, với dòng tweet mới nhất của Tổng thống Trump chẳng hạn, hay một ký ức thơ ấu xa lắc, sự thật là chúng ta luôn phản ứng với các cảm giác cơ thể tức thời của mình. Nếu bạn tức giận khi ai đó xúc phạm dân tộc hay thần linh của mình, điều khiến sự xúc phạm không thể chịu nổi là cảm giác bỏng rát trong bụng và cơn đau đớn đang bóp nghẹt trái tim. Dân tộc của chúng ta chẳng cảm thấy gì hết, nhưng cơ thể chúng ta thì đau thật sự.

Bạn muốn biết tức giận là gì ư? Vậy thì hãy dõi theo những cảm giác xuất hiện và biến mất trong cơ thể bạn khi bạn tức giận. Lúc đi khóa thiền này, tôi 24 tuổi và đã trải qua tức giận có lẽ 10.000 lần trước đó rồi; nhưng tôi chưa bao giờ cất công dõi theo cơn tức giận thực sự có cảm giác ra sao. Mỗi khi tức giận, tôi chỉ tập trung vào đối tượng của cơn tức, một cái gì đó mà ai đó đã nói hay làm, hơn là hiện thực giác quan của cơn giận.

Tôi nghĩ mình học về bản thân và con người nói chung bằng cách dõi theo các cảm giác của mình trong mười ngày đó nhiều hơn những gì mình đã học cả đời, tính đến thời điểm đó. Và để làm như vậy, tôi không cần phải chấp nhận bất cứ câu chuyện, lý thuyết hay huyền thoại nào. Tôi chỉ phải quan sát thực tế như nó vốn thế. Điều quan trọng nhất mà tôi đã nhận ra là nguồn con sâu xa nhất của đau khổ của mình nằm trong các mô hình của chính tâm trí mình. Khi tôi muốn cái gì đó và nó không xảy ra, tâm trí tôi phản ứng bằng cách tạo ra đau khổ. Đau khổ không phải là một điều kiện khách quan của thế giới bên ngoài. Nó là một phản ứng tâm lý do tâm trí của tôi sinh ra. Học được điều này là bước đầu tiên để đi đến việc ngừng tạo thêm đau khổ.

Từ khóa học đầu tiên năm 2000 đó, tôi bắt đầu thiền hai tiếng mỗi ngày và mỗi năm tham gia các khóa tu thiền dài ngày khoảng một hay hai tháng. Đấy không phải là chạy trốn hiện thực. Đấy là tiếp cận hiện thực. ít nhất hai giờ mỗi ngày, tôi thực sự quan sát hiện thực như nó vốn thế; trong khi hai mươi hai giờ còn lại, tôi bị ngập đầu trong email và các dòng tweet và các video chó con đáng yêu. Nếu không có sự tập trung và sáng tỏ mà thực hành này mang lại, tôi đã không thể viết được Sapiens hay Homo Deus. Ít nhất với bản thân tôi, thiền không bao giờ mâu thuẫn với nghiên cứu khoa học. Trái lại, nó là một công cụ quý giá nữa trong bộ công cụ khoa học, đặc biệt khi ta cố tìm hiểu tâm trí con người.

—ooOoo—

ĐÀO TỪ CẢ HAI ĐẦU

KHOA HỌC thấy khó giải mã các bí ẩn của tâm trí phần nhiều vì chúng ta thiếu các công cụ hiệu quả. Nhiều người, bao gồm nhiều nhà khoa học, có xu hướng nhầm lẫn tâm trí với não bộ, nhưng chúng thực ra là hai thứ rất khác nhau. Não bộ là một mạng lưới vật chất gồm các nơron, khớp thần kinh và hóa chất sinh học. Tâm trí là một dòng chảy các trải nghiệm chủ quan như đau đớn, khoái cảm, tức giận và yêu thương. Các nhà sinh học cho rằng não bộ bằng cách nào đó sản sinh ra tâm trí và các phản ứng sinh hóa trong hàng tỷ nơron bằng cách nào đó sản sinh ra các trải nghiệm như đau khổ và yêu đương. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng ta không có bất kỳ giải thích nào cho việc làm sao tâm trí lại nảy sinh từ não bộ. Làm sao mà khi hàng tỷ nơron thần kinh bắn ra các tín hiệu điện theo một mô hình nhất định thì tôi cảm thấy đau và khi chúng bắn ra theo một mô hình khác thì tôi lại thấy yêu? Chúng ta mù tịt. Do đó, ngay cả nếu tâm trí thực sự nảy sinh từ não bộ thì ít nhất cho đến giờ, nghiên cứu tâm trí vẫn là một nhiệm vụ khác với nghiên cứu não bộ.

Nghiên cứu não bộ đang tiến triển thần tốc nhờ sự hỗ trợ của kính hiển vi, máy quét não và các máy tính mạnh. Nhưng chúng ta không thể nhìn thấy tâm trí qua một kính hiển vi hay một máy quét não. Các dụng cụ này cho phép chúng ta phát hiện các hoạt động sinh hóa và điện trong não, nhưng không cho chúng ta tiếp cận bất cứ trải nghiệm chủ quan kèm theo các hoạt động này. Cho đến năm 2018, tâm trí duy nhất mà tôi có thể tiếp cận trực tiếp là tâm trí của chính tôi. Nếu muốn biết các loài có cảm giác khác đang trải qua những gì, tôi chỉ có thể làm vậy dựa trên các tường thuật gián tiếp, thứ thường chịu vô số bóp méo và giới hạn.

Chúng ta hoàn toàn có thể thu thập nhiều tường thuật gián tiếp và sử dụng xác suất thống kê để xác định các quy luật lặp lại. Các phương pháp đó đã giúp các nhà tâm lý học và các nhà khoa học về não bộ không chỉ hiểu rõ hơn về tâm trí, mà còn cải thiện và thậm chí cứu mạng hàng triệu người. Tuy nhiên, rất khó để vượt quá một điểm nhất định nếu chỉ sử dụng các tường thuật gián tiếp. Trong khoa học, khi bạn nghiên cứu một hiện tượng nhất định, tốt nhất là quan sát nó một cách trực tiếp. Các nhà nhân loại học chẳng hạn, họ sử dụng các nguồn thứ cấp một cách rộng rãi; nhưng nếu anh thực sự muốn hiểu văn hóa Samoa thì sớm muộn gì anh cũng phải xách ba lô lên và đến Samoa.

Dĩ nhiên đến thăm thôi là không đủ. Một blog do một người du lịch bụi đi khắp Samoa không thể được xem là một nghiên cứu nhân loại học có giá trị khoa học vì hầu hết những người du lịch bụi thiếu các công cụ và kỹ năng cần thiết. Các quan sát của họ quá ngẫu hứng và đầy thành kiến. Để trở thành những nhà nhân loại học đáng tin cậy, chúng ta phải học cách quan sát các nền văn hóa con người một cách có phương pháp và khách quan, thoát khỏi các định kiến và thành kiến. Đấy là thứ bạn học được ở khoa nhân loại học và là thứ cho phép các nhà nhân loại học giữ được vai trò quan trọng đến thế trong việc bắc cầu nối giữa các nền văn hóa khác nhau.

Nghiên cứu tâm trí một cách khoa học hiếm khi đi theo mô hình nhân loại học này. Trong khi các nhà nhân loại học thường thuật lại các chuyến đi của mình đến các hòn đảo xa xôi và những đất nước bí ẩn, các học giả nghiên cứu nhận thức hiếm khi trải qua các cuộc hành trình riêng tư như vậy đến các địa hạt của tâm trí. Bởi tâm trí duy nhất mà tôi có thể quan sát trực tiếp là của chính tôi, và dù quan sát văn hóa Samoa một cách không thành kiến là khó khăn đến đâu, quan sát chính tâm trí của mình một cách chủ quan còn khó hơn nhiều. Sau hơn một thế kỷ làm việc cật lực, các nhà nhân loại học ngày nay đã có trong tay những quy trình mạnh để quan sát một cách khách quan. Trái lại, trong khi các học giả về tâm trí đã phát triển rất nhiều công cụ để tập hợp và phân tích các tường thuật thứ cấp thì đến khi quan sát chính tâm trí của mình, chúng ta còn chưa bóc được lớp bề mặt.

Khi thiếu vắng các phương pháp hiện đại để quan sát trực tiếp tâm trí, chúng ta có thể thử một vài công cụ do các nền văn hóa tiền hiện đại phát triển. Một số nền văn hóa cổ xưa đã dành rất nhiều sự chú ý cho việc nghiên cứu tâm trí, và họ không dựa vào các tường thuật gián tiếp mà dựa vào việc luyện cho người khác quan sát tâm trí của chính mình một cách có hệ thống. Các phương pháp họ đã phát triển được gộp lại với nhau dưới một tên gọi chung là “thiền”. Ngày nay, tên gọi này thường được liên tưởng với tôn giáo và thần đạo, nhưng về nguyên tắc thì thiền là bất cứ phương pháp quan sát trực tiếp tâm trí của bản thân nào. Dù nhiều tôn giáo sử dụng nhiều phương pháp thiền khác nhau trên diện rộng, điều đó không có nghĩa là thiền nhất thiết liên quan đến tôn giáo. Nhiều tôn giáo cũng dùng sách vở một cách rộng rãi, nhưng điều đó đâu có nghĩa sử dụng sách vở là một thực hành tôn giáo.

Qua nhiều thiên niên kỷ, con người đã phát triển hàng trăm phương pháp thiền, khác nhau về nguyên tắc cũng như hiệu quả. Tôi chỉ có trải nghiệm cá nhân với duy nhất một phương pháp Vipassana, thế nên đó là phương pháp duy nhất mà tôi có thể nói đến với một chút căn cứ. Như một số phương pháp thiền khác, người ta nói rằng Vipassana được chính Đức Phật phát hiện ra ở Ấn Độ thời cổ. Qua nhiều thế kỷ, vô số giáo lý và câu chuyện đã được gắn với Đức Phật, thường không có bằng chứng bổ trợ gì. Nhưng bạn không cần tin bất cứ câu chuyện nào trong số đó để có thể thiền. Người dạy tôi học thiền Vipassana là Goenka, một người hướng dẫn rất thực tế. Thầy liên tục hướng dẫn học viên rằng khi dõi theo tâm trí, họ phải bỏ sang một bên mọi mô tả thứ cấp, mọi tín điều tôn giáo và mọi phỏng đoán triết học; thay vào đó, hãy tập trung vào chính trải nghiệm của mình và bất cứ hiện thực nào mình thực sự gặp phải. Mỗi ngày, vô số học viên vào phòng anh để tìm chỉ dẫn và đặt câu hỏi. Một tấm biển ở lối vào phòng có ghi: “Làm ơn tránh các cuộc thảo luận về lý thuyết và triết học, hãy tập trung các câu hỏi của bạn vào các vấn đề liên quan đến thực hành thực sự của bạn”.

Thực hành thực sự có nghĩa là dõi theo các cảm giác của cơ thể và các phản ứng của tâm trí đối với các cảm giác đó một cách có phương pháp, liên tục và khách quan, từ đó khơi mở các quy luật cơ bản của tâm trí. Con người ta đôi lúc biến thiền thành một cuộc truy lùng các trải nghiệm đặc biệt của hạnh phúc và xuất thần. Thế nhưng trên thực tế, ý thức là bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ và các cảm giác tầm thường như nóng lạnh và ngứa ngáy cũng bí ẩn chẳng kém các cảm giác về hoan lạc hay hợp nhất vũ trụ. Những người thiền theo Vipassana được khuyến cáo không bao giờ lao vào tìm kiếm các trải nghiệm đặc biệt; thay vào đó, họ được khuyến khích tập trung để hiểu hiện thực của tâm trí mình, dù hiện thực đó là gì.

Trong những năm gần đây, các học giả cả về tâm trí lẫn não bộ tỏ ra ngày càng hứng thú với các phương pháp thiền như thế, nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu này chỉ mới sử dụng công cụ này một cách gián tiếp. Một nhà khoa học điển hình thật ra không tự mình thiền. Thay vào đó, người ta mời những người thiền có kinh nghiệm đến phòng thí nghiệm, lắp các điện cực lên đầu họ, yêu cầu họ thiền và quan sát các hoạt động não bộ theo sau. Việc đó có thể dạy cho chúng ta nhiều điều thú vị về não bộ, nhưng nếu mục tiêu là để hiểu tâm trí thì chúng ta đang bỏ lỡ một số hiểu biết quan trọng nhất. Như thể ai đó cố gắng hiểu cấu trúc của vật chất bằng cách quan sát một hòn đá qua kính lúp. Bạn đưa cho người này một cái kính hiển vi và nói: “Thử cái này đi. Anh sẽ nhìn rõ hơn nhiều”. Anh ta nhận cái kính hiển vi, cầm cái kính lúp đáng tin cậy lên và cẩn thận dùng nó quan sát vật chất của cái kính hiển vi… Thiền là một phương pháp để quan sát trực tiếp tâm trí. Bạn bỏ lỡ gần hết các tiềm năng của nó nếu thay vì tự mình thiền, bạn lại quan sát các hoạt động điện não của một người thiền khác.

Tôi dĩ nhiên không gọi ý mọi người từ bỏ các công cụ và lối thực hành nghiên cứu não bộ hiện có. Thiền không thay thế mà có thể bổ trợ cho chúng. Nó hơi giống khi các kỹ sư đào đường hầm qua một ngọn núi lớn. Tại sao chỉ đào từ một phía? Tốt hơn là đào cùng lúc từ hai phía. Nếu não bộ và tâm trí thực sự là chung và duy nhất, cả hai đường hầm chắc chắn phải gặp nhau. Và nếu não bộ và tâm trí không phải là một? Thì việc đào sâu vào tâm trí chứ không chỉ não bộ càng quan trọng hơn.

Một số trường đại học và phòng thí nghiệm quả thực đã bắt đầu sử dụng thiền như một công cụ nghiên cứu hơn là một đối tượng thuần túy của các nghiên cứu về não bộ. Thế nhưng quy trình này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, một phần vì nó đòi hỏi một sự đầu tư phi thường từ phía những người nghiên cứu. Thiền nghiêm túc đòi hỏi mức độ kỷ luật rất cao. Nếu bạn cố dõi theo các cảm giác của mình một cách khách quan thì điều đầu tiên bạn nhận thấy sẽ là tâm trí mình hỗn loạn và thiếu kiên nhẫn đến mức nào và việc tập trung vào dõi theo tâm trí khó khăn ra sao, thậm chí với một cảm giác tương đối đặc thù như hơi thở.

Khi hình ảnh nhìn qua kính hiển vi bị mờ, ta chỉ cần xoay tay cầm một chút. Nếu tay cầm bị hỏng, ta có thể gọi thợ để sửa. Nhưng khi tâm trí mất tập trung, ta không thể sửa chữa nó dễ dàng như vậy. Thường thì ta cần rất nhiều rèn luyện để tâm trí bình tình lại và khiến nó tập trung sao cho nó có thể bắt đầu dõi theo bản thân một cách có phương pháp và khách quan. Có lẽ, trong tương lai, chúng ta có thể “bắn” một viên thuốc và đạt được sự tập trung tức thì. Thế nhưng thiền có mục đích là khám phá tâm trí hơn là chỉ tập trung tâm trí, nên con đường tắt ấy có thể phản tác dụng. Viên thuốc có thể khiến chúng ta rất tỉnh táo và tập trung, đồng thời có thể ngăn ta khám phá toàn bộ phổ tâm trí. Xét cho cùng, ngày nay, ta có thể dễ dàng tập trung tâm trí bằng cách xem một bộ phim ly kỳ hấp dẫn trên TV; nhưng tâm trí lúc đó lại quá tập trung đến mức không thể quan sát các thay đổi của chính mình.

Thế nhưng ngay cả khi không thể dựa vào những công cụ kỹ thuật như vậy, ta vẫn không nên bỏ cuộc. Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ các nhà nhân loại học, động vật học và các phi hành gia. Những nhà nhân loại học và động vật học dành nhiều năm ở các hòn đảo xa xôi, kề cận với vô số bệnh tật và nguy hiểm. Các phi hành gia dành nhiều năm cho các chương trình luyện tập khó khăn, chuẩn bị cho các chuyến du hành nguy hiểm ra ngoài không gian. Nếu ta sẵn sàng nỗ lực đến thế để hiểu về các nền văn hóa xa lạ, các loài động vật chưa được biết tới và các hành tinh xa xôi, thì cũng đáng nỗ lực như vậy để hiểu chính tâm trí mình chứ. Và ta nên hiểu tâm trí của mình trước khi các thuật toán quyết định giùm ta.

Tự quan sát chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng nó có thể còn khó hơn theo thời gian. Như lịch sử đã chỉ ra, con người tạo ra những câu chuyện ngày càng phức tạp về bản thân nên việc hiểu chúng ta thật sự là ai lại càng khó khăn gấp bội. Những câu chuyện này là nhằm đoàn kết những lượng người đông đảo, tích lũy quyền lực và gìn giữ sự hòa hợp xã hội. Những điều này là cực kỳ quan trọng đối với việc nuôi sống hàng tỷ người nghèo đói và đảm bảo cho những người đó không hãm hại nhau. Khi người ta cố gắng quan sát bản thân, họ thường khám phá ra những câu chuyện sẵn có này. Một cuộc khám phá với cái kết mở cũng rất nguy hiểm. Nó đe dọa làm suy yếu trật tự xã hội.

Khi công nghệ được cải tiến, hai điều xảy ra. Thứ nhất, như các lưỡi dao đá dần dần phát triển thành tên lửa hạt nhân, việc bất ổn hóa trật tự xã hội trở nên nguy hiểm hơn. Thứ hai, như các bức vẽ hang động dần phát triển thành phát thanh truyền hình, việc lừa dối con người trở nên dễ dàng hơn. Trong tương lai gần, các thuật toán có thể đưa quá trình này đến chỗ hoàn tất, khiến việc quan sát sự thật về chính bản thân của con người trở nên gần như bất khả. Chính các thuật toán sẽ quyết định chúng ta là ai và chúng ta nên biết gì về bản thân.

Trong vài năm hoặc vài thập kỷ tới, ta vẫn có một lựa chọn. Nếu nỗ lực, ta vẫn có thể nghiên cứu xem chúng ta thật sự là ai. Nhưng nếu muốn tận dụng cơ hội ấy, ta cần việc đó ngay bây giờ.

Hết

Hoàn Thành ngày 30/12/2019

Lamtaxy

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3