Thuyền trưởng tuổi 15 - Phần 2 - Chương 17 - 18 (Hết)

Chương 16

NHỮNG CHUYỆN BẤT NGỜ

Suốt tám ngày thuyền đi trót lọt, không xảy ra chuyện gì quan trọng. Trong ngày mồng chín tháng bảy, Đíchsơn đã tỏ ra gan dạ phi thường. Lúc đó một mình Đíchsơn ở trên bộ, đang rình một con nai. Đíchsơn vừa bấm cò thì một con vật to lớn ở đâu nhảy vọt ra, chỉ cách độ ba mươi bước. Đó là một con mãnh sư, thứ sư tử to lớn dữ tợn, mà thổ dân gọi là “Karamốt”, một giống vật ghê gớm nhất trong các loài ác thú. Con mãnh sư đã nhảy đúng vào con nai vừa bị đạn ngã quỵ, đang giẫy giụa và kêu la. Đíchsơn không kịp lên đạn lần thứ hai. Con sư tử, khi nhảy đến đã trông thấy ngay Đíchsơn nhưng nó chỉ đứng nhìn thôi. Đíchsơn đứng im, không động đậy, cậu nhớ rằng trong trường hợp này chỉ có đứng im may ra thoát chết. Vì vậy mà Đíchsơn không nạp đạn cũng không chạy trốn. Sư tử vẫn trừng trừng nhìn chú bằng đôi mắt đỏ ngầu và sáng lóe. Nó ngập ngừng giữa hai con mồi, một con cử động, một con bất động. Nếu con nai không nằm trong móng vuốt của con sư tử rồi thì thế nào Đíchsơn cũng mất mạng.

Hai phát trôi qua như thế, sư tử giương mắt nhìn, Đíchsơn cũng nhìn lại sư tử không chớp mắt. Thế rồi, sư tử đớp vào thân con nai còn giãy dụa, tha đi như một con chó săn tha con thỏ rồi nhảy vọt vào rừng, cái đuôi xù quất rạp cả những cành cây sau lối nó đi. Đíchsơn đứng yên lặng một lúc chờ cho ác thú đi xa rồi mới trở về thuyền, chú bình thản như thường, không kể lại cơn nguy hiểm vừa trải qua với ai cả. Rõ ràng, nếu đoàn Đíchsơn không chọn con đường thủy mà băng qua rừng, thì có lẽ bây giờ không còn ai sống sót với loài ác thú đầy rẫy ở miền này.

Suốt dải đất mà con thuyền đã qua, không thấy chỗ nào có người ở. Nhưng ngày xưa chắc đã có người cư trú vì trên một vài nơi đất thấp có vết tích các làng mạc cũ. Một nhà thám hiểm trước đây qua vùng này đã có nhận xét như thế. Nhìn những hàng rào cao làm bằng các cây giáo nhọn còn sót lại và một vài cây vả cổ thụ, “cây vả thần” đứng trơ trọi giữa vùng đất, người ta biết ngay là xưa kia đã có một làng nhỏ ở đây. Theo cổ tục, sau cái chết của người đầu mục, dân làng phải rời bỏ nơi bất an nhàn, kéo nhau đến một nơi khác lập nghiệp.

Ngoài dân du mục này, đây có lẽ còn có những bộ lạc sống ở hang dưới đất như người ta tìm thấy ở nhiều chỗ tại châu Phi. Những người này chỉ lên mặt đất ban đêm để kiếm mồi và ăn cả thịt sống.

Chiều ngày mười tháng bảy, đoàn Đíchsơn một phen hết hồn. Xa xa, đằng trước mặt về bờ bên phải, có một làng ở trên mặt nước. Khúc sông này phình ra thành một vũng nhỏ, bờ bên trái đá mọc lởm chởm, bờ bên phải là những nhà sàn trên mặt nước, ước chừng ba mươi nóc. Thuyền phải theo dòng nước chui qua dưới lớp nhà sàn. Làng này có người ở. Ánh lửa thấp thoáng dưới những mái tranh.

Đíchsơn ngồi ở mũi thuyền, vừa lựa thế đi vừa nói nhỏ báo cho Ecquyn lái để khỏi chạm vào chân những cây cột mọt của các nhà sàn. Đêm sáng, trong thuyền nhìn ra khá rõ bên ngoài nhưng bên ngoài cũng nhìn khá rõ trong thuyền. Đây là giây phút nguy kịch nhất. Có hai người ngồi trên một thân cây gần sát nước, đang nói chuyện với nhau. Thuyền phải trôi qua dưới chân họ. Chỉ còn vài chục thước nữa thì tới chỗ họ rồi. Đíchsơn trông thấy người nọ trỏ cho người kia biết “đống cỏ” sắp trôi đến làm đứt tấm lưới bằng dây leo mà họ đang chăng bắt cá. Rồi hai người vội vàng kéo lưới lên và hò người ra giúp đỡ.

Năm, sáu người da đen chạy và đi trên những cây sà ngang nối giữa hai dãy nhà sàn. Họ càu nhàu nguyền rủa ầm ĩ. Trong thuyền, im lặng, không một tiếng động.

Mỗi người một tay, họ hì hục kéo tấm lưới dài và nặng lên. Nếu họ kéo kịp, thuyền sẽ trôi qua không sao. Trái lại, nếu thuyền vướng vào lưới thì chết. Vì thế, nước càng chảy mạnh bao nhiêu, Đíchsơn và Ecquyn càng cố giữ cho thuyền trôi chậm bấy nhiêu.

Trong nửa phút, thuyền len qua giữa hai hàng cột. Rất may tấm lưới được kéo lên kịp. Thuyền trôi tọt nhưng bị tróc mất một mảng cỏ ở sườn bên phải. Một người kêu lên. Anh ta đã thoáng nhìn thấy những gì ẩn dưới mảng cỏ chăng? Con thuyền đã trôi quá tầm rồi. Chỉ trong giây lát, do sức nước chảy như thác, nhìn lại, khu nhà sàn đã mất dạng. Đíchsơn bảo:

- Đi sang bờ bên trái. Lòng sông chỗ này đã hết đá rồi.

Ecquyn vừa lái vừa nói:

- Bên trái.

Trăng đã lên cao, dưới ánh trăng vằng vặc, Đíchsơn nhìn xa trên mặt sông không thấy gì khả nghi nữa, nhưng thuyền vẫn cẩn thận đi về bên trái.

Bốn ngày tiếp theo, từ 11 đến 14 tháng bảy, quang cảnh vùng đất con thuyền đi qua thay đổi hẳn.

Không phải là một “hoang địa” mà là một vùng cằn khô, có thể so sánh với sa mạc “Katahati” ở nam bộ châu Phi mà bác sĩ Livinhxton đã khám phá ra trong chuyến thám hiểm đầu tiên. Con sông con kéo dài vô tận, có lẽ nó cứ thế bò ra đến Đại Tây Dương. Vấn đề thực phẩm ở miền đất khô cằn này trở nên nan giải. Săn bắn không được, trong thuyền có ít lương thực dự trữ phải đem ra dùng.

Bình nguyên ở hai bên sông trơ trụi không có cây cối gì, chỉ có những ngọn đồi trọc xa tít tắp ở phía đông cũng như phía tây. Lương thực cạn rồi, Đíchsơn không biết xoay sở ra sao. Chợt Ecquyn nhớ rằng những dân miền rừng núi thường dùng búp cây dương xỉ và ruột cây chỉ thảo để ăn. May quá, ven hai bờ sông, hai thứ cây này không hiếm. Búp dương xỉ được luộc lên ăn, và ruột cây chỉ thảo lấy ra ăn ngay rất ngọt. Giắc rất thích các thứ này. Tuy nhiên, hai thứ đó chỉ dùng tạm thời cho qua cơn đói. Hôm sau nhờ có Binđác mà mọi người được một bữa mát lòng.

Hôm đó, Đíchsơn đem súng sục sạo các đám cỏ tranh trên bờ sông chợt một con chim nhỏ bây vụt lên, Đíchsơn giơ súng toan bắn thì có tiến kêu:

- Đừng bắn! Con chim nhỏ nấu đủ ăn cho năm người à?

Đó là tiếng kêu của Binđác, Đíchsơn đáp:

- Thế thì dành cho Giắc vậy.

Nói xong, Đíchsơn lại chĩa súng vào con chim còn đậu yên đó. Binđác lại kêu:

- Đó là một tên chỉ điểm có ích. Nó sẽ đưa chúng ta đến kho mật ong.

Đíchsơn hạ súng, ngẫm nghĩ. Hai người liền theo sau con chim. Nó bay, nó đậu, nó nhảy đến chỗ mấy khúc cây mọt nằm dài trong một bụi mận gai, chung quanh có hàng ngàn con ong đang bay lượn vo ve.

Hai người liền nhặt cỏ khô hun tổ. Đàn ong kéo đi hết, họ lấy được rất nhiều mật và để phần lại cho con chim những nắm sáp ong.

Hai người đem mật về thuyền, mọi người mừng rỡ. Nhưng khi mật đã hết, họ chỉ còn nước lã cầm hơi. Mọi người sẽ không khỏi chết đói, nếu trong ngày 12 tháng bảy, con thuyền không qua một vùng cứu sinh. Nơi đây, bờ cỏ xanh tốt, có hàng triệu con cào cào thấy động bay rào rào như mưa. Đíchsơn và Ecquyn tha hồ bắt và bỏ đầy thuyền. Cào cào rang lên ấm thơm và bùi, có thể dùng làm lương thực trong nhiều ngày.

Thuyền cứ đi mãi không biết bao giờ đến đích. Nỗi lo buồn hiện ra trên nét mặt mọi người. Ngày 14 tháng bảy, Giắc đang ngồi ở mũi thuyền chơi, nhìn phía chân trời trước mặt, có một vũng nước bạc loang loáng, em liền kêu lên:

- A! Biển kia rồi!

Đíchsơn giật mình, chạy ra xem rồi nói:

- Đó là một con sông cái chảy về phía tây. Con sông nhỏ ta đang đi chỉ là một phụ lưu của con sông cái đó.

Bà Uynxton nói:

- Cầu trời cho ta chóng đến nơi!

Đíchsơn nói:

- Có lẽ đúng. Nếu là sông Giai hay sông Congo thực thì chỉ còn ít ngày nữa là đến miền hạ lưu. Nơi đây không vắng vẻ nữa mà có các thị trấn của người Bồ Đào Nha.

Trong những ngày 15, 16, 17 và 18 tháng bảy, thoát ra khỏi con sông nhỏ và miền đất cằn khô, con thuyền đã ra được dòng nước bạc thênh thang. Không còn mấy ngày nữa là những người sống sót của thuyền Hải Âu sẽ chấm dứt cuộc đời phiêu lưu của họ. Nhưng trong đêm 17 tháng tám, một biến cố xảy ra suýt làm thiệt mạng cả đoàn.

Lúc đó, vào khoảng ba giờ sáng, có tiếng ầm ĩ ở phía tây đưa lại. Không hiểu là tiếng gì, Đíchsơn gọi Ecquyn đến nghe kỹ xem tiếng động ở đâu phát ra. Đêm yên lặng, tĩnh gió.

Ecquyn lắng tai một lúc rồi mừng rỡ:

- Đó là tiếng biển động.

Đíchsơn lắc đầu, đáp:

- Không phải!

Ecquyn nói:

- Đúng là tiếng biển!

- Chúng ta đợi đến sáng xem mới biết được.

Ecquyn trở lại chỗ lái thuyền, Đíchsơn vẫn ngồi ở đầu thuyền nghe ngóng. Mỗi lúc tiếng động càng to làm cho chú thêm nóng ruột.

Trời sáng nhanh, gần như không có bình minh. Đằng trước thuyền, cách chừng nửa dặm trên mặt sông nổi lên một đám xanh xanh như mây. Nhưng không phải là mây, có lẽ là hơi nước chăng? Đúng vậy, vì khi mặt trời bắt đầu hiện ra, những tia sáng xuyên qua đám hạt nước nhỏ đó phản chiếu thành một vòng rất đẹp, mọc từ bờ bên này sang bờ bên kia.

Đíchsơn kêu:

- Ecquyn, lái thuyền vào bờ mau, có thác lớn! Những đám xanh xanh kia là do nước trên cao đổ xuống mạnh quá tan thành vụn bụi nước bay vọt lên không. Vào bờ mau.

Đíchsơn không nhầm. Cách đó độ nữa dặm, dòng sông đang chảy trên cao bỗng đổ xuống chỗ thấp chừng bốn mươi thước thành một thác nước hùng vĩ. Thế là chỉ còn một quãng nửa dặm nửa là con thuyền sẽ bị cuốn xuống vực sâu!

Chương 17

KẾT THÚC

Hai hôm sau – tức là 20 tháng bảy, đoàn Đíchsơn gặp một thượng đội đi thị trấn Embôm ở cửa biển Congo. Họ không phải là bọn buôn nô lệ mà là những thương gia lương thiện người Bồ Đào Nha, đi buôn ngà voi. Đoàn Đíchsơn được tiếp đã tử tế, nên phần chót của cuộc lữ hành được êm đẹp.

Gặp thương đội này thực là một dịp may hiếm có, nếu không thì đoàn Đíchsơn không sao đi bằng đường thủy được. Từ chỗ này đến biển, dòng sông là một chuỗi thác liên tiếp nhau, mà đi đường bộ, thế nào cũng bị những người ăn thịt sống bắt. Chứng cớ là bốn năm sau, một nhà thám hiểm đến vùng này đã đếm được sáu hai cái thác lớn nhỏ và ông cùng đoàn hộ vệ phải giao chiến với ba hai bọn người ở ven sông.

Ngày 11 tháng tám, bà Uynxton, Đíchsơn, Giắc, Ecquyn và Binđác về đến thị trấn Embôm. Nhân có chuyến tàu đi Panama, bà Uynxton và gia nhân xuống tàu và chẳng bao lâu thì tới địa phận Mỹ châu.

Một điện tín được gửi đi báo tin cho ông Uynxton biết.

Ngày 25 tháng tám, một chuyến xe lửa tốc hành đã đưa những người sống sót về. Ông Uynxton đã đứng sẵn ở sân ga. Tả làm sao được những nỗi vui mừng của gia đình Uynxton gặp nhau sau bao ngày nhớ thương lo lắng. Giá mà lúc này già Tôm cùng mấy người bạn của già cũng có ở đây thì vui biết mấy!

Ông Uynxton đã rõ những điều mà ông phải chịu ơn người da đen dũng cảm.

Trở về, Đíchsơn đi học ngay. Em Giắc đã được tám tuổi.

Đíchsơn hăng hái học tập, đến năm mười tám tuổi thì đỗ tốt nghiệp hạng ưu ở trường hàng hải. Đíchsơn được tập sự để sau này điều khiển hải thuyền Uynxton.

Mặc dù còn ít tuổi, Đíchsơn được mọi người yêu mến và có thể nói là kính trọng.

Chỉ có một điều làm Đíchsơn nghĩ đến luôn là già Tôm và các bạn da đen. Đó cũng là mối lo buồn của bà Uynxton.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Vì thế, bà Uynxton, Đíchsơn, và Ecquyn dùng đủ mọi cách để tìm cho ra tung tích của họ. Sau cùng, nhờ những bạn hàng của hãng hải thuyền Uynxton, họ được biết nhóm già Tôm đã bị bán sang tân đảo. Đíchsơn định bỏ ra số tiền dành dụm của mình để chuộc họ, nhưng bà Uynxton đã nhờ một người bạn hàng ở đó điều đình giúp và ngày 15 tháng mười một 1877, bốn người da đen gõ cửa nhà bà.

Đó là già Tôm, Pát, Antôn và Ốttanh. Bốn người bị nghẹt thở trong vòng tay thân yêu của những người bạn bấy lâu thương nhớ.

Chỉ còn thiếu có u già Năng và con Đinhgô, nhưng biết làm sao được!

Ngày hôm đó, nhà ông Uynxton mở tiệc linh đình. Ly rượu thứ nhất bà Uynxton thay mặt cho đoàn thủy thủ và hành khách chúc mừng Đíchsơn “Thuyền trưởng mười lăm tuổi” của thuyền Hải Âu, trong những tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô nồng nhiệt của mọi người.

Thc hin bi
nhóm Biên t
p viên Gác Sách:
Mai – Pô Pô – Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Ch
nh sa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3