Phế Đô - Chương 39
Chương 39
Sáng hôm sau, Ngưu Nguyệt Thanh dậy thật sớm quét dọn hết trong nhà ngoài sân, lại nấu một nồi cháo, rồi mới đánh thức Liễu Nguyệt . Liễu Nguyệt thức dậy, thấy xấu hổ, vội vàng đi gọi Trang Chi Điệp. Ba người ngồi cùng mâm ăn cơm. Ăn xong, Liễu Nguyệt ngồi ở trong phòng khách chải đầu, kẻ lông mày, cài hoa, đeo dây chuyền, hoa tai, cứ nhất định đòi Ngưu Nguyệt Thanh và Trang Chi Điệp ngồi bên cạnh làm cố vấnh, sửa sọan từ đầu đến chân suốt hai tiếng đồng hồ, thì pháo cưới nổ vang trời dậy đất. Ngưu Nguyệt Thanh lập tức giục Liễu Nguyệt cởi giày, ngồi trên giường ngủ, còn mình tự mở rộng cửa buồng. Đây là đoàn người rước dâu gồm hàng chục người, có hai mươi hai xe đến đón, đậu không hết ở trong sân to của hội văn học nghệ thuật, nên đã sắp hàng một ở ngoài cổng lớn. Bà Vi đã được nhận phong bì chạy trước chạy sau, tươi cười với từng người đến đón dâu, lại nghiêm nhặt ngăn ngừa những kẻ vô công rồi nghề trên phố đi vào sân to.
Đại Chính ngực đeo hoa hồng, được người dìu đi đã lễ phép cúi đầu chào Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh. Chân phải bị liệt của anh ta dã lùi về đàng sau sắp sửa quỳ xuống thì Trang Chi Điệp đã ngăn lại, bảo cúi lưng thôi cũng được. Đại Chính liền cúi gập người xuống, rồi đi sang buồng ngủ đi giày cho Liễu Nguyệt, sau đó bế cô ta xuống, cài lên ngực cô ta một bông hoa đỏ tươi như ở ngực áo mình. Liễu Nguyệt lẳng lặng nhìn anh ta. Khi Đại Chính cài hoa, cầm tay cô dâu hôn vào môi, thì Liễu Nguyệt mấp máy môi nói với Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đang đứng nhìn ở cửa:
- Anh ấy còn học cái lối phương Tây đấy!
Đài Chính ngượng đỏ mặt tía tai. Sau đó những người đón dâu ngồi xuống hút thuốc, ăn cỗ uống rượu, thưởng thức tranh chữ trên tường, đi sang phòng sách xem sách xếp đầy bên trong. Khi chiếc đồng hồ quả lắc điểm mười tiếng, thì nói một tiếng "lên đường". Người bám ở sàn cửa sổ trên của nhà gác thả tràng pháo dài ba vạn mối xuống, châm lửa đốt. tiếng nổ dòn dã, đinh tai nhức óc. Đại Chính dắt Liễu Nguyệt sóng vai đi xuống. Ba chiếc máy ảnh và một máy ghi hình liền nhấp nháy liên tục. Khi Đại Chính cười, khg nhịn nổi đã phát ra một tiếng hậc. Liễu Nguyệt đã lườm anh ta một cái. Đại Chính trang trọng lại nét mặt, còn cố hết sức giữ cho cơ thể được thăng bằng, nhưng sao tránh khỏi sau khi bước đã lắc lư sang hai bên, va liên tục vào Liễu Nguyệt, sau đó không phải anh ta dắt Liễu Nguyệt, mà Liễu Nguyệt nắm rịt lấy tay anh ta, cánh tay ấy cứng như đòn bẩy, giữ cho yên cả hai người. Ở cửa nhà gác, pháo vẫn nổ giòn giã, xác pháo màu đỏ bay như bươm bướm. Liễu Nguyệt sợ có đoạn pháo đứt dây rơi xuống đầu mình, đã nhảy một cái qua cửa, bởi bỏ tay ra mạnh quá, suýt nữa làm Đại Chính ngã. Ngưu Nguyệt Thanh vẫn đi đằng sau liền gọi:
- Liễu Nguyệt! Liễu Nguyệt!
Liễu Nguyệt đành phải quay lại chờ. Trong sân dưới nhà gác đứng kín người, lần này thì Liễu Nguyệt dắt tay Đại Chính cố gắng đi sát vào người, không để anh ta lắc lư. Ngưu Nguyệt Thanh khen:
- Được đấy! Được đấy!
Chị bảo bốn người tung giấy năm màu đã cắt sẵn lên đầu cô dâu chú rể, lập tức khắp người khắp đầu cô dâu, chú rể óng a óng ánh. Hàng chục người đến rước dâu, lần lượt rước đồ cưới lên xe, đội ngũ dài dằng dặc, thứ tự xuất phát từ cổng lớn, người đứng xem trên đường cái ào đến như nước thuỷ triều. Người ta xôn xao bàn tán về cô dâu, chú rể. Họ bảo cô dâu cao hơn chú rể một cái đầu, bảo cô dâu chắc chắn sẽ là người cầm chịch của gia đình mới, bảo chú rể chẳng mấy nữa sẽ phải đội một chiếc mũ xanh. Có người bảo chú rể là con trai của chủ tịch thành phố, con trai của chủ tịch tính nết nhất định nóng nảy, hấp tấp, về mặt khí thế và sự uy nghiêm anh ta sẽ chinh phục cô dâu một cách tuyệt đối. Thế là có người lại bảo, định đánh người đẹp này ư? Vậy thì anh ta phải chờ người đẹp bế anh ta lên giường mới đánh được cô ta. Đương nhiên Liễu Nguyệt đã nghe được những câu bàn tán ấy, cô ta vội vàng chui vào trong xe.
Lễ cưới tổ chức ở nhà ăn lớn của khách sạn Tây Kinh. Chiếc xe chở Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh vừa đỗ ở cửa khách sạn, đã nhìn thấy một đám rất đông ùa tới cùng Đại Chính và Liễu Nguyệt đi vào cửa nhà ăn. Pháo nổ liên hồi, nhạc trống ầm ĩ, đang nghi nghi hoặc hoặc sao đông người đến thế, thì có người đến thưa:
- Hôm nay hai vị phải ngồi ghế trên, ông bà chủ tịch đã có mặt tại đó.
Hai người vừa bước vào trong nhà, đã nhìn thấy từng dãy đèn màu, kỳ quái sặc sỡ, người nào cũng tươi cười roi rói, vui cười hớn hở. Những cô phục vụ mặc áo dài đi lại như mắc cửi, đang đặt lên từng bàn nào là hoa, trái cây, bánh ngọt, hạt dưa, thuốc lá, nước trà, nước ngọt. Người thì nhốn nháo, cũng chẳng biết khách dự đám cưới hay là khách trọ. Đại Chính và Liễu Nguyệt khi vào cửa đã nhận hai bó hoa của hai em thiếu nhi tặng, được người hướng dẫn đưa chầm chậm tới dầu nhà đàng kia trên tấm lụa đỏ trải đường rộng khoảng hai mét dài hai mươi mét. Ở đàng ấy bắc một cái sàn cao, trải thảm đỏ, chậu cảnh xếp san sát, phía trước có đặt micrô phôn, phía sau có bốn cái bàn chính ở trên. Người chủ trì nghi thức, Hoàng Đức Phúc bảo cô dâu chú rể quay người lại, hô hào tất cả khách mời có đem theo máy chụp ảnh cô dâu chú rể. Người ta hò hét, đề nghị hai người đứng sát gần nhau, sát lại gần nhau nữa, cười lên, giơ bó hoa lên, hoặc một tay người này đặt vào vai người kia, người này ôm vào eo người kia. Đại Chính và Liễu Nguyệt không nghe, không được, có người đến tận nơi bắt họ làm theo, lại được một trận cười ồ lên, cả nhà ăn reo hò ầm ĩ. Trang Chi Điệp dừng lại ở cạnh tấm lụa điều, dã nhìn rõ một đôi câu đối do Trịnh Nhiếp viết trên lụa điều bằng bột vàng "Gió xuân bạo phổi đi chải liễu, mưa đêm đối người đang tưới hoa". Bên cạnh dòng chữ "chúc mừng hôn lễ Đại Chính Liễu Nguyệt", sau đó tên của hàng trăm người chúc mừng ký chi chít. Trang Chi Điệp nghĩ, lưu niệm các buổi lễ hội thông thường đều là người tham gia ký tên trên giấy Tuyên, còn cách làm này không biết ý kiến đề xuất của ai vậy, lại viết tên họ tên người chúc mừng trên lụa điều, lại lấy lụa thay thảm đỏ, cũng thấy khác hẳn, thú vị đáo để. Liền có người cầm bút đến nói:
- Xin ngài ký tên.
Trang Chi Điệp ký tên lên đó. Người ấy hỏi:
- Ngài là Trang Chi Điệp ư?
Trang Chi Điệp gật gật đầu. Người kia lại nói:
- Tôi cũng yêu chuộng văn học, hôm nay được gặp ngài, thật vô cùng phấn khởi.
Trang Chi Điệp đáp:
- Cám ơn.
Trang Chi Điệp đang định đi lên phía trước, thì người đó còn đòi nói chuyện với anh:
- Ngài Điệp ơi, cô dâu kia là người giúp việc trong gia đình ngài, là do ngài rèn dũa phải không ạ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Đâu có.
Người kia nói:
- Tôi hâm mộ cô ấy lắm. Tôi có một thỉnh cầu không biết ngài có đồng ý không? Tôi cũng muốn đến nhà ngài làm người hầu giúp việc, vừa phục vụ ngài, vừa học ngài sáng tác.
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi không còn tìm người giúp việc nữa, xin cám ơn lòng tốt của anh.
Người kia nói:
- Chắc ngài chê tôi không phải là đàn bà con gái chứ gì? Tôi biết nấu cơm, biết giặt quần áo.
Trang Chi Điệp, gần như không gạt bỏ được sự cuốn níu của anh chàng, Ngưu Nguyệt Thanh liền bước tới nói với Hoàng Đức Phúc, Hoàng Đức Phúc đang giới thiệu các vị khách, liền nói to:
- Tới dự lễ cưới hôm nay còn có ngài Trang Chi Điệp nhà văn có tên tuổi, chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh, mời ngài Điệp lên bàn chính.
Trong nhà ăn tiếng vỗ tay như sấm dậy, tiếng hoan hô ầm ầm, anh chàng kia đành phải buông tha Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp đã bước đến bàn chính, lần lượt bắt tay chào hỏi lãnh đạo các giới và các vị nổi tiếng trong thành Tây Kinh đã ngồi sẵn. Vừa ngồi vào vị trí của mình, thì có hai cô gái chạy tới xin anh ký tên lưu niệm. Trang Chi Điệp cứ tưởng ký trong sổ tay. Nhưng hai cô gái đều đứng thẳng người lên, nói:
- Chỗ ngực này dành riêng cho ngài Điệp ký tên đấy ạ!
Trang Chi Điệp nhìn lên, thì trên áo sơ mi sợi bông màu trắng họ đang mặc đã ký đầy tên người, chữ ngang chữ dọc. Trang Chi Điệp nói:
- Ồ, cái áo đẹp thế này tiếc quá đấy!
Cô gái đáp:
- Danh nhân ký tên mới có giá trị chứ ạ! Ngày thường đâu có gặp các ngày, nghe nói con trai chủ tịch thành phố cưới vợ, cứ nghĩ thế nào các ngài cũng tới dự. Các ngài ký vào, chúng em khoe khoang với người đời, đây mới là áo văn hoá thật sự.
Trang Chi Điệp bảo:
- Để tôi xem xem ai đã ký tên vào nhé?
Anh đã thấy trên áo có tên của Uông Hy Miên, Nguyễn Tri Phi, Mạnh Vân Phòng, Tôn Vũ, Chu Mẫn, Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải, liền cầm bút viết vào trước ngực cô gái. Cô gái kia thấy vậy, thì được đàng chân lân đàng đầu, liền nói, ngài cấu từ nhạy bén, viết một bài thơ được không, bốn câu cũng được. Trang Chi Điệp thấy khó xử, liền nói:
- Chỗ này đâu có phải môi trường làm thơ, viết nội dung gì nhỉ?
Cô gái đáp:
- Hôm nay lễ cưới, ngài viết một chút về tình yêu đi!
Trang Chi Điệp liền viết vào lưng áo cô gái.
Cô này bảo cô kia đọc cho nghe, cô kia liền đọc:
Cắm cái gậy xuống đất
Hy vọng mọc thành hoa hồng
Ném hòn đá xuống sông
Hy vọng mọc ra cái đuôi
Ép tờ giấy xuống gối
Hy vọng giấc mơ in ra thành tranh
Dán con tem lên trái tim
Hy vọng gửi tới em phương xa
Cô gái liền cười, hỏi:
- Ngài Điệp đang nhớ nhung ai vậy?
Trang Chi Điệp đáp:
- Đấy là tương tư một chiều.
Cô gái nói:
- Đúng, em thích tương tư một chiều. Em tìm vô khối bạn trai, nhưng đã bái bai họ rất nhanh. Trên đời này em không có người em tin tưởng, cũng không có người đáng để cho em yêu. Nhưng em cần tình yêu, song lại không biết mình yêu ai! Tương tư một chiều tốt nhất, em cứ tha hồ yêu một người trong tưởng tượng của mình, chẳng khác gì em có một cái chìa khoá, có thể mở được từng căn hộ riêng.
Trang Chi Điệp liền cười bảo:
- Cô bạn ơi, em có cảm nhận như vậy chắc chắn là đang yêu một người cụ thể. Làm sao lại không biết mình yêu ai?
Cô gái trả lời:
- Vậy đã không thành công mà. Em đã thề không bao giờ yêu anh ta nữa. Ngày nào ở đây em cũng cảnh cáo em, nhắc nhở em.
Trang Chi Điệp nói:
- Nhưng cô không ngày nào giải thoát được tình yêu đối với anh ấy. Như vậy là không biết tương tư, học biết tương tư, thì sợ tương tư, không nghĩ đến anh ấy, tại sao không nghĩ đến anh ấy, liệu không nghĩ đến anh ấy được ư?
Cô gái bảo:
- Ái chà, ngài Điệp ơi, ngài là người ngần này tuổi cũng giống chúng em sao?
Cô gái liền ngồi trên ghế trước mặt anh, dường như xúc động lắm, có vẻ muốn nói chuyện lâu dài. Trang Chi Điệp vội nhắc nhở lễ cưới đã bắt đầu, mình nói chuyện ở đây ảnh hưởng không tốt, liền giục cô đi xuống. Giữa lúc này có người cúi xuống nói với Trang Chi Điệp:
- Ngài Điệp ơi, ở bên trái ngoài đường cái ngoài cửa có người nhắn ngài ra nói chuyện.
Trang Chi Điệp ngờ ngợ, ai cần gặp anh vào lúc này nhỉ? Nếu là người quen, thì cũng phải vào dự lễ cưới chứ? Anh đứng lên đi ra. Ngoài cổng khách sạn, moi người đều vào trong nhà ăn xem lễ cưới, chỉ có từng đấy từng đấy xe đang đậu. Trang Chi Điệp nhìn trước ngó sau, không thấy ai. Đang định quay về thì có một chiếc xe con đậu cạnh đường quay kính cửa sổ xuống, một người đã lên tiếng gọi "A", Trang Chi Điệp nhìn vào, thì người đó đeo một cặp kính râm, gần như che kín mặt. Trang Chi Điệp biết ngay là ai, vội vàng chạy đến hỏi:
- Em định dự lễ cưới hả?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em muốn thăm anh cơ!
Trang Chi Điệp ngửa mặt lên trời thở dài.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Dự lễ cưới xong anh đến "nhà cầu khuyết" có được không?
Trang Chi Điệp nhìn cổng khách sạn ở đàng sau, rồi mở cửa xe taxi ngồi vào, bảo lái xe:
- Lái về phố am ni cô
Đường Uyển Nhi ôm chầm lấy anhiểu, hôn như điên như dại lên trán, lên mặt, lên mũi, lên miệng, chị ta giống như gặm cái đàu dê luộc chín, cặp môi son cứ từng vòng từng vòng in chi chít lên cả khuôn mặt anh. Anh lái xe đã phải bẻ cả gương trước mặt xuống.
Xe taxi đã đi đến am ni cô. Đường Uyển Nhi nói:
- Bọn họ đều đi hết chứ anh?
Trang Chi Điệp nói:
- Đi cả rồi!
Đường Uyển Nhi giục:
- Vậy thì chúng ta cùng đến nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật.
Không chờ Trang Chi Điệp đồng ý, đã đưa thêm cho lái xe mười đồng, chiếc xe quay đầu lại phóng theo hướng Bắc. Hai người vừa bước vào nhà, Đường Uyển Nhi đòi Trang Chi Điệp bế chị ta vào lòng. Chị ta bảo, chị ta nhớ anh quá, quả thật chị ta không chịu nổi. Chị ta luôn luôn tìm cơ hội, chị ta tin ông trời sẽ dành cho chị ta, quả nhiên hôm nay đã có dịp, chị ta sẽ coi buổi trưa hôm nay là tổng hoà của những ngày xa cách để chung sống với anh. Chị ta đòi Trang Chi Điệp ôm chặt chị ta, ôm chặt nữa. Đột nhiên chị ta khóc, chị ta hỏi:
- Anh Điệp, anh Điệp ơi, anh bảo em làm thế nào đây, anh bảo em làm thế nào hả?
Trang Chi Điệp không biết nói với chị ta như thế nào. Anh cố khuyên chị ta, an ủi chị ta, sau đó anh cũng cảm thấy mình nói những lời trống rỗng, giả dối, không hề có ý nghĩa, ngay đến bản thân cũng không tin nổi, chỉ có những lời gọi nghẹn ngào "Uyển Nhi, Uyển Nhi".
Đầu anh như muốn toác ra, anh cảm thấy trong vỏ não như có chứa nước, hễ lắc một cái, nước hắt ra đau đớn. Hai người cứ ôm nhau mãi, ôm nhau như một pho tượng đá im lìm. Sau đó có ma mới biết được chuyện gì đã xảy ra, tay người nọ cởi quần áo của người kia, cho đến khi cả hai đều trần truồng như nhộng, mới tự hỏi, lại tạo ra một cuộc yêu ở đây ư?
Hai người nhìn nhau khe khẽ cười, ai cũng rõ chỉ có hoàn thành một cuộc hoà nhập thể xác, mới có thể quên đi mọi khổ sở trong chốc lát, mà cuộc hoà nhật thể xác để quên đi khổ sở này, càng về sau này càng hiếm có dịp nữa, không có dịp nào nữa.
Khi Trang Chi Điệp đặt Đường Uyển Nhi lên ghế salon da, thì Đường Uyển Nhi lại bảo:
- Không, em phải nằm giường cơ! Em muốn anh bế em lên giường trong buồng ngủ của anh chị cơ!
(Tác giả cắt bỏ sáu trăm sáu mươi sáu chữ). Nhưng không sao thành công nổi.
Trang Chi Điệp ủ rũ ngồi dậy, nghe đồng hồ quả lắc ngoài phòng khách cứ tích tắc, tích tắc gõ nhịp đều đều.
Anh bảo:
- Hỏng rồi, Uyển Nhi ạ, căn bệnh cũ của anh lại tái phát rồi hay sao đấy em ạ!
Đường Uyển Nhi đáp:
- Sao lại thế được nhỉ? Anh thử hút một điếu thuốc xem nào?
Trang Chi Điệp lắc đầu nói:
- Hỏng rồi, Uyển Nhi ơi, anh xin lỗi em. Muộn rồi, chúng mình có thể đi ra ngoài bình tĩnh lại được không? Anh sẽ khỏi, anh có thể thoả mãn em. Chờ đi ra ngoài, tĩnh dưỡng lại, chúng mình sẽ đến "nhà cầu khuyết", chỉ cần em bằng lòng, ở đấy cả buổi chiều, cả đêm cũng được.
Đường Uyển Nhi lại nằm ngửa lặng lẽ trên giường. Chị ta bảo:
- Anh Điệp, anh đừng nói thế, anh căng thẳng và cũng buồn khổ quá đấy mà! Bây giờ em đang chung sống với anh trên giường buồng ngủ của anh chị, em cảm thấy em là bà chủ, em rất sung sướng.
Trong khi chị ta nói, mắt nhìn chằm chằm vào bức hình Ngưu Nguyệt Thanh treo trên tường, chị ta nói tiếp:
- Chị ta đang hận em, có lẽ đang chửi em dâm đãng không biết nhục đấy. Chị ta là người đàn bà hạnh phúc trong thành phố này. Chị ta không hiểu em, chị ta không hiểu nổi nỗi đau khổ của người đàn bà trong một hoàn cảnh khác.
Chị ta liền đứng lên, lật tấm hình quay vào tường. Hai người ra khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, đi theo con đường cái một cách không mục đích. Sau đó vào một quán ăn cơm, ăn cơm xong, đi qua một rạp chiếu bóng, liền mua vé vào xem phim. Họ bàn nhau, xem xong phim sẽ đến "nhà cầu khuyết", phải mua nhiều thức ăn và đồ uống, để sống một ngày thật sự, cảm nhận cho bằng hết những cảm giác và mùi vị của những đêm ngày vò võ đợi chờ.
Trang Chi Điệp bảo:
- Một ngày một đêm nhé!
Đường Uyển Nhi nói:
- Hai ngày hai đêm cơ!
Trang Chi Điệp bảo:
- Không, ba ngày ba đêm cơ!
Đường Uyển Nhi nói:
- Vậy thì ngủ cho đến chết.
Trang Chi Điệp bảo:
- Chết cũng phải chết đẹp.
Đường Uyển Nhi nói:
- Nếu chết như thế thật, sau đó bị người ta phát hiện, thì không hiểu ngôi "nhà cầu khuyết" đó sẽ được người đời ca tụng là nơi hy sinh của tình yêu hay bị chửi rủa là mồ chôn của tội ác?
Hai người cười hì hì. Họ cứ cười nói như vậy trong lúc theo dõi câu chuyện trên màn ảnh trong rạp. Đường Uyển Nhi gục đầu lên vai Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp chợt nhớ tới bức ảnh chụp trước đây, nhưng anh không muốn nghĩ đến chuyện ấy, cảm thấy tư thế này của hai người, quả thật là một chữ có nghĩa, liền khe khẽ nói với Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi hỏi:
- Chữ gì thế?
Trang Chi Điệp viết vào lòng bàn tay chị ta chữ "tổng", nhưng chị ta lại viết vào lòng bàn tay Trang Chi Điệp chữ "đoá".
Anh bảo:
- Anh đi mua gói hạt dưa về cắn nhé!
Anh đứng dậy đi theo lối ra. Anh nhìn thấy ở chân tường đàng kia có hai người đang ngồi xổm sát tường, anh cứ tưởng người đến muốn tìm chỗ ngồi ở đó, còn chỉ chỉ tay, có ý bảo phía trước còn chỗ trống, nhưng cùng một lúc đã cảm thấy cử chỉ của mình rất buồn cười. Tối mò mò thế này, người ta đâu có hiểu được ý chỉ tay của mình, cũng cần quái gì phải lo chuyện ấy cho họ? Thế là anh đi mua hạt dưa ở trước quầy phục vụ. Nhưng chỉ có hạt hướng dương. Anh bảo:
- Tôi mua hạt bí cơ.
Hạt bí ăn vào không nóng ruột, nhưng không có hạt bí. Anh nhớ lúc vào cửa, ở bên trái rạp khoảng ba bốn trăm mét có một cửa hiệu thực phẩm, liền nói với người xé vé, rồi vội vàng chạy đi. Năm phút sau Trang Chi Điệp trở lại chỗ ngồi trong rạp thì không thấy Đường Uyển Nhi đâu, mà cái túi xách nhỏ của chị ta thì vẫn để ở đó. Trang Chi Điệp nghĩ bụng, chắc đi vào nhà vệ sinh chăng. Nhưng mười phút đã qua đi, Đường Uyển Nhi vẫn không quay về. Trang Chi Điệp thấy ngờ ngợ, đứng dậy đi ra nhà vệ sinh gọi chị ta. Không thấy Đường Uyển Nhi trả lời. Anh nhờ một người đàn bà đã đi vào nhà vệ sinh xem bên trong có người hay không, người phụ nữ ấy đi ra bảo "không có". Trang Chi Điệp bắt đầu sốt ruột, anh nghĩ, cô ấy đi đâu được nhỉ? Hay là ở phòng nghỉ? Phòng nghỉ cũng không có. Anh biết Đường Uyển Nhi hay trêu đùa, chắc là cố tình nấp vào một góc nào đó của rạp chiếu bóng, chờ khi anh đi ra đột nhiên hú oà doạ anh. Anh liền đi kỉêm tra từng hàng ghế, tìm hết cả đàng trước đàng sau, cũng chẳng thấy tăm hơi. Giữa lúc đó tan buổi chiều, người xem ùa ra về. Trang Chi Điệp đứng đón ở cửa theo dõi, cho mãi tới lúc không còn ai trong rạp, vẫn không thấy mặt Đường Uyển Nhi đâu cả.
Trang Chi Điệp hoảng quá, gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng hỏi tại sao bỏ đi khỏi lễ cưới không thấy quay trở lại, đi có việc gì vậy? Trang Chi Điệp đành phải nói ra tất cả, bảo anh ấy đến nhà Chu Mẫn xem có phải Đường Uyển Nhi đã bỏ về nhà trước? Mạnh Vân Phòng bảo, dự lễ cưới xong, anh và Chu Mẫn cùng đi về nhà Chu Mẫn, không thấy Đường Uyển Nhi. Anh cũng mới từ nhà Chu Mẫn trở về. Trang Chi Điệp bỏ điện thoại xuống, hy vọng nhất là lúc này cô ấy đã đến "nhà cầu khuyết". Ở đấy cũng không có. Cuối cùng Trang Chi Điệp đến nhà Mạnh Vân Phòng vừa bước vào nhà đã oà lên khóc.