Một phát một mạng - Chương 13 phần 1
Chương 13
Emerson đọc hết những báo cáo của Bellantonio. Thấy Reacher đã gọi cho Helen Rodin. Ông không ngạc nhiên chút nào. Chắc hẳn có nhiều cuộc gọi loại đó. Các luật sư và những người lắm chuyện, đang cần mẫn viết lại lịch sử. Không có gì quá ngạc nhiên ở đó. Rồi ông đọc cặp câu hỏi của Bellantonio: Có phải Reacher thuận tay trái không? Hắn có chiếc xe nào không?
Trả lời: Rất có thể, và Rất có thể. Người thuận tay trái không hiếm. Trong hai mươi người thì có bốn hay năm người là thuận tay trái. Và giờ đây Reacher đã có một chiếc xe, điều đó là chắc chắn. Hắn không có mặt trong thị trấn, và hắn không đi bằng xe buýt. Do đó hắn đang có một chiếc xe, và gần như chắc chắn đã có một chiếc từ trước.
Rồi Emerson đọc tờ sau cùng: James Barr đã có mặt ở căn hộ của Alexandra Dupree. Chuyện đó là cái quái gì vậy?
Theo bản đồ của Ann Yanni, văn phòng của Franklin là điểm chính giữa trong một mớ rối mù những con đường ngay giữa trung tâm thành phố. Không phải một địa chỉ lý tưởng. Không tốt chút nào. Công trường xây dựng, thời khắc bắt đầu giờ cao điểm, lưu thông chậm trên đường phía dưới. Reacher sẽ phải trông cậy rất nhiều vào những tấm kính đen của công ty Ford Motor. Chắc chắn là thế rồi.
Ông mở máy và nâng lại mui xe. Rồi ông chạy chầm chậm ra khỏi con đường sỏi và nhắm hướng Nam. Ông lại chạy ngang qua nơi ở của Oliver sau mười hai phút, rẽ về hướng Tây vào con đường xuyên hạt, rồi lại về hướng Bắc trên con đường có bốn làn xe vào thị trấn.
Emerson trở lại báo cáo của Bellantonio về điện thoại di động. Reacher đã gọi cho Helen Rodin. Họ có công việc. Họ có chuyện để thảo luận. Sớm muộn gì hắn cũng sẽ quay lại với cô ta. Hay cô ta sẽ đến với hắn. Ông nhấc điện thoại lên. Nói chuyện với nhân viên điều vận của ông.
Ông nói, "Cho một chiếc xe cải trang đến văn phòng của Helen Rodin. Nếu cô ta rời văn phòng thì hãy theo dõi."
Reacher lái qua nhà trọ. Ông ngồi cúi thấp xuống và liếc nhìn ngang. Không có dấu hiệu hoạt động nào. Không có giám sát rõ ràng. Ông lái qua tiệm cắt tóc, rồi tiệm bán súng. Xe cộ lưu thông làm ông chậm lại khi tiến đến đoạn xa lộ treo. Rồi ông chậm lại hơn nữa, bằng với tốc độ đi bộ. Gương mặt ông chỉ cách người đi bộ bên tay phải ông vài bộ. Cách những tài xế bị ngưng lại bên tay trái ông vài bộ. Đường bốn làn xe, hai làn hướng vào thành phố chạy chậm, hai làn hướng ra khỏi thành phố đứng yên.
Ông muốn tránh xa khỏi vỉa hè. Ông bật đèn báo rẽ và lấn qua làn kế bên. Tay tài xế sau vai ông không hài lòng lắm. Reacher nghĩ, Đừng bận tâm. Tao đã tập lái bằng chiếc tải hai tấn rưỡi cơ đấy. Đã có thời lẽ ra tao cứ việc cán thẳng lên mày.
Làn xe bên trái chạy nhanh hơn một chút. Reacher bò qua những chiếc bên tay phải. Nhìn nhanh tới trước. Có một chiếc xe tuần tra ở phía trước, cách ba xe. Trên làn bên phải. Có đèn xanh ở đằng xa. Xe ở làn bên trái đang chậm chạp tiến đến nó. Xe trên làn bên phải tiến đến nó còn chậm hơn nữa. Từng chiếc xe nối tiếp nhau tiến đến lằn sơn, dừng lại một chút rồi vọt qua khoảng trống. Không ai muốn chặn đường cả. Giờ thì Reacher cách sau cái xe cảnh sát hai xe. Ông lần lữa. Gã phía sau ông cáu kỉnh nhấn còi. Reacher nhích tới trước. Giờ thì ông cách sau xe cảnh sát chỉ một xe.
Đèn vàng bật lên.
Chiếc xe trước Reacher phóng nhanh.
Đèn đỏ bật lên.
Tay cảnh sát dừng xe ngay ở vạch và Reacher dừng ngay bên hông xe hắn.
Ông chống cùi chỏ lên thanh gác tay và ôm lấy đầu. Duỗi rộng các ngón tay ra để cố che gương mặt mình càng nhiều càng tốt. Nhìn thẳng, ngay dưới thanh chắn đầu xe, nhìn đèn giao thông, cầu cho nó đổi màu.
Helen đi thang máy xuống hai tầng và gặp Ann Yanni trong khu tiếp tân của NBC. NBC đang trả lương cho Franklin, do đó lẽ công bằng là Yanni cần có mặt trong cuộc họp. Họ cùng đi thang máy xuống nhà để xe và lên chiếc Saturn của Helen. Chạy lên đường dốc rồi ra ngoài trời nắng. Helen nhìn qua phải rồi rẽ trái. Không nhận ra một chiếc Impala màu xám chạy ra từ vệ đường phía sau cách xe cô hai mươi thước.
* * *
Đèn đỏ bật lâu như một thế kỷ. Rồi đèn xanh bật lên và gã sau xe Reacher nhấn còi khiến tay cớm quay sang nhìn. Reacher chạy ra khỏi tầm nhìn của hắn và không ngoái lại. Ông len lỏi vào làn đường rẽ trái và chiếc xe cảnh sát chạy vụt ngang bên phải của ông. Reacher thấy nó lại bị kẹt ở phía trước. Ông không muốn lặp lại tình cảnh hai xe dừng sát bên nhau lần nữa nên ông vẫn theo làn bên trái. Ông nhận ra mình trở lại con đường có tiệm tạp hóa của Martha. Luồng xe trên đường này cũng nghẽn cứng. Ông nhổm người trên ghế và mò túi quần. Lần chọn những đồng xu. Tìm được một đồng hai mươi lăm xu. Cân nhắc, hai mươi thước, ba mươi, bốn mươi.
Có làm.
Ông tạt xe vào khu đất nhỏ xíu của Martha. Vẫn để máy nổ, bước xuống, bước vòng qua mui xe đến một máy điện thoại công cộng gắn trên tường. Ông bỏ đồng hai mươi lăm xu vào khe máy và lấy tấm danh thiếp bị xé của Emerson ra. Chọn số của sở cảnh sát và bấm số.
Nhân viên trực ban hỏi, "Tôi có thể giúp gì đây?"
Reacher hỏi, "Cảnh sát hả?"
"Nói đi, thưa ông."
Reacher giữ giọng nói nhanh và nhỏ, vội vã và khẽ. "Kẻ trên tờ truy nã ấy? Tờ mà mấy ông đang phát cho mọi người đó?"
"Vâng, thưa ông?"
"Hắn đang ở ngay đây, ngay bây giờ."
"Ở đâu?"
"Trong quán bán thức ăn nhanh của tôi, cái quán trên đường bốn làn ở phía Bắc thị trấn kế tiệm bán lốp xe. Giờ hắn đang ở bên trong, ở quầy, đang ăn."
"Ông có chắc là tên đó không?"
"Trông giống như tấm hình."
"Hắn có xe không?"
"Một chiếc Dodge to màu đỏ."
"Thưa ông, ông tên gì?"
Reacher đáp, "Tony Lazzeri." Anthony Michael Lazzeri, hiệu suất.273 trong 118 lần ra sân ở chốt hai trong năm 1935. Về nhì.
Reacher nghĩ rằng chẳng mấy chốc mà ông sẽ cần chuyển qua chốt kế tiếp. Đội Yankees không có đủ cầu thủ giữ chốt thứ hai, cũng không nhiều năm không đoạt vô địch.
Tay nhân viên trực ban nói, "Chúng tôi đang đến đó, thưa ngài."
Reacher cúp máy và lên xe trở lại. Ngồi yên cho tới khi ông nghe hồi còi hụ thứ nhất đang chạy về hướng Bắc.
Helen Rodin chạy được nửa đường xuống đường số Hai thì cô bắt gặp một chuyển động bất thường trong kính chiếu hậu. Một chiếc Impala màu xám lạng ra khỏi làn xe cách phía sau cô ba chiếc rồi quay ngoặt một đường rồ dại qua đám xe cộ rồi lao ngược lại về lối mà nó đã chạy đến.
Cô nói, "Thằng điên."
Ann Yanni xoay người lại.
Cô ta nói, "Xe cảnh sát. Nhìn mấy cái cần ăng-ten là biết ngay."
Reacher đến văn phòng của Franklin muộn khoảng mười phút. Nó là một tòa nhà bằng gạch, hai tầng. Tầng dưới trông giống như một cơ sở công nghiệp nhẹ nào đó bị bỏ hoang. Nó có cửa chớp bằng thép trên khắp các cánh cửa và cửa sổ. Nhưng những cửa sổ trên lầu thì có những bức rèm che có đèn phía sau chúng. Có một cầu thang bên ngoài dẫn lên một cánh cửa tầng trên. Có một tấm bảng bằng nhựa màu trắng trên cửa:Phòng điều tra Franklin. Có một khu đậu xe ngang với mặt đường, chỉ một khoảng đất rải nhựa sâu chừng một thân xe và đủ rộng cho sáu chiếc đậu. Chiếc Saturn màu xanh lá cây của Helen Rodin đang ở đó, một chiếc Honda Civic màu xanh lơ, và một chiếc Chevy Suburban màu đen dài tới mức nhô ra ngoài vỉa hè đến cả tấc. Reacher đoán chiếc Suburban là của Franklin. Có lẽ chiếc Honda là của Rosemary Barr.
Ông lái xe qua đó mà không giảm tốc độ rồi chạy vòng quanh khối phố. Không nhìn thấy gì đáng ngờ. Do đó ông đậu chiếc Mustang kế bên chiếc Saturn, bước xuống và khóa cửa lại. Chạy lên cầu thang và bước vào mà không gõ cửa. Ông thấy mình trong một hành lang ngắn có nhà bếp nhỏ bên tay phải và cái mà ông đoán là nhà vệ sinh bên tay trái. Ông có thể nghe tiếng nói trong một căn phòng lớn phía trước mặt. Ông bước vào, thấy Franklin ngồi ở bàn giấy, Helen Rodin và Rosemary Barr ngồi trên hai chiếc ghế kéo sát nhau đang trò chuyện, và Ann Yanni nhìn chiếc xe của mình qua cửa sổ. Cả bốn người quay lại khi ông bước vào.
Helen hỏi ông, "Ông có biết thuật ngữ y học nào không?"
"Cụ thể là gì?"
Cô đáp, "PA. Một bác sĩ viết thế. Một kiểu viết tắt sao đó."
Reacher liếc nhìn cô. Rồi nhìn Rosemary Barr.
Ông nói, "Để tôi đoán xem. Bệnh viện chẩn đoán cho James Barr. Chắc chắn là một ca nhẹ."
Rosemary nói, "Giai đoạn đầu. Dù là của cái gì đi nữa."
Helen hỏi, "Làm sao ông biết?"
Reacher nói, "Do trực giác."
"Nó là cái gì?"
Reacher nói, "Gượm đã. Hãy làm cho có thứ tự." Ông quay qua Franklin, "Cho tôi biết những gì anh biết về các nạn nhân."
Franklin nói, "Năm người ngẫu nhiên. Không có sự liên hệ nào giữa bất kỳ ai trong số họ. Không thực sự liên hệ với bất kỳ cái gì. Chắc chắn không có mối liên hệ nào với James Barr. Tôi nghĩ anh hoàn toàn đúng. Hắn không bắn họ vì một lý do nào của mình."
Reacher nói, "Không, tôi đã sai hoàn toàn. Tình hình là, James Barr đã không bắn họ."
Grigor Linsky bước lui vào trong một ô cửa tối và bấm điện thoại di động.
Hắn nói, "Em đã đi theo một linh cảm."
The Zec hỏi, "Linh cảm nào?"
"Vì có cớm canh ở văn phòng con nhỏ luật sư, em nghĩ thằng lính sẽ không thể đến gặp nó. Nhưng rõ ràng là chúng vẫn còn công việc. Vì thế em nghĩ có lẽ con nhỏ sẽ đến với gã. Và nó đã đến. Em đã theo nó. Ngay bây giờ chúng đang ở trong văn phòng lão thám tử với nhau. Với con em gái nữa. Và mụ đàn bà ở chương trình tin tức trên ti vi."
"Mấy thằng kia có đang đi với mày không?"
"Bọn em canh hết cả dãy phố rồi. Đông, Tây, Nam, Bắc."
The Zec nói, "Ngồi yên đó. Ta sẽ liên lạc lại với mày."
Helen Rodin nói, "Ông muốn giải thích lời khẳng định đó chứ?"
Franklin nói, "Chứng cứ quá vững chắc thế kia."
Ann Yanni mỉm cười. Câu chuyện đây rồi.
Rosemary chỉ nhìn đăm đăm.
Reacher nói với cô, "Cô có mua cho anh cô một cái radio. Một cái hiệu Bose. Để nghe tường thuật các trận bóng. Hắn nói với tôi như vậy. Cô có mua cho hắn món gì khác không?"
"Ví dụ cái gì?"
"Áo quần chẳng hạn."
Cô đáp, "Đôi khi."
"Quần dài?"
Cô đáp, "Đôi khi."
"Cỡ nào?"
Cô nhắc lại vô hồn, "Cỡ à?"
"Anh của cô mặc quần cỡ nào?"
"Vòng bụng ba mươi tư, ống dài ba mươi tư."
Reacher nói, "Chính xác. Hắn khá cao."
Helen hỏi, "Điều này giúp gì cho chúng ta?"
Reacher hỏi cô, "Cô biết gì về những trò chơi với con số không? Những con số bí mật quân sự ngày xưa, xổ số của tiểu bang, vé số Powerball, những thứ đại loại như thế?"
"Chúng thì có sao?"
"Cái gì là phần khó nhất của chúng?"
Ann Yanni đáp, "Việc thắng giải."
Reacher mỉm cười, "Từ quan điểm của người chơi, thì đúng là vậy. Nhưng phần khó nhất của người tổ chức là việc chọn ra những con số thực sự ngẫu nhiên. Con người rất khó nắm bắt được sự ngẫu nhiên thật sự. Ngày xa xưa, những người chọn số sử dụng các trang kinh doanh trên báo chí. Họ sẽ thỏa thuận trước, có thể là trang thứ hai của giá chứng khoán, có thể cột thứ hai, hai con số sau cùng trong sáu giá đầu tiên được đưa ra. Hay sáu giá sau cùng, hay sáu giá ở giữa, hay bất cứ cái gì. Điều đó cũng khá gần với sự ngẫu nhiên thật sự. Hiện nay, những cuộc xổ số lớn sử dụng những máy móc phức tạp. Nhưng các bạn vẫn tìm được những nhà toán học có thể chứng minh rằng các kết quả không thật sự là ngẫu nhiên. Bởi vì con người làm ra máy móc."
Helen hỏi, "Chuyện này giúp chúng ta thế nào đây?"
Reacher đáp, "Chỉ là một dòng suy nghĩ thôi. Tôi ngồi suốt buổi chiều trong xe của cô Yanni, sưởi nắng và suy nghĩ về việc thủ đắc được sự ngẫu nhiên thật sự thì khó khăn như thế nào."
Franklin nói, "Dòng suy nghĩ của ông lạc lối rồi. James Barr bắn chết năm người. Chứng cứ rành rành ra."
Reacher nói, "Anh đã từng là một tay cớm. Anh tự đặt mình vào nguy hiểm. Canh chừng, triệt hạ, những tình huống áp lực cao, những giờ phút cực kỳ căng thẳng. Anh sẽ làm điều gì đầu tiên sau đó?"
Franklin liếc nhìn đám phụ nữ.
Ông đáp, "Vào nhà vệ sinh."
Reacher nói, "Chính xác. Tôi cũng vậy. Nhưng James Barr không làm vậy. Báo cáo của Bellantonio từ nhà của Barr cho thấy bụi xi măng trong nhà xe, nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ và tầng hầm. Nhưng không có trong nhà vệ sinh. Vậy thì hắn về nhà, nhưng hắn không đi tiểu cho tới sau khi thay đồ và tắm? Và làm sao hắn lại có thể tắm mà không vào nhà vệ sinh đây?"
"Có thể hắn dừng lại trên đường."
"Hắn chưa bao giờ có mặt ở đó."
"Hắn đã có mặt ở đó, Reacher à. Còn chứng cứ thì sao?"
"Không có chứng cứ nào nói rằng hắn đã có mặt ở đó."
"Anh khùng rồi à?"
"Chứng cứ cho biết rằng chiếc xe của hắn có mặt ở đó, và giày của hắn, và quần của hắn, và áo choàng của hắn, và súng của hắn, và đạn của hắn, và đồng hai mươi lăm xu của hắn, nhưng không có điều gì cho biết rằng hắn đã có mặt ở đó."
Ann Yanni hỏi, "Ai đó đã giả mạo hắn sao?"
Reacher nói, "Cho đến từng chi tiết. Lái xe của hắn, mang giày và áo quần của hắn, dùng súng của hắn."
Franklin nói, "Chuyện này là do anh tưởng tượng thôi."
Reacher nói, "Nó giải thích về cái áo mưa. Một món đồ rộng thùng thình che phủ hết mọi thứ chỉ trừ chiếc quần jeans? Có lý do nào khác để mặc một chiếc áo mưa trong một ngày nắng ráo đây?"
Rosemary hỏi, "Hắn là ai?"
Reacher nói, "Hãy xem này."
Ông đứng yên, rồi ông bước tới một bước.
Ông nói, "Quần của tôi ống dài ba mươi bảy inch. Tôi băng ngang phần mới làm của nhà để xe trong ba mươi lăm sải chân. Chân của James Barr dài ba mươi tư inch, có nghĩa là hắn sẽ mất khoảng ba mươi tám sải chân để đi như tôi. Nhưng theo Bellantonio thì người ta đếm được đến bốn mươi tám sải chân."
Helen nói, "Vậy là một kẻ rất thấp."
Rosemary nói, "Charlie."
Reacher nói, "Tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng rồi tôi đi Kentucky. Ban đầu là vì tôi muốn xác minh một chuyện khác. Tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ James Barr không bắn giỏi thế. Tôi đã xem hiện trường. Bắn ra trò. Mà mười bốn năm trước hắn bắn giỏi, nhưng không phải là quá xuất sắc. Và khi tôi gặp hắn trong bệnh viện thì da trên vai phải của hắn không có hằn dấu. Và muốn bắn như hắn đã bắn thì phải tập luyện. Mà người tập bắn sẽ bị vết thâm bầm trên vai. Như một vết chai. Hắn không có vết chai đó. Vì vậy tôi nghĩ một kẻ khởi đầu trung bình thì chỉ có thể lụt nghề dần theo thời gian. Nhất là khi hắn không tập luyện nhiều nữa. Điều đó là hợp lý, phải không nào? Rất có thể hắn đã đi tới mức không thể làm được vụ giết người trong ngày thứ Sáu. Đơn giản là do thiếu khả năng. Đó là điều tôi đã nghĩ. Vì thế tôi xuống Kentucky tìm hiểu để biết chắc rằng hắn đã lụt nghề đến thế nào."
Helen hỏi, "Và?"
Reacher đáp, "Hắn đã bắn giỏi hơn. Giỏi hơn nhiều. Không lụt nghề. Xem đây này." Ông lấy tấm bia giấy ra khỏi túi áo và mở ra.
"Đây là tấm bia sau cùng trong ba mươi hai lần bắn trong suốt ba năm vừa qua. Và nó giỏi hơn nhiều nếu so với khi hắn còn ở trong quân đội mười bốn năm về trước. Thật là kỳ dị, phải không nào? Hắn chỉ bắn có ba trăm hai mươi viên trong ba năm qua, và hắn lại xuất sắc? Trong khi lúc trước hắn từng bắn hai nghìn viên một tuần mà hắn chỉ đạt đến mức trung bình thôi?"
"Vậy thì điều này có nghĩa gì đây?"
"Mỗi lần xuống đó hắn đều đi với Charlie. Điều hành trường bắn là một tay vô địch trong Thủy quân lục chiến. Một tay cực kỳ ưa nhặt nhạnh. Tay này lưu giữ tất cả các tấm bia đã được sử dụng. Có nghĩa là lần nào cũng vậy, Barr có ít nhất hai nhân chứng cho số điểm hắn bắn được."
Franklin nói, "Nếu tôi bắn được như thế thì tôi cũng muốn có nhân chứng."
Reacher nói, "Không thể trở nên giỏi hơn nếu không tập luyện. Tôi nghĩ sự thật là hắn đã trở nên rất tệ. Và cái tôi của hắn không thể chấp nhận điều này. Tay súng nào cũng có tinh thần đua tranh. Hắn biết rằng giờ đây mình dỏm quá rồi, hắn không thể đối mặt với điều này, hắn muốn che giấu nó đi. Hắn muốn phô trương."
Franklin chỉ vào tấm bia, "Tôi không thấy thế này gọi là dỏm."
Reacher nói, "Cái này là đồ giả mạo. Anh cứ đưa nó cho Bellantonio và ông ta sẽ chứng minh cho anh thấy."
"Giả mạo như thế nào?"
"Tôi cá là cái này được tạo ra với một khẩu súng ngắn. Chín ly, từ một khoảng cách dưới một mét. Nếu Bellantonio đo những cái lỗ, tôi đoán là ông ta sẽ thấy chúng lớn hơn những lỗ đạn.308 bốn mươi sáu phần nghìn inch. Và nếu ông ta xét nghiệm tờ giấy, ông ta sẽ thấy thuốc súng còn dính lại trên đó. Vì tôi đoán là James Barr đã đi xuống cuối đường bắn và tạo ra những cái lỗ này từ khoảng cách chỉ hai phân, chứ không phải cách ba trăm thước. Lần nào cũng đều như vậy."
"Anh nghĩ quá xa rồi."
"Nó là suy luận đơn giản thôi. Barr chưa bao giờ bắn giỏi như thế này. Và cho rằng hắn bắn hẳn tệ hơn trước cũng là dễ hiểu thôi. Nếu hắn bắn tệ hơn ít thôi, thì hắn đã chịu thừa nhận điều đó. Nhưng hắn đã không thừa nhận điều đó, nên chúng ta có thể cho rằng hắn bắn tệ hơn rất nhiều. Tệ đến nỗi rất ngượng về điều đó. Có thể tệ đến nỗi hắn không thể bắn trúng tờ giấy phát nào cả."
Không một ai lên tiếng.
Reacher nói, "Đó là một giả định có sức thuyết phục. Việc giả mạo thành quả vì ngượng đã chứng minh rằng hắn không thể bắn tốt nữa. Nếu hắn không thể bắn tốt nữa, thì hắn đã không làm vụ ngày thứ Sáu."
Franklin nói, "Anh chỉ đang đoán thôi."
Reacher gật đầu, "Trước tôi đã đoán. Nhưng giờ thì tôi không đoán. Giờ thì tôi biết chắc. Tôi đã bắn một phát ở Kentucky. Tay kia buộc tôi bắn, như là một nghi thức để thông qua. Tôi đã uống quá nhiều cà phê. Tôi run như điên. Giờ thì tôi hiểu là James Barr sẽ còn tệ hơn nhiều."
Rosemary hỏi, "Vì sao vậy?"
Reacher đáp, "Vì hắn bị chứng Parkinson. PA có nghĩa là Paralysis Agitans [36], và đó là từ các bác sĩ dùng để gọi chứng Parkinson. Tôi e rằng anh của cô sắp bị bệnh này. Run rẩy và co giật. Và không ai trên đời bắn súng trường chính xác được khi bị chứng Parkinson. Theo quan điểm của tôi thì không những hắn không làm vụ ngày thứ Sáu mà hắn còn không có khả năng làm được điều đó nữa kìa."
[36]: Chứng kích động tê liệt.
Rosemary không nói gì. Tin tốt và tin xấu. Cô nhìn ra cửa sổ. Lại nhìn xuống sàn. Cô mặc đồ như một quả phụ. Áo lụa đen, váy ôm đen, tất đen, giày da sơn đen gót thấp.
Cô nói, "Có lẽ đó là lý do khiến anh ấy luôn luôn cáu bẳn. Có lẽ anh ấy cảm thấy nó đang đến. Cảm thấy bất lực và vượt quá khả năng kiềm chế. Cơ thể bắt đầu phản lại anh ấy. Anh ấy hẳn căm ghét điều đó. Ai cũng cảm thấy như vậy."
Rồi cô nhìn thẳng vào Reacher.
Cô nói, "Tôi đã nói với ông rằng anh ấy vô tội mà."
Reacher nói, "Thưa cô, tôi xin tạ lỗi không do dự. Cô đã đúng. Anh ấy đã hối cải. Anh ấy giữ lời. Anh ấy đáng được tin cậy. Và tôi rất tiếc là anh ấy bị bệnh."
"Giờ thì ông phải giúp anh ấy. Ông đã hứa như thế."
"Tôi đang giúp anh ấy. Từ tối hôm thứ Hai tôi chỉ làm có điều này."
Franklin nói, "Chuyện này thật là khùng."
Reacher nói, "Không. Nó đúng y như những gì ta hình dung trước đó. Có ai đó gài cho James Barr rụng. Nhưng thay vì buộc anh ấy làm, thì họ chỉ dàn cảnh như thể anh ấy đã làm. Đó là sự khác biệt có ý nghĩa duy nhất trong chuyện này."
Ann Yanni hỏi, "Nhưng nó có khả năng xảy ra như thế không?"
"Tại sao không? Hãy nghĩ kỹ đi. Hãy dò theo nó đi."
Ann Yanni dò theo câu chuyện. Cô điểm lại từng động tác nhỏ, từ từ và cẩn trọng như một diễn viên. "Hắn mặc áo quần và giày của Barr, và có lẽ tìm thấy một đồng hai mươi lăm xu trong lọ. Hay trong chiếc túi nào đó. Hắn xỏ găng tay, để không làm lẫn lộn dấu tay của Barr. Hắn đã lấy cái trụ chắn đường trong nhà xe của Barr từ trước, có thể trong ngày hôm trước. Hắn lấy khẩu súng trong tầng hầm. Nó đã được chính tay Barr nạp đạn từ trước. Hắn lái chiếc xe minivan của Barr xuống phố. Hắn để lại mọi dấu vết. Tự làm mình vấy bụi xi măng. Trở về căn nhà và cất lại mọi thứ rồi chuồn. Nhanh vội, thậm chí không kịp đi vào phòng vệ sinh. Rồi một lúc sau James Barr về nhà, rơi vào chiếc bẫy giăng sẵn mà anh ta còn không biết là tồn tại."
Reacher nói, "Chính xác là những gì tôi nghĩ."
Helen hỏi, "Nhưng khi đó thì Barr đang ở đâu?"
Reacher nói, "Ra ngoài."
Franklin nói, "Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thật hay."
Reacher nói, "Tôi không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ là chúng sắp đặt một chuyện gì đó để anh ấy không cản mũi kỳ đà. Anh ấy nhớ rất rõ là có đi đâu đó. Rồi lại rất hưng phấn, như một điều gì tốt đẹp sắp xảy đến. Tôi nghĩ chúng dàn cảnh cho anh ấy gặp ai đó. Tôi nghĩ là chúng sắp đặt một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên có thể dẫn đến một kết quả nào đó. Tôi nghĩ là anh ấy có một cuộc hẹn hò trong ngày thứ Sáu."
"Hẹn hò với ai?"
"Cô nàng tóc đỏ chẳng hạn. Chúng dùng cô ấy để dụ tôi. Có thể chúng cũng dùng cô ấy để dụ Barr. Anh ấy mặc đẹp trong ngày thứ Sáu. Bản báo cáo nói rằng ví của anh ấy trong một chiếc quần tươm tất."
Helen hỏi, "Vậy thì ai thật sự làm vụ này?"
Reacher đáp, "Một kẻ nào đó lạnh như băng. Kẻ mà thậm chí không cần đi tè sau khi mọi chuyện xảy ra."
Rosemary nói, "Charlie. Hẳn là hắn. Phải là hắn. Hắn nhỏ con. Hắn quái dị. Hắn biết căn nhà. Hắn biết mọi thứ ở đâu. Con chó quen với hắn."
Reacher nói, "Hắn cũng là một tay súng rất tệ. Đó là lý do khác để tôi đi Kentucky. Tôi muốn thử nghiệm giả thuyết đó."
"Vậy kẻ đó là ai?"
Reacher đáp, "Charlie. Chứng cứ của hắn cũng là giả mạo. Nhưng theo cách khác. Những cái lỗ trên các tấm bia của hắn ở khắp mọi chỗ. Ngoại trừ việc chúng không thật sự ở khắp mọi chỗ. Vị trí phân bố của chúng không hoàn toàn là ngẫu nhiên. Hắn cố gắng ngụy trang việc hắn bắn giỏi như thế nào. Hắn nhắm vào những điểm bất kỳ trên tờ giấy và bắn trúng, từng phát ngay chóc, tin tôi đi. Thảng hoặc thấy chán thì hắn cho một viên vào ngay hồng tâm. Hay hắn chọn một góc phần tư bên ngoài vòng ngoài cùng và bắn một phát xuyên qua nó. Có lần hắn khoan thủng cả bốn góc. Vấn đề là, anh nhắm điểm nào cũng không quan trọng, miễn là anh bắn trúng nó. Chỉ do quy ước nên chúng ta nhắm vào hồng tâm. Nhắm vào một điểm nào khác cũng là cách tập bắn tốt y như thế. Thậm chí một điểm nằm ngoài tấm bia, như cái cây chẳng hạn. Đó là điều mà Charlie thực hành. Hắn là một tay súng ghê gớm, chuyên cần tập luyện, nhưng lại cố ra vẻ lúc nào mình cũng bắn trượt. Nhưng như tôi đã nói, con người không thể thủ đắc được sự ngẫu nhiên thật sự. Luôn luôn có những mô thức để theo."
Helen hỏi, "Tại sao hắn lại làm như thế?"
"Để có bằng chứng ngoại phạm."
"Làm cho người khác nghĩ là hắn không biết bắn?"
Reacher gật đầu. "Hắn nhận thấy tay chủ trường bắn lưu giữ lại những tấm bia đã sử dụng. Hắn là một tay chuyên nghiệp máu lạnh biết tính trước mọi chi tiết nhỏ nhất."
Franklin hỏi, "Hắn là ai?"
"Tên thật của hắn là Chenko và hắn cùng bọn với một băng người Nga. Có lẽ hắn là một cựu chiến binh Hồng quân. Chắc hẳn là một trong những tay bắn tỉa của chúng. Và chúng rất giỏi. Chúng luôn luôn giỏi."
"Chúng ta làm thế nào để tiếp cận với hắn?"
"Qua nạn nhân."
"Trở lại điểm xuất phát rồi. Các nạn nhân toàn là ngõ cụt. Anh sẽ phải tìm được một thứ gì hay ho hơn thế."
"Sếp của hắn tự xưng là The Zec."
"Tên gì mà kỳ quái vậy?"
"Nó là một từ, chứ không phải là cái tên. Tiếng lóng thời Xô viết ngày xưa. Zec có nghĩa là một tù nhân của trại lao động. Ở đảo Gulag thuộc Siberia."
"Những trại tù đó là chuyện xưa như trái đất rồi."
"Điều đó cho biết The Zec là một kẻ rất già. Nhưng là một tay già dữ dằn. Chắc chắn lão ghê gớm hơn là chúng ta có thể tưởng tượng được."
The Zec thấm mệt sau khi vật lộn hết hơi với chiếc xe ủi. Nhưng lão đã quen bị mệt. Lão đã mệt suốt sáu mươi ba năm rồi. Lão đã mệt từ ngày kẻ bắt lính đến làng của lão, vào đầu mùa thu năm 1942. Làng của lão cách bốn nghìn dặm khỏi nơi có người gần nhất, và tay bắt lính thuộc tuýp người Nga ở Moscow mà trước đây chưa ai từng thấy. Hắn nhanh nhẹn, kiêu hãnh và tự tin. Hắn không cho phép tranh cãi. Không bàn luận. Tất cả đàn ông trong độ tuổi từ mười sáu đến năm mươi phải đi với hắn.
Lúc đó The Zec mười bảy. Ban đầu lão bị bỏ sót vì đang ở tù. Lão ngủ với vợ của một tay lớn tuổi hơn, và đánh thằng cha đó tơi tả khi hắn phàn nàn về chuyện đó. Thằng cha bị đánh thỉnh cầu xin được miễn quân dịch vì tình trạng thể chất của mình, rồi hắn nói với tay bắt lính về kẻ hành hung hắn đang ở trong tù. Tay bắt lính nôn nóng làm cho đủ số, vì thế The Zec bị lôi ra khỏi ngục và được bảo sắp hàng chung với những người khác ở sân làng. Lão vui vẻ làm theo. Lão nghĩ rằng mình được tặng một chuyến đi đến miền tự do. Lão nghĩ rằng chỉ cần ra đi thì sẽ có hàng trăm cơ hội chờ đón.
Lão đã lầm.
Các tân binh bị nhốt trong một chiếc xe tải, rồi trong một con tàu, trong một chuyến đi kéo dài năm tuần. Thủ tục tuyển quân chính thức vào Hồng quân diễn ra trên đường đi. Quân phục được phát ra, đồ len dày, và một áo choàng, và một đôi giày bốt bằng dạ nhăn, và một sổ lương. Nhưng không có lương bổng thật gì cả. Không vũ khí. Và cũng không huấn luyện, ngoài một lần tàu dừng nhanh trên một sân ga đầy tuyết phủ, nơi đó có một vị ủy viên cứ la the thé vào đoàn tàu khóa chặt qua một cái loa khổng lồ. Gã cứ lặp đi lặp lại một bài diễn văn đơn giản dài hai mươi ba từ mà sau đó The Zec nhớ mãi mãi: Định mệnh thế giới đang được quyết định ở Stalingrad, nơi các anh sẽ chiến đấu đến người cuối cùng cho quê hương.
Chuyến đi dài năm tuần kết thúc trên bờ Đông của con sông Volga, nơi đó các tân binh được đổ xuống như súc vật và buộc phải chạy thẳng đến một nhóm nhỏ giữa những chiếc phà cũ trên sông và những chiếc du thuyền. Cách nửa dặm trên bờ bên kia là một cảnh tượng từ địa ngục. Một thành phố, lớn hơn bất cứ thứ gì mà The Zec đã được nhìn thấy trước đây, đang đổ nát, ngun ngút khói lửa. Con sông đang bùng cháy và nổ tung vì đạn súng cối. Trên bầu trời máy bay vần vũ, chúng xếp hàng lao xuống thả bom, bắn súng. Xác người ngả nghiêng khắp nơi, và các bộ phận thân thể, và kẻ bị thương đang rên la.
The Zec bị đẩy xuống một chiếc thuyền nhỏ có một tấm mành mành sọc màu sắc tươi vui. Lính tráng chật ních trên thuyền. Không ai nhúc nhích vào đâu được. Không ai có vũ khí. Chiếc thuyền trôi vào dòng nước đông cứng và máy bay rơi trên đó như ruồi bu trên đống cứt. Cuộc qua sông kéo dài mười lăm phút và khi đến nơi thì người The Zec nhầy nhụa máu của các đồng ngũ.
Lão bị dồn lên một cầu tàu hẹp bằng gỗ và bị bắt buộc xếp thành hàng một, rồi chạy về hướng thành phố, ngang qua một trạm nghỉ chân nơi mà chặng thứ hai của cuộc huấn luyện quân sự diễn ra: hai sĩ quan hậu cần phân phát những khẩu súng đã nạp đạn và những băng đạn dự phòng trong một chuỗi luân phiên bất tận, và ngâm nga một câu mà sau này, với The Zec, nó biến thành một bài thơ, hay một ca khúc, hay một bài tụng ca về sự điên rồ hoàn chỉnh và trọn vẹn, lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ:
Anh cầm súng bắn
Tôi không súng theo sau
Khi anh bị giết
Tôi nhặt súng xông lên bắn tiếp
The Zec được trao cho một băng đạn. Không có súng. Lão bị lùa xông tới, và mù quáng chạy theo sau lưng của một kẻ đi trước. Lão rẽ vào một góc phố. Ngang qua trước mặt một ổ súng máy của Hồng quân. Thoạt đầu, lão nghĩ là mặt trận rất gần. Nhưng rồi một viên chính ủy cầm cờ và một cái loa khổng lồ khác gào lên với lão: Không được quay lui! Nếu mày bước lui, dù chỉ một bước, thì chúng tao sẽ bắn hạ! Cho nên The Zec chạy thục mạng về phía trước và rẽ vào một góc phố khác, và lao vào một cơn mưa đạn của bọn Đức. Lão dừng lại, hơi quay người, và bị trúng ba phát vào tay và chân. Lão ngã xuống và nằm lại trên phần còn lại của một bức tường gạch bị phá hủy, và chỉ trong vài phút là bị vùi dưới một đống xác người càng lúc càng nhiều.