03. Giao thừa không ở nhà mình
Giao thừa không ở nhà mình
Những ngày sắp Tết, trời bỗng dưng ấm lạ. Nắng dịu và tươi. Thỉnh thoảng đôi cơn gió nhẹ lại lướt qua làm mấy chiếc lá xoài non run rẩy. Năm nay xoài ra hoa sớm, mới tháng Chạp đã nở tưng bừng, phủ lên khắp các khu vườn một màu vàng mơ, nhẹ nhàng như nắng tưới, và tung vào không gian mùi thơm nồng nồng, ngai ngái dễ chịu.
Vi nhìn theo những chiếc xe đạp chở vắt vẻo từng chậu hoa hồng, thược dược, phù dung từ chợ về chạy ngang qua ngõ, bần thần nghĩ ngợi không biết ba mẹ có cho mình lên Đà Lạt ăn Tết không. Gia đình mợ Thao ở Đà Lạt, cứ ba năm một lần cậu mợ lại lên ăn Tết trên nhà ngoại, năm nay nhà cậu Đông có thêm nhân khẩu, nên cả nhà không thể chất vừa chiếc xe máy nữa. Mợ Thao và ba đứa nhóc phải đi xe đò, cậu chạy xe máy một mình cũng buồn nên rủ Vi đi theo. Mà Vi thích đi Đà Lạt lắm. Đó là chưa kể, Vi nôn nao nghĩ đến lúc được gặp lại Khôi, năm năm rồi, không biết Khôi còn nhớ cô bé hái trộm hoa dã quỳ nhà Khôi không nhỉ.
Giang, Duân đi chặt mai về, khệ nệ khiêng một cành khá đẹp, toe toét:
- Coi nè, chị! Mai nhà mình năm nay là nhất đó nghen! Mai thế đàng hoàng đó.
Vi bụm miệng cười, sợ làm hai anh chàng mất hứng. Thế gì mà thế, một cành mai thế người ta bán ngoài chợ giá cũng cả triệu đồng. Với mấy cu cậu, cành mai nào cong cong một chút đều là mai thế hết.
Tối ăn cơm. Vi thẽ thọt xin ba đi Đà Lạt.
- Ba có nghe mợ Thao nói rồi. Ba mẹ không cấm. Nhưng Tết nhất, ba nghĩ con không nên đi.
Vi xụ mặt, mắt rơm rớm. Ba đặt chén cơm xuống thở dài:
- Nếu con thật sự muốn đi thì ba mẹ cũng cho con đi thôi. Nhưng ba nói trước nghen, Ba mươi Tết mà ở nhà người ta là buồn lắm đó.
- Con sẽ không buồn đâu, con thích Đà Lạt lắm.
Thế là Vi đi Đà Lạt, cố không nghĩ đến bộ mặt buồn xo của Giang và Duân. Tụi nó chưa được đi xa bao giờ, đừng nói là đi xa vào ngày Tết.
Quấn mình trong màn sương trắng mỏng, Đà Lạt buổi sớm mai trông như một nàng thiếu nữ đẹp đang ru mình với giấc ngủ hiền hòa, thần tiên và đầy ảo mộng. Gió se sắt lạnh, cái lạnh buốt giá và ngọt ngào. Vi rất yêu Đà Lạt, yêu những vườn rau xanh mơn mởn, những ngôi nhà sạch sẽ nho nhỏ xinh xinh và trồng đầy hoa. Gió lạnh làm má Vi có cảm giác khô và hồng lên. Kéo lại chiếc khăn choàng cho kín cổ. Vi hít thật sâu vào lòng ngực không khí trong trẻo và hương vị cao nguyên: mùi đất đỏ, mùi rau xanh, mùi nhựa thông và cả mùi hương hoa hồng đâu đó... Nó làm Vi thấy buồn buồn, giống như khi Vi nghĩ đến Khôi. Vi cứ tưởng khi gặp lại, Khôi sẽ vui và ngạc nhiên lắm. Vi cũng tưởng Khôi cũng giống như Vi, vẫn nhớ những ngày hai đứa lang thang nhặt những quả thông khô trên đồi, chất đầy vào giỏ để VI mang về làm kỷ niệm. Nhưng chiều qua đụng mặt Vi ngoài cổng, Khôi dửng dưng như không. Hình như Khôi cũng nhớ ra Vi, nhưng năm năm rồi, Khôi trở nên cao lớn, chững chạc và xa lạ khủng khiếp, Vi không dám chào mà hình như Khôi cũng không có ý bắt chuyện với Vi. Sáng nay Vi thấy Khôi chạy vù qua ngõ, chở đằng sau một cô gái má hồng, khoác chiếc áo màu trắng xinh ơi là xinh. Vi chợt hiểu chuyện tuổi thơ đã xa lắm rồi, năm năm, Khôi đã sống cuộc sống của riêng Khôi, và Vi không thể bắt buộc Khôi phải nhớ, phải xem Vi như là bạn. Ôi chao, hình như khi người ta còn con nít, người ta dễ kết bạn hơn nhiều.
Vi lững thững bước xuống vườn dâu tây nhà mợ Thao. Nhìn những cụm dâu tây tròn trĩnh, xinh xắn, nằm thành từng luống dài, lấp ló sau cụm lá xanh đậm là những quả dâu chín cuối mùa, đỏ mọng, Vi bỗng nhớ đến thửa ruộng dưa leo nhà mình. Những luống dưa xanh mướt, trải dài với những quả dưa leo mập mạp nấp trong lùm lá. Ba mươi Tết năm ngoái, cả nhà Vi phải lóc cóc đánh xe bò ra ruộng hái dưa.
Ba vừa lom khom hái vừa kể chuyện làm mấy mẹ con cười đau cả ruột. Vi phải công nhận ba thiệt là hay, nhiều lúc bắt chị em Vi đi “lao động” nhưng cứ làm cho ba đứa tưởng như đang đi dã ngoại không bằng. Những buổi dã ngoại thường xuyên của con nhà nông. Sáng sớm, đánh bò vào xe xong ba gọi:
- Có “đồng chí” nào muốn đi bắt dế với ba không?
Cả ba đứa tung mùng nhảy xuống giường, và thường bao giờ cũng có một đứa phải ở nhà coi nhà cho mẹ đi chợ, rồi trưa đưa cơm qua ruộng của ba. Mà “đi bắt dế với ba” không có nghĩa là chỉ bắt dế. Trước tiên phải hoàn thành công việc, Giang dắt bò đi chăn, Vi tỉa đậu với ba. Ba cuốc từng luống đất nhỏ, Vi đi sau thả một hai hạt đậu giống tròn căng, múp míp rồi lấy chân lấp lại. Bữa nào cũng vậy, vừa làm, ba vừa kể chuyện, chuyện hồi nhỏ, chuyện Alibaba, chuyện Sinbad... Như công chúa trong “Nghìn lẻ một đêm”, mỗi ngày ba chỉ kể một chút. Bởi vậy mà dù mồ hôi, mồ kê nhễ nhại nhưng chẳng đứa nào than van. Xong công việc, ăn cơm trưa rồi mới đến tiết mục bắt dế. Bốn cha con lui cui lật từng hòm đất xám đến bên bờ ruộng tìm hang dế. Dế cồ than đen bóng, dế cồ lửa nhìn rất oai hùng với bộ cánh màu đồng nung, ba bắt được con nào bỏ vô lon sữa bò cho Giang cầm, thêm một ít đất, thêm ít lá khoai lang. Mà nhớ mỗi con phải một lon riêng, cho ở chung là “quân mình đá quân ta” gãy giò hồi nào không hay liền.
Duân thường hay dặn dò, ra vẻ ta đây là dân chơi dế chuyên nghiệp lắm:
- Đừng bắt dế mái nghen ba, chỉ tổ cho nó ăn chớ đá không được gì hết trơn.
- Ai nói đá không được, thử cho nó ngửi chút rượu coi, xỉn xỉn rồi nó đá te tua tơi tả luôn cho mà coi.
Nhưng mà lo gì, ba kinh nghiệm đầy mình, bắt toàn dế chiến, đầu ra đầu, râu ra râu, chân cẳng ra chân cẳng. Duân cũng bắt được vài con, không hiểu sao chỉ toàn là dế mái. Nó cười hí hí:
- Cũng được, đem về cho bà chị nuôi.
Bà chị chính là Vi, Vi đâu thèm chơi đá dế. Giang, Duân cho con nào thì bỏ vào hộp nâng niu con đó. Có những con dế “thương binh” gãy chân, gãy gọng, Giang, Duân cũng đem gởi bà chị chăm sóc. Và khi chuẩn bị đá dế,hai đứa bao giờ cũng khúc khích kêu bà chị ra, xin vài sợi tóc để cột vào cổ dế, quay vù vù cho nó hăng lên.
Ba mươi Tết, rau củ ngoài chợ hoặc là đắt khủng khiếp hoặc là rẻ như bèo. Năm đó nhà Vi gặp may, bốn bao lớn dưa leo bán hết vèo. Có nhiều người nhận ra mẹ là cô giáo nên xúm lại hỏi thăm và mua giúp. Bán được dưa, mẹ mua một ít bánh mứt và áo mới cho mấy chị em, Vi nhớ hoài sáng Mồng một năm đó ba chị em hí hửng mặc ba cái áo in hình chú chuột Mickey giống y chang nhau, tung tẩy đi chơi.
Nhưng năm nay thì có lẽ không được như thế. Tháng mười một vừa rồi có bão, mưa dầm suốt đêm. Nhà Vi có một thửa ruộng lớn trồng lúa nếp, mỗi ngày VI lại theo ba ra ruộng, ngắm nghía đám lúa mơn mởn lớn lên từng ngày. Rồi bão, rồi mưa, sầm sập như muốn làm sụp cả mái tôn, ba sợ bể bờ nên hai giờ sáng xách đèn pin ra ruộng. Tờ mờ sáng, Vi nghe mẹ sụt sịt dưới bếp. Ba ngồi gục đầu bên bàn ăn, tóc tai ướt đẫm. Có hai thửa ruộng ở bên bờ mương, khi nước lên, người chủ của thửa ruộng bên kia đã cuốc đất bờ nhà Vi để đắp lên bờ nhà mình. Cả nhà chạy ra ruộng, thẫn thờ nhìn đám lúa bị nước và cát tràn vào dập tơi tả. Mặt ba nhăn lại, mắt mẹ đỏ hoe, còn mấy chị em thì ngây thơ bới cát, cố vực dậy từng thân lúa xanh dập nát. Giang uất quá đòi chạy qua phá bờ người ta, ba lắc đầu:
- Mình không thể làm giống như người ta được. Với lại, có làm gì cũng không cứu được đám lúa nhà mình nữa rồi.
Vi òa khóc, không hiểu sao người ta có thể đối xử với nhau tàn nhẫn như vậy, không hiểu sao cuộc sống đau đớn như vậy. Những người kia phải đào bờ nhà Vi để cứu lúa nhà mình. Khi mà cả hai gia đình đều khốn khổ như nhau, cả hai gia đình đều sống nhờ vào mảnh ruộng này. Thế là hết, hết bánh chưng, hết quần áo đẹp. Tết năm nay sẽ buồn. Vậy mà Vi còn bỏ nhà đi.
Đêm Ba mươi Đà Lạt lạnh như cắt vào da thịt. Ngồi thui thủi một góc phòng khách sáng choang, nghe mọi người nói chuyện, Vi nhận ra ngay là mình đang ở giữa một gia đình lạ. Mọi người rất vui, thỉnh thoảng khen Vi lớn mau thật, xinh gái thật, rồi hỏi Tết lên Đà Lạt Vi muốn đi chơi đâu. Hỏi qua loa vài câu, qua loa nghe Vi trả lời để nhanh chóng quay lại câu chuyện của mình, về mùa màng, về những người trong gia đình. Vi không dám khóc nhưng nước mắt sắp trào ra đến nơi, thấy buồn và nhớ nhà khủng khiếp.
Nó nhớ gian phòng nhỏ xíu mà ấm cúng ở nhà mình. Mái tôn, vách ván, mùa hè thì nóng như nung, mùa mưa thì gió thốc vào rét mướt. Chỉ có những ngày Tết Nguyên đán là thích nhất. ngoài trời thì hơi se se, còn trong nhà thì ấm áp vô cùng.
Vi tưởng tượng ra gia đình mình. Gian phòng khách nhỏ, bộ bàn ghế màu nâu cũ, cành mai của Giang, Duân cắm trong cái bình “gia bảo” thật đẹp. Và hương nhang thơm lừng từ bàn thờ ông bà ngoại. Mẹ đang nấu cháo gà. Ba và Giang, Duân chắc đang ngồi chơi lô tô, thỉnh thoảng lại nghếch mũi hít hà mùi cháo thơm bay lên từ dưới bếp. Vi thấy mắt mình cay cay.
Có tiếng chuông điện thoại reng, cậu vẫy:
- Mẹ gọi điện nè Vi!
Vi chộp lấy điện thoại:
- Vi hả con? Ba nói mẹ phải ra bưu điện gọi lên thăm con ra sao rồi? Vui không con?
- Dạ… cũng vui.
- Nghe cậu nói Đà Lạt lạnh hả con?
- Dạ.
- Ra phố nhớ mặc áo ấm và quàng khăn.
- Dạ.
- Giang, Duân nhớ con lắm, ba mẹ cũng vậy. Vi à, không có con giao thừa ở nhà buồn quá.
Nước mắt Vi trào ra, nghe loáng thoáng mẹ gửi lời thăm gia đình mợ Thao, lắp bắp thêm vài câu, rồi đặt ống nghe xuống. Nó phải cố gồng mình lên để không òa khóc trước mặt mọi người và hỏi mượn xe cậu chạy ra phố, cậu cười:
- Ừ, đi đi, xem giao thừa Đà Lạt ra sao?
Phố thênh thang, ánh đèn vàng vọt uốn mình thành nhưng dải lụa mỏng trôi lãng đãng trong sương. Thiên hạ xuống phố cũng đông vui lắm, đi bộ trên dốc Hòa Bình và chạy xe xung quanh bờ hồ. Có lẽ Khôi cũng đang trôi theo dòng người đó, với cô bạn gái má hồng khoác chiếc áo trắng thật xinh. Vi bỗng dưng thấy mình như lạc vào một thế giới khác, bị bỏ rơi trên một hành tinh khác. Lúc này mọi người đang lang thang ngoài phố như Vi, nhưng chỉ một lát sau thôi họ sẽ về nhà, bên ông bà, ba mẹ, anh chị em. Chỉ riêng Vi là có cảm giác không biết mình đi đâu. Đà Lạt trở nên xa lạ và đáng ghét giống như Khôi vậy. Đêm giao thừa, Đà Lạt lạnh ngắt, cái lạnh ngọt và sắc như lưỡi dao bén mới mài. Càng về khuya, gió ngoài phố càng thốc vào cổ áo rét buốt. Những giọt nước mắt ấm nóng chưa kịp chảy đến cằm thì đã hóa lạnh. Gió xoa vào hai má Vi tê cứng. Mười sáu tuổi, lần đầu tiên Vi lang thang giữa một nơi xa lạ vào lúc giao thừa, cảm nhận trọn vẹn sự lạc lõng và cô đơn, mạnh mẽ hơn cả cái lạnh của Đà Lạt lúc nửa đêm. Nghĩ đến ba, mẹ, Giang, Duân, Vi thấy mình sao ngốc nghếch quá đỗi. Chừa rồi nghen Vi. Chừa cái tật ham vui, không chịu nghe lời. Ba đã nói ở nhà người ta vào đêm giao thừa là buồn lắm.
Có tiếng chuông nhà thờ đổ vang vang trong đó. Giao thừa rồi, Đà Lạt lạnh quá, Vi ơi!