Lều chõng - Chương 01
Chương 1
Gần nửa tháng rồi, trong làng Văn khoa, lúc nào cũng náo nức, rộn rịp như sắp kéo hội. Đình trung điếm sở cũng như quán nước hàng quà chỉ làm chỗ hội họp của các ông già, bà già và những cây gậy trúc mũi sắt, những gói trầu cau lớn bằng cái đấu. Chuyện mới, chuyện cũ luôn luôn theo những bãi cốt trầu, những làn khói thuốc đồng thời tuôn ra và nổ như bỏng rang. Ông này nhắc làng mình thật được hướng đình. Ông kia đoán họ Trần kết ngôi mộ tổ. Bà này bảo cụ đồ phúc đức hiền hậu,chịu khó lễ các đền chùa. Bà kia khen cô nghè tốt nết đủ điều, biết phân biệt kẻ trên người dưới.
Cái hoa gạo nở đầu tháng giêng đã được tán là điềm tốt. Con khanh khách kêu trên các đình giữa ngày khai hạ, cũng được tôn là tin mừng. Câu chuyện tuy duy nhất chỉ quanh quẩn có thế, nhưng sự nô nức đã bắt người ta cứ phải chiếu đi chiếu lại bàn tán hết ngày ấy sang ngày khác, đầu làng cuối làng, thường có những tiếng cười nói rầm rầm. Hôm nay lại càng tấp nập hơn nữa...
Từ lúc trời mới sáng rõ, một hồi mõ đã tiệp tiếng vang của ba hồi trống cái khua động góc trời trên đình. Với chiếc dải lưng lụa đỏ bỏ múi sang cạnh sườn, lý trưởng không khác phó lý, trương tuần, tung tăng vác tay thước chạy nhào từ đình đến điếm. Giữa một hồi tí u của những tiếng hiệu ốc đi đôi với dịp hiệu sừng, người ở các xóm kéo ra tíu tít. Chỗ này vài chục đàn ông đi với mai, thuổng, xẻng, cuốc gậy nạng và câu liêm; chỗ kia mươi người đàn bà và những quang, thúng, sảo, sọt lủng lẳng dưới đầu đòn gánh. Một toán lại một toán. Một lũ lại một lũ. Ống quần xắn trên đầu gối, gấu váy kéo lên đến nửa bụng chân, các toán, các lũ lần lượt tiến vào sân đình.
Một bầu ồn ào chiếm cả khu đinh và điếm. Mặt trời từ trên ngọn tre xuyên sang mái đình tưng bừng đón tiếng chào của đàn chim sẻ. Ánh sáng lóng lánh chiếu trên núm quả dành của đôi đồng trụ cửa đình.
Cái ồn ào mỗi lúc một lớn. Chĩnh nước chè khô đã bị mấy chục bát đàn vục cạn. Hai thùng cau khô để đó dần dần biến thành đống bã trầu tàn. Hết thảy các toán, các lũ nhất tề đứng dậy. Như một đạo quân ra trận, mấy trăm con người rầm rập kéo ra đầu làng và vui vẻ tiến thẳng đến đoạn đường cùng tận địa giới.
Theo mệnh lệnh của ông lý, ông phó, ông trương, dân phu bát đầu sang sửa từ đầu địa phận trở về. Các bầu tát nước đều được bồi đắp phẳng phiu. Những đám cỏ gấu ven đường đều bị giẫy sạch và hắt xuống ruộng. Người tá cắt hết những cây vẩy ốc bám vào ven thành. Người ta giật hết những cái ánh tre khum khum rủ trên đường cái. Người ta quét hết những đông cặn rác kinh niên bừa bãi khắp các đầu ngõ ven đường. Hương lý vẫn thúc giục vội vã. Tù và vẫn rúc từng hồi dài từ xóm này đến xóm kia. Trời dần dần nóng thêm. Mấy trăm bộ mặt đỏ như đồng tụ mồ hôi đổ ra bóng nhoáng. Nhưng cái oi bức của tiết đầu hạ vẫn không ngăn nổi sự nô nức của đám người làm việc hết lòng.
Gần đến nửa buổi, bao nhiêu khúc đường khấp khểnh, gồ ghề đều trở nên những dải đất óng mượt như tấm lụa mới. Những tiếng cười nói vui như ngày tết, lại đưa các toán, các lũ dân phu lần lượt trở về sân đình.
Một tuần trầu nước vừa tàn, lý trưởng đứng trên thềm đình dõng dạc nói xuống:
- Trưa lắm rồi! Xin "chạ"[1] đi rửa chân tay và cất đồ đạc. Rồi "chạ" đến luôn nhà quan tân khoa để còn làm rạp, kê phản, sắp sửa đũa bát mâm nồi, kẻo nữa không kịp?
[1] Tiếng gọi chung lớp người bình dân trong làng thời trước
Một buổi ồn ào dồn dập trong đám đông, đàn ông, đàn bà, lẻ tẻ ai về nhà nấy. Trương tuần cắt lũ tuần phu canh cổng làng. Lý trưởng, phó lý và tất cả những hạng đàn anh lật đật kéo vào nhà ông nghè mới. Ở đây, từ đầu cổng cho đến xó bếp toàn là những vẻ vui mừng. Các ông, bà, cô, cậu trong quan họ đã họp tấp nập. Trên chiếc ghế ngựa quang dầu kê ở gian giữa, cố ông[2] bắt chân chữ "ngũ", ngồi bằng điệu bộ rất đắc ý. Phía dãy phản ở gian bên cạnh, ông trưởng họ Trần thong thả đưa chiếc quạt thước phẩy mấy chòm râu trắng xóa, bàn định các việc sẽ đến trong ngày mai.
[2] Cố ông, cố bà : cha, mẹ của các bậc đỗ từ cử nhân trở lên
Ngoài sân, cố bà cũng như cô nghè, tất tả chạy ngược chạy xuôi, vừa sắp sửa các thứ đồ dùng, vừa cắt đặt việc này việc khác. Sau mấy cái vái cung kính dâng khắp các[3] cố ông, cố bà và các vị già lão, lý trưởng, phó lý và bọn trùm trưởng ghé ngồi vào hàng ghế cuối cùng. Dân làng kéo đến môi lúc mỗi đông. Từ nhà dưới đến nhà trên, kẻ đứng, người ngồi, lố nhố như một khu chợ. Theo lởi cắt cử của các vị tôn trưởng, những người "làm giúp" tới tấp đi tìm công việc. Mượn mâm, mượn nồi, mượn bát đĩa và gánh nước đô đầy các chum, các vại, đó là phận sự của đàn bà. Còn phe đàn ông thì chia ra thành hai ban: một ban chôn tre, dựng rạp, kê phản, kê ghế, sắp đặt các đồ bài trí, một ban nữa vào chuồng bắt lợn, làm gấp mấy chục mâm dấm ghém để kịp làng xóm họ mạc ăn tạm bữa trưa.
[3] Nguyên văn đăng trên báo Thời vụ và xuất bản lần đầu (1941, NXB Mai Lĩnh) không có chữ "các"
Công việc bắt đầu túi bụi. Tiếng người hò thét, tiếng mâm bát đụng nhau, hòa với tiếng lợn kêu ì éc ngoài vườn làm thành cái vọng ầm ầm của một đình đám to lớn. Hơi lửa trong bếp hợp với hơi người các nơi càng tăng thêm sức nóng của trời hè. Đúng trưa, cỗ bàn làm xong, hai tòa rạp lớn cũng vừa lợp kín. Những chiếc chiếu hoa dài thườn thượt như lá cót đại lần lượt phủ kín các dãy giường phản từ trong nhà ra ngoài sân. Hàng mấy chục mâm rau nộm thịt mỡ chất đầy trong những bát đàn, đĩa đàn, la liệt đặt khắp các nhà các rạp.
- Xin mời bà con hãy đi xơi cơm kẻo đói. Các việc để đó ăn xong rồi ta hay làm.
Lời nói chia ông trưởng họ Trần không kém tiếng hò của ông đại tướng đứng đầu ba quân, nó có sức mạnh khiên cho mọi người răm rắp đứng dậy. Đàn ông với đàn ông, đàn bà với đàn bà, bốn một, tám hai làng xóm, họ mạc tự ý rủ nhau, tiện chiếu nào ngồi vào chiếu ấy. Mâm này gọi rượu, mâm kia gọi cơm, rồi mấy mâm khác vâm véo giục lấy nước canh nước mắm. Lối đi chật hẹp trong mấy gian rạp thành chỗ chen nhau của người ra vào.
Giống như lớp tằm ăn rỗi, một loạt năm sáu chục mâm nhất tề nhấc chén cất đũa. Mặt trời chênh chếch chiếu vào đầu rạp, các mâm chỉ còn bát không, đĩa không. Bằng một giọng nói chững chạc, ông trường họ Trần tỏ ra người rất thạo việc:
- Xin mời bà con ăn trầu, uống nước, rồi thì ai vào việc ấy đi cho. Xem chừng công việc hãy còn nhiều lắm. Ta phải làm gấp mới được!
Bao nhiêu mâm cỗ ăn tàn lần lượt bị đưa xuống khu sân bếp, để nhường các chiếu trong rạp cho những đìa trầu cau khô và những đoàn ấm tay đựng nước chè xanh. Tiệc trầu nước không đầy một khắc. Mọi người ồ ạt đứng lên.
Lúc này công việc càng rộn rịp. Ở đằng sau nhà những người vật trâu bò reo ầm ĩ. Ở trong rạp, có một đoàn dao thớt ký cốc băm thịt, băm xương. Và ở trước sân, mấy chục chiếc chày huỳnh huỵch nện xuống đáy cối đá đại. Một đám vàng vàng đỏ đỏ nghễu nghện từ nhà dưới bếp lên nhà trên. Đó là các thứ xôi gấc, xôi dành và xôi lá diễn đóng trong những chiếc "mâm dàng" sơn son.
Góp vào đó, mỗi mâm thêm một cái sỏ lợn, hoặc cái "lăm" lợn, một nậm rượu và một đĩa trầu. Ông trướng họ Trần xúng xính trong chiếc áo tế màu lam cung kính đi theo mấy mâm xôi thịt để thay mặt cố ông lễ yết các nơi đinh, chùa, văn chỉ, và các nhà thờ đại tôn, tiểu tôn. Vọng canh đầu cổng tùng tùng mấy tiếng trống báo. Tiếp đến một tràng pháo nổ liên thanh. Hai mâm cau tươi đưa hai ông bạn thân của cố ông đến mừng quan nghè. Bằng một dáng bộ ung dung, cố ông từ trên ghế ngựa quang dầu khoan thai thò chân xuống đất. Ngài sẽ sàng xỏ chân vào giày và trịnh trọng bước ra đầu thềm. Rồi vái một vái gần sát mặt đất, cố ông cung kính mời quí khách lên thẳng nhà trên.
Trống cái ngoài cổng lại điểm mấy tiếng giật giọng. Một lũ cai tổng, phó tổng, lý dịch các xã trong tổng, lố nhố theo mấy bao chè sinh hậu và một hòm pháo bàn đào khúm núm tiến vào trong rạp. Mấy ông quan họ còn đương vồn vã mời khách vào ghế, và mấy ông khách hàng tổng còn đang đưa đẩy nhường nhau ngồi trên, thì ở ngoài cổng lại có mấy tiếng trống cái báo hiệu.
Theo hình thế của đám rồng rắn, một bọn chừng bốn mươi người kéo dài từ cổng vào sân với chiếc khay vuông có để vài bức câu đối nhiễu đỏ. Giờ này mà đi, trống báo luôn luôn không dứt, khách đến mỗi lúc mỗi nhiều. Bọn này ngồi chưa yên ghế, bọn khác đã rầm rập kéo vào. Mấy ông quan họ chuyên việc tiếp khách, ai nấy nhễ nhại mồ hôi. Những cậu học trò bé con cuống cẳng chạy không kịp nước để khách dấp giọng.
Trên chiếc án trước thềm, chè, pháo, cau tươi chất đầy như quả non bộ. Liễn con công, câu đối vóc nhiễu, treo khắp vách, khắp tường. Những cỗ giò, nem, ninh, mọc kế tiếp nhau từ phía cỗ đệ lên. Khách khứa lục đục vào tiệc. Bọn nào đến trước ăn trước, bọn nào đến sau ăn sau. Mâm này bưng ra, mâm kia bưng vào. Trong rạp cũng như trong nhà, không lúc nào không có vài mâm ăn uống.
Trời gần tối, khách đã hơi vãn. Hồi trống thu không của điếm canh vừa tan, những cây bạch lạp, những quả đèn lồng, những đĩa dầu trong các quang tre lần lượt theo nhau bắt lửa. Ngoài sân, trong rạp ánh sáng rực rỡ như ban ngày. Ông trướng họ Trần cởi tấm áo lam trao cho người nhà cất đi rồi gọi lý trưởng, phó lý đến hỏi:
- Thế nào, những đồ hành ngơi ngày mai, các thầy sắp sửa đủ chưa?
Lý trưởng nhanh nhảu:
- Trình cụ, chúng con sắm sửa đâu đấy cả rồi.
Phó lý lễ phép nói thêm:
- Trình cụ, còn thiếu hai cái cán cờ tứ linh, vì bị mọt gấy, chúng con đã tìm đôi sào phơi dùng tạm.
- Những ai đi rước? Cắt cử xong chưa?
- Bẩm đã! Tất cả hơn một trăm suất, toàn là người làng, chúng con không dám cắt đến ông nào trong quan họ.
Ông trưởng họ Trần hơi cau lông mày:
- Cái đó là lẽ tất nhiên. Việc khác, dân làng cũng không được phép cắt người quan họ đi rước, huống chi việc này... Thế các thầy có dặn những người vào việc phải ăn mặc cho tử tế không?
- Bẩm có. Chúng con đã bắt dân làng đều mặc áo đỏ và thắt dải lưng màu xanh. Ai không có sẵn thì phải đi mượn.
Ông trưởng họ Trần ra bộ vừa ý:
- Phải cho trang trọng một chút mới được... Còn có hàng tổng, hàng huyện trông vào. Không nên cẩu thả để cho người ta chê cười làng mình.
Một người tuần phu ở cổng đi vào, chắp tay đến đứng dưới thềm:
- Trình cụ, phường chèo đã đến.
Ông trưởng họ Trần ngẫm nghĩ giây lát:
- Ra bảo chúng nó cứ ngồi ngoài ấy. Lúc nào có người ra gọi sẽ vào.
Rồi, chỉ tay ra thẳng gian rạp chính giữa, ông ấy nhìn mặt lý trưởng, phó lý:
- Bây giờ, công việc đã thư, các thầy hãy sai đứa nào thu xếp chỗ này, để cho phường chèo vào hát một lúc.
Lý trưởng, phó lý sung sướng như lính lệ được chuyến sai, họ dạ một tiếng rất gọn và cùng đem theo lệnh của ông trưởng quan họ xuống nẻo nhà dưới loan báo cho bọn trai làng.
Qua một hồi dọn dẹp, kê cúng, gian rạp chính giữa nghiễm nhiên thành một sân khấu lâm thời. Trống chầu trên thềm thủng thẳng điểm bốn, năm tiếng. Chừng hơn mười người phường chèo theo đôi hòm vuông lố nhố tiến vào. Trẻ con đua nhau hò reo. Trong rạp ồn ào như đám vỡ chợ. Sau khi mấy bộ quần áo đã vắt lên sợi dây thừng chăng suốt hai chiếc cột rạp, để ngăn cho nửa gian rạp thành một căn buồng, hộp phấn, hộp son và những mũ bạc, mũ vàng, mũ lông công, mũ cánh chuồn, la liệt bày ra nắp hòm mặt án.
Trống rung. Mõ điểm nhát gừng. Phèng phèng, chũm chọe đồng thời nổi lên. Trò bắt đầu diễn. Trước rạp, sau rạp và hai bên rạp, người đứng chật như nêm cối. Hết một hồi trống dạo trò, cả đám đều im phăng phắc để nhìn bộ miệng người kép giáo đầu đương mấp máy môi sau một chiếc quạt giấy. Đánh sạt một cái, cái quạt bị cụp hẳn lại, người kép lấy hết gân mặt gân cổ, gân môi để ngân cho giọng thật dài:
- Nhớ thuở xưa tích cũ, có một chàng trai tên gọi Lưu Bình...
Mọi người xôn xao bảo nhau:
- À họ làm trò "Tây Dương nghĩa phụ".
Đêm càng khuya, trò càng xô xát, khán giả càng nô nức. Người ta vỗ tay cười reo khi nghe anh hề cắt nghĩa "đại phong" là lọ tương. Và người ta tỏ vẻ ái ngại thương xót, khi thấy Lưu Bình lắc đầu nhăn mặt trước bát cơm thiu và quả cà mốc của nhà Dương Lễ.
Nửa đêm, trò vừa hết vở. Khán giả ồn ào giải tán sau một hồi trống tan trò. Ông trưởng họ Trần oai vệ ra lệnh cho bọn lý trưởng, phó lý:
- Bây giờ nửa giờ tý rồi, sang giờ sửu thì phải khởi hành.. Các thầy giục họ bưng mâm để chạ xơi rượu, không thì trễ quá.