09. Tonic và Chocolate nóng
Tonic và Chocolate nóng
Đôi khi tôi thấy băn khoăn giữa Nam và Tuyên. Cả hai đều gửi thư làm quen bởi lời giới thiệu của tôi “thích uống chocolate nóng”. Tuyên khẳng định là tôi có sở thích giống anh, còn Nam nói món chocolate của tôi gợi cho anh nhớ một câu chuyện thú vị mà anh đã đọc ở đâu đó, nếu có dịp sẽ kể cho tôi nghe.
Tuyên là giám đốc của một công ty tư vấn và đào tạo nhân lực, có lẽ không tài năng và giàu có hơn nhan nhản các giám đốc trẻ thành công của những năm hai ngàn. Nhưng chắc chắn là tham vọng không thua kém. Công việc làm ăn của Tuyên gặp nhiều thuận lợi vì những mối quen biết có sẵn của gia đình. Tôi đoán vậy qua những lá thư. Sự tự tin của một người chưa biết đến khó khăn hay thất bại của Tuyên không làm tôi nể nang nhiều. Nhưng tôi thích đọc thư Tuyên, tình cảm, văn hoa và nhiều triết lý. Còn thư của Nam, một kỹ sư ngành tin học, thì y hệt bản báo cáo công việc, luôn ngắn gọn và cụ thể: Hôm nay tôi đi đâu, làm gì, tôi mới mua cuốn sách này, em đã đọc chưa?...
Mẹ vẫn thường nhìn tôi thở dài. Thật ra, tôi mới hăm bốn tuổi, chưa có gì phải nóng vội, nhưng vẻ dửng dưng của tôi làm mẹ thở dài. Một phần, nó làm cho bà nhớ đến ba tôi, cũng dửng dưng như thế, cho đến ngày tìm thấy tình yêu thật sự của ông – những rẫy cà phê bạt ngàn ở Ban Mê và một người đàn bà bị chồng bỏ vì không thể có con – thế là ông đùng đùng khoác ba lô lên vai và đi. Mẹ không có ý kiến gì cả, chỉ khóc đúng hai lần rồi thôi, sau khi đã thỏa thuận sòng phẳng với ba về chuyện tài sản và thủ tục. Mẹ luôn nói rằng bà chưa bao giờ yêu ba, chỉ có điều dù gì thì cũng đã sống với nhau gần ba chục năm trời. Mẹ không níu kéo nhưng vẫn cảm thấy bị tổn thương và bị suy sụp một thời gian trước khi quen dần với sự tự do, yên ổn. Bây giờ, mỗi ngày mẹ thức dậy đi chợ, mua sắm, rồi về tiệm đọc mấy tờ báo dành cho phụ nữ, trông coi đám học trò. Thỉnh thoảng mẹ mới tự tay uốn hay cắt tóc cho khách quen. Phần lớn là những bà nội trợ trong xóm và đôi ba người đàn ông luôn có vẻ mệt mỏi vì những phi vụ làm ăn, hoặc đôi khi, vì một bà vợ hay càu nhàu. Mỗi tháng, họ đến tiệm vài lần, gội đầu cho thư giãn và tâm sự chuyện đời với bà chủ tiệm mặt hiền lành nhưng miệng lưỡi sắc bén, có mái tóc bù xù như Julia Rober…
Tôi không đau đớn gì về một gia đình tan vỡ, vì nó đã vỡ từ lâu lắm rồi. Giống như tôi đã nhìn một cái đĩa nứt đôi từ hơn chục năm trước, bây giờ, ba mẹ tôi mỗi người lấy đi một nửa và sống tiếp cuộc đời riêng của mình. Chuyện đó đối với tôi có khi còn nhẹ nhõm hơn là cứ nhìn mãi vết nứt lạnh lùng ấy mà day dứt. Tôi vẫn yêu thương cả hai, và chúng tôi dù sao cũng là một gia đình. Tôi cũng không vì cuộc chia tay đó mà đâm sợ chuyện chồng con. Mẹ nói, dù thế nào thì người đàn bà vẫn cần một chỗ dựa, hoặc là chồng, hoặc là con, ai may phúc thì được cả hai. Tôi cũng nghĩ vậy, và đôi khi, tôi cũng thèm một tình yêu, thêm một vòng tay ôm rất chặt, một cái hôn làm bỏng rát đôi môi, nhất là những buổi tối ngồi một mình trước bàn làm việc, đợi vài cơn gió nghịch ngợm luồn qua những mái nhà, lùa vào cửa sổ…
Lúc mới xin việc, tôi cứ nghĩ PR là một nghề hào nhoáng: gặp gỡ những khách hàng lớn, tổ chức những hội nghị quan trọng ở các khách sạn năm sao. Nhưng thực tế đã mở mắt cho tôi chỉ sau một thời gian ngắn: công việc đầy áp lực và lúc nào cũng phải xoay như chong chóng, chuẩn bị thư mời, thông cáo báo chí, pano quảng cáo, âm thanh, ánh sáng, bảng tên, bánh ngọt, cà phê… Đi qua đi lại lo lắng quá giờ họp gần một tiếng đồng hồ mà cánh phóng viên chưa ai thèm tới, loay hoay đến toát mồ hôi khi máy in trở chứng, tới giờ họp báo vẫn chưa có thông cáo báo chí để phát. Rồi thì liên hệ khách hàng, cười nói, bắt tay, thậm chí, gà cả câu hỏi cho những phóng viên trẻ mới vào nghề. Mỗi ngày tôi phải đối phó với những thứ lớn lao hoặc vặt vãnh, dường như chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Thỉnh thoảng lại bị hẹn hò, những cuộc gặp nhập nhằng giữa công việc và riêng tư. Và sau đó là gạ gẫm, tán tỉnh, có khi dọa dẫm. Những mâu thuẫn giữa việc giữ gìn lòng tự trọng và trách nhiệm bảo vệ đối tác, chiều ý khách hàng làm tôi mệt mỏi. Bởi cứ phải chuẩn bị tư thế để đối phó nên tôi trót biết về những người đàn ông xung quanh mình quá rõ trước khi có thể bắt đầu yêu thích bất cứ ai trong số họ. Nghe tôi than thở, mẹ bảo rằng số phận của tôi có thể đang ở đâu đó xa hơn, ngoài môi trường mà tôi đang sống. Tôi liền gởi lý lịch lên CLB làm quen trên mạng, và tin rằng đó là một cách thận trọng để tìm kiếm số phận của mình.
Hai ngày sau khi đăng ký, tôi nhận được đúng ba cái email, Tuyên từ Hà Nội, Nam ở Sài Gòn, và một người khác du học tận bên Nhật, có giọng điệu hơi khoe khoang và ngạo nghễ. Tôi delete thư của người thứ ba và trả lời hai thư còn lại. Được bốn năm tháng gì đó, khi tôi bắt đầu quên mất họ đã viết những gì trong lá thư đầu tiên gửi cho tôi thì Nam đề nghị: “Hay là mình gặp nhau đi!”
Chúng tôi hẹn nhau ở Friends. Quán nhỏ và lịch sự, nhạc rất êm, chỉ có một thanh niên vừa phục vụ, vừa chỉnh nhạc, vừa tính tiền. Từ đó về sau, nhiều lần chúng tôi ngồi ở chiếc bàn ngay sau khung cửa kính màu nâu của Friends, nhìn sang khách sạn nhro đối diện, nơi những cặp tình nhân già có, trẻ có dắt nhau đi vào rồi lại trở ra, chóng vánh, chỉ tôi với Nam ngồi đó mãi, nhìn họ đến rồi đi.
Tôi không có ấn tượng gì nhiều về ngoại hình của Nam, cao hơn mét bảy, ba mươi hai tuổi và bắt đầu có bụng, da nâu, mắt đen, hiền lành sau cặp kính trắng. Y chang một mẫu người của computer, quen thuộc với những trang web và thứ ngôn ngữ siêu văn bản, mẫu người mà tôi tưởng tượng khi anh cho biết là kỹ sư phần mềm. Đôi khi Nam nói chuyện khá hài hước, nhưng luôn điềm tĩnh và chậm rãi. Anh hỏi:
- Em uống gì?
- Gì cũng được.
- Tonic nghen?
Tôi gật đầu. Đó là thứ nước trong vắt, chứa kí ninh, ngọt ít, đắng nhiều, có ga, vị lạ. Nam cười nhẹ, bảo: “Anh thích thứ này lắm, uống nó thấy… hay hay.” Tôi nói, em đang đợi anh kể câu chuyện về chocolate. Nam lại cười, mắt hấp háy, và kể câu chuyện về hai người yêu nhau, cô gái chỉ uống cà phê đen còn chàng trai thích chocolate nóng. Mỗi khi họ vào quán, bất cứ quán nào, người phục vụ đều đưa nhầm ly của người này cho người kia. Sự nhầm lẫn đó ban đầu làm họ thấy thú vị, nhưng dần dà, cô gái có cảm tưởng là người yêu mình hơi yếu đuối, vì mọi người vẫn cho rằng chocolate là thứ uống dành cho phụ nữ. Và họ chia tay nhau, bắt đầu từ món chocolate nóng. Câu chuyện đó cứ vảng vất trong tôi mãi, nhất là khi mẹ đặt lên bàn tôi một ly chocolate vào mỗi sáng. Món chocolate ấy đối với tôi giống như một hồi ức êm đềm của thời thơ ấu. Đó là món khoái khẩu của ba, và sở thích ấy thành thói quen của mẹ, rồi của tôi. Từ khi chia tay ba, mẹ đâm ra ghét cay ghét đắng món chocolate, nhưng thói quen pha cho tôi một ly vào mỗi sáng thì không sao bỏ được.
*
Bây giờ mỗi tuần tôi gặp Nam một lần, hoặc xem kịch, hoặc đến ngồi nghe nhạc cả buổi ở Friends, lẩn trốn cái nóng và sự ồn ào của Sài Gòn những ngày cuối tuần. Mỗi lần, Nam lại hỏi câu quen thuộc, với ngữ điệu quen thuộc: “Tonic nghen, em?” Chỉ có điều, lần sau Nam xin vài lát chanh, ly tonic có thêm mùi thơm nhẹ nhàng, chua chua và vị đắng dịu của vỏ chanh. Lần sau nữa, tôi nói: Em thấy người ta cho chút muối. Những lần ngồi ở Friends, nhìn những đôi tình nhân khoác tay nhau đi lướt qua bên ngoài cửa kính, tôi cứ đợi Nam nói một điều gì đó. Nhưng anh im lặng mãi. Chỉ có một lần, Nam thổ lộ rằng anh có một niềm say mê nhỏ, đó là rùa. Nhưng nhà cửa bây giờ chật chội, không có chỗ cho nó sống. Anh lặp đi lặp lại:
- Sao anh thích nuôi một con rùa quá.
Tôi bảo:
- Em không thích những con vật, em chỉ thích trồng cây.
Nam yên lặng một chút rồi nói, rất nghiêm túc:
- Có sao đâu. Rùa cũng dễ sống lắm, sau này em cứ trồng cây và anh nuôi rùa, nó có thể bò quanh những cái cây của em.
Tôi tự hỏi mình có nên xem đó là một lời tỏ tình hay không. Rồi quyết định là không. Tôi không muốn nghe một lời tỏ tình mà lại phải tự hỏi không biết đó có phải là một lời tỏ tình hay không? Tôi giả vờ làm ngơ và Nam cúi đầu lặng thinh.
*
Tôi vẫn nhận email và reply cho Tuyên mỗi tuần. Tuyên hỏi số điện thoại nhưng tôi không cho. Tôi nghĩ giọng nói có thể gây nhiều nhầm lẫn trong việc nhận biết một con người. Tôi thích sự thận tọng của những lá thư hơn, cho đến khi có thể gặp nhau trực tiếp.
… Một tuần ở Hà Nội, tôi xoay như chong chóng với chương trình ra mắt sản phẩm mới của hãng Z. Lại họp báo, tiệc tùng, quay phim quảng cáo, bắt tay, cười nói. Lần lữa mãi mới gặp được Tuyên. Thật tình, tôi không mấy bất ngờ trước vẻ hào hoa lịch thiệp và cả giọng nói nhỏ nhẹ như vuốt dọc sống lưng của Tuyên. Nhưng có điều gì đó làm tôi không thấy thoải mái ngay từ buổi gặp đầu tiên ở một quán kem nhỏ gần hồ Gươm. Có lẽ, bởi Tuyên ăn mặc trịnh trọng quá, giống như những người tôi phải bắt tay trong phòng họp.
Tuyên gọi:
- Cho hai chocolate nóng.
- Không đâu. – tôi lắc đầu. – Em uống tonic, với muối và chanh.
Tuyên quay sang nhìn tôi, cau mày:
- Em thích uống chocolate cơ mà?
Tôi ngẩng lên, nhìn khuôn mặt điển trai xa lạ của Tuyên, bất giác thở dài, và chợt nhận ra là thậm chí mình có thể thở dài hàng trăm lần nữa, vì có điều gì đó nặng nề lắm cứ chặn ngang lồng ngực. Tôi thèm một ly tonic đăng đắng, mằn mặn, lạnh ngắt, và vị ngọt đọng đâu đó, không phải trên môi, không phải trên đầu lưỡi mơ hồ, hoang đường, như không hiện hữu trong vị giác mà là trong cảm thức. Giữa tia suy nghĩ nào đấy vừa thoáng qua về vị ngọt trong ly tonic, tôi chợt nhận ra tình yêu cũng giống như lời tỏ tình. Nó có thể bắt đầu và kết thúc, bằng một thứ nước uống ở quán cà phê. Nó có thể bắt đầu bằng nỗi nhớ, không phải chính con người ấy, mà là khoảng không gian, những cảm xúc bao quanh mỗi khi ta ở bên người ấy. Sự bình yên. Tôi nhận ra mình rất nhớ một giọng nói trầm ấm với câu hỏi quen thuộc dịu dàng: Tonic nghen, em?
Tôi kể cho Tuyên nghe câu chuyện mà Nam kể. Tuyên lắc đầu: Chỉ vì câu chuyện ngớ ngẩn đó mà em không uống chocolate nữa à? Tôi nói, không phải, mẹ vẫn bắt em uống chocolate mỗi sáng, chỉ đơn giản là bây giờ sở thích của em đã thay đổi rồi. Thế thôi.
Dạo trước, tôi có lên thăm ba vài ngày. Người đàn bà kia sống cùng ba tôi trong căn nhà gỗ, giữa vườn cà phê rộng mênh mông, suốt ngày chỉ ở nhà đọc sách, nấu nướng và làm thơ, tỏ vẻ quyến luyến yêu thương tôi đúng kiểu một người đàn bà hiếm muộn. Ba có vẻ hài lòng với sự yếu đuối và phục tùng của bà, với những buổi chiều ngồi tán chuyện cà phê lên hay xuống, tình hình chiến sự thế giới ảnh hưởng đến kinh tế ra sao với mấy ông hàng xóm ở trang trại bên cạnh. Những ngày tôi ở đó, mỗi sáng lại có ba ly chocolate nóng hổi đặt trên bàn, mùi hương ngọt ngào lan ra cả nhà, thấm vào từng thớ gỗ, từng giọt sương đọng trên lá cà phê thơm lừng. Trông họ có vẻ hạnh phúc. Tôi không nhận ra sự khác nhau của ly chocolate mẹ pha ở đây và ở nhà, có lẽ ba cũng vậy. Nhưng khi về, tôi nói với mẹ là ba vẫn thường uống chocolate nhưng bà ta không pha ngon như mẹ. Mẹ cười mãn nguyện: “Dù sao, mẹ cũng đã pha món đó hai mươi mấy năm rồi còn gì…”
Tôi mỉm cười, ôm lấy vai mẹ và nhớ về ngôi nhà gỗ với hai con người chắp nối hạnh phúc chợt hiểu tại sao ba lại bỏ mẹ để đến nơi ấy. Tình yêu không phải là một thói quen. Mẹ đã pha chocolate cho ba không phải vì tình yêu, mà vì thói quen. Còn người đàn bà ấy, bà nói rằng, bà không biết mình yêu ba tôi nhiều đến đâu, nhưng bà yêu vô cùng cái không gian có ba ở đó. Những buổi sáng cao nguyên trong trẻo hơn, hoa cà phê trắng hơn và thơm hơn. Bà cảm thấy việc thức dậy, nấu nước sôi rồi khuấy tan bột chocolate trong ly vào mỗi sáng là công việc tuyệt vời nhất của một ngày.
Còn tôi, tôi đã uống chocolate mãi, từ những ngày mới tự biết cầm ly uống nước, từ những ngày xa xưa khi còn cảm thấy niềm hạnh phúc gia đình như hòa tan trong ly chocolate bốc khói, cho đến những ngày hiện tại khi cảm thấy trong đó có nỗi xót xa vì bị bỏ rơi vẫn xát vào trái tim của mẹ. Cho đến khi một người xa lạ mời tôi thứ nước khác, trong vắt và có vị lạ lùng.
Tôi nói với Tuyên rằng, tôi vô cùng xin lỗi, vì chỉ khi Tuyên mời chocolate tôi mới nhận ra là tôi không thích nó. Và khi nghe Tuyên tỏ tình, chính xác là tỏ tình, ngay trong buổi đầu gặp mặt thì đầu óc tôi chỉ quay quắt nhớ về một người đã tỏ tình bằng những con rùa mà thôi.