Dấu vết của mẹ - Chương 07 - 08

Chương 7: Của mẹ đây, của mẹ đây, của mẹ đây

Với mẹ mọi chuyện đã chẳng dễ dàng gì. Trước khi sinh tôi, mẹ phải chuyển đến ở với bà cô sống ở Muranow. Ông bà cho là như thế sẽ tốt hơn. Bà cô đã già rồi và mọi người ai cũng chỉ chờ bà chết. Còn nhà, một căn hộ độc thân nhỏ không có bếp sẽ được sang tên cho mẹ khi nào bà mất. Giường của tôi nằm sát tường ngăn giữa phòng ở với phòng tắm, ngay bên cạnh là giường của mẹ, ở một góc khác là chỗ ngủ của bà, phía trên là tượng Đức Mẹ cao nửa mét. Cái máy giặt frania ở phía ngoài sảnh, còn cửa phòng tắm thì có thể nói là không có vì không biết mở ra chỗ nào. Thay vì cửa là một tấm rèm màu xám, loại kéo đi kéo lại được. Bát đĩa bẩn được rửa ở lavabô, còn tắm thì chúng tôi dùng một cái chậu to.

Như vậy quả là không dễ dàng gì đối với mẹ. Ban đêm mẹ phải thức vì tôi khóc. Tôi khóc thét lên. Mẹ phờ phạc dậy ra chỗ tôi, bế tôi, ôm tôi. Một tay bế tôi, tay kia hâm sữa, loại sữa mua bằng tem phiếu. Đồng hồ chỉ hai giờ. Bà cô thức giấc, càu nhàu:

- Chả nhẽ cái con bé này cứ phải khóc thế mới được à?

Sau mấy tuần đấu tranh nội tâm, tôi quyết định gọi điện cho Adam. Đúng thời gian tôi ngừng dùng “tăng tốc”, tôi đã sạch sẽ được hai tuần và mọi chuyện bắt đầu ổn.

Ngày dài hơn, ban đêm nghe thấy tiếng kêu của những chú mèo tháng ba. Tôi đến Smyk và chọn một cái chăn cho con gái của Adam. Loại nhung lông, thật là mềm…

Adam đã thành một ông bố và một ông chồng hạnh phúc. Vợ cậu ta, Natasa có một vẻ đẹp tuyệt vời. Chưa bao giờ tôi gặp một phụ nữ đẹp kỳ lạ như vậy. Cô ta có bộ ngực khổng lồ căng mọng sữa, cặp mông tròn trịa, tóc đen nhánh. Nhìn cô ta thật ngọt ngào và cô ta nói với trọng âm Pháp.

Tôi không có khái niệm cô ta thực sự là người gốc ở đâu. Chắc là vùng Marquez của Macondo hoặc là từ thiên đường.

Con gái Alicja của họ trông như một con chim non nhăn nheo. Có đôi mắt to và mái tóc sẫm. Bé hầu như không khóc, chỉ nhìn một cách sắc sảo. Một em bé không có khả năng tự vệ.

Nếu nói về đề tài vĩnh cửu hay thoảng qua thì dứt khoát đứa trẻ là vĩnh cửu. Và bất tử.

Adam đảm bảo là sẽ sống mãi bởi có sự tồn tại của con chim non này.

Đứa con là sự hiện thực hóa.

Sự bổ sung.

Và sự làm đầy.

Là sự kết nối hai thế giới riêng biệt.

Là dấu cộng.

Là nhãn hiệu được đưa ra bất thình lình không câu hỏi.

Là sự soi rạng của Chúa…

Bà cô chẳng hiểu gì về con trẻ. Bà chưa bao giờ có con và cũng không thích con người khác. Bà chưa từng một lần mang thai. Bà cũng có chồng được vài năm - một tay thợ cạo, một tên nịnh đầm mà phần lớn thời gian của lão là ở trong các quán rượu cùng với những phụ nữ với danh tiếng rất đáng ngờ.

Đáng tiếc là bà cô không cho phép lão được hưởng niềm vui giường chiếu với vợ, thế nên kẻ tội nghiệp đành phải tìm thú vui cho mình ở chỗ khác. Trong khi đó thì bà cô nằm dưới bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh để cho tiềm thức khát khao gặp được một người đàn ông đích thực, người biết cách cho bà ăn đòn một cách nghiêm chỉnh…

Nhưng đó chỉ là tiềm thức. Bẩn thỉu và tội lỗi. Mà bà cô thì lại muốn mình giống như Đức Mẹ. Hoàn hảo và trinh trắng.

Người đàn ông duy nhất trong đời bà là Đức Chúa Giêsu. Cho đến lúc chết bà cô vẫn chưa hề bị ai đụng tới.

Ba năm sau đám cưới thì chồng bà bị chết trong một tai nạn thảm khốc. Ông bị rơi vào gầm tàu điện cùng với một phụ nữ khoác áo lông chồn. Một phụ nữ hút thuốc lá bằng một cái tẩu dài và đi từ ổ điếm này đến ổ điếm khác bằng xe ngựa bốn bánh. Đó là những năm cuối của thập niên hai mươi.

Sau cái chết của lão chồng ngoại tình, bà cô vận váy góa phụ và không cởi ra cho đến tận Đại chiến thứ hai.

Bà không chỉ trích gì mẹ tôi, mà còn có phần thông cảm, bà cứ nhắc đi nhắc lại:

- Cần phải vác cây thánh giá của mình. Cháu hãy nhớ rằng Đức Mẹ Maria cũng đâu có chồng.

Tính cục cằn và tín ngưỡng cực đoan của bà cô làm mẹ rất khó chịu. Bà có khá nhiều tràng hạt, nến, ban thờ. Khi bị tôi đánh thức vào bốn giờ sáng, bà vừa khóc vừa vò tai giựt tóc. Khi lớn hơn thì tôi gào:

- Chúng ta dậy thôi, mặc quần áo thôi.

Tã được phơi trên lò sưởi điện. Mẹ giặt liên tục. Giặt, rũ, phơi. Và thành một vòng tròn như thế. Hết ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác. Tất cả chỉ có hai mươi cái tã. Vào những năm đầu của thập niên tám mươi, không thể mua được tã ngoài cửa hàng. Sau khi sinh, sản phụ nhận được một gói dành cho trẻ sơ sinh bao gồm hai mươi cái tã.

Và ngần ấy phải đủ. Mẹ giặt những cái tã ấy vào ban đêm.

Mùa hè thì mẹ phơi ngoài ban công. Một buổi sáng mùa hè oi ả nào đó, mẹ nhìn thấy chị hàng xóm ở ban công bên cạnh. Chị ta cũng đang phơi tã lót. Chỉ có điều là pampers. Tất nhiên là mẹ không biết pampers là cái gì, nhưng mẹ cũng hơi hơi có khái niệm về loại tã lót này nên hỏi:

- Sao chị lại giặt tã dùng một lần?

- Đây là đồ ngoại. Hàng Mỹ đấy. Không thấm nước, nhưng vẫn phải giặt.

Thực tế là như vậy. Hơi vô lý, hơi ảm đạm, nồng nặc mùi những bãi của trẻ sơ sinh và hỗn hợp sữa nhân tạo hâm nóng.

Cuộc đến thăm nhà Adam đã khiến tôi hoàn toàn suy sụp. Nhìn đứa bé của cậu ta tôi chỉ muốn khóc. Bé nhăn nheo và mong manh. Cái gì cũng bé tí tẹo. Những ngón tay, bàn tay, cái mũi bé tí xíu. Natasa cho bé bú.

Ngực cô ấy to như quả bóng bay, còn đứa trẻ được treo trên bầu ngực ấy thì mút dòng sữa truyền sự sống. Có một cái gì đó bóp nghẹt trong tôi. Tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ còn có thể có con được nữa. Mình sẽ vô sinh cho đến hết đời.

Adam tiễn tôi ra bến xe buýt. Tôi nhìn cậu ấy qua cửa kính xe. Adam cứ nhỏ dần nhỏ dần. Không biết cậu ấy có thấy tiếc những ngày xưa? Khi mà cậu ấy có thể ra khỏi nhà bất cứ lúc nào, lên tàu và đi đâu đó? Có thể không về nhà qua đêm mà không cần phải giải thích với bất cứ ai…

Tôi nghĩ rằng có lẽ mình hơi nhớ Adam.

Hình như người đàn ông đầu tiên là người mà ta nhớ cho đến hết đời. Hình như…

Dào ôi, thật vớ vẩn…

Khi đã lớn hơn một chút, tôi ngủ chung giường với mẹ. Mẹ ôm tôi, đặt tay lên bụng tôi và thầm thì: “Của mẹ đây, của mẹ đây, của mẹ đây”…

Tôi thầm thì lại với mẹ: “Của con đây, của con đây, của con đây”… và chúng tôi thiếp đi.

Khi ấy, mẹ là người đàn bà hạnh phúc nhất trên trái đất này.

Mẹ, mẹ, m-mẹ, của con, của con, con yêêê-u mẹ, mẹ, m-mẹẹ, coon yêêê - u, con yêu mẹ, của con, mẹ-của con, con yêu mẹ… con yêu mẹ… con yêu mẹ…

Bà cô bất thình lình qua đời. Đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ cái ngày hôm ấy. Tôi hơn hai tuổi một tí.

Khi đó đã xảy ra một điều gì đó rất lạ lùng. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy Đức Mẹ Maria. Đức Mẹ bay trên đám mây, còn tôi nhìn Đức Mẹ từ một quả khinh khí cầu. Maria to cao với một cái bụng lớn. Đó là một khoảnh khắc. Trò chơi của ánh sáng, một tia sáng và tôi nhìn thấy Đức Mẹ. Đức Mẹ cười với tôi, và tôi cười với Đức Mẹ. Một lúc sau thì Đức Mẹ biến mất. Đức Mẹ tan vào không khí.

Tôi cảm thấy là đã có một điều gì đấy không bình thường. Sau bữa trưa bà cô đi ngủ. Với tràng hạt trong tay. Và bà không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Mẹ hồi sinh sau cái chết của bà cô. Mẹ gói tất cả những đồ vật liên quan đến thần linh vào một cái hộp to rồi cho xuống tầng hầm. Rồi thông phòng.

Sau đấy một thời gian, có một ông bắt đầu lui tới nhà tôi. Ông tên là Victor. mang cho tôi một con vịt bông làm đồ chơi. Tôi chơi với con vịt bông, còn ông ngồi với mẹ trên đi văng, hôn cổ mẹ. Tôi thấy chuyện này khá là lạ lùng, nhưng còn chưa lạ bằng cái lần tôi tỉnh dậy và bắt gặp hai người đang ngủ cùng nhau. Khỏa thân, chăn dồn đống vào một góc giường.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một người đàn ông khỏa thân. Một trải nghiệm thật kinh khủng. Trước đó tôi đã biết là đứa con trai nào cũng có chim, nhưng tôi không nghĩ là trông lại như vậy. Khi ông ta về, tôi nói với mẹ:

- Mẹ ơi, con không thích chú ấy đến nhà mình và ngủ chung với chúng ta đâu…

- Sao thế? Con không thích chú ấy à?

- Con thích…

- Vậy thì…?

- Chú ấy cứ là lạ thế nào ấy… Chú ấy có cái gì ấy rất lạ…

- Cái gì?

- Ở trên người ấy… Con không biết… Thôi, không sao cả…

Chính là chú Victor đã mua piano cho chúng tôi. Chú ấy cùng với hai người bạn khiêng đàn lên tầng ba. Khi hai người kia đi rồi, chú Victor quì trước mặt mẹ và hỏi mẹ có đồng ý làm vợ chú không.

Mẹ bảo tôi xuống sân chơi. Lúc tôi quay lại, hai người thậm chí không biết. Họ ngồi trên đi văng. Nét mặt chú Victor buồn bã, còn mẹ bình tĩnh giải thích rằng bà không muốn phải ràng buộc mãi mãi, không muốn có con nữa, rằng như thế này là tốt lắm rồi.

- Nhưng em không thể sống một mình được. - Chú Victor cố thuyết phục…

- Em có sống một mình đâu…

- Anh muốn làm chồng em, muốn tạo dựng gia đình.

- Em đã có gia đình…

Chú Victor thu người lại đi ra và không bao giờ quay lại nữa. Cây dương cầm thì ở lại.

Sau chú Victor là chú Edward. Mẹ quen với chú ấy khi chúng tôi ăn kem trên Smyk. Lúc đó vào khoảng cuối tháng năm gì đó. Gần tết thiếu nhi.

Mẹ đưa tôi đi mua sắm, xong hai mẹ con vào quán cà phê ở tầng trên cùng. Chúng tôi gọi món tráng miệng. Được một lúc thì chú ấy ngồi vào bàn chúng tôi. Chú ấy tỏ ra rất dễ mến và hình như mẹ thích chú ấy thì phải.

Mấy hôm sau chú ấy đưa chúng tôi đi xem phim ở rạp “Mắt”. Đó là rạp phim nổi, ba chiều. Vào đó phải đeo một loại kính đặc biệt và tất cả diễn ra giống như thật. Tôi không thích phim ấy lắm. Phim nói về cá. Cá bơi ra khỏi màn hình còn xung quanh toàn nước là nước. Tôi hơi chán nhưng vẫn nói với chú Edward là phim hay lắm. Mẹ cũng vui. Sau đó chúng tôi đến Công viên Saski đi dạo. Mẹ gọi chú Edward là Ed.

Gọi tắt thế. Chú Ed không bao giờ ở lại nhà tôi qua đêm. Chú chỉ đến vào các ngày làm việc. Thường là vào buổi chiều. Khi muốn ở lại một mình với mẹ, thỉnh thoảng chú cho tôi mấy zloty. Những khi ấy tôi xuống cửa hàng mua nước táo. Loại trong hộp giấy. Nhỏ và có ống hút. Giá sáu zloty. Tôi vênh vang quay lại sân chơi với lũ bạn. Ít có đứa nào dám mua cho mình một hộp nước như thế. Đứa nào cũng chỉ uống nước cam trong túi bóng. Hồi đó tôi sáu tuổi và nhờ có chú Ed mà bỗng nhiên tôi trở thành cô bé được yêu thích nhất tại sân chơi.

Mối quen biết của mẹ với chú Ed kéo dài không lâu. Một hôm, lúc ở trong công viên, chúng tôi vô tình gặp chú. Chú đang đẩy xe nôi, một phụ nữ đi bên cạnh chú.

- Mẹ ơi, nhìn kìa, chú Ed.

Chúng tôi đi đến chỗ chú.

- Chào Ed. - Mẹ nói.

- Ed? - Người đàn bà kia ngạc nhiên.

Mẹ nhìn thấy chiếc nhẫn cưới trên tay cô ta. Rõ ràng là chú Ed rất bối rối.

- Ừ… Em biết không Hania, hồi xưa tụi anh học cùng trường… Hai người làm quen với nhau đi.

Mẹ chìa tay cho người đàn bà kia.

- Vậy ra chị cũng là người Poznan? - Vợ chú Ed hỏi mẹ.

- Không. Từ bé đến giờ tôi chỉ sống ở Vacsava… Tạm biệt anh chị. - Mẹ cắt ngang câu chuyện.

Và thế là kết thúc. Chú Ed không đến nữa.

- Mẹ ơi, chú Ed có đến nhà mình nữa không?

- Không đâu…

- Tại sao?

- Thôi, con có để cho mẹ yên được không?

Trong tình huống này, điều làm tôi buồn nhất là chẳng còn ai cho tôi sáu zloty để mua nước ngọt nữa…

Giờ đây mỗi khi nhớ lại chuyện này là tôi lại phân vân, tại sao lúc ấy mẹ không nói toạc ra: “Tôi là người tình của chồng chị. Anh ấy đến với tôi vào thứ hai và thứ sáu, trong khoảng từ 16g15 đến 18g20. Rất vui được gặp chị…” hoặc là một câu gì đó kiểu như thế. Mẹ có thể làm vậy, nhưng mẹ đã không làm. Đơn giản là mẹ quá kiêu hãnh trong chuyện này. Mẹ không quan tâm đến những chuyện giả dối tầm thường.

Sau cuộc gặp gỡ khó chịu ấy trong công viên mẹ rất chán nản.

Người mà mẹ vừa kịp tin tưởng đã phụ lòng tin của mẹ. Mẹ đã dâng hiến cho người ta toàn bộ con người mình, còn người ta thì đáp lại mẹ bằng dăm ba điều dối trá.

Chương 8: Giống nhau cả thôi

Trời ấm lên. Tuyết tan. Những đống băng đen xỉn chảy theo các con phố. Đất rã băng. Những bầy chim lạnh cóng tản ra. Mùi khó chịu trước mùa xuân. Những người đàn bà cố giữ thăng bằng trên bậu cửa sổ để lau kính. Đàn ông lăng xăng với những bông tuylíp héo. Có lẽ sắp đến Ngày Phụ nữ…

Tôi không biết, tôi không quan tâm đến chuyện đó. Những gã vô công rồi nghề đứng dưới sân vừa hút cần sa vừa nói về âm nhạc. Trẻ con nô đùa ầm ĩ trên đu.

Lũ mèo giao hoan và rên rỉ. Chúng đi vào đêm. Meooooooo, meoooo, meoo. Nhiều khi tiếng kêu của chúng biến thành âm thanh giống như tiếng khóc trẻ con.

Giấc ngủ đến thật muộn hoặc là tuyệt nhiên không đến. Tôi xem phim trên chương trình “Tôi yêu điện ảnh”, sau đấy chuyển sang kênh Arte của Pháp, còn sau nữa thì chỉ có thể xem ống khói trên RTL (một kênh truyền hình của Đức) hoặc là màn hình chuẩn. 4g15. Bao giờ ngày mới thức dậy đây? Tôi chỉ ước gì đã là ngày mai…

Milena đến thường xuyên. Nó hay mang cho tôi những đồ lót hay hay từ Galeria Centrum. Những thứ mà nó không bán được trên sân vận động. Chỉ một cái phẩy tay nó đã có thể cuỗm được bộ đồ giá cả ngàn zloty. Nó là một người hoàn hảo. Không ai có thể nghĩ rằng cô bé với gương mặt thiên thần ấy lại có thể là một con ăn cắp.

Thỉnh thoảng nó lấy từ cửa hàng về những đồ mỹ phẩm dùng để thử. Những lần ấy chúng tôi có cả một tối rất trịnh trọng. Ăn mặc đẹp, trang điểm nghiêm chỉnh và đi phố. Chúng tôi đến Pizza Hut, gọi một salát to đùng, chén xong thì chạy không trả tiền. Khi không muốn ăn nữa thì chúng tôi gọi cà phê với váng kem lạnh trong một quán cà phê ấm cúng nào đấy. Và khi ấy thật dễ chịu.

Chúng tôi nói chuyện, cười.

Như hồi nào. Chỉ có những cặp mắt là khác…

Tôi lại đến nhà Adam. Con gái cậu ấy thơm mùi hạnh nhân và sữa.

Bé có ngấn ở cổ, và mùi thơm kia tỏa ra chính từ đó. Thật khó tả. Làm người ta chỉ muốn ăn.

Khi lại gần đứa bé sơ sinh ấy, tôi cảm nhận một năng lượng nào đấy. Một sức mạnh… Tôi cũng không biết, tôi không hiểu vì sao.

Bé gái tên là Alicja - có nghĩa là đến từ Xứ sở Diệu kỳ.

Natasa chỉ cho tôi xem hình ông sao trên bụng cô ấy, có từ sau khi mang thai. Chỗ dưới rốn.

Cô ấy bảo rằng đó là dấu vết của đứa con.

- Mẹ ơi, có phải đàn ông đều giống nhau và họ chỉ nghĩ đến mỗi một chuyện?

- Mẹ cũng không biết nữa, mẹ có biết hết đàn ông đâu.

- Thế còn những người mà mẹ biết?

- Những người mà mẹ biết thì đúng là như vậy.

Sự thật đúng như thế cho đến khi chú Albert xuất hiện. Chính là tôi biết chú ấy trước. Đúng hơn là chú ấy biết tôi. Đơn giản là chú ấy gặp tôi trên phố và nói rằng chú ấy là người chụp ảnh. Chú hỏi tôi có muốn để chú ấy chụp cho vài kiểu ảnh không. Tôi đồng ý. Dạo ấy tôi mười ba tuổi hoặc gần gần thế. Tôi không nhớ chính xác, nhưng chú Albert đã tạo cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. Chúng tôi vào công viên, sau đó chú lấy số điện thoại của tôi. Tôi rất sung sướng và bắt đầu mường tượng ra cảnh chẳng bao lâu nữa tôi sẽ là một người mẫu nổi tiếng.

- Người chụp ảnh ấy là ai thế? - Mẹ hỏi. - Từ đâu mà con quen anh ta?… Con cẩn thận đấy nhé, làm sao mà biết được anh ta là người thế nào…

Mấy hôm sau thì chú ấy gọi điện đến bảo là có mấy cái ảnh dành cho tôi.

Mẹ giật ống nghe và nói rằng nếu muốn đưa ảnh thì chú ấy có thể đến nhà. Mẹ cho chú địa chỉ và kết thúc câu chuyện.

- Mẹ ơi, sao mẹ lại làm thế? Chú ấy muốn gặp con cơ mà. Con không thích chú ấy đến nhà mình. Con thích chú ấy đưa con đến quán cà phê cơ.

- Nhưng mẹ không muốn để cho một tên cướp đưa con ra nước ngoài. Nếu là người tử tế thì anh ta hãy đến đây, mặc dù mẹ rất nghi ngờ điều này…

Chú Albert đến. Cho xem ảnh. Nói chuyện với mẹ rất lâu. Thứ bảy sau đó chú đưa chúng tôi đến một lâu đài nhỏ gần Vacsava. Lâu đài hóa ra chỉ là một phế tích nằm gần một vùng đầm lầy. Mẹ phấn khởi lắm.

Chú Albert cho chúng tôi mặc những cái váy kiểu cổ, dài, có đăng đen và xếp nếp. Chú đưa cho mẹ một cái mũ có vành, còn tôi thì đội một bộ tóc giả xoăn tít. Chú bảo chúng tôi đứng trên nền đám nho dại rồi bắt đầu chụp. Sau đấy chú đổ hạt dẻ ra, rồi lại ôm đến bao nhiêu là lá nửa vàng nửa xanh rồi bảo chúng tôi lăn trên đám lá đó.

Khi mặt trời lặn thì chúng tôi vào trong nhà. Lâu đài ở trong tình trạng không được tốt. Có hai phòng được bày biện, phần còn lại không ai sử dụng đến. Không có cửa sổ, nóc bị dột, còn nền nhà thì đầy gạch vụn.

Có ba con chim bồ câu đậu trên xà phía dưới trần nhà.

- Chỗ này đẹp quá… - Mẹ nói.

Chú Albert lấy trong ôtô ra bánh pizza nguội, thắp nến và mở một chai vang.

- Mọi người ở lại đêm nay chứ?

Kể từ lúc đó, mẹ như bị bỏ bùa mê…

Chúng tôi ở lại. Tôi ngủ ở phòng riêng, trong một chiếc giường có màn che.

Tấm màn này là một mảnh đệm màu xanh thẫm, căng giữa bốn thanh xà. Chiếc giường kêu cót két và có mùi rất đặc trưng của đồ gỗ cổ. Lúc tôi dậy và ra sân thì bắt gặp mẹ đang ngồi trên bậc thang trước nhà.

- Chào mẹ, mẹ thế nào?

- Điều mà có lần mẹ nói với con về đàn ông ấy, không đúng đâu. Không phải tất cả họ đều giống nhau.

Và chuyện đã xảy ra.

Mẹ đã yêu. Bằng tai. Chú Albert cũng thế. Có lẽ…

Mẹ bắt đầu về nhà muộn. Hồi đầu tôi rất ghét mẹ vì chuyện đó. Tôi ghen. Tôi khó chịu vì thứ bảy chủ nhật nào chúng tôi cũng đi với chú ấy. Nhưng một thời gian sau, thay vì đi cùng họ thì tôi ở lại nhà. Tôi có thể làm những gì mình thích. Tôi rủ các bạn gái ngủ lại. Sau đấy đám bạn gái được tôi thay bằng bạn trai. Mẹ chẳng biết tí gì. Còn tôi tự trưởng thành. Tôi thử nghiệm với ma túy, nhận biết cơ thể mình. Lần đầu tiên thật thất vọng. Biết làm sao được, hình như vẫn thường xảy ra như vậy. Nhưng lần đầu tiên của lần thứ hai cũng chẳng hơn gì. Có lẽ vì khi đó chúng tôi nướng hơi quá.

Lần đầu tiên của lần thứ ba thì thật tuyệt vời. Tiếc là lần thứ ba chỉ xảy ra đúng một lần, cậu ta không muốn gặp tôi thêm nữa.

Tôi muốn kể với mẹ chuyện này, nhưng hình như mẹ không có thời gian cho tôi. Mẹ đang trải nghiệm tình yêu lớn của mình. Còn tôi trải nghiệm lần thất tình đầu tiên …

Thường thì thế này, người đàn bà đáp lại sự đụng chạm của đàn ông bằng tình cảm. Tại khoảnh khắc đỉnh điểm và trong lúc sinh nở, não của phụ nữ tạo ra cùng một loại hoóc môn đảm trách sự gắn bó. Khi người đàn bà làm tình với người đàn ông và cảm thấy thích, chị ta sẽ bị nghiện anh ta về mặt tâm lý. Đó là sự tinh vi của tự nhiên, nó ban cho giống đực lợi thế và quyền lực.

Đêm nào tôi cũng mơ thấy sông. Một dòng sông khô cạn phủ đầy bọt xám. Tôi bơi ngược dòng. Xung quanh tôi là những con cá chết phơi bụng lên trời. Việc giải thích giấc mơ này như phản ánh sự bế tắc là quá đơn giản. Ở đây muốn nói đến một cái gì đó khác hơn.

Tôi nghĩ rằng ý nghĩa thực sự của nó là: im lặng cũng có nghĩa là dối trá…

Tôi lại xài “tăng tốc”. Nhiều. Lại không ngủ, không cảm xúc. Lại thấy ổn và nhẹ nhàng. Tôi nghĩ: Chỉ một chút nữa thôi, chỉ một lần nữa. Căn nhà trống rỗng. Bụng trống rỗng. Tôi không có ai. Thậm chí là bản thân mình. Một trạng thái vô cảm. Nhưng kể cả thế cũng đâu có gì quan trọng. Giờ đây quan trọng nhất là thoát khỏi những giấc mơ kia.

Những cái đầu cá bơi quanh tôi ấy. Và sau đấy tất cả sẽ tốt đẹp…

Thỉnh thoảng Pavel đến. Gần đây hắn cũng xài nhiều. Hắn mang băng cát-sét đến và chúng tôi xem cho đến sáng. Bắn giết, máu, sex. Tôi chán cái thể loại điện ảnh được gọi là nghiêm túc. Hàng ngày người ta nhìn thấy quá nhiều những thứ đó. Gần đây tôi thích tốc độ. Đua xe, ôtô…

Và cứ như vậy cho đến sáng. Khi bộ phim cuối cùng và những hàng chữ cuối cùng kết thúc, tôi nhìn vào màn hình trống. Tôi cứ nhìn trân trân vào cái màn hình khốn kiếp với bộ điều khiển từ xa trong tay và cái gạt tàn đầy đầu mẩu thuốc lá. Tôi nhìn xuyên qua màn hình. Nhìn ra phía sau màn hình. TV vỡ tung ra thành từng mảnh. Một mảnh thủy tinh cắm vào tim tôi. Tôi sợ hãi nhìn vào góc phòng. Tôi sợ những cái bị TV che khuất. Cái đang rình rập tôi ở góc phòng. Tôi sợ chính mình. Chính mình bị bỏ rơi…

Và tuyết lại rơi. Lại một màn trắng. Mùa đông đó là mùa của “tăng tốc”. Những đêm trắng, dài, có biết bao việc để làm. Ví dụ như đan áo. Ví dụ như… Hoặc là chải tóc rụng trên thảm. Cũng có thể viết đầy một quyển vở trăm trang, chỉ để viết thế thôi. Tôi nghĩ là tôi có được sự tĩnh tâm. Một cái gì đó ở mức độ cao hơn tiềm thức. Những thèm khát của thân xác tôi đã giảm xuống mức tối thiểu.

Màn trắng lấp đầy tâm trí tôi. Cuối cùng tôi lại tinh khôi…

Hình như mũi tôi dài ra. Và nụ cười méo mó. Có lẽ vì dối trá.

Tôi mơ thấy giết người. Tôi tự giết mình. Có nghĩa là có hai chúng tôi. Tôi và tôi.

Tôi giết cái con bé tôi thứ hai ấy. Rồi chia nó ra thành những mảnh nhỏ và giấu dưới gầm giường. Tôi gói những mảnh của mình vào túi nilon rồi mỗi ngày vứt đi một túi. Và cứ như thế suốt một năm trời. Tôi bị chia nhỏ ra thành ba trăm sáu mươi lăm mảnh.

Ngày tròn trăng của tháng tư. Vào ngày trăng tròn, tim đập nhanh hơn. Mạnh hơn. Vội vã đi đâu đó một cách mù quáng. Về phía trước. Vào ngày tròn trăng, những giấc mơ thật mềm mại. Những cái vòi trơn tuột của đêm bạch tuộc. Tôi thả luồng gió xuân vào phòng. Lại có thể uống rượu vang ngoài ban công. Mở máy nghe đĩa vào hai giờ sáng. Mở một chai rượu vang và suy ngẫm cho đến sáng. Và sau đó thì tắt. Mình. Khỏi cái đó.

Cũng có thể xoay quanh trục của chính mình. Xoay vòng tròn và ngã xuống đất, thấy trời quay quay trong mắt. Và sẽ tốt đẹp…?

* * *

Milena thôi. Không phải từ ngày mai. Mà từ hôm nay. Nó thậm chí có cả thuốc. Có một ai đó đã cho nó. Cái người đã không cai được, đã không chịu nổi. Hình như rất khó có thể chịu đựng được. Nó bảo tôi không được cho nó ra ngoài. Mà lúc nào cũng phải ở cạnh nó.

Tôi đã luôn ở cạnh nó. Tôi tìm được một loại thảo mộc. Tôi cũng không biết đây có phải là cách tốt không. Chúng tôi nói với bố mẹ nó và mẹ tôi là chúng tôi đi nghỉ mồng một tháng năm ở Núi Thánh.

Milena ngủ. Nó thở chậm. Tôi kiểm tra mạch của nó. Tôi rất lo cho nó.

Milena dậy. Nôn ra giường. Giở mình sang phía kia. Rồi ngủ tiếp. Tôi thay ga trải giường và đắp chăn len cho nó.

Milena lại thức giấc. Nó uống ba viên hydroxyzyn, hai viên nitrazepan, hai xanax. Nó bò sang phòng tắm. Mang ra cho tôi một gói nhỏ.

- Mình cầm lấy… hủy đi, - nó nói - để người ta không còn liên tưởng đến cái gì nữa…

Tôi khuyên nó nên ăn một chút gì đó, nhưng nó không muốn. Nó nằm co ro trên đi-văng. Gác chân lên tường. Toát mồ hôi nhưng lại run như là bị rét.

- Mẹ kiếp. Nếu mà người ta nói hết với tụi nó, thì chắc là tụi nó đã tìm được cho người ta thuốc giải độc. Ba ngàn, nhưng mình ngủ suốt. Chẳng cảm thấy gì…

Milena quằn quại vì đau. Vùi mặt vào gối khóc.

- Được bao lâu rồi? Con ngươi của người ta có bình thường không…? - Nó hỏi tôi.

Tôi nhìn vào mắt nó.

- To. Đặc biệt to…

- Được bao lâu rồi?

- Hai ngày…

- Mẹ kiếp… Mới có hai thôi à?… Cho người ta thêm xanax đi. May ra sẽ ngủ được…

Nhưng nó không ngủ được. Nó trằn trọc trong chăn. Giở mình hết bên này sang bên khác. Nó rên rỉ và lẩm bẩm gì đó. Có lẽ là những lời nguyền rủa.

- Anka, mình thức suốt à? Mình có ngủ không?

- Không, người ta không ngủ.

- Mình đã hít bột chưa?

- Mình thôi đi.

Milena không từ bỏ ý định.

- Cho người ta một ít thôi. May ra sẽ qua nhanh hơn.

- Milena, mình thôi đi. Người ta chẳng có gì hết. Mệt chết người đây này. Người ta đi ngủ đây. Chúc ngủ ngon.

Tôi khóa trái cửa. Cất chìa khóa. Cho Milena uống hai viên tranxen, ba mefacit, một hydroxyzyn và hai viên vitamin tổng hợp. Cho nó nhiều viên hơn… Tôi nghĩ là thế này thì Milena sẽ dịu bớt và yên hơn. Còn tôi thì nằm ngủ trên tấm đệm đặt ở góc phòng đằng kia.

Tiếng động từ trong bếp làm tôi tỉnh giấc. Milena nằm trên sàn nhà. Chắc là nó bị ngã. Tay cầm ống nghe điện thoại. Nó gọi cho người bán. Tôi giằng ống nghe và nghe thấy giọng nói quen thuộc của Pavel.

- Cậu đừng đến đây được không. Bọn mình đang cai. - Tôi nói.

Tôi giúp Milena dậy. Nước mắt nó ngân ngấn. Toàn thân run rẩy.

- Người ta không chịu nổi nữa đâu. Không thể.

- Không được. - Tôi nói. - Mình phải chịu và không được gọi đi đâu hết. Được gần ba ngày rồi cơ mà.

- Vào đây, người ta bật phim cho mình xem…

Tôi bật phim. Mang nước trái cây cho nó. Trông nó tội nghiệp quá. Một cô gái bé teo với khuôn mặt thiên thần. Tôi ôm nó. Ngửi thấy toàn mùi ma túy, mồ hôi, thuốc và đủ thứ kinh tởm khác. Nhưng tôi không tránh ra. Tôi ngồi trên đi-văng với nó và tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, rằng chúng tôi sẽ thành công. Tôi mong muốn biết bao rằng đó sẽ là sự thật. Milena run rẩy, nguyền rủa, khóc. Giở mình hết bên nọ sang bên kia. Cuối cùng, quá mệt, chúng tôi thiếp đi.

Khi tôi tỉnh dậy, đã một giờ chiều. Thấy thiếu Milena. Không có nó trong phòng. Tôi chạy vào phòng tắm, rồi xuống bếp. Chìa khóa nằm trên bàn. Cửa nhà để mở… Không có gì hết. Không một mẩu giấy, không một tin để lại. Thuốc vẫn đấy. Cái ba lô nằm trên nền sảnh. Không đóng. Năm mươi zloty cuối cùng của tôi trong ví đã biến mất…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3