Để em cưa anh nhé! - Chương 17 - Phần 1
Chương 17: Bánh chưng valentine
Sau khi vượt qua cơn sốc tinh thần, Long vẫn bình tĩnh trở về nhà và đóng chuồng gà cho mẹ tôi. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ đụng vào mấy thứ này nên chẳng biết giúp như thế nào, chỉ hết chạy loanh quanh rồi lại ngồi thụp xuống chăm chú nhìn như vẻ hiểu biết lắm. Nói thật, lúc Long tập trung bổ củi rồi đóng gỗ, mồ hôi từ trán anh lấm tấm xuất hiện trên khuôn mặt góc cạnh, rồi từ từ trượt dài xuống cổ, thấm cả vào vải khiến chiếc áo phông trắng dần dần áp sát vào da thịt, hiện rõ cả bộ ngực nở nang đang thở phập phồng bên trong, tôi vừa chăm chú nhìn, vừa nuốt khan ừng ực. Hình như Long cũng thấy vẻ mặt ngốc nghếch của tôi lúc đó nên anh cũng khẽ nhếch môi mỉm cười, dương dương tự đắc. Thấy thế, mặt tôi liền đỏ ửng lên, rồi vội vàng đứng dậy, phủi quần lúng túng nói.
- Này! Có gì cần em giúp không?
- Chẳng phải đã nói rồi sao? Em ngồi yên đã là giúp anh rồi.
Lại mỉa mai, đồ con trai mà miệng lưỡi dẻo quẹo như đàn bà. Đáng ghét thật! Nhưng không sao, tôi có cách.
- Dạy em làm với!
- Em làm làm gì? Em định xây chuồng cho mình à?
Long nói, mặt vẫn tỉnh bơ, mắt chỉ chú mục vào cái chuồng gà đang dần hoàn thiện.
- Này! Gỗ này là em xin về được đấy nhé!
Hết nước, tôi đanh giở giọng cãi cùn, Long nheo mắt quay sang nhìn tôi, lắc đầu chèm chẹp.
- Đúng là đồ trẻ con. Hơi tí là ăn vạ. Chuồng gà này là đóng cho mẹ em đấy nhé!
Tôi cứng họng nhưng vẫn đấu tiếp.
- Đấy! Đóng cho mẹ em thì ít ra anh cũng phải cho em góp sức một tí chứ, không em áy náy lắm!
- Mặt dày vậy cũng biết áy náy?
Tại sao hắn lại có thể thản nhiên xỉa xói tôi ở ngay trong chính sân nhà của mẹ tôi như thế được nhỉ? Tôi mà để yên thì không phải là người. Cầm khúc gỗ đang mân mê trong tay từ nãy tới giờ, tôi siết chặt nó lại rồi giấu gém về phía sau lưng, chỉ trực hắn ngửa mặt lên là tôi phang cho một nhát, nhưng đúng lúc đó thì mẹ lại đi chợ về, nhìn thấy cái chuồng gà đã dần được hoàn thiện, mắt mẹ tôi sáng lên rực rỡ như thể lâu lắm rồi chả ai giúp được mình cái gì.
- Ôi giời ơi! Chuồng gà đẹp thế! Cháu này! Cháu khéo tay thật! Chả bù cho con vô dụng nhà bác!
Long ngước mặt lên nhìn, khiêm tốn cảm ơn, cũng không quên đánh mắt sang nhìn tôi cười khẩy. Tôi hậm hực theo mẹ chạy vào nhà, trong lòng thầm trách móc. Thế nào gọi là vô dụng? Mẹ đã quên cảm giác tự hào khi con thông báo đỗ đại học là như thế nào rồi à? Mẹ toàn thích nói xấu con trước mặt người khác thôi, cứ như đó là thú vui duy nhất của mẹ sau khi lông nách không còn mọc để mà nhổ nữa vậy. Còn cả cái tên dở hơi ngoài kia nữa, chắc chắn là hắn đang hả hê lắm lắm, người đâu mà vô duyên trơ tráo thế không biết! Đáng ra lúc đó hắn phải ý tứ nói rằng: “Không phải đâu bác! Mai cũng có ích lắm đó. Chỗ củi này là do cô ấy xin được!” Thế mới đúng chứ!
Buổi trưa, sau khi hoàn thiện xong cái chuồng gà, mẹ tôi mời Long vào căn nhà gỗ xập xệ do mấy anh thanh niên trong làng xây hộ từ hơn tuần trước, rót nước niềm nở như khách quý, còn tôi thì một giọt cũng không cho, đã thế còn muốn vắt kiệt sức lực của tôi bằng việc bắt đi hái rau nữa chứ! Nhiều lúc tôi tự hỏi, tôi có phải con ruột của mẹ không? May mà một lát sau thì Long cũng tự động biết đầu cầm rổ chạy theo tôi ra khu vườn đằng sau nhà, đã lâu lắm rồi tôi không về đây, cũng không ngờ là vườn rau đằng sau lại trở nên um tùm như thế này. Tôi vẫn còn nhớ khoảng năm năm về trước, khu vườn trống trải này ngoài cỏ dại và một số loài cây ăn quả như hồng bì, mít, xoài, nhãn thì chẳng trồng rau dưa gì hết, không ngờ sau năm năm bác Yên đã thay mẹ tôi chăm bón được ngần này loại rau rồi.
Thích thú đứng dưới giàn lặc lày xanh mát, lá leo dày đặc che lấp ánh mặt trời, hiếm hoi lắm mới thấy một vài tia nắng trong veo xuyên qua kẽ lá mỏng manh như màu ngọc bích, tôi khẽ rướn tay lên hái một quả lặc lày nhưng không tới, trong khi đó Long còn phải cúi đầu mới chui được vào giàn lặc lày của mẹ tôi, đi cạnh anh ta lúc nào tôi cũng thấy mình bị lép vế.
- Này! Anh hái, em cầm rổ được rồi!
- Tốt thôi.
Tôi bĩu môi đáp, thầm mong trong lúc mải mê hái quả anh ta sẽ bị một cục thiên thạch rơi thẳng vào đầu, cho cái mặt kênh kiệu kia hết vênh đi. Ấy thế mà… tôi độc mồm thật! Dòng suy nghĩ độc ác chỉ mới nhen nhóm lên có vài giây thì đã bị cắt đứt bởi tiếng kêu thất thanh của anh thanh niên đang đánh vật với quả lặc lày, vừa mới hái quả xuống anh ta đã vứt cái toẹt xuống đất, loại người coi thường thức ăn chính là loại người mà tôi ghét nhất. Thấy thế, tôi liền tức tối chạy lại xem.
- Anh làm cái trò gì đấy! Sao lại vứt lặc lày của tôi!
- Sâu! Em xem! Có con sâu to lắm!!!
Tôi vừa cúi xuống, vừa nhặt quả lặc lày lên rồi không ngừng dùng ánh mắt khinh bỉ nhìn tên con trai đã hai mươi lăm cái tuổi đầu rồi mà còn sợ sâu bọ, may mà bây giờ tôi đã chẳng còn gì luyến tiếc với anh ta, chứ không thì cưới loại người yếu đuối này về thì chắc sau này tôi phải làm chồng còn anh ta mới làm vợ. Nhấc quả lặc lày mập mạp lên, tôi khẽ chau mày, dùng hai đầu ngón tay dứt con sâu màu xanh cốm béo mũm mĩm chân ngắn ngủn ra, thản nhiên kẹp vào một chiếc lá to, rồi hớn hở đi tìm sâu tiếp. Thấy thế, Long liền há hốc mồm, lạch bạch chạy theo hỏi.
- Em điên à! Giữ lại mấy con sâu này về nấu canh à!
- Canh cho anh ăn ấy! Sâu này lát để chiều đi câu cá. Hơi bị mẫm đấy!
- Cá nào thèm ăn loại sâu này!
- Loại cá không đến miệng của anh!
…
Khoảng hơn 11 giờ trưa, tôi bước vào gian bếp với rổ lặc lày đầy ụ trên tay, mẹ bảo lặc lày này luộc lên chấm nước mắm ăn ngon lắm. Tôi liền bảo Long đi rửa cái xoong rồi múc nước vào đấy vừa đủ cho hai người ăn. Long hỏi tôi đếm nhầm à, tôi thản nhiên cười khẩy, thì ra anh ta cũng không đần lắm.
- Này! Em có biết sử dụng bếp rơm không đấy?
- Biết! Sao không biết! Hồi nhỏ phải nhóm suốt.
Chuyện hồi nhỏ đã là chuyện xa xưa lắm rồi, từ hơn chục năm trước rồi, tôi vẫn còn nhớ rõ cái cảm giác khói rơm cay xè xộc vào mắt làm tôi với bà chị họ cứ phải thi nhau chạy ra chạy vào, nước mắt nước mũi đầm đìa như phạm trọng tội. Vậy mà không ngờ hơn chục năm sau, cảnh tượng ấy lại tiếp tục tái diễn, tất nhiên bây giờ chị họ không còn nữa, chỉ còn Long chơi trò đuổi bắt, người chạy ra, kẻ chạy vào, mắt mũi đỏ lòm, trông như bệnh dịch. Lúc mẹ trở về, thấy hai đứa vẫn tiếp tục chạy ra chạy vào, được độ năm phút thì tóm tay tôi chặn lại hỏi.
- Bọn mày làm cái trò dở hơi gì đấy!
- Nấu canh ạ!
- Nấu canh sao không ngồi im trong đó! Cháy mất mẹ nó nồi canh của tao bây giờ!
- Không ngồi được, cay mắt lắm mẹ! Bọn con thay nhau mỗi người hai phút mà!
Tôi vừa nói, vừa trợn mắt ngửa mặt lên trời chớp chớp, trong lúc đó Long đã gào lên ầm ĩ ở bên trong.
- Con quỷ lùn kia! Mau vào đây! Trời ơi! Sắp đui con mắt tôi rồi!
Đúng lúc tôi đang định miễn cưỡng chạy vào thì mẹ liền hắng giọng gọi cả hai đứa ra, rồi cấm chỉ từ giờ không cho ai bén mảng vào khu bếp tối tăm mù mịt ấy nữa, mẹ bảo lớn đầu rồi mà vô dụng, đụng vào cái gì hỏng cái đấy, nhờ vả chỉ tổ tốn thời gian. Tôi không quan tâm, mẹ chửi thế hay chửi nữa cũng được, đằng nào nghe cũng quen rồi, chỉ khổ thân Long mặt đần đực ra đấy, đương yên cũng bị ăn chửi lây.
Mẹ tôi là thế đấy! Đã mắng là mắng cả, chẳng nể nang ai đâu.
Bữa trưa ngày hôm nay rất đơn giản, lắc lày luộc chấm với nước mắm, vài quả trứng gà tươi luộc lòng đào và mấy lạng thịt lợn ba chỉ mẹ mua ngoài chợ về rang săn với hành lá, thế là xong. Hai đứa chúng tôi vất vả từ sáng tới trưa mới có cái mà cho vào bụng nên lúc đó chỉ biết cắm đầu vào cặm cụi ăn, cảm thấy ngon không chê vào đâu được.
Chiều hôm ấy sau khi được ngủ xuyên trưa một giấc thật là dài, đến tầm bốn giờ chiều mẹ lại ra ngoài sân đạp cho tôi vài cái, giục tôi dậy đi đón thằng Công em họ của tôi đang học trên thị xã về. Mẹ đạp tôi, tôi lại đạp Long, chẳng ai được ngủ, thế là hòa. Lúc nghe mẹ nói hai từ “thị xã”, tôi cứ nghĩ thị xã nó phải ở xa lắm cơ, hóa ra cũng chỉ cách nhà hơn hai chục phút đi bộ là cùng, cũng may là hôm nay thời tiết mát mẻ, chứ phải hôm trời nắng thì dù chỉ năm phút tôi cũng không muốn đi. Trường học trên thị xã rất sầm uất, khác hẳn với ngôi trường cấp ba ở ngay trên ngọn đồi phía sau ngôi làng mẹ tôi ở, cổng trường ở đây cũng đông nghịt vào giờ tan học y như ở Hà Nội vậy. Lúc đi qua khu chợ, tôi thấy người ta đang tổ chức mấy trò chơi dân gian hay lắm, đúng là Tết ở quê khác hẳn ở Hà Nội, mặc dù muốn nán lại chơi vài trò nhưng Long cứ kéo tay tôi lôi xềnh xệch về nhà, bảo cẩn thận không trai bản nó bắt. Tôi không thể hiểu nổi, bắt tôi thì họ được cái quái gì cơ chứ!
Em họ của tôi rất thông minh và lanh lợi, đây không phải là lần hội ngộ lâu ngày xa cách gì, chúng tôi vẫn gặp nhau một năm vài lần vì Công biết tự bắt xe lên Hà Nội chơi mỗi khi có dịp nghỉ lễ từ hồi mười hai tuổi. Lúc đi về nó cũng chỉ cho chúng tôi đi một con đường tắt, rẽ qua mấy ngôi làng yên bình đẹp như trong tranh chứ không đi con đường trải bê tông nhạt nhẽo như ban sáng nữa. Chúng tôi đi qua cả thảy năm ngôi làng, mấy ngôi làng ở đây đều mọc san sát nhau, có khi đi qua ranh giới giữa làng này với làng kia lúc nào chúng tôi cũng chẳng rõ, đến ngôi làng cuối cùng mà theo như Công nói là đi hết làng này thì sẽ về nhà, bỗng, Long kêu lên một tiếng như nhìn thấy vật thể lạ. Lựa theo tiếng kêu của Long, tôi và Công đều quay ngoắt đầu lại, trái với tiếng “À…” bình thản của Công, tôi cũng kêu lên thất thanh y như Long. Thế rồi nhanh như cắt, tôi liền kéo tay hai tên con trai một lớn một bé, chạy ù ra hóng hớt.
- Ô hô hô! Người ta đang rút nước để bắt cá kìa!
Nhìn thấy mấy cái ống hút nước to đùng cắm xuống ao rồi dẫn thẳng vào sân nhà, khiến sân nhà bác hàng xóm trở nên lênh láng như một cái bể bơi đục ngầu, trong tâm trí tôi bỗng nhớ lại về những kí ức xưa cũ. Tôi vẫn còn nhớ năm tôi sáu tuổi, cũng có một lần nhà bác Yên rút hết nước trong ao xả vào sân để thu hoạch cá tôm như thế này. Ba đứa đang đứng ngẩn người ra nhìn, cằm rớt xuống tận đầu gối, long lanh mắt nhìn từng người từng người một đang cầm chiếc rổ nhỏ, thi nhau nhảy xuống bùn nhặt tôm nhặt tép. Hình như lúc này chủ nhà đã thu hoạch hết cá lớn, thế nên mới để cho hàng xóm thoải mái nhặt tôm tép li ti trong ao nhà mình như vậy. Thấy tôi cứ đứng chần chừ lưỡng lự mãi không đi, bỗng, Công bảo hai đứa tôi đứng chờ một lát, rồi chỉ năm phút sau nó đã quay lại với ba chiếc rổ xanh đỏ nho nhỏ trong tay, phát cho mỗi người một cái.
- Em xin phép chủ nhà rồi, mình xuống nhặt đi.
- Được à? Thật đấy à?
Tôi căng tròn đôi mắt long lanh lên hỏi lại, tuy miệng hỏi nhưng chân đã vội vàng nhảy phắt xuống ao, hai cái cột đình ngắn ngủn lập tức bị cắm sâu xuống đống bùn lầy, đứng im không nhúc nhích. Long đứng bên trên nhìn xuống, thấy tôi nhăn nhó khóc mà ôm bụng cười ha hả, ngay sau đó anh ta liền nhảy xuống theo tôi, trong lúc nhảy không hiểu quýnh quáng kiểu gì mà đẩy cả vào lưng tôi, khiến tôi loạng choạng ngả nghiêng giây lát rồi ngã ệt xuống bùn, nguyên một mảng mông quần trắng tinh nay đã được nhuộm đen tạo nên sự tương phản như con khỉ đít đỏ. Long thấy thế lại càng được thể cười sung sướng, tôi ức chả buồn cười, chỉ biết quắc mắt lên nhìn hằn học, thấy tôi lườm hắn cũng hơi lạnh gáy, thế là liền đưa tay ra khảng khái nói: “Mau lên, để anh ‘nhổ’ em dậy!”
Lúc Long đưa tay ra để bắt lấy tay tôi, trong mắt tôi anh thật sự đang tỏa sáng, thế mà ngay sau đó chỉ vài giây, khi tôi còn chưa đứng dậy hẳn, Long đã đột ngột thả tay ra rồi đẩy tôi ngã ngửa về phía sau thêm một lần nữa, tôi khóc nấc lên không thành tiếng, chỉ hận chân mình ngắn không thể đuổi theo tóm tóc cắm vục mặt hắn xuống đống bùn này.
Kể từ lúc thoát khỏi đống bùn lầy kinh tởm trở về nhà, tôi tuyệt nhiên mặt lạnh không nói chuyện với Long câu nào, mặc kệ hắn hết lời xin lỗi lại còn lẽo đẽo chạy theo trút hết tôm tép mà mình nhặt được vào trong cái rổ trống trơn của tôi. Tôi khẽ bật cười trong lòng một cái, nhưng ngoài mặt thì vẫn lạnh tanh như chiếc xi-lanh, cuối cùng, sau khi tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, tôi liền lặng lẽ tiến đến chỗ hắn đang ngồi ngẩn ngơ ngắm đàn gà, ném cho hắn cái quần bẩn của tôi và cái áo bẩn của hắn, bảo: “Thể hiện đi!”
Long ôm lấy hai món đồ trên tay một lúc, mặt ngẩn ra, định gân cổ lên cãi lại điều gì đó, xong tự dưng lại thôi, ngoan ngoãn ra giếng kéo nước lên giặt chăm chỉ như cô Tấm, còn tôi với mẹ thì chẳng khác nào mụ dì ghẻ và cô Cám, đứng chống nạnh chỉ đạo hành hạ lên xuống rồi nhìn nhau bật cười ha hả.
Chỗ tôm tép chiều hôm đấy ba chúng tôi mang về san đều ra cho hai nhà rang lên cũng chẳng bõ dính răng đàn gà nữa là người, tối đến, thằng Công lại bí mật chạy sang rủ hai đứa bọn tôi ra đồng hái trộm đậu đỏ về luộc. Đậu đỏ mùa này vừa chín tới, sai trĩu quả, mọc thành từng cụm chi chít trên giàn chỉ cao đến bụng tôi nên hái rất dễ, ba đứa tôi hái vừa nặng áo thì kéo nhau chuồn về. Quả thật mùa này mà ăn đậu luộc lại còn là đồ ăn trộm thì quá là hết xảy! Ăn trộm đã ngon, ăn lén ăn lút lại càng ngon hơn!
Tầm tám giờ tối, Công bị bác Yên xách tai lôi về nhà, chúng tôi nhìn theo nó đầy vẻ tiếc nuối nhưng cũng chẳng biết phải giúp đỡ thế nào, cuối cùng hai đứa đành rủ nhau ra đồng thất thểu chơi một mình. Buổi tối ở vùng quê này người ta không mắc đèn đường, chỉ cần ra khỏi nhà thôi là toàn bộ xung quanh tối đen như mực, duy chỉ có ánh trăng phía ngoài đường lớn là sáng vằng vặc, đôi lúc tôi nghĩ trăng sáng thế này thì còn chăng đèn làm gì cho tốn điện, người dân ở đây quả là tiết kiệm một cách thông minh. Nhưng dù sao thì tôi vẫn sợ bóng tối, túm lấy vạt áo nhăn nhún của Long, tôi lẽo đẽo đi theo anh mò mẫm ra tít tận đường cái, con đường dẫn tới khu thị xã mỗi lúc một tới gần, không biết là do trời tối hay do xung quanh chẳng còn có ai mà chân tôi cứ đi nhanh thoăn thoắt, thoáng chốc đã vượt cả mặt Long. Lúc chỉ có hai người, tim tôi như động giật, cứ nhảy tưng tưng còn hơn cả lúc zẩy đầm trên Mai Lĩnh.
Mặc dù đã gần tám rưỡi nhưng có vẻ khu chợ vẫn còn rất sầm uất, bởi vì nơi đây là khu du lịch nên các hàng quán vẫn còn rực đèn sáng trưng, tôi nhanh chân lượn lờ hết hàng này đến quán khác, cái gì cũng thơm, cái gì cũng ngon, nhìn mà chỉ muốn chảy nước miếng ừng ực. Cứ chạy mãi, chạy mãi, cuối cùng thì sự hiếu kỳ cũng kết thúc mà người thì đã mệt lả, không ngờ chỗ tôi dừng chân lại là một hàng khoai sắn nướng, vô tình ngồi xuống đây mà không mua lấy cho người ta vài củ thì cũng ngại, chẳng những vậy mùi bánh sắn thơm phưng phức cứ xộc vào mũi tôi, dù có cố bịt mũi cũng không sao cưỡng chế được, tôi bèn liếm môi thèm thuồng như con cún con thèm sữa. Thấy tôi cư xử kỳ cục như thế, Long cũng khẽ chẹp miệng rồi liền đưa tay vào túi định rút ví ra theo phản xạ, nhưng khi tay vừa mới xọc vào túi, anh lại ngả người xuống mò mẫm thêm vài lần nữa, rồi sắc mặt bỗng trở nên kỳ lạ, chỉ cần nhìn cũng biết có chuyện chẳng lành rồi.
- Thôi chết! Mất… mất ví rồi!
Long kêu lên ngắt quãng, mặt tái sầm lại vô cùng lo lắng, tôi ngớ người, liền vội vàng hỏi lại.
- Để đâu mà mất?
- Biết để đâu thì đã không mất! Hỏi khôn thế!
- À vâng… Anh thì thông minh quá nên mới mất ví.
Vốn định dịu giọng an ủi một chút, không ngờ tên kiêu căng này trong tình huống éo le vẫn còn vênh mặt với tôi được, đã thế tôi đành tặc lưỡi xua tay: - Thôi, coi như của đi thay người vậy!
Vừa nói, tôi cũng vừa thản nhiên đút tay vào túi, rồi đột nhiên lạnh hết cả người vì cũng không thấy ví của mình đâu.
- Thôi chết rồi! Ví của em đâu rồi!
Long quay lại nhìn tôi, ánh mắt hệt như thay lời muốn nói: “Em có bị thần kinh không hả?”
- Em dùng ví bao giờ mà đòi mất! Bày đặt!
- Ừ nhỉ… Thế thôi chết rồi, khi đi quên không mang theo túi xách rồi, còn mỗi ngần này tiền lẻ thì làm ăn gì!!!
Tôi vừa nói, vừa quýnh quáng vét đi vét lại túi quần của mình, rút cục cũng chỉ móc ra được có sáu mươi tư nghìn tiền lẻ. Long thấy thế thì mắt liền sáng lên, lộ rõ vẻ mừng rỡ.
- Còn những sáu tư nghìn cơ à? Đủ đi xe ôm về đấy nhỉ!
- Xe ôm? Anh muốn về bây giờ á? Đi bộ đê!
- Nhưng…
- Đừng cãi vì hôm nay em đầy “lước”! Khói bay, anh lèo nhèo là ăn cước. Không phải anh muốn gì là cũng được…
Đang cãi nhau, tôi bất ngờ chuyển sang rap bài “No Say Ben” đình đám của Leg khiến mặt Long đần thối, khóe miệng anh khẽ giật giật lên vài cái rồi thẫn thờ quay ngoắt đi.
- Đừng có nói với ai rằng chúng ta từng quen nhau đấy!