Hoa trên mộ Algernon - Chương 17

22 tháng Sáu – Khuya hôm qua có tiếng cười ở hành lang và tiếng gõ cửa nhà tôi. Là Fay và một người đàn ông.

“Chào Charlie,” cô khúc khích cười. “Leroy, làm quen với Charlie đi. Anh ấy là hàng xóm bên-kia-hành-lang với tôi đấy. Một nghệ sĩ tuyệt vời. Anh ấy sáng tác điêu khắc với nhân tố sống.

Leroy ôm lấy cô và giữ cho cô khỏi va vào tường. Anh ta nhìn tôi với vẻ lo lắng và lúng búng chào.

Cô giải thích: “Gặp Leroy ở vũ trường Stardust. Anh ấy nhảy kinh lắm.” Cô bước vào nhà và lôi anh ta trở lại. “Này,” cô cười khúc khích. “Tại sao chúng ta lại không mời Charlie sang đây uống chút gì và vui vẻ chút nhỉ?”

Leroy không tán thành ý kiến này.

Tôi tìm cách từ chối và rút lui. Đằng sau cánh cửa, đã đóng chặt, tôi vẫn nghe họ cười vang trong lúc đi vào căn hộ của cô, và mặc dù tôi đã cố gắng đọc sách nhưng những hình ảnh vẫn len lỏi vào tâm trí tôi: chiếc giường lớn màu trắng... chăn nệm trắng và hai người họ đang trong vòng tay nhau.

Tôi muốn gọi điện cho Alice, nhưng rồi thôi. Tại sao lại phải tự hành hạ mình chứ? Thậm chí tôi còn không nhớ nổi gương mặt của Alice. Tôi có thể khắc họa hình ảnh Fay, dù mặc quần áo hay khỏa thân, tùy theo ý muốn, đôi mắt xanh lanh lợi và mái tóc vàng tết lại thành bím quấn quanh đầu như vương miện. Fay rất rõ ràng, nhưng Alice thì chìm trong đám sương mù.

Khoảng một tiếng sau, tôi nghe tiếng quát từ căn hộ của Fay, sau đó là tiếng cô hét lên và tiếng đồ đạc bị ném, nhưng khi vùng ra khỏi giường để xem cô có cần giúp đỡ gì không thì tôi nghe thấy tiếng cửa đóng ầm lại, sau đó Leroy vừa chửi vừa đi ra. Vài phút sau đó, tôi nghe tiếng gõ trên cửa sổ phòng khách. Cửa mở, và Fay chui vào rồi ngồi trên bậc cửa, bộ kimono bằng lụa màu đen để lộ đôi chân yêu kiều.

“Chào anh,” cô thì thào. “Có thuốc lá không?”

Tôi đưa cho cô một điếu và cô tụt từ cửa sổ xuống ghế dài.

“Phù!” Cô thở dài. “Thường thì tôi cũng biết cách giữ mình lắm, nhưng có loại người cuồng đến mức chỉ làm thế thì mới ngăn chúng lại được.”

Tôi nói: “Ồ, thì ra là cô mang anh ta về đây để ngăn anh ta lại.”

Cô hiểu ngữ điệu trong câu nói của tôi và nhìn lên một cách sắc sảo: “Anh không đồng ý?”

“Tôi là cái gì mà đồng ý với không? Nhưng nếu đưa một anh chàng ở sàn nhảy công cộng về nhà thì cô phải lường trước mọi tình huống chứ. Anh ta có quyền gạ gẫm cô.”

Cô lắc đầu. “Tôi đến sàn nhảy Stardust bởi vì tôi thích khiêu vũ, và tôi không nghĩ rằng vì tôi cho phép một gã nào đó đưa tôi về nhà nên tôi phải lên giường với anh ta. Anh không nghĩ là tôi đã lên giường với anh ta đấy chứ?”

Hình ảnh hai người bọn họ trong vòng tay nhau nổi lên như bong bóng xà phòng.

Cô nói: “Bây giờ nếu anh là người đó thì lại khác.”

“Nói vậy nghĩa là sao?”

“Nói vậy nghĩa là vậy thôi. Nếu anh ngỏ lời, tôi sẽ ngủ với anh.”

Tôi cố gắng giữ điềm tĩnh. “Cảm ơn cô,” tôi nói. “Tôi sẽ ghi nhớ điều này. Tôi pha cho cô cốc cà phê nhé?”

“Charlie này, tôi không thể nào hiểu được anh. Hầu hết đàn ông thích tôi hay không, tôi đều biết ngay. Nhưng có vẻ như anh sợ tôi. Anh không phải là đồng tính đấy chứ?”

“Chết, không phải.”

“Tôi muốn nói rằng nếu đúng thì anh không cần phải giấu tôi, bởi vì chúng ta vẫn có thể làm bạn tốt của nhau. Nhưng tôi phải được biết.”

“Tôi không đồng tính. Đêm nay, lúc cô vào nhà cùng với gã đó, tôi đã ước đấy chính là tôi.”

Cô rướn người lên phía trước và chiếc kimono mở ra ở cổ để lộ bộ ngực. Cô vòng tay quanh tôi, chờ đợi tôi làm gì đấy. Tôi biết mình cần phải làm gì, và tôi tự nhủ chẳng có lý do gì mà lại không làm cả. Tôi có cảm giác lần này sẽ không sợ - không phải với cô. Sau nữa, tôi lại không phải là người bắt đầu. Và cô khác với bất kỳ người phụ nữ nào tôi từng gặp trước đây. Có lẽ cô là người thích hợp với tôi ở mức cảm xúc này.

Tôi vòng tay quanh người cô.

Cô thì thầm: “Khác rồi đấy. Em cứ tưởng anh không quan tâm.”

“Quan tâm chứ,” tôi thì thầm, hôn vào cổ cô. Nhưng đúng lúc đó, tôi nhìn thấy hai đứa chúng tôi, cứ như thể tôi là một người thứ ba đứng ở bậu cửa. Tôi đang quan sát một người đàn ông và một người phụ nữ tay trong vòng tay nhau. Nhưng nhìn thấy chính mình trong tình cảnh đó từ xa khiến tôi không nhúc nhích nổi. Không hề sợ hãi, đúng vậy, nhưng cũng chẳng có chút kích thích nào – không ham muốn.

“Nhà anh hay nhà em?” cô hỏi.

“Chờ một chút.”

“Có chuyện gì thế?”

“Có lẽ chúng ta không nên làm thế. Tối nay anh không thấy khỏe.”

Cô nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên: “Còn vì chuyện gì khác nữa không?... Anh có muốn em làm gì không?... Em không ngại...”

“Không, không phải vậy,” tôi gắt. “Chỉ là đêm nay anh không được khỏe thôi.” Tôi rất tò mò muốn biết cô làm gì để kích thích đàn ông, nhưng bây giờ không phải lúc để bắt đầu thử nghiệm. Câu trả lời cho vấn đề của tôi nằm ở một chỗ khác.

Tôi không biết phải trả lời cô thế nào. Tôi ước sao cô hãy đi đi, nhưng tôi không muốn bảo cô đi. Cô đang chăm chú nhìn tôi, và cuối cùng cô nói:

“Này, anh không ngại nếu em ngủ ở đây chứ?”

“Tại sao?”

Cô nhún vai: “Em thích anh. Em không biết. Biết đâu Leroy lại quay lại. Rất nhiều lý do. Nếu anh không muốn em...”

Cô lại nắm được điểm sơ hở của tôi. Tôi có thể tìm được hàng chục lý do để thoát khỏi cô, nhưng tôi đã nhượng bộ.

Cô hỏi: “Có chút rượu nào không?”

“Không, anh không hay uống lắm.”

“Em còn một ít bên nhà. Để em về lấy.” Không để cho tôi kịp phản đối, cô đã biến mất ra ngoài cửa sổ và vài phút sau quay lại với một chai rượu còn hai phần ba với một trái chanh. Cô lấy hai cái ly từ trong bếp và rót vào mỗi ly một ít. “Đây,” cô nói, “cái này sẽ khiến anh cảm thấy dễ chịu hơn. Nó sẽ mang lại cho anh sức sống từ những đường thẳng kia. Đó là điều đang làm anh khó chịu đấy. Mọi thứ đều quá ngăn nắp và thẳng thớm nên anh lúc nào cũng bị đóng hộp. Giống như Algernon trong tác phẩm điêu khắc của nó ở kia.”

Ban đầu tôi không định thử, nhưng tôi cảm thấy khó chịu đến mức tôi nghĩ tại sao lại không chứ. Nó không thể làm cho mọi việc tệ hơn được nữa, và biết đâu lại xóa đi được cảm giác tôi đang tận mắt quan sát chính mình mà không hiểu mình đang làm gì.

Cô chuốc cho tôi say mèm.

Tôi nhớ ly rượu đầu tiên, nhớ lúc lên giường và cô trườn vào bên cạnh tôi với chai rượu trong tay. Rồi sau đó không còn nhớ gì nữa cho đến tận chiều nay, khi tôi tỉnh dậy với cảm giác nôn nao còn sót lại của bữa rượu.

Fay vẫn đang ngủ, mặt quay vào tường, chiếc gối cuộn lại dưới cổ. Trên bàn đầu giường, bên cạnh gạt tàn đầy ắp những tàn thuốc là cái vỏ chai rỗng, nhưng điều cuối cùng tôi còn nhớ trước khi tấm rèm rủ xuống là tôi đang quan sát mình uống ly thứ hai.

Cô duỗi người và lăn về phía tôi – trần truồng. Tôi dịch lại và ngã ra khỏi giường. Tôi túm lấy tấm chăn quấn quanh người.

“Chào anh,” cô ngáp. “Anh có biết những ngày này em muốn dành một hôm để làm gì không?”

“Làm gì?”

“Vẽ anh khỏa thân. Giống như “David” của Michelangelo. Chắc là sẽ rất đẹp. Anh vẫn ổn chứ?”

Tôi gật đầu. “Trừ việc đau đầu ra thôi. Đêm qua anh - ừ - uống nhiều quá hả?”

Cô cười phá lên và chống khuỷu tay lên. “Anh nốc tì tì. Và trời ơi anh hành động rất kỳ quặc – em không định nói là kỳ diệu hay điều gì đại loại thế nhưng rất lạ.”

“Vậy” – Tôi nói, tìm cách nới rộng chiếc chăn để có thể bước đi được – “nghĩa là sao? Anh đã làm gì?”

“Em đã chứng kiến đàn ông vui sướng, buồn rầu, ngái ngủ, nhưng chưa bao giờ thấy một ai hành động như anh cả. May mà anh không hay uống rượu cho lắm. Ôi, trời ơi, em chỉ ước sao lúc ấy có cái máy quay phim. Anh trình diễn một màn hay ra trò.”

“Lạy Chúa, anh đã làm gì?”

“Chẳng giống những gì em hình dung cả. Không làm tình hay bất cứ điều gì tương tự như thế. Nhưng anh đúng là phi thường. Một màn trình diễn xuất sắc. Màn lạ nhất từ trước đến giờ. Anh mà lên sân khấu thì tuyệt. Anh sẽ làm mọi người ở nhà hát Palace phải ồ lên vì thán phục. Anh trở nên cực kỳ bối rối và ngớ ngẩn. Anh biết không, cứ như một người trưởng thành đang đóng vai trẻ con. Nói về việc anh muốn đến trường và học đọc học viết để được thông minh như mọi người thế nào. Những chuyện điên rồ như thế. Anh trở thành một con người hoàn toàn khác – giống như người ta vẫn tập diễn xuất – và anh cứ nhắc đi nhắc lại rằng anh không thể chơi với em vì mẹ anh sẽ lấy lạc của anh đi và nhốt anh vào cũi.”

“Lạc ư?”

“Đúng thế! Ôi tôi chết mất!” Cô cười lớn, gãi đầu. “Và anh cứ nói mãi rằng em không lấy lạc của anh được. Lạ kinh khủng. Nhưng em nói với anh, cái cách anh nói cơ! Giống như mấy thằng đần ở góc phố, chỉ cần nhìn gái là cũng đủ để cương cứng lên rồi. Một con người hoàn toàn khác. Ban đầu em cứ nghĩ anh bị áp bức hay đại loại thế. Đồ đạc ngăn nắp thế này và lo lắng về mọi thứ.”

Điều này không làm tôi khó chịu, mặc dù tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ thấy khó chịu. Bằng cách nào đó, việc say rượu đã tạm thời phá vỡ hàng rào nhận thức đang giữ Charlie Gordon của ngày xưa sâu trong tâm trí tôi. Đúng như tôi vẫn nghi ngờ, cậu ta chưa biến mất hoàn toàn. Chẳng có gì biến mất hoàn toàn khỏi tâm trí chúng ta cả. Cuộc phẫu thuật đã phủ lên cậu ta một lớp vỏ giáo dục và văn hóa, nhưng về mặt cảm xúc thì cậu ta vẫn ở đó – quan sát và chờ đợi.

Cậu ta đang chờ đợi điều gì?

“Anh khỏe chưa?”

Tôi trả lời rằng tôi không sao.

Cô túm lấy tấm chăn tôi đang quấn quanh mình và kéo tôi trở lại giường. Không để cho tôi kịp phản đối, cô ta đã vòng tay ôm lấy tôi và hôn tôi. “Đêm qua em sợ, Charlie ạ. Em nghĩ rằng anh bị điên. Em nghe nói có những kẻ bất lực vì đột nhiên bị kích thích nên trở thành điên loạn.”

“Vậy sao em vẫn ở lại?”

Cô nhún vai. “Anh giống như một đứa trẻ nhỏ đang sợ hãi. Em biết chắc là anh sẽ chẳng làm hại đến em, nhưng em nghĩ biết đâu anh lại làm anh bị thương. Thế nên em quyết định sẽ ở lại. Em thấy thương lắm. Dù sao thì cũng thủ sẵn cái này, phòng khi...”

Cô lôi ra một cuốn sách nặng nhét trong khe hở giữa tường và giường.

“Anh nghĩ là em không phải dùng đến nó.”

Cô lắc đầu. “Cưng ơi, chắc là lúc còn bé anh thích lạc lắm nhỉ?”

Fay bước ra khỏi giường và bất đầu mặc quần áo. Tôi nằm một lúc ngắm cô. Cô đi lại trước mặt tôi không chút ngượng ngùng hay khó chịu. Ngực cô đầy đặn như trong bức chân dung tự họa. Tôi khao khát được chạm vào người cô, nhưng tôi biết việc này vô ích. Dù đã được phẫu thuật thì Charlie vẫn còn hiện hữu trong tôi.

Và Charlie vẫn sợ bị lấy mất lạc.

24 tháng Sáu - Hôm nay tôi lại tiếp tục tham gia một kiểu nhậu nhẹt phi trí tuệ rất lạ lùng. Nếu tôi dám thì chắc chắn tôi sẽ say, nhưng sau lần nhậu với Fay, tôi biết như vậy sẽ rất nguy hiểm. Vì thế nên tôi đến Quảng trường Thời đại, từ rạp chiếu phim này tới rạp chiếu phim khác, thả mình vào những phim cao bồi và kinh dị - như trước đây tôi vẫn thường làm. Mỗi lần như thế, đang ngồi xem phim, tôi lại thấy mình bị tội lỗi dằn vặt. Tôi bỏ dở bộ phim bước ra ngoài và lang thang tới một rạp chiếu phim khác. Tôi tự nhủ rằng tôi đang tìm kiếm một điều gì đó trong thế giới màn bạc giả tưởng mà cuộc sống mới của tôi không có.

Và rồi, đột nhiên bằng trực giác, ngay bên ngoài Trung tâm Giải trí Keno, tôi biết rằng điều mình cần không phải là phim, mà là khán giả. Tôi ước được ngồi giữa mọi người trong bóng tối.

Bức tường ngăn cách giữa mọi người với tôi khá mỏng, và nếu lắng nghe, tôi sẽ nghe thấy những gì đang xảy ra. Làng Greenwich cũng giống như thế. Không hẳn chỉ là gần - bởi vì tôi không cảm nhận được điều đó trong thang máy đông đúc hay trên tàu điện ngầm giờ cao điểm mà là trong một đêm nóng nực khi mọi người ra ngoài đi dạo, hoặc khi đang ngồi trong nhà hát, có một tiếng xào xạc, và trong giây lát tôi chạm vào một ai đó và cảm nhận mối liên hệ giữa cành, thân, và rễ với nhau. Những lúc như thế, da thịt tôi mỏng manh, căng cứng, và thêm cả sự ham muốn khôn kham, được là một phần của nó thôi thúc tôi ra ngoài tìm kiếm trong những góc phố tối tăm, những ngõ cụt của đêm.

Thường thì khi đã mệt lử vì đi bộ, tôi trở về nhà và lăn ra ngủ như chết, nhưng đêm nay tôi không về nhà mà rẽ vào một quán ăn bình dân. Ở đó có một nhân viên rửa bát mới, cậu bé chừng mười sáu tuổi, và ở cậu có điều gì đó rất quen, dáng điệu, ánh mắt nhìn. Và rồi, khi đang thu dọn cái bàn sau lưng tôi, cậu đánh rơi mấy cái đĩa.

Chúng va xuống sàn, vỡ tan và những mảnh sứ trắng văng khắp các gầm bàn. Cậu bé đứng đó, sững người sợ hãi, cầm cái khay trống trên tay. Tiếng huýt sáo và tiếng la ó từ phía khách hàng (những câu đại loại như “uầy, thế là lời lãi đi toong!”...”Mazel tov! (May mắn gớm, Chúc mừng)” và “ồ, chẳng làm ở đây lâu...” dường như vang lên mỗi khi có bát đĩa bị vỡ trong nhà hàng) làm cậu bối rối.

Khi người chủ đến xem có chuyện gì mà huyên náo đến vậy, cậu bé co rúm lại - giơ tay lên như để đỡ một cú đấm.

“Không sao! Không sao, thằng đần này,” ông ta hét lên. “Còn đứng đấy làm gì nữa? Đi lấy cái chổi rồi quét hết mảnh vỡ đi. Cái chổi... cái chổi! Đồ ngu! Trong bếp ấy. Quét hết mảnh vỡ đi nhé.”

Khi cậu bé nhận thấy mình không bị trừng phạt, vẻ sợ hãi của cậu cũng biến mất, và khi mang chiếc chổi quay lại, cậu mỉm cười và khe khẽ hát. Một vài khách hàng hiếu sự vẫn tiếp tục bình luận, dùng cậu bé làm trò cười.

“Đây, nhóc ơi, đây này. Còn một mảnh đằng sau lưng mày đấy...”

“Cố lên, quét lại đi...”

“Nó không ngốc thế đâu. So với rửa thì đập vỡ dễ hơn nhiều...”

Khi đôi mắt trống rỗng của cậu bé lướt qua đám đông người xem đang thích thú, cậu chầm chậm cười theo điệu cười của họ và dần dần chuyển thành một kiểu cười nhăn nhở, ngập ngừng trước một trò đùa mà cậu không hiểu.

Tôi thấy trong lòng khó chịu khi nhìn nụ cười ngây ngô, ngớ ngẩn của cậu bé - đôi mắt to, sáng của một đứa trẻ, ngập ngừng nhưng sẵn sàng làm vui lòng người khác, và tôi thấy mình đã nhận ra điều gì ở cậu. Họ đang cười nhạo cậu bởi vì cậu thiểu năng.

Và ban đầu tôi cũng cười đùa với mọi người.

Đột nhiên, tôi thấy giận mình và giận cả những ai đang cười nhạo cậu bé. Tôi muốn cầm lấy đám đĩa ném đi. Tôi muốn đập vỡ những khuôn mặt đang cười cợt kia. Tôi nhảy dựng lên và hét: “Im đi! Để cho thằng bé yên! Nó không hiểu gì cả. Nó cũng đâu muốn vậy... nhưng vì Chúa, hãy tỏ ra tôn trọng một chút! Nó cũng là con người!

Cả nhà hàng im lặng. Tôi tự rủa mình đã mất bình tĩnh và làm một trò lố, vì thế lúc trả tiền tôi cố gắng không nhìn cậu bé và bước ra ngoài mà chưa đụng đến chút thức ăn nào cả. Tôi thấy xấu hổ cho cả mình lẫn cậu bé.

Thật lạ lùng là những người lương thiện và lành lặn không hề lợi dụng người bẩm sinh cụt chân cụt tay hoặc mù mắt - sao họ không mảy may động lòng khi ngược đãi một người khi sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ. Tôi giận điên lên khi nhớ rằng mới cách đây không lâu, tôi - cũng giống như cậu bé này - đã ngốc nghếch làm hề cho thiên hạ.

Vậy mà tôi suýt quên mất.

Chỉ mới đây thôi, tôi hiểu rằng người ta cười nhạo mình. Giờ thì tôi có thể thấy mình đã vô tình cùng với mọi người cười nhạo chính mình. Đau nhất là ở chỗ ấy.

Tôi vẫn thường đọc lại những bản báo cáo tiến bộ thời kỳ đầu và thấy sự dốt nát, sự ngây ngô trẻ con trí tuệ của một người kém thông minh đang từ căn phòng tối tăm hé mắt qua lỗ khóa nhìn ra ánh sáng chói chang bên ngoài. Trong giấc mơ và ký ức của mình, tôi thấy Charlie đang mỉm cười một cách sung sướng và ngây ngô với lời nói của mọi người xung quanh. Ngay cả khi còn thiểu năng, tôi vẫn biết rằng mình thấp kém. Mọi người có thứ mà tôi không có - thứ đó không chịu chấp nhận tôi. Trong trạng thái mù dở về trí tuệ, tôi vẫn tin rằng dù thế nào thì nó cũng liên quan đến khả năng đọc và viết, và tôi tin chắc rằng nếu đọc thông viết thạo thì tôi cũng sẽ trở nên thông minh.

Ngay cả một kẻ thiểu năng trí tuệ cũng muốn được ngang bằng với mọi người.

Trẻ con có thể không biết cách tự ăn uống hoặc không biết phải ăn gì, nhưng nó biết thế nào là đói.

Hôm nay là một ngày tốt lành đối với tôi. Tôi phải chấm dứt sự lo lắng trẻ con này về bản thân mình - cả quá khứ của tôilần tương lai của tôi. Phải đem một thứ gì đấy của chính tôi cho người khác. Tôi phải sử dụng kiến thức và kỹ năng của mình để đóng góp vào việc nâng cao trí tuệ con người. Còn ai được trang bị tốt hơn tôi nữa chứ? Còn có ai từng sống trong cả hai thế giới nữa chứ?

Ngày mai tôi sẽ liên hệ với ban giám đốc quỹ Welberg và xin phép thực hiện một số công việc độc lập trong dự án. Nếu họ đồng ý, có lẽ tôi sẽ giúp được. Tôi đang có một vài ý tưởng.

Nếu được hoàn thiện, kỹ thuật này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Một khi người ta đã biến tôi thành thiên tài được thì hơn năm triệu người thiểu năng trí tuệ ở Mỹ sẽ thế nào? Và hàng triệu người trên khắp thế giới sẽ ra sao, cả những người chưa sinh ra đã phải chịu số phận thiểu năng? Thành quả sẽ kỳ diệu thế nào nếu áp dụng kỹ thuật này cho người bình thường. Cho thiên tài?

Có quá nhiều cánh cửa cần phải mở ra. Tôi muốn nhanh chóng áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình để giải quyết bài toán này. Tôi phải chứng minh cho tất cả bọn họ biết rằng tôi cần phải thực hiện công việc quan trọng này. Tôi tin chắc rằng Quỹ sẽ cho phép tôi.

Nhưng tôi không thể cô đơn được nữa. Tôi phải nói cho Alice về chuyện này.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3