Lấp lánh - Chương 01
1. Ôm nước
Ngắm sao trước khi đi ngủ là thói quen của Mutsuki, anh tin chắc rằng cả hai mắt mình đều có thị lực 1,5 là kết quả của thói quen này. Tôi ra ban công đứng cùng anh, nhưng không phải để ngắm sao. Mà để ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng của anh, khuôn mặt đang ngắm những vì sao. Khuôn mặt đẹp, hàng lông mi ngắn và đều tăm tắp.
- Đang nghĩ gì đấy? - Mutsuki hỏi tôi.
- Về cuộc đời.
Biết tôi nói khoác mà anh vẫn bình thản gật đầu. Vừa uống Whiskey Ireland, vừa đứng hóng gió và chuyện trò với anh như thế này, với tôi là hạnh phúc tột cùng.
Nhưng tôi bắt đầu thấy lạnh.
Bước vội vào trong phòng bật máy sưởi, tôi bắt gặp đôi mắt của người đàn ông màu tím. Người đàn ông được vẽ bằng màu nước có bộ râu dài. Tôi đứng trước bức tranh và hát. Ông thích nghe tôi hát.
Hát đến hết lời hai bài “Ông trăng trong mưa” tôi mới vào phòng ngủ, trước tiên là cắm phích điện. Dây điện loang lổ lẫn giữa trắng và đen. Chờ tới lúc thích hợp, tôi tháo chăn bông và tấm phủ, là phẳng từng góc tấm dra bằng chiếc bàn là đã đủ nóng. Giống như khi là đồ giặt, tôi quyết định không âm ư hát. Cơ bản là phải nhanh tay. Tập trung và cẩn thận. Đây là việc duy nhất mà Mutsuki yêu cầu tôi làm. Nhanh tay phủ chăn lông lên giường nệm đã tươm tất. Tôi rút phích điện.
- Xin mời!
Chúng tôi lấy nhau mười ngày trước. Tuy nhiên, để nói về cuộc hôn nhân của chúng tôi thì vô cùng phức tạp. - Cám ơn em. - Mutsuki nói câu đó với khuôn mặt tươi cười quen thuộc rồi chui vào chiếc giường ấm áp.
Tôi dịch tiếng Ý, tuy chỉ là một công việc vặt làm thêm. Cái bài báo phỏng vấn mà tôi bôi ra suốt cả tuần hôm nay thế nào cũng phải làm cho xong. Tôi tắt điện, đóng cửa phòng ngủ, ngồi xuống bàn, rót tồng tộc Whiskey vào cốc thủy tình. Tôi như bị hút hồn vì màu rượu vàng
Nghiện rượu ấy à? Lại lo bò trắng răng rồi. Ông bác sĩ nói và cười. Gan và dạ dày đều bình thường. Ngày hai ba cốc chứ gì? Nhưng khi tôi nói tôi không dừng uống được, thì ông bác sĩ liền vỗ vai bảo tôi: vấn đề tâm lý thôi mà. Christ chả bảo vì sức khỏe hãy uống một chút vang đấy là gì. Để tôi kê cho ít vitamin. Khỏi lo đi.
Khỏi lo đi… Tôi nhại lời ông bác sĩ.
Cảm thấy có ai đang nhìn, tôi quay lại thì thấy cây ngọc giá đang nhìn tôi chằm chằm. Cái cây còn mang một cái tên khác rất lạ, cây thanh xuân, là quà mừng đám cưới của Kon cho chúng tôi. Cái cây với những phiến lá to, nhọn hoắt, giương thẳng rậm rạp, có vẻ gì như thách thức. Tôi lườm cái cây của Kon và cố uống cạn nốt chỗ Whiskey.
Mở mắt ra đã thấy Mutsuki đứng trong bếp.
- Chào em, ăn trứng ốp không?
Tôi lắc đầu.
- Cam thì sao?
- Có.
Tôi tắm xong quay ra thì Mutsuki đã rửa xong chén bát. Những miếng cam mọng nước bổ sẵn nằm đầy trên chiếc đĩa thủy tinh.
Trong lúc tôi ăm cam thì Mutsuki chỉnh lại nhiệt độ điều hòa trong phòng cho ổn định. Anh cũng chọn luôn BGM cả ngày cho tôi.
Tôi đổ nước vào cốc và tưới cho cái cây. Ánh nắng sớm mai lọt qua mành cửa vẽ những đường sọc trên tấm thảm, tiếng nước thấm vào đất nghe thật ngon lành. Mutsuki bảo: “Chuyện về Kon nếu em nhất định muốn nghe, thì đợi sau khi anh về nhé!”.
Mutsuki là bác sĩ, sáng nào anh cũng rời nhà trên chiếc xe hơi vào đúng chín giờ mười. Là bác sĩ biên chế nên không kể những hôm trực đêm thì một tuần anh cũng được nghỉ hai ngày, cuộc sống diễn ra theo cái vòng xoay như của bao người làm công ăn lương khác. Tiễn anh đi xong, tôi lướt qua tờ báo, rồi làm nốt bài phỏng vấn mà hôm qua cuối cùng tôi cũng bỏ dở. Dịch xong được lời bình luận của một nhà tạo mẫu thời trang ở Milan nói đại loại như: “Tôi chỉ có thể yêu những thứ đẹp đẽ”, đang ngán ngẩm thì chuông điện thoại reo. Mẹ tôi gọi sang như mọi ngày.
- Không có chuyện gì chứ con?
Giọng mẹ tỏ ra lo lắng quá mức khiến tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Có chuyện gì là chuyện gì? Tôi cấm cảu nói.
Ở trên cùng của cái tủ trong phòng ngủ, nằm lẫn với quyển hướng dẫn sử dụng đầu video, giấy bảo hành nhẫn cưới, hợp đồng thuê nhà, là hai tờ giấy khám bệnh. Giọng mẹ làm tôi nhớ ra chúng. Mẹ tôi mới chỉ biết là có một bản. Căn bệnh thần kinh của tôi vẫn chưa vượt ra ngoài giới hạn bình thường - tờ giấy khám bệnh ghi những dòng tiếng Nhật đầy mâu thuẫn. Bệnh thần kinh là một từ mang nghĩa rất rộng - ông bác sĩ ngốc nghếch đã nói như thế. Không thể nói là cô không bị bệnh thần kinh được. Nhưng không sao, mới chỉ ở mức tinh thần bất ổn thôi. Cô uống rượu cũng là vì thế. Lấy chồng là ổn thôi. Chỉ tại lời khuyên vô trách nhiệm của ông ta mà tôi đã bị bắt đi gặp mặt đến bảy lần.
- Con sao thế, không vui à?
- Không có gì. Chỉ là con đang làm việc.
Tôi cứ cầm điện thoại như thế đi vào bếp, lấy từ tủ lạnh ra một lon cocktail đào và bật bắp bằng một tay. Ừ, có công việc cũng tốt nhưng việc nhà phải chu toàn đấy nhé. - Mẹ tôi nói. - Rượu phải hạn chế nghe chưa. Mẹ với bố sẽ đến chơi sớm. Cho mẹ gửi lời hỏi thăm Mutsuki nhé. Tôi cúp máy và vứt cái lon rỗng vào thùng r
Khi biết Mutsuki là bác sĩ mẹ tôi vui lắm. Nhưng không phải vì địa vị xã hội hay thu nhập của anh.
- Nếu là bác sĩ thì yên tâm rồi còn gì.
Mẹ tôi cứ nhìn mãi của Mutsuki và nói nghiêm túc như vậy. (Đến lần hẹn hò thứ mấy tôi mới nói cho anh biết điều đó. Nghe thấy thế anh liền cười lớn. Hahaha. Hóa ra lòng vả cũng như lòng sung đây mà).
Các cuộc điện thoại của mẹ vì thế mà khiến tôi không thích. Toàn làm tôi nhớ đến những chuyện không vui. Mutsuki không thích ôm phụ nữ. Nên anh cũng chẳng hôn tôi. Có nghĩa sự việc là như vậy đấy. Một anh chồng đồng tính và một cô vợ nghiện rượu. Hai kẻ đều có vấn đề của mình.
Em thích nghe chuyện gì? - Mutsuki hỏi tôi. - Chuyện về bộ phim xem cùng với Kon à? Ngoài ban công lạnh, tôi cuộn chăn quanh người như cái măng tô của hoàng tử bé, nhấm nháp Whiskey.
- Chuyện đi chơi núi với Kon.
- Chưa đi núi bao giờ. - Mutsuki cười.
- Thế thì chuyện Kon gây sự với con mèo của anh vậy.
- Chuyện này kể rồi còn gì?
Lại lần nữa, tôi nói, lắc lắc cái cốc thủy tinh. Tiếng đá kêu lách cách trong cốc thay cho tiếng vỗ tay của tôi. Mutsuki chậm rãi uống nước Evian rồi bắt đầu kể.
Kon ấy à, cậu ấy nuôi một con chó vàng tên là Koro từ lúc nó còn nhỏ, rõ là cậu ấy có sách lược riêng của mình. Cậu ấy bảo thật không công bằng khi cứ đứng trên hai chân mà nạt nộ nó từ trên xuống hay đánh nó bằng đôi chân trước rảnh rang, tức là hai tay ấy mà. Vì thế mỗi khi gây gổ với Koro, lúc nào cậu ấy cũng bò trên bốn tay bốn chân. Cậu ấy thì định phân thắng bại một cách nghiêm túc, còn Koro thì quá quen với tính khí của cậu ta rồi, nên nói sao nhỉ, nó chỉ định đùa với cậu ấy thôi. Nhưng có lần cậu ấy đến chơi nhà anh, hồi đó anh đang nuôi một con mèo, hồi đó là hồi cách đây chừng năm năm, hồi anh còn đang sống ở Ogibuko ấy, thế là con mèo và Kon gây gổ với nhau, rồi đột nhiên Kon bò xuống bằng cả bốn chân tay và nhảy chồm vào nó làm anh rất ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn là vì con mèo, tên nó là Garbo, bị kích động, mà mèo thì khác chó, mèo dùng được “hai tay”, và tất nhiên nó uyển chuyển hơn con người nhiều rồi. Hơn nữa, hai tay nó còn có móng vuốt, nên mặt Kon máu me be bét, hệt như những nhân vật bị chém trong các bộ phim cổ trang vậy. Lần ấy phải nói là kinh thật.
Mutsuki uống ừng ực chỗ nước Evian và nhắm mắt lại như đang hồi tưởng. Tôi hoàn toàn hài lòng, vẫn là câu chuyện đó nhưng anh không hề bỏ bớt một chi tiết nào.
Muộn mất hai ngày so với thời hạn, tôi đưa bản dịch cho người biên tập ở một tiệm giải khát trước nhà ga. Hôm đó trời nắng đẹp, tôi đi dạo thêm một lát, lúc quay về đã thấy bố Mutsuki đứng đợi trước cửa. Vừa nhìn thấy tôi, bố anh đã giơ tay lên vẫy, cười vui sướng.
- May quá, đúng lúc bố định về vì nhà không có ai.
Gương mặt tươi cười ấy khác xa với những tưởng tượng về sự mệt mỏi mà cái từ “trung niên” vốn hay gây ra.
Vừa nói mấy câu như: “Xin lỗi bố, con vừa ra ngoài đi dạo”, rồi là: “Mutsuki vẫn đang ở bệnh viện ạ”, tôi vừa mở khóa cửa căn hộ, lấy đôi dép đi trong nhà ra và pha trà gạo lứ
- Bố về ngay thôi, đừng bận tâm, bố chỉ định ghé qua một lát xem tình hình hai đứa thế nào. - Nghe ông nói tôi thấy bồn chồn hẳn. Tình hình là tình hình gì không biết. Bố chồng tôi là người duy nhất phản đối đám cưới của chúng tôi - cái đám cưới mà bố mẹ tôi lẫn mẹ của Mutsuki đều rất tán thành.
- Nhà cũng được đấy nhỉ.
- Vâng, cũng may bố ạ. - Buột miệng trả lời câu đó xong tôi chợt nghĩ “cũng may” thật là một từ đầy vẻ cam chịu.
- Cuối cùng thì các con cũng cưới nhau rồi nhỉ.
Đột nhiên bố chồng tôi đi thẳng vào vấn đề.
- Bố thấy có lỗi với bố mẹ con lắm.
- Đâu có, bố mẹ con vui mà.
- Vì bố mẹ con không biết chuyện, đúng không?
Biết ngay mà. Đó là câu chuyện về tờ giấy khám bệnh thứ hai. Kết quả xét nghiệm, nghi nhiễm AIDS: không.
Thì đúng là như vậy, nhưng chính con cũng… Tôi định cất lời nhưng lại thôi. Tôi đâu thể nói là vì chính con cũng có vấn đề về tinh thần nên chúng con mới lấy nhau.
- Lấy nó chả khác gì như là ôm nước đúng không?
Lúc đó cảm giác ớn lạnh râm ran chạy dọc sống lưng tôi. Không cần phải quay lại tôi cũng biết. Tôi nói to để cho cả cái cây cũng phải nghe rõ.
- Không sao, vì con cũng chả thích sex đến thế đâu ạ.
Gương mặt bố chồng tồi sững lại một lát, nhưng rồi ông hơi buồn. Tôi muốn thoát khỏi cái không khí này, nên vội vàng đứng dậy.
- Con bật nhạc bố nhé.
Tôi chọn bừa một đĩa nhạc từ ngăn đĩa của Mutsuki bỏ vào đầu đĩa.
- Để con rót tách khác bố nhé, tách này nguội mất rồi.
Tiếng nhạc vang lên.
- Con thích opera à? - Ông hỏi khi mang tách trà tới.
- Con đặc biệt thật đấy.
Chẳng biết có phải vì tiếng nhạc to quá đã phát huy tác dụng hay không mà bố chồng tôi ngồi nói chuyện phiếm thêm một lát rồi về luôn. Nhưng cái từ bố chồng tôi nói: ôm nước, đã khắc sâu vào trong tôi. Tôi nghĩ đó là cái giá phải trả để đánh đổi lấy cuộc hôn nhân này - cuộc hôn nhân vui vẻ, thoải mái và suôn sẻ như một trò chơi đồ hàng.
Chủ nhật, lại là ngày trước Giáng sinh, vậy mà Mutsuki đang đánh bóng sàn nhà. Tôi định lau kính cửa sổ cùng anh thì anh nói: cứ để đấy tẹo nữa anh làm. Lau dọn vào ngày Chủ nhật là sở thích của Mutsuki.
- Hay Shoko ngủ trưa đi.
Mutsuki bị bệnh sợ bẩn. Nếu không tự mình lau cho mọi thứ sáng bóng lên là anh không bằng lòng.
- Hay để em đánh giày nhé? - Vừa nói vậy thì nhận được câu trả lời của anh: - Anh đánh rồi.
- Em sao thế? - Nhìn tôi đứng trân trân, Mutsuki ngạc nhiên hỏi. Đôi khi Mutsuki thiếu nhạy cảm kinh khủng. Mà chuyện đó vốn đã vậy từ lâu rồi. Nếu không bảo: em khỏi phải bận tâm tới những thứ vô nghĩa như việc này là việc của vợ, việc kia là của chồng; thì anh sẽ nói: quét dọn hay nấu nướng, cứ ai giỏi hơn thì người đó làm là được mà.
Chán quá, tôi mang chai rượu trắng đến ngồi trước người đàn ông màu tím.
- Cùng uống nhé. Mặc kệ Mutsuki đi.
Người đàn ông màu tím tỏ vẻ mừng rỡ.
- Shoko. - Tiếng Mutsuki nói như thở dài.
- Em đừng ngồi đấy chứ, anh đang đánh sàn mà.
Tôi nốc một hụm vang Đức mát lạnh.
- Mutsuki lắm điều.
Chẳng có cách nào khác tôi đành trốn lên chiếc sofa và quyết định hát cho người đàn ông màu tím nghe. “White Christmas” của Crossbeat là ca khúc tiếng Anh duy nhất mà tôi biết hát. Tôi đang vừa uống rượu (loại rượu này rẻ nhưng mà ngọt và ngon) vừa hát thì Mutsuki đến giằng lấy cái chai.
- Uống hết cả chai là không được đâu.
Tôi thấy có cảm giác bất hạnh kinh khủng.
- Trả đây.
Mutsuki xăm xăm đi ra bếp, cất chai rượu vào tủ lạnh.
Với tâm trạng chống đối, tôi hát váng lên. Hát đến rát cả họng, đến nhức cả tai mà Mutsuki tuyệt nhiên chẳng hề nhúc nhích.
- Em thôi cái trò trẻ con ấy đi.
Lập tức tôi có cảm giác như nghe thấy tiếng cười của ai đó phía sau mình, quay lại thì thấy cái cây của Kon. Tôi nổi khùng, vớ ngay lấy mảnh giẻ lau bên cạnh mình với chai nước rửa kính và cái nắp chai ném về phía cái cây chết tiệt kia.
- Shoko!
Mutsuki vội giữ lấy tôi.
Đột nhiên thấy đau khổ, tôi khóc to thành tiếng. Cái đứa tôi đang khóc đây thấy mình kiệt sức, không thể làm gì được, cứ định nín thì lại thấy khó thở. Mutsuki bế tôi vào giường, anh nhẹ nhàng khuyên tôi nên ngủ đi một lát, khiến tôi càng cay đắng và khóc nấc mãi lên.
Cuối cùng, tôi thiếp đi trong khi khóc, lúc mở mắt ra thì trời đã về chiều, khắp nhà không một hạt bụi.
- Sao em không đi tắm. - Mutsuki nói. - Hôm nay Giáng sinh, hay mình ra ngoài ăn nhé. - Sao lúc nào cũng là như vậy chứ? Mutsuki luôn dịu dàng. Nhưng điều đó đôi khi làm tôi thấy khổ tâm. - Mutsuki.
Năm sau mình sẽ làm cái gì đó thết anh, tôi nghĩ.
- Gì
- Năm sau mình sẽ mua cây thông Noel nhé.
Mutsuki rộng lượng cười, cái cười vô tư. - Còn đây là quà Giáng sinh năm nay, anh nói và chìa cái hộp nhỏ ra.
Tôi tháo sợi ruy băng màu lá cây và giở lớp giấy bọc màu trắng, một vật màu bạc hiện ra. Cái vật có hình thù giống hoa bách hợp ấy nếu là một cái que đanh trứng thì quá mỏng manh.
- Nó gọi là cái que khuấy champagne. - Mutsuki nói. - Dùng để khuấy cho champagne nổi lên những bọt nhỏ và đẹp mắt.
- Tuyệt quá.
- Thế thì tối nay em sẽ đi mua một chai champagne hảo hạng về nhé, - tôi vừa nói thì Mutsuki lắc đầu.
- Nhưng cái cây này không cần đến loại champagne hảo hạng đâu.
Một vật có thể làm nổi bọt cả champagne rẻ tiền thì đúng là món quà tuyệt vời, tôi nghĩ. Món quà đầu tiên là một chú gấu Teddy được làm theo lối cổ và có màu hồng nhạt, đựng trong chiếc hộp to thắt ruy băng. Mutsuki mang món quà đó đến cho tôi vào hôm sau ngày chúng tôi xem mặt.
Lần thứ hai là một quả địa cầu làm bằng nhựa trong suốt, tôi chỉ vừa nhìn thấy đã thích mê. Anh tìm thấy nó trong một cửa hàng văn phòng phẩm khi vào mua sổ tay. Anh mua nó cho tôi trong hoàn cảnh đó. Thường thì những món quà của Mutsuki chưa bao giờ đi chệch hướng.
Em thích không? Tất nhiên rồi. Vừa trả lời xong tôi chợt nhớ ra rằng, là Giáng sinh vậy mà tôi chẳng mua món quà nào cho Mutsuki cả. Tôi thậm chí còn chưa thử nghĩ đến việc mua một món quà.
- Nào, thế mình đi ăn gì?
- Anh này, em mua cho anh một cái kính viễn vọng rồi, nhưng vì là cuối năm, nên người ta bảo phải mất vài ngày hàng mới chuyển tới. - Lời nói dối tuôn ra một cách quá trơn tru đến nỗi chính tôi cũng phải giật mình.
- Tuyệt quá!
Mắt Mutsuki ánh lên. Chồng tôi là người không bao giờ ngờ vực.
Đêm nay, có bao nhiêu đôi tình nhân đang cùng ăn tối? Ô cửa sổ lau sạch bóng phản chiếu ánh điện của gian phòng. Người đàn ông màu tím, cái cây của Kon, anh chồng đồng tính, cô vợ nghiện rượu, tất cả đều hiện lên trong ô kính mỏng.