Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi (Tập 6) - Chương 1 - 2

1. TRIẾT LÝ SỐNG CỦA BẠN

Bạn không thấy lạ sao? Ai cũng muốn hạnh phúc, nhưng học “nó” ở đâu?

Chúng ta sinh ra trên đời. Rồi chúng ta đi học.

Chúng ta học toán. Chúng ta học về huyết cầu tố, học về rặng Hy Mã Lạp Sơn. Nhưng chưa bao giờ chúng ta học về hạnh phúc.

Tôi thường tự hỏi “Tại sao có một số người luôn luôn hạnh phúc?”

{Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.}

 

Rồi tôi băn khoăn “Phải chăng người hạnh phúc thông minh hơn những người khác?Hay chẳng qua họ quá ngờ nghệch nên không nhận ra mình khổ?”. Những câu hỏi như vậy càng về sau càng nhiều.

Hồi còn nhỏ, tôi thường mơ về thời tương lai.

Nhưng tới khi bước vào thời tương lai, tôi lại thường thất vọng.

Tôi khám phá ra rằng CUỘC ĐỜI KHẮC NGHIỆT HƠN TA TƯỞNG!

Tôi muốn biết:

“Tại sao có những người sống được một cuộc đời thú vị?”

“Tại sao có những người sống hạnh phúc hơn tôi?”

Tôi tìm đọc sách. Tôi tham dự những buội thuyết trình và những cuộc hội thảo.

Tôi thử đi trên lửa than.

Tôi tìm đọc những triết gia vĩ đại. Tôi nghĩ rằng họ có thể dạy tôi nhiều điều về hạnh phúc…

Rồi tình cờ tôi đọc về một nhóm triết gia Hy Lạp cổ đại mệnh danh là những ngưởi theo chủ nghĩa Hoài nghi. Họ cho rằng: “Tâm hồn anh chỉ thật sự thanh thản khi anh không còn tin bất cứ cái gì.”

Làm sao bạn có thể tin được điều họ nói chứ?

Rồi tôi đọc Socrates – và một tay nữa tên là Gorgias. Ông này tuyên bố:

  a) Không có cái gì thật sự hiện hữu, do đó

  b) Nếu có cái gì đó thực sự hiện hữu thì anh không biết nó được, do đó

  c) Anh không hiện hữu!

Làm sao mà xài kiến thức này chớ?

Cứ tưởng tượng coi… bạn bị cảnh sát giao thông tóm, viên cảnh sát nói:

“Có lý do gì để tôi không phạt anh chạy quá tốc đọ cho phép?”

Và bạn trả lời: “Ông có hiện hữu đâu!”

Tôi nhận thấy có hai điều về các triết gia:

a)         Hầu hết họ không hạnh phúc, và

b)      Nhiều người trong số đó là những nhà toán học!

“Triết lý hằng ngày”

Cuối cùng tôi tin rằng:

Có hai loại triết lý: loại triết lý kinh viện, và loại triết lý cụ thể hàng ngày của từng người.

Chính triết lý hằng ngày, cụ thể, của riêng bạn mới thật sự đáng kể.

Triết lý hằng ngày của bạn chính là những gì bạn tin về chuyện đời thường – công việc, tiền bạc, lo phiền, thất bại, bè bạn, chuyện gia đình, tương lai…

Triết lý hằng ngày là những gì chúng ta áp dụng để giải thích những thăng trầm trong đời: đó là nền tảng ta xây dựng cuộc sống của mình.

Chẳng hạn như khi ta nói…

“Cái gì xảy ra cũng đều có lý do của nó”, hay là

“Tai họa cũng chính là dịp may”, hay

“Hầu hết bọn đàn ông đều khốn kiếp!”

Thì đó là nhận thức hay kinh nghiệm cụ thể của riêng bạn.

Triết lý cụ thể riêng tư của mỗi chúng ta là cái lăng kính qua đó ta xem xét từng vấn đề và từng cơ hội trong cuộc sống.

Đó cũng thường là lý do ta nương vào để tiếp tục đường lối đang theo – hay từ bỏ nó.

Những người sống hạnh phúc nhất không nhất thiết là những người thông minh nhất hay giàu có nhất hay tài ba nhất. Nhưng họ có một triết lý riêng cực kỳ hữu dụng.

Những người hạnh phúc hình như có chung một số triết lý sống.

Cuốn sách này là bản tóm tắt những phương cách hành xử của những con người sống hạnh phúc, hiệu quả.

{Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.}

 

Có một vài ý tưởng trong đây quen thuộc với bạn rồi. đôi khi chúng ta không cần thêm thông tin gì mới – chúng ta chỉ cần nhắc để nhớ lại thôi.

Nếu bạn đang chịu đựng bi kịch cá nhân hay tôn thương nghiêm trọng trong đời, thì cuốn sách này có thể là chưa đủ. Nhưng nó có thể giúp bạn đối mặt với những thách thức trong cuộc sống  hàng ngày.

2.MỖI LẦN TỪNG NGÀY MỘT

Khi  cuộc sống gặp khó khăn

Làm sao sống nổi khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt?

Làm sao tiếp tục chịu đụng nổi khi bạn đang khổ sở, cô đơn hay túng quẫn?

Bạn chỉ có thể giải quyết những vấn đề ấy như thể bạn đang leo núi…

Giả thử như bạn đang leo núi – và bạn bị mắc kẹt vào cái gờ đá – thế là đột nhiên bạn phải hết sức tập trung vào cái khoảnh khắc hiện tại ấy!

Bạn quên hết mọi chuyện xa xôi. Tất cả mọi nỗ lực của bạn đều dồn vào bước kế tiếp mà bạn sẽ làm. Rồi bước kế tiếp nữa. Từng phân một.

Cuối cùng bạn nhích từng phân một ra khỏi tai nạn.

Đây cũng là phương cách rất hữu hiệu trong cuộc sống hằng ngày.

Khi công chuyện có vẻ như vô phương cứu chữa, bạn hãy tập trung vào ngay cái khoảnh khắc bạn đang sống.

Bạn xử lý từng vấn đề một. Bạn tiến được một bước. Tự tin lên một chút… rồi bạn tiến thêm một bước nữa, rồi thêm một bước nữa.

Cuối cùng bạn bỗng nhận ra rằng điều tồi tệ nhất không còn nữa.

Nếu bạn lo âu phiền muộn về:

   a) Tất cả những điều bạn phải làm trong tháng tới, hay là

   b) Tất cả những điều bạn sợ sẽ không ra gì trong năm tới,

     Thế thì bạn có thể phát điên.

Nhưng bạn có thể xử lý mỗi lần từng ngày một.

Và bất cứ khi nào mà suốt 24 tiếng đồng hồ đều quá khắc nghiệt, thì hãy cố rút ra cho được mỗi lần 5 phút.

ĐÚC KẾT

Tất cả những gì bạn làm được là hãy làm hết mình cho đến khi đi ngủ.

Để ngày mai tự lo lấy cho ngày mai.

Những chuyện hoang đường về hạnh phúc

Vào những năm 1990, nhà nghiên cứu Ronald Inglehart cho xuất bản kết quả của một cuộc “khảo sát về hạnh phúc” quy mô gồm tới 170.000 người ở 16 quốc gia trên thế giới.

Những người tham gia được hỏi những câu hỏi đại loại như “Bạn sống hạnh phúc ra sao?” và “Bạn có vừa lòng với cuộc sống của mình không?”

Inglehart quan tâm tới việc liệu tuổi tác có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc của con người hay không. Vì vậy ông đã phân tích các dữ liệu thu thập được  theo nhóm tuổi, 15 tới 24 tuổi, 25 tới 34 tuổi, 35 tới 44 tuổi, cứ tiếp tục như vậy.

Thế thì ai là những người ít hạnh phúc nhất? Lứa tuổi thanh niên? Lứa tuổi trung niên? Và bạn nghĩ ai là những người hạnh phúc nhất?

Đây là kết quả:

15-24 tuổi: 81% bằng lòng với cuộc sống

25-34 tuổi: 80% bằng lòng với cuộc sống

35-44 tuổi: 80% bằng lòng với cuộc sống

45-54 tuổi: 79% bằng lòng với cuộc sống

55-64 tuổi: 79% bằng lòng với cuộc sống

65 tuổi trở lên: 81% bằng lòng với cuộc sống

Kết quả của từng nhóm tuổi gần như là đồng nhất!

Trong một cuộc nghiên cứu khác, hai nhà tâm lý của trường đại học bang Arizona là William Stock và Moris Okun cũng đạt những kết quả y hệt. Họ thẩm định của hơn 100 cuộc khảo sát tâm lý và cuối cùng gút lại điều này – tuổi tác chỉ ảnh hưởng tới hạnh phúc không quá 1%.

Bất chấp mọi tưởng tượng, bất chấp mọi cuộc tranh luận về “những rối loạn của tuổi mới lớn” và “ khủng hoảng tuổi trung niên”, tuổi tác hấu như chẳng ảnh hưởng gì tới hạp phúc của bạn cả.

ĐÚC KẾT

Vấn đề không phải là tuổi tác, vấn đề là cách nhìn của bạn.

(Nguồn: Dữ liệu từ 169776 người được Robert Inglehart, bộ phận phụ trách văn hóa của Advanced Industrial Society, phỏng vấn. Nhà xuất bản Princeton – 1990. Và David G.Myers, The Pursuit of Happiness, Harper Collins Publishers 1992)

Tống khứ thói quen lo rầu!

Phần đông chúng ta hay lo âu phiền muộn.

Chúng ta lo lắng về tiền bạc, về con cái… và cả về chuyện không biết hàng xóm đánh giá mình ra sao!

Thậm chí có người còn bảo bạn: “PHẢI biết lo chớ!”

Nhưng lo âu không những vô ích, mà còn tệ hại hơn thế nữa.

Trước tiên, nó thường hút theo nó nỗi bất hạnh.

Thứ đến, nó hại đến sức khỏe của bạn!

Vậy bạn phải làm gì vời chuyện lo âu? Cứ hoãn lại đã!

Hãy bắt tay vào hành động TRƯỚC, và hoãn binh vô thời hạn với nỗi lo.

Đó là điều những con người sống hiệu quả vẫn làm.

Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy muốn lo, hãy tự nhủ:

“Là vấn đề gì ngay lúc này vậy?”

Đoán thử xem bạn sẽ thấy gì… trừ khi tính mạng bạn đang treo trên dầu sợi tóc, bạn chẳng có vấn đề quái nào hết!

Dĩ nhiên là trong cuộc sống vẫn có tai ương, có bệnh tật. có khủng hoảng tài chính. Nhưng đó đâu phải là lý do để sống sợ hãi như một con thỏ đế.

Khi gặp khủng hoảng, ban có thể đương đầu với nó TỪNG CHÚT TỪNG CHÚT MỘT. Chỉ khi nào đầu óc bạn trôi dạt vật vờ vào chuyện tương lai xa vời, thì nó mới nghiền nát bạn.

Mà tâm trí bạn sẽ luôn muốn lôi bạn vào tương lai thôi!

Hãy trụ vào hiện tại. Hãy làm bất cứ chuyện gì bạn có thể làm được ngay trong hôm nay – và gạt nỗi lo âu ra ngoài.

Hãy nhìn lại đòi bạn.Đã có tình huống nào khiến bạn không sống sót đâu? Chưa hề có!

Bạn có thể kiểm soát hiện tại. Còn cái thời tương lai xa xôi kia mới khiến bạn lo lắng!

ĐÚC KẾT

Khi nỗi lo âu muốn xuất hiện, cứ chần chừ với nó.

Khi có ai hỏi, “Anh không lo lắng tới việc đó hay sao?”, hãy bảo họ là: “Tôi biết lo đó chớ - nhưng tôi không luẩn quản với nỗi lo!”

Tính cách

Có bao giờ bạn nhìn vào gương soi và nói,

“Ước gì mình có một gương mặt khác…thân hình khác…cái mũi khác”?

Bạn có bao giờ nhìn lại cuộc đời mình và nói,

“Sao người ta lại nhiều tài năng và xuất sắc quá vậy?”

“Còn mình tốt như thế nào đây?”

Phần lớn chúng ta đều có những ý nghĩ như vậy!

Và đây là điểm mấu chốt…

Tài hoa và sắc đẹp là những lợi thế lớn – nhưng có biết bao người có tài hay xinh đẹp mà ta chẳng ngưỡng mộ chút nào. Thậm chí có người chỉ là nỗi phiền phức bực mình.

Cuộc đời của những nhân vật lỗi lạc như A.Lincoln, Mẹ Theresa, Mahatma Ghandi không có sắc đẹp lẫn tài hoa.

Những phẩm chất mà hầu hết chúng ta quý trọng hơn cả là TÍNH TRUNG THỰC, CAN ĐẢM, NHẪN NẠI, KHOAN DUNG ĐỘ LƯỢNG và KHIÊM TỐN.

Hãy nhìn vào bản liệt kê trên và bạn sẽ thấy một điều thú vị.

Những phẩm chất này không phải BẨM SINH.

Chúng được bạn PHÁT TRIỂN dần.

Bất cứ ai cũng có thể sở hữu những phẩm chất này.

Nếu bạn thật lòng muốn, bạn có thể có chúng!

Nếu muốn có lòng tự trọng, muốn được người khác kính trọng, bạn đâu cần phải là một thiên tài hay là một siêu mẫu.

Bạn chỉ cần phát triển tính trung thực của chính bạn, phát triển sự kiên quyết, tính khoan dung, đức khiêm tốn và lòng can đảm trong con người bạn.

Điều này được gọi là “Tính cách”.

ĐÚC KẾT

Bạn nhìn nhận về chính mình như thế nào nằm trong tay bạn.

“Tại sao?”

Anh bạn John Foppe của tôi khi sinh ra bị thiếu mất hai cánh tay.

Nhưng John không bao giờ đặt câu hỏi,

“TẠI SAO tôi không có tay?”

Anh chỉ tự hỏi,

“Tôi có thể làm được gì với hai chân đây?”

Khi nhìn thấy John dùng đũa ăn cơm, tôi đã thốt lên:

“Anh làm được mọi thứ!”

Khi gặp một sự kiện đau buồn, hay khi mất tất cả, hoặc một người tình rời bỏ ta, thì ta thường hỏi “TẠI SAO?”

“TẠI SAO lại là tôi?”

“TẠI SAO lại vào chính lúc này?”

“TẠI SAO nàng bỏ tôi để theo một thằng giẻ rách?”

Những câu hỏi TẠI SAO như vậy có thể khiến bạn phát điên lên, vì thường không có câu trả lời.

Hoặc vấn đề không phải ở chỗ “tại sao”!

Những người sống hiệu quả đặt câu hỏi “CÁI GÌ?”

“Mình sẽ làm cái gì về vụ này?”

“Mình học được CÁI GÌ từ vụ này?”

Khi tình thế quả thật là tuyệt vọng, họ hỏi,

“Mình có thể làm được CÁI GÌ trong 24 giờ tới để tình thế sáng sủa hơn?”

ĐÚC KẾT

Những người hạnh phúc nhất không bận tâm tìm xem cuộc đời có công bằng không. Họ chỉ tận dụng những gì họ có.

Cuộc đời có “công bằng” không? Có thể là không. Nhưng hỏi Tại sao thì làm được gì!

Sức mạnh tinh thần

Bạn có thể nhận ra điều đáng kể ở những con người hạnh phúc nhất…

Họ đã từng vượt qua được những thất bại nặng nề.

Những người hạnh phúc có khi cũng bị vỡ nợ, ốm đau bịnh hoạn, bị đuổi việc hoặc bị lường gạt !

Họ cũng có những vấn đề như bao con người khác.

Nhưng họ có tinh thần vững vàng tập trung vào việc tìm giải pháp.

Họ đã phát triển được “Sức mạnh tinh thần”.

Sức mạnh tinh thần cũng tựa như sức mạnh thể chất vậy.

Bạn khỏe mạnh cứng cáp bởi CƠ BẮP của bạn được tập luyện.

Bạn tập chạy lên đồi dốc.

Sức mạnh cơ thể của bạn tăng dần lên.

Bài tập cho tinh thần cũng vậy thôi.

Bạn rèn luyện tinh thần bằng cách đối mặt với các vấn đề.

Sự nỗ lực làm tăng sức bền.

Bạn không thể mạnh bằng cách chui xuống gầm giường.

Bạn phải đối đầu trực tiếp với cuộc sống.

Bạn chấp nhận một số rủi ro.

Bạn vấp ngã, rồi vùng dậy.

Mỗi ngày, bạn vững vàng thêm một chút.

Dần dà bạn tạo được cho mình một thái độ tích cực.

Khi cuộc sống trở nên khắc nghiệt, hãy tự nhắc nhủ rằng: “Chuyện này làm tinh thần mình càng cứng cáp, mình càng hạnh phúc hơn”.

ĐÚC KẾT

Cuộc sống dễ dàng không hẳn cho bạn hạnh phúc.

Thông thường chính cái ngược lại kia!

Tiếng cười

Bạn đã bao giờ đụng đầu vô tường hay bị dập tay khi đang đùa giỡn với bạn bè? Bạn có để ý điều gì không?

Khi bạn vui cười, bạn không cảm thấy đau.

Cả một thế giới kỳ diệu xảy ra khi bạn CƯỜI…

   - Phổi bạn nở ra, sự hấp thu oxy tăng.

   - Hệ miễn dịch cơ thể đang hoạt động – do đó sức đề kháng mạnh hơn. Cơ thể bạn sản xuất thêm nhiều tế bào T, đó là những tế bào kháng virus và ung thư.

   - Chất Endorphin giảm đau tự nhiên của cơ thể được phóng xuất trong não, làm giảm stress.

   - Tiếng cười không những làm giảm đau đớn thể xác, nó còn làm giảm nỗi đau tinh thần.

Khi cười, tự nhiên chúng ta thấy tràn đầy lạc quan và hy vọng.

Khi cười, chúng ta nói với mình – và với cả thế giới “TÔI KHÔNG NHẬN SỰ ĐAU KHỔ”.

Tiếng cười giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi đau khổ và thất vọng.

Trong hầu hết mọi tình huống đều có khía cạnh tươi vui. Chỉ cần để ý tìm nó.

Còn có điều gì khác hữu ích nữa không? À, đừng cố gắng cho hoàn hảo.

Khi chúng ta thôi cố gắng cho được hoàn hảo, chúng ta sẽ bật cười về chính bản thân mình – và như vậy chúng ta sẽ cười được thường hơn.

ĐÚC KẾT

Cuộc đời đâu có nghiêm trọng dữ vậy. Hãy sống hài hước và tươi vui một cách nghiêm túc hơn.

Khi sự việc ở ngoài tầm kiểm soát

Đây là công thức chế biến để được khổ não muôn năm:

a)      Khăng khăng rằng thế giới PHẢI giống như bạn muốn.

b)      Đề xướng một đống quy tắc mà mọi người PHẢI noi theo.

Rồi nổi giận, nếu thế giới không tuân theo những quy tắc đó.

Đó là kiểu xử sự của những con người bất hạnh.

Coi nào, chúng ta thường mong rằng:

Bạn bè PHẢI có qua có lại.

Mọi người chung quanh PHẢI coi trọng ta.

Các chuyến bay PHẢI đúng giờ giấc quy định.

Ai nấy đều PHẢI thành thật.

Đức lang quân PHẢI nhớ ngày sinh nhật của ta.

Những mong mỏi này đều có vẻ hợp lý. Thế nhưng chuyện đời đâu có như vậy. Và rốt cuộc bạn cảm thấy oải trăm bề và cực kỳ thất vọng.

Khi mọi chuyện ngoài tầm kiểm soát của ta, hãy tự nhủ:

“MÌNH MUỐN “A” HƠN, NHƯNG NẾU CHỈ CÓ “B” THÌ CŨNG TỐT THÔI”

Thực tình nó chỉ là cái mẹo thoát hiểm của tâm trí, nhưng nếu chúng ta biến nó thành một thói quen, thì tâm chúng ta sẽ được thoải mái hơn…

Bạn muốn mọi người tỏ ra lịch sự…nhưng khi họ thô lỗ, thì điều đó đâu có làm điêu tàn một ngày sống trong đời của bạn.

Bạn muốn có một bầu trời đầy nắng, thế nhưng mưa thì cũng tốt chứ sao!

Nói cách khác, bạn hãy uyển chuyển mềm dẻo trong xử sự.

Để hạnh phúc hơn, thì chúng ta cần hoặc là:

   a)Thay đổi thế giới, hoặc là

   b)Thay đổi cách suy nghí của mình.

   Thay đổi cách suy nghĩ của mình dễ thực hiện hơn nhiều.

ĐÚC KẾT

Không phải cái gì đã xảy ra quyết định hạn phúc của bạn.

Chính là cách bạn nghĩ như thế nào về điều đã xảy ra để sống hạnh phúc.

Nổi xung!

Thời buổi này nơi đâu cũng đầy chuyện bực mình. Đường sá, nhà hàng, siêu thị, điện thoại, bệnh viện, vân vân… đâu đâu cũng đều có thể khiến ta nổi giận. vấn đề này có vài điều thú vị, đáng chú ý…

Thường thường thì không phải những gì xảy ra khiến ta tức giận.

Mà đó là khi ta muốn một đàng, nó lại xảy ra một nẻo…

Ví dụ:

Bạn đang lái xe trên xa lộ cao tốc, thế rồi bạn muốn đổi làn xe.

Bạn MONG tay lái làn bên cạnh tránh chỗ cho bạn qua – nhưng hắn không tránh.

Bạn MONG hắn để ý, nhưng hắn không để ý. Vậy là bạn nổi khùng!

Vấn đề không phải là tay lái xe kia – mà là sự trông đợi ra rằng hắn phải tử tế.

Sự trông đợi đặt nền tảng cho thất vọng và tức giận.

Phần lớn người khác đâu có suy nghĩ giống bạn, bạn bị trật đường rầy. Vậy càng ít trông đợi vào thế giới (và cả ở thời tiết nữa kia) chừng nào, thì cuộc sống của ta sẽ đễ chịu hơn nhiều chừng ấy.

Có ba lời khuyên nhỏ để giúp bạn bình tĩnh:

   1. HÃY NÂNG ĐỠ ĐỨC KHIÊM TỐN. người ưa nổi giận thường có khuynh hướng cho rằng a) họ quan trọng hơn mọi người khác, và b) họ luôn luôn đúng. Khi không đạt được điều họ muốn, họ liền nổi giận. Hãy thư giãn chút đi. Thỉnh thoảng hãy cho phép người khác đạt được điều họ muốn.

   2. QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU GÌ THỰC SỰ QUAN TRỌNG cho đời mình, giả sử như theo thứ tự từ một tới mười. bạn có thể xếp ăn uống vào hàng thứ 9 trên 10, có công ăn việc làm hàng thứ 7 trên 10, bọn lái xe ngu ngốc vào hàng thứ 2 trên 10, và thang máy chạm như rùa vào hàng zê-rô. Khi có dự kiến như vậy, bạn sẽ không bực tức về tiểu tiết.

   3. CHẤP NHẬN THỰC TẾ. người nóng giận ưa tranh cãi với thực tế.! họ hay nói đại loại như “Lẽ ra trời không được mưa!” hay “Bọn ăn trộm không được trộm cắp!”. Quả là phí sức lãng nhách. Khi bạn tranh hơn với thực tế, thực tế thắng là cái chắc!

ĐÚC KẾT

Có tới hơn sáu tỷ rưỡi người trên thế giới này. Thỉnh thoảng cũng nên để cho họ được những điều họ muốn còn chúng ta cũng cần có lúc ra về tay không. Đó đâu phải là lý do để gào thét hay đánh đấm với họ.

“Ta đang đi về đâu?”

Có bao giờ bạn tự hỏi “Mình đang làm cái quái gì trong công việc ngu ngốc này?”. Có bao giờ bạn thấy kẹt cứng không lối thoát chưa?

Nếu bạn cảm thấy bực bội hay khổ sở trong công việc bạn làm – dù bạn là công nhân nhổ lông gà hay bác sĩ chuyên giải phẫu não – thì phương cách hay nhất là…LÀM HẾT SỨC MÌNH!

Tại sao?

   - Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với chính bạn

   - Bạn phát triển kỹ năng của bạn

   - Bạn sẽ tạo nên tiếng tăm

   - Rồi đây, sẽ có người để ý tới bạn và cất nhắc bạn lên một vị trí tốt hơn, hoặc

   - Một ngày nào đó bạn sẽ đủ lòng tin để tự tạo công việc của chính bạn.

Anh bạn Fred nói, “Nếu tớ có công việc ngon lành, tớ sẽ làm chết bỏ - nhưng với cái việc chết tiệt hiện nay, thì tớ chỉ ngủ suốt ngày thôi.”. Không đâu, Fred!

Khi chúng ta làm hết sức mình, thì tự nhiên cuộc đời đưa ta tới những cơ hội mới. Có khi phải chờ, nhưng thế nào nó cũng đến.

Thêm điều này nữa…dịp may, cơ hội có việc làm – và cả chuyện yêu đương nữa – thường đến vào lúc ta ít trông đợi nhất.

Những vận may và những mối quan hệ đổi đời vẫn thường xảy đến trong những hoàn cảnh khó tin nhất.

Đó là cách cuộc đời nhắc nhở ta hãy tôn trọng mọi người ta gặp.

Đó cũng là cách cuộc đời nhắc nhở ta luôn giữ một tâm hồn rộng mở.

Những người thành công thường tự nhủ “Nếu mình tận tâm tận lực với cơ hội này, mình sẽ có được một cơ hội lớn hơn nữa”.

ĐÚC KẾT

Cuộc đời tưởng thưởng cho những nỗ lực, chứ không cho những lời biện minh.

Kiên nhẫn

Một người phụ nữ tiến tới gần nghệ sĩ violon nổi tiếng Fritz Kreisler sau một buổi trình diễn của ông.

Bà ta nói, “Ông Kreisler à, tôi sẵn sàng đổi cả đời mình để chơi đàn được như ông!”

Người nghệ sĩ quay lại và mỉm cười “THÌ TÔI CŨNG ĐÃ LÀM NHƯ VẬY!”

Nếu bạn thật sự muốn giỏi về một cái gì đó, có lẽ bạn phải giành hết cả cuộc đời tập luyện, hoặc là mười năm, hay ít nhất là sáu tháng!

Một trăm năm trước, hầu như ai cũng hiểu được điều này. Còn bây giờ mọi người đều muốn có kết quả ngay lập tức!

Nếu bạn đang:

   - Rèn luyện thể hình

   - Học một ngôn ngữ

   - Luyện cú đánh võng môn golf

   - Tập hát

   - Tập chơi một môn thể thao mới, món giải trí mới, bắt đàu một nghề mới…

Bạn hãy giành đủ thời gian cho nó

Lên kế hoạch hàng ngày, theo sát nó…VÀ giành đủ thời gian để hoàn thiện nó.

Có thể bạn thấy một chút xíu tiến bộ trong một tháng. Hãy giành thêm sáu tháng – hoặc một năm – RỒI THÌ sự tiến bộ hiện rõ trước mắt bạn.

Phần lớn mọi người bỏ cuộc quá sớm!

ĐÚC KẾT

Để thành công, đây là những điều bạn cần – theo thứ tự ưu tiên:

   1.Chịu dựng và bền chí

   2.Tài năng.

Không đáng kinh ngạc sao?

Vào lúc 23 giờ 30 Fred đáp một chuyến bay phản lực ở Bangkok – Thái Lan. Chiếc máy bay chứa tới 420 hành khách và nặng bằng một chung cư nhỏ.

Suốt 14 giờ đồng hồ sau đó, Fred di chuyển với vận tốc hơn 800km/h. Cách mũi anh vài tấc, nhiệt độ không khí bên ngoài lạnh tới âm 55 độ C và gió đang thổi mạnh như bão.

Trong lúc đó tiếp viên hàng không đang dọn bữa cho anh – bít-tết Argentina, rượu Australia, bơ Ireland, phó mát New Zealand, cà phê Columbia.

Chỉ cần một cái nhấn nút, mền và gối được đưa tới liền.

Không cần rời khỏi ghế, Fred mua cả mớ đồng hồ miễn thuế cho mấy đứa nhỏ. Phần anh, trong khi nhâm nhi món tráng miệng, anh theo dõi những bộ phim mới nhất của Hollywood.

Rồi anh đánh một giấc ngủ ngắn. Bữa điểm tâm là bánh sừng bò và trái cây.

Tất cả điều này chỉ ở khung giá bình dân thôi.

Vào 5 giờ sáng giờ London, ngay giữa một cơn mưa đá với tầm nhìn xa 10 mét, anh đặt chân xuống phía bên kia trái đất – sớm hơn 2 phút so với lịch trình.

Vợ anh ra đón anh tại phi trường… “Chuyến bay ra sao anh?”, cô hỏi.

Fred trả lời, “Có gì lạ đâu!”

Chẳng có gì lạ ư? Thật đáng kinh ngạc! Chúng ta xem quá nhiều điều là chuyện đương nhiên.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phi thường. Chúng ta may mắn được ăn cơm mà không phải trồng, cấy, ăn cá mà không cần phải đánh bắt, lái những chiếc xe mà mình không chế tạo, băng qua những cây cầu mà mình không hề xây.

ĐÚC KẾT

Bất cứ chuyến bay nào hạ cánh an toàn đều là một chuyến bay tuyệt hảo.

Hạnh phúc

Bạn đừng chờ đợi cuộc đời trở nên dễ chịu hơn. Bạn hãy chọn cách để sống hạnh phúc trước đã.

Tôi nhớ mình đã từng chờ cho cuộc sống được dễ dàng hơn. Tôi đã tự nhủ, “Khi mình được bớt đi các vấn đề phải đương đầu, thì mình sẽ hạnh phúc hơn.”

Rồi tôi để ý thấy một điều đáng ngạc nhiên. Những người hạnh phúc nhất mà tôi biết đều có nhiều vấn đề phải đương đầu hơn tôi.

Có lẽ bạn cũng từng thấy tương tự như tôi – những người được thủ đắc nhiều nhất từ cuộc đời thường có một đời sống khó khăn. Họ mất những người thân yêu, bị phá sản, mắc những chứng bệnh nghiêm trọng – và như vậy, chính họ mới thực sự gặp những vấn đề lớn. nhưng họ hạnh phúc, vì vào một lúc nào đó họ quyết định cách duy nhất để sống nổi là phải sống “hạnh phúc”.

Hạnh phúc không phải là một cái gì tự xảy đến với ta, như một “tai nạn” chẳng hạn. Đó là cái mà ta CHỌN.

Mới gần đây tôi có một buổi trò chuyện trên radio với một phụ nữ tên Rena ở Cleveland.

Bà Rena nói, “Tôi vừa mới ly dị, tôi đang bị thưa kiện, căn nhà của tôi vừa mới bị cháy, và rồi bây giờ bác sĩ lại cho hay căn bệnh ung thư của tôi tái phát lần thứ ba”. Nhưng bà nói thêm, “Nhưng ông biết không, để chống lại mọi thứ đó, tôi cần sống hạnh phúc.”

Nếu buổi sáng mai bạn thức dậy, và nói “Hy vọng hôm nay sẽ là một ngày tốt lành, rồi mình sẽ hạnh phúc”, kiểu như vậy, bạn không bao giờ hạnh phúc đâu.

ĐÚC KẾT

Bạn không tìm thấy hạnh phúc ở chỗ vắng bóng mọi vấn đề khó khăn.

Bạn tìm thấy hạnh phúc bất chấp mọi vấn đề khó khăn đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3