Biết người - Chương 23
Ở một chương trước bàn về văn chương chung tôi có đề cập đến ảnh hưởng của các chất ma túy (á phiện, mọt phin v.v…) trong việc sản xuất những công trình của trí thức và chúng tôi đã chứng tỏ rằng ảnh hưởng ấy kể như không có. Những chất ma túy không mang lại cho nhà văn nghệ sĩ một ý kiến mới mẻ nào, nó chỉ làm tê liệt thần kinh, giúp cho người tinh thần đang suy nhược tạm thoát khỏi một cơn ám ảnh.
Ở đây tưởng nên bàn thâm vấn đề này vì nó có dính dáng rất gần với tâm lý học.
Bằng cách nào người ta trở nên nghiện ngập:
Tật nghiện, nghiện thuốc phiện hay nghiện rượu là một thói quen đặng tập thành như bao nhiêu thói quen khác người ta nhiễm lấy bằng cách lập đi lập lại mãi một hành động mà người ta xét ra có ích hoặc có mang lại một thích thú nào.
Nhưng trong cái “thói quen” nghiện này lại thêm ảnh hưởng của cơ thể, một cơ thể đã thâm nhiễm, đã quen với chất độc, nếu đột nhiên cơ thể ấy bị thiếu chất độc ấy, nó sẽ mất thăng bằng và trở lại hành hạ, công phạt người nghiện một cách dữ dội làm cho họ bị đau đơn khó chịu do đó nó càng tăng cường tính cách tự động trong hành động của họ.
Tất cả những thói quen của chúng ta và tật nghiện cũng thế, đều có nguồn gốc ở những bẩm chất thiên nhiên. Chúng ta khó thể tiêm nhiễm một thói quen không hợp với xu hướng thiên nhiên chúng ta. Một người có nhiều hoạt động tính dù có muốn tập thói quen “ăn không ngồi rồi” cũng không thể tập, cũng như người suy nhược tự nhiên “ghét” tập thể dục, người có tính tiêu hoang khó lòng mà tập tính cần kiệm cũng như người thiếu óc hợp đoàn tự nhiên rất “sợ” những cuộc hội họp, những chốn đông người.
Có thể nói người sẵn có những bẩm chất thiên nhiên không thích hợp với việc dùng chất ma túy kó mà trở nên nghiện ngập.
Thí dụ một người vốn hiếu động, dù có muốn tập nghiện thuốc phiện cũng khó thành, bởi sau khi đã hút thỏa thuê, người hút luôn luôn trải qua một giai đoạn suy nhược, uể oải mà người hiếu động tự nhiên cảm thấy khó chịu. Đã không thấy thú họ sẽ không muốn tìm dịp hút nữa nhờ đó thói quen ấy khó thể tập thành.
Xét về những người tham vọng (vốn có nhiều bẩm chất tham muốn), người điềm nhiên (vốn kém cảm xúc tính), người biết suy xét (vốn có nhiều óc phán đoán) cũng thế. Người tham vọng không thích nghiện ngập vì họ thấy rằng tật ấy làm ngăn cản bước tiến của họ. Người điềm nhiên không cảm thấy thích thú nào trong việc “đi mấy về gió”. Người biết suy xét nhờ thấy rõ những nguy hại của bệnh ghiền nên xa lánh nó.
Những người nghiện thường là những người suy nhược và đa cảm tính (kém hoạt động tính và nhiều cảm xúc tính). Do bẩm sinh họ luôn luôn buồn thảm và tinh thần suy kém do đó họ thích tìm lãng quên trong men rượu, trong khói thuốc. Không cảm thấy sinh thú, họ tìm hết mọi cách để thoát ly cuộc đời dù có hại đến sức khỏe của họ cũng mặc.
Như chúng ta thấy, chất ma túy chưa hoàn toàn chi phối nhân loại, kể ra cũng là điều may. Tuy nhiên những công cuộc bài trừ ma túy vẫn là công việc cần thiết vì số người “suy nhược và đa cảm” tức là những người dễ bị nghiện ngập bao giờ cũng là số đông trong nhân loại.
Cocaine:
Nếu phải xếp hạng các thứ thuốc độc giết người chúng ta phải đặt chất cocaine tục gọi là á phiện trắng ngay lên hàng đầu. Người nghiện nó chẳng khác người đã lãnh ản án tử hình. Ảnh hưởng khốc hại của chất cocaine vừa nhanh chóng vừa mãnh liệt, ngoài ra nó còn đưa người nghiện đến những hành vi phản xã hội. Sự khích động mãnh liệt do chất ma túy ấy gây ra lắm lúc làm cho người nghiện “nổi cơn giận dữ” một cách khó hiểu, có thể đưa đến tội ác. Cách dùng chất độc hại ấy lại dễ dàng, bất luận ở đâu và lúc nào người nghiện cũng có thể “hít” một hơi chất “tuyết”. (Tiếng lóng chỉ chất cocaine vì nó là một thứ bột trắng tinh giống như tuyết. Người nghiện bỏ chất “tuyết” ấy vào mũi rồi hít). Có điều may cho các tay nghiện chất ma túy ấy là nó đắt hơn vàng nên thường khi bọn buôn lậu trao cho khách nghiện thứ “tuyết” giả có pha trộn những chất không độc, nhờ đó bọn nghiện cũng đỡ hại. Nhưng dù soa, người nghiện cũng đã bước vào “cửa tử” một cách chắc chắn.
Morphine (mọt – phin):
Sau đó phải kể đến chất morphine. Ảnh hưởng của nó chậm hơn á phiện trắng vì một vài cơ thể có thể “quen dần với chất độc” nên dù bị ngấm độc cũng vẫn chịu đựng nổi, không bị hại ngay. Tuy đến chậm, nhưng ảnh hưởng khốc hại của chất morphine cũng rất chắc chắn và số phận của kẻ nghiện nó cũng không may mắn gì hơn người nghiện cocaine. Ngoài ra, người nghiện nó cũng dễ sa ngã, trụy lạc. Nó ảnh hưởng đến cá tính tập thành làm cho người nghiện mất cả giác quan luân lý, không còn biết đến những nguyên tắc sơ đẳng trong việc xử thế. Tất cả những huấn điều do giáo dục tạo ra cốt làm cho cuộc sống xã hội đặng trơn tru, hòa hảo thì kẻ nghiện đều bất chấp. Thật là một tình trạng bi thảm, nhất là kẻ nghiện ấy không thiếu thông minh.
Rượu mạnh:
Kế đó là rượu mạnh. Xưa nay người ta đã từng vạch rõ những nguy hại, những bệnh tật do chất độc ấy gây ra.
Khó mà bài trừ rượu vì nó là một con dao hai lưỡi, nếu biết dùng nó vừa phải nó là một chất thuốc bổ, nhưng dùng quá mức nó lại biến thành một thứ thuốc độc. Chỗ khó là làm sao phân định ranh giới đến mức nào sự dùng rượu mới biến thành một tai họa. Sự lậm độc do chất rượu còn tùy thuộc sức chịu đựng của cơ thể của mỗi người, còn tùy lối sinh hoạt thể chất của họ và cũng tùy trong hoàn cảnh nào họ dùng rượu. Lại nữa, tật nghiện rượu có thể xâm chiếm chúng ta mà chúng ta không dè. Chỉ vì ở không nhưng hoặc vì quen “nhăm nhi” mỗi ngày mà chúng ta đâm ra nghiện rượu. Có người chưa hề biết say sưa là gì nhưng vẫn mang bệnh nghiện rượu.
Về điểm trước, phái “bênh vực rượu” thường đưa ra bằng cớ có những đồ đệ trung thành của lưu linh, song vẫn sống lâu. Nhưng đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ nó xác nhận một quy tắc. Giá những ông lão ấy không uống rượu biết đâu họ chẳng thọ như Bành Tổ.
Về điểm sau, chúng tôi có thể trưng ra một trường hợp sống như sau đây: Độ nọ chúng tôi có dịp cai quản một xưởng máy, trong xưởng có những bác phu khuân vác than đá, một nghề rất nặng nhọc. Mỗi ngày họ “nốc” sáu bảy lít rượu vang nhưng không hề hấn gì cả. Trong lúc đó có một viên chức có phận sự ngồi coi cán than, chỉ uống mỗi ngày một lít vang, ngoài ra không dùng rượu mạnh cũng không nhấp rượu khai vị nhưng lại chết về bệnh héo gan.
Mấy mươi năm về trước bên Hoa Kỳ, chính phủ đã từng ra lệnh cấm bán rượu nhưng việc cấm đoán ấy không đem lại kết quả nên về sau phải bỏ lệnh ấy. Công cuộc bài trừ rượu là thuộc vấn đề giáo dục, cưỡng ép đã không lợi còn hại thêm.
Á phiện:
Bên Âu Tây ít người dùng á phiện, kể ra cũng là điều hay. (Trái lại bên Á Đông á phiện đặng thông dụng hơn cocaine và morphine). Chất á phiện sánh với chất morphine hoặc cocanin tương đối ít độc hơn. Vả lại theo cách dùng thuốc phiện người ta thường chỉ hút chứ không tiêm thẳng chất độc vào máu như lối dùng morphine. Những chất alcaloides tức là chất độc trong á phiện sẽ tan theo mây khói hoặc tồn tại trong mớ nhựa nhớt còn sót lại nhờ đó cũng đỡ hại. (Vì thế, mấy “ông tiên” nghèo vì không đủ tiền hút thuốc hộp phải hút thuốc xái, hoặc nuốt nhựa dễ bị “hư” người hơn mấy “ông tiên” dư tiền hút ròng thuốc hộp). Về phương diện sinh lý khói thuốc phiện vẫn làm hại cơ thể nhưng ảnh hưởng chậm. Nếu bộ thận và lá gan của người nghiện tốt họ có thể chịu đựng chất độc ấy trong nhiều năm cũng chưa sao. Giá thay vì hút, họ lại uống thì ¼ số thuốc phiện họ dùng hàng ngày cũng đủ đưa họ về chầu “Diêm Vương” từ lúc nào. Cũng như chất nhựa nicotine chứa đựng trong một gói thuốc lá đủ làm thành một liều độc giết người, song xưa nay lắm người đã từng hút gói thuốc lá này đến gói thuốc lá khác mà không sao cả.
Mối hại của á phiện trên phương diện tinh thần còn độc hại hơn trên phương diện thể chất. Người nghiện mất bao nhiêu thời giờ nằm quanh bàn đèn, mơ mộng và… ngủ. Họ không còn thiết tha gì cả: công ăn việc làm, gia đình, bè bạn, đối với họ kể bằng không. Họ tự đào thải họ ra khỏi vòng nhân loại, họ đã biến thành những cái xác không hồn tuy rằng họ không làm hại ai cả.
Có thể nào chữa bệnh ghiền chăng?:
Hẳn là có thể chữa, song phương pháp tẩy độc đòi hỏi nhiều thời giờ, lắm công phu; trong lúc chữa người bệnh lại bị hành hạ khổ sở mà kết quả thì chỉ tạm thời thôi. Muốn tẩy độc phải đến nhờ các vị y sĩ chuyên môn. Các nhà chuyên môn đều biết rằng sau khi tẩy độc, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt các “ông tiên” có thể ngã trở lại vào tay “ả phù dung”. Vốn tính suy nhược và đa cảm, sau khi ra khỏi bệnh viện, họ vẫn bị những trạng thái lo âu, áy náy giày vò, tự nhiên họ lại đi tìm lãng quên trong chất độc.
Chưa từ tuyệt đặng nguyên nhân thì cũng chưa trừ tuyệt căn bệnh. Chúng ta nên thương hại hơn là buộc tội những người nghiện. Hiện giờ y học vẫn chưa tìm ra phương pháp kiến hiệu nào để lập lại sự điều hòa cho bộ thần kinh do bẩm sinh bị lệch lạc, mất thăng bằng.
Một khi đã cho họ tẩy độc còn phải chăm nom săn sóc họ luôn luôn, đừng để họ có dịp sa ngã lại. Trong việc này sự chăm nom đầy âu yếm của một người vợ, sự săn sóc đầy hiểu biết của những bè bạn có hiệu lực hơn sự cưỡng bức.